Nguyễn Xuân Mẫn
MỞ HAI CÁNH CỬA
Ai cũng bảo pò Tỉn là người có một không hai ở vùng này, vợ mất đã năm sáu năm mà chẳng chịu tìm người về lo việc nhà. Người đàn ông hơn ba mươi tuổi, góa vợ giọng đăm chiêu: “Tục ngữ người Giáy mình nói rồi: Phứng tạc cùa bỏ pắn, Sroong phứng cùa xó pắn. (Một người làm chẳng nên, Hai tay mới xong việc). Ở đời mấy khi có dì ghẻ thương con chồng, vì: “Sra bỏ xùm đáy phí” (giấy không bọc được lửa) nên tôi cố gắng còn hơn!” Càng lên lớp trên, Pin càng chịu học để không phụ công pò. Nhiều đêm học xong, nằm ngủ nghe chừng rất khuya nhưng khi qườ tay sang bên cạnh chẳng thấy bố, chỉ thấy ngoài gian khách có tiếng ho thủng thẳng tan vào màn đêm. Pin nằn nì: “Khuya lắm rồi, pò đi ngủ kẻo ốm!” “Con cứ ngủ đi, mai còn đi học!”
Đền đáp lại công lao của pò, Pin ra sức học năm nào cũng có giấy khen là học sinh giỏi. Ngày Pin nhận được giấy vào đại học nông nghiệp, pò Tỉn cười nói với Pin: “Pò hứa với con từ nay không thức khuya nữa vì đã thỏa nguyện của me con rồi!” Từ khi về trường, tối nào học bài xong Pin cũng mở zalo gặp bố và bao giờ câu cuối cùng chào tạm biệt cũng là: “Con chào pò ngủ ngon!” Còn một năm nữa là ra trường thì Pin nhận được điện của anh Lù báo tin pò của Pin đang cày ngoài ruộng cùng với anh thì bị cảm đột ngột. Dù được mọi người đánh cảm nhưng đã trút hơi thở cuối cùng trên đường đưa lên bệnh viện huyện. Các bác sĩ cho biết ông bị xuất huyết não nên mất đột ngột.
Nén nỗi đau mất cha mất mẹ, anh sinh viên người Giáy bản Na Qua dồn sức làm luận án tốt nghiệp đạt loại giỏi. Mấy người bạn cùng khóa rủ: “Pin này, đi vào miền Nam với chúng mình. Ở trong đó đồng bằng sông Cửu Long rộng gấp ba lần đồng bằng sông Hồng, còn vùng cao quê cậu ruộng đất chỉ như vài ba cái dải vải vắt trên sườn núi. Có tấm bằng đỏ như cậu người ta rải thảm đỏ đón, chẳng cần đi xin xỏ đâu cả. Không riêng các bạn nói mà mấy lần giáo sư Tư Tấn ở viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long mấy lần ra giảng bài đều bảo: “Con vào trong đó với chú nhé. Học lực như con sẽ giúp cho Viện được nhiều lắm và có điều kiện học lên cao nữa!” Pin cũng muốn đi xa để thỏa mơ ước của tuổi trẻ nhưng không thể bỏ bản Na Qua nơi phần mộ thiêng liêng của pò me.
Pin về quê đúng lúc Nhà nước tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học về làm cán bộ xã trong biên chế Nhà nước, không phải qua thi tuyển. Ông Thào, bí thư Đảng uỷ xã Can Thàng mang hồ sơ của Pin lên tận huyện nộp và lý sự: “Người của chúng tôi nên chúng tôi phải được dùng!” Pin mừng không tả xiết, nhắn tin, gọi điện thoại báo ngay cho bạn bè cùng khóa, ai cũng mừng cho anh. Biết tin Pin về xã, anh Lù, chồng chị Pừa không vui cũng chẳng ra buồn. Khi Pin gặng mãi, đặt chén rượu xuống bàn ăn, anh rể mới buông tiếng thở dài: “Cái ghế ấy để chọn sau này làm lãnh đạo xã nên có bốn năm người là con em cán bộ xã đang tranh nhau, anh lo cậu không địch nổi. Còn pò Thào thì tốt lắm nhưng sắp nghỉ hưu rồi!” Người anh rể băn khoăn không sai vì khi chức ấy là niềm ao ước của nhiều thanh niên trong xã, nhưng người có chuyên môn cao nhất cũng chỉ là trung cấp. Đó càng là mơ ước của nhiều phụ nữ trẻ vì người yêu hay chồng mình đang làm ở xã, tuy chưa vào biên chế nhưng chẳng kém tài. Vì vậy từ khi Pin về, không ít kẻ nói xa xôi: “Hầy dà! Làm một ngày còn hơn học mấy năm trong sách vở…!”
