Nguyễn Nhuận Hồng Phương
KHÔNG ĂN THỊT CHÓ NỮA
Y tuyên bố xanh rờn:
- Từ nay tớ không ăn thịt chó nữa!
Điều đó làm cho cả bọn ngạc nhiên. Một “môn đệ” trung thành với món khoái khẩu bây giờ tuyên bố “ly khai”, không khác gì như con chiên sùng đạo rời khỏi đức tin của mình là sự không bình thường. Từ trước đối với y, món thịt chó đã trở thành nỗi “đam mê”. Đến nỗi, y có thể ăn thịt chó bất kể lúc nào, không kiêng kỵ đầu năm hay mùng một, mùng hai đầu tháng chi cả. Ngay cả mắc việc đi xa, về gần, bằng phương tiện ô tô, tàu hoả, xe máy hoặc máy bay tàu thuỷ... nhưng nếu có thịt chó y vẫn ăn.
Y nói:
- Đến mấy chú người Tây, nghe tớ nói đấy là “cầy” săn được ở trong rừng, chế biến theo kiểu việt Nam vừa ăn vừa khen nức khen nở.
- Cậu nói khoác! Những nước văn minh người ta coi chó là bạn, ai ăn? - Một thằng trong bọn cãi.
- Cậu hơi lầm đấy! Cậu bảo Hàn Quốc có là nước văn minh không? Đệ tử của nền văn minh Hoa Kỳ nhé! Thế mà món thịt chó còn được đóng hộp hẳn hoi nghe chưa? Có nhà máy sản xuất theo dây chuyền hiện đại đàng hoàng! Tám đô la một hộp! Mà cậu biết tám đô la là bao nhiêu tiền Việt không? Ngót hai trăm nghìn đấy! Một thằng ăn một hộp còn thòm thèm. Lấy đâu ra vài trăm nghìn, dăm thằng ăn toái loái như ở Việt Nam ta? Này! - Y chận chộ - Nhưng bên đấy họ không làm món chả nướng hay dồi lòng như ta. Thịt chó mà thiếu hai món ấy thì chán chết được! Đến dân gian truyền miệng còn phải dùng văn chương thổi hồn vào nữa là... - Rồi y cao giọng đọc - Sống ở trên đời không ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ hỏi biết có hay không?
Điều y nói ra có thể do bốc đồng. Nhưng chuyện sành thịt chó thì không ai trong bọn phủ nhận. Y có thể thao thao kể ra các loại thịt chó khắp các nơi.
Nào là thịt chó Nhật Tân, thịt chó Hàng Lược, thịt chó Yên Viên, thịt chó Nghĩa Lộ, Lai Châu; thịt chó Việt Trì, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái…
- Nhưng - Y nói - Quan trọng nhất vẫn là người chế biến và nấu. Khỏi cần tận mắt nhìn. Chỉ cần ngửi mùi “nhựa mận” tớ đã biết có bị đun quá lửa hay không! Đĩa thịt hấp bưng lên, xem thớ thái, tớ đã phán được con chó ấy bao tháng tuổi, già hay non, tơ tít hay quá thì? Thoảng hơi nướng mình đã biết tụi nó nướng chả và quay dồi lòng bằng than củi hay áp chảo gang? Các cậu biết không? - Y giảng giải - Ở mình thì chê chó đen, thích chó vàng. Nhưng mấy anh “Tàu khựa” lại thích nhất chó đen, mà phải là đen tuyền “nhất hắc, nhì hoàng, tam lang, tứ đốm...”. Ấy, cái “anh người Tàu” tinh lắm nhé! Cùng một loại nhưng cũng phân hạng. Chó thích chó đen, mèo thích mèo đen, gà thích gà đen, ngựa lại thích ngựa bạch... Không “úm ba la” như ta đâu!
Nghe y nói, trong bọn thằng nào đều ứa nước miếng, và độ thính nhạy của mũi đứa nào, đứa nấy cũng tưởng tượng ra mùi ngạt ngào, quyến rũ ở nhà hàng “cầy tơ bẩy món” cùng với mùi mắm tôm chanh thơm lừng lựng...
- Nhưng ăn thua gì! - Y nói khi cả bọn kéo đến nhà hàng, ngồi quanh mâm và thấy một đứa trong bọn khen tấm tắc miếng dồi nướng - Tại các cậu chưa được ăn món: “gan cuốn mỡ chài gói lá na” ở Nghĩa Lộ đấy thôi. Cứ gọi là mê tơi! Dồi ở đây gọi món ấy bằng “cụ tổ”!
Nghe y nói, tất cả bọn im thít! Nào ai đã được nếm món ấy đâu mà biết!
