Nguyễn Đạo Vinh
LÀNG CÒ (13-14-15)
Chương 13
Tu nằm mê mệt ở nhà Hoàng đến mười một giờ mới tỉnh. Hoàng pha cho cốc nước chanh đưa Tu, uống xong Tu ra bể vã nước vào mặt cho tan nốt cơn u mê, do liều thuốc ngủ chính tay mình mang ở nước ngoài về. Tu định dùng liều thuốc này để chiếm đoạt Cúc cho bằng được, rồi sẽ tìm cách hành hạ Cúc, cho bõ cơn tức hôm nọ. Nhưng ngờ đâu, gậy ông lại đập lưng ông, bởi vì Tu bảo với Hoàng là cho vào cốc nước bên phải, Hoàng cũng làm đúng như vậy, nhưng khi bê khay nước ra thì phải xoay lại, đằng này Hoàng cứ đặt luôn khay nước xuống, thế là Tu bị dính đòn của chính mình, Tu hỏi Hoàng:
- Cúc của tao đâu?
- Vợ tao đèo ra bến ô tô về rồi.
Tu cằn nhằn:
- Mày làm hỏng hết việc của tao, chả được cái đếch gì.
- Đã là của mày rồi thì nay mai dùng không được à? Đi đâu mà vội.
- Nói với mày chán bỏ me, à bảo hộ tao vợ mày ngày kia vào nhé. Tao về đây.
- Ấy khoan đã, còn cái này vợ tao bảo giữ, bao giờ mày tỉnh đưa cho mày.
Tu mở ra xem, toàn bộ mọi thứ ban chiều Tu mua nằm trong đó cả. Tu hỏi:
- Sao nó đưa hết cho vợ mày à?
- Vợ tao bảo Cúc gửi cho mày cầm về, sợ lên ô tô bọn lưu manh giật mất.
- À. Thôi về đây, nhớ nhé.
Tu nổ máy cho xe phóng đi chả mấy chốc đã về đến nhà Cúc.
Tu gọi mãi chẳng thấy Cúc dậy, Tu đưa cho mẹ Cúc gói quần áo tư trang ít thiếp mời rồi bảo:
- Bác cất vào tủ cho Cúc, mai con sang đèo Cúc đi mua một vài thứ nữa.
Tu chào bà Hoàn rồi đi về, với vẻ mặt không lấy gì làm vui.
Về đến nhà đang bực mình vì chiều nay thằng bạn làm hỏng chuyện lớn của mình, lại nhìn thấy lão Thông, nằm chềnh ềnh trên phản, ngáy giật cục. Tu bực dọc đá mũi giày vào gậm phản kêu đánh “Rầm”. Lão Thông giật mình chồm dậy, khi nhận ra Tu lão hỏi:
- Về muộn thế? Tu lặng thinh.
Lão Thông hỏi đến câu thứ ba, Tu mới dấm da, dấm dẳn trả lời:
- Đi sắm sửa, đi mời thì phải về muộn chứ sao? Ông đến đây làm gì?
- Á à mày nói thế mà được à? Ông lo mối lái cho mày từ A đến Z mày lại định giở mặt, lật lọng à ? Tao đ… cần. Mai tao đứng giữa chợ nói cho dân làng biết, cái bụng chó của mày.
Lão vùng vằng đứng dậy đi về. Ngoài cổng có ánh đèn ô tô rọi vào, lão đứng dạt sang một bên. Từ trong xe lão Cự bước ra cùng với một người to béo, nhìn thấy Thông, Cự bảo:
- Vào đây, tao bàn chuyện này.
Thông quay lại ngồi xuống ghế.
- Hôm nọ tao bảo mày xin cho hai con lợn độ tạ móc, mày xin rồi chứ?
- Xong rồi!
- Bây giờ thế này nhé! Ông bạn tôi đây, Cự chỉ tay vào ông khách - À gì nhẩy ngày kia cũng cưới con, nhưng không có lợn. À gì nhấy, ông bớt cho ông ấy một con, còn một con cho nhà gái. Ông này tối nay ngủ đây, sáng mai ông ra bắt sớm, để xe ô tô chở về được không?
Lão Thông nghe xong đành miễn cưỡng trả lời:
- Được! Trong bụng lão bây giờ lại chồng chất thêm bực dọc, bởi Tu vừa tỏ thái độ bất kính với lão. Phần nữa, chiều nay lão bàn với Cẩm chỉ đưa sang nhà gái một con, còn một con để đến tết thịt chia ba chứ trông chờ gì lợn hợp tác. Bây giờ lại bảo cho cái thằng ở đẩu, ở đâu. Đi hầu d… bố con nhà mày. Lão bực mình định bỏ về thì Tu gọi giật lạị bảo:
- Nãy cháu hơi nóng, bác thông cảm. Cái xe cháu muốn để đấy cho khách đến họ nhìn vào, cưới xong bác dắt về có được không?
Lão Thông nghe tới đây đã có phần nguôi nguôi. Tu kéo lão ngồi vào ghế:
- Bác ở đây, cháu đi đọn cơm bác ăn nhân thể, cháu cũng đói lắm, trưa nay có ăn hột cơm nào đâu!
Lão miễn cưỡng ngồi lại chỉ vì cái bụng còn lép kẹp, chứ thật quả tình lão không muốn ngồi. Lão nghĩ, biết thế ăn ở nhà vài bát, rồi nằm khềnh thì lại không mất con lợn. Xin được con lợn đâu phải dễ, ban quản trị có năm người thì bốn người không tán thành, chả qua Cẩm cứ mạnh tay quyết nên mới xong, mai kia dân họ biết, họ chửi cho bạc mặt.
Nhưng cái phần cơ bản mà lão Thông không muốn ngồi lại, vì thái độ của tay cán bộ to béo mà Cự đưa về. Hắn ta cứ nện gót dầy cồm cộp xuống nền nhà, ngó ngó nghiêng nghiêng, chả biết hắn làm đến chức gì, mà coi người như cỏ rác. Từ lúc vào đến giờ, chả thèm nói một câu, thái độ cứ khinh khỉnh. Lão Thông nghĩ chẳng gì mình cũng là phó chủ tịch xã, ở góc cạnh khác có thể nói là ân nhân của nó chứ. Đang nghĩ, chợt nghe thấy tiếng hắn gọi Cự:
- Ông Cự đâu?
- Dạ! Dạ, em đây ạ!
- Ông làm cái nhà này từ bao giờ mà toàn bằng lim thế này.
Lão Cự khúm lúm đi ra rồi nói:
- Báo cáo với anh, à gì nhẩy nhà này em mua lại.
Nghe hai người nói chuyện với nhau, lão Thông đã vỡ ra được phần nào. Vừa lúc đó, Tu bưng mâm ở dưới bếp lên, lão Cự đưa hai tay ra mồm nói:
- Mời anh ngồi vào ăn tạm cho đỡ đói.
Thông ngồi lên, lão khách to béo ngồi ở giữa. Lúc này Cự mới giới thiệu, chỉ vào Tu Cự nói:
- Đây là thằng con giai độc nhất của em, à gì nhẩy, cháu tên là Tu, mới ở nước ngoài về nghỉ phép, ngày kia em cưới vợ cho nó, trùng với con bé nhà anh, cho nên em không đến được, à gì nhẩy anh thông cảm. Đưa tay chỉ vào lão Thông - Báo cáo anh. À gì nhẩy, đây là ông Thông phó chủ tịch xã, bạn nối khố của em từ nhỏ. Chỉ tay vào lão to béo, Cự nói: Còn đây là anh Hưng, à gì nhẩy, cán bộ sở thủy lợi. Lão ta không nói chỉ gật đầu.
Thức ăn trên mâm bây giờ toàn là thức ăn thừa từ trưa. Lão Thông đang đói, tính lại háu ăn cho nên lão lấy muôi múc vào bát và lấy và để cốt cho đầy dạ, chả cần biết ngon hay không. Tay cán bộ tên là Hưng tợp liên tiếp ba chén rượu rồi nói:
- Tôi ngắm cái nhà ở địa thế này, phải công nhận ông thầy cắm đất cho gia chủ trước đây quá giỏi. Này nhé cái nhà thì đứng ở vị trí cao ráo, phía trước là cả một cái chợ rộng mênh mông, xa xa là cánh đồng bát ngát, đây là ngắm vào ban đêm, chứ ban ngày thì phải nói là tuyệt. Cái này giờ bán, phải có vài chục nghìn đồng chứ chả ít.
- À gì nhẩy, báo cáo anh, mua cốt...cốt cốt để ở chứ chứ…chứ ai lại bán.
- Ấy là tôi nói ví dụ thế.
Lão Thông nghe hai người nói chuyện với nhau nhất là khi Cự bảo là mua để ở, lão điên tiết chửi thầm: Đ…mẹ lợi dụng cải cách lập mưu, giết người để chiếm đoạt chứ mua bán cái mả mẹ mày? Lão xúc thêm mấy muôi ăn cho xong để chuồn, chứ ngồi nghe hai thằng nói chuyện lại thêm rác tai.
- Ông Cự này - Hưng lấy giọng bề trên hỏi - Ngày bé các cụ đặt tên cho ông là Cự à, sâu sắc, thâm thúy đấy.
- Dạ, anh bảo sao? Cự hỏi lại.
- Tôi bảo là, các cụ đặt cho anh cái tên thật là hay và có ý nghĩa lắm.
