Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LÀNG PHÒM DẬP DỊCH

 LaHAN

LÀNG PHÒM DẬP DỊCH

Mới vào tháng 9 được mấy hôm mà làng Phòm xuất hiện một loại bệnh lạ. hơn 10 cháu bị méo mồm. Tuần sau, 8 cô chú trên dưới 30 tuổi cũng méo mồm. Tuần sau nữa, 6 ông bà trên 60 tuổi lại méo mồm. Phòm hoảng quá! Thế là thành dịch bệnh mẹ nó rồi!!!

Phòm nhớ, cách đây 5 năm, làng có dịch đau mắt đỏ. Phòm phát hiện mấy chục gia đình rửa mặt bằng nước sông Hồng. Phòm yêu cầu các nhà ấy rửa mặt bằng nước giếng thơi và nhỏ thuốc đau mắt. Khỏi! Cách đây 2 năm, làng có dịch lở mồm long móng. Nó từ trâu bò lây sang trẻ nhỏ. Phòm báo cáo xã, xã báo cáo huyện. Đội vệ sinh dịch tễ của huyện về. Hướng dẫn dân chống dịch. Nửa tháng sau, ổn!

Phòm được tập huấn, địa phương có trên 10 người cùng mắc một loại bệnh thì phải báo cáo; nay đã gần 3 chục người bị méo mồm thì đích thị là dịch bệnh rồi, phải báo cáo thôi.

Ba ngày sau đội chống dịch bệnh của tỉnh về!

Họ tập trung tìm nguyên nhân gây bệnh! Có người hỏi rằm tháng Tám vừa rồi có nhiều nhà mua đồ chơi Trung Quốc không? có thể trẻ ngậm đồ chơi có nhiễm độc mà sinh bệnh? Điều tra ngay, các nhà có người méo mồm không ai mua đồ chơi Trung Quốc cả! Lại có người nói, vừa rồi bờ sông bị sạt lở, lộ ra mấy chục cái vò, cái chum cổ có niên đại cách đây hơn nghìn năm. Đấy là vò chum đựng hài cốt người xưa, mấy nhà mang chum, vò ấy về nhà muối dưa, nên gây ra bệnh méo mồm. Phòm cũng hoảng, ra ngay đền, đề nghị các cụ cúng giải hạn cho làng!!! Nhưng khi điều tra: Không có ai muối dưa bằng mấy chum vò ấy cả. Các nhà kiếm được chum vò ấy đều để trang trọng trên giá cao, như đồ thờ!

Vậy nguyên nhân phát bệnh từ đâu? Tỉnh chịu, phải báo cáo trung ương. May quá, 2 ngày sau, “đội khoa học loại trừ dịch bệnh” từ Hà Nội về ngay. Trung ương có khác, họ có biện pháp chống dịch rất khoa học và hữu ích. Đó là điều tra từ nguồn phát bệnh. Họ phát hiện ra ban đầu phát bệnh là nhóm các cháu 6 đến 7 tuổi, vừa vào lớp 1, tiếp sau là bố mẹ các cháu, tiếp nữa là ông bà các cháu! Họ kết luận luôn. Sau đây là cuộc báo cáo sơ bộ của họ với trưởng thôn.

Phòm: - Nguyên do từ đâu mà làng tôi có bệnh lạ ấy thưa các giáo sư?

Giáo sư trưởng đoàn: - Nguyên nhân là các cháu đi học lớp 1, phải đánh vần nhiều chữ khó quá!

Phòm: - Ví dụ?

Giáo sư: Nếu coi ba phụ âm C, K, Q là như nhau và cùng đọc là “ cờ” thì nay không phải vậy. Cụ thể, đọc “qua” khác “ cua” hoặc “kua”; “qua” phải đọc giống như”coa” hoặc “koa”…

  • Lằng nhằng qua! Thằng cháu lớn nhà tôi, bà nó dạy 3 tháng, nó đánh vần ngoay ngoáy, 6 tháng sau nó đọc được truyện tranh và đọc báo chẳng cần đánh vần nữa! sao ngành giáo dục bày lắm trò thế???
  • Đây vẫn là thí nghiệm bác Phòm ạ!

