Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LẠC ĐƯỜNG

 Nguyễn Hùng Sơn                                   
 
LẠC  ĐƯỜNG
                              
   Mỗi khi nhắc tới cuộc chiến ở Vị Xuyên không ai không nhớ đến cụm từ “Lò vôi thế kỷ”. Không biết ai là người đầu tiên xướng lên tên gọi ấy, nhưng chắc chắn là người lính ngày ngày dầm mình trong vôi mới có được sự ví von cực kỳ xác đáng thế. Với hơn 400 khẩu pháo, cối cỡ lớn, kẻ địch đã ngày ngày đánh phá vào các trận địa phòng ngự của ta trong khu vực chưa đầy một km2 ở thôn Nậm Ngặt và Cốc Nghè thuộc xã Thanh Thủy. Bình thường là 20 nghìn, 30 nghìn quả một ngày, lúc tập trung tấn công đánh chiếm chốt của ta thì 200 nghìn, 300 nghìn quả mỗi ngày, khiến cả vùng cứ sùng sục như động đất.
   Rắn như đá mà cũng biến thành vôi bột, có những ngọn núi đá mất đi hai, ba mét chiều cao, vậy chiến sỹ ta làm sao mà trụ được ?
     Câu trả lời rất đơn giản : Công sự! Trong công sự có hầm và giao thông hào. Đá thành vôi nhưng công sự thì không! Nhờ có công sự vững chắc mà chúng ta không bị tổn thất nhiều. Cũng nhờ có công sự mà chúng ta đánh lui hàng trăm cuộc tấn công của địch, giữ vững trận địa. Hơn nữa, công sự là bàn đạp để chúng ta tấn công, giành lại các mục tiêu đã mất. Trên mỗi cao điểm có ít nhất là sáu căn hầm, hầm nhỏ thì một tiểu đội, hầm rộng đủ cho một Trung đội  ẩn nấp tránh đạn pháo hoặc  ngủ, nghỉ khi không tác chiến. Ngoài ra là hầm vũ khí, hầm cứu thương…Để làm mỗi cái hầm chống được các loại đạn pháo và cối, cần có 200 tấm bê tông theo kích cỡ cần thiết. Nhưng chúng ta không thể đúc bê tông tại trận địa, mà phải làm từ phía sau rồi chuyển lên. Việc vận chuyển hoàn toàn bằng sức người. Sáu người khênh một tấm vượt chặng đường từ một đến ba cây số, tuy không dài nhưng hiểm trở lại có những vách đá phải dùng tời kéo . Không ai tránh được sây sát chân tay, mặt mũi. Có mấy người gãy tay, sái chân, toạc da đầu… Còn quần áo thì không thể nào chịu nổi cạnh sắc của tấm bê tông. Việc vận chuyển và đào hầm, hào đều tiến hành vào ban đêm.  Nhiều chổ phải dùng mìn phá đá mới thi công được. Vậy mà chúng ta đã làm ngót trăm căn hầm và hàng nghìn mét giao thông hào trên các điểm tựa.
      Kẻ địch biết rõ các căn hầm và chiến hào của chúng ta càng vươn xa thì chúng càng sớm bị thất bại nên tìm mọi cách đánh phá, ngăn chặn. Cùng với việc gia tăng cường độ tấn công lên các cao điểm, chúng tung hàng trăm tốp thám báo tập kích, gài mìn phá hoại các vị trí bộ đội ta làm công sự…                                        
                                             *