- Có phải thế đâu? À gì nhẩy. Báo cáo anh là thế này. À gì nhẩy, em có tên đâu, từ nhỏ toàn gọi là cu. Đến khi cải cách. À gì nhẩy, em được xếp vào loại cốt cán, em liền cho thêm dấu chấm vào thành chữ Cụ. Cự rót thêm rượu vào cho Hưng rồi nói tiếp:
- Em làm bí thư xã hai năm thì huyện kéo lên, lúc ấy văn hóa mới lớp ba bổ túc. À gì nhẩy, các anh ấy cho làm chân bảo vệ ở Thủy Hồ, hàng ngày đi qua đi lại trước cổng chùa Trụ Quốc. À gì nhẩy, có một ông thầy bói rất già ngồi đấy, ông ấy gọi em lại bảo:
- Tôi nhìn anh có tướng làm quan, mà ngày nào cũng thấy anh đi qua, đi lại đây trông nhếch nhác tội nghiệp quá! Em trả lời ông ta. À gì nhẩy. Tôi làm bảo vệ. Ông thầy bói lại hỏi: Anh tên là gì, bao nhiêu tuổi? À gì nhẩy. Tôi tên là Dương Đình Cụ tuổi bốn tư, ông thầy bấm đốt ngón tay, mồm lẩm bẩm: "Cái tên của anh, nó làm anh bị hãm, bây giờ phải đổi tên khác đi..." À gì nhẩy. Em liền bảo, à gì nhẩy, cụ xem cái tên nào hay mà không bị hãm đặt cho tôi. Ngẫm nghĩ một lúc cụ ấy nói: Tên là Cụ, đổi thành Củ thì không được vì suốt ngày nằm trong đất không ngóc đầu lên được. Đặt là Cũ thì lại càng không hay, đặt là Cù lại hóa ra là anh nông dân, đặt là Cú thì càng không được. Ngẫm nghĩ hồi lâu cụ ấy bảo: Anh có thể chuyển từ chữ u sang ư có được không? Ví dụ thế này, bây giờ tạm gọi là Cư, nhưng mà Cư thì nghĩa hẹp lắm, à có lẽ gọi là Cừ, Cừ ở đây có nghĩa là cừ khôi. Hay, hay vừa nói ông thầy vừa gật gù. Hay đặt là Cử. Chưa được! Rồi bỗng dưng thầy lấy tay phát mạnh một cái vào đùi, kêu đánh đét làm em giật bắn. Lát sau thầy phán: Nghĩ ra rồi. Tôi đặt cho anh cái tên này, chỉ sau hai tháng là anh được lên chức đấy. Tôi đặt cho anh cái tên mới là Cự nghe chửa? Cái chữ Cự ở đây là cự phách, một con người cự phách, phi phàm. Hay, hay, hay, phải đặt là Cự. Bây giờ tên anh là Dương Đình Cự nhớ chưa? Thấy ông thầy phân tích một thôi cũng có lý, em nghe theo. Mọi giấy tờ sau này, à gì nhẩy, em toàn ghi là Cự. Đúng như lời ông thầy nói, chỉ hơn tháng sau, à gì nhẩy, em được gọi về làm nhân viên điếu đóm cho các lãnh đạo. Rồi được đi học văn hóa, rồi lại theo lớp hàm thụ đại học. Bây giờ em là phó chủ tịch huyện. Nhớ công lao ông thầy đã đổi tên cho mình, em ra biếu ông hẳn mười đồng bạc.
Lão Thông nghe tới đây thấy ngứa tai. Lão nghĩ, giá như hôm nay không có thằng cha Hưng kia, thì lão sẽ chửi cho Cự một trận. Hàm mấy chả thụ, có thụ chó, thụ lợn. Hôm nọ viết cái giấy xin hai con lợn cho phòng thủy lợi, thì lại viết là phòng thủy lôi, hai con lợn lại viết thành hai con lượn. Nói được mười câu thì chín câu “à gì nhẩy”, lúc nào cũng nhẩy, nhẩy. Chỉ được cái ăn tục nói phét. Lão xúc thêm một muôi thịt bò xào với hành tây, và vào mồm nhai trệu trạo, nuốt chửng, làm muôi nước canh rồi cáo lui. Lần này lão về thật, về thẳng tưng không thèm ngoái đầu lại.
Về đến nhà nhìn đồng hồ đã hơn mười hai giờ đêm, lão nằm xuống chả cần mắc màn. Khoảng hai giờ sáng lão thấy đau bụng, lúc sau đau dữ dội, lão kêu la lăn lộn rơi xuống đất. Lão gồng người lên để chống lại cơn đau. Cuối cùng lão bĩnh ngay ra nhà, một bãi tướng, mùi tanh tanh bốc lên. Ba đứa con gái và thằng Lâm đùn đẩy nhau, mãi sau con gái lớn mới chịu dậy, nó bật điện thấy lão nằm quằn quoại dưới đất. Bên cạnh toàn những vũng nước loang nổ, quần áo dính đầy cứt, nó ra giật tung chăn, thằng Lâm và hai đứa em phải dậy nốt. Thằng Lâm đi vào buồng lấy quần áo thay cho lão. Đứa con gái lớn đổ ba mủng tro vào mà vẫn chưa hút hết nước, nó cằn nhằn:
- Tham lam, nốc, liếm cho lắm vào, thật xấu hổ. Lão Thông nghe thấy con gái nói vậy điên tiết lắm, giá phải lúc bình thường nói ra câu ấy, thì chắc chắn nó bị ăn cái vả vào mồm ngay.
Lão nghĩ con mấy chả cái, dám rủa mình là tham lam. Ở cái thời buổi này mà không biết quàm quắp thì cháo chả có mà húp, chứ đừng nói đến giò cắn ngập răng trong ba ngày tết. Lo cho chúng mày ăn phè phỡn giờ lại rủa, toàn đồ chết tiệt.
* * *
Chợ đã họp đông, kẻ bán người mua tấp nập, họ chào hỏi nhau í ới. Lão Cự mở mắt nhìn đồng hồ, thôi chết đã sáu rưỡi, lão vỗ vỗ vào Hưng:
- Dậy, dậy, cho xe ra bắt chả nó chờ, tí chợ đông xe không ra được đâu?
Hưng nghe thấy thế vùng dậy bảo Cự:
- Anh đi ra cùng tôi chứ?
- Dạ! Anh…anh cứ…ứ ra trước đi, à gì nhẩy đến...đến khu ..u.. ch…ăn nuôi cu…cũ, bảo nó bắt cho con kha khá.
Hưng nghe Cự nói xong đi ngay ra xe. Anh lái xe đêm qua nằm trên xe ngủ, sáng nay dậy sớm đang đi dạo ngắm chợ, Hưng nhìn thấy vẫy tay ra hiệu. Lái xe hiểu ý quay lại, Hưng bảo:
- Đánh xe ra trại chăn nuôi.
Chiếc xe phóng đi. Đến nơi, Hưng nhảy tót xuống tìm quanh, chả thấy bóng dáng lão Thông đâu, đi vào hỏi mấy bà xã viên đang quét dọn, họ đều lắc đầu. Đứng đợi đến bảy rưỡi mà vẫn chẳng thấy, Hưng bảo lái xe:
- Cậu quay về nhà lão Cự, bảo lão đi tìm hộ cái tay hôm qua.
Anh lái xe vâng lời, tới nhà Cự, anh ta bảo:
- Ông Hưng bảo bác đi tìm hộ cái ông hôm qua.
- Vâng tôi đi ngay. Quay vào buồng lão gọi con: Tu đâu?
- Ông gọi gì đấy?
- Mày phóng xe đến nhà bác Thông, bảo bác ấy ra bắt lợn cho họ.
- Việc của ông, ông đi mà làm, tôi còn bận.
Lão Cự nghe Tu nói vậy uất đến tận cổ, nhưng không làm gì được, đành đạp xe đến nhà lão Thông. Vào đến sân Cự quát:
- Thông đâu rồi, mày định xỏ xiên tao hả?
Lão sục vào nơi Thông nằm, mùi tanh tanh, lờm lợm bốc lên. Lão trượt chân suýt ngã. Điếng người khi nhìn thấy Thông vẫn còn nằm trên giường, lão gọi:
Đến câu thứ ba, Thông mới hé mắt, mồm thều thào:
- Tào, tào… tào tháo cả đêm, không ra được.
- Mày làm hỏng việc lớn của tao rồi.
Cự vò đầu bứt tai đi ra.
Chương 14
Cơm nước xong, Cúc cùng mẹ lên danh sách, mời những người đến dự, chỉ còn có Thăng là cô đắn đo, cân nhắc. Cô nghĩ, nếu mời liệu anh có đến không? Anh mà không đến thì mình bẽ mặt quá, anh đến thì mình sử sự sao đây? Chả gì mình với anh đã yêu nhau hơn một năm, đã trao nhau những nụ hôn đầu đời một cách say đắm, chả nhẽ... Rồi còn bà cụ nữa chứ, giận anh chứ mình vẫn quý mến bà kia mà, thôi cứ mời. Cả ngày hôm nay Cúc phải chạy đi chạy lại nhiều, cô mệt quá vào giường ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng hôm sau Cúc dậy sớm, vẫn nằm trên giường nghĩ về việc chiều qua. Cô hình dung lại lúc Tu và Hoàng đi ra hè thì thầm, chắc có uẩn khúc gì đây? Cúc cảm thấy chờn chợn, liền vùng dậy đi xuống bếp dặn mẹ:
- Mẹ ơi, hôm nay con đi mời bạn bè và ở nhà dọn dẹp. Anh Tu có đến hỏi mẹ bảo, nó với lũ bạn đi đâu, tôi không biết nhé!
- Sao lại thế hả con?
- Con không muốn đi cùng anh ấy mệt lắm. Con muốn ở nhà dọn dẹp và đi hỏi mượn sẵn bàn ghế, cót chiếu, để bắc rạp.
Cúc đưa ra bao nhiêu lí do để trốn tránh việc đi với Tu, nghe đến đây mẹ Cúc bảo:
Cúc nhao ngay vào buồng viết thiếp mời. Khoảng gần tám giờ sáng, Cúc nghe thấy tiếng Tu hỏi:
Nghe thấy Tu gọi mình là mẹ cứ ngọt xớt, bà Hoàn cảm thấy vui vui pha chút hãnh diện. Nhớ đến lời con dặn, bà liền nói dối là nó đi đâu với mấy đứa bạn. Tu nghe xong tỉu nghỉu quay xe.
* * *
Thăng hôm nay đi cùng với ông Cẩm, lên huyên duyệt phương án ăn chia đã xong, anh bảo ông:
- Bác về trước đi cháu còn có tí việc.
