Vũ Nho
CÁC HỌC GIẢ NƯỚC NGOÀI NÓI GÌ VỀ THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG?
(Qua “Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc tế” tập 1, Nxb Nghệ An 2022)
Nhân dịp UNESCO vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương, ngày 4 tháng 12 năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế. Có 107 tham luận được in trong kỉ yếu. Đáng chú ý có 8 tham luận của các học giả nước ngoài từ Slovakia, Rumania, Hoa Kì, Công Gô, Pháp. Có 2 tham luận của người Việt nhưng nghiên cứu ở nước ngoài là GS.TS. Ngô Thanh Nhàn (Đại học Temple, Hoa Kì) và TS. Phạm Trọng Chánh ( Viện Đại học Paris Sorbonne). Thông tin của Hội thảo cho biết thơ của Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng là: Anh ( 9 bản dịch), Ba Lan, Bungaria, Đức, Nga, Pháp ( 9 bản dịch), Phần Lan, Rumainia, Séc, Slovakia, Tây Ban Nha, Hán ( 2 bản dịch).( Kỉ yếu tập 2, tr.238 – 242). Theo tham luận của thạc sĩ Nguyễn Thị Sông Hương ( Paris, Pháp) thì số bản dịch tiếng Anh là 11, tiếng Pháp là 12. Còn thêm 3 thứ tiếng là Hàn Quốc, Nhật Bản và Hindi ( Kỉ yếu tập 1- viết tắt KY1, trang 190 – 193).
Chúng tôi xin trình bày tóm tắt những đánh giá về thơ Hồ Xuân Hương cuả các học giả nước ngoài.
Trước hết phải chú ý đến tầm vóc của thơ và tác giả Hồ Xuân Hương. Hầu như các tác giả đều thống nhất một điểm rằng bà là một trong những nhà thơ hàng đầu Việt Nam, hàng đầu châu Á, và cũng là hàng đầu thế giới. Hơn nữa, một số người còn cho hiện tượng của bà là “độc nhất vô nhị”. Chẳng hạn đây là đánh giá của nhà thơ, nhà ngoại giao Rumania về Hồ Xuân Hương:
“Tôi mừng vì đã dịch và xuất bản bằng tiếng Rumani những bài thơ có giá trị đặc biệt c ủa một nhà thơ độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Hồ Xuân Hương là người có chí cao, là người có văn hóa, là học giả chân chính, người đi trước trong sự phát triển của thơ ca, văn học nghệ thuật nhân dân, là Nữ sĩ tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ, người đấu tranh nâng cao vị thế phụ nữ ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tôi rất ngưỡng mộ bà ấy” ( KY1, tr 138).
Ở một bài viết khác, tác giả mong muốn “quảng bá một cách xứng đáng cho một tài năng xuất chúng và giá trị thơ ca mang tầm nhân loại” (KY1, tr 135)
Bà Eva Antoshchenco Muckova, người dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Slovakia thì viết: “Trong những câu thơ có âm điệu gợi tình, đầy châm biếm và mỉa mai, hay trong những bài thơ trữ tình, nữ thi sĩ đã để lại một kho tàng văn học cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX thăng hoa, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới” (KY1, tr. 114).
- John Balaban người dịch thơ Hồ Xuân Hương xuất bản ở Hoa Kỳ viết : “Bà viết về cả những điều mà các nhà thơ khác không dám làm. Thơ Hồ Xuân Hương độc đáo, hiếm có; mang đậm bản sắc Việt Nam, có sức lan truyền rộng rãi trên thế giới. Bà là một nhà thơ đẳng cấp thế giới” (KY1, tr.121)
Cũng một tinh thần đề cao như thế, Lady Borton, người từng viết 2 cuốn sách về Việt Nam xuất bản ở Mỹ ( Cảm nhận kẻ thù và Tiếp theo nỗi buồn), đánh giá: “Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường; và cũng như mọi nhà thơ khác, Bà là một hiện tượng độc nhất vô nhị. Nhưng bà không đơn độc vì cuộc đời và sự nghiệp thi ca của Bà hẳn đã neo vào dòng phả hệ những nữ thi sĩ Việt Nam tiêu biểu như là những người thầy” (KY1, tr. 314).