     Tại một đoạn giao thông hào đang làm dở cách điểm cao A6b do địch chiếm giữ chừng một trăm mét, phải làm ban đêm, khi anh em ta ra làm tiếp công việc của đêm hôm trước, do động tác dò gỡ mìn sơ suất, một quả mìn nổ làm hai đồng chí hy sinh. Sau đó không ai tự tin là có thể gỡ được số mìn còn lại, đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của Tiểu đoàn 3. Và Phan văn Lê, thiếu úy chuyên nghiệp, tổ trưởng tổ quân khí Tiểu đoàn  đã xung phong nhận nhiệm vụ này.
   Tiếng mìn nổ khiến tốp thám báo đang vật vờ ngủ, bật dậy. Bọn chúng chính là kẻ gài mìn và đang chờ đội quân làm giao thông hào sa vào bãi mìn, để ập tới nã súng, ném lựu đạn, gây cho ta những tổn thất nặng nề. Cả tốp 12 tên, lò dò đến cách hiện trường chừng 15 mét, rồi đứa nằm, đứa ngồi, tay lăm lăm súng chờ lệnh của Thiếu úy, toán trưởng.
   Hiện trường vắng lặng không một bóng người, tên toán trưởng chưa thể đưa ra một mệnh lệnh gì. Hắn cho rằng quân ta phát hiện được mìn nhưng sơ suất lúc dò gỡ nên chỉ một hoặc hai người bị thôi. Nếu cái bãi mìn nổ thì bây giờ không thể im ắng thế. Chợt có hai người đến, rồi lúi húi dò mìn. Chắc là có bọn cảnh giới ?  Tên toán trưởng nghĩ vậy.
    Đúng là có một Tiểu đội, do Trung đội phó Lê Thanh Hợp chỉ huy, cảnh giới cho Lê và Huy, chiến sỹ công binh gỡ mìn. Trời nhờ nhợ tối không thể nhìn được xa nhưng với gần chục cặp mắt căng ra thì mọi bóng đen xuất hiện trong vòng vài chục mét không thể lọt qua mắt họ. Chính cái lúc Phan Văn Lê vừa  khóa ngòi nổ quả mìn cuối cùng thì Trung đội phó Hợp thấy hai bóng đen ở cự ly nguy hiểm cho Lê, anh kéo luôn một loạt AK . Lập tức mấy anh em trong tổ cũng nổ súng. Đang cầm quả mìn trên tay, Phan Văn Lê rút chốt an toàn ném luôn vào bọn đang bắn trả. Chưa biết mấy tên chết, nhưng tiếng rú, tiếng gào khóc của bọn bị thương, khiến bọn còn lại hoảng loạn, tháo chạy. Cả tổ cảnh giới rượt đuổi theo. Phan Văn Lê và người bạn cộng sự cũng xách súng sang chỗ anh vừa ném mìn. Nhờ pháo sáng của ta và của  địch ở các chốt  xung quanh liên tục bắn lên  nên nhìn rõ 4 cái xác  như xếp hàng dọc dưới những những gốc cây gãy cành, trụi lá vì đạn pháo.
    Chợt thấy một bóng người đang lủi theo hướng ngược lại gần mép lèn đá, Phan Văn Lê hô to:
  • Ai ? Phải quân anh Hợp không?
Không có tiếng trả lời, Lê lại hô to:
  • Không đứng lại tao bắn!
   Sau câu đó, cả Lê và Huy đều nổ súng. Bóng đen cũng không vừa. Hắn bắn trả cả loạt dài, đạn chiu chíu trên ngọn cây. Rồi hắn bỏ chạy. Phải bắt sống hắn. Lê nghĩ vậy và bảo bạn đuổi riết. Cứ trêu cho hắn bắn hết đạn để bắt sống. Đúng như “ Kịch bản” chừng mười phút sau, băng đạn hết nhưng hắn không thể thay băng khác vì bị đuổi riết, đành cắm cổ chạy. Hắn to khỏe nhưng cồng kềnh. Bình tông, bao cơm, lựu đạn lủng lẳng. Lại có cái võng quấn từ vai chéo qua ngực xuống thắt lưng nên không chạy nhanh được. Khi chỉ cách vài mét Lê hô to: Giơ tay lên ! Tên thám báo sững đi một chút rồi vứt súng, chạy tiếp. Lê cũng trao súng cho bạn rồi nhảy mấy bước, đạp vào lưng khiến hắn đổ sấp xuống. Anh ngồi đè lên, kéo hai tay nó  ra sau lưng, giục  Huy trói, nhưng Huy đang loay hoay  tìm dây  thì tên thám báo bất ngờ dãy mạnh tuột khỏi tay Lê.  