Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MANH QUẦN TẤM ÁO

Lương Ky

MANH QUẦN TẤM ÁO

Trời tang tảng sáng. Một ngày cuối thu, sương giăng nhè nhẹ. Dãy đèn chùm bên hồ công viên lấp loáng bên lùm cây. Mặt hồ lăn tăn từng mảng sáng huyền diệu. Khúc nhạc Giải phóng Điện Biên rộn vang từ mấy cái loa công cộng đặt đâu đó chồng lấn âm điệu. Ông Thể soải những bước chân chầm chậm chạy, thở đều đều, thả mình vào bầu không khí trong lành dễ chịu. Thỉnh thoảng, ngược chiều ông gặp vài người quen đi dạo. Đã nhiều năm, ông Thể tuy chưa nghỉ hưu nhưng có thói quen tập thể dục buổi sáng. Ông thường đi sớm hơn cánh đã nghỉ chế độ và kết thúc buổi tập cũng sớm hơn về chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Hôm nay sáng thứ hai, ngày đầu tuần, đẹp trời, ông Thể cảm thấy sảng khoái lắm. Ông khoát đôi chân, rướn thân thể rắn chắc trong bộ đồ thể thao gọn gàng, băng nhanh thêm một vòng quanh quả đồi nho nhỏ tròn tròn bên hồ. Trên đường chạy vẫn còn mấy đoạn ngổn ngang gạch đá, sửa chữa dở dang. Còn những hàng cây vạt cỏ chưa tỉa tót. Không sao, ông không để mắt. Loạt đèn vụt tắt. Có lẽ năm rưỡi sáng. Người ta tắt đèn đường.

Thoáng nghe trong gió tiếng người vẳng lại từ bụi cây gần lối chạy. Giọng con gái thổn thức, mỗi lúc một rõ. Đúng hơn là nghe tiếng gọi yếu ớt, vội vã: - Bác ơi! Bác ơi! Giúp…giúp cháu với! Ông Thể khựng bước, tiến lại phía lùm cây. Trời! Đúng là có người. Một cô gái ủ rũ, tóc xõa ngang vai rối bời che gần như kín mặt đang cúi gằm xuống đất. Bước lại gần hơn, ông hoa mắt nhận thấy một thân thể trắng ngần, ngồi quỳ thụp hai chân trên đám cỏ lúp xúp rạp đổ nhàu nát giữa đám cây lá um tùm. Đôi tay cô thon thả đan chéo trước ngực bó xuống hai đầu gối. Thân hình nhỏ nhắn nhưng có lẽ cao ráo thon gọn run rẩy vì giá rét, đang khóc nấc.

- Sao? Cái gì thế này? - Ông Thể xẵng giọng - Hạng người gì? Ai dà! Tưởng gì… Đồ… Tao ra kia báo Công an cho họ lôi cổ tống xuống công trường 05, 06… Ôi trời ơi, điên rồ, bậy bạ…

- Bác ơi! Ôi bác ơi! Cháu… con xin bác. Con dại dột…

- Thôi, thôi! - Ông thể quay ngoắt ra, xấu hổ thay thân gái lõa lồ, trong lòng không mảy may thương cảm.

- Ôi bác… Con… con van bác…

Ông Thể bỏ ngoài tai tiếng kêu méo mó, lanh lảnh ấy mà chạy tiếp đoạn đường. Chừng mươi bước, ông dừng lại, đổi ý. Đứng nép bên lề đường, ông từ từ đưa tay lên kéo phooc măng tuya chiếc áo thể thao, tụt vội cái quần xanh mềm mại với ba vạch trắng hai bên. Trên người trần xì may ô, xà lỏn với đôi giày vải Thượng Đình, trông ông lại cường tráng như thanh niên. Cuốn bộ đồ mang theo, ông Thể lộn lại chỗ cô gái.

Cô gái lõa thể rũ rượi giật bắn mình bừng dậy, sợ hãi bỏ chạy thục mạng, miệng ú ớ kêu cứu. Cô ngã đổ ập dúi dụi xuống bụi cỏ cây lùng nhùng. Ông Thể sải theo. Cô gái nằm xấp, thân hình nõn nà, quằn quại cố vùng dậy.

