Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

HÁT TỪ PHAN XI PĂNG (Khúc III)

Lê Tuấn Lộc
HÁT TỪ PHAN XI PĂNG (Khúc III)

CA BA VÙNG MỎ
Em chưa làm ca ba
Chưa biết những đêm hè gió lộng
Thấy trăng lên và thấy cả trăng tà
Giữa bao la bát ngát
Những đêm không trăng
Một trời sao xa lắc
Sông Ngân Hà chở mãi sao trôi.
 
Dù mưa rơi
Em vẫn thấy sao nở dầy thung lũng
Từng đàn sao di động
Núi đồi ơi! Đâu chỉ có sao trời.
 
Em chưa làm ca ba
Chưa biết những cơn mưa gần sáng
Mây đùn lên, chớp nhoáng xanh lè
Trời vỡ ra từng mảng
Thác giận sôi ầm ầm
Suối ngập, cầu băng
Quặng vẫn về lấp lánh
Những nụ cười vẫn rạng trên môi.
Em chưa làm ca ba
Chưa cảm hết những mùa gió bấc
Mưa thấm áo bông, giá lạnh tê người
Giữa công trường khai thác
Ủng lầy bùn ngập nửa ông chân
Quặng vẫn về lấp lánh.
 
Em chưa làm ca ba
Chưa biết đêm cuối năm sôi động
Giám đốc, Bí thư lội khắp công trường
Tấn quặng cuối cùng
Mỏ sáng đèn thao thức
Như đón Giao thừa.
 
Đời thợ mỏ chúng tôi
Ba ca đều có sắc màu riêng
Chứa đầy kỷ niệm
Năm tháng
Gió sương
Nắng rát
Mưa dầm…
Đều coi thường tất cả.
Chồng lịch chưa vơi trên bàn Giám đốc
Đào chưa về, thợ mỏ đã sang xuân.
Mỏ Crômít Cổ Định, 1978
 
ĐI TRÊN ĐƯỜNG ỐNG
 
Đi làm, đi trên đường ống
Khó đi, đi mãi thành quen
Cần gì vào trong rạp xiếc
Bọn anh làm xiếc em xem.
 
Đi trên đường ống vui sao
Nghe quặng khua nhau rào rào
Mùa đông sờ tay âm ấm
Mùa hè mát rượi bàn chân.
 
Ống nối bu lông, ống hàn
Ống đồng, ống thép, ống gang…
Dòng quặng quý như dòng máu
Quặng về như máu về tim.
 
Chúng tôi đội quân đường ống
Hành trang chỉ có cờ-lê
Quặng thông như là thông máu
Vỡ đâu cờ-lê đến ngay!

Mỏ Crômít Cổ Định, 27/1/1979
 
VỀ THÀNH PHỐ
 
Về thành phố hình như đêm ngắn hơn
Trăng thường không sáng lắm
Cảm giác về đường xa mất hẳn
Ra vỉa hè đã muốn lên xe
Bói cả ngày không thấy một choòng khoan
Ít thấy vành mũ lá
Cũng tan tầm không thấy ai về cả
Nước hồ xanh không giống nước moong xanh.
 
Những âm thanh rộn rã tiếng còi xe
Không nghe một tiếng mìn phá đá
Dưới trời mưa không ai đi ủng cả
Giữa trưa nồng không có gió Lào đâu.
 
Trong chiều buông những đoàn xe nối nhau
Trên thùng xe không thấy ai chất quặng
Những cô gái trong dòng người xuôi ngược
Tìm suốt ngày không ai giống em.
 
Cũng màu hoa không có tím hoa sim
Anh rất nhớ ngọn đồi tranh trảng gió
Bao xinh đẹp khi ta về thành phố
Vẫn không nhòa quê mỏ của ta đâu.
 
Hà Nội, 27/3/1981
 
THUNG LŨNG TRONG MƯA (40)
 
Thung lũng trong mưa trời như điên khùng
Nước cuồn cuộn như không bao giờ hết
Những con suối đua nhau gào thét
Ai biết chiều qua lòng khe khô reng.
 
