Nguyễn Đạo Vinh
LÀNG CÒ
Chương 31
Cơ đưa bà Tuyển vào chân chủ nhiệm với dụng ý, để bà ta phải mang ơn. Phải phục tùng mọi yêu cầu của hắn, không ngờ bà Tuyển lại thẳng thừng cự tuyệt. Cơ bị một phen bẽ mặt.
Cơ về đến nhà, thấy Thông, Hội cứ nhấp nha, nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Vừa nhìn thấy bóng Cơ đi vào, Hội đã lên tiếng:
- Mau mau về bàn cách, không cẩn thận, tù cả nút.
- Trưởng công an gì mà già d… non hột thế. Chưa chi đã sợ vãi đái còn làm ăn gì được?
- Nó chưa sờ đến đấy? Đừng có mà chủ quan. Rồi cái sảy nảy cái ung cho mà xem.
Lão Thông buồn rầu tiu nghỉu nói:
- Chả được cái gì, thiệt đơn thiệt kép. Tất cả chì vì đám cưới con lão Cự.
Chí Thông nói đến lão Cự, Trần Hội mừng như người chết đuối vớ được cọc, lão nhảy cẫng lên như đứa trẻ lên ba, mồm la hét:
- Có tiên cứu cánh rồi, có tiên cứu cánh rồi. Hôm nay là thứ mấy.
Bùi Cơ bảo:
Hội mừng rỡ nói:
- Đi, các ông đi theo tôi đến cầu cứu lão Cự.
Chí Thông, Bùi Cơ cùng đứng lên đi theo, lúc này đã hơn mười hai giờ đêm. Thông bảo:
- Chắc gì lão ấy đã về nhà, dạo này toàn lang thang, bù khú rồi hú hí với con nọ, con kia.
- Tôi đố ông ngủ được đấy. Đang nước sôi lửa bỏng, mà ông cứ bình chân như vại. Từ lúc Hội bị ông Tình công an huyện phê bình là bẻ cong ngòi bút, biến kẻ có tội thành vô tội và ngược lại. Ông ta sợ bị quy trách nhiệm, ruột gan bồn chồn như có lửa đốt đứng ngồi không yên, nên đốc thúc Cơ và Thông đến nhà lão Cự cho bằng được.
Trần Hội đập tay thình thình vào cánh cổng gọi to:
- Ông Cự, ông Cự. Không thấy động tĩnh ông réo to hơn - ông Cự…ự…ự….
Cự đang nằm trùm chăn kín đầu, nghe có tiếng người gọi lão uể oải đi ra cổng. Lão lên giọng:
- À gì nhẩy? Thằng nào mà gọi như réo đò ấy.
Trần Hội mừng đến líu lưỡi
- Aoy oá, may quá.
- May, may cái con mẹ gì, cứ làm như cháy nhà không bằng.
- Còn hơn là cháy nhà, ông tưởng hả?
- Có gì vào đây mà nói. Làm cái thằng cán bộ như ông, chả ra cái con c… gì?
Tất cả đã ngồi vào chiếc phản trong nhà, Dương Đình Cự mới hỏi:
- Nào, thằng Cơ có gì nói đi.
Bùi Cơ trình bày lại mọi vấn đề họp sáng và tối nay. Cự nghe xong cười vang:
- Mẹ các ông, tôi tưởng cái gì hóa ra là việc nhỏ ấy, muỗi, muỗi chả là cái gì. Tôi đã bảo với ông Cẩm hôm nọ, tôi còn làm ở trên này ngày nào, thì các ông đừng có lo đến chuyện chức tước. Hôm nọ bảo ông Thông, ông Cẩm bắt cho tay Hưng con lợn các ông tiếc lắm hả? Bây giờ mới là lúc lão ta trả ơn. Lão được điều xuống lãnh đạo huyện này, nhận chức hôm qua. Tôi với lão chiều nay vừa làm chầu thịt chó.
Trần Hội nghe đến đây đã có phần yên tâm, nhưng vẫn cảm thấy có cái gì vương vướng, ngồi nghĩ một lúc ông ta nói:
- Ông Cự ạ, ông xem thế nào bảo ông Hưng điều tay Tình và tay Tuyến đi vùng khác. Cứ để hai lão theo dõi ở đây thì khó làm ăn lắm. Hở cơ chết cả nút.
- Khó quái gì? Mai tôi bảo tay Hưng điều hai lão kia đi nơi khác, đưa tôi về làm đặc phái viên phụ trách xã này. Được chưa?
Chí Thông, Bùi Cơ, Trần Hội đều cho rằng, được Cự về phụ trách theo dõi xã nhà thì còn gì bằng. Cự sai Hội lấy chai rượu ra cho mọi người uống. Cự nói:
- Hôm nọ cỗ bàn, cưới xin, khổ cho anh em, tôi cũng điếng người. Nhưng thôi chuyện gì đã qua cứ cho qua. Mấy tay ngồi uống rượu với nhau chả biết đến khi nào mới dừng.
