Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LÀNG CÒ (Chương 3)

Nguyễn Đạo Vinh

LÀNG CÒ (Chương 3)

Dương Đình Tu là con trai Dương Đình Cự. Tu ăn uống nói năng tục tĩu, đĩ bợm chả khác gì bố. Tu học rất dốt, mãi đến năm mười sáu mới học xong lớp bảy, nhờ vào chạy chọt, đút lót Tu được vào cấp ba, sau đó Tu lại được đi học nước ngoài bảy năm.
Sang nước ngoài, nói là đi học, nhưng  học thì ít, buôn bán thì nhiều. Phải nói là Tu có tài, tài buôn bán, ngoại giao thì không ai sánh được. Tu toàn thuê bạn bè đứng tên đóng hàng gửi về nước, mỗi năm vài đợt. Bố Tu ở nhà nhận hàng phần thì đem đi biếu, phần thì cho các ả nhân tình. Chả thế mà năm kia, Tu nhiều lần dắt gái vào ký túc xá để làm tình, bị nhà trường bên đó cảnh cáo rồi đuổi học. Mà chẳng hiểu sao, chỉ mấy hôm sau lại đâu vào đấy.
          Tối nay cơm nước xong, ngồi nhâm nhi ly cà phê, mồm ngậm điếu xì gà to bằng ngón tay. Tu đang phân vân nên đem quà gì để ra mắt nàng và gia đình. Có mỗi hộp kẹo socola thì lão Thông đã đớp sạch bây giờ chỉ còn có chai rượu tây, vài điếu thuốc là. Nếu đem rượu sang biếu thì lại tiêng tiếc, mà chả biết ông Hoàn có nghiện rượu không? Nghĩ một hồi lâu, Tu đành tặc lưỡi, lấy chai rượu và lọ nước hoa Pháp cho vào túi vải, rồi lên xe phóng đi.
                                                                      * * *
 
Lúc gần trưa khi gánh bên khoai, bên sắn ở chợ về, Cúc gặp Thăng lên văn phòng hợp tác xã, Cúc dặn anh:
  • Tối nay em cho họp chi đoàn, để bàn việc san mấy thửa bèo, chật quá dễ bị sâu phá, anh ra họp cùng chúng em nhé.
Thăng gật đầu rồi đi luôn vào văn phòng.
Cúc về đến nhà, vác gàu đi tát nước. Ra đến ruộng thấy Xoan và mấy bạn đang tung tro bếp, để chống rét cho bèo, Cúc bảo:
  • Tối nay mình họp chi đoàn, để bàn việc san bèo, cậu bảo hộ mình các bạn đến sớm nhé, mình mời anh Thăng tới dự đấy.
  • Anh Thăng, anh Thăng, lúc nào cũng anh Thăng.
Xoan nhại đi nhại lại để trêu bạn, cả bọn cùng cười.
Cơm tối xong, Cúc vội vàng cầm cuốn sổ đi ra, bà Hoàn nhìn thấy liền giật giọng hỏi:
  • Mày đi đâu ?
  • Con đi họp mẹ ạ!
  • Họp với chả hành, hôm nay ở nhà!
  • Ở nhà làm gì hở mẹ?
  • Mày không nhớ, ban sáng anh Tu hẹn sang chơi à?
  • Mẹ mời anh Tu sang, thì mẹ ở nhà mà tiếp.
“Bốp”, một cái tát mạnh kèm theo tiếng quát:
  • Á à. Cá không ăn mắm cá ươn, vào, vào trong nhà ngay.
Bị mẹ đánh bất ngờ lại bị cấm không cho đi họp, Cúc ấm ức vào buồng nằm khóc. Bên ngoài có tiếng bạn Thanh gọi, mẹ Cúc ra cổng bảo với Thanh:
  • Cháu đến họp, báo giúp Cúc nó bị ốm không đến được nhé.
 Thanh nghe bà Hoàn nói vậy liền rảo bước đi.
       Ở trụ sở, mọi đoàn viên đã đến đông đủ, chỉ thiếu mỗi Cúc và Thanh, vài người xì xào :
  • Vừa mới bầu làm bí thư mà đã khệnh khạng thế, giờ chưa có mặt.
Thăng ngồi ghế đầu, hết ngó vào lại ngó ra. Lúc sau Thanh đến báo chị Cúc ốm không ra được, đề nghị Xoan cho họp. Hội nghị bắt đầu, trước tiên là điểm danh. Cả chi đoàn có mười sáu đoàn viên, chỉ vắng có bí thư Cúc. Xoan đưa quyển sổ nghị quyết cho Thăng, nhờ anh viết giúp.