Phòm điên tiết: -Thí nghiệm cái éo gì mà dài thế? Khoa học chỉ cần 50 con chuột bạch đã cho kết quả, giáo sư gì ấy làm chương trình công nghệ gì ấy bảo thí nghiệm chỉ cần 1000 cháu là có kết luận. Nay lấy 80 ngàn cháu trong 1 năm, mà 40 năm nay rồi vẫn thí nghiệm thì tất nhiên cả đất nước này méo mồm!

Theo giáo sư thì làm sao hết bệnh méo mồm?

Giáo sư bảo chúng tôi đang nghiên cứu, có gì trả lời bác sau.

Phòm đứng dậy, nói to: - Chờ các bác thì đến tết Công gô à?Tốt nhất là éo học các bác nữa, em cho các cháu về nhà, học các bà nạ dòng thôi…!


CHÁU PHÒM MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO

   Cu Mít- là tên gọi ở nhà, còn đi học, cháu có tên Đặng Phương Nam. Nó là con thứ 2 của con gái lớn nhà Phòm. Năm vừa rồi cu vào lớp 1.

    Được cái mấy năm học mẫu giáo Mít toàn được khen là mạnh dạn, là giỏi, là ngoan. Đặc biệt Mít được khen có khiếu nói trước đám đông, ấy là lên phát biểu các bài cô dặn trước rất trôi chảy. Nào là: “Hôm nay… là ngày Quốc tế Thiếu nhi, mùng 1 tháng 6, chúng con rất biết ơn các cô, các mẹ đã quan tâm dạy dỗ, quan tâm cho quà chúng con, chúng con hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi, là công dân tốt cho tương lai…”. Nào là “Hôm nay là ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 26 tháng 3, chúng em rất quý trọng và yêu mến các anh các chị đoàn viên thanh niên, người đã dìu dắt chúng em đi theo con đường đã chọn…”. Cu cứ lên ngoay ngoáy, cứ nói làu làu… Ngồi dưới, mẹ cu và có hôm là bà (tức vợ Phòm) cứ nở từng khúc ruột, mặt cứ tông đơ lên, đến là hãnh diện…

Vào năm học được hơn 2 tháng là sắp đến ngày nhà giáo Việt Nam. Cô giáo chủ nhiệm lớp được mẹ Mít khoe trước và đôi lần thấy Mít nói năng lưu loát, nên cô rất vui. Sáng 20 tháng 11, cô đón Mít từ cổng trường rồi cúi xuống ân cần: “Mít ơi, con biết hôm nay là ngày gì rồi chứ?” Mít ngẩn người một tẹo rồi gật gật đầu: “Con biết ạ!”. Cô giáo cười rõ tươi rồi động viên tiếp: “Con sẽ thay mặt các bạn lớp mình lên phát biểu trước toàn trường con nhé!”. Mít dõng dạc: “Vâng ạ!”

Thế rồi tiếng trống rung uỳnh uỳnh, tiếng còi ré tuýt tuýt, tiếng các học sinh xô đẩy bàn ghế… Rồi hàng ngũ cũng ngay ngắn. Rồi cô Tổng phụ trách đội lên phát biểu, rồi cô hiệu trưởng lên nhắc nhở…Đến khi cô Tổng phụ trách đội giới thiệu: “Sau đây là lời phát biểu của em Mít, tức  em Đặng Phương Nam, học sinh lớp 1A3, thay mặt các  bạn khối lớp 1, với cảm tưởng của em về ngày trọng đại hôm nay…”

Mít đứng phắt đậy, đĩnh đạc bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay như pháo nổ. Cô Tổng phụ trách lúng túng một chút vì Mít thấp quá, cô bỗng lui về dãy ghế giáo viên, cô nhấc chiếc ghế mà cô vừa ngồi, mang lên cạnh bục có mi cơ rô. Cô nhấc bổng Mít cho cu đứng hẳn lên ghế của cô. Mít hơi run run. Sau trấn tĩnh, Mít gõ vào mi cơ rô bộp bộp, cất giọng: “Alo, a lô…” 