Từ ngày Pin về, nhà anh luôn có người ra vào, nhất là buổi tối. Các cán bộ trong xã đến bàn bạc công việc, bà con sang nhờ hướng dẫn cách trồng cấy giống mới, cánh thanh niên nhờ giải thích sao lại gọi là đột biến gen. Tài sản chẳng có gì đáng giá nên nhà Pin chỉ chốt ngoài cửa tránh gà vịt vào, để nếu ai cần đến sách báo cứ việc lấy rồi ghi tên vào sổ mượn. Tủ sách dù vắng chủ nhưng không bao giờ mất quyển sách hay tờ báo nào vì mọi người bảo nhau giữ để dùng chung. Người đến thường xuyên nhất là Mưởi, giáo viên dạy sinh hóa ở trường cấp hai của xã. Mưởi kém Pin năm tuổi, là em họ anh Lù. Ngày còn chưa đi đại học đã nhiều lần Pin được anh Lù đèo xe máy sang chơi bên Lùng Sui xa hơn bảy chục cây số nên quen Mưởi. Tuy hay đến nhà Pin nhưng bao giờ cô cũng chọn đúng lúc có Pin và một vài người trong nhà anh, nếu không thì kiếm cớ kéo chị Pừa sang cùng. Chị Pừa thường nửa đùa nửa thật: “Cô về làm dâu họ Vùi nhà chị thì đẹp đôi lắm á!” Mưởi đỏ mặt cười: “Chỉ sợ anh Pin chê em thôi!”
Cô giáo Mưởi lên phòng làm việc của Pin vừa lúc anh đánh máy xong bản báo cáo xã đã hoàn thành gieo cấy lúa chiêm xuân trước tiết thanh minh theo đúng lịch của huyện. Cô niềm nở: “Những mắt đào bích anh cắt ghép vào gốc đào phai ở vườn thực nghiệm của nhà trường lên chồi đẹp lắm. Hiệu trưởng cho em sang cảm ơn anh. Pin đang vui vẻ nói chuyện với cô giáo Mưởi thì Lý A Dùng, trưởng công an xã dẫn hai người mặc trang phục công an vào phòng. Người đeo quân hàm thiếu tá nghiêm giọng: “Anh Vùi A Pin! Yêu cầu anh đứng nguyên tại chỗ. Viện kiểm sát có lệnh bắt anh!” Pin bàng hoàng, mắt mờ đi, tai ù đặc giơ hai tay cho công an tra vào còng. Khám xét xong phòng làm việc, họ dẫn anh về nhà khám xét rất tỉ mỉ rồi lôi trong tủ sách ra một gói bột trắng nghi là hê rô in.
Cũng đi vào phía nam nhưng Pin không mang theo tấm bằng đại học mà mang bản án tù chung thân. Ngày ngày chăm những luống rau mơn mởn nhưng Pin không thấy cuộc đời đẹp như những luống rau kia. Lứa rau này vừa thu hoạch thì đến lượt lứa rau khác nhú mầm xòe lá bắp. Pin luôn nghĩ cái án tù suốt đời khóa chặt chân mình trong trại giam không còn hy vọng gì nữa…
Tưởng rằng vô vọng nhưng trong ánh nắng buổi sáng mùa xuân vàng rực, bước trên sân trại Pin bồn chồn lo lắng kiểm lại xem đã làm gì sai mà bị cán bộ gọi lên qưở trách. Kỷ luật của trại rất nghiêm, nếu vi phạm sẽ phải chịu một hình phạt nhất định. Nhưng nỗi lo tan biến khi Pin vừa bước vào cửa phòng làm việc, mời anh ngồi xuống ghế đối diện, giọng ông giám thị niềm nở: “Sự may mắn đã mở cửa nhà tù cho anh về mở cửa nhà mình!”
