Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LÀNG CÒ (CHƯƠNG 4+5)

Nguyễn Đạo Vinh
 
LÀNG CÒ

(Chương 4)
 
        Quảy gánh tro ra đến đồng, thấy mót đi tiểu, Xoan kéo quần ngồi xuống. Cuộn giấy rơi ra, Xoan nhặt lên, cô nhìn thấy dòng chữ kính gửi anh Thăng, nhờ Xoan chuyển giúp. Mắt Xoan cứ mờ dần, mờ dần, hình ảnh Thăng đang nằm trên chiếc giường của mình lại hiện lên rõ mồn một.  Bây giờ mình giở ra xem, liệu anh có mắng mình không? Ôi dào, thiếu gì lí do, nếu anh hoặc Cúc có hỏi, thì bảo để đâu không nhớ, làm quái gì được nhau. Nghĩ thế cô liền xé toạc phong bì. Đọc xong, Xoan nở một nụ cười đầy bí hiểm.
Thăng ngủ mê mệt chả biết trời đất là gì. Cảm thấy lành lạnh, anh quơ tay định tìm mảnh chăn đắp, bỗng nghe thấy tiếng gõ lạch cạch. Thăng bật mình ngồi dậy nhìn quanh. Ông Duy đang ngồi đan nong, lúc này anh mới thật sự tỉnh lại. Anh xấu hổ, chào ông Duy rồi xin phép ra về. Vừa đến cổng gặp bà Duy quẩy đôi thúng đi vào, nhìn thấy Thăng bà hỏi:
  • Giờ cháu mới tỉnh à? Đàn ông, đàn ang gì mà có mấy giọt rượu đã say? Thôi về đi kẻo mẹ cháu mong.
  • Vâng!
        Thăng trả lời, rồi lững thững bước đi. Vài chục con trâu to kềnh, bụng căng phồng đang gõ móng lộc cộc xuống đường, các chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, nghêu ngao hát mấy câu đồng dao quen thuộc.
Vẫn những nếp nhà tranh, vẫn những hàng rào râm bụt. Vẫn những con đường quen thuộc hàng ngày anh đi qua, vậy mà chiều nay, anh lại thấy như có vẻ đìu hiu cô quạnh khác thường. Về tới sân, đứng ngó quanh thấy mẹ đang quét máng cho lợn, anh cảm thấy hội hận vì mình chưa đỡ đần gì cho mẹ.
        Bà Tường quay vào, nhìn thấy con, bà hỏi:
  • Hôm nay họp hành, bận bịu gì, mà trưa con không về ăn cơm? Mà sao trông con cứ bần thần ủ rũ ra như thế?
 Thăng giật mình đáp:
  • Con có sao đâu? Trưa nay con bận, cùng anh em sửa máy bơm nước mẹ ạ.
         Thăng ra giếng múc nước vã vào mặt. Hơi mát của nước làm cho anh tỉnh lại, trong người cảm thấy thư thái dễ chịu hơn, anh đi vào nhà. Mẹ bảo:
  • Ngồi xuống ăn luôn cho nóng, rồi đi đâu thì đi. Mà tối qua, mày dắt con Cúc đi đâu, không đưa nó về với mẹ một tí. Con bé thật tốt bụng. Hôm nọ truy điệu bố mày không có nó, thì chả có bát cơm mà cúng. Nó vận động chị em đến giúp, xếp sắp công việc đâu vào đó. Liệu bảo nhau lo dần mọi thứ đi. Mai mốt tao nhờ cậu Sơn, chú Thảo trong họ, đem cành cau đến hỏi và xin cưới luôn.
Nghe mẹ nói một thôi dài, lại đúng lúc tình cảnh giữa anh và Cúc vẫn chưa biết ra sao. Nghĩ đến tối qua anh bị mẹ Cúc xua như xua con hủi, anh cúi gằm mặt không dám trả lời.
Ăn xong Thăng định đi nằm, nhưng lại nghĩ tới lời mấy bà đội trưởng trong cuộc họp ban sáng. Anh đi đến nhà Côn, nhờ Côn đến giúp cho bà Hoài, đến nhờ Tâm giúp cho bà Tý lém, nhờ Quỳnh giúp cho bà Phong. Còn lại đội Sáu yếu nhất anh trực tiếp đến giúp đỡ.
                                                   ***           
       Cơm nước xong xuôi, bà Duy te te, tái tái chạy đến nhà ông Thìn, để chia thêm ít khoai tây giống.
       Ông Thìn ngồi khoanh chân trên phản, chiếc điếu bát nằm gọn trong lòng. Ông vê vê điếu thuốc cho vào nõ rồi châm lửa hút, ọc ọc,ọc ọc ọc ọc ọc ọc ông ngửa cổ nhả một hơi dài, làn khói xanh mờ bay lên. Chờ ông Thìn hút xong điếu thuốc bà Duy cất lời :
  • Ông Thìn ơi, ông còn khoai giống, chia cho em độ mấy chục củ. Em thiếu một đoạn khoảng bốn đòn gánh.
  • Tôi còn thừa độ dăm chục củ, lại đưa cho chú em lúc chiều rồi. Bà thông cảm, chạy sang bà Hoàn. Hôm tôi đến chơi, có nhìn thấy hai dàn khoai giống đẹp lắm.
  • Cảm ơn ông, em đi đây.
Bà đi như chạy đến nhà ông Hoàn. Đến nơi thấy ông Hoàn nằm phản đắp chăn, thằng cu đang ngồi học bài. Bà Duy liền đánh tiếng:
  • Ông Hoàn nghỉ sớm thế? Bà ấy đâu?
  • Ai đấy ạ? Em đây! Vừa trả lời, bà Hoàn vừa từ trong buồng đi ra, nhìn thấy bà Duy, bà nói - Kiểu này trời sắp có bão cũng nên? Gần một năm rồi, hôm nay bà mới bước chân sang đây. Em đang bận nhể đậu đêm cho cháu, cái giống cảm lạnh là cứ phải nhể, nhể xong đun nồi lá xông, xông thật kỹ mới khỏi.
