Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MẤY SUY NGHĨ TẢN MẠN

Cầm Sơn

SUY NGHĨ TẢN MẠN VỀ TẾT TRỒNG CÂY

    Vào ngày 28 tháng 11 năm 1959, hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng và đón tết cổ truyền dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tết trồng cây”. Người kêu gọi: “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng t­ươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”. Từ đó đến nay, phong trào trồng cây, trồng rừng ở khắp nơi, khắp các tầng lớp xã hội trong toàn quốc đều tích cực, rầm rộ và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Riêng hành động cứ đến tết là mọi người đều tham gia ngày hội trồng cây đã trở thành một phong tục không thể thiếu trong đời sống xã hội.

  Tục lệ trồng cây lưu niệm đã có từ xa xưa. Theo Đại Việt sử ký Toàn thư thì ở Hà Nội ngày nay có một con phố mang tên con đường khi xưa nằm ở phía Bắc thành Thăng Long, con đường này nối Thành Thăng Long với  bến Đông Bộ Đầu trên Sông Hồng. Thời Lý có quy định các quan ở triều đình mỗi người phải tự tay trồng một cây hòe dọc hai bên con đường này nên con đường có tên là “Hòe Nhai”. Tại sao lại trồng cây hòe bởi vì cây hòe biểu tượng cho sự đỗ đạt, phồn vinh, trường cửu vốn thường được trồng ở các sân chầu trong cung vua.

    Ngoài đường Hòe Nhai, Hà Nội còn có đường Liễu Giai, đường Núi Trúc... chứng tỏ ngay từ thời xa xưa, tục lệ trồng cây đã được các quan lại phong kiến rất chú ý.

     Thời nhà Nguyễn có lệ tục trồng cây tại Đàn Nam Giao đã để lại những cánh rừng thông cổ thụ tuyệt đẹp đến tận ngày nay. Từ đời Tự Đức đến đời Hàm Nghi, triều đình nhà Nguyễn quy định mỗi vị quan mới được thăng chức nâng hàm đều phải lên Đàn Nam Giao tự tay trồng một cây thông dưới sự chứng kiến của các quan lại hữu trách. Nếu vì lý do gì đó mà cây bị chết thì phải trồng lại cây khác thay thế.

   Mùa xuân, khởi đầu cho một năm mới bằng tết trồng cây có ý nghĩa to lớn đối với việc khơi gợi, giáo dục ý thức bảo vệ và phát triển rừng. Một trong những nhiệm vụ cấp bách và vô cùng quan trọng ngày nay được nhiều Quốc gia quan tâm cho một môi trường xanh, sạch và an toàn.

  Ở nước ta, có cả một thời kỳ người ta giáo dục lòng yêu nước bằng cách ca ngợi Tổ quốc ta “Rừng vàng, biển bạc”. Và rồi người ta đã triệt để khai thác nguồn lợi từ cái gọi là “Rừng vàng, biển bạc” ấy. Nhiều đoàn người ở các tỉnh miền xuôi được vận động di cư lên các tỉnh rừng núi khai hoang thành lập quê hương mới. “Anh đi khai phá mền Tây, rừng núi bao la bừng giấc say/ anh khai đất hoang thành luống cày, mai kia mừng ngô lúa nặng tay…” Đúng là ngô lúa nặng tay thật nhưng bạt ngàn rừng xanh đã biến thành đồi trọc. Khi ngồi trên máy bay, nếu để ý nhìn xuống phía dưới ta sẽ thấy rừng núi ở phía nước bạn Lào trùng điệp xanh đen còn ở phía Việt Nam ta thì loang lổ chỗ xanh, chỗ nâu mới thấy được cái “Rừng vàng biển bạc” ấy đã bị tàn phá khủng khiếp đến mức độ nào. Tất nhiên không chỉ riêng ở nước ta, diễn thế rừng ở nhiều nước trên thế giới cũng có chung một con đường là chỉ khi đã phá cạn kiệt tài nguyên rừng, thiên tai hoành hành gây thiệt hại lớn về người và của thì người ta mới nghĩ đến phải tái tạo rừng.