Mặt trời như quả bóng đỏ sậm treo lơ lửng trên dãy núi Ngải Chồ thì Pin về đến bờ suối Ún Tà. Nước lạnh ngập lưng ống chân cộng với làn gió từ hạ lưu thổi lên làm cho Pin dịu mát. Bước chân lên bờ, thế là Pin đã được tự do, được về quê hương yêu dấu.
Vào đến ngõ Pin thực sự ngỡ ngàng. Ba năm trước, Pin bị giải đi, một tấn xi măng vừa mua còn chất trong nhà, thế mà hôm nay ngõ và sân đều được đổ bê tông. Pin nghĩ chắc là vợ chồng chị Pừa, con ông bác đã làm. Bước chân lên thềm ngôi nhà ba gian được làm từ đời cụ nội, xây gạch mộc đóng bằng đất sét trộn với phân dơi nên mối không dám bén mảng, Pin thấy từ dưới bếp thoảng lan ra mùi khói. Không biết ai ở đây mà hai cánh cửa mở toang, không cài then như Pin ngày trước. Trên nhà và dưới bếp đều bật điện sáng choang. Anh đoán là những ngày nằm trong trại, vợ chồng chị Pừa vẫn qua lại quét dọn vừa đun nấu giữ lửa cho nhà không lạnh lẽo, ẩm mốc. Nghe tiếng bước chân vào sân kèm theo tiếng ru con nhè nhẹ, Pin nghĩ cháu Dín, con gái chị mình đã lấy chồng sớm nên sang đây ở. Nhìn thấy bóng Pin, người phụ nữ thoáng giật mình…
Mừng Pin được trở về bằng bữa ăn tối thật cảm động, rót đầy bốn chén rượu, cầm lên một chén giọng anh Lù hể hả: Nào cậu, nào cô, nào me Dín, ta cùng nâng chén mừng cậu Pin trở về. Gắp chiếc đùi gà vào bát để bên Mưởi, chị Pừa bảo phần thằng cu, chiếc còn lại gắp vào bát Pin, chị vui vẻ: “Cậu ăn đi! Gà cô Mưởi nuôi ở đất họ Vùi nhà mình nên lúc nào cũng đầy sân chật chuồng!” Đặt bát đũa xuống bàn ăn, chị Pừa thong thả kể:
…Đi giữa cánh đồng vừa cấy, lất phất lá non vờn trong gió nhẹ, chị Pừa khấp khởi mừng vì nhờ có cậu em họ hướng dẫn cách làm theo phương pháp khoa học nên chỉ vài ba hôm là lúa đã bén rễ. Tiếng là làm ở trụ sở xã nhưng đến đó ít khi người ta gặp cậu. Nếu không ở ngoài đồng kiểm tra bị sâu bệnh hại lúa thì cũng ở bãi sông hướng dẫn bà con trồng chuối mô. Nhiều cô thiếu nữ chỉ chờ tỏ tình nhưng lạ thật, cậu cứ thờ ơ chẳng ngó ngàng gì. Cô giáo Mưởi, em họ chồng mình đẹp người đẹp nết đến thế mà mấy lần mình bảo: “Không lấy nó còn định lấy ai? Cậu ta chỉ cười: Em đã già đâu mà chị lo!”
Đang say sưa nghĩ về người em cậu, chị giật mình quay lại khi phía sau có tiếng Mưởi gọi thất thanh: Chị Pừa à! Anh Pin bị công an bắt!!!
Pin bị đi tù như một mũi kim đâm vào tim Mưởi. Nhiều đêm cô trằn trọc không ngủ nổi bởi vô vàn câu hỏi đặt ra. Có đúng là Pin buôn bán ma túy hay không? Chẳng lẽ lương cùng với các khoản phụ cấp tới cả chục triệu đồng mỗi tháng vẫn không đủ cho Pin tiêu dùng hay sao? Mà Pin sinh ra trong gia đình nền nếp, lại được học hành tử tế chẳng lẽ lại bị đồng tiền bất lương cám dỗ hay sao? Chẳng lẽ con người trông dáng vẻ hiền lành lại trở thành kẻ gieo rắc cái chết vô hình hay sao? Mưởi nghe nói tất cả các trại giam đều nằm ở chốn rừng hoang vắng đi lại khó khăn, có khi đi cả ngày đường cũng chẳng gặp một nhà dân. Mang án tù chung thân bị giam cầm hết đời trong lao tù, liệu Pin có lấy một ngày trở về hay không???
