Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MỐI TÌNH CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG VỚI NGUYỄN DU

TRỞ LẠI MỐI QUAN HỆ TÌNH CẢM CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG VỚI NGUYỄN DU

                                          PGS.TS. Vũ Nho

Tham luận Hội thảo  Nguyễn Du Hồ Xuân Hương do VIỆN NGHIÊN CỨU DANH NHÂN sắp tổ chức tháng 10 năm 2024

v_nho_nguyn_kh

          Đôi lời dẫn nhập

          Trước khi nói về mối quan hệ giữa hai người, cần thừa nhận Hồ Xuân Hương, tác giả của thơ Nôm truyền tụng và Hồ Xuân Hương, tác giả của Lưu hương kí là một người. Vì sao đây là một người? Câu chuyện rất dài! Nhưng mọi người đều biết Hồ Xuân Hương lấy chồng lần thứ 2 là lấy ông Tham hiệp trấn Yên Quàng Trần Phúc Hiển. Người này đã đưa bà về nơi trị nhậm và Hồ Xuân Hương đã viết nhiều bài thơ chữ Hán về vùng biển Yên Quảng có trong Lưu hương kí. Điều mà các học giả băn khoăn nhất là:  Nếu 2 bà Hồ Xuân Hương là một người, tại sao Hồ Xuân Hương tự chọn thơ mình, nhờ  bạn Tốn Phong viết lời tựa, nhưng hầu như không có thơ Nôm mà Landes đã sưu tầm? TS Đào Thái Tôn đã lí giải trong sách của ông nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Chúng tôi đã căn cứ vào bài tựa của Tốn Phong để khẳng định rằng, với những tiêu chí mà người chọn thơ và người viết tựa đã thống nhất, chắc chắn những bài thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương sẽ KHÔNG THỂ có mặt. Dù các bài đó không có mặt, nhưng các bài thơ khác vẫn mang tinh thần Hồ Xuân Hương thông thái, mạnh mẽ, quyết liệt. Vì coi Hồ Xuân Hương trong thơ Nôm mà Landes sưu tầm với Hồ Xuân Hương, tác giả Lưu hương kí là một người, nên mới có thể xem xét bài thơ Cảm cựu kiêm trình cần chánh học sĩ Nguyễn hầu   của Hồ Xuân Hương liên quan tới mối tình của hai người. Và cũng chính vì  hai  Hồ Xuân Hương là một nên ngoài danh hiệu bà chúa thơ Nôm, chúng ta có thêm một Hồ Xuân Hương cũng rất cao cường trong thơ chữ Hán!

                                                      *

                Dựa vào tài liệu công bố của GS. Hoàng Xuân Hãn,  và nhiều tài liệu khác, chúng ta biết được Hồ Xuân Hương đã giao du với một số danh sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Trong số đó có cả nhà thơ Nguyễn Du. Không rõ Nguyễn Du có làm bài thơ nào xướng hoạ với nữ sĩ hay không. Nhưng GS. Hoàng Xuân Hãn ước đoán khi hai người gặp gỡ, giao lưu thì vào khoảng 1792 – 1795. Khi đó Nguyễn Du khoảng 27 - 30 tuổi, còn Xuân Hương chừng 19 – 22 tuổi. Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, có 3 bài nói về phụ nữ ở Thăng Long, trong số đó có “Điếu La Thành ca giả”, “Mộng đắc thái liên” (5 bài nhỏ cùng tên), và “Long Thành cầm giả ca”. Có vẻ như cô gái trong chùm bài này là Hồ Xuân Hương, khi đó là một người đẹp trẻ trung,  xinh xắn, vui tươi:

          Mộng đắc thái liên

          (Chiêm bao được hái sen)

          I.Khẩn thúc phù điệp quần

          Thái liên trạc tiểu đĩnh

          Hồ thủy hà xung dung

          Thủy trung hữu nhân ảnh

          Thắt chặt quần cánh bướm

          Hái sen thuyền nhỏ bơi

          Nước hồ sen trong vắt

          Trong nước có bóng người.

                     (Đào Duy Anh dịch)

          III. Kim thần khứ thái liên

          Nãi ước đông lân nữ

          Bất tri lại bất tri

          Cách hoa văn tiếu ngữ

          Sớm nay đi hái sen

          Hẹn với cô nhà bên

           Đến lúc nào chẳng biết

          Cách hoa nghe cười lên

                   (Đào Duy Anh dịch)

  1. Cộng tri lân liên hoa

          Thùy giả lân liên cán

          Kỳ trung hữu chân ti

          Khiên liên bất khả đoạn

          Hoa sen ai cũng ưa

          Cuống sen nào ai thích

          Trong cuống có tơ mành

          Vấn vương không thể dứt

                  (Phạm Khắc Khoan – Lê Thước dịch)

Phải chăng đây chính là điều mà sau này Nguyễn Du viết trong “Truyện Kiều”:

                 Tiếc thay chút nghĩa cũ càng

                  Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Một người tài tình như Nguyễn Du, một người xinh tươi, trẻ trung,  hay chữ như Xuân Hương khó mà không cảm nhau, vấn vương nhau không thể dứt!

