Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KHÚC BI TRÁNG THỨ TƯ

Vũ Nho

KHÚC BI TRÁNG THỨ TƯ
TÔN VINH CÁC NHÀ VĂN ÁO LÍNH
 (Đọc Khúc bi tráng thứ tư, tiểu luận - phê bình
của Bùi Việt Thắng, Nxb Quân đội nhân dân, 2022)                                                                       

Đất nước ta sống trong hòa bình và xây dựng sau cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và chống Mĩ thắng lợi mùa xuân 1975. Thế nhưng, ngay sau đó chiến tranh vẫn tiếp diễn ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, kéo dài hơn mười năm (1977-1989). Bởi thế nên các tác phẩm viết về chiến tranh, về người lính vẫn nối tiếp nhau xuất hiện trên văn đàn. Đánh giá các giá trị nội dung và nghệ thuật của những tác phẩm này có một phần nhiệt tình và trách nhiệm của giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học. Bạn đọc đã biết đến Sương lại càng long lanh của nhà văn Nguyên An (Tặng thưởng Loại C Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, năm 2021). Giờ đây, bạn đọc lại tiếp cận với một tập tiểu luận, phê bình dày dặn của nhà văn Bùi Việt Thắng, gồm 29 bài viết đã đăng trên báo chí từ năm 2011 đến năm 2021.

Tác giả Khúc bi tráng thứ tư hơn một lần nhắc đến nhận xét của Chu Lai, một nhà văn áo lính: “Chiến tranh là một siêu đề tài, người lính là một siêu nhân vật” để khẳng định đề tài chiến tranh, nhân vật người lính là một nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào, các nhà văn viết mãi không cùng. Là người chuyên tâm theo dõi truyện ngắn và tiểu thuyết, tác giả đã có đóng góp quan trọng về hai loại thể này trong ba tác phẩm được bạn đọc quan tâm: Truyện ngắn – Những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại, Thi pháp tiểu thuyết hiện đại Thi pháp truyện ngắn hiện đại. Cuốn sách chúng tôi đang nói tới tập hợp các bài viết trong khoảng 10 năm lại đây cùng chung một chủ đề - chiến tranh cách mạng và người lính đã đi vào văn chương theo những nẻo lối nào, nó đã tạo nên những giá trị tinh thần thời đại và những bài học nghệ thuật nào?buivietthang

Tác giả có cách tiếp cận vấn đề khá đa dạng và linh hoạt. Có bài viết về nhà thơ – liệt sĩ Lê Anh Xuân (Thi nhân thời đại Cách mạng); có nhiều bài viết về các tác phẩm tiểu thuyết chiến tranh cụ thể; có bài viết về tác phẩm chiến tranh của ba nhà văn nữ (Sắc thái nữ quyền trong trang sách về chiến tranh); có bài viết về hình tượng lãnh tụ trong ngôn ngữ tiểu thuyết; có bài nhấn mạnh quyền uy của tiểu thuyết tư liệu; có bài viết về đề tài biển đảo (Những chiến binh trên biển Đông – về tiểu thuyết lịch sử Hùng binh của Đặng Ngọc Hưng); có bài viết về tác phẩm chiến tranh của  sinh viên Ngữ văn khóa 12, Đại học Tổng hợp Hà Nội (Cây bút và cây súng)…

Tác giả bộc bạch trong Thay lời giới thiệu Khúc bi tráng thứ tư rằng, tính đến thời điểm ra sách, anh đã có tròn 40 năm gắn bó với việc viết lí luận phê bình mà mình say mê, yêu thích. Những bài tuyển trong cuốn này được viết trong vòng 10 năm gần đây (2011-2021) là: “Những bài viết riêng rẽ khi được đưa vào sách giống như các chiến sĩ tập hợp trong đội hình, đội ngũ có cái dáng vẻ nghiêm ngắn, khí thế, hài hòa, giàu năng lượng hành động”.