Cứ mưa đi trời ạ, cứ mưa đi!muamua
Đất cứ trôi, chỉ cần Gôm1 ở lại
Làng mỏ ơi, gọi vợ chồng con cái
Trời thay ta đãi quặng hộ ta rồi.
Cứ mưa đi, đập vỡ cũng không cần
Sau cơn mưa rồi ta san trở lại
Chí khí thợ vẫn còn nguyên mãi mãi
Bàn tay ta xoay chuyển cả đất trời.
 
Cuộc đời người là những nỗi lo toan
Dù nắng dãi, dù mưa vô thời hạn
Dù mai nắng ta lại đi chống hạn
Không hề chi! Thợ mỏ đã quen rồi.
 
Vùng mỏ Mỹ Cái, 1985
 
 1. Gôm: Quặng Crômít 
 
BÊN SUỐI
 
Khéo vô tình cô gái ơi!
Như là chỉ có mây trời và em
Như là chỉ có tiếng chim
Líu lo ven suối cùng em tự tình
Em đi đãi quặng một mình
Vô tư qua suối làm anh nhỡ đường
Cứ như là sợi tơ vương
Dăng dăng ngang suối chắn đường anh qua
Giữa rừng có cả hai ta
Mà em cứ ngỡ như là mình em
Khỏa tay cho nước tung lên
Thả mình em tắm tự nhiên như đời
Ngừng trôi cùng tắm mây ơi
Đường về cách một quả đồi xa chi
Suối trong như chẳng có gì
Níu lòng anh chẳng nhẽ vì suối trong
Non tơ như búp mùa xuân
Hoang sơ như cỏ, trắng ngần như măng...
 
1985
 
SAY Ở VEN ĐỒI
 
Liên hoan ở tận ven đồi
Rượu say dở đứng dở ngồi giữa thung
Bao la gió mát trăng trong
Bao la thỏa sức sống cùng thiên nhiên
Mây thì trắng, núi thì đen
Đường về nơi nhớ, nơi quên cả rồi
Gió ngang tàng, gió vô hồi
Tiếng chim khắc khoải ven đồi nhặt khoan
Nghe gió hát, uống trăng tan
Tưởng như hết mọi lo toan ở đời
Dưới thung xa điện sáng ngời
Nhắc ta còn một cuộc đời thực hơn
Lại tính toán, lại lo toan
Lại theo đuổi với thời gian của người...
 
Vùng mỏ Mỹ Cái, tháng 5/1986
 
THĂM NGƯỜI NÙNG BỊ NẠN
 
Lúa nương sâu hại hết
Vợ chồng Nùng thiếu ăn
Chồng đi đào quặng thiếc
Vợ dệt chàm quay tơ.
 
Đời có may bao giờ
Giàu sang đâu chưa biết
Đất sập hầm chồng chết
Vợ không tiền làm ma.
 
Cả nhà không kêu la
Chỉ cúi đầu im lặng
Người vợ than số phận
Bỗng dưng chồng thành ma.
 
 
Tôi người Kinh ở xa
Phong tục Nùng không biết
Cảm thương người đã khuất
Cắm hương thơm khắp nhà.
 
Xuống cầu thang chiều tà
Lòng tôi buồn da diết
Chủ nhà thì đã chết
Vợ con trông vào đâu?
 
Chia tay với gia đình
Tôi như người có lỗi
Áo chàm nhòe tím núi
Chiều giăng man mác chiều.
 
11/10/1991
 
XÓM THỢ
 
Nơi đây ngày xưa là bãi tha ma
Bây giờ là xóm thợ.
 
Gọi xóm không đúng đâu
Những nhà cao tầng mọc lên san sát
Trăm ngàn ô cửa giống nhau.
 
Chúng tôi lớn lên không có ao làng
Không có mái đình cong cong rồng lượn
Không có những đêm dài bà kể chuyện ngày xưa
Chúng tôi lớn lên không được chăn trâu
Không có sáo diều bay trên đồng cỏ
Cánh cò trắng sang sông về đâu đó
Những trưa hè ve ran lũy tre xanh.
 
Nhưng bọn trẻ lên năm đã biết tắt tivi
Biết dùng quạt điện
Lên sáu tuổi biết cầm sách truyện
Khách nước ngoài không ai chạy theo.
 
 
Những mùa xuân thợ mỏ gọi nhau về
Tối Giao thừa nghe chung thơ Bác
Trong làn khói hương trầm bát ngát
Mỗi con người một bóng dáng quê hương.
 