Mít nhìn bao quát cả sân trường, chao ôi, đông quá! Mít nhìn cô chủ nhiệm và nhớ lời nhắc hôm nay là ngày trọng đại. Mít nhớ rất rõ sớm nay, mẹ giục bố “Dậy, dậy đi mua hoa quả để tôi cúng rằm”. Cô chủ nhiệm hất hất tay giục: “Nói đi, Mít nói đi…”

Mít cất giọng: “Kính thưa cô hiệu trưởng, kính thưa cô chủ nhiệm, à kính thưa cô Tổng phụ trách trước ạ, kính thưa các cô giáo, kính thưa bác quản trường, kính thưa cô quét rác sân trường…” Có tiếng ồn ào: “Nói vào hôm nay đi…nói đi.”

Mít chợt nhớ các ngày rằm trước, rồi cao giọng: “Hôm nay là một ngày hết sức quan trọng, hết sức có ý nghĩa! Đó là ngày Rằm ạ. Ngày mà nhà nhà, ai cũng phải mua hoa quả để cúng Phật và cúng Thánh Thần ạ!!!” Sân trường lặng phắc, rồi bỗng òa ra những tiếng cười…

Mít tiếp tục đầy hăng hái: “Mẹ em dặn bố em rằng, Thánh cũng phải ăn, nên phải cúng cáp cho tử tế, ai mà không cúng cho Thánh cho Phật tử tế là Thánh phạt cho lòi tỹ ra đấy ạ!!!”

Cả sân trường tiếp tục ồn lên và mấy bạn cùng lớp Mít thì cười sằng sặc. Mít chỉ tay vào các bạn: “Này các bạn đừng đùa, mẹ tớ bảo đồ cúng cáp mà bạn nào nhúp ăn vụng là Thánh phạt cho mồm sẽ đầy sâu răng đấy nhé…”

Lại trận cười như nước vỡ. Mít nhìn cô chủ nhiệm, cô huơ huơ cả hai tay, miệng nói gì, Mít không nghe rõ tiếng. Mít tưởng cô động viên, cu cậu lên giọng tiếp: “Như cô giáo của lớp em, chiều qua  đang dạy, cô cũng đi ra hè, điện về cho mẹ bảo rằng: Alo, mẹ nhớ mai cúng rằm, nhớ phần con mấy phong chè lam đấy nhé…”

Sân trường lại nghiêng ngả vì cười, có tiếng ghế đổ vì có người ngã. May sao, cô Tổng phụ trách đã với tạy tắt máy tăng âm dưới đôi mắt sắc lẹm của cô hiệu trưởng. Cô chủ nhiệm lớp vội lao lên, nhấc Mít ra khỏi ghế, đặt phịch cu cậu xuống đất như Mít có cân nặng quá sức của cô.

Mít ngơ ngác nhìn cô, nhìn các bạn.

Nắng đầu đông chiếu qua các tán cây, để lại những vạt sáng loang lổ giữa sân trường!


TƯỚNG ĐẤT CỦA CHÁU PHÒM

Cô con gái thứ hai nhà Phòm lấy chồng đã mấy năm nay. Chuyện cưới xin của nó cũng ối chuyện hay, để dịp khác kể lại. Hôm nay kể chuyện thằng con trai hơn 2 tuổi của nó!

Con gái Phòm vốn làm cô “Nuôi dạy hổ” ở xã nên vẫn ở cùng vợ chồng Phòm; chồng nó làm trên tỉnh, tuần về đôi ba lần. Con trai nó từ bé đã ở cùng ông bà ngoại. Nựng nựng thằng bé đỏ hỏn trên tay, nhớ câu các cụ xưa, Phòm đùa: “Khai sinh thì cu tên là Quốc Khánh, nhể! nhưng ở nhà ông gọi là cu Bòn nhể!!!” Ai ngờ vợ chồng nó lại thích thằng con có cái tên ấy!

Cu Bòn từ khi sinh nhật 2 tuổi đến giờ chỉ thích làm công an với bộ đội. Nó đòi bố mẹ mua áo có cầu vai, mua mũ có gắn sao. Đi đâu cũng đúc khẩu súng nhựa trước bụng, thỉnh thoảng rút ra, bắn bùm bùm…

Phòm có ông bạn cùng học phổ thông, làm báo ở thủ đô. Giờ hơn 50 tuổi, cũng được làm chức phó Tổng biên tập tờ Công luận và Đô thị, một tờ báo có tiếng. Mỗi khi về quê, ông bạn hay đến nhà Phòm chơi. Cầm tinh Ngựa nên ông bạn rất bốc, rất quyết liệt.