Hội nghị bàn bạc rất sôi nổi, biết bao ý kiến được nêu ra để phân tích, thảo luận.Thăng kê quyển sổ lên đầu gối, ngoáy ngoáy được vài dòng rôi dừng lại, ngồi đơ như phỗng. Tâm trí anh lúc này đang để ở nơi Cúc. Quái lạ, trưa nay gặp gánh bên khoai, bên sắn đi như bay trên đường, mà giờ lại ốm nhanh thế? Họp xong mình phải đến ngay xem sao.
                                                            * * *                                                                                                                                                                        
Tu phóng xe máy đến nhà ông bà Hoàn, rồi dựng ở chỗ điện sáng, với ngụ ý để khoe là chính. Tu xách chiếc túi đi vào.
  • Con chào hai bác ạ!
  • Không dám!
Ông Hoàn trả lời rồi ngả lưng xuống phản. Bà Hoàn đon đả rót nước mời Tu:
  • Anh thông cảm dùng tạm nước vối, nhà không có chè.
Tu cất câu chào xong đảo mắt nhìn khắp nhà, không thấy Cúc đâu Tu hỏi:
  • Em Cúc đâu hả bác?
  • Em nó mệt, đang nằm trong buồng, anh xơi nước.
  • Dạ! Bác mặc cháu. Cháu mới về được vài hôm, hôm nay sang chơi có chút quà biếu hai bác.
Vừa nói Tu vừa rút chai rượu ra đưa cho bà Hoàn.
  • Gớm, anh khách khí, cẩn thận thế.
  • Có gì, có gì đâu, có chai rượu trị giá chỉ bằng dăm tấn thóc thôi bác ạ.
Bà Hoàn nghe vậy xuýt buông rơi chai rượu. Ông Hoàn nghe Tu nói, khúc khắc ho mấy tiếng rồi bảo:
  • Anh làm thế, biết đến bao giờ bố con tôi mới trả nợ hết được. Anh đem về đi.
  • Có gì đâu bác ? Cái tình mới là quan trọng. Bà Hoàn thấy vậy liền chen vào:
  • Anh nói thế thì cho tôi xin, bà đặt chai rượu lên bàn thờ.
Ông Hoàn lại ho một hồi dài rồi kéo chăn trùm mặt.
  • Cúc ơi, ra ngoài này, anh Tu đến chơi.
Cúc nghe thấy mẹ gọi nhưng giả vờ ngủ say . Không thấy Cúc ra bà Hoàn gọi lại:
  • Ra đi con, ra ngồi chơi với anh.
Cúc vẫn nằm im không nhúc nhích. Đợi một lúc lâu không thấy Cúc ra, Tu nói:
  • Thôi em mệt, để con vào xem thế nào?
Nói xong Tu nhao ngay vào buồng. Cúc thấy vậy sợ quá vội vàng vùng dậy, cô không kịp khoác thêm chiếc áo nào. Trên người lúc này chỉ có độc manh quần phíp mỏng, cái áo sơ mi hoa ngắn cũn cỡn, chiếc cúc ở ngực bị đứt để lộ một phần xu chiêng. Tu như bị thôi miên, mắt dán chặt vào ngực Cúc, Tu vừa dúi lọ nước hoa vào tay Cúc vừa nói:
  • Anh tặng em!
Cúc miễn cưỡng cầm rồi đặt lên bàn.
          Moi điếu thuốc trong túi ra châm lửa phì phèo, Tu cứ liến thoắng như sợ người khác cướp lời:
          - Em ăn mặc thế này trông đẹp quá, đẹp hơn cả bà hoàng nữa đấy. Gái tây cứ sồ sồ làm sao ăn đứt được gái ta. Em sang bên ấy, khối thằng phải chết.
Bà Hoàn nghe Tu tán tỉnh con mình một chặp, đến câu khối thằng phải chết, bà hỏi Tu:
  • Làm sao mà cháu nói em Cúc sang đấy, khối thằng phải chết.
 Tu cười vang:
  • Con nói khối thằng phải chết vì thế này. Nó nhìn thấy đẹp quá, nó cứ ngắm hết ngày này qua ngày khác, không làm được việc gì, lại quên cả ăn uống, thì phải chết chứ sống làm sao được.
  • Gớm anh pha trò khéo thế, thôi anh ngồi với em nó nhé!
