Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KỶ LỤC

LaHAN
 
KỶ LỤC
 
Phòm đang ngồi trong đền.
Một đoàn trai thanh gái tú ào vào.
  • Thưa, đây có phải bác Phòm, trưởng thôn không ạ?
  • Chính tớ đây, các bạn ở đâu đến vậy?
  • Dạ thưa bác trưởng thôn kính mến, chúng em ở tổ chức KILUVINUNGOA!
  • Là cái tổ quạ tổ công gì mà đọc méo cả mồm thế?
  • Dạ, là tổ chức ghi danh “Kỷ lục Việt nam so với nước ngoài” ạ!
  • Thì ra là thế! Tìm tớ có chuyện giề?
  • Dạ, chúng em định đưa bác vào sách Kỷ lục. Thế giới gọi là Ghi- nét đấy ạ! Vì chúng em tìm hiểu được biết bác đã làm trưởng thôn sang khóa thứ 4, nước mình không có ai vượt qua kỷ lục này đâu bác ạ!
  • Làm trưởng thôn có vất lắm đâu mà ít người làm được dài nhỉ?
  • Dạ, chúng em được biết có bác chỉ làm được khóa thứ 2 đã ốm đau, có bác sang khóa thứ 3 đã vướng chuyện…
  • Thế ghi vào sách Ghi- nét ấy tớ được cái giề???
  Lũ thanh niên nhao nhao giải thích, nào là bác được tôn vinh trên loa đài, báo chí, trên mạng xã hội, nào là có bằng ghi nhận treo giữa nhà, nào là đi đâu được giới thiệu là kỷ lục gia…
Phòm đùa: - Thế chỉ có danh, không có thực à?
Cả hội lại nhao nhao: - Dạ, từ có Danh sẽ có Thực ạ, bác giữ kỷ lục rồi, bác sẽ đi nói chuyện, truyền bá kinh nghiệm, bác sẽ viết sách để lại cho đời sau… tóm lại là sẽ kiếm bộn tiền từ kỷ lục này ạ!
  • Tớ hỏi, các cậu đã làm những kỷ lục gì rồi?
  • Dạ, này nhé, cái bánh chưng to nhất thế giới này, cái miệng to nhất Việt nam này, cái lưỡi dài nhất Đông Nam Á này, cuốn sách to nhất châu Á này… Nhiều lắm ạ.
  • Này, thế cái cụ gánh nước thuê lâu nhất Việt nam các cậu cũng làm kỷ lục đấy à?
  • Vâng ạ! Cụ vui lắm bác ạ!
  • Thế cụ có đi nói chuyện kinh nghiệm, có viết sách truyền bá nghề gánh nước thuê không?
  • Cụ mù chữ. Muốn giúp cụ lắm nhưng chúng cháu cũng đành chịu!
  • Tiếc nhỉ, nghề được vinh danh thế cơ mà!
Phòm thì thầm vẻ bí mật - Làng tớ có mấy vị đáng ghi vào Ghi- nét lắm đấy nhé! Cả lũ xúm vào, ngỏng mặt lắng nghe.
-  Này nhé, có cụ Đôm lông mũi dài chấm rốn! Có cô Đén ria mép chùm kín mồm, có bác Lôm đánh rắm dài 30 phút…
  • Ôi… có thế thật ạ… Thế thì chúng em phải gặp ngay, gặp ngay!
  • Các cụ các bác ấy mà truyền bá kinh nghiệm rồi viết sách lưu hậu thế thì chúng bay cứ nở mày nở mặt như bánh phồng tôm !
  • Vâng vâng, tất nhiên rồi, vì chúng em phát hiện ra các kỳ nhân đất Việt mà!
Cả lũ sướng rơn, cười hơ hớ như bắt được vàng! Rồi tíu tít giở máy quay, máy ghi âm. Quay ra thì Phòm đã biến từ lúc nào.
 