Hắn xoay người dùng tay bóp vào cổ Lê, khiến anh phải tập trung chống đỡ. Vừa  gạt được tay hắn ra là Lê chồm đè lên hắn nhưng hắn tỳ chân xuống đất nâng người lên, hai người quấn lấy nhau lăn đi, lộn lại mấy lượt rồi cùng rơi xuống vực.
  Huy bàng hoàng nhìn xuống cái vực thăm thẳm rồi bật khóc. Vừa khóc vừa cất tiếng gọi nhưng không có tiếng trả lời. Cậu thất thểu trở về hiện trường dẫn các bạn đến nơi Lê vật nhau với tên thám báo. Anh Hợp và mọi người thay nhau gọi Lê ơi, Lê ơi ! Nhưng đáp lại tiếng gọi của họ chỉ  có tiếng lèn đá vọng lại ơi hời như tiếng khóc, lạnh buốt. Sự kiện bi hùng ấy khiến cả Tiểu đoàn bàng hoàng. Ai cũng tự hào, cũng rưng rưng xa xót.
     Tiểu đoàn phó Ngọc nhận mình là người có lỗi. Khi Đại đội trưởng Đại đội làm chiến hào, báo cáo về việc hai chiến sỹ công binh do thao tác sơ suất mà mìn nổ, hy sinh. Huy, chiến sỹ công binh có nghiệp vụ dò gỡ mìn còn lại, không dám dò gỡ tiếp. Phan Văn Lê xung phong nhưng anh gạt đi vì dò gỡ mìn không phải là nghiệp vụ chính của cậu ấy. Vẫn biết là cán bộ quân khí có thể làm được, nhưng Lê là con liệt sỹ. Anh Trần Việt Hưng, Trung đoàn phó chính trị luôn nhắc phải để ý đến cậu ta. Gọi điện về Trung đoàn thì được trả lời tối hôm sau mới có người lên. Một lần nữa Lê lại nằn nì, cam đoan  không để xẩy ra sơ suất, anh đành đồng ý. Ai ngờ …
        Ngay khi nhận được hung tin, Tiểu đoàn phó Ngọc đã gọi điện báo cáo cho Trung  đoàn. Hôm nay Việt Hưng gọi điện xuống, Ngọc nghe máy.
       - Em có tội lỗi lớn, em ân hận lắm anh ơi !
 Trần Việt Hưng gắt:
      - Những lời đó đồng chí đã nói rồi, nhắc lại chỉ đau lòng thêm. Bây giờ trinh sát Trung đoàn sẽ tổ chức hai tổ theo hai hướng tìm kiếm Lê. Hướng thứ nhất đi từ phía Đông Nam theo chân núi giữa A6a và A6b, lực lượng có 9 người.  Hướng thứ hai có 6 người dùng dây làm thang  xuống nơi cậu ấy rơi.
          - Thế là Lê vẫn còn sống hả anh?
Câu hỏi làm bừng thêm niềm hy vọng mà Việt Hưng đang nghĩ tới, đang ao ước, dù là rất mong manh là Lê vẫn còn sống. Vậy mà thay vì tiếp nhận, chia sẻ với Ngọc thì anh lại xẳng giọng:
          - Không phải còn sống mới tìm kiếm. Cậu ấy hy sinh thì cũng đưa xác về chứ ?
 Nghe giọng Việt Hưng méo mó như muốn khóc, Ngọc bối rối:
         -  Vâng ! Em hiểu, em hiểu ạ.
 Nhưng việc tìm kiếm Phan Văn Lê vẫn mịt mù, vô vọng.