* * *
Thăng sinh ra là để cống hiến, do vậy khi bị bãi chức phó chủ nhiệm hợp tác xã, anh buồn lắm. Anh nghĩ, thế là mọi dự định xây dựng hợp tác xã vững mạnh, làm cho bà con có cuộc sống no đủ, hoặc ít ra cũng được cải thiện phần nào đã bị tiêu tan. Nhưng không ngờ anh lại được hồi chức, còn nắm quyền chỉ huy cao hơn, trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Thăng trằn trọc suy nghĩ vạch ra kế hoạch để sáng mai bắt tay luôn vào công việc.
Mới hơn năm giờ sáng Thăng đã dậy tập thể dục, anh cố gắng hít thở thật sâu, trong người cảm thấy khoan khoái, nhẹ nhõm. Đánh răng rửa mặt xong, mặc thêm chiếc áo, cầm cuốn sổ đi đến từng nhà các ông, bà trong ban quản trị, đội trưởng, đội phó để mời họ ra họp.
Một số cán bộ được Thăng mời ra họp, họ chưa biết anh đã được phục chức, họ cứ bán tín, bán nghi và nghĩ rằng, chắc anh bị tâm thần do cú sốc vừa qua. Họ nhìn anh bằng vẻ mặt ái ngại thương cảm. Thăng đi hết một vòng quanh làng rồi ra luôn trụ sở. Hơn nửa tháng trời không có hơi người, phòng họp trở nên ẩm mốc, ngai ngái, mạng nhện chằng chịt. Thăng cùng anh Sáng lau chùi quét dọn. Hai anh em làm cật lực, gần một giờ đồng hồ mọi việc mới tạm ổn. Thăng cắm xong ấm nước rồi bảo Sáng:
- Anh vào mời hộ em ông kế toán trưởng, cô Dao thủ kho ra đây.
Sáng nghe Thăng dặn xong gật đầu đi luôn.
Cô Dao đang tung tẩy đôi thùng hoa trên vai để đi tưới rau. Sáng nhìn thấy vội vàng bảo:
- Chú Thăng mời cô đem sổ sách ra trụ sở họp.
Dao quay ngoắt, rồi xổ luôn một tràng:
- Ông điên à? Ông chập mạch à? Thằng Thăng bị kỉ luật bãi miễn mẹ nó rồi còn báo họp.
Anh Sáng nghe rõ cô Dao nói, nhưng vì vội quá vừa vẩy tay vừa nói:
Cô Dao vùng vằng cất đôi thùng, cầm sổ sách đi. Ra tới đường lớn, gặp mấy bà đội trưởng, cô luôn mồm thắc mắc.
Các đội trưởng cùng thủ kho Dao đi vào trụ sở, thấy Thăng đang tươi cười nói chuyện với ông Dần, họ trố mắt nhìn. Bà Tý lém lên tiếng.
- Tôi đi từ nhà ra đây, vẫn không biết là mình mơ hay tỉnh. Sao lại có chuyện lạ vậy?
- Bà tỉnh đấy, không phải là mơ đâu? Cứ ngồi vào uống nước, rồi ra vài chiêu cho anh em tôi được một trận cười xả láng đi.
Ông Dần vừa nói, vừa làm động tác cốt để trêu chọc bà Tý.
Bà Tý cũng chẳng vừa, nguýt ông Dần một cái rồi nói:
Thăng nhìn lướt qua, đã hòm hòm quân số đến họp, chỉ còn có ông kế toán trưởng là chưa ra. Thăng đứng lên dõng dạc:
- Mời tất cả các ông bà ngồi vào uống nước, để ta bắt đầu họp. Thưa các bà, các bác, tôi thực sự may mắn được cứu sống, để trở về cùng làm việc với các ông, các bà và tất cả mọi xã viên trong hợp tác xã. Mong ước của tôi là muốn được cống hiến nhiều nhất cho mọi người, vì vậy tôi muốn tất cả mọi người cùng chung sức, chung lòng, giúp đỡ tôi làm được điều mong ước ấy. Mười một giờ đêm hôm qua, tôi được các đồng chí trên huyện, trên xã vào nhà, thông báo cho tôi được hồi chức, tạm thời làm thay công việc của ông Cẩm.