- Này! Cầm lấy! Lần sau nhớ đời nhá! Đồ…

Ông vứt nắm quần áo lên người cô gái, quay vội ra. Vài phút sau, trên đường trở về, cách không xa có người con gái mảnh mai trong bộ đồ thể thao màu xanh cắm cổ chạy như ma đuổi.

Mấy người bách bộ gần ông cùng nhau chuyện lao xao lọt tai ông: “Ơ này, kia chả là lão Thể còn là ai? - Đâu có? Sáng gặp lão Thể quần áo thể thao chỉnh tề - Cái đầu mượt nghênh nghênh kia chả lão Thể còn ai vào đấy? - Làm gì có chuyện lạ thế? Cược nhá! Ai sai phải chiêu đãi chầu phở đấy nhé!” … Ông Thể chỉ còn biết sải cẳng cho nhanh.

Vợ ông Thể sáng nào cũng vậy, cứ ông dậy đi thể dục là bà dậy. Bà cẩn thận gài cửa, dọn dẹp nhà. Nghe tiếng ông, bà vội vàng mở cổng. Bà đứng ngây người, trố mắt nhìn ông.

- Ô hay, cái ông này! Tưởng hồi sớm ông ăn vận ấm như mọi khi, sao chỉ quần đùi áo may ô? Dễ ông quên à? Mùa này, tôi đã bảo ông rồi, tuy chưa rét nhưng cũng sắp sang đông, ăn mặc không cẩn thận chả giống cái lão nào ngoài phố già kém ăn kém ngủ đi thể dục thật sớm, phong phanh cảm lăn ra chết… Thể dục với thể thao, khỏe chả thấy lại… khẹo…

- Cái bà này, mồm với miệng! Chỉ ác khẩu, nói gở. Đúng, sáng nay tôi cũng ăn mặc đủ cả…

- Thế thì sao? - Bà vặc lại - Ai lột mất của ông?

- Cho rồi! Gặp con rồ cởi truồng tồng ngồng rét mướt… Nó xin, ái ngại quá… Cởi cho nó, làm phúc…

- Tốt nhỉ! - Bà xẵng giọng - Con rồ nào? Hay như con rồ tình ngoài chợ… Tồng ngồng đấy... mà chửa đẻ mấy bận… Dễ ngủ với trâu với bò! - Bà bĩu môi.

Ông Thể chẳng nói được gì. Chuyện qua rồi, ông chỉ nhớ mình có hai bộ đồ thể thao mua cùng ngày mặc thay phiên, giờ còn lại một. Đành hôm nao có lương lại kiếm thêm bộ khác bù vào đấy.

Từ bữa ấy, ông Thể vẫn không bỏ buổi thể dục nào. Bà Thể vẫn dậy cùng ông, mở cửa cho ông đi về. Nhưng có hôm thấy ông vào sân, tự dưng bà buông một câu lên trời: “Tưởng hôm nay mất nốt bộ nữa!”. Ông xì người ra. Lại còn cánh hưu hôm nọ, sáng nay rủ nhau đi đãi phở vì thua cuộc rủ ông đi làm chứng, vui chuyện: Biết đâu đấy! Chuyện thiên hạ đồn “thể dục teo cơ”. Có ối người sáng tối dắng đi thể dục, bách bộ… thế mà già lại cũng lại hẹn hò tâm sự, hâm lại tình yêu, ghen bóng ghen gió… Không khéo chả có ông bị chồng con người ta lột hết quần áo chạy mất dép…

Thời gian dần trôi, lại những ngày cuối thu năm sau. Ông Thể giữ i xì thói quen buổi sáng. Vả lại, nhà ông giờ chỉ có hai vợ chồng, con cái ở riêng cả. Ông vận động bà đi cùng, bà dùng dắng “cả nhà đi, lỡ trộm nó rình biết, nó lỉnh vào cuỗm mất vài thứ lại trắng mắt ra”. Thấy ông cả năm không ho không cảm cúm gì, bà mừng, động viên ông duy trì. Đôi khi hình ảnh cô gái nọ chập chờn trước mặt ông.

Đã ba, bốn buổi sáng, hôm nào ông Thể chạy bon bon quanh công viên thấy một cô gái tóc cắt ngang vai, người thon lẳn chạy qua chạy lại, có lúc sát ông lại dãn ra, chừng như muốn nói cái gì… Ông cho mình vô lí, thiếu gì người đi bộ, chạy trong công viên, cả già cả trẻ. Năm nay hồ công viên được chỉnh trang, đường lát gạch lá dừa, quanh hồ có lan can i nốc…Vậy mà cô gái có vẻ khang khác, mới xuất hiện, như thể muốn bám sát ông.

