Nguyễn Quang
“KỲ CÙNG” MỘT DÒNG SÔNG
Bút ký
Kỳ Cùng…
Ôi Kỳ Cùng!
Một cái tên thật ấn tượng, một ấn tượng làm cho người ta không thể quên, cũng không dễ nhớ, một dòng sông mà ngay lần đầu tiên được đằm mình vào trong vòng tay của nước, của phù sa để rồi gần hết đời người trằn trọc, muốn một lần tìm về nơi ấy. Cái ngày vào cuối năm một chín bảy hai, khi không lực Hoa Kỳ từng tuyên bố: “Không cho Bắc Việt còn một nửa viên gạch lành…”, tôi đã bơi qua sông, qua khúc cua bên này là Đình Bảng, bên kia là bản Bảm, một bản Tày nằm ép mình vào bờ sông thơ mộng để vượt ra Bãi Đá mà qua cầu Kỳ Lừa vào thị xã Lạng Sơn ngày ấy và là thành phố Lạng Sơn hôm nay.
Cái tên, chỉ một cái tên thôi, làm cho người ta muốn đi tận cùng của thời gian, của không gian để tìm đến thượng nguồn hay tìm về hạ lưu dòng chảy. Muốn được ngồi thật lâu trên tảng đá “hình đầu người” dưới chân cầu Kỳ Lừa nơi bờ Nam mà nhoài mình ra mặt nước, mà mơ tưởng, mà hẹn hò, rồi nhung nhớ đến khôn nguôi. Nhớ Tuần Tranh thời Trần, tuẫn tiết để tự giải oan cho mình bị vu cáo ô dâm, chứng minh đời quan thanh bạch. Để rồi câu chuyện huyền thoại của ngàn xưa nhưng xem ra như chỉ mới hôm qua của “ông Dài - ông Cộc”, sau cái thiện, cái ác để bị đày ải đến tận “kỳ cùng” non nước, mang cho dòng sông một cái tên “Kỳ Cùng”. Xa bên kia cầu nơi phía Bắc, trên một dải đất là ngôi đền mà trong đó chỉ có một chiếc chuông đồng đã sứt tai bị xích lại bằng một sợi dây xích hoen rỉ. Cũng chẳng ai biết chiếc chuông bị xích từ bao giờ, từ đời nào, đã có mấy trăm năm, nhưng mấy đời người đều truyền miệng để lại đời sau là xích chặt cái ác, cái ác của thuồng luồng, cũng là cái ác ẩn sâu nơi trần thế...
Dòng sông với những khúc cua, ẩn mình vào đá, vào núi, nhô ra giữa phố phường, nhào vào lòng thôn xóm, nhả ăm ắp phù sa cho những nương mía, bãi dâu, đồng ngô vàng óng ánh mỗi mùa nơi cuối hạ nguồn. Để rồi có hai mùa mưa nắng, cho hai con nước khác nhau, một mùa thì lững lờ, xanh thăm thẳm, cho ta nhìn rõ cả những sợi râu tôm, cách mặt nước vài mét, bám vào rìa đá mà tâm tình, trao gửi. Một mùa thì hung dữ tới tận “kỳ cùng” của “nhất thủy, nhì hỏa” lồng lên, vật vã, kéo băng băng cuốn đi những gì còn sót lại của đêm mưa, muốn “gạn đục, khơi trong”, trả lại cho đá, cho đất, cho đời một đầu nguồn luôn e ấp tràn nước đôi bờ.