FIDEL TRONG LÒNG DÂN LÀNG PHÒM
 
   Phòm vừa bàn với các cụ và đại diện các ngành trong thôn, Trung thu năm nay phải đón đoàn xiếc thú về cho trẻ em trong thôn được xem. Tuy đoàn xiếc lưu động chỉ có mấy món xiếc như chó, khỉ và con trăn. Nhưng trẻ em sẽ khoái, mấy khi chúng được nhìn thấy lũ chó tập đếm, lũ khỉ đạp xe???
Mấy cụ móm mém, mấy bà sồn sồn cũng thích chứ chẳng cứ gì trẻ con.
Nhưng vừa gấp sổ ghi chép lại Phòm đã được cụ trưởng ban Mặt trận và cụ chi hội trưởng cựu chiến binh- vốn là lính Trường Sơn- gọi giật giọng: - Bác Phòm có xem tivi mấy hôm nay không?
      - Dạ có ạ!
  • Bác có thấy nước ta chu đáo với nước bạn Cu Ba không?
  • Quá chu đáo là khác!
  • Ừ… Ta tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm Fidel vào thăm khu giải phóng Quảng Trị thật là hoành tráng bác nhể?
  • Vâng! Cháu thấy thế là tình, là nghĩa sâu nặng các cụ ạ!
  • Nhưng chúng tôi hơi băn khoăn một tý!
  • Là điều gì ạ?
  • À… Ở nước bạn, Cu ba ấy, chính đất nước của Fidel họ thực hiện rất nghiêm di chúc của Người, đó là không đặt tên đường, không dựng tượng đài. Mộ Fidel cũng chỉ đặt một phiến đá thôi… Ấy thế mà mình lại dựng tượng đài Fidel, lại làm công viên to 16ha, chi hàng trăm tỷ, chúng tôi cứ thấy sai sái thế nào ấy! Tiền của ấy mà để xây cầu cho trẻ đến trường không phải chui túi ni lông qua suối, tiền của ấy để xây bệnh viện cho trẻ khỏi nằm 3 đứa một giường có hay không; Như thế cho khéo Fidel lại thấy vui hơn! Đằng này… Mặc dù so với vài ông khác thì Fidel quá xứng đáng! Fidel đã sừng sững là tượng đài trong lòng quân dân Việt Nam ta rồi bác ạ!
 Phòm ngẩn người một lát rồi giải thích cho qua chuyện: - Có lẽ văn hóa mỗi nước mỗi khác các cụ ạ!
Các cụ ồn lên vặn lại:
- Xem trên phim ảnh, chúng tôi thấy Cu ba cũng có nhiều tượng đài, có nhiều công viên như ở mình đấy chứ! Chẳng qua là Fidel thương dân, không muốn vì mình mà dân phải tốn kém. Cũng như Cụ nhà mình ấy, chỉ lo cho dân. Chết rồi vẫn lo dân khổ!
Phòm bí quá đành cãi cùn: - Thì lãnh đạo tỉnh đó họ cũng lo cho dân đấy chứ!
Im lăng!
Phòm cao giọng: - Thưa các cụ, chắc chúng ta ai cũng nhớ câu nói nổi tiếng của Fidel khi vào thăm vùng giải phóng, năm 1973? Đó là: “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”
  • Nhớ, nhớ quá chứ lỵ, câu nói cảm động thế cơ mà!
  • Vâ…n…g! Vì thế lãnh đạo trong đó họ rất lo cho dân, lo rất sâu sắc là đằng khác, họ cho dựng tượng đài của Người là họ phòng khi, một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, ở một bệnh viện nào đó, khi cấp cứu cho dân, chẳng may hết máu dự trữ, họ có thể chạy ra công viên, họ chích tai tượng xin chút máu mang về cứu dân. Đó chẳng tốt lắm sao???
  • Ồ, bác Phòm ơi là bác Phòm!!!
  • Hì hì… Thôi, giờ ta tập trung vào việc mời đoàn xiếc cho chu đáo, không thì mấy cái trò Khỉ đạp xe, Chó học bài mà nhem nhuốc lại ê mặt với lũ trẻ. Thôi, chào các cụ, cháu phắn!!!