Cần phải ghi nhận một nỗ lực lớn của tác giả ở chỗ: trong hoạt động phê bình văn học, dường như anh sở trường/chuyên về văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết), nhưng khi cần, anh vẫn có thể viết về thơ một cách thuyết phục, sinh động khi cảm xúc đong đầy. Đó là các bài Thi nhân thời đại Cách mạng, Tên anh đã thành tên đất nước, Anh vẫn hành quân, Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc, Những bản anh hùng ca bằng ngôn ngữ nghệ thuật về Điện Biên Phủ. Ngoài ra, khi cần anh dẫn một câu thơ, một đoạn thơ của Thôi Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi… để tăng sức nặng và vẻ đẹp của câu văn.

Nhà nghiên cứu rất chú ý đến tính chất khái quát khi viết về các tác phẩm cụ thể. Về sắc thái nữ quyền, tác giả phân tích ba tác phẩm của ba nhà văn nữ là Lê Lan Anh, Lê Minh Khuê và Dạ Ngân. Cùng với việc phân tích cụ thể sự khác biệt, tác giả cố gắng cắt nghĩa vì sao ba tác phẩm này lại được anh chọn đại diện cho sắc thái nữ quyền chứ không phải là các tác giả và tác phẩm khác. Thực tế văn học cho thấy, sự lựa chọn nào cũng có mục đích cụ thể.

Viết về chiến tranh, tác giả chỉ ra ba bước trong hành trình viết của các tác giả: Bước thứ nhất là “tả trận” - viết trực diện, cập nhật về chiến tranh. Bước thứ hai là viết sự thật chiến tranh (không né tránh tổn thất, mất mát, đau thương). Bước thứ ba viết về chiến tranh từ một yêu cầu tình cảm cao hơn - hướng tới sứ mệnh hòa giải, hòa hợp dân tộc. Có thể còn phải bàn thảo, trao đổi thêm, nhưng rõ ràng tác giả muốn khái quát từ việc chuyên tâm của một người có ý thức chuyên môn. Bùi Việt Thắng cũng chỉ ra ba kiểu tác giả viết về chiến tranh sau khi đọc, quan sát và suy ngẫm. Kiểu thứ nhất là “Các nhà văn có tài, họ quan sát chiến tranh rất sắc bén, nhanh nhạy, cảm hội chiến tranh bằng trí thông minh”. Kiểu thứ hai là “Các nhà văn lính trận chính cống, chính hiệu. Họ là những người trải nghiệm chiến tranh bằng chính máu xương của mình và đồng đội. Tác phẩm của họ chinh phục độc giả bởi tính chất tươi nguyên, trung thành của chất đời […]. Sự thật trong tác phẩm thường là “sự thật chiến hào” lấm lem bùn đất và thấm đẫm máu xương”. Và, “Kiểu nhà văn thứ ba là lớp “sinh sau đẻ muộn” (thế hệ 7X, 8X, thậm chí 9X). Họ viết về chiến tranh bằng trí tưởng tượng, nhiều suy đoán. Họ viết chiến tranh theo cách hình dung chủ quan” (trang 79 - 80).

Trong khi viết nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học, Bùi Việt Thắng đã đề xuất những gợi ý cho người sáng tác và người đọc tác phẩm viết về chiến tranh: “Không có mô hình con người tốt - xấu hoàn toàn, không có chuyện “ta thắng địch thua”, không có chuyện chỉ có hoan ca, hùng tráng mà có cả bi ai, đau thương, uất hận. Nghĩa là màu sắc, đường nét của chiến tranh trở nên đa sắc hơn. Con người trong chiến tranh được miêu tả cả trên tầm cao và mức thấp, cả chiến công và thất bại của nó trước thử thách khắc nghiệt nhất” (trang 37).

Trong cách trình bày của mình, tác giả tỏ ra mềm dẻo, uyển chuyển. Nhưng có thể thấy rõ sự tự tin khi viết những câu khẳng định kiểu “Tôi nghĩ… tôi cho rằng…tôi thấy… theo tôi…”. Tác giả không ngần ngại và thẳng thắn bộc lộ quan điểm cá nhân: “Nếu được chọn chỉ ba tác phẩm hay nhất viết về chiến tranh được viết sau 1975, chúng tôi sẽ không ngần ngại tiến cử: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, và Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê” (trang 137).