 Trước hết là tổ thả dây tuột xuống nơi Lê và tên thám báo rơi không thực hiện được. Sợi dây chảo dài 250 mét, được buộc cục gạch nặng thả mút dây mà sợi dây vẫn căng, hòn gạch vẫn nặng trĩu, chưa hề chạm đất. Anh em trinh sát đề nghị chặt nhiều cành lá, sẵn sàng, khi người xuống mút dây thì buộc cành lá vào dây làm dù để người tiếp đất. Tiểu đoàn không chấp nhận vì kiếm đâu ra cành lá ở nơi đạn pháo làm tan hoang, trơ trọi này. Với lại “Làm dù ” kiểu ấy không an toàn. Tiểu đoàn chỉ thị cho tổ này thả xuống vài vật chuẩn để hướng đi tìm dưới chân lèn biết điểm rơi của Phan Văn Lê. Ngày hôm sau thì tổ tìm kiếm do Tiểu đoàn phó  Ngọc chỉ huy tìm đến nơi có vật chuẩn nhưng không hề thấy dấu tích gì. Mọi người đi tiếp chừng 30 mét nữa là tới lối đi giữa hai vách núi, giống như một cửa hang.
  Tại bãi đất nghiêng trước lối đi, cỏ mọc lưa thưa,  có một  chiếc bình tông không nắp, không còn nước. Chiếc bình tông này chưa bị bùn đất bao bọc, rât có thể là của tên thám báo. Nhưng biết đâu là của bọn khác vứt lại?
  Nơi Phan Văn Lê  và tên thám báo rơi cách lối đi không xa, có thể người dân nào đó tình cờ đi qua thấy, đã mai táng cả hai ? Lập luận của tiểu đoàn phó Ngọc được nhiều người đồng tình.
   Đoàn trinh sát tranh thủ hội ý rồi chia thành ba  nhóm đi men theo chân núi phía Tây Nam, tiến về bản Xín Chải, Minh Tân  xem có ngôi mộ nào mới không? Có gặp người dân nào không ? Nhưng cả những điều nhỏ nhoi này họ cũng không tìm được…
                                        *
  Khi mà mọi niềm hy vọng đặt vào cuộc tìm kiếm không thành, cả tiểu đoàn thêm buồn bã, tiếc thương. Chưa đi tìm kiếm thì không yên tâm, đi kiếm tìm không được gì lại càng không  yên tâm chút nào. Tại sao lại mất xác nhỉ.  Hay là Phan Văn Lê chưa chết, cậu ấy bị bất tỉnh, bị chấn thương đang điều trị ở đâu?  Hay bị bọn địch bắt ? Hay là có một sự hy hữu, một điều kỳ diệu ?.
        Đúng là một  sự hy hữu, một điều kỳ diệu. Rât kỳ diệu ! Phan Văn Lê vẫn còn sống.
   Khi lăn  khỏi mép đồi, rơi xuống vực, Phan Văn Lê hiểu là mình sẽ gãy xương, vỡ đầu cùng thằng thám báo. Anh muốn thoát khỏi hắn để xoay người miết bàn tay vào vách lèn đá, may chi có cái gờ nào thì bám vào. Nếu không thì cũng làm chậm lại càng lâu tiếp đất càng tốt. Nhưng nó ôm chặt quá không dãy ra được, đành phó mặc cho số phận. Được cái, do dãy dụa hay là vì sự công kềnh, khiến lưng hai người thi nhau va vào vách đá. Lại có lúc lăn trên bờ vách một lúc, có thể là cái bờ vách hơi nhô ra, nên không tiếp đất nhanh. Khi tiếp đất thì Lê nằm trên, tên thám báo nằm dưới. Chắc là do hắn nặng hơn. Nhờ vậy mà anh  tỉnh lại trước hắn.
  Khi đã tỉnh táo, Lê mừng lắm. Thấy tên địch bất tỉnh, anh nghĩ là hắn đã chết, liền lần  thắt lưng lấy hai quả lựu đạn mỏ vịt và  cái bình tông để uống nước. Chợt thấy cái bụng  vẫn thoi thóp, biết là hắn chưa chết. Anh vơ cục đá to để đập vào đầu cho chết hẳn. Nhưng khi chuẩn bị đập, thấy hắn vẫn như đang ngủ, thì không nỡ và vứt cục đá xuống bên cạnh.  