- Còn món “Cẩu chầu long môn” nữa! Có nói chắc các cậu cũng không hình dung ra. Đại loại thế này - Y đặt chén rượu xuống chiếu, cầm đôi đũa lên diễn giải - Na ná như người da đỏ nướng hươu, nai ấy! Chó được mổ moi, nhét gia vị vào bụng, than củi đốt rừng rực phía dưới. Mà các cậu biết nhà hàng quay bằng phương tiện gì không? - Y hỏi, rồi tự trả lời - Bằng người! - Thấy mọi người sững lại ngơ ngác vì chưa hiểu, y cười phá lên - Hai nữ tiếp viên xinh đẹp ngồi quay “maniven” như các bà, các chị vùng xứ Kinh Bắc quay tơ dệt lụa; còn một nàng nữa, tay cầm xiên nhọn, tẩm vào bát nước gia vị, chọc cho thịt chó nục nhừ. Hơi lửa bốc, môi, má các nàng hồng rực, mồ hôi đấm đìa, quần áo mỏng dán sát da, thân thể lồ lộ trông chẳng khác gì một thủa hồng hoang... Mà này! - Y hạ giọng - Không biết các cậu thế nào, chứ mỗi lần ăn thịt chó xong, tớ thấy trong người cứ rậm rà rậm rật... Đêm, bà xã mình lại ca cẩm: “Hôm nay lại thịt chó rồi phải không?”.
Mê thịt chó và thịt chó tác dụng là vậy, mà bây giờ bỗng dưng y tuyên bố không ăn nữa, hỏi ai không ngạc nhiên? ***
Ngoài cái thú ẩm thực thịt chó ra, y còn một thú tiêu khiển nữa là bắn chim. Y có một khẩu súng hơi 9kg, kỷ niệm hồi du học ở Tiệp Khắc. Thi thoảng hắn đeo súng, cưỡi xe phân khối lớn đi du hí xa. Tôi chắc y bắn tồi, vì mỗi lần đi không thấy xách chim đem về. Tôi trêu:
- Cậu doạ chim chứ săn bắn gì!
- Tớ đi tiêu khiển là chính.
Một sớm, y cưỡi xe “Beo 350” đến rủ tôi:
- Đi bắn chim với tớ.
Ra khỏi ngoại ô, chúng tôi ngược lên phía Bắc. Gió cuối thu lùa sương lạnh táp lên mặt kính mũ bảo hiểm rỏ thành giọt. Làng xóm thưa thớt, thi thoảng mới gặp một phố nhỏ hay một xóm nằm kề đường xe chạy. Xa xa, sương giăng màn, những con đường đất đỏ mờ ảo dẫn lên khu dân cư trên đỉnh đồi. Những ngôi nhà tầng, chóp nhọn hoắt, cao vút, ẩn trong sương mờ, ngỡ như tòa lâu đài trong truyện cổ tích. Lưng đồi, từng nương chè kẻ ô, khoe cánh áo mướt mát màu xanh lục, lấp lánh ánh ban mai, điểm vào đó, một vài cây đào, mận, cành khẳng khiu, lơ thơ lá, đứng khơ khấc đợi mùa xuân về. Dưới thung sâu, ruộng bậc thang trải dài như vỏ trai xếp lớp, vẽ vòng, trông như bức tranh hoàn chỉnh về một miền sơn cước.
Hơn chín giờ, y cho xe rẽ vào con đường đất màu gan gà dẫn lên cánh rừng thông nhân tạo. Gió thổi, lá thông ngân thành tiếng; dưới nền đất, trên thảm cỏ xanh, vương đầy lá úa và lăn lóc những quả thông rơi màu gỗ úa. Không khí se se, trong lành, cảnh quan sạch, thoáng đãng, làm tôi nhớ tới những cánh rừng xứ ôn đới. Xe dừng lại trước căn nhà nhỏ gần bìa rừng. Y xuống xe bảo tôi:
- Đến rồi!
Từ trong nhà, một thằng bé chừng hơn mười tuổi chạy ra. Theo sau nó là một đàn chó gié (loại chó y thích ăn thịt nhất) nhanh nhách sủa đuổi khách. Thằng bé quay lại, vung chân đá, quát:
- Thôi! - Đàn chó chạy giật lùi, miệng im bặt.
Thằng bé, mắt lơ lá, một tay thọc lỗ mũi, một tay chìa ngửa ra:
- Năm nghìn tiền trông xe.
Người bạn tôi trả tiền, mở cốp lấy chiếc ống nhòm khoác lên người rồi dặn nó:
- Nếu chốc nữa nắng, lấy chiếu che cho bác cái xe cháu nhé.