Bà Hoàn lảng ra đầu hè cho hai đứa được tự nhiên nói chuyện, bà cảm thấy hối hận với con về việc làm của mình khi nãy. Bà nghĩ đêm nay nhất quyết phải vào nằm với con, để nói cho nó biết những điều hơn lẽ thiệt ở đời. Đang mải suy nghĩ bà thấy ngoài cổng thấp thoáng có bóng người đi vào, bà nhao ra chặn lối, Thăng va nhẹ vào bà Hoàn, anh vội né sang bên rồi lễ phép thưa:
          - Thưa bác! Bác chưa đi nghỉ ạ! Em Cúc làm sao hả bác?
Không vồn vã, tươi cười vui vẻ như mọi lần, bà Hoàn lầm rầm trong mồm:
  • Nó chẳng làm sao cả, vẫn bình thường như mọi ngày.  
Vừa nói bà vừa dùng hai tay đẩy đẩy Thăng. Thăng sững sờ trước những cử chỉ và hành động của bà, anh tự đặt ra câu hỏi: “Cái gì đã làm cho bà Hoàn thay đổi tính nết nhanh đến vậy”. Thăng định đi vào để hỏi Cúc cho ra nhẽ, nhưng làm như vậy thì hơi bất nhã. Do dự một lát, Thăng buồn rầu lê từng bước ra ngoài.  Xoan thấy Thăng quay ra liền sấn đến:
  • Em đã bảo mà, nhìn cái xe kia là biết ngay, Tu đang ở đấy. Hừ, bỏ họp để ở nhà tiếp giai còn giả vờ cáo ốm, bí thư mới chả bí thiếc.
Thăng cứ bần thần nghĩ ngợi, Xoan hai tay tóm chặt tay Thăng kéo đi, anh miễn cưỡng bước theo, thỉnh thoảng cô lại trà sát hai bầu vú mình vào cánh tay Thăng. Đã đi quá cổng nhà Xoan mà cô không vào, cô cứ nhũng nhẵng đi theo, Thăng thấy vậy liền hỏi:
  • Qua cổng nhà rồi sao em không về?
  • Ứ, em muốn về nhà anh cơ!
  • Thôi về ngủ đi, mai còn phải ra san bèo sớm.
Mặc, cô cứ bấu lấy Thăng không chịu rời. Tới cổng nhà mình Thăng bảo Xoan về, cô nhất định không về. Mãi sau không thấy Thăng ỏ ê gì, cô mới vùng vằng bỏ đi.
Thực tình mà nói, mấy tháng nay, Xoan cũng đã yêu thầm, nhớ trộm anh Phó chủ nhiệm, nhưng không dám thổ lộ. Bởi cô biết Cúc với Thăng đã có tình cảm với nhau hết sức sâu đậm, cô nén lòng chờ cơ hội. Nay cơ hội đã đến, cô quyết phải giành cho được, bằng bất cứ giá nào.
Cúc buộc lòng phải tiếp người mà mình không ưa, nhưng chẳng nhẽ lại nói ra những câu khó nghe để anh ta phải ra về, thì mất lịch sự quá. Cúc cứ co ro hai tay ôm lấy ngực run lập cập. Tu quàng tay ra sau định kéo cô vào, Cúc vội né tránh ngồi sang ghế đối diện.
Ông Hoàn nằm trùm chăn, nhưng đã ngủ đâu, cũng nghe được những chuyện Tu nói, ông chép miệng, tặc lưỡi, thi thoảng lại giở mình khúc khắc ho, như muốn đuổi khách.
Bà Hoàn ngồi xó hè, thấy Tu khơi chuyện, tán tỉnh mãi mà con mình cứ ngồi im chả cậy răng nói một vài câu. Sương xuống càng về đêm càng nặng, bà đã mặc thêm chiếc áo bông cũ ra ngoài mà người vẫn run lập cập. Nghĩ đến con có độc manh áo vải phin, bà liền đi vào bảo Tu:
  • Thôi khuya rồi, anh về ngủ, hôm nào rảnh lại đến chơi.
Tu thấy chuyện mãi mà Cúc cứ lặng thinh, đành ra sân ngóng đợi. Khi nhìn thấy Cúc đi vào buồng, Tu mới chịu  dắt xe ra về.
                                                               * * *
         Thăng vào giường nằm, nhưng có ngủ được đâu, toàn suy nghĩ lung tung, hết xoay bên này lại xoay bên kia. Mùi bồ kết, lá xả Cúc gội đầu tối qua vẫn còn thoảng thoảng đâu đây, khiến anh lại càng nhớ tới Cúc. Người cứ nao nao, bồn chồn, anh ngồi dậy.
