Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HÁT TỪ PHAN XI PĂNG (KHÚC XIV)

Lê Tuấn Lộc
 
KHÚC 14
HÁT TỪ PHAN XI PĂNG
 
CÁT CÁT
 
Cát Cát!
Suối gầm thăm thẳm
Thông cao ngất ngư
Cối giã gạo thậm thình
Dê rừng leo thoăn thoắt.
 
Cát Cát!
Cầu treo chông chênh
Mây trôi bồng bềnh
Cô gái Hmông gùi ngô đi về đâu hoàng hôn.
 
Cát Cát!chamomile_live_wallpaper_4
Lá rừng thì xanh
Hoa rừng thì tím
Ta đơn côi đại ngàn
Cây trùng trùng bè bạn.
 
 
Cát Cát!
Nhà sàn tít trên cao
Đường mòn hun hút sâu
Đường về xa lắc lắc.
 
Cát Cát!
Đi mãi không hết chiều
Leo mãi không hết rừng
Nước tung cho trắng suối
Măng non, non cả chiều.
 
Sa Pa, 3/8/2007
 
HÁT TỪ PHAN XI PĂNG
 
Lãng du, đầu thế kỷ XX
 
Ta nhìn từ đầu thế kỷ XX
Những người Pháp lãng mạn
Những bà đầm váy ngắn
300 biệt thự
Đẹp như tiên.
 
Sa Pa đầu thế kỷ XX
Hoang sơ
Hãy tạc tượng những người tìm ra Sa Pa.
 
Ta nhìn thấy những ông Tây mũi lõ
Những bà đầm váy ngắn khoe những đùi trắng nõn
Những người Dao mặc váy hoa
da đen xỉn và nghèo đói
Mắt nhìn Tây ngơ ngác
Sa Pa thời Pháp thuộc là của Pháp.
 
Ta thấy ngày xưa người ta đốt phá biệt thự
Biệt thự làm gì có tội
Con người mới có tội
Ta lồng lộng trên đỉnh Phan Xi Păng
Sa Pa bé xíu
Em không biết anh đang trèo lắt lẻo.
 
Những người đầu tiên Famtrip[1] Sa Pa
Nên tạc tượng
Sự khám phá bắt đầu từ ý tưởng
Trên đời dễ mấy ai!
 
Nắng không non và núi không xanh
Mây muôn đời trắng núi
Em ơi đừng mơ nhé
Đời anh đã lang thang nhiều rồi.
 
Nhìn từ Phan Xi Păng
Ruộng bậc thang ngoằn ngoèo
Không thấy núi, không thấy đèo
Đất trời mờ ảo thế.
 
Anh lặng lẽ không em
Lặng lẽ chiều
Lặng lẽ viết, non ngàn trầm mặc thế
Trăng thu lơ lửng ở ngang trời
Cáp treo trốn đâu rồi.
 
Ruộng bậc thang
 
Nhìn từ Phan Xi Păng
Mùa thu như vàng lên từ lúa
Những đỉnh núi vàng lên từ những ruộng bậc thang
Tự bao giờ gập ghềnh mà bây giờ khúc khuỷu.
 
Lúa vàng lên trong mây
Mây vàng lên trong lúa
Năm nay được mùa nếp nương
Cất thêm rượu táo mèo, rượu Sán Lùng đưa xuống chợ Sa Pa
Để ai say không nhớ đường về.
 
Nhìn từ Phan Xi Păng
Ruộng bậc thang mảng vàng mảng xanh
Mịn màng như bức tranh màu nước khổng lồ
Hiện lên trong ban mai Sa Pa
Đất trời bình minh mùa thu đẹp như bức tranh thủy mạc
mà trời đất đã vẽ nên từ bao giờ không biết.
Mảng vàng mảng xanh của ruộng bậc thang có từ muôn đời tô cho núi rừng Tây Bắc vẻ hoang sơ mà hùng vĩ, vẻ thần tiên mà trần tục.
Ruộng bậc thang nằm giữa những nhà sàn xám gio, như cổ xưa, như hoang sơ mà hấp dẫn lòng du khách.
 
Không ai muốn đẽo núi thành bậc
Ruộng bậc thang không phải trời cho
Cái còn lại đã trở thành di sản
Muôn đời, không muốn vẫn thành thơ.
 