Một sáng chủ nhật. Ông Thể băng người trên thảm cỏ ven đồi, đặt những bước chân mạnh mẽ chạy vòng đi vòng lại. Hôm nay ngày nghỉ, ông không vội về. Ngang qua ghế đá, ông thấy cô gái dễ thương trong bộ đồ thể thao gọn ghẽ, giầy Adidas màu trắng, ngồi bên cái túi ni lon cồm cộm. Thấy ông, cô gái hắng giọng, nhẹ nhàng:

- Cháu chào bác ạ! Mời bác ngồi nghỉ chút đã ạ!

- A, thanh niên thế là tốt! Cháu con cái nhà ai?

- Dạ, cháu nghe nói… Có phải bác đã cho một cô gái bên mé đồi bên kia - cô chỉ tay về phía bụi cây nơi ông gặp chuyện hồi nào - bộ đồ thể thao?

- Thì sao?

Cô gái quay hẳn người về phía ông Thể. Hai bàn tay mát lạnh nắm chặt cổ tay ông.

- Bác ơi! - Cô gái xoay người, đặt vội túi đồ vào lòng ông - Cám ơn bác nhiều lắm! - Cô gái vụt đứng lên, guồng nhanh và mất hút trong màn sương giăng mờ. Ông Thể chưng hửng, không rõ mô tê ra sao, nhưng lờ mờ nhận ra điều gì. Về nhà, bà mở cửa đón ông. Bà nhìn ông từ đầu tới chân, hai mắt dồn vào cái túi ni lon.

- Ông ôm cái gì về thế? Của rơi chắc?

- Tôi còn chưa biết là cái gì đây. Vào nhà đã. Nào, bà mở ra xem!

- Tôi chả dại! Nhỡ là cái vớ vẩn gì. Ông không đùa đấy chứ? Chưa biết là cái gì sao ông ôm về?

- Chắc không phải thứ xấu đâu. Ta cứ mở ra xem - Nói rồi, ông tự tay mở.

Gói giấy báo bọc cẩn thận được xé ra. Một mùi thơm man mác của loại nước hoa xịn phảng phất căn phòng.

- Ôi, cái gì mà thơm thế. Như đồ của con gái - Bà Thể thốt lên.

Một bộ đồ thể thao sạch sẽ, thơm tho, gấp gọn. Bà nhận ra ngay đó là bộ đồ quen thuộc ông thường mặc ngày nào, nay như có phép lạ, mất hút rồi lại hiện về. Bên trong còn có một bức thư. Bà Thể giằng vội.

- Xem nào! Để tôi đọc cái thư! - Giọng bà nghẹn đầy.

Những dòng chữ nghiêng nghiêng, nắn nót: “Bác ơi! Đến bây giờ cháu vẫn chưa biết bác là ai. Mà bác cũng chưa thể biết cháu là đứa nào. Bác có thể đã quên cháu, nhưng cháu thì… không thể…”.

- Cái gì thế hả ông? Con nào tư tình với ông đây? - Bà rít lên.

- Hượm đã nào! Tôi có biết gì hơn bà đâu. Đọc tiếp đi!