Chẳng nhẽ … chẳng nhẽ Cúc là loại người như thế sao? Mới nhìn thấy tí của nả mà đã thay lòng đổi dạ nhanh thế ư? Không, dứt khoát không phải. Tối qua Cúc còn ôm mình khóc thút thít mãi kia mà. Trằn trọc mãi, anh mới chợp mắt được. Tiếng con vện bên nhà ông Quy sủa vang, Thăng tỉnh giấc nhìn ra sân, trời đã sáng. Anh vùng dậy, đánh răng rửa mặt rồi vội vàng cầm cuốn sổ lao đi. Mẹ anh thấy vậy liền hỏi:
  • Con đi đâu mà vội thế?
  • Con ra họp, để cho các đội lên phương án ăn chia mẹ ạ!
  • Vụ này liệu có được cân thóc một công không?
  • Được mẹ ạ! Con đi đây.
         Vào đến trụ sở anh đã thấy bốn bà và ông Dần, đội trưởng đội ba có mặt, anh chưa kịp chào ông Dần đã hỏi:
  • Mọi khi anh đến sớm, sao hôm nay đi muộn thế, sắc mặt lại hơi tái tái. Ốm hả?
  • Không cháu có ốm đâu. Vừa lúc đó thêm bà Phong, bà Tuyển đi vào.
  • Chào các ông, các bà, tôi đi hơi muộn.
  • Vâng! mời các bà vào.
Thăng vừa trả lời vừa ngó ra xem bà Tý đã đến chưa. Kia rồi bà đang vung vẩy chiếc nón. Mới đặt một chân lên hiên bà đã toe toe :
  • Định đi rồi, cái ông mãnh nhà tôi còn lôi vào đòi tí toáy.
Tiếng cười rộ lên một hồi, bà Tuyển nằn nhằn:
  • Đã đi muộn lại còn pha trò. Thôi uống nước đi để làm việc.
  • Đời nó phải thế. Không có cái khoản ấy thì cũng gay đấy, chứ chả chơi.
Làng có bảy đội sản xuất, thì sáu đội trưởng là nữ, nam giới có mỗi ông Dần, cho nên cuộc họp nào ông cũng bị các bà trêu trọc, nhưng ông biết là họ đùa cho vui, nên không hề tỏ ra cáu giận. Sáu bà đội trưởng thì phần lớn đều có chồng và con, đang chiến đấu ở chiến trường, riêng bà Tuyển là vợ liệt sĩ. Ban quản trị năm người, thì ba nữ còn lại có Thăng và ông Cẩm là nam. Thăng đứng dậy nói:
  • Xin phép các vị, ta bắt đầu họp. Vụ này hợp tác xã chúng ta thu hoạch được tổng lượng là hai trăm hai mươi tấn thóc, làm nghĩa vụ sáu mươi tấn, để lại công quỹ các loại ba mươi tấn, vị chi còn lại một trăm ba mươi tấn, chia ra cho ngày công, mỗi công được một cân.
Thăng vừa dứt lời cả hội nghị vỗ tay râm ran.
  • Hay quá, hay quá. Có anh vào làm trong ban quản tri, hàng ngày ra bám sát đồng ruộng, bám sát công việc. Lại đem khoa học kĩ thuật về áp dụng vào sản xuất, cho nên ngày công lao động mới được nâng lên như vậy. Cứ để tình trạng như mấy năm trước, có mà húp cám. Bọn tôi cứ ngỡ chỉ được bảy, tám lạng, thế này thì cũng đỡ lo.
Thăng tiếp lời:
  • Bây giờ yêu cầu các đội, khẩn trương về lên phương án ăn chia. Làm thế nào để công bố cho xã viên càng sớm càng tốt. Ai có ý kiến gì không ?
Bà Phong giơ tay:
  • Tôi xin có ý kiến thế này, tôi văn hóa chưa hết lớp ba, tính chậm đề nghị anh cho một cô, hay một cậu chữ nghĩa kha khá đến giúp.
Bà Tý lém và bà Hèo cũng đều có ý kiến như vậy.
 Thăng đứng lên kết luận rồi giải tán hội nghị.
Lẽ ra hôm nay, Thăng phải triển khai phổ biến hai mục nữa. Nhưng vì nóng lòng muốn biết lý do, tại sao hôm qua Cúc không đi họp.