Thăng vừa dứt lời, tiếng vỗ tay rào rào kèm theo tiếng hoan hô, hoan hô cấp trên sáng suốt. Một vài người nói to, từ lúc anh đi báo họp, tôi tưởng anh bị tâm thần, tôi thấy ái ngại cho anh quá. Giờ thì là thực rồi, hoan hô, hoan hô cấp trên. Thăng chờ cho sự ngỡ ngàng ở trong mỗi người được giải tỏa, anh nói tiếp:
- Tình hình sản xuất hiện nay là rất cấp bách, nhất là nước tưới. Tý họp xong tôi lên ty nông giang xin nước. Vấn đề thứ hai, khi đã có nước yêu cầu thủ kho xuất cho mỗi sào mạ hai cân đạm, một cân kali, bón ngay để kịp thời cấy xuân. Ba là các ông bà đội trưởng đôn đốc thợ cày, cày nốt các mảnh còn lại, đưa nước vào làm dầm, vì phơi ải giờ không còn kịp nữa.
Thăng đang triển khai nhiệm vụ cho mọi người thì ông kế toán trưởng đi vào. Đợi cho ông ổn định chỗ ngồi, anh nói tiếp.
- Vấn đề thứ tư không kém phần quan trọng, chỉ còn hơn hai chục ngày nữa là tết nguyên đán. Tôi đề nghị ông kế toán trưởng, kiểm tra xem lượng thóc trong kho, lợn còn lại bao nhiêu con cho dân ăn tết. Các ông bà đội trưởng, đội phó, thống kê các hộ khó khăn, gửi ngay cho ban quản trị để xét trợ cấp. Không để hộ nào phải ăn khoai, sắn trong ba ngày tết. Vấn đề thứ năm là sức kéo, sức kéo hiện nay bị thiếu hụt chủ yếu do chuồng trại chưa đủ ấm, thức ăn thiếu, rơm rạ hoai mục, trâu bò ăn vào mắc chứng đi ỉa, không cứu chữa kịp thời là lại ngã. Do vậy, yêu cầu các ông bà, tăng cường động viên các hộ nuôi trâu bò, cố gắng giữ ấm, cho ăn no thức ăn tươi để bảo đảm đủ sức kéo trong vụ đông xuân này. Các ông bà có ý kiến gì không, nếu không mời các vị về bắt tay vào việc. Đề nghị các đồng chí trong ban quản trị xuống trực tiếp đôn đốc các đội.
Thăng nói một thôi dài người đã thấm mệt, anh cảm thấy hoa mắt liền ngồi thụp xuống. Ở dưới có tiếng xì xào:
- Mới ra viện sáng qua, mà cái gì cũng biết, nói chả sót tý nào. Đúng là có học có khác. Thôi chị em mình giải tán để ra đồng kiểm tra, tối nay cho họp đội.
Nghỉ một lát, Thăng thấy người đã tỉnh tỉnh, gọi thủ kho Dao cùng kế toán trưởng vào, anh nói:
- Hai vị xem thóc dự trữ trong kho còn bao nhiêu, cố gắng trợ cấp cho mỗi hộ khó khăn độ hai mươi cân. Lợn tôi dự tính, nếu được cho mỗi nhân khẩu hai cân, các vị tính toán cân đối rồi báo cáo lại cho tôi.
Chương 32
Từ hôm Cúc bỏ đi, nhà bà Hoàn cứ như là có tang. Còn lại hai vợ chồng với đứa con trai út, chả ai nói với ai câu nào. Khi cần hỏi cái gì, thì cứ như gắt rồi cắm ca, cắm cảu trả lời. Mặt người nào cũng buồn rười rượi, nhất là ông Hoàn, đi đâu thì chớ, về đến nhà lại khoanh chân, bó gối nhìn ra ngoài.
Bà Hoàn như mặc cảm với tội lỗi, luôn luôn thu mình không muốn giao tiếp với ai, ngay cả khi họ mạc có công việc. Bà luôn đi làm rất sớm và về rất muộn, ra đến ruộng là làm một mạch. Mọi người nhìn bà bằng con mắt thương cảm. Bà không nghĩ đến con thì thôi, lúc nào nghĩ đến Cúc, nước mắt bà chỉ trực trào ra. Bà giận mình cả tin, có lúc đã nghi oan cho gia đình bà Tường. Bà cảm thấy hối hận. Bà hận lão Thông, dỗ ngon dỗ ngọt, lại còn hứa để cho nghìn ngói. Giờ thì ngói cũng mất tăm, tiền dành dụm bao năm cũng đi theo cả. Con gái yêu đến giờ này vẫn chưa có tin tức gì, thật là chua xót. Nhiều khi cơn uất dâng lên, bà đấm vào ngực thùm thụp, rồi lại nguyền rủa bố con lão Cự, lão Thông.
Hôm nay ở ngoài đồng, bà nghe mọi người kháo nhau là Thăng đã được phục chức, lại làm chủ nhiệm nữa chứ. Bà cảm thấy tiêng tiếc cho con gái mình, Mấy lần bà đã định ra viện thăm Thăng, nhưng vì không vượt qua nổi sự mặc cảm với chính mình.