“…Cả năm trời nay cháu bị dằn vặt vì chuyện đau lòng. Cháu nhớ mãi lời bác chửi mắng. Nhục lắm bác ơi. Xin bác hiểu và cho phép cháu có vài lời. Tối hôm ấy… một tối tháng Mười đẹp trời. Cháu về nhà nghỉ mấy hôm để đi thực tập tốt nghiệp (lúc đó cháu là sinh viên năm cuối, giờ cháu đã đi làm). Thằng sở khanh khốn nạn làm cháu đến nước… như bác thấy. Thực ra, cháu và nó học cùng một trường phổ thông, nó học trước cháu hai lớp. Nó nói nó rất thích cháu và thực lòng cháu cũng cảm tình với nó vì nó đẹp trai, dong dỏng, con nhà khá giả. Nó tốt nghiệp trước cháu, nhờ địa vị bố mẹ nên có việc làm ngay. Thỉnh thoảng nó thư từ cho cháu. Tối hôm ấy, biết cháu về nhà, nó mời cháu đi chơi, ăn ở một nhà hàng đặc sản ven hồ. Lâu không gặp nhau, lại là chỗ quen biết và cháu cũng có cảm tình với nó, nên cháu đồng ý đi dạo với nó. Vui chân, cháu đi bên hắn trò chuyện. Lát sau hắn ngáp ngắn ngáp dài, bảo cháu ngồi ghế chờ nó đi mua gói bim bim nhâm nhi… Hắn lỉnh đi đâu đó rất nhanh. Quay lại, hắn tươi tỉnh phấn chấn hẳn, nhưng trên tay chẳng có gói bim bim nào. Bác ơi! Lúc đó cháu thấy hắn thô bạo hẳn… Hắn ôm ghì lấy cháu hôn tới tấp lên mặt lên môi… Cháu phát hoảng, cố đẩy hắn ra, lựa lời xin hắn… Nhưng… Vì cháu tưởng đấy chỉ là “bồng bột thanh niên”. Nào ngờ, hắn cuống cuồng bế thốc cháu chạy vào bụi cây. Quanh hồ lúc ấy vắng người. Mà có người thì mấy ai để ý đến chuyện trai gái. Cháu dại quá, biết thế khi thấy hắn ngáp dài uể oải phải cáo từ ngay… Hắn lồng lộn giở trò. Hắn lì lợm khóa cứng hai cánh tay cháu, lột nhanh tấm áo manh quần trên người cháu, bịt miệng không để cháu kêu cứu. Trong phút giây hiểm nguy đến vậy, cháu chỉ còn kịp tập trung sức bình sinh đạp thật mạnh vào phía dưới bụng hắn. Hắn chồm lên. Rảnh tay, khi hắn xô lại, cháu thọc thẳng tay vào hai mắt hắn. Cháu vùng dậy định chạy, nhưng trên người trần trụi… Lo hắn xông lại. Giá mà hắn xông lại thật có lẽ cháu “chết” với hắn. Nhưng không. Thằng chó đểu gom toàn bộ quần áo của cháu, chửi đổng, thách đố vài câu rồi bỏ đi. Cô đơn, buồn tủi và choáng váng, cháu không còn biết xoay xở ra sao. Cháu định chờ gần sáng đánh liều bẻ cành lá cây cuốn quanh người, bôi bẩn giả con điên tìm đường thoát về…

Cái đêm sương giá ấy là đêm nhớ đời của cháu. Thấy bác, bác rủa và mắng mỏ cháu không sợ bằng bác đi báo công an hoặc gọi người đến chứng kiến. Tới khi bác trở lại trên người áo may ô quần xà lỏn… Cháu thêm một phen khiếp vía kinh hồn, nghĩ tới buổi đêm, nghĩ tới phần thú vật tiềm tàng trong mỗi gã đàn ông… Đến khi nhận được bộ đồ…

Sau này cháu mới biết bộ mặt thật của thằng khốn nạn ấy. Ai ngờ ra đời hắn lại đổ đốn biến chất nhanh đến thế. Có tiền, hắn ăn chơi trác táng, rơi vào nghiện hút. Hóa ra lúc hắn ngáp là sắp lên cơn nghiện. Mồm hắn dẻo quẹo với cháu để vội đi tiêm chích. Cháu nhẹ dạ cả tin, cháu khờ dại quá. Phúc cho cháu còn đạp thẳng cổ hắn. Người ta bảo hắn bị Sida. Nghĩ lại mà rụng rời chân tay, mới thấm câu bác rủa…

Bác ơi! Cháu xin gửi lại bộ đồ của bác mà cháu nâng niu cất giữ cả năm trời. Cháu muốn gặp bác lắm.  Nhưng không thể…”.

Bức thư không đề ngày tháng, không ghi tên.

Bà Thể ghé sát đầu chồng, nói:

- Sao ông bảo bộ quần áo cho con rồ con điên cởi truồng?

- Thì rồ với điên khác nhau mấy tấc gang! Thế mới gọi là điên rồ…

Bà Thể đứng lên, tìm cái mắc áo treo bộ đồ thể thao của ông vào trong tủ./.

                                                                                            L.K

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 48
Trong ngày: 180
Trong tuần: 913
Lượt truy cập: 435509
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.