Viết về một nhà văn, Bùi Việt Thắng thường cố gắng chỉ ra “biệt sắc” của các tác phẩm cùng một người viết. Ví dụ trường hợp Chu Lai: “Sẽ có người đặt câu hỏi, liệu Mưa đỏ có đặc trưng cho lối viết tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai ở tuổi bảy mươi? Nắng đồng bằng, như đã nói ở trên, là “tấm giấy thông hành” để Chu Lai bước vào địa hạt tiểu thuyết, ở đó độc giả thấy một sự sục sôi. Nhưng đôi lúc loạng choạng. Ăn mày dĩ vãng được viết vào độ tráng niên. Nên cái gì cũng tràn trề, đôi lúc dư thừa. Nhìn chung là “động”. Mưa đỏ, trái lại là những gì trầm lắng nhất, điềm tĩnh nhất. Có lẽ ở ngưỡng thất thập, nhà văn Chu Lai, theo tôi, đã có vẻ “thiền” hơn. Nghĩa là cái “động” và cái “tĩnh” đã liên đới, liên kết biện chứng hơn” (trang 90). Trường hợp Khuất Quang Thụy, Bùi Việt Thắng đánh giá tiểu thuyết Đỉnh cao hoang vắng thực sự “đã tạo nên một ám ảnh nghệ thuật” và “Đỉnh cao hoang vắng bề ngoài là một tiểu thuyết chiến tranh. Tất nhiên. Nhưng theo tôi, đặt trong bối cảnh văn chương hôm nay thì nó lại nghiêng về thế sự, đời tư, chiến tranh chỉ là cái đường viền mà thôi” (trang 111-112).

Nhiều vấn đề có tính chất quan trọng đối với người nghiên cứu cũng như bạn đọc được lí giải khá thuyết phục như xu hướng viết ngắn, xu hướng hồi kí, quyền uy của tư liệu, triển vọng của tiểu thuyết tư liệu, sự phát triển của “tiểu thuyết cái tôi”, sự trở lại mạnh mẽ của đề tài chiến tranh, sự lai ghép thể loại “kí sự tiểu thuyết” của nhà văn Ma Văn Kháng…

* 

Mười năm không phải là thời gian dài. Nhưng trong thời gian đó, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã làm việc say sưa, không ngừng nghỉ với đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Tất nhiên, có những lí do chung và riêng như tác giả đã giãi bày, chia sẻ. Nhưng thủy chung với đề tài, viết say sưa không mệt mỏi, càng viết càng thành công như Bùi Việt Thắng là hiện tượng hiếm có, đáng mừng. Nghĩ cho cùng, những tác giả được nói đến trong sách, họ trước hết cầm súng chiến đấu. Rồi duyên nợ văn chương mới thôi thúc họ cầm bút viết văn. Tác phẩm của họ, dù thế nào vẫn được bảo chứng bằng chính máu của họ và máu của đồng đội. Vì vậy phê bình, giới thiệu tác phẩm của những người đáng quý, đáng trân trọng và đáng khâm phục như vậy là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa để bảo tồn “kí ức lương thiện” của dân tộc.

Chúng tôi tin vào niềm hy vọng của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng, khi anh viết: “Hy vọng cùng với sự nỗ lực của chúng tôi, sẽ có nhiều tác phẩm nghiên cứu – lí luận – phê bình văn học khác của đồng nghiệp văn chương cùng tôn vinh vẻ đẹp hình tượng Bộ đội Cụ Hồ như một biểu tượng Việt Nam thời đại cách mạng giải phóng dân tộc” (Thay lời giới thiệu Khúc bi tráng thứ tư, trang 7)./.                                                                                   

V.N 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 53
Trong tuần: 562
Lượt truy cập: 423263
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.