Các nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá rất cao về nội dung độc đáo, tiến bộ của thơ Hồ Xuân Hương. Thơ của bà làm cho bạn đọc thế giới kinh ngạc vì tính tiên phong, vượt trước thời đại, kể cả các tác giả phương Tây về vấn đề tình dục trong đời sống con người. M.D. Frenier (Hoa Kì) viết:
“Ở phương Tây tôi biết không có nữ tác giả nào tương tự như Hồ Xuân Hương hoặc có tầm vóc như bà trước thời hiện đại… Nữ tác giả phương Tây đầu tiên có thẻ sánh với Hồ Xuân Hương là Colette của Pháp vào đầu thế kỉ. Nhưng phải đợi đến thập niên 70 của thế kỉ XX này, các nữ thi sĩ và tiểu thuyết gia phương Tây tại Anh, Pháp, Mĩ mới đụng đến những chủ đề này một cách linh hoạt và mạnh mẽ như Hồ Xuân Hương. Và cũng cần ghi nhận rằng, trong khi các nữ sĩ này chưa trải qua thử thách của thời gian, thì Hồ Xuân Hương đã trải qua rồi” (KY1, tr. 271).
Nhà thơ Lupeanu(Rumania) coi Hồ Xuân Hương sánh ngang với nhà văn Rabơle của Pháp thời Phục hưng. (KY1, tr.197).
- John Balaban phát hiện điều kinh ngạc nhất của thơ Hồ Xuận Hương chính là mỗi bài thơ đều có hai nghĩa song trùng.
“Nhưng, sau cùng, sự thực gây kinh ngạc nhất chính là: một phần lớn các bài thơ của bà – mà mỗi bài là một kiệt tác viết theo thể thơ Đường luật- đều chứa đựng hai nghĩa song trùng. Mỗi bài ẩn giấu trong chính nó một bài thơ khác với ý nghĩa dục tình. Trong những bài thơ này, chúng ta có thể thấy một cảnh quan của ba mỏm đá, hoặc hang đá, hoặc cảnh dệt vải- thoi đưa, hoặc các vật như cái quạt, trái cây, hoặc thậm chí là con ốc nhồi – nhưng ẩn chứa trong tất cả các tuyệt tác thơ Đường luật của bà là một thiết kế dục tính có chủ đích, có khả năng tự bộc lộ qua cách nói giễu cợt và tính song nghĩa đầy hình ảnh trực quan. Không có nhà thơ nào khác dám làm điều này” (KY1, tr. 123). Cũng một tinh thần như thế, Constantin Lupeanu ( Rumania) đánh giá “ Giọng thơ rất giản dị, diễn đạt rõ ràng, nhưng đa số là thể hiện hai ý. Sự mơ hồ này cho phép bà diễn tả cuộc sống thầm kín của người phụ nữ, những tâm tư thầm kín nhất, tình yêu tự do, mưu cầu hạnh phúc, kể cả sự khích lệ xác thịt, dục vọng” (KY1, r. 197).
Đánh giá về khả năng ngôn ngữ siêu việt của nhà thơ Hồ Xuân Hương, nhà thơ, dịch giả Lupeanu (Rumania) viết : “những bài thơ của bà không giống bất cứ thứ gì có sẵn từ trước, không bắt chước, thế giới, thiên nhiên, mà tự nó tạo thành một thế giới khác, tự nhiên, tốt đẹp hơn. Nhà thơ như một nhà ảo thuật, người tri giác một cách tài tình cái bí ẩn hiện sinh. Bà ghi lại một cách ấn tượng, sau đó khuếch đại nó lên vũ trụ, lên siêu việt. Bằng cách này, thơ của bà thường xuyên dâng trào ý tưởng, trong giấc mơ có sự thực tế, hình ảnh trở thành biểu tượng, tự sự trở thành ngụ ngôn và thần thoại” (KY1, tr 136).