  • Cháu nó ốm à? Rõ khổ. Khỏe như voi mà lại lăn ra ốm. Con Cúc nhà bà ăn đứt con Xoan nhà tôi. Con Cúc mười, con Xoan chỉ được sáu.
  • Sao bà lại nói thế?
  • Tôi nói bằng thật đấy - Bà cười khúc khích một hơi dài rồi nói tiếp - Cứ nghĩ đến lại buồn cười chết đi được. Tôi kể cho bà nghe, trưa nay anh Thăng đi ngang qua nhà tôi. Con Xoan nhìn thấy chạy ra, kéo anh vào. Đúng bữa, tôi ông ấy, chèo kéo mãi anh mới chịu ngồi xuống. Sẵn cút rượu cúng, ông nhà tôi bảo con Xoan bỏ xuống, rót ra, ông ấy uống một chén, anh Thăng mới tợp có mấy giọt rồi làm vài bát cơm. Lúc đứng dậy, anh loạng choạng suýt ngã, con Xoan vội đỡ anh nằm vào giường. Ngủ đến lúc tôi đi làm về mới dậy được. Ấy đấy cứ nghĩ đến lại buồn cười. Thôi, tôi xin phép.
 Bà Duy ra đến cửa rồi bất ngờ quay lại.
            -Ấy đấy mải chuyện, việc chính lại quên. Ông Thìn mách tôi sang bà để chia ít khoai tây giống. Bà có còn để cho tôi độ sáu chục củ.
  • Cháu Cúc nó ốm em chưa trồng được, nhưng chắc là thừa. Bà cứ lấy đi.
         Nói xong bà đứng dậy ra lấy khoai cho bà Duy. Xong việc bà Duy chào ông bà Hoàn lần nữa rồi ra về. Ông Hoàn ngóc đầu lên nói:
  • Bà lại nhà.
Cúc nằm trong buồng nghe rõ mồn một câu chuyện mẹ Xoan vừa kể, lòng dạ cô cứ bồn chồn lo lắng.
        Tối đó, Xoan ăn vội bát cơm rồi chui ngay vào buồng ngồi tập viết. Sau hai ngày ngồi lì ở nhà, viết đi, viết lại hàng trăm lần. Đối chiếu đi, đối chiếu lại với nét chữ của Cúc, Xoan cho rằng, Thăng không thể nhận ra được đây là bức thư do mình viết. Xoan cảm thấy trong lòng rộn rã, xốn xang. Vừa cho lá thư vào phong bì, cô vừa nở nụ cười đắc ý.
 langco1
(Chương 5)
 
       Đã ba hôm nay Thăng không gặp được Cúc, anh rất muốn đến nhà để xem sức khỏe của người yêu ra sao. Nhưng cứ nghĩ đến tối hôm nọ, mẹ cô không muốn cho anh vào, vì có Tu đang ngồi với con gái mình, anh lại thôi. Đắn đo suy nghĩ mãi, anh quyết định tối nay bằng mọi giá, anh sẽ đến gặp Cúc để hỏi rõ ngọn nguồn, rồi sau muốn ra sao thì ra. Thăng đang suy tính thì nghe tiếng mẹ hỏi:
  • Anh với Cúc có chuyện gì phải không?
Thăng ậm ừ, lúc bảo Cúc ốm, lúc lại bảo Cúc bận. Bà Tường nghe con nói không được rõ ràng, mạch lạc, lưu loát như mọi ngày. Bà sinh nghi liền ra điều kiện:
  • Tối nay anh mà không dẫn con Cúc về đây, thì mai tôi sẽ sang đấy, nhân thể tôi thưa chuyện luôn với ông bà bên ấy, xem lễ lạt ra sao để tôi lo.
 Cơm  tối xong khoác thêm chiếc áo vào cho đỡ lạnh, Thăng bảo với mẹ:
  • Con đi có chút việc, ai đến hỏi mẹ bảo họ, mai ra trụ sở hộ con .
         - Tôi nói lại, anh muốn đi đâu thì đi, nhưng tối nay phải đưa con Cúc về đây cho tôi.
        Nghe mẹ nói rõ ràng dứt khoát như vậy, anh như được tiếp thêm sức mạnh, hăm hở bước đi. Thăng đang chuẩn bị rẽ vào ngõ nhà Cúc, thì phía sau có tiếng gọi của ai đó:
  • Anh Thăng, quay lại em bảo đã.
        Thăng hơi giật mình đứng sững lại. Xoan tiến lại gần chỗ Thăng rồi nói:
  • Hôm nọ mẹ Cúc sang, đưa cho em cái phong bì, bà ấy lại nói là bản danh sách đoàn viên. Hôm nay giở ra xem em mới rõ. Cúc gửi lá thư nhờ em chuyển cho anh. Anh có đến nhà Cúc bây giờ cũng không tiện lắm đâu. Chiều nay Tu đèo cái hòm gì to lắm đến nhà Cúc đấy.
Thăng nghe Xoan nói vậy liền quay lại.
Xoan bật công tắc điện, đèn sáng trưng. Ông Duy làm cả ngày mỏi lưng đã đi nằm. Bà Duy đang đun cám lợn dưới bếp. Ba đứa em Xoan đều đi học nhóm bên hàng xóm. Xoan mời Thăng ngồi xuống giường rồi đưa lá thư cho anh.
Đây rồi, nét chữ quen thuộc của Cúc, bên ngoài đề kính gửi anh Cao Xuân Thăng. Anh vội vàng giở ra đọc, đôi lông mày tự dưng nhíu lại. Vẻ mặt anh lúc này trông thật thiểu não.