Nói rồi anh đạp xe đi luôn sang huyện đội, để nộp tiếp lá đơn tình nguyện, xin nhập ngũ lần thứ hai, lá đơn trước anh đưa cho xã. Nhưng ông Tuyến không nghe, với lý do anh là con liệt sỹ và còn là cán bộ chủ chốt của hợp tác xã, họ muốn giữ anh ở lại.
Vào đến cổng huyện đội, anh lững thững dắt xe. Ông huyện đội trưởng nhìn thấy gọi:
- Thăng đi đâu đấy?
- Cháu lên nộp đơn tình nguyện đi bộ đội chú ạ!
- Lại nộp đơn, lần trước chú về xã, các đồng chí ở dưới ấy bảo, cháu xung phong đi, nhưng chú không đồng ý, chú cho như thế là phải. À hôm nọ chú yêu cầu xã, bán chịu cho nhà cháu ít ngói lợp nhà, họ giải quyết chưa?
- Cháu chưa thấy chú ạ. Còn chuyện cháu xin tình nguyên nhập ngũ đợt này, chú phải ủng hộ đấy, cháu gửi chú lá đơn.
Thăng mở túi áo ngực rút lá đơn ra đưa cho ông. Ông giở ra xem, nước mắt chạy vòng quanh vì lá đơn của Thăng được viết bằng máu, ngần ngừ, suy nghĩ một lúc ông nói:
- Thôi được chú chấp nhận, về chuẩn bị dần đi. Hỏi xem chỗ ngói họ giải quyết chưa, đưa lên lợp cho đỡ dột, có đi cũng yên tâm. Hôm nọ về làm lễ truy điệu bố cháu, chú rất quý và nể phục mẹ cháu, không ngòi bút nào lột tả hết được những tấm lòng, những con người như mẹ cháu đâu.
Thăng thở phào nhẹ nhõm, xin phép ông ra về. Ông bắt tay Thăng thật chặt, đứng nhìn mãi đến khi anh đi khuất, quay vào phòng ông lấy khăn thấm những giọt nước mắt.
Ra khỏi huyện đội, Thăng rẽ vào cửa hàng bách hóa. Vào đến nơi cô nhân viên bán hàng xinh đẹp đon đả hỏi:
- Anh đi sắm cưới mà không cho chị ấy đi?
Thăng buồn bã trả lời:
Cô nhân viên tròn mắt kinh ngạc:
- Em thấy họ kháo nhau là anh với Cúc, hoa khôi của huyện sắp cưới cơ mà?
- Người ta chê anh nghèo đi lấy người khác rồi.
- Anh cứ đùa, làm gì có ai dám chê anh, vừa giỏi giang thông minh lại hiền như đất, nếu họ chê không lấy, em xin tình nguyện làm vợ anh. Em nói thật đấy.
Nghe cô nhân viên bán hàng nói rất thật, anh cảm thấy xúc động hai mắt đỏ hoe, anh buồn buồn nói với cô nhân viên:
- Anh, anh rất cảm ơn vì em đã động viên anh thật đúng lúc, nhưng chỉ dăm hôm nữa anh lên đường nhập ngũ, dẫu cho chúng mình thực sự quý mến nhau, yêu nhau đi chăng nữa, cũng chả còn thời gian để sống với nhau đâu em ạ!
- Em chả sợ, chỉ cần được ở gần anh dăm ba ngày thôi, em cũng mãn nguyện lắm rồi.
Thăng lại càng cảm động vì lời nói hết sức chân thành của cô. Anh chủ động gợi sang chuyện khác:
- Em bán cho anh hai khăn tắm loại to.
- Anh vào bộ đội họ phát, mua làm gì?
- Anh mua để tặng em ạ. Ngày kia họ cưới rồi!
- Anh nói ai cưới.
- Cúc lấy Tu, con trai phó chủ tịch huyện mà em không biết à?
- Em vẫn chưa được mời, thì ra là cô ta bỏ anh để lấy anh chàng Tu đi học ở nước ngoài chứ gì? Nghe có vẻ oai lắm, toàn đi buôn với gái gú, báu gì.
Thăng thấy thế giục cô:
- Bán cho anh anh còn về kẻo muộn.
Cô nhân viên gói hai khăn tắm vào tờ báo, đưa cho anh, cô bảo:
- Em biếu anh!
- Không, anh không nhận thế đâu?
Thăng rút tiền ra trả cô nhân viên, cô miễn cưỡng nhận và bảo anh.
- Chủ nhật này được nghỉ, em sang anh chơi nhé!
Thăng gật đầu thay cho lời chào.
Thăng vừa quay ra, Ly giật mình thảng thốt, lấy tay che miệng, cô nghĩ sao tự dưng chả biết ai xui, ai khiến mà mình lại buột mồm, buột miệng xổ ra những câu như thế nhỉ? Mình mới gặp anh có một vài lần ở hội nghị tổng kết công tác đoàn của huyện, và qua các câu chuyện chị Hòa cán bộ phòng nông nghiệp, hàng tuần xuống làm việc ở hợp tác xã Cò Quay, kể về anh chàng phó chủ nhiệm trẻ tơ cho Ly nghe, dần già nó cứ in đậm trong trí nhớ cô, và hình như cô đã coi anh như thần tượng, hình ảnh của anh đã chiếm gần trọn trái tim cô. Những lời Ly vừa nói với anh ban nãy xuất phát từ đáy lòng, chứ chẳng phải những lời nói xuông. Nhưng Ly vẫn cảm thấy mình có cái gì đó chưa ổn.
Thăng đi tiếp một đoạn rẽ vào chợ huyện, đảo mắt nhìn, có mỗi hàng cam Vinh. Anh đành mua hai cân, để tối sang làm lễ bên ông Tiềm.
Thăng vừa đạp xe, vừa nghĩ đến câu chuyện ban nãy của cô nhân viên bán hàng. Quái lạ, cô ta biết gì về mình mà dám xưng xưng, mọc mọc, em xin tình nguyện làm vợ anh, chẳng nhẽ, chẳng nhẽ … Trên đời này lại có người tốt đến thế, hay là vì hiếm đàn ông, con trai lớn lên cứ đến tuổi là ra trận, ít người được trở về nguyên vẹn. Hay… hay cô ta muốn mình làm bố đứa trẻ đang nằm trong bụng. Mải suy nghĩ anh lao xe xuống ổ gà, tay lái loạng quoạng xuýt ngã, bánh trước bị đứt ba nan hoa, kéo lệch vành sang một bên. Thăng đành dắt xe đi bộ, cũng may đoạn đường về nhà không còn xa lắm. Có tiếng còi xe máy phía sau, anh quay lại, nhìn thấy Tu đang cưỡi chiếc mô kích, Tu cũng nhận ra anh, liền rú ga đi thẳng, để lại trên đường vệt khói mỏng xanh mờ.
Thăng về đến nhà nhìn quanh chả thấy mẹ đâu, mâm cơm đậy chiếc lồng bàn, bát tương chưng gừng. Anh lần tay vào trong chăn, lôi ra phạng cơm còn nóng rưới tương ăn. Ăn xong Thăng đắp chăn nằm khoèo, đánh một giấc đến hơn hai giờ chiều, tỉnh dậy nhìn thấy mẹ đang cầm chổi quét nhà, anh hỏi
- Mẹ ra mời cậu Sơn, để tối cùng mẹ con mình sang nhà ông bà Tiềm. Mẹ kể cho cậu nghe hết mọi chuyện. Cậu bảo: "Ơn to như núi, chị bảo cháu liệu mà báo đáp”.
Thăng vươn vai đứng dậy, vào bếp lấy bó lạt ra giếng dấm nước, buộc lại giàn bầu và mấy lỗ chó chui, xong việc Thăng vào bảo với mẹ:
- Mẹ ơi, trưa nay con mua hai cân cam Vinh, mẹ xắp thành hai lễ. Có cần mua gì nữa để con mua.
- Thôi chả cần, lễ bạc lòng thành con ạ! Cứ để đó chốc mẹ xắp. Anh đang buộc rào hả, nhà có gì đâu mà lo mất trộm.
- Rỗi thời gian con làm cho đỡ buồn. Con làm cho mẹ cái cổng đây.
Nói rồi Thăng đi xuống bếp lục lọi các đoạn tre bỏ ra sân chẻ ba, chẻ tư vót đi vót lại đóng thành chiếc cánh cổng. Đóng xong anh đứng ngắm tìm chỗ chôn cọc làm trụ. Hai con chó đá mặt chầu ra đường, bao nhiêu năm nay nó vẫn ngồi yên ở đó. Ở làng anh, nhà nào cũng có một hoặc hai con đặt ở trước cổng, các cụ bảo rằng để nó trông nhà, không cho ma quỷ xâm nhập vào khu đất nhà mình, chả biết có thật hay không. Nó với anh, cũng có không ít những kỉ niệm. Có tối Thăng đi chơi về sợ ma, chạy đâm sầm vào nó đau điếng, anh lấy chân đá lại nó mấy cái. Những lúc xẩm tối vẫn chưa thấy mẹ đi làm về, anh ngồi trên đầu nó ti tỉ khóc, luôn mồm gọi:
- Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ở đâu về với con đi.
Nghĩ lại chuyện thời còn bé, anh bật cười. Sau khi chèn chặt hai trụ, lấy cánh cổng buộc vào, xoay đi, xoay lại, đã toại nguyện. Rửa ráy xong anh vào nhà, lúc này trời cũng đã nhá nhem. Trên bàn, hai lễ đã được sắp sẵn để gọn ở một góc, mẹ anh bảo:
- Cơm chín rồi, bắc lên ăn đi, cậu Sơn có lẽ cũng sắp vào rồi đấy.
Thăng vào bếp bê xoong cơm lên, lật lồng bàn ra, anh ngạc nhiên hỏi:
- Sao hôm nay nhà mình lại có bát ruốc hả mẹ, cậu Sơn cho à?
- Không phải đâu, mẹ làm đấy!
- Bây giờ ai dám mổ lợn, mẹ mua ở đâu?