Nói về sức hấp dẫn, lôi cuốn của thơ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Công Gô Henri Lopes (Phó Tổng giám đốc phụ trách quan hệ đối ngoại của UNESCO) viết : “ những vần thơ tinh tế cùng những lời đố diễn giải những tinh hoa của một nền văn minh nơi thơ nàng được gieo mầm: đó là sự tinh xảo của những nét cọ, sự thanh thoát của những ngón tay vũ nữ thiên thần…[…] Và thêm một lần tôi nhấn lại, những vần thơ này không cần lời dẫn giải. Xin cứ lật giở từng trang, đến với Hồ Xuân Hương, bạn sẽ không muốn rời những ngón tay mền như lụa của nàng” (KY1, tr. 206 -207).
Rian Ristat ( nhà thơ Pháp) thì coi Hồ Xuân Hương đã sử dụng “ngôn ngữ kép” thể hiện bằng cách qua con đường vòng để ám chỉ sự luyến ái hoặc hành động luyến ái. […] nơi mọi thứ đều có thể là điều khác nhưng cùng lúc lại vẫn là chính nó”. Ông kết luận “ những bài thơ được tuyển chọn ở đây, sự táo bạo khiến chúng ta khâm phục. Trong cuộc đấu tranh của phụ nữ qua nhiều thế kỉ, tác phẩm của Hồ Xuân Hương là một ngọn hải đăng” (KY1, tr. 243).
Nhà thơ Rumania Lupeanu có cách ví von độc đáo về thơ của Hồ Xuân Hương. Ông viết : “Tất cả đều có những diềm thơ hiếm có, bao gồm một giá trị không thể nào sánh được và những sắc thái bí truyền đáng chú ý và đáng ngạc nhiên. Và ở khắp mọi nơi, người đọc bị quyến rũ bởi một món ngon vô song” (KY1, tr 137).
Có thể nói rằng các học giả nước ngoài đánh giá rất cao thơ Hồ Xuân Hương.
Tất nhiên, như chúng tôi nhận định : “Các tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của bà không quá nhiều. Đã thế lại có nhiều chỗ mờ hoặc khiếm khuyết, mặt khác lại có những tài liệu mâu thuân nhau, mỗi người một phách” ( Vũ Nho - Hồ Xuân Hương đời và thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2022, trang 5). Bởi vậy các học giả nước ngoài có các ý kiến khác nhau một số chi tiết là bình thường. Có người chưa cập nhật nên vẫn cho rằng chưa rõ năm sinh năm mất của bà. Có người cho rằng bà ba lần lấy chồng gồm ông Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh Tường và ông Trần Phúc Hiển. Có người cho rằng số thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương có 25 bài, người khác 50 bài, người khác nữa 84 và khác nữa 148 bài. ( KY1, tr. 116). Có điều này vì ở Việt Nam, số lượng thơ Nôm truyền tụng, của Hồ Xuân Hương cũng không được thống nhất. ( Kiều Thu Hoạch 84 bài, Lê Trí Viễn 37 bài, Đào Thái Tôn 26 bài, Vũ Nho 33 bài, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An 91 bài). Những điều đó không ảnh hưởng đến việc đề cao giá trị thơ của Hồ Xuân Hương.
Cũng cần nói thêm rằng, trên đây, chúng tôi trích trực tiếp tham luận của các học giả nước ngoài. Bạn đọc có thể xem một số tham luận của các tác giả : Nguyễn Khắc Phi, Trần Thị Phương Phương, Đinh Trí Dũng - Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Lê Thanh Hà, Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Thị Sông Hương để biết thêm các học giả Nga, Trung Quốc, Pháp, Mĩ đã viết gì, nói gì về thơ Hồ Xuân Hương.
Hà Nội, 4/1/2023
V.N