Xoan đưa lá thư cho Thăng xong, cô cố tình nán lại để quan sát. Khi thấy anh gieo mình xuống giường, Xoan cười thầm trong bụng rồi xuống nói với mẹ:
  • Mẹ ơi, anh Thăng đang buồn, mẹ có lên nhà thì khe khẽ, để cho anh nghỉ.
  • Sao anh ấy lại đến đây nằm hả con?
  • Hôm nọ Cúc nhờ con gửi cho anh ấy lá thư, hôm nay con mới nhớ đưa cho anh, đọc xong chẳng hiểu sao anh lăn ra giường vật vã khóc thầm.
  • Mẹ dặn, đừng có dại dột làm điều gì để chia rẽ anh Thăng với Cúc nhé. Làm vậy là thất đức lắm con ạ. Hôm nay đi làm, mẹ thấy ở đâu họ cũng xì xào bàn tán chuyện con với Thăng.
  • Họ nói sao hả mẹ ?
  • Họ bảo con có tình ý với Thăng hôm nó say rượu nằm ở đây.
  • Kệ họ, họ nói thì nói con chả sợ.
  • Ấy là mẹ góp ý, nếu có con phải sửa.
Đúng là mấy hôm nay dân làng Cò Quay rộ lên câu chuyện, cô Cúc nhà ông bà Hoàn tham vàng bỏ ngải, nhân cơ hội này cô Xoan con ông bà Duy lại xoắn vào. Họ thêu dệt nên đủ thứ chuyện. Nào là con Xoan chuốc rượu cho anh Thăng say xỉn để ôm ấp làm tình. Nào là anh Thăng trông vẻ ngoài hiền lành thực thà thế mà lại bắt cá hai tay. Thế mà cũng cán bộ cán bèo, có mà cán cuốc, cán xẻng thì có. Thực tình chuyện dân làng đồn đại cô đều nghe hết cả. Cô đi lên chỗ giường Thăng nằm giả vờ hỏi:
- Cúc nó viết gì đấy hả anh?
 Thăng không trả lời chỉ lắc đầu. Đầu óc anh cứ quay cuồng, nghĩ chuyện nọ, xọ chuyện kia, anh cho rằng mình quá yêu, nên mù quáng, để đến giờ bị Cúc đá. Còn cái đau nào hơn, khi thằng đàn ông như anh mà lại bị người yêu ruồng bỏ. Thật nhục, nhục quá, nước mắt Thăng cứ tự nhiên ứa ra.
Xoan ngồi bên cạnh hai tay cô mới đầu còn đặt hờ vào bàn tay anh, sau đó cô vuốt ve, mơn trớn, áp sát người vào Thăng, Thăng cựa mình nằm nghiêng quay mặt vào vách. Xoan dướn người đè phần ngực của mình vào tay Thăng. Đã mấy lần anh định bảo Xoan đừng nên làm thế. Nhưng anh lại nghĩ tới câu nói của Linh, cách đây mấy hôm ở ngoài cánh đồng, thương cho số phận của họ, Thăng đành nằm im.
Xoan thấy anh im lặng, không phản ứng, cô táo tợn thò tay vào ngực, nhoài người lên hôn chùn chụt vào má, vào cổ Thăng. Cơn sốc ban nãy của anh đã có phần dịu đi đôi chút. Thăng ngồi dậy để về nhà, tránh cho cả Xoan lẫn mình không đi những bước quá xa. Nhưng anh lại nghĩ, giờ mình về mẹ sẽ hỏi Cúc đâu, thì  biết trả lời ra sao? Thôi đành ở đây đến khuya rồi về vậy.
 
                                                                     * * *
 
Hôm nọ Cúc nằm trong buồng, nghe bà Duy kể chuyện với mẹ về Thăng, Cúc nghĩ, mình đã gửi thư mấy hôm rồi mà không thấy anh đến, cũng không thấy anh viết thư trả lời. Hôm nay đã bước sang ngày thứ ba nằm ở nhà, Cúc nóng ruột lắm, định trưa nay đun nồi nước xông, tắm táp rồi sang để xem anh ra sao. Hay anh cũng bị ốm, cũng có khi anh ốm thật, hoặc giả cái Xoan quên chưa đưa? Hôm nọ mình sợ lộ chuyện, nên nói dối mẹ là danh sách đoàn viên. Cái Xoan chắc cũng tưởng thật, không bóc ra xem thì biết đâu mà gửi. Đang mải nghĩ ngợi thấy có tiếng động ngoài sân, cô liền chạy ra tưởng anh Thăng đến, hóa ra là mẹ. Cô bần thần đi vào ngồi xuống giường nghĩ ngợi.
  • Cúc ơi, Cúc à.
  • Dạ, mẹ gọi gì con đấy?
Đến sát chỗ con ngồi bà nói:
  • Có chuyện này mẹ định không nói cho con biết.
Nhưng sáng nay đi làm thấy mọi người cứ túm năm, tụm ba nói chuyện gì như bí mật lắm. Ra đến ruộng, mẹ gặng hỏi mãi, thím Quyên gắt toáng:
- Họ bảo con Cúc nhà chị tham vàng bỏ ngải. Thằng Thăng thì bắt cá hai tay, chưa chi đã thế nọ, thế kia. Con Xoan với thằng Thăng đã …..
  • Đã làm sao, mẹ nói đi.
  • Chúng nó đã ……
  • Đã cái gì mẹ cứ ấp a, ấp úng mãi?
  • Nó đã ….. đã ngủ với nhau.
  • Liệu có đúng thế không hả mẹ?
  • Ừ cái hôm mày bảo tao đem giấy gì sang cho cái Xoan, nhìn thấy anh Thăng với Xoan đang nằm ở giường, nó giật mình quay lại, mặt đỏ ửng vì xấu hổ. Mẹ thấy vậy đưa giấy cho nó rồi đi luôn.