Ngơ ngác một chút, Lê quyết định sẽ đi men giữa hai vách núi, ngược lại hướng đã đuổi theo tên thám báo. Được mấy bước, anh nghĩ  thằng thám báo sẽ chết mà không ai biết. Chi hơn kéo ra nơi sáng sủa, chắc là có người qua lại, hắn sẽ được cứu. Thế là anh quay lại kéo hắn ra nơi sáng sủa, giống như là cửa hang. Đi được một quảng lại nghĩ chắc hắn cũng khát lắm, được vài ngụm nước sẽ mau tỉnh hơn. Thế là Lê xách bình tông quay lại. Đôi môi khô héo mấp máy rồi hắn nuốt từng ngụm, từng ngụm.
 - Mài đã bị bắt. Giư tay lân !
Nghe khẩu lệnh bằng tiếng Việt  lơ lớ, biết là  bọn địch chứ không phải quân ta, Phan Văn Lê vội rút chốt quả lựu đạn và giơ  lên:
           - Nếu mày bắn, hoặc bắt, tao sẽ buông lựu đạn ngay !
          - Ấy đờng. Tôi không … Không bắn ngời đã cứu bạn mình.
           - Vậy thì chúng mày bỏ súng xuống đất để tao đi.
   Thằng ấy nói gì rồi cả mấy đứa đều bỏ súng xuống. Phan Văn Lê từ từ đứng lên, hai tay hai quả lựu đạn, vừa thụt lùi được một bước thì thằng vừa ra lệnh cho đồng bọn bỏ súng xuống, nói:congcogai
  • Xing hỏi một cao? – Lê gật đầu tỏ ý lắng nghe - Hắn nói:
  • Sao inh lại cứu kẻ thù ?
  • Vì chúng tôi yêu hòa bình !
    Hắn gật gật đầu rồi cúi xuống bày tỏ sự cảm kích, cả bọn cũng làm theo. Lê cúi đầu đáp lễ, rồi quay lưng, bước mấy bước và cắm cổ chạy. Bọn địch nhìn theo, không bắn loạt đạn nào.
    Chạy được một quảng khá dài anh dừng lại nghỉ. Ngoái nhìn lại phía sau, không có tên nào bám theo, anh phăm phăm bước. May là  không khó đi lắm. Cái khe núi này trước đây từng là đường đi của đông bào. Không như trên đỉnh và sườn cao, đất đá bị đạn pháo đào xới tan hoang. Cái khe núi này vẫn nhiều cây cối hoang dại tum toa hai bên vách núi. Hầu hết là những dây leo bám vào đá, còn những cây gỗ, cây chuối rừng cũng có nhưng cũng chỉ bằng bắp chân, cao ngẳng. Cảm thấy cổ họng khô rát vì khát, anh để ý tìm nước uống mà đi mãi vẫn không thấy. Chổ ẩm ướt thì nhiều nhưng chảy thành vòi thì không. Đang tính bẻ cây chuối rừng nhai tạm thì đoạn này cũng không có nốt. Đành ngồi nghỉ một lúc cho đỡ mệt rồi đi tiếp. Chợt nghe tiếng gù rúc… gù rúc …nho nhỏ như là ám hiệu của bộ đội ta trong đêm tiềm nhập vào đồn địch. Tay sờ vào quả lựu đạn, mắt lơ láo nhìn quanh thì một con dúi từ trong bụi mây chui ra cách chổ anh  ngồi chỉ vài mét, liền bật dậy chộp nhưng không được. Con dúi cứ nhảy lóc xóc theo lối đi giữa hai vách đá. Chộp mấy lần nữa vẫn không được, anh liền nhặt đá ném. May là đoạn ấy có nhiều đá nên cuối cùng con dúi bị trúng đá bẹp đầu. Mừng quá. Thế là sẽ được bữa tươi. Lâu nay chỉ toàn cơm nắm, mắm kem. Hôm nào khá hơn thì mấy cọng rau và cá khô thôi. Với chú dúi này, thêm cái củ chuối  băm nhỏ cũng được một nồi canh,Tiểu đoàn bộ được bữa tươi. Củ chuối rừng thì có đấy, mình sẽ cạy lấy vài củ xách về luôn. Lê nhẩm tính vậy. Chợt thấy có vòi nước nhỏ, vổng