Phượt không em
 
Ta ngược lên Phan Xi Păng
Non nước Hoàng Liên Sơn đầy hoa, hoa đầy hương, hương đậm sắc Hoàng Liên, vị thuốc Hoàng Liên, cây thuốc quý Hoàng Liên…
Này tay gậy, này vai đeo ba lô, anh lên mây xanh.
Những rừng thông dầu muôn đời xanh như không bao giờ rụng lá, như muôn đời muốn chọc trời mà lên tới đỉnh Phan Xi Păng hoang sơ thần bí, níu chân du khách, khát khao lên cao, khát khao khám phá. Khát khao đi tìm những cây thuốc quý, những loài thú quý đang mất dần mà trong sách đỏ thế giới cảnh báo cần lưu giữ.
Ai bảo Hoàng Liên Sơn 136 loài chim, 56 loài thú,
Trên đường ta ngược Phan Xi Păng không một tiếng chim, không một con thú. Gió rì rào tâm sự, suối róc rách dạo nhạc.
Ai bảo Hoàng Liên Sơn 864 loài thực vật, 173 loài cây thuốc
Ta ngược Phan Xi Păng không biết cây nào là cây thuốc, cây nào là cây độc. Bạt ngàn rừng, trập trùng cây, cây nào cũng là cây, lá nào cũng là lá. Cây cao vút trời, lá xanh biếc rừng, những ngọn núi lô nhô trên Hoàng Liên trùng trùng điệp điệp làm rối mắt ta, thôi thúc những câu thơ, khởi nguồn những câu nhạc.
 
Những bông hoa không có tên
Cây xanh trông lạ hoắc
Cứ đi, cứ đi, cho dù đất nước mênh mông đi trọn đời không hết.
Em ạ, phượt là đi cho biết
Nghĩa là chơi cho biết
Chịu chơi thôi, khó vô cùng, tốn vô cùng[2]
 
Sa Pa nhìn từ Phan Xi Păng
 
Những ngày nắng thu trong, vàng như mật ngọt
                                                  như mía đường
Em hãy ngắm Sa Pa từ trên núi Hàm Rồng
Mây quấn chân ta trắng như bông
Hoa đỗ quyên trải lối đi đỏ tươi như trải thảm, lối đi qua thung lũng Mường Hoa mộng mơ như lên tiên, níu chân ta không nỡ chia tay những mảng màu hoa tươi loang tím vàng trắng đỏ.
 
Từ Phan Xi Păng nhìn về núi Hàm Rồng… Nhỏ quá, xa quá, không thấy những giò phong lan tai trâu, phong lan da báo đung đưa trong không trung, thả xuống những chùm hoa sặc sỡ, tô cho ban mai thêm vẻ hoang sơ mà thơm tho sắc vị hương rừng, làm mê đắm người Hà Nội lên tiên.
 
Sa Pa nhìn từ Phan Xi Păng
 
Nhà thờ cổ ở trung tâm phố cổ nhỏ xíu như nét bút lông tô lên trời mây tỏ mờ trong mù sương, viết lên trời Sa Pa những câu thơ tình hay nhất chưa ai được đọc.
 
Không thấy tu viện cổ xây bằng đá, xám gio trong chiều hoang loang mây Tả Phìn
Không thấy hang động Tả Phìn nhỏ xuống đầu du khách lô nhô nhũ đá như măng mọc trên nóc hang xuống đất, như bầu vú em nõn nà trinh nguyên tuổi 18 khao khát yêu, khao khát du xuân…
Ai bảo thung lũng đá cổ Mường Hoa 196 bậc đá từ hàng ngàn năm, hàng vạn năm nền văn minh cổ huyền bí
Vòng vèo suối, vàng vàng lúa
Màu mùa thu lốm đốm xám như đá, nâu như nhà sàn.
 
Không nhìn được những chạm khắc huyền bí
Những dấu hỏi đã nghìn đời chưa giải mã.
 
Xa thế, cao thế, anh vẫn thấy
Thác Bạc tung trắng nước như mây trắng, như dải lụa màu thiên thanh mỏng manh trải trong màu xanh của núi rừng Tây Bắc, loang trắng xuống chân đồi
Tan vào suối Mường Hoa trong xanh hoang sơ.
 
Xa thế, cao thế
Không nghe tiếng thác tung nát đá,
Tiếng nước rung động rừng, làm chim bay lên đi tìm bạn tình động dục mùa thu, làm những đàn bướm Sa Pa cánh to như bàn tay, muôn màu rực rỡ, bay dập dờn trong nắng vàng thu.
 
Bướm ơi, bay lên trong hoa, còn ta, cô đơn trong nhớ nhung, để lại câu thơ tình nhớ người yêu miền xuôi xa vắng.
 