Hơn tám giờ sáng, sương mù vẫn dày đặc, đứng cách nhau chục mét không nhìn rõ. Thăng đi tới giữa khu bèo đang định gọi, hỏi các bạn xem Cúc có ở đây không, bỗng nghe được giọng của Xoan:
  • Cái con ý yêu anh Thăng hơn năm nay, tao cứ tưởng hai người tình sâu nghĩa nặng với nhau lắm, ai dè. Mới sáng qua đi chợ với mẹ, gặp thằng cha ấy, thấy nó đẹp giai nhiều của, đã xoắn ngay vào, bỏ cả chức bí thư, bỏ cả làm để ở nhà hú hí với nó. Đúng là …..
  • Chuyện! Tu giàu có thế, bố lại làm to ai mà không thích. Tao í à nếu Tu ngỏ lời, tao sẽ nằm ệch xuống cho muốn làm gì thì làm. Có đứa con rồi ở nhà ăn chơi cho sướng, tội gì. Năm nay tao đã hai hai, mà chưa được ngửi hơi thằng đàn ông nào. Giá như bây giờ có thằng què, thằng cụt, thậm chí thằng chột, thằng mù đến hỏi, tao cũng lấy.
           Thăng nghe Linh nói với Xoan như vậy, anh chạnh lòng thương cảm cho số phận của chị em phụ nữ, sinh ra ở thời buổi này. Đi thẳng lên khu trạm bơm, ngồi xem anh em tổ cơ khí, bảo dưỡng máy bơm nước. Sau đó lại đi vật vờ hết chỗ nọ đến chỗ kia. Nắng đã làm tiêu tan các đám sương mù buổi sáng. Cái nóng khô, táp vào mặt, vào mũi làm cho hơi thở như bị nghẽn. Phóng mắt nhìn cánh đồng, kia những đám ruộng chưa được cày ải, gốc rạ còn lởm chởm. Gần đó một số ruộng của đội ba, sáng nay được máy cày của huyện về hỗ trợ làm đất, để kịp trồng cây vụ đông, những tảng đất được xới lên lật úp phơi màu nâu xẫm. Vài chú chim chìa vôi đang lách chách ngó nghiêng tìm bọ. Cánh đồng giờ này im phăng phắc không còn một bóng người. Thăng uể oải lê chân về làng, đến cổng nhà Xoan, anh rẽ vào để hỏi cô một số việc. Vào đến sân, thấy cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Thăng quay ra, nhưng lại có tiếng Xoan gọi phía sau:
  • Anh Thăng, anh vào đây ăn một thể.
Vừa nói Xoan vừa chạy ra kéo Thăng. Bố mẹ Xoan cùng đứng dậy chèo kéo, thuyết phục mãi, Thăng mới chịu ngồi xuống.
Nhà Xoan có bốn anh chị em, Xoan là cả, ba em trai còn đang đi học. Đứa lớn học lớp bảy, đứa bé học lớp hai, chúng đều ngoan ngoãn và học giỏi. Bố Xoan người hơi lùn, năm nay ông đã ngót ngũ tuần. Do mắt kém, ông chuyên ở nhà đan rổ rá, sọt, gơ, xảo v v đem ra chợ bán, kinh tế cũng tạm ổn. Sẵn có chai rượu thắp hương ông bảo Xoan hạ xuống, Xoan đem ra rót đầy hai chén, mời bố, chén còn lại đưa cho Thăng, anh từ chối.
  • Mấy khi gặp dịp thế này, uống đi kẻo sái lòng các cụ.
Nghe bố Xoan nói, anh cầm chén lên nhấp, mùi rượu cay sè làm anh suýt sặc. Ăn xong  đứng lên, Thăng loạng choạng, Xoan dìu anh vào giường.
Hơn một giờ chiều cả nhà Xoan, người nào, người nấy ra đồng. Đứa chăn trâu, đứa cắt cỏ, mẹ Xoan đi trồng nốt mấy luống khoai tây. Bố Xoan đang ngồi trên chiếc mê nong. Tay trái cầm cái nêm bằng tre già, tay phải cầm dùi đục dồn từng nan vào cho khít. Xoan ngồi cạnh phe phẩy quạt cho Thăng, người mà bao ngày nay cô hằng khao khát ước mong, anh đang nằm trên chính chiếc giường của cô. Cơ hội ngàn năm, cô nhoài người thò tay vào ngực Thăng vuốt ve, rồi hôn như mưa vào mặt. Cô lần mở  cúc quần của anh, chiếc cúc bung ra, để lộ một cái bớt màu xanh. Đang định lần tay đi tiếp, bỗng nghe thấy tiếng gọi.
  • Xoan ơi, Xoan, cháu đi làm chưa? Xoan quay ra nhìn. Bà Hoàn đã đi vào đến bậu cửa. Xoan đỏ mặt ấp úng :
        - Bác hỏi gì cháu ạ!        