Thôi thì mọi chuyện đã rồi, chẳng ai muốn thế. Bà tự an ủi mình bằng những suy nghĩ ấy và quyết định, tối nay sẽ cùng ông Hoàn sang, xin lỗi bà Tường và anh Thăng. Cơm nước xong bà bảo ông Hoàn:
- Hôm nọ tôi cả giận mất khôn, đã có câu nói xúc phạm đến anh Thăng và bà Tường. Hôm nay tôi muốn ông đi cùng tôi, sang xin lỗi gia đình bên ấy.
- Hừ, mỡ nhỉ? Hôm nọ đuổi người ta, chửi người ta hôm nay thấy người ta được phục chức thì lại đến. Không sợ người ta lấy lá chuối lót tay tống ra khỏi cổng à?
Bà Hoàn không ngờ, hôm nay ông Hoàn lại dám xổ ra câu nói như vậy, nhưng bà thấy ông nói đúng, nên cũng im miệng luôn.
Ông Hoàn nói xong câu đó cũng có vẻ sờ sợ, lấm lét nhìn. Không thấy bà Hoàn có biểu hiện gì, ông tạm yên tâm. Bà vào buồng nằm nghĩ, bà oán hận mình trước đây đã cư xử chưa đúng với chồng con, và với một vài người trong làng.
* * *
Sáng nay là chủ nhật, Ly xin phép bố mẹ vào chơi nhà Thăng. Cô treo cái làn đựng mấy bộ quần áo, xâu đĩa lên poóc pa ga. Đến khu chợ nhà xanh, cô vào mua toàn bộ tem phiếu của quý một, được ngót cân thịt, hai cân đậu phụ, một lít nước mắm, mua thêm chút gia vị rồi phóng như bay vào nhà Thăng.
Cô khẽ khàng đi vào, định dành cho Thăng một bất ngờ. Ngó trước, nhìn sau, chả thấy bóng dáng Thăng đâu, chỉ thấy bà Tường đang lùa chiếc chổi vào gậm giường. Ly cất lời:
- Có mình bác ở nhà thôi ư? Anh Thăng đâu bác?
- Ly vào chơi đấy con? Nó lại đi từ lúc mờ đất rồi.
Ly hốt hoảng kêu lên:
- Anh đi đâu hả bác? Vừa ra viện hôm qua, hôm nay đã vội đi!
- Số nó vất vả lắm con ạ. Đứa nào vớ phải nó thì khổ, chỉ biết lo cho dân, cho nước, vợ con, gia đình nó mặc kệ!
Ly lấy lại bình tĩnh rồi hỏi:
- Anh Thăng đi làm gì hả bác?
- Mười một giờ đêm hôm qua, ông Hoan, ông Cầu và mấy ông cán bộ thôn vào, bảo nó ra làm chủ nhiệm, thay ông Cẩm đang nằm viện.
Ly nhảy cẫng lên:
- Cháu biết ngay mà, cháu biết ngay mà. Người như anh được dân yêu, dân quý lẽ nào lại bị bỏ mặc. Thế thì càng vui.
Ông Tiềm dắt xe định ra chợ mua đôi thiếu cày về gác nóc bếp cho ăn bồ hóng. Thấy có tiếng reo bên bà Tường, ông lắng tai nghe. Rõ là giọng con Ly rồi. Ông dựa xe vào bụi râm bụt đầu cổng. Chưa vào đến hiên ông đã hỏi:
- Hôm nay được nghỉ vào chơi hả cháu?
Ly quay ra nhìn thấy ông Tiềm, cô hồ hởi:
- Bác đấy à? Bác vào đây đã. Hôm nay cháu vào chơi, bác gái với các em có nhà không ạ!
- Bà ấy với con bé lớn đi phát cỏ bờ phụ thêm ít điểm. Vừa rồi nghỉ nhiều, sợ thiếu công họ phạt. Hôm nọ hai dây bát bác đem về để bên nhà, giờ bác xách sang.
Vừa nói ông vừa quay đi. Ly thấy vậy liền bảo:
- Bác để một chục bên ấy, xách một giây sang đây thôi - Ly lấy bọc quần áo đưa cho ông Tiềm - May quá, mấy hôm sau có quần áo may sẵn, cháu mua cho mỗi em một bộ, bác đem về hộ cháu.
Ông Tiềm cảm động, tay run run đỡ bọc quần áo:
- Bác xin, bác cám ơn cháu nhiều lắm.
Ông đi vội về nhà, lát sau xách dây bát sang, moi ở túi ra hơn chục đồng bạc đưa cho Ly, Ly hỏi:
- Tiền gì đây hả bác?
- Bác gửi cháu tiền mua quần áo và tiền bát.
- Bác ơi! Lần này cháu mua biếu bác và tặng các em, lần sau cháu lấy.