  1. Hoàng Xuân Hãn bình luận : “Tuy bút chứng không muốn trỏ là ai, nhưng lấy mọi bằng chứng mà suy, thì tôi đoán đó là Xuân Hương, có lẽ là hơp lí.

          Dẫu sao, nếu Hầu còn quen một cô gái Hồ Tây nào khác nữa, thì tình duyên giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương vẫn là có thật. Nó kéo dài ba năm vẹn theo lời Xuân Hương, mà nàng than là ngắn ngủi không tiếng dội”. ( Dẫn từ  Đào Thái Tôn - Hồ Xuân Hương  tiểu sử văn bản tiến trình huyền thoại dân gian hóa, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr.229).

          Chúng tôi xin lưu ý rằng GS. Hoàng Xuân Hãn và cả TS. Đào Thái Tôn đã bỏ qua một chi tiết hết sức quan trọng khi bình luận về 5 bài “Mộng đắc thái liên” của Nguyễn Du cùng với bài thơ của Hồ Xuân Hương viết cho Nguyễn Du. Khá chắc chắn  rằng khi Nguyễn Du cùng Hồ Xuân Hương hái sen, Tiên sinh đã làm bài “Mộng đắc thái liên” gửi người mình yêu mến. Và chúng tôi đoán rằng Nguyễn Du đã kín đáo tặng gương sen cho nàng nên viết “ Hoa dĩ tặng sở úy/ Thực dĩ tặng sở liên – Hoa để tặng người mình sợ/ Gương để tặng người mình thương”.  Vì có tặng bài “ Mộng đắc thái liên” cho nàng, bởi thế cho nên khi Xuân Hương viết cho Nguyễn Du về sau này, nàng đã kín đáo và khéo léo nhắc lại  Mộng ở “Mộng đắc thái liên” trong câu thơ “ Giấc Mộng rồi ra nửa khắc không” về chuyện tình của hai người.

          Dưới đây là bài thơ của Hồ Xuân Hương viết về Nguyễn Du:

                   Cảm cựu kiêm trình cần chánh học sĩ Nguyễn hầu (1)

                                                      ( Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân)

                   Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ thương

                   Mượn ai tới đấy gửi cho cùng

                   Chữ tình chốc đã ba năm vẹn

                   Giấc mộng rồi ra nửa khắc không

                   Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập

                   Phấn son càng tủi phận long đong

                   Biết còn mảy chút sương siu mấy (2)

                   Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong

TS Đào Thải Tôn chú:

  1. Nhớ bạn cũ, viết gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu
  2. Sương siu mấy. Ba chữ này từ lâu đều được phiên âm là “ sương đeo mái”. Nay phiên theo GS. Hoàng Xuân Hãn. Xem thêm về sự phiên âm ba chữ này ở phần chuyên luận. ( Vũ Nho chú - GS Hoàng Xuân Hãn giải thích rằng Trần Thanh Mại và Nguyễn Lộc đều đã phiên âm “sương  đeo mái”. Hồ Tuấn Niêm chữa âm đeo ra treo. Cả hai thoại đều vô nghĩa hoặc phải ép nặn mới hơi có nghĩa.  Đây là thành ngữ cổ, chữ Nôm có thể đọc là “sương siêu” hay “sương siu”. Căn cứ vào 3 ví dụ GS đã gặp trong Thiên Nam Ngữ lục và tuồng Thù Thế Tân Thanh, theo ý mà suy, sương siu nghĩa là bịn rịn).

Kèm theo là lời bình của GS Hoàng Xuân Hãn:

Trong đề mục, gọi Nguyễn Du là Hầu Cần Chánh. Vậy thơ này làm sau tháng 2 năm Quý Dậu ( 1813).

Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cho biết rõ rằng, mùa đông năm trước, Nguyễn Du được triệu từ Quảng Bình về Huế, tháng hai năm sau, được thăng Cần Chánh điện học sĩ, rồi được chọn làm chánh sứ đi tuế cồng triều Thanh. Có lẽ tin này đồn đến Thăng Long đã nhắc cho Xuân Hương nhớ chàng năm xưa  từng đã dan díu với mình trong ba năm rồi vào kinh tuyệt không tin tức. Nay được vinh dự ra đi sứ mà mình số phận vẫn long đong. Nàng mừng cho Hầu và có lẽ ước thầm Hầu còn nhớ tình xưa và trên đường đi sứ qua Thăng Long, Hầu ghé bước lại nhà thăm hỏi kẻo ở Cổ Nguyệt đường nàng vẫn “ Năm canh chiếc bóng chong”. Cuối xuân năm ấy, Hầu qua Thăng Long, các quan Bắc thành đặt tiệc tiễn sứ ở nha Tuyên Vũ, Hầu chợt nghe tiếng đàn nguyệt quen tai từ một cô đầu già trong bóng tối bay ra, mà Hầu nhớ đã nghe 20 năm về trước ở nhà anh, bên Giám hồ, đời Tây Sơn. Hầu hỏi thì cô đầu ấy chính là người mà hầu đã thấy trộm khi trẻ, mà là một nhạc nữ cũ trong cung vua Lê. Hầu lòng trữ tình vẫn nặng cho nên, ngày nay ta còn được có thiên kiệt tác “ Bài ca người gẩy đàn đất Long Thành” ( Long Thành cầm giả ca). Với tính tình và trường hợp như thế, Nguyễn Du lúc ấy khó mà quên được Xuân Hương. Nhưng bây giờ hầu là một quan to phụng sứ; vả lại bây giờ Hầu đã 48 tuổi (sinh năm 1765). Ra làm quan triều Nguyễn, Hầu lại giữ thái độ rất cẩn thận, dè dặt. Vậy không thể đáp mộng Xuân Hương. Nhưng biết đâu Hầu không nghĩ tới?

( Đào Thái Tôn, sách đã dẫn, trang 227 -228)

Ngoài bài thơ Hồ Xuân Hương đề rõ gửi Cần chánh Nguyễn Hầu, còn có một bài thơ khác kín đáo hơn, đó là bài “Chơi Hồ Tây nhớ bạn”. Bài này có trong bản chép của Landes năm 1893:

                   Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa

                   Người đồng châu trước biết bao giờ

                   Nhật Tân đê lở nhưng còn lối

                   Trấn Bắc rêu phong vẫn ngấn thơ

                   Nọ vực Trâu Vàng trăng lạt bóng

                   Kìa non Phượng Đất  khói tuôn mờ

                   Hồ kia thăm thẳm sâu dường mấy

                   So dạ hoài nhân chửa dễ vơi.

“Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng : đọc thơ này “phảng phất như nghe Xuân Hương nhớ bạn đồng châu Nguyễn Du ngày xưa hẹn cùng nhau đi hái sen”. ( Đào Thái Tôn, sách đã dẫn, trang 321).

                  

         Không còn nghi ngờ gì, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương có giao du với nhau, quyến luyến nhau, nhưng mối tình không đi đến hôn nhân. Các bài thơ của Nguyễn Du “Mộng đắc thái liên” và bài của Hồ Xuân Hương “Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu” là chứng tích của mối tình tài tử giai nhân đó.

                                               

Ghi chú băn khoăn: 

  1.   . Hồ Xuân Hương viết bài thơ cho Nguyễn Du là điều chắc chắn không bàn cãi. Nhưng thời điểm bà có “3 năm vẹn” với Nguyễn Du là khi nào? Chúng tôi có gọi cho nhà thơ Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Kiều học Thái Bình  và được chị cho biết: Nguyễn Du thành gia thất với bà Đoàn Thị Tộ, em  Tiến sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn  vào năm 1786, cũng năm đó Nguyễn Du về Thái Bình. Sách giáo khoa  Ngữ Văn 10,  tập 2, bộ nâng cao viết “1789, nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du lánh về quê vợ,[…]  vợ mất ( 1796), về quê Nghi Xuân” ( Nxb Giáo dục, 2007, tr.152). GS Hoàng Xuân Hãn  thì viết “Từ mùa  đông 1803 đến mùa thu năm sau, Hầu chuyên làm việc từ hàn để đón tiếp sứ Thanh sang sắc phong. Mùa thu 1804 bị bệnh, Hầu về quê nghỉ một tháng, rồi được triệu về kinh, từ đó không ra Bắc lần nào nữa. Xem vậy, thời  Hầu có thể giao du với Xuân Hương trong khoảng này không quá 2 năm ( VN nhấn mạnh). Ta phải nhận rằng cuộc tình này vào thời Tây Sơn. Tôi đoán vào khoảng 1792 -1795 ( trai 27 -30 tuổi và gái chừng 19 -22 tuổi). ( Dẫn theo Đào Thái Tôn, sách đã dẫn, tr. 229).