Mỗi lần xuống thăm nhà anh Lù, Mưởi đều phải đi qua ngõ nhà Pin. Dù Pin chưa nhờ người bà mối sang nhà bố mẹ cô ngỏ lời để hai người yêu đương, nhưng nhìn ngôi nhà Pin hoang vắng, cô càng thấy xót xa và lần nào xuống cũng vậy, liên tục mấy đêm liền hình ảnh ngôi nhà và chủ nhân của nó cứ ám ảnh cô.
Mưởi được điều lên trường Thải Giàng Sán, gọi theo tiếng Kinh là nơi gần mặt trời bởi là nơi cao nhất huyện, vừa xa xôi vừa gian khổ nên nhiều người không muốn lên dạy học. Hai năm lên trường mới, Mưởi phải căng mình ra làm việc vì ai cũng phải dạy thêm giờ, kiêm nhiều việc khác nhau. Công việc cuốn hút gần hết thời gian nhưng đêm nào cũng vậy cô đều nghĩ đến anh. Khi quá mệt mỏi, Mưởi thiếp đi lúc nào không biết rồi lạc vào một giấc mơ. Mưởi mơ thấy hai người đi trên con đường làng, Pin nắm tay cô cười. Mưởi mơ thấy đám cưới của hai người diễn ra theo phong tục dân tộc Giáy, cô được trùm khăn đỏ rồi được một phụ nữ nhà trai cõng ra đầu bản mới lên xe. Khách nhà gái hay nhà trai đến đám cưới cũng được các cô gái họ nhà gái bôi phẩm đỏ lên má để mong cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc. Mưởi mơ trong đêm tân hôn, Pin cứ ghì chặt lấy mình, tưởng chừng nghẹt thở. Sự nghẹt thở thực sự làm Mưởi bừng tỉnh khi thấy người đè lên mình cất giọng: “Em mơ gì ghê thế, chỉ toàn gọi đến thằng Pin, nó tù chung thân làm gì có ngày về!” Mưởi hoảng hốt nhận ra người đó là San, giáo viên cùng trường. Vòng tay lực lưỡng và hơi ấm của người con trai ùa đến, lấp đầy khoảng trống trải trong lòng người con gái… Cô chợt nhớ ra giáo viên ở lại trường có bốn người ở tập thể thì hai người đi tập huấn ngoài huyện, chỉ còn cô và San ở lại.
Thấy trong người đổi khác, Mưởi nói nhỏ với San: “Anh! Chúng mình sắp có con!” Đang ôm chặt Mưởi, ngước mắt nhìn lên vòm trời sao trong đêm, giọng San rời rạc: “Thì…ta…cưới thôi!” Nhưng San lặng lẽ bỏ đi trong một đêm khuya, nhiều lần Mưởi gọi điện chỉ nhận được câu trả lời từ tổng đài: “…Xin quý khách vui lòng gọi lại sau!”
Gần hết thời gian nghỉ thai sản, Mưởi được điều trở lại trường Can Thàng vì có con nhỏ. Chị Pừa bảo chồng đèo về bên Lùng Thàng bàn với thím của chồng: “Thím à! Cậu Pin chẳng biết có được về không, chú thím già rồi, lại ở xa, con muốn đón mẹ con cô Mưởi về nhà cậu nó ở, để chị em chúng con gần nhau, vì lý người Giáy mình vẫn nói: Nàm ná poọc hắn ná, Rắm pra rung pra (Đất ruộng đắp bờ ruộng, Nước cá nấu cá)!”