Ông Tiềm cứ tần ngần mãi, chẳng biết nói sao cho phải phép. Lúc sau ông ngậm ngùi nói với Ly:
- Cháu làm thế, bác khó nghĩ quá!
- Có gì mà khó nghĩ hở bác? Cháu giúp bác thì nó như của để dành thôi. Trưa nay bác bảo bác gái và các em sang đây ăn cơm, mừng anh Thăng qua được nạn, và lại được phục chức nhé.
Rút khăn mùi xoa chấm chấm vào hai bên khóe mắt, ông Tiềm nói với Ly:
- Bác cảm ơn cháu nhiều, bác ra đằng này một lát. Rồi ông hướng vào trong nhà - Chị ơi em đi đây!
Ly lấy chục đĩa trong làn, cầm dây bát ra rửa sạch, úp vào chiếc rổ thưa, sau đó vào bếp lấy con dao, cái thớt ra cọ rửa. Bà Tường từ trong nhà đi ra đổ rác, nhìn thấy Ly đang rửa dao, cạo thớt bà bảo:
- Lại định giở giói gì đấy hở con?
- Dạ, con làm món này, để trưa nay liên hoan cả nhà bác ạ!
Con dao lại như múa trên tay Ly. Nhìn mọi thứ Ly mua vào, bà than vãn:
- Cả tháng mới được tí thịt, lại đem vào đây, hàng ngày ăn bằng gì?
- Cháu có tiền, cháu mua hẳn con bò khao cả làng mới bõ.
Nghe Ly nói vậy, bà Tường mắng yêu:
***
Thăng lên Công ty quản lí thủy nông xin lịch nước xong, anh quay về. Từ sáng sớm đến giờ, chả có cái gì vào bụng. Người mới ốm dậy, tay lái cứ lao đao, xiêu vẹo, mấy lần xuýt đâm xuống mương. Anh về đến cổng thì cũng đã hơn mười một giờ. Trong nhà ồn ã tiếng trẻ con, người lớn. Anh thoáng nghĩ hay mẹ lại ốm? Thăng dựa xe vào hàng rào rồi bổ ngay vào nhà. Anh sững lại khi thấy mẹ, ông bà Tiềm cùng Ly đang nói chuyện vui vẻ. Ba đứa em cứ quấn lấy Ly, anh nói:
- Con cứ tưởng?
Thấy anh thất sắc nét mặt, ông Tiềm liền bảo:
-Anh tưởng mẹ anh ốm chứ gì? Không đâu, mẹ anh từ sáng tới giờ vui hơn tết, vì Ly nó vào, đem theo bao thứ để liên hoan kia kìa. Đi rửa ráy rồi vào mà ăn, để các em còn đi làm.
Ly lẳng lặng ra giếng múc nước, rồi nói với giọng hờn dỗi:
- Anh rửa chân tay đi. Người đang còn xanh xao mà cứ cố. Làm cả đời chứ làm một ngày đâu?
- Làm nông nghiệp nó khác em ạ. Để chậm không phải chỉ mất có một hai ngày, mà phải mất dăm sáu tháng, bởi nó lệ thuộc vào mùa vụ. Vừa đưa khăn cho Thăng cô vừa lườm yêu. Ly nghiêng người ghé vào tai Thăng nói nhỏ:
- Mới từ sáng hôm qua tới giờ, mà chỉ muốn phát điên. Thăng thấy Ly nói vậy liền chọc ghẹo:
- Biết thế, chiều anh mới về, cho người ta điên một thể.
Ly beo nhẹ vào tay Thăng. Cái beo chứa đựng bao cảm xúc, hàm ý.
Bà Tường nhìn thấy hai đứa ríu rít, tình tứ, cứ xoắn vào nhau không nỡ giục. Nhưng lại sợ nhỡ việc của hai em, bà liền bảo:
- Vào cơm nước đi, để ông bà còn về đi làm.
- Chị cứ thư thư, mấy khi.
Bà Tường lại giục lần nữa, Thăng và Ly mới chịu rời nhau. Ly vào bếp bê nồi cơm. Cô con gái lớn của ông Tiềm cầm cái chiếu ở đuôi giường của Thăng, trải xuống đất. Thăng bê mâm cơm trên bàn, đặt vào lấp kín chỗ chiếu thủng. Bà Tiềm nhìn thấy vừa cười vừa nói:
- Anh em nhà mày sao khéo thế?
Cả nhà ngồi xuống, Thăng mở lồng bàn nhìn vào, anh thốt lên:
- Sao hôm nay bố mẹ cho con ăn sang thế? Hơn cả ngày tết.
Ông Tiềm rút chai rượi trong túi ra rồi chậm rãi nói:
- Ly nó đem vào để liên hoan đấy con ạ. Hôm nay là ngày đại hỷ, bố con mình phải làm một ly. Ông đưa chén lên rồi nói- Nào, em xin phép chị!