- Thèm quá mẹ xẻo tý mông con lợn nhà mình!
Thấy mẹ cứ lấp lửng, dở nạc, dở mỡ, anh sinh nghi thò tay nhón mấy sợi cho vào mồm. Hóa ra là giềng giã nhỏ rang muối. Thăng bật cười, bà tủm tỉm rồi mắng yêu:
- Bố anh! Hai mốt hai hai tuổi đầu mà chả biết gì.
Thăng xới cơm ra hai bát, rồi bảo mẹ:
- Mẹ xuống ăn luôn cho nóng, trưa mẹ cho con ăn cơm rưới tương, chiều mẹ đãi con cơm với ruốc, sang đến thế là cùng.
- Bây giờ là lúc giao thời, vụ rau đông chưa có, rau hè đã cạn, thôi đành ăn tạm vậy.
Ông Sơn xuống xe, đứng ngắm chiếc cổng, ông lấy tay lắc lắc, trong bụng nghĩ, thằng này kể cũng khéo tay. Ông dắt xe vào, nhìn thấy hai mẹ con vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ. Nghe có tiếng chân người bước phía sau, ông Sơn ngoảnh lại, chưa kịp nhận ra ai thì Xoan đã lên tiếng:
- Bác không vào còn đứng ở đây?
- Xoan đấy hả? Bác đang ngắm nhìn hai mẹ con Thăng, muốn lưu giữ một chút kỉ niệm nho nhỏ, trước khi Thăng lên đường nhập ngũ cháu ạ!
Nghe tiếng ông Sơn, bà Tường buông bát đũa đứng dậy:
- Cậu vào uống nước!
- Cháu chào bác, chào anh!
Thăng thấy cậu và Xoan vào liền bê mâm xuống bếp, rồi đi lên nói với cậu:
- Cậu ạ, hôm nay mẹ cháu làm ruốc cho cháu ăn, lạ miệng, ngon quá đánh bay nồi cơm, no phưỡn bụng, Xoan rót nước ra mời cậu hộ anh.
Ông Sơn nghe thấy Thăng nói vậy, ngước mắt nhìn Thăng.
Xoan rót nước, mời mẹ Thăng và ông Sơn, ông Sơn đỡ cốc nước trên tay Xoan rồi hỏi:
- Cháu Xoan năm nay bao nhiêu tuổi?
- Dạ! cháu xấp xỉ mười tám bác ạ!
- Bác trông dạo này cháu hơi gầy, mà lại khang khác.
Nghe câu nhận xét của ông Sơn, Xoan có phần chột dạ, cô liền nói:
- Dạo này cháu phải làm hộ đội ông Dần phương án ăn chia, thức đêm hôm nhiều cho nên bị sút cân.
- Thế à? Bác không biết, bác xin lỗi nhé!
Xoan chột dạ về câu nhận xét của ông Sơn, liền đưa cho Thăng tấm thiếp rồi nói:
- Bà Hoàn trưa nay đem thiếp sang, nhờ em đưa cho anh. Con Cúc này thật bạc bẽo, chả gì cứ sang, nói một câu xin lỗi là xong, có quái gì? Cháu xin phép đi đây.
Vừa nói Xoan vừa đi ra ngoài. Xoan đi khỏi một lúc ông Sơn hỏi cháu:
- Quan hệ giữa anh và Xoan dạo này thế nào?
- Cũng vẫn bình thường thôi cậu ạ!
- Bình thường là bình thường thế nào mới được chứ. Nãy tôi nghe anh nói với nó mà tôi giật mình.
- À cậu muốn biết cháu có yêu Xoan không chứ gì? Cháu nói thật với cậu nhé, Có dát vàng đầy người cháu cũng chả lấy đâu, cậu yên tâm. Hôm nọ mấy bà đội trưởng kháo nhau, dạo này cô ấy còn ăn ngủ ở nhà lão Cẩm nữa kia.
- Ờ thôi được, anh nói vậy là cậu yên tâm rồi, bây giờ đi sang ông Tiềm chứ?
- Cậu thư thư để mẹ cháu làm lễ ở nhà trước đã.
Trong lúc hai cậu cháu đang nói chuyện, bà Tường đi ra múc bát nước đặt lên ban thờ, hoa quả, trầu cau đã được bà bầy sẵn từ nãy, châm ba nén nhang xong, bà nói:
Bà Tường đứng ở giữa, ông Sơn đứng bên phải Thăng đứng sau mẹ và cậu. Cả ba cùng chắp tay vái, bà lầm rầm khấn, lễ xong tất cả lui ra ngoài.
Ông Sơn giục:
- Ta đi luôn chứ chị!
- Đi luôn cậu ạ! Chả mấy khi cậu vào, ngồi với ông, bà ấy nói dăm ba câu chuyện cho bõ.
Thăng xách túi lễ đi trước, anh đứng chờ mẹ và cậu ra ngoài rồi khép cổng lại, cậu Sơn thấy vậy hỏi:
- Nhà anh trúng xổ số hay sao mà rào rậu cẩn thận thế?
- Chiều nay cháu nó bảo rỗi rãi, sửa sang lại hàng rào, làm cái cổng để chó má đỡ vào ỉa bậy, chứ cậu bảo hai mẹ con làm gì ra tiền. Có tí tiền tuất của anh định để cưới vợ cho nó nhưng giờ…
Nói đến đó cũng vừa lúc, bà Tường đã vào đến cửa nhà ông Tiềm. Ông Sơn dừng lại chỉnh trang quần áo, vừa bước chân qua bậu cửa ông vừa hỏi :
- Ông bà và các cháu đã xơi cơm chưa? Bà Tường tiếp lời.
- Tôi cho thằng con ông sang làm lễ tổ bên nhà đây!
Con bé thứ hai nhà ông Tiềm năm nay đã mười bốn, trông cũng ra dáng một cô thôn nữ, nghe tiếng người hỏi chạy ra:
- Cháu chào hai bác, em chào anh! Thăng hỏi lại:
- Bố mẹ đâu em?
- Bố mẹ em vừa chạy sang ông Hơn, để em đi gọi, mời hai bác và anh vào nhà.
Nói xong Gái chạy vụt ra ngoài. Ông bà Tiềm được con gọi về. Chưa vào đến sân ông Tiềm đã sang sảng cất giọng:
- Khách quý nào mà đến bất ngờ thế?
- Chị đây! Chị cùng cậu Sơn với thằng con ông, sang xin phép ông bà cho cháu làm lễ tổ.
Ông Tiềm tóm tay ông Sơn lắc mạnh:
- Gớm, mang tiếng cùng làng mà chả mấy khi trông thấy mặt nhau, độ này ông bà và các cháu vẫn khỏe chứ?
- Cám ơn ông. Bà nhà tôi và các cháu vẫn khỏe.
Bà Tiềm chào hỏi mọi người xong lôi hộp trầu dưới gầm bàn ra têm.
Thăng vào nhà đứng xem hai thằng cu học bài, hướng dẫn cho các em một vài câu hỏi, rồi bê ấm và cốc ra sân bể cọ rửa, vào đến trong nhà vừa lúc mọi người đã ngồi khoanh tròn trên phản. Ông Tiềm nhìn thấy bảo:
Ông Sơn đủng đỉnh thưa lại:
- Ông phải để cho cháu nó thể hiện đúng vị trí là con đỡ đầu của ông bà chứ.
Cả nhà nghe ông Sơn nói xong đều cười vui vẻ.
Bà Tường đứng dậy bỏ miếng trầu mới cắn dập vào đĩa, chắp hai tay trước ngực nói:
- Hôm nay tôi đem lễ sang, để xin các cụ và ông bà bên này, cho cháu Thăng được làm con đỡ đầu, được là anh của các cháu. Cũng từ bây giờ nó phải có trách nhiệm với ông bà kể cả lúc sống lẫn lúc chết.
Ông Tiềm xỏ dép, đứng đối diện bà Tường, chắp hai tay vào cung kính thưa:
- Bà chị đã có nhời, em xin lĩnh hội. Nào con đặt lễ lên bàn thờ để cả nhà làm lễ.
Tất cả mọi người đều bước ra đứng thành một hàng trước bàn thờ. Ông Tiềm châm bảy nén nhang cắm vào rồi đứng giữa, kéo Thăng sát vào mình ông bảo:
- Anh đứng đây, để các cụ nhìn rõ mặt, còn biết mà phù hộ cho anh.
Tất cả mọi người cúi đầu lễ theo. Lễ xong ông mời mọi người an tọa. Bà Tường giữ tay ông bà Tiềm lại:
- Hãy khoan, bây giờ ông bà phải ngồi xuống đây, vừa nói bà vừa ấn ông bà Tiềm ngồi sát bàn thờ rồi bảo:
- Thăng lại đây con! Bà kéo Thăng ra giữa gian nhà:
- Con đứng đây chắp tay vào, quỳ xuống dập đầu ba lần lạy cha mẹ đỡ đầu đi con.
Thăng quỳ xuống dập đầu bái lạy, rồi đứng dậy rót nước mời mọi người. Lúc này ông Tiềm mới bảo:
- Bà chị bây giờ mà còn câu nệ thế? Chế độ dân chủ rồi, hai nữa nó lại là anh cán bộ. Bà Tường nghiêm sắc mặt nói:
- Dân chủ ở đâu thì dân chủ, còn đối với tổ tiên cha mẹ đừng có nói câu dân chủ mà ăn đòn, phải giáo dục cho nó biết cái đạo lý sống ở đời.
Ông Sơn đế thêm:
- Bà chị nói đúng quá, có là ông giời đi nữa cũng đừng có mà hỗn. Muốn gì thì gì cũng phải có luật, có lệ, không có luật lệ thì sinh loạn à?