Trở lại xứ Lạng để được đi trong cái say túy lúy của “bầu rượu – nắm nem” ngày xưa và cái hương vị cuộc sống bây giờ. Không biết cái “nắm nem” ngày xưa ấy có giống cái “nắm nem” bây giờ không, nhưng cái ngon, cái ngọt, cái ròn tan cứ đọng lại mãi không thôi. Một bát bún chả đằm sâu vào khói than củi nghiến, bốc lờ mờ lên xung quanh thành bát mà quấn quyện vào không gian chợ, một cái chợ có đủ “thượng vàng, hạ cám” của cả hai vương quốc “ta - tàu”. Chị bán hàng tên Thanh, Bế Thị Thu Thanh đưa tôi về một vùng quê bằng bát bún chả đến mềm môi, mềm lưỡi của cái xứ sở “mắc mật” đang ra hoa trắng nguyên sơ tràn lối phố phường. Miệng cười qua nàn khói than trên chậu nướng chả mới hể hả làm sao? Có lẽ chẳng có cái cười nào mang nhiều cảm xúc đến vậy khi ta đưa những sợi bún ép bằng khuôn gỗ của đồng bào Tày lên miệng: “Anh cứ ăn đi, ăn đi rồi sẽ hiểu được “nắm nem” ngày xưa và “nắm nem” bây giờ. “Nắm nem” ngày xưa anh ăn qua thơ, qua ca dao, qua lời ru của mẹ, của bà, còn “nắm nem” bây giờ anh ăn trên bát bún chả của em, của tấm lòng xứ Lạng. Hai cái ngon, cái ròn nó giống nhau như hai giọt nước mà nó cũng lại khác nhau hoàn toàn. Một cái ngon bắt đầu từ não, từ óc con người, từ cách ngẫm nghĩ mà suy đoán, còn một cái ngon bắt nguồn từ vị giác, khứu giác và thị giác, bằng giá trị thật của cách chế biến ẩm thực nơi biên thùy…”.
Ồ lạ nhỉ, nghe một chị bán bún chả nói chuyện, giải thích mà tôi đang ngỡ ngồi trong giảng đường của trường đại học nhân văn nào đấy, được nghe bà tiến sĩ hay giáo sư văn học thuyết trình và thậm chí còn hay hơn cả thế…
Nhấp nhửng đã bao nhiêu lần tìm về “Kỳ cùng một dòng sông” để mãi bốn giờ sáng hôm nay tôi mới lên đường sau những ngày lang thang trên đất “Hà thành”, từ “Thành ốc Cổ Loa”, rồi tha thẩn bên những vườn khế cơm Gia Lâm hay vùng đất sét Bát Tràng... Qua một đêm trăn trở, dự tính trong đầu đường đi, nước bước, tôi thẳng đường quốc lộ 1A từ thủ đô Hà Nội, cùng chiếc xe Hon đa hiệu CM, ngược lên Hữu Nghị quan. Tôi quyết giành cho mình một chuyến đi bằng tay, bằng chân và bằng mắt, rồi bằng cả cái đầu để suy ngẫm mà đón nhận hay cảm nhận. Đường nhiều xe ngược chiều, nhưng xem ra trật tự, chẳng có ai đi xe máy cùng chiều, ngoài những anh chàng thợ thịt lai lợn xuống chợ sớm phóng vèo vèo. Chỉ mất gần hai giờ đồng hồ khi trời tang tảng sáng, tượng đài ải Chi Lăng hiện ra, đây cũng là điểm đầu tôi muốn được dừng chân, được chiêm nghiệm.
Thế mà đã hơn ba mươi năm xây dựng công trình tưởng niệm này nhân kỷ niệm lần thứ 555 năm trận chiến đi vào lịch sử, tháng 11 năm 1427. Một cửa ải mà tôi đã nghe, đã đọc, đã đi qua nhiều lần nhưng rồi mãi đến hôm nay bàn chân tôi mới được đặt chính thức lên đất “ải”. Hai dãy núi đất Bảo Đài, Thái Hòa ở phía Đông và dãy núi Kai Kinh ở phía Tây như được ai ép lại làm nên một thung lũng có chiều dài hơn lăm cây số và chiều rộng có lẽ cũng gần ba cây số, một cửa ải đầy tiếng gươm đao, trận mạc. Mắt tôi như hoa lên trong trận chiến chống quân Minh, như nhìn thấy Lê Sát chém cụt đầu Liễu Thăng để tướng tài phía Bắc một thời nay hóa đá và mười vạn tinh binh ngoại xâm đã quỳ gối xin hàng tại Xương Giang. Lời “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi lại âm vang đâu đó... “... Ngày mười tám trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm lăm Bá tước Lương Minh đại bại tử vong
Ngày hăm tám Thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn...
... Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng
Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước
Ghê gớm thay!
Sắc phong văn phải đổi.
Ảm đạm thay!