Ông chạm cốc với Thăng rồi ngửa cổ. “Khà”. Hôm nay em có say chị đừng mắng, bà cũng tha cho tôi nhé. Bà Tiềm nguýt ông rồi nói:
Thăng và Ly chủ động gắp thức ăn cho mọi người. Nhìn mâm cơm nhà mình hôm nay, anh lại chạnh lòng nhớ tới bao gia đình, còn trong cảnh thiếu đói, phải ăn độn khoai sắn quanh năm. Mâm cơm nhà Thăng hôm nay có ba đĩa đậu nhồi thịt, nó là món tao nhã, nhưng giờ thì lại là món xa xỉ ở làng Cò Quay, bởi vì các đám giỗ chạp ở làng, nhà nào sang lắm mới có một đĩa thịt mỡ thái mỏng, đĩa đậu phụ nướng. Ngoài ba đĩa đậu nhồi thịt, còn có hai đĩa lòng dồi do ông Tiềm mua thêm ở chợ, bát nước chấm có xu hào cà rốt thái mỏng ăn chua chua, ngọt ngọt.
Thăng và Ly thay nhau gắp, tiếp cho bố mẹ cùng các em. Ly ăn nhỏ nhẹ từ tốn. Bà Tiềm nhìn thấy bảo:
- Các con ăn đi, cứ tiếp bố mẹ mãi, đĩa đậu nhồi cái Ly nó làm sao ngon thế, mai tôi nhớ đến lại đòi ăn thì làm thế nào?
Cả nhà cười rộ. Các con ông Tiềm, cả năm không được ăn bữa nào thịnh soạn như thế, nhưng chúng ăn uống rất dè dặt, ông Tiềm cứ phải giục, ý chừng chúng chỉ muốn ăn món đậu phụ nhồi thịt, vừa lạ miệng vừa lạ mắt. Ly biết ý, liên tục gắp cho các em.
Bà Tường buông đôi đũa xuống mâm nói:
- Từ hôm cháu Ly vào trông Thăng, nó đạp xe bốn năm cây số để mua phở về cho tôi ăn. Nãy nó còn bảo nếu có tiền, nó mua hẳn con bò khao cả làng
Thăng cầm chiếc bát lên ngắm, rồi reo to:
- Hôm nay mẹ kiếm ở đâu ra bát đĩa đẹp thế này.
- Bố anh, chỉ chăm chăm vào làm, vào ăn chả để ý cái gì. Ly nó mua cho đấy, làm gì có bát đẹp thế đến lượt anh.
Cả nhà ăn uống no nê. Cu út nhà ông Tiềm ăn xong, đứng dậy hỏi bố:
- Bố ơi bao giờ nhà mình lại có cỗ hả bố.
Ông Tiềm xoa đầu con nói:
- Con chịu khó chăm học, chăm làm, hôm nào bố cũng có cỗ cho con ăn.
Cả nhà lại được mẻ cười vỡ bụng.
Ly ăn sau và cũng đứng dậy sau cùng. Cô chỉ ăn làm phép còn chủ yếu ngồi tiếp mọi người và nghe chuyện. Ly thấy cái gì cũng lạ lẫm, nhưng cô cảm nhận được cái tình cảm thực trong sự lạ lẫm ấy. Cô định bê mâm bát đi rửa, con gái lớn ông Tiềm tranh phần:
- Chị để em.
- Để chị!
- Để em!
- Để chị!
- Thôi hai chị em cùng rửa, tranh nhau mãi.
Bà Tiềm, bà Tường nhìn thấy cảnh ấy cứ cay cay sống mũi. Thăng rót nước mời bố và hai mẹ, anh nói với ông bà Tiềm:
- Chiều nay đưa nước về khu rau, bố mẹ có tưới, tát thì ra, con xin lịch ba ngày liền.
Nghe Thăng nói xong, bà Tiềm liền giục:
- Ông uống nước, rồi mau mau ra tát với tôi.
- Khoan đã vội gì? Không nay thì mai.
Bà Tiềm nói như van:
- Ông không nhớ, tháng này là tháng cuối năm ư “nay giỗ hậu, mai từ đường”, vắt chân lên cổ mà chạy chưa chắc đã kịp đâu. Bà Tường phụ thêm - Đúng đấy ông ạ, tết nhất tới sát đít rồi, không nhanh là không kịp. Thôi ông về đi.
Ông Tiềm vờ dỗi trêu bà Tường:
- Bà chị đuổi khéo em đấy hả. Em được bữa cơm no rượu say rồi, giờ em chả cần. Ông gọi với xuống bếp - Ly ơi! Bác về đây, cho bác gửi lời hỏi thăm bố mẹ cháu nhé!