Ông Tiềm nhấp xong ngụm nước rồi thong thả nói:
- Nhân ông Sơn nói đến luật đến lệ, tôi lại xin thưa với cả nhà thế này. Cách đây mới có hai chục năm, cái hồi cải cách ấy đương từ ông, từ cụ chuyển xuống làm thằng, rồi lại từ thằng nhẩy lên thành ông, thành cụ. Tôi nói đơn cử ở làng Cò Quay này có hai trường hợp điển hình. Một là tay Dương Đình Cự bây giờ. Ngày xưa gần ba mươi tuổi, có thằng Tu rồi mà vẫn chỉ gọi nó là Cu. Thế rồi đùng một cái nó nhảy lên làm cốt cán, nó tự cho thêm dấu chấm vào thành chữ Cụ. Nhiều người là ông là bà, là cha là chú nó, vẫn phải chào nó là Cụ. Hai là tay Vương Chí Thông con nuôi cụ Vương Chí Toàn. Các cụ kể lại hồi ấy cụ Toàn đi tậu bò ở bên chợ Hạ, đưa được con bò sang sông đã mệt lắm, hai cụ rủ nhau vào hàng nước ở bến đò Chèm ngồi nghỉ, nghe bà hàng nước kể, có thằng bé nhà ai bị vứt bỏ trước cửa đình Chèm. Hai cụ thuộc dòng độc đinh hiếm muộn, đã ngót tứ tuần rồi mà chưa có con, nghe thấy vậy nhờ bà hàng nước đưa ra. Một bầy quạ đang tranh nhau rỉa một dúm rẻ rách. Hai cụ tiến lại xem, bên trong có một thằng bé, khắp người lở loét, hai mắt nhắm tịt không mở ra nổi, ngỡ nó đã chết. Cụ ông nhặt cái lông chim dí vào mũi, chỉ thấy hơi phất phơ. Cụ bảo cái ngữ này khó sống lắm, mà có sống được cũng chả ra gì, định bỏ đi. Cụ bà đang mong mỏi có đứa con nối dõi, lại sẵn tính thương người, bảo với cụ ông, thôi ta cứ đem về, sống nuôi, chết chôn, thế là cụ bà cởi cái áo đang mặc bọc vào cho đứa bé rồi bế về. Đi giữa trời nắng tháng tư phải bỏ nón ra để che cho nó. Cụ ông một mình lếch thếch lôi con bò đi sau, về đến nhà đã hai giờ chiều. Trong hơn chục năm hai cụ phải bán mất hơn sáu mẫu ruộng để chữa trị cho nó. Ngờ đâu năm cải cách nó lại lôi hai ông bà ra đấu tố. Nó bảo, chúng mày bóc lột tao. Cụ bà cãi lại: ‘‘Tao nhặt mày về, bán mất sáu mẫu ruộng, chữa trị cho mày, tốn biết bao công sức, khốn khổ vì mày, rồi lại dựng vợ cho mày, tao bóc lột mày ở chỗ nào ?’’. Nó ngồi trên ghế thẩm phán chỉ tay vào cụ quát. Câm mồm, con mẹ địa chủ kia, uất quá cụ đập đầu vào thành hố mà chết, cụ ông thì bị nó bỏ đói, nằm chuồng bò vài hôm, sau cũng chết nốt. Họ hàng thương xót, bó cho cụ manh chiếu rách đem đi chôn, ông bà có nhớ không?Bà Tường thấy ông Tiềm hỏi liền trả lời:
- Có tôi được nghe chính mồm ông Toàn kể lại.” Hôm ấy đúng vào ngày Tiểu Mãn, nước chảy cuồn cuộn, xoay thuyền tít mù, lên đến bờ mới nghĩ mình còn sống. Lúc bà ấy cởi áo để bọc thằng bé, một con thuồng luồng to bằng ba bốn cánh phản bơi ngược dòng, nó bơi đến đâu nước chỗ ấy dâng cao hàng mét. Đến giữa đình Chèm nó nổi lên, trên mình nó có hai con số năm”. Giờ tôi ngẫm lại thấy đó là điểm gở, vì ông cụ bà cụ đều chết đầu năm, năm nhăm cả.
Nghe đến đây ông Tiềm bảo:
- Thế bây giờ ông Sơn giải thích cho tôi cái luật, cái lệ đi.
Ông Sơn đáp lại:
- Đấy là chuyện xã hội bác ạ!
- Đành là chuyện xã hội, nhưng phải có gia đình mới có xã hội chứ!
Bà Tường nghe ông Tiềm chất vấn em mình, mà em mình chưa tìm được câu trả lời, liền tham gia có ý dung hòa.
- Ai hay, ai dở, ai tốt ai xấu dân đều biết cả. Mình sống làm sao để cho con cháu nó được hưởng cái phúc ông ạ. Phải dạy chúng nó luôn hướng thiện, tránh xa cái ác, cái xấu. Mình ăn ở thế nào có đèn giời soi xét.
- Vâng chị nói rất phải, muốn gì thì muốn mình phải răn dạy cho con cháu, như thế mới là đúng. Nhưng em hỏi chị, tôi hỏi ông Sơn. Cái lão Cự nó vu oan giáng họa cho bao nhiêu người dân vô tội, nó chiếm dụng biển thủ vàng bạc của các nhà địa chủ, đem đi đâu? Ông Tường nhà mình không được tôi báo cái hồi cuối năm bốn sáu, không được tôi thả lúc cải cách thì chả chết oan chết ức, chết tức chết tưởi rồi còn gì. Có đâu mà được thằng Thăng bây giờ. Đèn giời lúc ấy ở đâu? Không ra soi xét chỗ ấy đi.
- Anh Tiềm nêu ra câu ấy em khó trả lời quá, nhưng theo em thì nó thế này. Dân ta chỉ muốn có cuộc sống bình an, ngại va chạm. Phần nữa các cụ có câu “Phi nội, tắc ngoại ”. Nếu soi xét ra thì anh em khắp làng, chả nhẽ vạch áo cho người xem lưng. Cái nữa, ở đời ai chả có tính hơn lòng, ở nhà thì tranh giành nhau từng câu nói, kém cạnh một tí là sinh thế nọ, thế kia. Ra ngoài thì lại câm như thóc, chẳng dám mở mồm, nói ra lại sợ họ chia cho mình ruộng rạ nát, đống khoai thối, bắp ngô sâu. Qúa nữa cán bộ họ vu cho là phản động, họ tống vào tù thì khốn. Thôi cứ im, nịnh họ đôi câu, được ăn cái ngon, được làm việc nhẹ ai chả thích. Các cụ chả bảo, “gặp thời thế, thế thời phải thế” là gì.
Ông Tiềm nghe ông Sơn nói đến đây cũng đã có phần nguôi nguôi. Ông cùng mọi người ngồi im, ông Sơn nói tiếp:
- Nói đến chuyện bầu bán, bảo sao nó cứ trúng cử. Cái lão Thông làm ở đâu thì vơ vét, tham ô ở đó. Phụ trách trại chăn nuôi có hàng nghìn con lợn, thỉnh thoảng nó thịt một hai con ai biết, mà người biết thì lại cùng tuồng với nó. Cái ông Ba Xoa tiếng là kiểm soát, kiểm soát quái gì mỗi lần thịt lợn nó chia một ít thì còn tố ai, cáo ai. Bột ngô hàng trăm tấn trong kho nó lấy bao nhiêu chả được, gạo hợp tác xát để cho lợn, nó cho bảo vệ sàng xảy đổi bún, bánh quấn ăn bủng mép. Thằng nào ra làm độ tháng là béo trắng. Năm ngoái xã tổ chức bầu hội đồng nhân dân, ban đầu là tổ chức hội nghị hiệp thương, tiếp xúc cử tri. Họ đưa ra một loạt tên các ông, các bà được mặt trận giới thiệu. Họ cài vào hội nghị rất nhiều đối tượng của họ, để góp ý nhưng thực chất là tô vẽ thêm cho họ. Tổ bầu cử thì do họ dựng, họ đưa người nhà, người thân cận vào. Họ bỏ hàng tập phiếu cho người của họ. Phiếu nào gạch, họ bỏ đi, coi là phiếu không hợp lệ, thì làm sao mà họ không trúng cơ chứ.
Ông Sơn dừng lời, ông Tiềm đế luôn:
- Thế nên người xưa mới có câu “Ngoàm nào đố ấy” mà lại. Bà Tường nghe hai ông nói chuyện cũng muốn góp lời, bà liền phán:
- Rõ là một tuồng giá áo túi cơm, một lũ xôi thịt!
Bà quay sang bảo ông Tiềm:
- Ông nhìn hộ xem mấy giờ rồi, ngồi lâu mỏi lưng quá.
Ông Tiềm ra ngó đồng hồ, ông giật mình buột miệng:
- Thôi chết, đã gần mười hai giờ.
- Rõ khổ, sang để nói chuyện gia đình ai ngờ lại toàn bàn chuyện xã hội. Thăng ơi con dọn dẹp đi rồi xin phép ông bà để về nghỉ.
Thăng dọn xong ấm chén, rồi nói:
- Con chào bố mẹ, con xin phép, đưa mẹ con về.
Về đến nhà Thăng dắt chiếc xe ra cổng cho cậu, rồi quay vào nhà buông màn cho mẹ, mẹ anh bảo:
- Con cứ nghỉ đi, để đấy mẹ tự làm được. Mai kia anh đi rồi, ai là người ngày đêm ở bên cạnh để lo cho mẹ. Có thương mẹ thì hãy tìm lấy một người, rồi cưới đi cho mẹ được nhờ.
Nghe mẹ nói câu ấy, anh thấy thương mẹ quá suýt bật khóc, giá như… giá như Tu không chen vào mối tình của anh và Cúc thì giờ này, Cúc chắc đã là vợ anh rồi, hoặc chưa hẳn nhưng cũng là chỗ dựa, nơi gửi gắm tinh thần cho mẹ, cho anh lúc anh đi vắng. Càng nghĩ anh lại càng xót xa, ân hận vì đã không sớm đáp ứng được điều mong ước nhỏ nhoi của mẹ. Anh an ủi:
- Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ, mẹ cho con thêm ít thời gian nữa, con sẽ…con sẽ cố tìm cho mẹ một cô con dâu ưng ý.
- Ừ được rồi, con ngủ đi kẻo khuya.
