Theo thường lệ, hàng năm vào ngày hai ba tháng Chạp, ông Sơn đạp xe mang lễ tết về quê vợ. Nhưng hôm hay vẫn thấy ông ngồi sửa xe. Ông Sơn về phục viên rồi được mời làm thư ký ủy ban đã ba năm.
Bà Tường suốt đêm ngày lầm rầm cầu trời, khấn phật, cùng các đấng thần linh, tổ tiên và ông Tường về phù hộ độ trì cho con. Trên bàn thờ nhà bà trong những ngày này lúc nào cũng khói hương nghi ngút.
Ly tỉnh dậy thì đã hơn sáu giờ sáng. Vừa đánh răng rửa mặt cô vừa nghĩ, mình với anh Thăng cũng mới chỉ biết nhau sơ sơ, tự dưng đến thăm, mọi người nhìn vào họ nghĩ thế nào? Hay là thôi chả đến nữa, có đến cũng vô vị. Phần nữa không đến thì cũng chả ai biết mà trách móc.
Ở góc trong cùng của trạn, có cái phạng bằng sứ, đường kính độ hai mươi phân, Ly thò tay vào, nhặt ra ba cục muối bằng đốt ngón tay, cái thứ muối mỏ ăn chát xít, sạn ngấm sạn ngẩm. Cô bỏ vào bát, lấy nước sôi đổ vào, rồi gạn ít nước ở trên.
Thực tình trong thâm tâm Thăng định đến mừng Cúc từ chiều, để tránh mọi điều dị nghị. Nhưng vì bận lợp nhà cho nên đành đi tối vậy. Thăng mở hòm lấy gói khăn tắm định đi luôn. Anh lại nghĩ, Cúc đã đi lấy chồng mình còn giữ lại kỷ vật để làm gì, nhìn vào nó chỉ thêm đau lòng.
Lão Thông nghe tới đây thấy ngứa tai. Lão nghĩ, giá như hôm nay không có thằng cha Hưng kia, thì lão sẽ chửi cho Cự một trận. Hàm mấy chả thụ, có thụ chó, thụ lợn. Hôm nọ viết cái giấy xin hai con lợn cho phòng thủy lợi, thì lại viết là phòng thủy lôi, hai con lợn lại viết thành hai con lượn.
Có lẽ do dư âm mà khán giả để lại, cộng với sự thành công của buổi biểu diễn hôm nay, trong lòng các bạn thanh niên đang dâng lên niềm vui sướng, phấn khởi. Họ túm tụm bàn tán cười đùa, quên cả cái đói, cái rét.