Nghe đến đây Cúc nhảy dựng lên :
  • Con phải đến ngay hai nhà ấy hỏi cho ra nhẽ mới được, con uất lắm mẹ ạ.
Cô định đi ngay, nhưng bị bà Hoàn ngăn lại khuyên can:
  • Việc nó xảy ra thì nó đã xảy ra rồi, con phải bình tĩnh nghĩ xem cư xử thế nào cho phải lẽ, đừng để làng trên xóm dưới họ chê cười.
Ông Hoàn đi ăn giỗ chú ruột về, thấy bà Hoàn từ trong buồng đi ra, ông quát to:
  • Bà đã sướng chưa, rác tai, rác tai quá. Đi đâu họ cũng nói nhà mình hám giàu tham của, rõ là đẹp mặt.
Bà Hoàn nghe chưa hết câu, đã vội vàng phản pháo:
       - Ông nói ai đẹp mặt, đẹp mặt cái gì ? Thiên hạ có mồm họ cứ nói. Ghen ăn tức ở hả? Thấy nó đến chơi biếu quà, mình không được thì đặt điều, nói xấu à ? Mẹ cha những đứa thối mồm, chọc ngoáy vào chuyện của người khác.
       Một vài người hàng xóm, thấy bên ông bà Hoàn hôm nay lại có chuyện lạ liền kéo nhau sang. Đến nơi thấy ông Hoàn đã nằm trùm chăn kín đầu. Họ ra về vừa đi vừa bàn tán:           
  • Ông này hôm nay đi ăn cỗ, được họ cho ăn gan hùm hay sao, mà dám mở mồm quát tháo. Bảo ông được ăn gan hùm thì oan cho ông quá, gan hùm làm sao đến được cái thứ ông. Chẳng qua là hôm nay ông bị ép uống rượu, bị mấy ông anh kích động, khích bác, máu trong người ông sôi lên. Nhưng nếu nói cho đúng, thì là rượu nói.   
Trong lúc ông bà Hoàn đang khẩu chiến với nhau, thì Cúc ngồi trong buồng khóc thầm. Cô giận mình nhẹ dạ cả tin, xuýt nữa lại trao thân gửi phận cho kẻ sở khanh. Cô nghĩ đến những lúc anh đưa cô đi chơi, với thái độ cử chỉ ân cần, âu yếm, anh chăm chút cho cô, lúc anh mua cái khăn mặt, khi thì bàn chải đánh răng, cuốn sổ, cây bút... Tuy tất cả mọi thứ đều có giá trị thấp nhưng được cô nâng niu như những vật báu, giờ thì nó trở lên vô nghĩa. Cô lại hình dung lúc hai đứa ở bên nhau, bàn bạc những chuyện cho tương lai, có lần anh với cô giận nhau, chỉ vì cô bảo thích sinh con trai đầu lòng, anh thì lại bảo thích con gái giống mẹ Cúc. Câu chuyện chỉ có thế mà cũng giận nhau vài hôm. Đến lúc cả hai làm lành nghĩ lại, đúng là chuyện trẻ con lại cười rinh rích. Cúc biết mẹ Thăng quý và thương mình lắm, ai cho biếu cái gì bà đều cất đi để dành cho mình. Bây giờ, bây giờ thì tan vỡ cả rồi. Nếu chỉ mình mẹ nói ra thì cô cũng chưa tin, nhưng đây đã là chuyện cả làng biết thì chắc chắn là có thật rồi. Vì không có lửa, làm sao có khói. Cúc cảm thấy đau nhói trong lồng ngực, cô gục xuống.
                                                       
                                                           * * *                                                             
                                                                                         
Bà Tường sáng dậy nhìn sang giường con, chẳng thấy Thăng đâu. Với tìm hộp trầu để ăn, sờ đến vỏ, vỏ đã hết nhẵn. Bà nghĩ: “Hôm nay là mồng Tám tháng Một ậm lịch, ngày phiên chợ làng. Đã lâu lắm mình chưa ra chợ, tý ra mua miếng vỏ, rồi tạt vào cậu Sơn chơi tẹo cho khuây khỏa. Ở nhà mãi mụ mị cả người”. Nghĩ vậy bà đứng dậy khép cửa, ra giếng rửa mặt rồi cắp chiếc nón đi. Qua hàng rau bà gặp mợ Thoa vợ cậu Sơn. Mợ níu tay kéo bà ra chỗ vắng rồi khẽ hỏi:
  • Em thấy dân làng họ đồn con Cúc bỏ thằng Thăng nhà mình, quay sang yêu thằng Tu con lão Cự có phải không?
  • Chị cũng chưa được nghe ai nói. À mà mấy hôm nay không thấy cháu nó dẫn con bé về. Hỏi thì nó cứ ậm ừ. Hôm qua cáu quá tôi bảo, tối nay mày phải đưa nó về đây cho tao. Sáng dậy tôi không thấy nó đâu.
  • Chị ạ, em còn thấy dân làng họ đồn rằng, con Xoan lừa thằng Thăng nhà mình uống rượu say để ép thằng Thăng này nọ, chẳng biết thực hay hư. Em còn nghe họ kể hôm thằng Tu con lão Cự đến chơi, biếu nhà ông Hoàn chai rượu tây trị giá năm sáu tấn thóc. Vừa mới chiều qua, một ô tô tải chở hàng cho nó, ba bốn người khuân xuống. Gần tối nó đèo cái hòm gì to lắm, bằng thế này này đến nhà ông Hoàn.
  • Rõ khổ, tôi lại đinh ninh là chúng nó vẫn yêu nhau, cũng định sáng nay ra bàn với cậu mợ vài hôm nữa sang rạm ngõ cho cháu. Tổ chức cho nó xong, nó có đi tôi cũng yên tâm. Thật vô phúc cho con Cúc, lấy con lão Cự, liệu có được ba bảy hai mốt ngày không? Bà thở dài sõng sượt.