   Những thập kỷ gần đây đã có nhiều chương trình lớn của Chính phủ về trồng rừng, trồng cây như dự án 327 (Quyết định số 327-CT ngày 15 tháng 9 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký về sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước), nối tiếp là dự án 661 (Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký với mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng và bảo vệ rừng hiện có). Nhờ những chương trình này mà rừng đã từng bước được phục hồi nâng độ che phủ rừng bình quân toàn Quốc lên 43% giảm bớt thiên tai ngập lụt ở đồng bằng và lũ ống lũ quét, sạt lở đất ở miền núi. Chính phủ đã chi khá nhiều tiền vào các chương trình về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhưng kiểm điểm lại kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là ý thức về trồng cây, trồng rừng chưa thực sự tự giác trong tất cả các cấp, các ngành và người dân. Việc thực hiện cốt để hoành thành kế hoạch, chạy theo thành tích báo cáo cấp trên chứ chưa thực sự chú ý vào chất lượng cây rừng. Nếu căn cứ vào số liệu thống kê thì nhiều tỉnh miền núi có số lượng diện tích rừng trùm lên cả sông suối, làng mạc bởi dự án trước trồng không thành rừng, dự án sau trồng lại đè lên diện tích trồng trước nên cùng trên một mảnh đất, số liệu thống kê được tính trùng đến vài ba lần. Hiện tại, cả nước đang thực hiện dự án trồng một tỷ cây xanh (Quyết định 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký). Tin rằng dự án lần này sẽ có một kết quả khả quan hơn với tinh thần trồng cây nào sống cây ấy và nếu chết thì phải trồng bù lại giống như cha ông ta đã từng thực hiện ở Đàn Nam Giao, đường Hòe Nhai, Núi Trúc, Liễu Giai…khi xưa. Kiên quyết chống thói khoa trương hình thức, cờ giong trống mở cốt để quay phim, chụp ảnh tuyên truyền rùm beng trên các phương tiện truyền thông đại chúng rồi sau khi rút đi thì “Mười cây chết chín còn một cây gật gù”. Là người hoạt động trong ngành Lâm nghiệp nhiều năm, tôi nhớ lại thời kỳ những năm 70 thế kỷ trước ở nơi tôi làm việc. Khi ấy thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng lần thứ 5 có câu đại khái nội dung là: Mở những công trường lao động thủ công, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn Xã hội chủ nghĩa…Trên tinh thần này, ông Trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh tôi huy động nghĩa vụ công ích của nhiều người dân trên nhiều huyện trong tỉnh tập trung vào huyện miền núi nơi tôi công tác để trồng mới 2.000 héc ta rừng. Khi ấy tôi là cán bộ ở cơ sở được đi theo một ông Phó trưởng Ty và một ông Trưởng Phòng Quy hoạch, các ông dừng xe mở bản đồ ra lấy bút chì khoanh một nhát rồi chỉ lên rừng nói với tôi là chỉ đạo cho phát cải tạo ở những khoảnh đồi ấy để trồng rừng, rồi sẽ có hồ sơ thiết kế sau. Thế là hai ngàn héc ta rừng có rất nhiều cây gỗ, nứa được đốt cháy ngút trời để trồng lại bằng cây con mới. Đúng là đã trồng mới được hai ngàn héc ta thật, thành tích ấy đâu phải nhỏ. Vậy là ông Trưởng ty có sáng kiến tổ chức công trường trồng rừng ấy được thăng cấp lên chức Phó Chủ tịch tỉnh. Nhưng khi công trường giải tán, các đơn vị Lâm nghiệp sở tại người ta còn lo chăm sóc rừng theo kế hoạch thường niên của người ta nên không có lao động chăm sóc, bảo vệ rừng của công trường trồng. Thế là hai ngàn ha đang là rừng nguyên sinh bỗng chốc biến thành rừng… chè vè, lau, chít.tet_trong_cay_2

  Việc trồng cây lưu niệm là một tục lệ tốt nhưng gần đây, cách thức trồng cây lưu niệm đã có nhiều thay đổi. Người ta quan tâm đến việc những người lãnh đạo có chức sắc đến thăm đơn vị thì trồng cây lưu niệm để đánh dấu một cái mốc có tính lịch sử đối với đơn vị đó. Nhiều khi chỉ là hình thức nên sau khi các vị chức sắc đi rồi thì cây cũng chết, vì có ai chú ý đến việc chăm sóc cây nữa đâu. Thế rồi, để làm yên lòng các vị chức sắc trồng cây đảm bảo cho việc cây không chết, người ta lại tổ chức cho các vị trồng những cây to có tuổi đời  cao hàm ý “cây cao bóng cả” rất tốn kém, mà đã tốn kém thế thì sẽ không thể để cây chết rồi. Tất cả những kiểu trồng cây này chung quy cũng chỉ là việc cấp dưới lấy lòng cấp trên chứ nó chẳng mang lại được một mục đích, ý nghĩa gì. Lại có một trường hợp ngược đời mà tôi được chứng kiến là có một vị cấp trên nọ, gần tết xuống đơn vị cấp dưới thị sát thấy một cây tọa lạc trong khuôn viên trụ sở đẹp quá, ông ta bèn yêu cầu lãnh đạo cấp dưới cho quân sĩ đánh lên đem về trồng trên sân nhà ông ta. Đúng là một chuyện thật như đùa, cười ra nước mắt. Chắc vị quan chức nọ nghĩ đấy cũng là hành động hưởng ứng tết trồng cây?!

  Nhân việc này, ta hãy thử theo dõi lại xem những hình ảnh Bác Hồ trồng cây ở nơi này, nơi kia xem sao, ta thấy Bác chỉ trồng những cây nhỏ, cây non chứ Bác có trồng cây to bao giờ đâu. Mà trồng cây thì phải trồng cây non để nó phát triển thì mới có ý nghĩa chứ cây già đến tuổi khai thác nguồn lợi rồi thì trồng mà để làm gì nữa. Cây đa Bác Hồ trồng tại công viên Thống Nhất năm ấy chỉ có đường kính trên 10 cm và cao hơn đầu người một chút, vậy mà giờ đây nó đã vươn cành, tỏa bóng mát che cho cả một vùng rộng lớn trong Công viên.

        Ngoài việc tổ chức thành ngày hội toàn dân tham gia trồng cây vào dịp tết, vẫn cần có vườn cây lưu niệm cho những nhân vật quan trọng trồng làm kỷ niệm. Nhưng thiết nghĩ những cây lưu niệm này chỉ cần chọn giống cây quý, loài cây có tuổi thọ cao chứ không cần phải trồng cây to. Và khi đã trồng rồi thì điều tối quan trọng hơn là phải chú ý chăm sóc, bảo vệ để cái cây lưu niệm ấy sinh trưởng tốt xanh. Cây nhỏ, cây non theo thời gian năm tháng rồi cũng sẽ trở thành cây to, cổ thụ, khi ấy nó mới mang đầy đủ ý nghĩa của việc trồng cây lưu niệm.

  Một năm cũ sắp qua, lại một cái tết trồng cây trong mùa xuân mới sắp tới. Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta hãy học tập và làm theo Người ngay từ cách trồng cây.

                                                                           C.S

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 50
Trong ngày: 184
Trong tuần: 917
Lượt truy cập: 435513
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.