Chương 15
Lão Thông bị tào tháo đuổi nằm bệt cho đến quá trưa. Hai đứa con gái đi làm về nấu cho lão nồi cháo hoa, lão ngồi dậy cố húp lấy vài bát cho đỡ trống ruột. Bát đầu lão cảm thấy nhạt mồm. Nhưng đến khi con gái múc cho bát thứ hai, lão chỉ xoạp có ba xoạp là hết, cuối cùng lão cho đi veo cả nồi cháo.
Phải công nhận lão Thông là người có bụng dạ tốt. Buổi trưa hôm qua lão đã nhồi chật cứng dạ dầy. Lão lên ủy ban ngồi trực có mấy tiếng mà đã cảm thấy bụng ngon ngót. Ở ủy ban về lão đạp thẳng đến nhà Cự, nhằm kiếm bữa nữa. Lão Cự xong công việc ăn hỏi dẫn cưới lại bò lên huyện. Tu thì đăng ký xong đèo Cúc đi đâu không biết. Chờ đến hơn tám giờ, không thấy lão Cự, thằng Tu về, lão ra dắt xe định đi, vợ Cự liền bảo:
- Tối tăm thế này ông về làm gì? Nằm ở đây chờ cháu và ông nhà tôi về, ăn uống cho hết các thức ban trưa đi, để mai là đổ cho lợn phí lắm.
Nghe lời bà Cự, lão vào nằm chờ, khi Tu về đá mũi giày vào gầm phản, lão mới tỉnh. Lão nghĩ lại sự việc tối hôm qua, lão lẩm bẩm “chả cái dại nào giống cái dại nào”, thiệt đơn thiệt kép. Ăn bao nhiêu vào lại tống ra hết, còn mất oan con lợn nữa kia chứ. Biết thế..rồi lão lại tự an ủi mình “có ai mà học được chữ ngờ”. Nhưng nói gì thì nói, tiếc đứt ruột. Miếng ăn đã đến mồm mà còn bị cướp ngay trước mắt, vẫn không làm gì được. Mẹ cái thằng Cự nó chỉ nghĩ cho nó, chả nghĩ cho người khác lấy một tý.
Càng nghĩ lão Thông càng thấy cay. Xuất thân từ một thằng mò cua bắt ốc, chữ nghĩa chẳng có, mà nó leo lên đến chức phó chủ tịch huyện. Không biết nó còn muốn leo đến đâu? Mà mình sao lại ngu thế, cứ phải nghe theo nó là nghĩa làm sao? Nó có hơn, chỉ là hơn cái tiếng dạ mà thôi. Tính tình thì ngổ ngáo, lại bạo mồm bạo miệng. Nó mà định diệt ai, thì nó gán cho người ấy cái tội, cấm có cãi lại được. Cũng còn may là mình đi theo nó, chứ không có ngỏm mẹ từ lâu rồi. Đang nằm suy nghĩ, thằng Lâm từ đâu chạy về gọi:
- Bố ơi! Nhà ông Cự vừa chở một con gì về, to gần bằng con bê con, mồm nó kêu be be.
- Đấy là con dê.
- Đúng rồi dê, anh Tu bảo mai thịt sớm làm bữa khai vị. Bố có đến không ? Con phải đi học. Tiếc nhỉ.
- Lúc nào về, vào đấy mà ăn!
- Anh Tu bảo con, mai đến trông xe. Thôi chiều con đến luôn, kiếm mấy bữa tội gì. Nói xong nó ù té chạy.
Lão Thông nằm trên giường nghĩ lại. Cái năm sáu ba mình làm trại trưởng trại chăn nuôi của hợp tác xã, lúc ấy chuồng trại đã làm gì có. Lợi dụng ba dãy nhà xưởng ở đình, hợp tác xã đưa vôi gạch vào xây ô nuôi lợn, nuôi ngỗng. Ngỗng đẻ quả nào lại cuỗm về nhà Cự luộc chén. Rồi thóc chăn nuôi, Cự sai mình với Bùi Cơ khuân về nhà để bán kiếm con chó, mươi lít quốc, lủi thỉnh thoảng lại đánh chén. Khoét nhiều rỗng kho, sợ bị lộ, Cự xui mình với Bùi Cơ, đốt cả cái nhà kho năm gian lợp nứa. Rồi lập mưu, gán tội cho Hoành, bắt Hoành đi cải tạo mười năm. Thật là táng tận lương tâm, biết sai mà vẫn cứ phải làm. Rồi cái con Lươn nhà mình nữa. Rõ ràng năm ấy mình kéo quân đi làm thủy lợi ở tận sông Đáy, hơn hai tháng mới về, hôm đi là chiều rằm tháng bảy, buổi trưa còn cúng xá tội vong nhân cho các cụ. Ăn uống xong đâu đấy, mãi hơn hai giờ chiều mới xuất quân, vậy mà đúng rằm tháng tư năm sau con vợ mình đã tòi ra con Lươn, lại kêu là đẻ non. Mà con bé lại rất cứng cáp, tóc đen nhánh, mắt ti hí, y như lão Cự. Càng lớn nó càng giống Cự. Lúc ấy lão cũng đã nghi nghi, nhưng nghi thì làm quái gì được. Suy cho cùng có hỏng, là hỏng từ vợ con mình. Ngần ấy đứa con, nhưng chả dám chắc đứa nào là con chính thống của mình nữa?
Càng nghĩ, lão lại càng thấy cay. Lão hận Dương Đình Cự, lão cho rằng phải chấm dứt, không quan hệ với Cự nữa, để khỏi rước vạ vào thân. Rồi lão ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Nghe tiếng bát đũa xô, lão choàng tỉnh, đèn đã bật sáng, Lươn đang dọn cơm. Lão nhìn xuống mâm có bát tương, bát dưa cải bắp muối xổi, hết vị. Lão lẩm bẩm cơm với chả canh, thôi đành xuống nhét vài bát vào bụng cho xong. Lão được cái tốt nết là ở nhà không bao giờ mua rượu uống, chỉ trừ có tết và các ngày giỗ chính, còn đi đến đâu ai mời, lão uống thật lực. Nhà lão kinh tế chả phải lo, thóc ba cót đóng chồng, tiền gửi tiết kiệm cũng kha khá. Của cải nhà lão có được là bởi cái đận làm đội trưởng thủy lợi, do bớt xén tiền công, khai man khối lượng đào đắp và di chuyển mồ mả. Nhưng cơ bản là lúc làm trại trưởng trại chăn nuôi lần thứ hai. Lúc ấy thóc, bột ngô, bột mì chật kho. Lão thông đồng với đứa cháu làm thủ kho, khuân không biết bao nhiêu về nhà. Năm ấy lão nuôi hẳn sáu con lợn, bán cho nhà nước, lão được phong tặng danh hiệu kiện tướng chăn nuôi. Hầu hết các hộ dân trong làng, phải đi chợ nọ, chợ kia mua khoai, sắn về độn thêm. Nhưng nhà lão, lúc nào cũng tềnh tềnh ba bữa cơm trắng.
Cơm nước xong lão lại lên giường nằm. Cả ngày ngủ no ngủ chán, giờ có muốn ngủ cũng chả ngủ nổi. Hai mắt cứ chong chong, lão lại nghĩ, cả cái làng này mình có ai là thân thiết máu mủ đâu? Bây giờ mình lại đoạn tuyệt nốt với lão Cự thì còn ai mà chơi, có làm sao biết dựa vào đâu? Chả gì lão đã cứu mình bao vụ, lại còn đôn mình lên đến chức phó chủ tịch xã. Sao mình ngu thế nhỉ, tí nữa thì cả giận mất khôn, lại còn cái xe đạp, hai chỉ vàng thằng Tu đã hứa. Đúng là ngu. Lão lấy tay tự đấm vào đầu, rồi lại tự rủa mình là ngu.
Lão lại nghĩ tới món tiết canh dê, lão đã được ăn một lần. Lần ấy là cưới lão, lúc đó kinh tế nhà cụ Toàn, bố nuôi lão cũng thuộc dạng giàu có. Tuy phải bán hơn sáu mẫu ruộng đễ chữa chạy cho lão. Nhưng nhờ có sức khỏe lại cần cù, chịu thương chịu khó, nên chỉ chục năm sau, cụ Toàn lại tậu được thêm sáu mẫu. Vị chi lúc đó cụ có hơn tám mẫu. Con thì chỉ có lão và cô em, do chính hai ông bà sinh ra, sau khi mang lão về nuôi.
Lão còn nhớ cưới lão, thịt năm con lợn, dân làng ăn ba ngày liền. Cứ ăn xong lão lại ra đánh bi cùng với bọn trẻ ở gốc gạo, vì lúc ấy lão mới mười bốn, bà Xoe mười sáu. Cưới bà Xoe về, lão với bà cùng ngủ một giường, tranh nhau chăn đắp, cãi nhau đánh nhau cả lúc ngủ lẫn lúc ăn.
Chiều hôm bắc rạp cưới lão, ông cụ cũng thịt một con dê, làm món tái. Khi ăn quấn lá sung bên ngoài, ăn vừa ngọt vừa bùi. Cái món tiết canh mới gọi là đặc biệt. Đưa một miếng vào mồm cảm giác ngòn ngọt man mát, giờ nhớ lại nước bọt trong mồm lão lại ứa ra. Mẹ nó nằm nhà cả ngày mà chả thấy bố con nó đến mời, hay sáng nay không ra bắt lợn cho nó, nó trù. Kệ mẹ bố con nhà nó. Sáng mai ông cứ đến xem thái độ bố con mày ra sao? Hẳn hoi ông còn để yên, giở mặt ông cũng chơi luôn, đ… sợ. Lão lại chìm vào giấc ngủ.
Tiếng chó sủa rộ lên ngoài cổng, làm lão tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ đã hơn ba giờ sáng. Lão trở dậy đi ra ngó, chẳng có bóng ma nào, chắc con chó cắn hoáng. Lão ra bể múc nước đổ vào lòng bàn tay rồi đưa lên mặt xoa xoa. Lão ngửa cổ, dốc nốt ít nước còn lại vào mồm, rồi vội vàng trề môi cho nước chảy ra. Hai cái răng sâu gặp nước lạnh, buốt lên tận óc. Lão lẩm bẩm, xuýt xoa:
- Mẹ kiếp! Giời báo hại mình đây?