Thăng đưa cốc nước cho mẹ, anh cũng vớ luôn một cốc khác, dốc vội vào mồm. xúc miệng òng ọc rồi nuốt. Tay cầm cuốn sổ, mồm ngậm que tăm, anh ra sân giếng bảo Ly và Gái:
- Chị em ở đây chơi. Ly thông cảm cho anh nhé, nửa tháng nay công việc ứ đọng, chồng đống, anh phải ra trụ sở để giải quyết, tối anh về.
Thăng đi luôn không kịp cho Ly trả lời.
Chương 33
Từ lúc bà Duy được tin sét đánh từ miệng ông Tình công an huyện nói ra, Xoan đã bỏ trốn. Bà bàng hoàng, rụng rời, ngất lên ngất xuống mấy lần. Ông Tình phải nhờ những người hàng xóm sang an ủi động viên. Ông kiên trì ngồi đợi đến khi bà tỉnh táo hẳn mới nói tiếp:
- Bên công an có yêu cầu bà khi nào cháu về, bà cho chúng tôi biết để điều tra làm rõ, đưa kẻ lừa đảo ra ánh sáng.
Ông Tình và mọi người ra về, bà Duy nằm nghĩ, mình cũng đã nghi ngờ con bé từ cái hôm, nó xin phép ra trông anh Thăng. Lúc đó bà nghĩ, ừ hai đứa có tình tứ với nhau thì cũng được, may cho con bé, may cho cả gia đình mình nữa. Qua lời ông Tình nói, giờ thì mình đã rõ. Thăng không có liên quan gì đến con bé, vậy thì là ai, chẳng nhẽ lại là ông Cẩm chủ nhiệm. Thi thoảng, đôi lúc bà cũng nghe lõm bõm được vài câu, về quan hệ của con bé với ông Cẩm. Ông Cẩm già cả thế thì còn ham hố gì chuyện tình ái, mà nghi cho ông, phải tội chết.
Đúng là khôn ba năm dại một giờ. Thôi thì con dại cái mang chứ biết trách ai, có trách chỉ trách cái bản thân mình, cứ cắm mặt vào làm, không chú ý đến con. Bà day dứt trong lòng. Nhiều lúc không kìm nén được, ruột gan như muốn đứt từng khúc, bà bỏ làm, bỏ ăn mất mấy ngày. Mấy đứa em nháo nhác khi nghe tin chị bỏ đi. Ông trời nào có chiều lòng người, lúc cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng thì lại không được. Ruộng xu hào, cải bắp, trồng để bán tết, kiếm vài bộ quần áo cho con, không có nước tưới cứ héo queo héo quắt. Bà gắng gượng đi ra đồng gánh nước. Bà vốn là người khỏe khoắn đẫy đà, mà bây giờ bà gầy gò, tiều tụy, chẳng khác người hình nhân là mấy.
Hôm Thăng bị đánh, bà Duy cũng đến chơi hỏi thăm, động viên bà Tường, và mới hôm qua khi nghe tin Thăng ra viện, bà cũng lại chơi. Mới đầu bà Tường và bà đều có phần e dè, nhưng sau khi hai bà đã thổ lộ được phần nào nỗi lòng của mình, thì họ lại có sự thương cảm lẫn nhau. Họ cùng oán giận những kẻ nhẫn tâm, đã gieo nên những mất mát cho cả hai gia đình
* * *
Thời tiết đã bớt hanh giá, những đám mây mang hơi nước từ hướng đông bắc dồn xuống, thi thoảng, lác đác đôi ba hạt mưa bụị.
Bùi Cơ cưỡi xe Phượng Hoàng màu cánh chả, mới được phân phối cách đây mấy hôm. Hôm nay ông đạp xe về huyện đội để lĩnh một số khí cụ, cho đợt diễn tập đầu năm, đợi đến hơn tám giờ chưa thấy thủ kho ra, ông nhảy lên xe đi sang ủy ban huyện.
Cùng lúc đó Dương Đình Cự cũng đi đâu về, nhìn thấy Cơ đến, Cự bảo:
- Vào đây, tao thông báo cho mày cái tin này.
Cơ dựng xe đi vào phòng, bảo:
- À gì nhẩy. Mày về thông báo cho lão Thông và lão Hội biết, là tao đã đẩy tay Tuyến huyện đội, tay Tình công an đi nơi khác rồi, cứ yên trí kê cao gối mà ngủ.
- Thế ai về thay?
Dương Đình Cự lấy tay vỗ vỗ vào ngực
- Tao đây, tao chứ còn ai. Bây giờ là “Đặc phái viên” hẳn hoi nhé, kiếm cái gì đi, tối tao về!
- Anh thích ăn gì?