        - Cúc nó gửi bản danh sách đoàn viên cho cháu, cháu cầm hộ, bác về đây.
         Bà Hoàn đi khỏi, Xoan thoáng hoảng sợ. Sau khi trấn tĩnh lại, cô nghĩ, anh Thăng là trai tân, mình là gái tân, có tranh vợ cướp chồng người khác đâu mà phải sợ. Cô liền ôm ghì lấy anh hôn như mưa lên ngực lên mặt anh lần nữa. Xoan giắt tờ giấy vào cạp quần rồi nói với bố:
  • Bố cứ để cho anh Thăng ngủ, bố đừng gọi nhé!
 
* * *
 
          Bà Hoàn chờ Tu dắt xe ra cổng, giữ Tu lại nói chuyện một lúc lâu, rồi vào nằm với con. Bà ôm Cúc vào lòng, hơi ấm từ người con lan sang làm cho bà đỡ tê cóng. Bà hỏi:
  • Con ngủ rồi ư ? Lúc tối mẹ nóng quá tát con, có đau lắm không? Chẳng qua mẹ chỉ muốn cái tốt đến với con mà thôi, đừng giận mẹ nhé!
           Cúc nằm im vờ như đã ngủ, hai hàng nước mắt cứ tự nhiên tuôn ra. Bà Hoàn thấy con im lặng, liền sờ tay vào mặt, chạm phải những giọt nước mắt của con, bà dỗ dành:
  • Thôi đừng khóc nữa, chỉ vì thương, lo cho con, nên mẹ mới phải làm thế. Con đừng nghĩ là mẹ ác, tội cho mẹ lắm.
Bà nghẹn ngào, nước mắt lại trào ra. Bà vòng tay ôm Cúc, Cúc ôm lấy mẹ, hơi nóng từ hai khuôn mặt phả vào nhau, phút chốc hai mẹ con trở nên gần gũi thân thiết, bà nói:
  • Con ạ! Ở cái thời buổi loạn lạc này, kiếm được tấm chồng đã khó. Con xem, bao chị em trong làng lỡ dở, vì không có ai lấy. Đàn ông họ ra trận, người về thì ít người đổ xương đổ máu thì nhiều. Giờ kiếm được tấm chồng như Tu đâu phải dễ, con nghe mẹ đi.
  • Mẹ ơi con khổ lắm. Con đã trót yêu anh Thăng. Mới hôm qua thôi, mẹ anh ấy bảo để mấy hôm nữa, sang nói chuyện xin con về làm dâu bên ấy. Bây giờ mẹ nói lấy anh Tu con biết trả lời sao đây? Con mang tiếng là phụ bạc, tham giàu hám của. Vả lại con còn đang phấn đấu.
  • Mồm miệng thế gian, mặc kệ con ạ!
  • Mẹ nói kệ, nhưng con thì kệ làm sao được? Con thương mẹ con anh Thăng lắm.
  • Con thương người ta, nhưng ai thương con đây? Chỉ có mẹ mới là người thương con nhất thôi. Ăn mẹ phải bớt mồm, bớt miệng để cho con, chi tiêu cũng phải chắt bóp. Đấy con xem, bao nhiêu năm nay, mẹ có dám may cái quần, cái áo nào đâu. Toàn mặc quần thừa, áo thải, vá chằng vá đụp. Bao nhiêu vải đẹp, vải tốt đều dành cho con để con được bằng chị, bằng em. Hôm nọ mẹ nghe mấy người nói rằng, Thăng đã viết đơn tình nguyện đi vào Nam chiến đấu, có đúng không?
  • Đúng đấy mẹ ạ! Anh ấy định cưới con xong mới đi.
  • Nó đi nhỡ nó bỏ xác ở trong ấy, mày thành bà góa, rồi biết sống sao đây?
  • Số kiếp con người, biết thế nào mà lường được hở mẹ?
  • Đành rằng người ta mỗi người một số, chả ai giống ai, nhưng bây giờ biết, tránh trước đi thì có hơn không? Lấy thằng Tu nó ở nước ngoài chả lo gì chết chóc, hàng năm nó vận của về cho mà tiêu sài có sướng hơn không? Ở nhà, có mình mẹ nó, mà mẹ nó trông cứ lành lành tao ưa lắm. Cưới xong đẻ lấy đứa, hơn ba năm nữa nó về, đẻ tiếp đứa nữa. Cứ ở nhà mà ăn cũng chả hết của đâu? Biết đâu nay mai nó lại đón con sang đó thì sao?