Năm 1803 và 1804 Nguyễn Du ở Thăng Long, nhưng khi đó Hồ Xuân Hương đã lấy lẽ Chiêu Hổ ( 1802 -1804)  và theo chàng về  làng Gáp, Phong Châu ( Nghiêm Thị Hằng – Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Nxb Hồng Đức, 2021, tr. 114).Phạm Trọng Chánh lại cho rằng : Nguyễn Du từng lang thang ở Trung Quốc 3 năm ( 17 87 -1790) Sau đó Nguyễn Du trở về Long Châu, Nam Đài chờ đợi và về Thăng Long mùa xuân năm 1790 cùng sứ đoàn của anh. (Xem Phạm Trọng Chánh, “Nguyễn Du, mười năm gió bụi”, Khuê Văn Paris xuất bản, 2011). Chưa có điều kiện kiểm tra thông tin của TS. Phạm Trọng Chánh, nhưng quả là Nguyễn Nễ, anh Nguyễn Du có giúp Tây Sơn và có làm Phó sứ Trung Quốc khoảng 1790 -1792 ( Theo Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế - Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, bộ mới, Nxb Văn hóa thông tin, 2013, tr. 831).

          Như vậy những mốc năm tháng rất mâu thuẫn.

          Nếu mối tình đó xảy ra  khi Nguyễn Du về thái Bình năm 1786, thì không thể, vì khi đó Hồ Xuân Hương mới 13 tuổi.

          Nếu mối tình đó xảy ra ở thời điểm GS Hoàng Xuân Hãn dự đoán, thì  lại trái với thời điểm 1789 Nguyễn Du  đã về quê vợ và ở miết đến 1796 thì về quê Nghi Xuân.

          Thật ra thì mối tình “ba năm” ấy  ( có đúng ba năm như trong thơ hay chỉ  không qúa hai năm như ước đoán của GS. Hòang Xuân Hãn) xảy ra vào thời điểm nào?

          Nhân cuộc Hội thảo khoa học này, chúng tôi xin ghi lại những băn khoăn  trên để các vị thức giả chỉ giáo.

  1.      Nhân xem tư liệu về Nguyễn Nễ, anh Nguyễn Du để kiểm tra thông tin của TS. Phạm Trọng Chánh về việc Nguyễn Du lang thang ở Trung Quốc, chúng tôi tra cứu cuốn “ Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế về mục Hồ Xuân Hương, trang 377.

Thấy rằng, hai tác giả đã không cập nhật thông tin về Hồ Xuân Hương. “ Trước lấy lẽ ông Phủ Vĩnh Tường, sau cũng cam phận bé mọn khi bước đi bước nữa với  Cai tổng Cóc. ( Có tài liệu nói bà là vợ bé của Tham Hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển)”. Trong khi các tài liệu tin cậy nói rõ bà lấy lẽ lần thứ nhất là lấy ông Nguyễn Bình Kình, tục gọi là Chiêu Hổ. Mối duyên tan vỡ, bà lấy lẽ lần thứ hai là Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển. Ông Trần Phúc Hiển chính là người làm tri phủ Tam Đái ngày trước và kí bút danh Mai Sơn Phủ khi giao du với Xuân Hương. Khi ông bị tội chết, Hồ Xuân Hương khóc ông, nhưng vì lí do tế nhị nên bài thơ có nhan đề “ Khóc ông phủ Vĩnh Tường”, chứ không phải khóc ông Trần Phúc Hiển, hay khóc ông Tham hiệp trấn Yên Quảng. ( Chúng tôi đã viết bài báo công bố  trên  “Thời báo Văn học nghệ thuật” về điều này).

Hai tác giả Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế cũng lầm lẫn Chiêu Hổ Nguyễn Bình Kình với tác giả Phạm Đình Hổ, bởi thế nên viết “ Đối thủ của bà trên trường văn bút, xướng họa thi ca, có lẽ chỉ Phạm Đình Hổ, Trần Phúc Hiển là khiến được bà mến phục phần nào ( X. Phạm Đình Hổ)”. ( tr. 377). Đã rõ là ông Phạm Đình Hổ không  quan tâm thơ Nôm, do đó không có thơ xướng họa kí tên Chiêu Hổ với Hồ Xuân Hương. Ba bài thơ Nôm ấy là của Nguyễn Bình Kình tức Tổng Cóc, tức Chiêu Hổ, người chồng mà bà Hồ Xuân Hương lấy lẽ lần thứ nhất. Từ tháng 3 năm 1962, Tảo Trang đã chứng minh một cách thuyết phục rằng Chiêu Hổ không phải là Phạm Đình Hổ (Đào Thái Tôn – sách đã dẫn trong bài, trang 31).

     Chúng tôi mong  được trao đổi  lại với hai tác giả Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế.

                                         Hà Nội, 8/2024

hoa_sung_1

 

 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 56
Trong ngày: 276
Trong tuần: 998
Lượt truy cập: 435652
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.