Cơn tức bực vì thái độ của bố con lão Cự lại dâng lên. Không một chút đắn đo, lão phăm phăm bước đến nhà Cự. Dưới ánh đèn, lố nhố hơn chục người đang hô hào nhau bê mâm. À thì ra nó làm cả đêm, mình đến chậm tí nữa là mất xơi.
Vào đến hiên nhà, nhìn thấy Cự ngồi giữa phản, bên cạnh có Cẩm, Cơ xã đội trưởng. Hội trưởng công an đang ngồi so đũa, rải bát. Cẩm, Hội, Cơ đều là tay chân đắc lực của Cự. Cơ rót xong bốn chén rượu ngẩng lên, nhìn thấy lão liền gọi:
- Anh Thông, anh vào đây đi!
Cự, Cẩm, Hội nghe thấy Cơ nói đều ngước mắt lên nhìn. Cự bảo:
- Tao tưởng mày chưa dậy được, chả dám cho người đến gọi. Thôi vào đây ăn đi.
Thông nghe Cự nói liền đi vào ngồi, nhưng trong bụng thì tức lắm, lão định chửi cho Cự một trận rồi đi về. Cái xe Đuyamal cứ đập vào mắt, nên Thông đành ngồi ăn nhưng thái độ không được vui vẻ. Bùi Cơ thấy vậy liền bảo:
- Chả mấy khi có dịp, được anh Cự chiêu đãi món lạ miệng này. Không biết các ông thế nào, hôm nay là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn bữa thịt dê.
Cái tức, cái bực bố con lão Cự đang chồng chất trong đầu, mà chưa có cơ hội để thoát ra. Nghe Cơ nói như vậy, lão Thông nổi khùng:
- Mày...mày đúng là cái loại… Liếm no liếm chán rồi mà còn bảo là lần đầu tiên trong đời. Chỉ được cái ton hót, nịnh bợ.
Bùi Cơ cãi lại:
- Ông bảo tôi ăn bao giờ?
- Đấy nhé, ông Cẩm, ông Hội làm chứng cho tôi. Các ông còn nhớ cái năm cưới tôi, cũng thịt con dê. Thằng này ngồi vào mâm rồi nhổ bãi nước bọt vào đĩa tái dê, để cho các đứa khác ghê bẩn không dám ăn. Rồi một mình nó đớp hết, bọn trẻ đến mách cụ Toàn nhà tôi, cụ ấy vụt cho. Bây giờ mày còn cãi nữa không?
- À, em nhớ ra rồi, cách đây đã gần ba mươi năm.
Cẩm ngửa miếng lá xung, lấy tay vuốt vuốt cho nước rơi ra, gắp mấy miếng tái dê cho vào, vừa cuộn vừa nói:
- Năm ấy thịt con dê đực, hai hạt cà của nó là quý nhất. Cụ Toàn làm sạch cho vào hũ rượu ngâm. Cái món tiết canh hôm ấy do ông Chương Dỹ đạo diễn, tôi ăn vẫn còn nhớ mãi.
- Đấy mày nhớ chưa, vừa nói Thông vừa lấy ngón tay dí vào trán Cơ. Thông nói tiếp - Cái hũ rượu ngâm hai hạt cà, mấy tháng sau ông cụ sờ đến, đã mất mẹ từ bao giờ? Mẹ, cái loại chó!
Vừa chửi, Thông vừa để mắt xem thái độ lão Cự. Cự ngồi im không nói năng gì.
- Thôi chén đi. Nhớ lâu, nhớ dai làm quái gì, hôm nay được chén ta cứ chén, nào mời.
Trần Hội vừa nói vừa ra hiệu cho mọi người.
Lão Thông nhân cơ hội Bùi Cơ nói sai, lại có ý nịnh lão Cự. Lão chửi chủ yếu nhằm vào Dương Đình Cự, vì lão đã nhìn thấy cái hũ rượu ấy ở nhà Cự. Cự nghe lão Thông chửi mục đích nhắm vào mình, nhưng vì mai cưới con phải nhờ nó đứng ra tổ chức đành nhượng bộ. Cự giơ chén rượu lên khôi hài:
- Nào các chiến hữu, hay dở, đúng sai bỏ qua đi. À gì nhẩy, cố gắng lo cho tôi, cho cháu thật chu tất, đừng để tai tiếng là được. Giờ nhân thể tôi phân công thế này. À gì nhẩy. Ông Thông, ông Cẩm làm chân tiếp khách hộ tôi. Ông Cơ lo liệu món bắc rạp. Ông Hội bố trí xếp mâm cắt cử bọn bảo vệ bưng bê, à gì nhẩy, nhớ kiểm duyệt kỹ đừng để thiếu. À gì nhẩy, tôi nhờ ông Thông, ông Cẩm lo cho mấy cô xinh xinh đến tiếp nước, các ông lo hộ chưa?
- Báo cáo anh bọn thanh niên nó lý do bận, chỉ có cô Xoan và một vài đứa nữa thôi.
Lão Cự mặt đỏ phừng phừng quát:
Lão Thông từ nãy tới giờ không thèm nói chuyện với Cự, giờ mới chịu buông ra vài câu:
- Quá đơn giản, tý tôi bảo mấy đứa nhà tôi nó đến. Cự thấy vậy liền hạ giọng tiếp lời:
- À gì nhẩy. Ông báo cả những đứa đi lấy chồng, cho con cái về tất hộ tôi. Đáng ra tôi phải đi báo chúng nó.
Cự nói xong đứng dậy bỏ đi đâu mất tăm.
Ngồi lại ở mâm lúc này chỉ còn có Chí Thông, Xuân Cẩm, Bùi Cơ, Trần Hội.
Trần Hội làm trưởng công an xã, dáng to cao. Ông ta còn có một biệt danh là ông “ mạ sơ” tức là sợ ma, ông rất kiệm lời, chỉ cốt ăn là chính. Ông này ăn uống so với Thông thì tương đương. Cẩm thì toàn tài, gái gú, rượu chè, cờ bạc không ai sánh nổi. Bùi Cơ tuy ít tuổi hơn cả nhưng mưu mô, thủ đoạn của hắn thì không ai bằng. Đã có lần Cơ gạ gẫm cô Lài nữ dân quân trực chiến cho ngủ cùng, cô ta không nghe. Cơ lừa lúc cô ngủ say, lấy súng của cô ném xuống ao, rồi đi ra gõ kẻng báo động. Lài tìm mãi không thấy súng vừa chạy vừa khóc. Khi ra đến nơi Cơ hô tất cả xếp hàng kiểm tra vũ khí, sẵn sàng chiến đấu. Lài báo cáo bị mất súng, liền bị Cơ lôi vào trụ sở làm kiểm điểm. Kỷ luật khai trừ Lài ra khỏi dân quân, đề nghị lên trên cho Lài đi cải tạo sáu tháng.
Hồi cải cách, hắn kiếm đâu ra quyển sách chữ Hán nhét vào nhà cụ Ba Soi, rồi cho dân quân vào khám, vu cho cụ là gián điệp, vì nhà cụ giàu có, lại có cô con gái tên là Oanh rất xinh. Cơ đòi lấy, cụ Soi không đồng ý. Hắn giam cụ gần tháng trời. Cô Oanh con gái cụ đành chấp nhận lấy hắn, cụ Soi mới được thả. Uất quá, nửa đêm cụ ra cầu Bới, buộc đá vào người rồi trẫm mình xuống sông tự vẫn. Cô Oanh sau đó bỏ đi biệt tăm, Bùi Cơ chiếm luôn nhà và đất của cụ.
Cơ và Hội mỗi người uống xong chén nước rồi đi ra, còn lại Thông và Cẩm. Bấy giờ Cẩm mới phàn nàn:
- Hôm nọ ông ốm nằm đấy, giao cái chết cho tôi. Nể mặt lão Cự xin hai con lợn cho nhà gái. Cả ban quản trị không ai đồng ý, họ bảo, thóc gạo đâu mà nuôi. Các ông làm ăn thế này chả mấy mà vỡ hợp tác xã Tôi phải dùng quyền hành, quyết mới xong. Tôi còn đang ngủ lão đạp xe đến bắt tôi đi ra bắt lợn cho lão. Tôi bảo với lão, bọn em bàn nhau cho nhà gái một con, còn một con tết thịt chia ba. Lão không nghe cứ nằng nặc đòi bắt. Lão hứa sẽ viết cho cái giấy khác, tôi chắp tay nói với lão: Con lỗi sống bố. Chỉ có viết giấy, thì hàng nghìn cái, con cũng viết được. Có khi xong phi vụ này là con mất chức đấy. Lão bảo, ngày nào tao còn ngồi ở cái ghế phó chủ tịch huyện thì chúng mày đừng lo. Lão dòng ép bằng được. Đành tao phải xắn tay vào bắt. Bảo thằng khốn nạn kia vào giữ để trói, nó cứ đứng trân trân nhìn, chả nói chả rằng. Mày bảo như thế có nhục không? Đường đường là thằng chủ nhiệm hợp tác xã phải vào bắt lợn. Trói xong, bảo nó khênh ra, nó cứ đứng ì thần cụ. Tay lái xe thấy vậy liền ra hỗ trợ, hắn cho lên xe, rồi nổ máy phóng đi, chả thèm cám ơn lấy một câu. Trong đời tao chưa từng thấy thằng nào khốn nạn như thế?
Cẩm ngừng lại một lát, như khổng thể đừng được, lại hùng hồn:
- Lại còn thế này nữa chứ, nhờ thằng Hào trại trưởng vào bắt, trói hộ nó bảo: Tôi chả hơi đâu nhúng tay vào cái chuyện bẩn thỉu của các ông. Mồ hôi, công sức, xương máu của nhân dân đấy. Đem đi mà biếu xén, mà cầu cạnh để thăng quan tiến chức. Mấy bà xã viên vào hùa với nó chửi tôi. Tôi đành cắn răng chịu nhục.