Ngừng một lúc lấy hơi rồi bà nói tiếp:
  • Ban nãy con nói là con đang phấn đấu. Phấn đấu cho ai? Phấn đấu để làm gì? Mày nhìn gương bố mày kia kìa. Cái hồi cuối năm bốn sáu, Tây nó càn vào làng, bố mày lúc ấy làm tự vệ chiến đấu cùng với nhiều ông, mấy ông đã chết, bây giờ vẫn còn khối người sống. Tao nhớ hôm ấy Tây đen đông nhung nhúc thằng nào cũng lăm lăm súng ống, lựu đạn. Tổ tự vệ có bảy người với hai khẩu súng cà tàng, mấy con mã tấu, phục ở đầu làng để đánh trả. Hai cây súng thì hai ông chỉ huy giữ, hai ông này nhìn thấy Tây đông quá rủ nhau đi trốn, còn lại bố mày và bốn ông nữa. Ông Hai Nhiêu, ông Tư còm xông lên bị tây bắn chết tươi, bố mày với ông Sợi bị nó bắt đem đi, lúc được thả về thì chỉ còn hai con mắt với bộ xương, động trở trời lại thổ ra huyết. Ông bà phải bán hơn hai mẫu ruộng chữa mãi mới khỏi, bây giờ động tý lại đau. Các cụ chỉ vì lo lắng thuốc thang cho con, sản nghiệp của cha ông để lại phải bán hết. Đến lúc hai ông bà ốm, không có tiền thuốc thang, thế là chết cả. Bố mày bán nốt ngôi nhà đang ở, lo ma  cho bố  mẹ xong, chả biết ai xui hay cùng quẫn thế nào, lại đi ra sông buộc hai hòn đá to vào cổ chân, để trẫm mình. Hôm ấy mẹ đang cắt cỏ trên bờ, nhìn ra thấy cánh tay người chới với, mẹ nhảy xuống lôi lên, lôi mãi chả được.  Mẹ phải hụp xuống gỡ từng hòn đá ra, kéo bố mày, sau đó chạy lên tìm người giúp. May quá, xuống đến chỗ Cầu Sung, gặp ông ngoại đi thăm đồng, mẹ gọi ông lên kéo bố mày về. Từ đó bố mày ở luôn nhà ông ngoại, ông coi như con. Vì thế mà tình cảm giữa bố và mẹ cứ dần dần lớn lên. Ông ngoại biết hai đứa yêu nhau, làm đám cưới cho mẹ với bố mày. Nhà này, đất này là của ông ngoại để cho, chứ có phải đất của các cụ bên nội đâu. Còn mấy tay bỏ chạy, thì sau nay lại được làm ông nọ, ông kia. Mày không tin mai hỏi bố thì khắc rõ.
Hai mẹ con thủ thỉ nói chuyện đến gà gáy canh ba, mẹ Cúc bảo:
  • Thôi còn chuyện gì mai nói tiếp. Ngủ đi con. Lúc sau bà Hoàn đã chìm vào giấc ngủ.
Cúc không tài nào chợp mắt nổi, vì trong đầu cô xốn xang bao ý nghĩ. Động nhắm mắt vào, hình ảnh của Thăng lại hiện lên, khuôn mặt cương nghị, rắn giỏi nhưng rất hiền từ. Anh chưa một lần nói dối, anh niềm nở, cao thượng lúc nào cũng sãn lòng giúp đỡ người khác. Chỉ ngần ấy đức tính của anh thôi, đã đủ làm cho trái tim Cúc thổn thức rung động. Cúc nằm miên man suy nghĩ, hôm nay bằng giá nào cũng phải gặp được Thăng để nói cho anh biết, vì sao tối qua không đến họp được,
Hơn sáu giờ, mẹ Cúc gọi dậy ăn cơm, cô vén chăn đứng lên. Chả hiểu sao đầu óc cứ quay cuồng, chân tay bủn rủn chỉ chực ngã, Cúc vội nằm xuống.
Bà Hoàn chờ mãi không thấy Cúc ra, liền đi vào sờ trán con, bà lẩm bẩm:
  • Sao trán nóng thế? Lại sốt to rồi. Bà lấy hộp dầu, cạo gió cho con, rồi bỏ nắm gạo vào xoong đặt lên bếp. Khi đã nhóm xong nồi cháo bà quay lên, áp mặt vào trán con rồi hỏi: - Con thấy trong người thế nào?
  • Con rét lắm mẹ ạ!
  • Con bị cảm lạnh rồi.