Hai đứa tôi đi bộ ra khỏi cánh rừng, băng qua con suối cạn đến một khu vực trông như trang trại nằm trên trảng đồi thấp, sát gần chân dãy núi đá vôi. Xung quanh trại, chôn cọc bê tông, buộc rào dây thép như để đánh dấu địa phận và ngăn trâu, bò hơn là phòng trộm. Khi đến gần cổng vào, gió lùa vào mũi mùi hôi nồng nặc. Khó chịu, tôi khạc nhổ:
- Mùi gì mà hôi như mùi chó?
- Thì đây là trại chó mà lại!
- Trại chó? - Tôi sửng sốt hỏi lại.
- Cứ đi rồi sẽ biết! - Y trả lời rồi rút trong túi một chiếc băng khẩu - Đeo vào!
Đeo khẩu trang mùi bớt dễ thở hơn. Tôi theo sau đi vào. Có vài dãy nhà chạy dài, xây kiểu chuồng trại. Y giải thích:
- Trước đây là trại chăn nuôi lợn và gà của nông trường. Bây giờ bán lại cho một tay lái chó. Hắn cải tạo, mở thành trại nuôi chó.
- Nuôi chó nghiệp vụ à? - Tôi tò mò.
- Không! - Y lắc đầu - Chó thịt!
Ô hô! Từ cha sinh mẹ đẻ tôi chưa nghe thấy ai mở trại nuôi chó thịt bao giờ!
Như để trả lời nỗi tò mò của tôi, trên đường đi, lông chó như trải thảm, bám đầy trên tường, ở các cành cây trồng xung quanh trại; bay lơ lửng trên không trung... Hai bên, từng ô chuồng, tường gạch xây thấp, phần trên giăng lưới mắt cáo; từng đàn chó to, mỗi con ước chừng trên hai mươi kg; lông màu vàng ghếch mõm lên tường, đầu hướng về phía những nhân viên mặc quần áo xanh lá cây, mặt mũi bịt kín, xách xô thức ăn đổ vào máng ăn như chăn lợn. Tôi hơi lạ, là tại sao lũ chó không rít rả, ẩy tranh nhau, mà ngoan ngoãn sục ăn một cách hiền lành. Thấy người đi qua, chúng thờ ơ, không gầm gừ, không sủa. Hình như chúng được thuần hoá để quên đi những đức tính và chức năng nhạy cảm vốn có của loài chó? Tuy vậy, có lúc có con nhe nanh trắng nhởn gầm gừ với con bên cạnh, nhưng chỉ thoáng qua rồi lại vục mõm xuống ăn vội vã.
Người bạn bảo tôi:
- Đây là khu chó nuôi vỗ, chờ ngày xuất chuồng. Hôm nay đầu tháng, chưa đến kỳ xuất. Vài hôm nữa ấy à? Vui như trẩy hội. Từ sáng đến tối, “lái chó” kìn kìn từ các nơi đổ về. Mỗi hôm trại xuất đến vài tấn... - Y chỉ tay - Khu trong là khu chó choai; trong nữa chó con; trong cùng là nơi phối giống, thụ tinh nhân tạo...
Chúng tôi đi giữa hai dãy nhà chạy dài vào cuối trại. Phân biệt giữa các hạng chó bằng cách nuôi và chăm sóc: Từ chó to đến chó nhỏ, phân lớp, chia hạng: Lũ chó choai được chăn nuôi ở chuồng thấp, chia ô, lốc nhốc chừng vài ba chục con trong một khoang. Đến nữa là lũ chó con. Điều đặc biệt là chúng giống hệt nhau, bằng chằn chặn, như cùng một khuôn đúc ra. Chúng kêu nhanh nhách, giơ những cái đầu tí xíu lên, lúc lắc mõm ngây thơ quờ quạng, mũi hà hít đánh hơi theo hướng đi của người. Tôi hỏi:
- Cha nào nghĩ ra trò kinh doanh này cũng “ác chiến”.
- Cơ chế đẻ ra chứ thằng nào nghĩ ra được! Kinh tế lắm! Thời buổi văn minh, thịt chó càng giá trị mà.
Chợt tôi hỏi:
- Vậy sao ông không ăn thịt chó nữa?
Y dừng lại, trợn tròn mặt nhìn tôi như người trên trời rơi xuống:
- Thế từ nãy cậu không phát hiện thấy cái gì à? - Y hỏi lại.
- Không! - Tôi ngơ ngác.
- Cậu nhìn lại xem, có thấy con nào cũng bị mù cả không? Chúng nó đâm chó mù mắt, chọc thủng nhĩ tai để nuôi cho chóng lớn, mau xuất chuồng và có xổng ra cũng không chạy được!
Tôi nhìn vào chuồng, những con chó mù giương đôi mặt vô hồn nhìn lại.
N.N.H.P