Khu công nhân chưa ai thành nhà thơ
Còn ít người là kỹ sư, bác sĩ
Nhưng nhiều người đã trở thành chiến sĩ
Cậu bạn láng giềng thợ máy bậc năm
Rồi chúng tôi có người sẽ trở thành nhà thơ
Nhiều người sẽ trở thành kỹ sư, bác sĩ
Con bác thợ mìn sẽ là tiến sĩ
Lớp trẻ vùng này không kém ai đâu.
 
Không ai nghĩ sẽ về quê hương
Nhiều người về hưu cũng ở lại đây
Bọn trẻ lớn lên lại vào làm mỏ
Nơi xa lạ thành quê cha đất tổ
Tầng quặng dày đã hóa quê hương.
 
LÀNG THỢ MỎ
 
Khách mời về không thể nhận ra đâu
Làng công nhân hay là làng dân bản
Cũng có ao trong vườn cây xòe tán
Cũng chuồng bò chuồng lợn giống quê ta.
 
Không mấy nhà không có ghế xa-lông
Nhà nào cũng có giường mô-đéc
Củi ngoài núi xe đi không hết
Cỏ cho bò tốt ngập dưới thung xanh.
 
Khách đến chơi thức nhắm sẵn cả rồi
Gà chạy đỏ sân, ao bơi đầy cá
Quăng mẻ vó cá giương vây trắng xóa
Tha hồ kho, tha hồ rán vàng ươm.
 
 
Vừa nghe có khách đến thăm nhà
Chị bế con sang, anh mang chè đến
Cứ như là khách về thăm cả xóm
Chuyện xa gần vui vẻ thức thâu đêm.
 
Cuộc đời này qua biết mấy buồn vui
Thêm nỗi nhớ cái làng nghèo thợ mỏ
Đêm không ngủ mai khách về thành phố
Bao giờ quên chén rượu giữa sao trời.
 
NẾU Ở ĐÂY KHÔNG CÓ CRÔM
 
Nếu ở đây không có Crôm
Chắc núi Nưa khác bây giờ nhiều lắm.
 
Nếu ở đây không có Crôm
Thằng Nhật năm nào sẽ không mò đến
Thuyền máy Pháp theo sông Lê cập bến
Chở gì, mang về đâu?
Sẽ không có câu hát xưa buồn đau
“Đi phu trên đất mỏ Gôm
Má hồng để lại…”.
 
Nếu ở đây không có Crôm
Những người thợ cần cù chất phát
Bây giờ đang ở đâu?
Từng cặp trai gái về đây thương nhau
Rồi ở đây mãi mãi.
 
Vùng mỏ là nơi họ tụ lại
Ngọn nguồn bao niềm vui
Tôi cứ nghĩ bài thơ tôi sẽ khác
Nếu vùng này không có Crôm.
 
MẦM CHUỐI
 
Nhà xây trên nền cũ
Nền nhà đổ bê-tông
Tôi tưởng bằng gắn kết
Bê-tông chắc vô cùng
Nhưng mà thật lạ lùng
Sau một tuần đông kết
Mở cửa tôi mới biết
Mầm chuối lại mọc lên.
 
Bây giờ tôi mới biết
Sự sống mạnh vô cùng.
 
21/4/1988
 
VỢ CHỒNG THỢ MỎ
 
Chị dậy trước năm giờ
Đài vẫn còn chưa nói
Nồi cơm sôi rất vội
Vầng trăng nghiêng núi Nưa.
 
Khu tập thể dậy rồi
Bếp bập bùng ngọn lửa
Sương giăng nhòe lối ngõ
Bể nước ran tiếng cười.
 
Rồi gấp vội chăn màn
Tắt điện và khép cửa
Đèo con ra nhà trẻ
Cặp lồng cơm sau xe.
 
Khu mỏ giờ giao ca
Đông vui và rộn rã
Chuông reo, còi hối hả
Xe vào đan xe ra.
 
Gặp anh chân cầu thang
Trao vội chùm chìa khóa
Ghé vào tai nói nhỏ
“Chiều anh đón con về”.
 
Với anh là tan tầm
Với chị ngày mới đến
Dịp sum vầy trò chuyện
Bữa cơm chiều trăng lên.
 