Ánh nhật nguyệt phải mờ...”
Đâu là núi Hàm Quỷ, đâu là núi Kỳ Lân, núi Phượng Hoàng, núi Mã Yên… chỗ nào là những hố đào “bẫy ngựa” để Trần Quốc Tuấn thể hiện tài thao lược, bài binh bố trận và cũng để Nghê Nhuận một tướng tài nhà Nguyên phải nhận một đại đao không kịp ngáp cho tàn quân bạt vía kinh hồn. Trong thung lũng Chi Lăng này có còn không một thanh đao của nhà Trần, một phục binh dưới hố, chém đứt chân ngựa, tách “ngựa – người” mà tiêu diệt. Núi Mã Yên còn đó, cửa Xương Giang còn đây… Thật khó tin, khó hiểu một thời ông cha ta đánh giặc để phía Nam thung lũng là núi Ngõ Thề, một tên núi như được hình thành từ lời thề non nước. Còn phía Bắc là núi Ải Quỷ như báo hiệu nơi bất khả xâm phạm, nơi “chúng bay vào sẽ không có đường ra”.
Câu thơ của Lý Thường Kiệt, một tuyên ngôn còn âm vang đâu đó: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư…”. Rồi bài “Hịch tướng sĩ” răn dạy con dân đất Việt đến vạn kiếp, muôn đời của Trần Quốc Tuấn: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa cũng xin nguyện làm... Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân Man mà không biết tức, nghe nhạc Thái Thường đãi yến mà không biết căm...”.
Mải suy nghĩ, liên tưởng, một bàn tay đặt vào vai tôi, làm tôi giật mình quay lại, giọng miền Nam ấm mà vọng: “Anh nghĩ gì mà lung thế? Cho tui xin tí lửa…”. Thò tay vào túi quần, đưa cho anh cái bật lửa ga, tôi cũng hóp má, bạnh cằm ra hít một hơi thật dài điếu thuốc đang cháy dở trên môi mà cảm nhận, mà thu nạp một vùng khí thiêng, đất thiêng trong dòng thiêng dân tộc. Rồi tôi quay lại bảo anh: “Không tưởng tượng sao được? Không suy nghĩ sao được? Đây là ải Chi Lăng mà”. Anh bạn đánh rơi cả điếu thuốc, cả chiếc bật lửa ga xuống đất: “Ải Chi Lăng hả? Trời ơi, thế là tui đã đến ải Chi Lăng. Ải Chi Lăng thật hả anh?”. Tôi lại cố rít một hơi thuốc dài, nhìn anh ta tôi xuýt bật cười: “Không thật thì ải Chi Lăng giả à, thật một trăm phần trăm chứ có đùa anh đâu? Anh không nhìn đài kỷ niệm à? Anh từ đâu đến? Tên anh là gì? Anh đi bằng phương tiện gì?”. “Dạ, tui từ trong Bình Phước ra, tui là Quang Thoại, tui đi bằng xe máy. Hôm trước đi ô tô, rồi đi tàu hỏa, ra Hà Nội mượn xe máy của anh bạn lên đây. Nghe người ta nói Lạng Sơn hoành tráng lắm, mà cũng nghe người ta nói Lào Cai còn hoành tráng hơn. Sáng nay khi bắt dô đường Một, tui đã nhìn thấy anh, bắt mãi mà không kịp, anh đi nhanh quá ta, nếu biết chúng mình cùng đi cho dui…”.