  • Thôi chị vào nhà đi, nhà em đang ở nhà đấy. Chị có mua gì không em mua một thể.
  • Mợ mua cho tôi hai hào rễ chay nhé.
Vừa nói bà vừa dúi tiền vào tay em.
  • Chị cầm lấy, chả nhẽ em không biếu chị được đoạn vỏ ư?
Bà Thoa ấn lại vào tay chị. Đẩn đi, đẩn lại mãi, cuối cùng bà Tường phải chịu thua bà em.
Nhà ông Sơn tọa lạc trên một gò đất cao, mặt quay hướng nam, xung quanh là mảnh vườn rộng hai sào bắc bộ, đầu hồi nhà có cây mít to. Lúc còn bé bà Tường và ông Sơn hay trèo lên bứt dái mít xuống chấm muối ăn, nó chát xít, nhựa dính vào lợi, vào răng gỡ mãi chẳng ra. Nhưng nó cũng giúp chị em bà thoát được những cơn đói cồn cào lúc giáp hạt. Ông Sơn đang lúi húi lau chiếc xe đạp thống nhất cũ. Tính ông cẩn thận, đi đâu về là lau chùi sạch sẽ, nên xe của ông lúc nào cũng bóng loáng. Ông ngẩng lên thấy chị đang đứng ngắm ngôi nhà, ông cất lời:
  • Chị!
  • Cậu cứ làm đi.
Bà đi loanh quanh ra sau nhà, vừa đi vừa nghĩ: Nhân thân bố mẹ để lại cho cậu mảnh vườn và ngôi nhà tranh ba gian. Nay nhờ có mợ Thoa đảm đang, tháo vát, cứ vãn việc đồng lại đi chợ kiếm thêm, đã xây được ba gian nhà lợp ngói, cao ráo, thoáng mát. Quay vào trước sân bà đứng nhìn. Cái bàn thờ ọp ẹp trước đây, được thay bằng chiếc tủ chè bên trên có chiếc đỉnh đồng và hai cây đài nến, bà bèn cất lời:
  • Cậu mợ ăn nên làm ra như thế này, chị cũng mát mặt lắm.
  • Trưa nay chị ở đây ăn cơm nhé, em có chuyện cần bàn.
  • Thôi cậu cho chị về.
  • Ngày mai là ngày giỗ cụ thân sinh ra nhà em, đáng ra mai em làm. Nhưng hôm nay chị ra em cúng luôn, để em ra bảo nhà em mua vài thứ, rồi về nói chuyện sau.
 Ông Sơn vừa nói, vừa đi ra chợ. Lúc sau ông về đem theo ít trầu, cau, hoa quả, một con gà trống. Bà Thoa cũng lẽo đẽo theo sau:
  • Em mua biếu chị đọan rễ này ngon lắm. Chị vào nhà uống nước chuyện trò với nhà em, mọi việc để đấy em lo.
Ông Sơn đã ngót năm mươi, dáng người nhỏ nhắn, da trắng, tính tình nhanh nhẹn hoạt bát. Ông đi bộ đội rồi về phục viên, hiện đang làm thư ký ủy ban xã. Pha ấm nước xong ông nói:
  • Chị vào trong nhà uống nước, em có câu chuyện cần bàn:
Bà Tường bước hết ba bậc thềm rồi nói:
  • Cậu làm bậc cao quá, lúc về già leo khổ lắm.
  • Em làm cao thế, đề phòng nay mai họ xây đường, sân nhà mình lại phải đổ cao lên.
  • Gớm, cậu lo xa thế?
Ông Sơn rót chén nước ra mời rồi nói với chị:
  • Em định tối nay vào để mời chị, mai là ngày giỗ cụ thân sinh ra nhà em, và trao đổi với chị vài việc. Chuyện của cháu Thăng, hôm qua em cũng có nghe lõm bõm, tối nhà em về kể lại mới rõ thêm - Nhấp xong ngụm nước ông nói tiếp - Hôm làm lễ truy điệu anh, em có để ý đến cháu Cúc con ông Hoàn. Phải công nhận con bé ấy, vừa khỏe, vừa xinh lại nết na thùy mị. Em cứ thầm mong, được nó về làm dâu nhà chị thì mừng lắm. Nào ngờ hôm qua nghe thấy lão Thông nói chuyện trên ủy ban, là chả biết làm sao hai đứa lại dỗi nhau. Con bé Cúc xoay sang yêu thằng Tu, thằng cháu Thăng lại yêu con Xoan. Còn nghe dân làng đồn thổi thì lắm chuyện lắm. Bà Tường buồn rầu nói:
  • Thật quả từ hôm làm lễ truy điệu ông Tường, mà không có con bé ấy giúp đỡ thì đâu được như thế? Mấy ngày sau, ngày nào nó chả sang cơm nước cho mẹ con tôi. Mới cách đây có ba tối, tôi còn ngồi ôm nó ở trên giường kia mà. Thế rồi từ hôm ấy không thấy nó sang nữa, tôi có hỏi, cháu nó cứ ậm ừ chẳng nói. Tối hôm qua tôi giao giá bắt cháu tối nay phải đưa con Cúc về đây. Tôi chờ mãi đến hơn mười giờ mới ngủ. Sáng nay dậy nhìn sang giường chẳng biết nó đi đâu, sờ đến miếng trầu để ăn, thấy hết rễ, chạy ra chợ gặp mợ Thoa, mợ kể tôi mới rõ.
  • Chị thấy nó có biểu hiện gì khác không?
  • Chị thấy nó luôn đi sớm về muộn, nét mặt buồn buồn, lại có vẻ như muốn tránh mặt chị.
  • Thế thì đúng rồi. Tối nay chị phải hỏi cho rõ, sau đó tìm cách an ủi động viên, để nó vượt qua khỏi cú sốc này. Đàn ông như cái nơm úp chẳng được chỗ nọ, thì úp chỗ kia, lo gì?