lên như trẻ con tè bên vách đá, anh ghé miệng uống một hơi dài. Thấy mấy hạt gạo cạnh vòi nước, nhặt lên, gạo ướt nhưng còn cứng, chứng tỏ ai đó vừa nấu cơm gần đây? Ai nhỉ? Dân hay thám báo? Nhìn quanh không thấy gì khả nghi nhưng phải tránh nơi này càng xa càng tốt. Lê nghĩ vậy. Nhưng chưa kịp cất bước thì thấy một cô gái như từ trên trời rơi xuống, hay là dưới đất chui lên. Đại khái thế. Không kịp lấy lựu đạn, nhưng anh cũng sẵn sàng ứng phó nếu cô ả giở trò gì. Hóa ra cô đã theo dõi, đoán anh là lính lạc đường và tỏ ý muốn giúp đỡ.
     Cái hang đá cách vòi nước chừng năm, sáu mét mà cô ta dẫn Lê vào thật lạ. Cửa thì nhỏ phải cúi đầu mới chui vào được, vậy mà hang lại khá rộng. Lại thấy có một cô gái đang đun nấu gì đó, anh nghĩ ngay đến những hạt gạo ở vòi nước.
  - Hôm nay nhà mình có khách nhá.
Nghe bạn giới thiệu, cô gái đang ngồi bên bếp ngước lên, cất tiếng chào, nghe nhỏ nhẹ như hơi thở. Ôi trời! Cô này xinh quá. Lê thầm nghĩ, mắt trân trối nhìn, khiến cô nàng ngượng ngùng, cúi xuống.
       - Chào cô ! Tôi có con dúi, xin được tham gia cùng các cô.
       -  Anh đưa đây, sẵn nước sôi, em vặt lông luôn.
Phan Văn Lê tủm tỉm cười, đưa con dúi cho cô nàng. Lúc nãy thì nhỏ nhẹ bây giờ lảnh lót như còi bộ đội. Từ lạ sang quen đây mà? Cô bạn vừa đưa Lê vào hang, trêu:
   - Chắc là mải đuổi bắt dúi mà lạc đường chứ gì? Nếu không gặp em tối nay phải ngủ một mình ngoài rừng. Có khi lại khóc nhè cũng nên. Hi…hi.
Cô này cũng lém lắm đây. Mình đùa thử xem nào, Lê nói:
  - Vào đây thì cũng ngủ một mình, chứ làm gì được ngủ chung?
Tức thì cô nàng đấm vào vai Lê, rồi nói:
 - Cái anh này. Ăn gian này!
    Tiếng cười rộn rã vòm hang. Lê nghĩ mình thật may “Buồn ngủ bỗng gặp chiếu manh” rồi.  Đang lo không biết có nên nói chuyện mình bị rơi xuống vực không thì đã được cô gái gợi mở “ả đuổi dúi mà lạc đường’’ thì mình cứ nhận là lạc đường vậy. Đấy là nếu các nàng hỏi. Không thì cứ lờ đi. Anh nói:
           -Trước hết xin cảm ơn các cô đã cho nghỉ nhờ. Tôi xin tự giới thiệu, tên tôi là Lê, Phan văn Lê bộ đội ở sư đoàn B6.
      - Hay quá! Phan văn Lê, là quả lê. Em là Bàn Thị Na, quả na ý. Chúng ta đều là quả trên cây rồi.
      - Còn bạn đang làm thịt dúi, quả gi?
Cô gái đang lúi húi bên bếp lắc đầu:
   - Em có là quả gì đâu. Tên em là Bàn Thị Mai thôi.
Vẫn biết cô đèm đẹp ấy tên là Mai, nhưng Lê cứ trêu :
   - Sao tên lại là thôi hả em? Bàn Thị Mai Thôi, vừa dài vừa không đẹp.
Cả hai cô gái nhìn nhau ngơ ngác rồi nhìn Lê, thấy anh chàng tỏ ra bình thản nhưng Na biết đang cố lên gân. Thế là cô nàng lại đấm thùm thùm vào lưng Lê:
   - Đồ ăn gian. Đồ ăn gian này.
 Sau trận cười đùa, Na bảo anh Lê ra rửa cho mát để ăn cơm. Rửa ráy xong, vào thấy có thêm một cô nữa, cô này cũng trẻ đẹp nhưng có vẻ mệt mỏi.