NHÀ CỦA CHA
 
Có lần về thăm quê
Bi bô con gái hỏi
Cha ơi cha hãy nói
Nhà của cha ở đâu?
 
Nhà cha trong rừng sâu
Giàn khoan bên bếp lửa
Mở mắt ra là cỏ
Ngẩng đầu lên là trời.
 
Nhà cha tận xa vời
Trên tầng dày quặng mỏ
Bốn mùa bao la gió
Bốn mùa trăng đến chơi.
 
Căn nhà cha con ơi
Mái lợp bằng lá cọ
Phong lan leo cửa sổ
Chim kêu đầy hàng hiên.
 
Mai ngày khôn lớn lên
Cha đưa con về đấy
Từ xa con sẽ thấy
Những nhà cao chọc trời.
 
Còn bây giờ con ơi
Nhà cha hoang dã thế
Vì ngày mai con nhé
Cha trọn đời lo toan.
 
CỎ MÙA XUÂN (50)
 
Trời xanh xanh đến nõn nà
Cỏ xanh xanh đến mượt mà thung xanh
Suối trong trông đến ngọt lành
Tiếng chim đang hót cũng thành xanh tươi
Bao la cỏ, bao la trời
Bao la là những cuộc đời đang xuân
Cỏ mềm như thảm dưới chân
Thiên nhiên ơi, cỏ mùa xuân vĩnh hằng
Tiếc rằng chưa tới mùa trăng
Để thung pha sắc lụa vàng non tơ
Cỏ xanh từ thuở hoang sơ
Tình yêu xanh tự bao giờ em ơi?
 
Dưới thì cỏ trên thì trời
Làm anh thêm nhớ nụ cười của em
Cho dù chưa có trăng lên
Cho dù chưa tím mùa sim ven đồi
Ta như cái thuở lên mười
Thả mình trên cỏ ngắm trời bao la
Dừng chân nghỉ tạm đường xa
Chăng lều, nổi lửa, ta pha chè rừng
Thả ba lô quặng trên lưng
Chất thêm hương cỏ hương rừng mang theo
Để mai vượt suối băng đèo
Cỏ xanh lại nhớ mà theo ta cùng.
 
XUÂN Ở MỎ
 
Xuân ấy lần đầu buồn không chịu được
Chợ thì xa, mưa phủ bụi giăng mờ
Không có điện đêm nằm nghe chó sủa
Hoẵng kêu đêm lạnh gáy tưởng beo hùm.
 
Rồi cũng quen, cũng “xả láng cuộc đời”
Quên hết mệt, quên hết thời gian khổ
Nơi hoang dã chỉ có rừng và cỏ
Cũng tươi vui như giữa chốn đô thành.
 
Những đêm mưa lán trại dột tơi bời
Không ngủ được ngồi lai rai đợi sáng
Thịt chim nướng nhắm cùng rượu rắn
Thú vô cùng cánh thợ chúng mình ơi!
 
Đêm Giao thừa pháo nổ inh tai
Tưởng chỉ có trên trời và dưới thợ
Cánh lính trẻ mừng xuân cười như phá
Bác thợ già vui quá khóc hu hu.
 
Chưa bao giờ tôi nghĩ chuyện chia tay
Bởi áo thợ với mình thân thiết quá
Bên đống lửa đón xuân vui kỳ lạ
Thợ mỏ cười muốn đổ cả giàn khoan.
 
Vùng mỏ Mỹ Cái, 1986
 
ĐƯA CON VỀ MỎ
 
Mai con về ở cùng cha
Quê xưa gửi lại ông bà con ơi!
Rồi con sẽ được leo đồi
Suối sâu con lội trắng ngời bàn chân
Rồi con quen với tháng năm
Chuông reo buổi sáng, còi tầm buổi trưa
Không có hàng cau rặng dừa
Thì nghe chim hót gió lùa tầng hai
Rồi quen cả thôi con ơi!
Cánh tay gầu xúc trên đồi vươn xa
Ánh đèn trong đêm ca ba
Con ơi không phải sao sa nhà mình
Không hàng tre, không mái đình
Con về sống với trời xanh mái đồi
Rồi con cũng sẽ quen thôi
Tiếng mìn nổ như bầu trời vỡ tung
Rồi quen bão giật đùng đùng
Lũ tràn thung lũng mênh mông núi đồi
Rồi quen cả thôi con ơi!
Cha con ta sẽ trọn đời ở đây.
 