Đang mải chuyện với chị, thì bà Thoa bê chiếc đĩa đựng con gà còn đang nghi ngút bốc hơi. Ông Sơn đứng dậy đón, đặt lên bàn thờ. Bà Thoa chạy ra lấy lá trầu, quả cau, bát nước đem vào. Ông Sơn đốt nhang xong lùi xuống,  bà Tường và vợ ông đứng hai bên cùng chắp tay vái. Lễ xong mọi người quay ra bàn, lúc này bà Thoa thổ lộ:
  • Ông cụ nhà em sinh được có mình em, hàng năm giỗ tết ông Sơn nhà em lo chu đáo lắm.
  • Bà nói thế làm tôi phổng mũi bây giờ.
  • Chẳng thế còn gì?
 Cả ba cùng cười, rồi bà Sơn bảo:
  • Hai chị em cứ nói chuyện tiếp đi, em xuống vần nồi cơm, xào thêm tí rau nữa là xong.
Còn lại hại chị em, ông Sơn nói tiếp:
  • Hôm làm lễ truy điệu anh nhà xong, ông huyện đội trưởng kéo tất cả cán bộ về xã. Ông xạc cho từ bí thư đảng ủy trở xuống, là tại sao lại để vợ, con liệt sỹ ở cái nhà lụp xụp vậy, yêu cầu ủy ban phải chú ý tới. Uỷ ban đã họp và quyết định cho nhà chị được mua chịu tám trăm viên ngói. Việc này ủy ban giao cho lão Thông phó chủ tịch lo. Lão ấy đã đến nói với chị chưa?
  • Chưa thấy gì cậu ạ! Ông Sơn nhăn mặt khi nghe chị trả lời.
  • Quái, từ hôm ấy đến nay mà lão ta vẫn chưa nói với chị à? Lạ thật!
* * *
 
Quá trưa, Thăng quảy đôi thùng về nhà, không thấy mẹ đâu. Anh xuống bếp, nồi xoong vẫn còn nằm trơ. Thăng lên nhà định lấy gạo nấu cơm, anh giật mình nghĩ: có lẽ  mẹ sang nhà Cúc rồi. Anh vội vàng dắt xe đi. Ra tới đầu ngõ thì gặp ông Tiềm, anh liền hỏi:
  • Bác có biết mẹ cháu đi đâu không?
  • Sáng nay, bác gặp mẹ cháu đi ra chợ đấy, chắc lại vào ông Sơn chơi.
Thăng cảm ơn ông, rồi bốc bải đạp xe xuống nhà cậu Sơn. Vợ chồng ông Sơn cùng bà Tường đang chuẩn bị ngồi ăn, thì Thăng phóng xe vào. Ông Sơn lên tiếng:
  • Vào đây, vào đây! Vào ăn cơm, rồi tao hỏi tí chuyện.
  • Cháu xin phép ra rửa chân tay. Thăng ra bể vừa rửa, vừa nghĩ cách trả lời, nếu cậu có hỏi chuyện của mình với Cúc. Vào tới hè Thăng nói: - Cậu xây cái bể to thế?
  • To làm sao bằng bể nước nhà lão Cự.
         Nghe đến tên lão Cự mặt Thăng đanh lại, anh đứng im đến lúc cậu Sơn bảo:
  • Vào đi, còn đứng nghĩ ngợi gì?
Nghe cậu nói vậy anh đi vào ngồi xuống mâm. Cậu Sơn với tay lên bàn lấy ba cái chén.
  • Chị uống tẹo nhé!
  • Thôi cậu cho chị xin. Hai cậu cháu cứ uống .
  • Cháu không uống đâu. Hôm nọ nhà ông Duy có giỗ. Cháu đi thăm đồng về tạt vào, định hỏi Xoan xem đã san được mấy mẫu bèo, đúng lúc cả nhà đang ngồi xuống mâm. Cô Xoan, ông bà Duy cứ kéo vào, bắt cháu ngồi ăn. Không nỡ từ chối, cháu buộc lòng ngồi xuống. Ông Duy bảo cháu uống tí rượu không thì bị sái. Cháu tợp có mấy giọt mà say không về nổi, phải nằm ở đây đến chiều tối.
  • Anh tốt số đấy!
  • Cậu bảo tốt gì kia ạ!
  • Thì hôm nọ anh vào nhà ông Duy gặp bữa, hôm nay anh đến nhà tôi, lại gặp bữa, chả tốt số còn gì?
Cả nhà nghe xong cùng cười vang, xóa tan đi mọi lo âu ban nãy, Thăng nói năng tự nhiên hơn.
        Ông Sơn rót rượu ra hai chén, đưa cho Thăng một chén rồi nói:
  • Nào hai cậu cháu ta!
  • Cháu sợ lại say như hôm nọ, thì xấu hổ lắm.
  • Thì, thì, cái đù đì ông Sư. Làm thằng đàn ông chén rượu không biết uống, còn ra thể thống gì nữa. Hôm nay có say nằm ngay tại đây lo gì. Mai kia vào bộ đội, nói không biết uống, chúng nó cười cho thối mũi.
Nghe cậu nói vậy Thăng miễn cưỡng cầm chén rượu lên.
  • Mời cậu.
Hai cậu cháu chạm chén, cậu Sơn ngửa cổ “ực” rồi dốc ngược chén. Thăng chỉ dám nhấp môi rồi đặt chén xuống mâm.
  • Cậu chỉ gắp cho cháu đúng một lần thôi, còn đâu phải tự gắp.