- Lúc nãy chưa gặp, chắc cô vừa đến?
Na nhanh nhảu trả lời thay bạn:
         - Bạn này tên là Triệu Thanh Thủy, bị sốt cao lắm anh ạ.
          - Ở Thanh Thủy đặt tên Thanh Thủy, tuyệt quá. Thế bạn đã uống thuốc hạ sốt chưa?
         - Không có thuốc đâu. Bọn em đang bàn Thủy gắng ăn cơm rồi đưa về bản mới uống thuốc - Na nói.
 Đặt tay vào trán Thủy, vẫn còn nóng lắm. Sốt cao thế này thí ăn cơm sao được. Lê hỏi:
- Về Bản mới có xa không. Có gần hơn ra Hà Giang không?
    Na trả lời xa hơn Hà Giang, nhưng ra đó không có tiền mua thuốc. Không cần tiền, tôi sẽ cùng hai bạn đưa Thủy vào trạm xá Sư đoàn, gần hơn ra Hà Giang. Không ngờ khi đưa Thủy đến trạm xá thì anh cũng bị sốt cao, cũng thành bệnh nhân của trạm xá. Nhưng đó là chuyện của ngày hôm sau. Lúc ấy mỗi người một bát cơm đầy. Gạo có mùi mốc nhưng vẫn còn ngon hơn cơm nắm mà anh đã ăn ngót một tháng nay. Đặc biệt là có thịt dúi chấm muối. Mỗi người một đùi nhưng Thủy chỉ ăn nhỏn nhẻn chút rồi đưa anh Lê “ăn giúp”. Cô chỉ húp nửa bát cháo. Cháo là vài thìa cơm bỏ vào bát nước luộc dúi, quấy đều. Như thế cũng cũng là sang lắm rồi.
   Chưa đầy một giờ đồng hồ mà Lê đã biết được khá nhiều về các cô gái. Họ đều mới 18 tuổi, đều ở thôn Nậm Ngặt, nay sơ tán về xóm mới ở vùng núi xã Đạo Đức, cuối huyện Vị Xuyên, cách Nậm Ngặt một ngày đi bộ. Họ về bản cũ lấy hạt rau cải , hạt bầu, bí và một số đồ dùng còn sót lại. Nhẽ ra ba chị em đã về đến bản mới nhưng vì Thủy sốt cao quá nên phải chờ Thủy đỡ sốt rồi mới đi. Nhờ vậy mà anh gặp được họ. Biết được cái hang này chính là lối đi vừa ngắn, vừa đỡ leo dốc lại không lo pháo địch. Có thể là trinh sát ta cũng biết, nhưng lối này cũng không tiện khi đến các cao điểm nên không sử dụng thôi. Sau bữa cơm, anh đề nghị mọi người đi luôn, nhưng Na và Thủy bảo phải chờ Thủy khỏe hơn mới đi được. Anh nói không có thuốc thì Thủy lại sốt và sẽ yếu hơn. Chi hơn là cứ đi, Thủy mệt thì tôi và hai bạn thay nhau cõng. Thủy đồng ý ngay và bảo sẽ đi được, không cần cõng. Thế là  bốn người theo hang đá mà đi, hang rộng nên không quá tối, không cần đèn pin vẫn đi được. Được hơn một tiếng đồng hồ thì trời tối phải dùng đèn pin. Được cái, ba cô đều có đèn pin. Nhưng Thủy, dù đã cố gắng lắm cũng chỉ cũng chỉ đi được mấy chục phút thôi. Tiếp đó là Lê cõng. Thủy ngượng và rất áy náy. Lê nói em đừng ngại, nếu không ốm mệt thì đời nào anh cõng. Cô Na, cô Mai có muốn cũng chẳng được. Thủy phì cười. Được một quãng anh lại nói là mình gặp may, được cõng người đẹp là một diễm phúc. Thủy cũng vui vui, cô nói đây là lần đầu tiên trong đời được người con trai cõng. Em biết ơn lắm, sẽ nhớ mãi kỷ niệm này. Những lời nghe mới sướng tai làm sao. Thủy cũng bảo để các bạn cõng nhưng anh bảo không muốn nhường cho ai cả. Cô nàng cười khúc khích rồi hôn phớt vào má.