Sa Pa nhìn từ Phan Xi Păng
Mắt thường chỉ thấy mây
Nhìn thấy, ta không nhìn bằng mắt.
 
Phan Xi Păng, mơ ngày chợ phiên
 
Sa Pa ngày chợ phiên
Váy đung đưa đủ màu thổ cẩm
Ngựa toòng teng nhạc rừng
Người đi nâu cả đường
Hoa rừng bày kín cả chợ.
 
Váy hoa, áo chàm, gùi nâu, khăn đỏ…
Xa quá, cao quá, không phân biệt váy áo của người Hmông, người Dao, người Dáy ở Tả Van,
Tây và Tàu, và Hmông ở Sa Pa và người Kinh đi lẫn trong nhau, lẫn trong màu phiên chợ, đông như kiến, nhiều như lá rừng, chả biết ai là ai…
 
Từ trên cao những chấm đen, chấm nâu, chấm hoa chạm vào nhau như hôn nhau, như ôm nhau, như bắt tay nhau… rồi những chấm đen tản ra di động về đâu. Vòng vèo những ngả đường về bản, bóng ngựa nâu cả rừng.
Cao quá, xa quá, không thấy ngày chợ phiên
Không nghe tiếng đàn môi của người Dao, không nghe tiếng khèn Hmông của chàng trai hát nhớ bạn tình xưa, đêm chợ tình xốn xang nỗi buồn ai. Sao thấy được mùa lễ hội Roóng poọc của người Dáy ở Tả Van,
Ngày chợ phiên
Thơm nức mũi mùi cá suối SaPa, bắt từ suối Mường Hoa, Mường Tiên. Cho dù chưa ăn đã biết mùi cá rán giòn, mùi cá nướng thơm khét
Cho dù chưa ăn vẫn ngửi thấy mùi cá tầm, mùi cá hồi Sa Pa, đánh lừa mũi mấy em Tây tóc vàng cứ tưởng đặc sản cá hồi Tây hương vị châu Âu. Hương thơm cá hồi, cá tầm đánh lừa người Tàu, cứ tưởng cá Côn Minh mang sang Sa Pa.
 
Mùi đậu phụ Tứ Xuyên nhưng thơm nấm hương Sa Pa mà người Tàu ăn cứ ngỡ vị Tứ Xuyên phảng phất. Gia vị Hoàng Liên Sơn, hương vị Hoàng Liên Sơn cả đấy, phong cách Tứ Xuyên thôi.
 
Vẫn từ xưa Phan Xi Păng mù sương
Phan Xi Păng lừng lững đứng ngang trời Tây Bắc
Dằng dặc núi vút cao
Vòng vèo chồng chéo
Cây mọc trong cây, rừng mọc trong rừng
Như muôn đời vẫn thế
Sa Pả, Tả Phìn vẫn muôn đời sương khói
Thác Bạc vẫn trắng nước
Hoa vẫn đẻ ra hoa
Thì người vẫn đẻ ra người.
 
Thế mà lớn lên kẻ nghèo người giàu, kẻ cười người khóc
Dân Sa Pa vẫn còn người nghèo
Nghèo lên tận Cổng Trời
Hoa phong lan…
Núi Hàm Rồng…
Thác Bạc… sao vẫn còn người nghèo.
 
Tu viện Tả Phìn
(Một nỗi buồn nuối tiếc về cái đẹp mà người xưa
đã làm nên, nay đã hoang tàn)
 
Này tu viện Tả Phìn, này mây trời Tả Van
Mới biết Sa Pa có lâu rồi
Từ thời Pháp sang
Pháp quốc ăn chơi và đài các nên muốn tìm chốn hoang sơ đem gái lên tiêu khiển
Đem vợ lên ăn chơi.
 
Thế mới biết dân Pari đài các ăn chơi đến thế nào
Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt... đều Pháp tìm ra cả.
Việt Nam có câu:
Muốn ăn lăn vào bếp.
 
Sa Pa mùa tuyết rơi
 
Ta mộng mơ nghĩ Sa Pa mùa tuyết rơi
Ngơ ngác như quê mùa, háo hức ra đi mùa tuyết rơi
sai lầm tất
Mùa tuyết rơi
Không có gìz5361589518623_584dd4a032a9f5638cbb50365a07c417
Tất cả một màu trắng
Trắng bạc
Trắng tang tóc
 
Cây trắng tuyết
Lá thông trắng tuyết
Tóc em trắng tuyết
Trời trắng tuyết
Nhìn từ trên cao không thấy gì cả
Cao cũng như thấp
Bình minh như hoàng hôn.
 