Có bạn rong xe, câu chuyện của hai chúng tôi chẳng quen mà cũng chẳng lạ cứ thế bung ra rồi nhân lên với những người cùng ưa “phượt” giữa non xanh, nước biếc, giữa núi rừng trùng điệp và bao địa danh thi sử quê mình. Bởi Quang Thoại cũng thích chụp ảnh, cũng thích viết một cái gì đấy về mỗi vùng đất, vùng người về những huyền thoại, giai thoại trong mỗi bước đường anh đi qua, anh cảm nhận. Chỗ nào là “đỉnh gió ghì cương ngựa”, chỗ nào Phạm Sư Mạnh, một tể tướng đời nhà Trần “ngoảnh đầu nhìn” đất nước yêng hùng. Chỉ một câu thơ thôi đã để lại cho ải Chi Lăng hay Quỷ Môn Quan một địa hình hiểm trở, hùng vĩ đến không cùng trong danh Nam, đất Việt. Và cũng thật tài tình, khi thực dân Pháp xây dựng đường tàu hỏa lên cửa Hữu Nghị Quan đã đặt cái tên ga “Trăm Năm” đúng vào vùng đất “ải”, một cái tên mang ấn tượng đến nghìn đời khi nền văn minh, công nghệ “hơi nước” đi qua. Đây mới là cây số Một trăm linh lăm cách thủ đô Hà Nội, còn cách nơi “nàng Tô Thị” Bốn mươi chín cây số nữa…
Chị Bế Thị Thu Thanh, chủ cửa hàng bún chả cười làm tôi quay lại: “Anh đang nghĩ gì vậy mà không ăn đi nó nguội mất. Anh đi được đến đâu rồi? Lên núi Tô Thị mà ngắm thành nhà Mạc, lên trên biên giới để vào chợ Tân Thanh…?”. Vâng, chúng tôi sẽ đến, sẽ đi, sẽ tận hưởng, tận hưởng đến “kỳ cùng của một dòng sông”. Nhưng bây giờ tôi còn đang nhấm nháp và tận hưởng cái mùi vị đến khó tả của “nắm nem”, một thứ thức ăn, một cách ẩm thực tôi đã ao ước từ rất lâu, có lẽ từ ngày tôi còn nằm trong chiếc võng đay của mẹ. Cái câu “bõ công bác mẹ sinh thành ra em” trong lời ru của mẹ tôi mà mãi đến cái tuổi cuối chiều tôi mới thực sự được tận hưởng. Anh bạn cùng đường Quang Thoại thì cứ hết nhìn tôi và chị chủ quán nói chuyện mà ngơ ngác, thỉnh thoảng anh lại đưa chén rượu ngô lên miệng, chép chép. Rồi anh chu môi: “ngon, ngon thật – thơm, thơm thật”. Vâng, ngon và thơm, nhưng đừng quên đường về Quang Thoại nhé.
Sáng nay tôi và Quang Thoại bảo nhau vượt qua thành phố Lạng Sơn 28 cây số nữa để được có mặt ở phiên chợ “Đêm không ngủ” Tân Thanh. Một trong bốn cửa khẩu lớn nhất của Lạng sơn là Hữu Nghị, Cốc Nam và Chi Ma. Chợ Tân Thanh được xây dựng bề thế, sầm uất đến khó tin, bên kia là Pò Chài của Trung Quốc, bên này là Tân Thanh, thôi thì chẳng thiếu thứ gì ở cái chợ đường biên này, nó cũng là một chợ lớn nhất trong các chợ đường biên trên xứ Lạng. Ai đời, một bộ com lê “nỡ mốt”, kèm thêm một chiếc cà vạt đỏ lòe có Một trăm bảy mươi nghìn đồng tiền Việt, một chiếc ti vi Hai mươi bảy inh, ngã giá mãi rồi còn có Một triệu ba lăm chục… Thật khó mà mường tượng, nếu không đến, không đi thì chẳng ai tin được…
Tôi với Quang Thoại quay lại chùa Tam Thanh, một ngôi chùa nép mình vào cửa động Tam Thanh dưới chân núi đá để được thanh thản nghe tiếng mõ cầu, nghe tiếng chuông ngân. Ngắm mặt nước hồ thủy mạc trong hang mà nhớ thơ bia của Ngô Thì Sĩ tạc năm 1777:
“Thong thả cưỡi lừa chơi động xưa
Dùng dằng bên động cảnh càng ưa
Suối trong cuội đá đường reo gọi
Núi trước nàng Tô dõi nắng mưa...”.
Hay nhớ bia thơ của Tuần phủ thái bình Đào Trọng Vận viết năm 1924:
“Xanh xanh xanh ngắt chốn thành Tây
Cảnh động này xây lắm vẻ say
Nước non đi về quen bóng hạc
Gió mưa đưa đón thoảng làn mây...”.