           - Anh có thích thật không? .
           - Thích cõng, hay thích hôn?
           - Cả hai!
          - Cả hai ?
   Nàng phì cười rồi  hôn, không phải hôn phớt như lần trước, mà để đôi môi gắn mãi vào má Lê. Phấn khích quá, anh bóp nhẹ vào hai  đùi non đang quặp vào hông  mình. Thủy reo lên  khe khẽ và những nụ hôn cứ rơi xuống má anh…
 Na và Mai vẫn bám theo sau, ánh đèn pin le lói xa xa, Thủy làm gì, nói gì họ cũng không thể biết được.
    Rồi Lê cũng phải nhường cái diễm phúc cho Na. Không biết ngồi trên lưng Na, Thủy có vui không. Có nhớ những lần bị  bóp  vào đùi  không? Còn Lê  thi thoảng vẫn sờ tay lên  má, nơi em gắn môi hôn. Đây là lần đầu tiên anh được cô gái trẻ, đẹp hôn. Thủy không đẹp bằng Mai nhưng đi bên Mai, Lê cứ nhớ tới Thủy.
          - Anh cõng hết hang, ra ngoài còn đi nhiều nữa, phải hơn một cây số đấy.
Không thấy Lê trả lời, Mai hỏi:
        - Anh  mệt lắm phải không ?
         - Không. Anh không mệt.
         - Em có người yêu chưa?
         - Chưa đâu. Em và Thủy chưa có đâu.
         - Thế là Na có người yêu rồi à?
         - Chị Na có chồng rồi. Chồng chi ở bộ đội biên phòng đấy.
Hèn chi mà Na bạo dạn thế?.
   Được « Người lạ » và bạn cõng, Thủy vui và khỏe khoắn như thường, nhưng đến Trạm xá bộ đội lại sốt cao. Bác sỹ quân y khám kết luận Thủy sốt do vi rút phải uống thuốc hạ sốt để truyền dịch cho chóng hồi phục. Còn Phan Văn Lê cũng bỗng dưng bị sốt cao 40 độ phải nhập viện.  Mãi hai hôm sau anh mới nhờ người báo với Tiểu đoàn. Tiểu đoàn phó Ngọc và anh em đến thấy Lê phờ phạc, lại thấy có hai cô gái dân tộc săn sóc, cứ nghĩ nhờ các cô này mà Lê thoát chết nên cảm ơn rối rit. Các cô ây lại nói nhờ anh Lê giúp đỡ mà cô bạn của họ được vào đây chữa bệnh. Thấy vị thủ trưởng ôm lấy anh Lê mà cười, mà khóc các cô cũng xúc động lắm. « Anh Việt Hưng đã khóc khi được tin cậu rơi xuống vực đấy ! » Điều này thì Lê cũng đã hình dung đến, nhưng khi được nghe Tiểu đoàn phó Ngọc nói lại, nước mắt anh cứ chảy tràn.
          - Anh Lê thật là hạnh phúc. Tình đồng đội các anh còn hơn cả ruột thịt .
Na nói vậy. Cả Mai và Thủy gật gù công nhận.
  Đến lúc này các cô gái vẫn nghĩ là Lê bị lạc đơn vị. Mà cũng đúng hoay hoáy, có sai đâu? Có điều cái sự lạc thật kỳ lạ. Như là ông trời sắp đặt ấy. Biết đâu mình yêu Thanh Thủy? Tuy vẫn có chút lăn tăn cô ấy là người dân tộc Dao, nhiều tập tục mình không biết. Điều mà anh biết là cô nàng thương mình rồi.
   
                                                                             N.H. S
                                              
 
 
 
 
   
 
 
 
 
 
 
 
  
  
 
   
 
  
 
   
 
 ờ
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 34
Trong ngày: 38
Trong tuần: 612
Lượt truy cập: 416858
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.