Dương Đình Cự gõ ngón tay trỏ vào trán nghĩ một tẹo, lão bảo:
- Hôm nay đầu tháng không nên ăn chó, mày kiếm lấy con cá, được cá chép hấp bia càng tốt.
- Anh định tổ chức nhà ai?
- À gì nhẩy. Nhà mày chứ còn nhà ai, yên tâm đi, không thiệt đâu? À gì nhẩy, làm cho đã đã vào có khi chiều tao kéo tay Hưng về đấy. À gì nhẩy, tay này sành rượu, phải kiếm loại thật ngon, thôi đi đi, tao còn về họp đây?
Bùi Cơ đạp xe quay về huyện đội, Cơ lĩnh bốn trăm đạn K44 đã tháo đầu và năm quả bộc phá tập, loại hai lạng. Trên đường về Cơ nghĩ, năm ngoái cũng vào dịp này cá ở sông ngược lên đen xì một đoạn dài, mình cho quân chặn đăng phía dưới, đắp chặt phía trên bắt được mấy gánh cá, có con nặng gần yến. Vừa đi, vừa nghĩ tự nhiên ông bật ra câu:
- Á à, chết với bố rồi, hôm qua đưa nước về làm dầm, mình chỉ cần phá cái nẻ cho nước chảy xuống, thấy nước mới cá ngược lên phải biết.
Lão đang nghĩ tới món cá hấp bia, thịt trắng phau, thơm phức, chấm vào muối ớt, nhắm rượu no được.
Về đến khu trực chiến lão gọi Thơm, tay này đã từng làm ở đội cá, hắn được mệnh danh là rái cá. Thơm trong gian nhà lợp nứa đi ra hỏi:
- Bác bảo gì em?
- Cái đăng có còn không mày?
- Để ngoài dầm mưa dãi nắng rách hết cả rồi bác ạ!
Bùi Cơ đứng gãi gãi đầu một lúc rồi nói:
- Thôi được, trưa nay ăn cơm xong chú về nhà tôi nhé!
Cơm nước xong đã quá mười hai giờ, Cơ vào buồng thủ một quả bộc phá hai lạng, cùng đoạn dây cháy chậm bỏ vào túi. Trời buổi trưa lại nhe nhe nắng, Cơ mừng thầm, chuyến này ăn đẫy. Thơm đi vào với bộ dạng hớn hở, hỏi Cơ:
- Chắc ông anh lại bảo em đi bắt cá chứ gì?
- Ờ, ờ chú có nhớ năm ngoái không, ăn tuần lễ không hết. Giờ chú lên bảo cô Giao cho xin hai tải bảy mươi sọc xanh, gọi thêm mấy thằng nữa lên cống nhé. Tao lên trước mở nẻ cho nước chảy xuống.
Gần hai giờ chiều, một tiếng nổ lớn kèm theo cột khói đen bốc lên. Nhiều người đang làm đồng gần đó đổ xô chạy lên. Cảnh tượng thật khủng khiếp Bùi Cơ cháy đen thui, người không còn mảnh vải che, máu be bét khắp người, cánh tay trái bị đứt rời. Hai chiếc bao tải gai được khoét lỗ ở sườn, luồn hai đoạn tre vào thành cáng. Mọi người hò nhau khênh Cơ đi.
Nguyên do là Bùi Cơ chưa đánh bộc phá bao giờ, trời nhe nhe nắng, ngòi đã cháy lại cứ tưởng chưa cháy, bật lửa châm mãi, quả bộc phá nổ ngay trên tay.
Tin về đến làng, vợ Bùi Cơ vừa chạy vừa khóc lóc thảm thiết, đuổi theo những người khênh cáng.
Làng Cò Quay lại một phen rộ lên đủ mọi thứ chuyện. Họ đổ cho mấy ông cán bộ địa phương đã không làm giỗ Thánh thì chớ, còn đem bao uế tạp vào đình.
Đúng là làng Cò Quay phải có đến hơn chục năm nay không làm giỗ Thánh. Các gian xưởng của các phe các giáp được ngăn làm chuồng lợn. Nhà Thần Nông, Tiên Chỉ được dùng làm kho và bếp nấu cám lợn. Ngựa Thánh, giá văn, cống, kiệu bị chẻ ra đun, phỗng bị ném ra ao. Bộ Long – Ly – Quy – Phượng cũng đã được cho vào nhóm lò. Hậu cung thì nhét toàn dây lạc khô. Ông cụ coi đình nói, rằm mồng một nào ra thắp hương, cụ cũng thấy một ông rắn to bằng cái cột con, mào đỏ chót nằm cuộn tròn ở giữa đình. Cụ bảo đấy là Thánh hiện lên báo mộng, chả biết chuyện ấy đúng hay sai nhưng dân làng Cò Quay thưởng cho ông Bùi Cơ một câu “ác giả, ác báo”.
(Còn nữa)