phom1

VỢ CHỒNG PHÒM LƯỚT LƠ PHỐ CỔ
 
  Con gái áp út học trường Sư phạm đã mấy lần giục vợ Phòm xuống Hà Nội chơi. Nó điện về: “Mẹ ơi! Mẹ phải năng đi ra ngoài cho biết đây biết đó!” Vợ Phòm cứ giãy nảy: “Úi rồi ơi! Về Hà Nội xe cộ nườm nượp thế, nhìn đã chóng mặt!” Phòm động viên mãi, thị cũng xuôi xuôi. Con gái bồi thêm: “Dịp này nhà nước có lễ quốc gia, mẹ xuống xem dân thủ đô văn minh lịch sự thế nào chứ!!!”
  Thị gật nhưng vẫn mặc cả: “Ông đi đường có thạo không đấy!? Nghe nói công an Hà Nội nghiêm lắm, đi ngược đường hay vượt đèn đỏ bị phạt hàng triệu đấy! Ông mà bị phạt là tôi không chi tiền đâu!”- Phòm trấn an: “Bà yên trí, tôi đã mấy lần xuống thăm con rồi! Đường sá tôi thuộc làu làu…”
Thế là sáng chủ nhật vợ chồng Phòm phơi phới lên đường.
  Khốn nỗi, đúng là: “Lo cái gì, trời đì cái đó!”. Vừa chớm vào cái bùng binh, đáng lẽ đi nửa bùng binh nữa rồi rẽ phải thì đúng đường, Phòm lại rồ ga lao thẳng vào con đường vắng trước mặt. Tuýt tuýt… hai chú công an áo vàng ngồi trên xe màu trắng đuổi theo. Phòm rạt vào vệ đường. Vợ Phòm mặt tái xanh như đít nhái, thị nhảy khỏi xe, ngồi bệt xuống vệ đường ôm mặt, giãy chân đàng đạch!
Một chú công an chào rồi nói: -“Bác đi vào đường ngược chiều!” – Phòm bối rối dựng chân chống xe: - “Vâng vâng, ngược chiều! Nhưng để tôi xem nhà tôi thế nào đã!!!”
  Phòm quay lại chỗ vợ ngồi, vỗ vai. Thị ngẩng lên, mắt đỏ hoe, lẩm bẩm: “Lại mất toi lứa lợn của tôi rồi!!!” Chú công an hỏi to: “Bác gái làm sao thế ạ?”. Phòm: “Ồ đúng là đàn bà… bệnh đàn bà.” Chú công an lo lắng: “Bác gái có đau bụng đau bão gì không? Trông bác ấy tái xanh thế kia? Trong ngõ có nhà vệ sinh đấy ạ; bác để xe đấy chúng cháu trông cho, bác đưa bác gái vào đó mà xử lý…”. Phòm thủng thẳng: “Bà ấy tiếc tiền đấy!” Chú công an ngồi trên xe vội thanh minh: “Ơ… chúng cháu đã nói phạt phiếc gì đâu mà bác ấy tiếc tiền ???”- Phòm chớp ngay câu nói đó, bịa luôn: “Khổ lắm, hôm qua vừa khám ở bệnh viện tỉnh, họ bảo ung thư giai đoạn gần cuối, thế là sụt sịt suốt, cứ bảo tiền đâu mà đi khám, tiền đâu mà chữa! Chú thấy đấy, ngồi xuống chẳng đứng lên được kia kìa! Tôi cũng sốt hết cả ruột chẳng chú ý đến đường sá, nên mới nên nông nỗi này!!!
Hai chú công an nhìn nhau, hất hàm ra hiệu cho nhau gì đó! Rồi cùng bảo:
  • Bác dắt xe quay lại bùng binh, nổ máy đi vào đường kia, qua 3 đèn đỏ, rẽ trái, rồi rẽ phải sẽ đến viện K.
  Phòm cám ơn rối rít. Quay xe, nghe thoảng câu: “Suýt nữa thì rách việc!!!”.Khi hai vợ chồng đã trên xe, Phòm bảo: “Bà thấy không, công an thủ đô thế chứ, ai nỡ phạt người ốm. Họ phạt, bà ngất ra đấy, họ phải liên lụy thì có mà mất chức, thậm chí mất luôn vị trí đứng ngoài đường ấy chứ!!! Họ còn bảo trông xe cho bà đi vệ sinh đấy, tử tế thế là cùng!
  Đang phơi phới, đang lâng lâng, bỗng “Uỳnh”, Phòm đâm vào một chiếc Méc-xê- đéc màu đen, biển số năm số 8 từ ngõ đang lùi ra. Móp cánh cửa ô tô. May Phòm đi chậm, xe Phòm đổ kềnh ra đường. Một ông béo tốt, mặt vuông, đầu trọc, mở cửa xe hầm hầm bước ra: “Đồ nhà quê, đi đứng thế a… à…” Ông ta há mồm nhìn Phòm đang quằn quại ôm chân kêu to: “Ối giời ơi… gãy bố nó chân rồi!”. Ông béo tốt vội vàng, lập cập mở cửa xe, rú ga, vù thẳng.
  Vợ Phòm luống cuống xoa chân Phòm, dân phố chạy đến xúm xít hỏi. Phòm tập tễnh đứng dậy, bảo “không sao, không sao!” Phòm nổ xe rồi mà vợ Phòm quyết không lên xe, thị lo lắng: “Ông bảo gãy chân cơ mà, ông gãy chỗ nào?” Phòm cúi sang nói nhỏ: “Gãy quái gì đâu, lũ nhà giàu hắn sợ liên lụy tới mình, nói thế cho nó biến đi, chứ cãi nhau phải trái thì có đến sang năm à!”
  Nói đến thế nhưng vợ Phòm quyết không ngồi lên xe Phòm lái nữa, thị đòi đi bộ. Thế là vợ chồng Phòm dắt xe, tung tẩy hết phố nọ sang phố kia, nhất là vào khu phố cổ. Nơi trưng bày đồ chơi trung thu, nơi bày bán áo váy... vợ Phòm cứ hơn hớn như trẻ được quà ngày tết. Nắng thu như cũng dịu dàng, như cũng âu yếm cho đôi vợ chồng luống tuổi, từ quê lần đầu dắt nhau ra phố!
                                                                                      LaHAN
                                                                                                        
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 53
Trong tuần: 563
Lượt truy cập: 423235
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.