Cúc bị cảm lạnh thật. Bởi tối qua phải ngồi tiếp Tu lâu quá, trên người bận có manh áo mỏng tang, vả lại suốt đêm qua cô có chợp mắt được tí nào đâu. Cúc sốt li bì mê man. Trong cơn mê, cô thấy mình bị rơi từ trên cao xuống, những tảng đá to như trái núi đè vào người. Cô ú ớ đạp giẫy. Mẹ Cúc đang thái hành, tía tô, nghe thấy con kêu, chân tay đập xuống giường uỳnh uỵch, bà chạy lên, lay người rồi hoảng hốt gọi:
  • Cúc ơi, Cúc ơi, bà bật khóc. Con ơi, con làm sao thế này? Hú, hú, hú ba hồn chín vía, hồn con Cúc ở đâu thì về nhé.
           Bà cứ hú rồi lại lay người. Mãi sau Cúc từ từ mở mắt. Thấy mẹ khóc, Cúc thương mẹ quá, nước mắt lại trào ra. Bà Hoàn bảo:
  • Con nằm đây, mẹ chạy ra trạm xá mua mấy viên thuốc. Lát sau bà bê bát cháo lên - Con ơi, cố ăn lấy tý cháo để uống thuốc con nhé.
 Cúc lắc đầu ngỏ ý không muốn ăn. Bà Hoàn dỗ dành mãi cô mới ăn được nửa bát, bà đưa hai viên thuốc cho Cúc uống rồi nói: - Con nhắm mắt ngủ đi cho chóng lại sức.
          Bà Hoàn cứ loanh quanh ngoài vườn để nghe ngóng, thỉnh thoảng lại chạy vào. Thấy Cúc thở đều, bà liền quảy hai đon giây khoai đi ra ruộng.
Cúc ngủ một giấc dài. Khi tỉnh dậy, thấy trong người đã dễ chịu, Cúc lại nghĩ về Thăng. Liệu anh có biết mình ốm không nhỉ? Rồi cô tự trả lời, chắc anh chẳng biết đâu? Anh đang bận trăm công nghìn việc của hợp tác xã, thời giờ đâu mà lo cho mình. Cô với tay lấy quyển sổ và chiếc bút máy anh tặng ngày nào. Giở cuốn sổ ra, ở ngay trang đầu chữ C và chữ T xoắn vào nhau, chiếm trọn trang giấy. Ấp quyển sổ vào ngực, nơi trái tim đang đập. Những hình ảnh về Thăng lại hiện ra, nó cứ cồm cộm, cồm cộm lên trong đầu. Cúc bật dậy cầm bút nắn nót viết:
Anh yêu! Tối qua em bị mẹ cấm không cho đi họp, bắt em phải ở nhà tiếp Tu. Em không nghe liền bị mẹ mắng, em bỏ vào giường nằm. Lúc sau mẹ gọi ra tiếp anh Tu, em giả vờ ngủ say, đến lúc Tu bảo để cháu vào xem, em sợ quá vùng dậy ra ngoài, miễn cưỡng ngồi. Sáng nay em bị cảm lạnh phải ở nhà, nên viết thư này nhờ Xoan đem sang hộ
                                                                        Em –  vợ chưa cưới của anh – Cúc
Cúc viết xong, làm chiếc phong bì bỏ vào, bên ngoài cô đề: kính gửi anh Thăng, nhờ Xoan đưa giúp.
Quá trưa bà Hoàn mới về, bà chạy xộc vào buồng xem con đỡ chưa. Nhìn thấy con đang ngồi đơm lại cúc áo, bà mừng quá nói:
  • Con đỡ rồi ư? Mẹ múc cháo lên con ăn nhé!
  • Mẹ cứ để đấy tí con ra ăn.
           Ông Hoàn từ lúc về còn loanh quanh dưới bếp, thấy Cúc đi xuống ông hỏi:
  • Con đã đỡ nhiều chưa, chiều nghỉ thêm đừng vội tham công tiếc việc con ạ.
Nghe bố nói, Cúc ứa nước mắt, phải lúc lâu sau cô mới thốt ra:
  • Vâng!
          Khi cơm nước đã xong xuôi, Cúc nói với mẹ:
  • Mẹ ơi, mẹ cầm bản danh sách đoàn viên này, sang cho Xoan hộ con. Mẹ bảo Xoan là con ốm không đi họp được. Bà Hoàn hí hửng tưởng con đã thuận theo mình liền cầm ngay chiếc phong bì sang nhà Xoan. Bà được tận mắt chứng kiến cảnh Xoan đang ôm ấp Thăng.                            
                                                                                                                  (Còn nữa)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 102
Trong tuần: 672
Lượt truy cập: 425364
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.