Đứng trước cung Tam Bảo, dưới chân tượng đá A- di- đà cao hai mét hai, được tạc trong hang mà suy ngẫm một xứ Lạng xưa, một xứ Lạng hôm nay.
Cuối cùng thì tôi với Quang Thoại cũng tạt vào quán bên đường để được thưởng thức cách ẩm thực bên bờ Kỳ Cùng trong bữa cơm xóm chợ thường ngày. Vẫn là con sông, con sông Kỳ Cùng mà không kỳ cùng đã đưa tôi và Quang Thoại lên tận đỉnh núi Vọng Phu, đứng dưới chân nàng Tô Thị để được ngắm dòng sông cho rõ ràng hơn. Chỗ nào ngày chống Mỹ là kho ngô, kho gạo, chỗ nào là bãi đỗ xe ban ngày khi chưa có lệnh xuôi về phương Nam. Rồi tạt sang bên, tôi như chạm được tay vào bảo vật của thế kỷ Mười sáu, tựa lưng vào thành đá rêu phong hoài cổ nhà Mạc mà nhớ về ngày Mạc Kính Cung xây thành chống lại nhà Lê, nhà Trịnh. Đâu là Nhị Thanh, Tam Thanh, đâu là Quán Hồ, Đồng Đăng, cầu Đồng Mỏ... Hướng nào là núi Mẫu Sơn thuộc huyện Cao Lộc và huyện Lộc Bình, một quần thể “ núi mẹ, núi con” thuộc ba xã của hai huyện, có hai xã đều tên là Mẫu Sơn và một xã Cao Sơn bốn mùa mây phủ. Với tám mươi đỉnh núi quần tụ để đỉnh Phia Po, cao 1541 mét, được gọi là Công Sơn hay Pia Mê cao 1520 mét trở thành mẹ, thành cha… Nơi kéo mây, giăng gió, nơi thả mê cung xuống trần thế để hút hồn đất, thu lượm hồn người. Để cho những công trình người Pháp xây dựng còn đó, với trăm năm tuổi, đã bao lần đổi màu rêu phong xanh, đỏ, tím, vàng...
Rồi cái óc mơ màng đang tìm về đường cũ nơi xưa, cái nơi có một buổi trưa đói lả, ngắt quả mắc mật xanh lè bên hè phố ăn mà bị say nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Nhưng bây giờ, những lọ mắc mật ngâm ớt đã trở thành đặc sản, để cho đĩa thịt chó ủ chấu bằng nồi gang trưa nay có lẽ chẳng thể quên. Bát canh miến rút thơm lừng, cay khe khé mùi thảo quả, đĩa giá đậu ngâm dấm hồi, dấm quế mới khao khát làm sao? Và cũng đã lâu lắm rồi, hơn bốn mươi năm rồi chăng? để cho tôi được ăn nắm cơm nếp đồ lá tím của người Tày Bản Bảm. Những hạt nếp hương mọng lên óng ánh như thủy tinh, khẽ đặt lên môi, khẽ đưa đầu lưỡi dẫn hạt nếp hương ngan ngát ấy vào hàm răng thèm muốn. Nghe tiếng nổ nhẹ mà râm ran bên thành lợi, ngậy, thơm, ngọt và có biết bao mùi vị đặc trưng khác không thể cảm nhận hết đang vỡ tan trong vòm họng. Chén rượu Mẫu Sơn được rót ra từ lọ sành, chai sứ cho ta cái say đất, say người từ khi chưa hề uống. Tôi cứ chun mũi lại mà đón nhận, đón nhận “bầu rượu” của ngàn xưa và nậm rượu Mẫu Sơn hôm nay trong không gian Kỳ Cùng trên non xanh, nước biếc.