Sa Pa mùa tuyết rơi
Buồn như Xiberi mùa đông
Sợ như là Bắc Cực
Lạnh kinh khủng
Cô đơn đến rợn người.
 
Không thấy ông già Tuyết
Không thấy xe trượt của ông già Noen
Chỉ thấy trắng mây, trắng tuyết
Trắng cây, trắng núi
Không thấy trăng lên
Không thấy trăng tà.
 
Sa Pa mùa tuyết rơi
Rau héo
Trâu chết
Hoa cũng tàn.
 
Sa Pa mùa tuyết rơi
Em cũng trùm chăn bông
Xùm xụp
Co ro
Xuýt xoa
Không nhìn thấy má hồng
không nhìn thấy vai em tròn lẳn
Không nhìn thấy cổ tay trắng hồng
Em chỉ một màu đen
Sa Pa mùa tuyết rơi
Buồn tênh
Hy vọng đừng bao giờ tuyết rơi!
 
Phan Xi Păng!
Lên cao nhất ta tưởng nhìn thấy hết
Chân trời, ta chỉ thấy mông lung
Cho dù thấy, không có gì rõ cả
Trời
Đất
Linh hồn..., âm âm chi chung.
 
Phan Xi Păng!
Đỉnh cao niềm hy vọng
Ngôi sao cho người đời vươn tới
Nhưng tới rồi
(Ngọn tháp 3.143)
Lại muốn tới xa hơn!
 
Phan Xi Păng!
Nóc nhà Đông Dương[3]
Niềm tự hào miền Tây Bắc Việt Nam
Nhưng bất ngờ ta tự hỏi
Lên cao để làm gì?
Câu hỏi lan ra không trung
Bay lên vũ trụ
Không một phản hồi
Phan Xi Păng
Khát vọng của ta ơi!
 
Đỉnh cao Phan Xi Păng
 
Ta ước mơ lên đỉnh cao Phan Xi Păng
Nay đã tới
Ngẩng đầu trời vẫn cao vời vợi
Cúi xuống, đất ơi đâu vô cùng.
 
Hàng trăm năm bao người mơ leo lên Phan Xi Păng
Thất bại
Bao người ngã dọc đường[4].
 
Để lên Phan Xi Păng
Cần thời gian
Thời gian rất vô cùng.
 
Để lên Phan Xi Păng
Cần chờ đợi
Chờ đợi có giới hạn
Vì đời ta giới hạn trăm năm.
 
Đỉnh cao Phan Xi Păng
3.143 mét.
 
Điểm nhấn
Đỉnh điểm
Xưa ai lên được đỉnh cao 3.143m
Hạnh phúc!
Tự hào!
Điếm nhấn cuộc đời ta là gì
Mây Phan Xi Păng vô tư bay đi.
 
Đỉnh điểm cuộc đời ta là gì
Gió Phan Xi Păng vô tư gào thét.
 
Đỉnh cao cuộc đời ta là gì
Mây cứ bay qua trước mặt
Dưới chân.
 
Phan Xi Păng
Thiêng liêng Tổ quốc
Tổ quốc là gì
Trừu tượng.
 
Trên cao
Không thấy cờ Tổ quốc
Chỉ nghe gió quất, cờ bay phần phật
Cờ rất gần nhưng lại rất xa
Cờ Tổ quốc, có tâm mới thấy được.
 
Chinh phục đỉnh Phan Xi Păng
 
Cuộc đời ta, để lên đỉnh cao
Ai trợ giúp
Ta hỏi
Trời lặng im
Mây vẫn bay vô tư
Gió Phan Xi Păng gào thét.
 
 
Để lên đỉnh Phan Xi Păng
Cần ý chí
Gió chỉ muốn đánh ta gục ý chí
Rét như muốn quật ta xuống đường
Mưa phùn muốn rủ ta quay lại
Nếu không rèn ý chí
Ta lùi bước
Ngã gục dọc đường.
 
Bây giờ lên đỉnh Phan Xi Păng
Cần gì
Ta hỏi Phan Xi Păng lặng im
Theo thời gian
Cái cần đã không cần.
 
Sa Pa, đông 2020
 
 
            L.T.L 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 475
Trong tuần: 1880
Lượt truy cập: 404064

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN TÁC GIẢ! CON CÁ TO QUÁ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.