Ông bỏ miếng đùi gà vào bát Thăng, gắp tiếp cho chị và vợ. Thăng bây giờ mới sực nhớ ra, liền hỏi cậu:
  • Mấy em đi học hả cậu mợ? Ông Sơn chậm rãi trả lời:
  • Hai em học xong phải ở lại tập văn nghệ, nó cũng sắp về đến. Nhân tiện hôm nay cậu nói để cháu biết. Kỉ luật quân đội là rất chặt chẽ, không như ở bên ngoài đâu. Cháu sắp tiếp bước con đường của bố cháu, cho nên phải nhớ kỹ những điều cậu dặn. Thứ nhất ăn phải đủ bữa, đủ tiêu chuẩn, định lượng, không được ăn lung tung nhỡ gặp phải quả độc, lá độc, nấm độc là chết toi. Uống phải uống nước đun sôi, không được uống nước suối mặc dù là khát, ở trong rừng mà không có nước, tìm cây vầu non chặt vát trong ống thế nào cũng có. Hoặc các loại cây leo ăn được, lấy dao chặt đứt rồi hứng bí động vào đó mà lấy nước. Ngủ phải nằm màn, đừng có lơ tơ mơ sốt rét chết toi, ông dừng lại tợp tí rượu.
         Vừa lúc ấy hai thằng con đi học về, cúi đầu chào cả nhà. Cùng lúc đó, mẹ Thăng và mợ Thoa cũng buông bát đữa xuống rồi nói:
  • Hai cậu cháu vừa ăn vừa trò chuyện, chị em tôi xong rồi.
Hai thằng cu con cậu Sơn đã ngồi xuống xới cơm mời mọi người, rồi ăn liến loáy. Lúc sau đứng lên, đứa nào, đứa nấy lại vào việc của mình. Cậu Sơn rót thêm chén rượu nữa rồi hỏi:
  • Cậu nói đến đâu rồi nhỉ?
  • Cậu nói tới chỗ ngủ phải buông màn.
  • À, à. Đấy là cậu nói về ăn, uống, ngủ bây giờ là nghỉ. Những lúc được đơn vị cho nghỉ, chớ có mò đi chơi nghe chưa? Mìn, lựu đạn của mình, của nó gài khắp nơi, lớ xớ là chết ngay. Nhẹ cũng cụt chân, mù mắt. Muốn đi đâu nhất thiết phải có giao liên nhớ chưa?
  • Dạ cháu nhớ ạ!
  • À, còn việc này nữa, giữa cháu và Cúc thế nào rồi?
Ngập ngừng một lát Thăng trả lời:
  • Cháu, cháu thì không có gì, vẫn một lòng yêu Cúc. Nhưng tối qua, Xoan đưa cháu lá thư Cúc gửi, nói là bố mẹ cô ấy không đồng ý cho Cúc lấy cháu. Buồn lắm cậu ạ.
  • Thế còn cái Xoan?
  • Xoan là thế nào hả cậu?
  • Cậu hỏi anh, có phải anh yêu cái Xoan nhà bà Duy không, chứ là thế nào?
  • Không cháu có yêu đâu?
  • Thế mà hôm qua, ở ủy ban, ông Thông nói với tao chắc như đinh đóng cột. Dân làng họ đồn đại, là chúng mày đã ……
  • Đã làm sao hả cậu?
  • Đã ăn nằm với nhau chứ còn sao nữa.
 Không nén nổi cảm xúc, Thăng bực mình hỏi lại:
  • Ai nói, ai nói để cháu đến nói chuyện với họ.
  • Thiên hạ họ nói, biết ai? Cậu nhắc cháu, quan hệ làm sao cho chính đáng, bạn ra bạn, người yêu ra người yêu, đừng có xập xí xập ngầu. Là thằng đàn ông phải có lập trường nghe chưa?
Nghe cậu nói vậy Thăng đã có phần nguôi ngoai, anh trả lời:
  • Cháu với Xoan có gì đâu, cháu cũng thấy từ khi Cúc bỏ cháu, Xoan có xoắn xuýt cháu thật, chắc cô ta muốn yêu cháu. Đã đôi lần cháu định nói thẳng, nhưng sợ cô ấy bị tổn thương.
  • Ừ, xử sự thế là phải, nhưng định tìm hiểu Xoan thì phải cân nhắc kĩ cháu ạ!
  • Nói thật với cậu nhé, ngoài Cúc ra cháu không yêu ai nữa đâu?
  • Mày nói lạ, mày định để cho mẹ mày chết khô à? Không được đám này, ta tìm đám khác lo quái gì, đàn bà bây giờ thiếu gì?
  • Nhưng cháu không quên được Cúc cậu ạ!
  • Lâu rồi cũng phải quên hết. Trước cậu yêu bà Tuyển, cũng thề thốt một sống hai chết phải lấy được nhau. Thế rồi thế nào lại vớ được mợ mày bây giờ, mày xem mợ kém ai ở làng chưa?
  • Thôi, chả nói chuyện với cậu được, cháu ăn bát cơm rồi lại đi làm đây.
        Vừa nói Thăng vừa xới cơm, chan nước canh và xoàn xoạt. Cảm thấy bụng đã lưng lửng anh xin phép cậu đứng dậy. Ông Sơn ra bàn uống nước, bà Thoa dọn mâm bát đi rửa. Thăng rót nước cho cậu, cho mẹ rồi cáo lui. Ra đến hè ông Sơn gọi lại dặn ;
  • Cậu nói phải nghe. Dứt khoát phải cưới con vợ cho nó ở nhà chăm sóc mẹ mày, nếu không tao kiên quyết không cho đi đâu?
Thăng đánh trống lảng, giả vờ không nghe thấy. Dắt xe chào cậu mợ và mẹ rồi chuồn thẳng. Còn lại hai chị em, bà Tường mới nói:
  • Cậu vào chuyện khéo thật, nó nói tuột hết, chả dấu diếm gì. Thôi thế cũng đủ biết bụng dạ thiên hạ.