Vương Trí Thông nghe lão Cẩm nói một thôi, toàn chuyện không đâu, bực quá lão dằn giọng hỏi Cẩm:
- Bây giờ còn một con ông tính sao?
- Thì đành bắt nốt cho nhà bà Hoàn chứ còn sao nữa.
- Đành…. đành mấy chả đành. Tết năm nay liếm bằng gì?
Lão Thông cứ đai đi, đai lại, Cẩm ngồi im không nói gì. Thi thoảng lão lại buông tiếng thở dài, lúc sau lão lằn nhằn: “Đúng là trên đe, dưới búa”.
Lão Thông lại hỏi:
Cẩm gắt:
- Chả chịu còn biết làm thế nào?
- Ông Cẩm ơi là ông Cẩm, sao bố mẹ ông lại đặt tên ông là Cẩm nhỉ? Lẩm cẩm mất rồi.
Nghe tới câu này Cẩm nổi cáu:
- Ông tài, ông giỏi, ông nghĩ, ông tính đi.
Thông hạ giọng bảo:
- Ra trại, nhòm xem có con nào đeo kính dưa tường, bảo thằng Hào nó để cho, rồi thế vào.
- Ăn thì ăn, không ăn thì thôi, việc chó gì phải hạ mình thế. Tôi chịu. Ngẫm nghĩ một lúc Cẩm nói tiếp:
- Nhà tôi cũng có một con, nuôi đã sáu tháng nhưng chỉ độ ba mươi cân hơi. Hay là … hay là bắt con ấy cho bà Hoàn.
- Đấy, đấy. Tôi có nói thì ông lại cho là thế này, thế nọ. Bây giờ ông đã sáng mắt ra chưa?
- Nhưng có sợ lão Cự biết, lão nói không?
- Giấy xin hai con, một mình lão Cự một con, tôi với ông tính ra có nửa con ông còn sợ cái gì. Chả nhẽ để nó cướp trắng miếng ăn đã sắp cho vào mồm rồi à?
- Được, tôi quyết. Bây giờ ông định thế nào?
- Độ hai giờ chiều, tôi sai thằng Lâm, thằng Trố đến bắt con của ông sang cho bà Hoàn, rồi ra trại bắt con kia thả vào. Thế nhé ! Ông ở đây, tôi lại đằng này một tẹo.
Nói xong Thông đi luôn.
Những tay bảo vệ ở các lều lán ngoài đồng hôm nay được Cơ và Hội gọi về giúp đám cưới. Tay nào, tay ấy đều tỏ ra hăng hái, bởi vì mấy khi đã có dịp được giúp đỡ các xếp. Lại được lão Cự cho đánh chén một bữa xả láng, cho nên mới hơn tám giờ sáng, mô nào đã vào mô ấy.
Xoan, Linh, Hoa trong trang phục quần đen, áo sơ mi đang tung tẩy đi vào. Cẩm nhìn thấy lấy tay ra hiệu, có ý bảo Xoan vào trong nhà. Tới gần ông hỏi:
- Được có mấy cô thôi ư?
- Chúng nó lý do bận không đi. Đến ngày rồi mà vẫn chưa thấy?
- Thấy gì?
- Thấy tháng chứ còn thấy gì?
- Không sao, không sao. Mới ấy có hơn chục ngày, sao mà nhanh thế?
- Biết thế nào? Có khi chỉ một lần thôi cũng đã chết. Già rồi còn đĩ.
Ngoài sân có tiếng xe rì rì, ông Cẩm ra ngó. Một chiếc xe Jin đang tiến vào, bên trên có mấy người đứng lố nhố.
Bà Cự đứng ở cửa bếp, thấy xe ô tô đến liền chạy ra, vừa lúc các bà ở trên xe đã tụt xuống đất. Bà cất lời:
- Chào các bà ạ!
- Vâng, chúng con chào cụ ạ!
Lão Cự đứng lấp ló ở mép cửa định đi ra, nhìn thấy vợ đang ở đấy, lão lại tụt vào. Thấy Xoan ngồi nói chuyện với Cẩm, lão bảo:
- Hai vị ra tiếp khách hộ tôi nhé!
Một người đàn bà phốp pháp, trạc ngót bốn mươi tách khỏi đám các bà đi vào. Vừa đến cửa bà đã toang toác:
- Anh Cự, anh Cự đâu rồi? Anh có bà mẹ còn khỏe gớm nhỉ?
Ông Cẩm và Xoan nghe thấy bà ta nói thế cùng bưng miệng cười. Bà khách đưa mắt dáo dác nhìn khắp nhà, thấy Xoan cùng ông Cẩm cười, lúc sau bà réo:
- Anh Cự, anh Cự! Cự từ trong buồng đi ra tươi cười:
- Kìa em, em vào giúp anh đấy à?
Liếc sang thấy Xoan, ông Cẩm còn đang đứng với nhau chưa ra tiếp khách, lão quát:
Khi Cẩm và Xoan đi khỏi, lão nói nhỏ với bà kia:
- Bà ấy là vợ anh đấy!
- Nào em biết đâu, em tưởng bà ta là mẹ anh. Mai khách khứa về họ chào vợ là bà, chào chồng là anh thì ngượng lắm nhỉ?
- Ôi dào có gì. Trưa nay ăn cơm xong cho bà ấy nửa viên thuốc ngủ, có mà…
- Gớm sao anh lắm mưu mẹo thế, thảo nào….
Cự kéo tay bà khách đi ra bàn thì cũng vừa lúc các bà đầu bếp đi vào, ông cất lời:
- Chào các bà, mời các bà vào xơi nước, xơi trầu mừng cho chúng tôi.
- Ông có cái nhà to, đẹp, mặt trước lại rộng và thoáng quá.
Bà Vi bếp trưởng bếp ăn của huyện vừa nói dứt, bà Hào tiếp luôn:
- Đúng là họ to, đông anh em có khác. Người như kiến thế kia thì có vật voi cũng chả sợ. Mới hơn tám giờ sáng mà rạp, bàn ghế đã đâu vào đấy, ông sướng nhất đấy ông Cự ạ.
Bà phốp pháp có tên là Hà, thư kí kiêm bồ nhí của ông. chắp hai tay trước ngực, cười toe toét nói:
- Anh Cự có mỗi đứa con giai, chị em mình may mắn lắm mới được về dự và giúp anh, mong các chị hết sức cố gắng cho. Mời các chị xơi trầu.
Bà Vi trề môi để hở hai hàm răng hạt na đen nhánh nói:
- Chị em tôi biết rồi, chúng mình ăn trầu uống nước xong, đi ra làm kẻo trưa.
Lát sau họ đi ra ngoài, Cự kéo Hà vào trong buồng.
Cánh bảo vệ và các anh em làm giúp nhà lão Cự đã xong, đang ngồi túm tụm, uống nước hút thuốc vặt, tán gẫu. Nhìn thấy Tu đi ra với dáng điệu mệt nhọc, uể oải, họ liền trêu chọc:
- Thế nào, ông em hôm qua làm mấy nháy, mà trông người phờ phạc thế?
Tu cáu kỉnh gắt:
- Tổ sư nó, đến ôm còn chưa được. Chạm vào người nó giãy nảy như đỉa phải vôi, làm ăn đ…gì được?
- Hay nó không có cái khoản ấy?
- Ôi dào vội gì. Mai cho nó tan đời con Bớp, đứt đời con Nở, dở đời con Ba ba. Cả tốp cười ầm ĩ.
Hoàng cưỡi chiếc xe đạp, đèo theo một bọc to đi vào, nhìn thấy Tu liền gọi:
- Này Tu, phông màn đầy đủ đây ra mà căng che chắn đi.
- vào uống nước đã, cứ để đấy!
- Có hai phông to, phông nhung màu tiết dê để ở nhà mày, còn cái màu xanh đem sang nhà Cúc.
Hoàng cởi chun chằng, ném bịch bọc phông lên bàn, cùng Tu đi vào. Vừa đi Hoàng vừa hỏi :
- Đã xơi được cái nào chưa, mà trông mặt mày ủ rũ như bánh đa dấp nước vậy?
- Con khốn nạn! Cưới xong tao đ… thèm chạm, cho mốc mẹ nó đi.
- Thế thì cưới làm gì cho tốn tiền?
- Biết đâu? Cứ tưởng húp được ngay, nào ngờ nó giữ hơn giữ mả tổ. Thôi đ… nói chuyện ấy nữa. Mày ăn chưa, nếu chưa ăn vào đây.
- Tao ăn rồi, giờ vào làm trưa còn về cơm nước cho thằng cu. Vợ tao nó phải trực.
- Ờ thế ra hướng dẫn mọi người trang trí hộ tao, còn phông nhà gái thì thôi, để cho nó tự làm. Tao bận đi mời nốt, mày thông cảm nhé.
***
Buổi sáng nhà lão Cự chưa có khách cho nên Xoan và Cẩm cứ thậm thụt ngồi trong nhà nói chuyện, Xoan bảo:
- Nhỡ không may mà bị thì làm thế nào?
- Ôi dào thiếu gì cách. Từ hôm nọ có đến nhà thằng Thăng không, nó đang buồn tình, cho nó tráng men rồi gán cho nó.
- Ông tưởng dễ à? Từ hôm bị con Cúc đá, tôi đã mấy lần mơi, ấn tay vào mà hắn chả thèm. Đâu như ông?
- Tối nay đến, rủ nó đi chơi, khuya khuya hãy về, cho nó vào đời.
- Khó lắm!
- Khó cũng cố mà làm, cưới được thằng ấy là đỉnh đấy. Nó đi bộ đội cứ đi, chúng mình ở nhà tha hồ…
Xoan gắt:
- Nếu không được thế thì tính sao?
- Thì đi giải quyết khó gì. Thôi đi ra ngoài kẻo họ nghi ngờ.
Hai người giãn nhau đi về hai phía.
(Mời xem tiếp kỳ sau)
N.Đ.V