Nghe chừng đã thấm mệt, qua đền Mẫu, qua đền Bắc Lệ, đền Kỳ Cùng, chùa Thành, nhà thờ Chánh Tòa, chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa, động Nhị Thanh... Hai ngày chạy xe, hai ngày xuôi ngược, đến tên đất thôi cũng khó lòng nhớ nổi. Thế thì sao không tự thưởng cho mình một đêm đầy thanh bình trên vùng đất thấm đẫm máu ngàn xưa, thấm đẫm địa tầng lịch sử. Tôi và Quang Thoại tìm về khách sạn Hoa Sim, số 2, Hoàng Văn Thụ, Chi Lăng để gột rửa bụi đường và cũng đằm sâu vào nước một dòng sông nơi biên giới. Con sông chảy ngược từ Đông-Nam sang Tây-Bắc, được bắt nguồn từ Quảng Tây, Trung Quốc rồi qua của khẩu Bắc Xa vào đất Việt, nhận thêm năng lượng trên dãy núi mẹ Mẫu Sơn, qua Đình Lập, qua Lộc Bình, ôm đất, ôm đá, ôm những định hình dân cư không biết mệt. Kỳ Cùng đã làm lên những bức tranh “danh bất hư truyền” trong “kỳ cùng” của non nước nơi biên giới, của huyền thoại “ông Cộc - ông Dài”. Qua thành phố Lạng Sơn, qua nơi có “bầu rượu, nắm nem” như ngẩn ngơ trước bao danh nam kỳ bí mà uốn mình trong “say” của nhiều cái say cộng lại. Ghé qua cổng chợ Đông Kinh để được ngoạn du “trên bến dưới thuyền”, ngoạn du trên một dòng sông “xuôi mà ngược”. Dòng nước Kỳ Cùng lại gồng lên mang dáng trẻ trung của vài ba triệu năm tuổi mà lao lên Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định rồi tiếc ngẩn tiếc ngơ xuất ngoại nơi Bình Nghi thấm đẫm sắc màu lịch sử. Lưỡng lự của nước, của sông, của mạch nguồn để làm lên “rốn” nước xoáy tròn, cuộn mình ôm vào vách núi, thả bóng lau hoa chiều bàng bạc vào hoàng hôn tím để nhoài mình mệt mỏi trong đất Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc...
Có kể đến bao giờ cho hết một dòng sông, một dòng sông có lẽ chẳng bao giờ biết “kỳ cùng” trong cái tên Kỳ Cùng tưởng như là bến cuối. Ngồi trong công viên trung tâm thành phố Lạng Sơn, một công viên còn trẻ đến tinh khôi để được thả hồn vào dòng nước đang vượt lên biên thùy ra khỏi tầm kiểm soát, thả tầm mắt vào đại lộ Hùng Vương, tôi và Quang Thoại như nín thở. Tôi biết Quang Thoại cũng như tôi, đang lan man nghĩ về vùng đất, vùng người, về dòng sông có diện tích lưu vực trên sáu nghìn sáu trăm sáu mươi ki lô mét vuông và dài hai trăm bốn ba cây số nơi đất Việt.
Đêm đầu xuân còn giăng giăng hơi lạnh, ánh điện đêm như sáng hơn soi xuống phố xá, soi xuống những biệt thự vờn sương. Thành phố Lạng Sơn có lẽ chưa bao giờ ngủ, từ phố Kỳ Lừa xa xôi khi xưa đến thành phố trẻ mà già giặn, mà năng động hôm nay. Hơi thuốc cứ quánh lại trên môi, có lẽ đêm nay chúng tôi cũng không thể ngủ, hãy thức cùng một dòng sông, cùng một phố núi đã có cả ngàn năm tuổi trong lời ru của mẹ. Thật bất ngờ, chị Bế Thị Thu Thanh, người bán bún chả dắt cháu đi tới: “Các anh chưa về nghỉ sao? Anh đã nhận ra cái mùi vị gì khác của “nắm nem” ngày xưa và “nắm nem” bây giờ chưa? Cái khác ấy là “nắm nem” bây giờ thì mua đâu cũng có, còn “nắm nem” ngày xưa chỉ có được trong ca dao thôi, đúng không anh. Cả cái “ngon ngon thật” của anh nữa, cầm nậm rượu Mẫu Sơn trên tay, nhưng xin các anh đừng say rượu, hãy say cùng đất, cùng trời Lạng Sơn. “Mải vui quên mất lời en dặn dò...” mà. Khuya rồi, các anh về nghỉ đi, sáng mai có xuôi thì qua chỗ em ăn sáng nhé, em sẽ chiêu đãi miễn phí các anh “bún chả nắm nem” để mà nhớ mà thương một dòng sông “xuôi mà ngược”.
N.Q