Từ ngày về nhà Pin ở, mọi đồ đạc của Pin vẫn được Mưởi lau chùi, xếp gọn ngăn nắp, nhất là tủ sách còn được Mưởi sắp xếp và đánh mã số như tủ sách thư viện. Chiều nay ở trường về, Mưởi địu con trên lưng vừa quét dọn nhà cửa. Chợt ngoài cổng có tiếng xe máy đi vào sân. Thấy người phụ nữ mặc cảnh phục, tim Mưởi đập thình thịch không hiểu có chuyện gì xảy ra với mình. Hay họ nghi mình về đây ở để làm nơi buôn bán hay chứa chấp ma túy? Còn anh Pin chịu cái án tù chung thân, liệu có liên quan gì đến mình hay không? Mưởi trấn tĩnh lại khi nhìn người cảnh sát nở nụ cười đầy thiện cảm: “Em chào chị. Em là Lý. Chị đi nghỉ đẻ hôm trước thì hôm sau em về đây nhận công tác nên chị chưa biết em! Hôm nay xuống thôn làm việc, em ghé vào thăm mẹ con chị!” Nhìn thằng bé nằm trong địu trên lưng nhoẻn miệng cười, Lý quệt ngón tay vào má nó nựng: “Thằng chó con ngoan thế. Chị cởi địu ra em bế nó tý nào! Chúng em cưới nhau bốn năm nay nhưng vẫn chưa được bế tý nhau!”
Từ chuyện việc làm tới gia đình và cả chuyện thầm kín của phụ nữ làm cho Mưởi cởi mở dần và trở thấy thân thiện với cô cảnh sát nên trời tối lúc nào hai người cũng không hay. Mưởi thật thà: “Trời vừa tối rồi, cô ở đây ngủ với mẹ con chị!”
Trời gần sáng, Lý bảo Mưởi: “Em về nhà ngoài phố tỉnh dự đám cưới người bạn học!” Thực ra qua một đêm hai người tâm sự, cô thấy vụ án của Pin có điều gì uẩn khuất, phải tìm cho ra lẽ nên Lý về thẳng công an tỉnh. Từ ngày Lý về Can Thàng nhận công tác, tình trạng nghiện hút, kèm theo là trộm cắp lại càng tăng mà không hề tìm ra manh mối buôn bán ma túy. Nhiều lần Lý xuống tận các thôn bản, gặp gỡ tâm sự với những người phụ nữ có chồng con nghiện hút nhưng vẫn như mò kim đáy bể. Nghe Lý trình bày, trưởng phòng cảnh sát phòng chống ma tuý xem lại hồ sơ rồi thở phào: “Rất may tang vật vẫn chưa tiêu huỷ!” Ông khẩn trương cho kiểm tra kỹ lại gói ma tuý vụ án Can Thàng…
Páo đèo Dùng trên chiếc xe Uyn Nhật mới tinh vừa về đến trung tâm huyện, bất chợt hai thanh niên tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ đi cùng chiều vọt lên chèn làm cả hai xe bị ngã. Cuộc cãi vã ai đúng ai sai diễn ra ầm ĩ. Cậy thế là trưởng công an xã Can Thàng quen biết tất cả công an huyện, Dùng càng nói, hai thanh niên càng gây căng thẳng, doạ nạt trưởng công an huyện họ cũng không ngán, và sẵn sàng cho một trận nên thân. Vừa lúc đó chiếc xe của đội cảnh sát giao thông huyện đi tới, yêu cầu kiểm tra giấy tờ và xe cả hai bên. Mặt Dùng và Páo xám ngoắt lại khi người ta lôi ra trong cốp xe của Páo một gói hê rô in còn nguyên nhãn mác bằng chữ nước ngoài. Tại trụ sở công an huyện, một trung tá công an chìa ra hai tấm ảnh chụp dấu vân tay và hỏi: “Sao gói hê rô in ở nhà anh Pin lại có những dấu vân tay của các anh?”
Dùng run run khai báo: Sợ Pin sẽ trở thành lãnh đạo xã tranh mất ghế mà hắn muốn. Dùng đã bàn và được Páo giúp sức mua một bánh hê rô in về chia đôi, một nửa lén đặt trong tủ sách nhà Pin, một nửa đưa cho Páo bán lấy tiền tiêu xài. Thấy món hàng quá lời, lợi dụng là trưởng công an xã làm tấm lá chắn vững chắc nên hắn và Páo thường xuyên lén lút mua hê rô in về để Páo bán lẻ cho các con nghiện…
N.X.M
Người gửi / điện thoại