Hôm lâu lâu, ông bạn vung tay: “Đợt này đến ủy viên Bộ Chính trị vướng tội, cũng “mặc áo số, ăn cơm xô” ông ạ!- Phòm gật gù xác nhận.

Hôm trước, ông bạn cười rạng rỡ: “Đợt này mấy bộ trưởng tham ô, coi chừng cũng ngồi bóc lịch ông ạ! - Phòm mỉm cười, công nhận!

Hôm nay, ông bạn lại hào hứng: “Ông biết gì chưa, mấy tướng công an, mấy tướng quân đội bị khởi tố rồi… Chắc cũng “nhập kho” thôi…

Nghe đến đó, Phòm bỗng xua tay: “Ông nói nhỏ tý được không?”. Ông bạn tròn mắt: “Thiên hạ nói đầy, việc gì ông phải sợ???

  • Sợ gì, ông nói to, cháu tôi nó tỉnh giấc, nghe được, nó buồn!
  • Sao cháu ông lại buồn???
  • Nó tôn sùng công an với bộ đội lắm! Đây ông xem này! Nó bắt tôi vẽ các chú công an với bộ đội đầy mấy tập giấy! Đây, đây! Nó đòi vẽ tướng công an to nhất để sau này nó sẽ là tướng như thế để bắt tướng cướp! Tôi bảo Đại tướng bốn sao là to nhất, nó không chịu, đòi vẽ tướng to hơn, phải 9 sao trên quân hàm cơ!
  • Ông Phòm chiều cháu quá nhể!
  • Ấy, ông ơi, hiểu suy nghĩ của trẻ cũng đếch dễ đâu. Có hiểu mới chơi được với nó! Rồi ông có cháu sẽ rõ!

Đúng lúc ấy, từ cánh phản gỗ ở gian bên có tiếng cu Bòn: “Ông ơi! Mũ công an của cháu đâu?”- Phòm vội chạy sang: “Bòn dậy rồi à? Đây đây, mũ có ngôi sao của Bòn đây!”

  • Tướng của cháu đâu?
  • Hôm qua nặn dở, ông để góc nhà kia! -Thằng bé chồm dậy, lon ton chạy vào góc buồng, ôm cái tượng to bằng cái phích, bằng đất sét màu- loại đất sét dùng làm thủ công ở các trường Mầm non- đặt giữa nhà!
  • Chúng mình nặn nữa ông nhé! – thấy Phòm gật gật, thằng cháu đòi nặn ông tướng cướp, to như ông tướng của nó. Tướng cướp cũng có mũ, có sao, nhưng mũ đen, không được đội mũ vàng. Phòm nặn. Nó đòi tướng của nó phải đeo súng thật to. Phòm nặn. Ông bạn nhà báo xen vào: “làm tướng là chỉ huy, không cần súng.” Cu Bòn ngẩng lên, nói: “Không chơi với ông nhà báo, ông chẳng biết gì. Có súng mới bắn bùm bùm được chứ!”

Rồi cu Bòn đòi ông nặn nải chuối màu xanh, đĩa cam màu tím, bát xôi màu vàng, con gà màu đỏ cho tướng của nó ăn. Nó còn dặn: “Chỉ cho tướng công an của cháu ăn thôi, tướng cướp bị phạt, phải nhịn!”

Nhìn thằng bé hớn hở: “Gà đỏ như ớt thế mới ngon ông nhỉ! Êu êu, thằng tướng cướp thèm quá kìa…” Ông nhà báo lắc đầu:

  • “Chịu ông Phòm, chiều cháu đến thế là cùng!”. Phòm liếc thằng bé, nói đủ bạn nghe:
  • Ầy à… Đất sét cả thôi mà ông!!!

                                                                                            LaHAN

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 468
Trong tuần: 1873
Lượt truy cập: 404050

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN TÁC GIẢ! CON CÁ TO QUÁ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.