  • Em đoán trong việc này, thế nào cũng có bàn tay của lão Thông thọc vào.Vì thằng Tu mới về còn chân ướt, chân ráo làm sao biết được cái Cúc cơ chứ!
  • Ừ cậu nói, tôi mới lại nghĩ ra, thằng cha ấy đểu lắm. Nó với thằng Cự hai lần định hại ông Tường nhà tôi, thế mà chúng nó vẫn được làm to hả cậu:
         Ông Sơn ra nhìn bóng nắng ngoài hiên, nghĩ vẫn còn sớm. Tần ngần một lúc ông bảo :
  • Nói thế nào để chị hiểu nhỉ? À em kể cho chị nghe chuyện này, sau đó chị tự tìm câu trả lời: Cách đây chừng một tháng, bà Tuyển cho con bé lớn sang đây bảo em, mẹ cháu mời bác sang ngồi nói chuyện với mấy chú bộ đội ở đơn vị bố cháu về. Sang tới nơi, tưởng thế nào, hóa ra lại là hai thằng lính của em. Chúng nó kể được ra Bắc ăn dưỡng, đem theo một vài kỷ vật của anh Tuyển về cho gia đình. Thằng Hạ người Thái Bình nói, chúng em hay đùa gọi anh Tuyển là bốn nhất, vì anh là người tuổi cao nhất, lính mới nhất, chăm làm nhất, người nhỏ nhất. Anh Tuyển kể cho bọn em nghe về gia đình mình. Anh bảo anh là lớn, dưới còn năm em, bố mẹ cũng già yếu. Anh đã có một vợ hai con, một trai, một gái. Anh làm đơn tình nguyện xung phong nhập ngũ hơn chục lần, nhưng kỳ nào cũng bị đuổi về do thấp bé nhẹ cân. Anh được mấy ông xã ưu tiên cho một suất vào đây, nguyên do là thế này. Đận ấy vợ anh sinh cháu thứ hai. Nhà anh có mảnh ruộng phần trăm ở liền tường trại chăn nuôi của hợp tác xã, anh tra ngô để đến tháng Tư năm sau, cắt bán non mua thêm ít khoai sắn chống đói. Năm ấy mưa thuận gió hòa, ngô tốt lắm, bắp cứ thây lẩy. Ngô đang vào sữa thì bị bẻ trộm. Đêm ấy anh đi ra trông, ngồi tới gần mười hai giờ, muỗi đốt tịt mặt, thấy đèn trong trại vẫn sáng, anh đi vào hút ké điếu thuốc. Vào đến cửa, nghe tiếng lão Thông sai hai thằng bảo vệ, xúc thúng tro đổ vào bao tải rồi đi thẳng xuống ô chuồng lợn. Lúc sau chúng lặc lè khênh bao tải ra bến ao. Thằng Thái lấy con dao nhọn đâm một phát, Phí Tính hứng chậu vào. Sau đó lão Thông bảoThái, mày xả ra làm sáu cho bác, để tao đem về cho các lão. Nhanh lên, bảo vệ đi tuần nó tóm được thì khốn. Cho hai đứa chúng mày bộ lòng, cái thủ. Ai hỏi thì nói thịt hộ huyện, họ cho nghe chưa? Thông vào nhà lấy hai tải ra nhét bốn phần thịt vào đó gánh đi. Anh Tuyển đi sau theo dõi, thấy Thông gánh vào nhà ông kiểm soát Ba Xoa, sau còn đi đâu không rõ. Hôm sau anh lên báo cáo sự việc đó cho ông Cầu biết, để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Ông Cầu cảm ơn rối rít, hứa sẽ có biện pháp trừng trị bọn sâu mọt này, và ông sẽ biểu dương anh trước hội nghị toàn xã. Anh Tuyển nghĩ, với thành tích ấy chắc chắn anh sẽ được bổ nhiệm làm kế toán trưởng thay ông Hải vì ông quá già. Năm ngày sau anh Tuyển nhận được quyết định gọi nhập ngũ, đúng bảy giờ sáng hôm sau phải có mặt tại xã Minh Châu. Hai vợ chồng ôm nhau khóc, ba giờ sáng chị dậy nấu cơm, nắm một nắm cho anh mang đi. Anh dặn chị đừng cho bố mẹ biết vội, cố gắng chăm chút con. Anh đi không có người tiễn đưa, không một lời động viên an ủi. Anh hy sinh vào cái đêm vượt sông, do sức yếu anh bị nước cuốn trôi...
 Ông Sơn vừa kể vừa lấy tay gạt nước mắt. Bà Tường ngồi chăm chú nghe, thi thoảng  lại lấy ống tay áo quệt ngang, quệt dọc. Bà lí nhí:         
      - Giờ thì chị hiểu ra rồi. Cậu kể, làm chị nhớ lại cái năm mới vào hợp tác xã. Các ông thấy chị yếu, cho chị chuyên ở nhà phơi hạt giống, vừng, lạc, ngô, đậu các loại. Tính chị cẩn thận, phơi xong mẻ nào lại cân lên, rồi vào sổ sau đó gửi ở nhà lão Thông. Đến vụ, mới trồng được có nửa diện tích, nó đã báo hết, bắt hợp tác xã bỏ tiền ra mua. Chị đưa sổ sách cho bên kiểm soát để kiểm tra, chờ mãi không thấy ai nói gì. Chị nghĩ là họ “đánh bùn sang ao”, hóa ra đúng thế thật. Họ cho chị nghỉ, đưa con mẹ Hai Pha em vợ thằng Thông vào.
         Ông Sơn ngậm ngùi bảo chị:
         - Nó đẩy người ta đi, đưa thằng Hai Pha vào làm kế toán trưởng. Thằng này đã dinh tê rồi đi lính cho pháp. Đời nó thế đấy. Chị uống nước đi rồi ra em đèo về để em còn lên xã.
        
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 28
Trong tuần: 603
Lượt truy cập: 416848
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.