NHƯ XUÂN
 
Như Xuân trời đất đang xuân
Mưa như mây bụi trắng dần tóc anh
Quanh co lên gập xuống ghềnh
Giống như năm nọ lộ trình Đông Khê
Cũng nương sắn, cũng đồi chè
Như là Phú Thọ nhớ về trung du
Rừng già mưa núi âm u
Lại nhớ Việt Bắc chiến khu tìm đồng
Kém gì phong cảnh Hạ Long
Bỗng dưng biển ngập nước dâng lưng đồi
Ước gì rừng có tuyết rơi
Như Xuân ta như đất trời châu Âu.
 
Quê mình có tuyết nào đâu
Quanh năm mây trắng trên đầu như bông
Dù không có trúc có thông
Thì có rừng chuối bạn cùng rừng lim
Em đã leo rừng chưa em
Cái gối thì mỏi, cái chân thì chồn
Từ khi làm bạn với rừng
Cam chua khế ngọt đã từng nếm qua
Đường về Yên Cát bao xa
Bao nhiêu cái dốc, thành ba con đèo
Đồng Mưa[1] chả trách mưa chiều
Lên dốc chống gậy, xuống đèo theo dây
Dẫu bây giờ mới tới đây
Như là tìm quặng những ngày Tuyên Quang
Trắng trời trắng núi mưa dăng
Xốn xang lại nhớ Cao Bằng cheo leo
 
Cuối năm còn ở lưng đèo
Vẫn vui, hái một cành đào đón xuân
Mai ngày khai mỏ Như Xuân
Để cho rừng núi bớt phần quạnh hiu
Ngẩng đầu đỉnh núi cheo leo
Xốc ba lô, chống gậy hèo ta đi.
 
Ở BẢN NGƯỜI DAO
 
Chiều ấy trên đường đi tìm quặng
Dừng chân nghỉ lại bản Dao Tiền
Lưng đồi sương xuống bập bùng lửa
Rượu ché, măng rừng say lâng lâng.
 
Lâng lâng tôi chẳng rõ gì đâu
Nếp váy đung đưa đen đỏ màu
Vòng cổ trăng soi lấp lánh bạc
Đường về lạc lối tại người Dao.
 
Bản Cốc - Tuyên Quang, tháng 5/1995
 
SƯƠNG MÙ Ở PHIA KHAO
 
Làm chi nhìn thấy nhau đâu
Phia Khao mờ ảo một màu mộng mơ
Núi cao như tỏ như mờ
Vực sâu trắng xóa mịt mờ liên miên
Như cõi Phật, như cõi tiên
Ai yêu sương khói thì lên mà nhìn
Ai cưỡi ngựa xuống chợ Điền
Ai còn gùi quặng trên triền núi cao
Ai khai quặng kẽm lối nào
Chỉ dùm ta kẻo đường vào âm u
Đã sương, đã giá, lại mù
Kiếp phu xưa, kiếp ngục tù Phia Khao
Đại ngàn đâu, vực sâu đâu
Đỉnh cao nhìn xuống trắng phau một trời
Thoáng thôi, dựng gáy rợn người
Chẳng may sa xuống, cuối trời là đâu
Trập trùng non nước Phia Khao
Trập trùng mây thấp, núi cao trập trùng.
 
Chợ Điền, tháng 2/1996
 
THỢ MỎ GẶP NHAU
 
Người thiếc gặp người than
Cười ran như… pháo nổ
Mặc kệ đời gian khổ
Ngang mày, trăm phần trăm!
 
Dẫu cho sau nghìn năm
Dân mỏ đâu cũng thế
Làm quen nhau rất dễ
Cười: Làm phu thôi mà!
 
Đời còn gì nữa đâu
Ngoài búa, choòng, mỏ-lết
Hết quặng là đi tất
Chia tay người một phương.
 
Sống với nhau hết mình
Thương nhau như ruột thịt
Cứ gì than gặp thiếc
Sắt, đồng... cũng thế thôi
 
Mới gặp, chia ly rồi
Lại cười như nắc nẻ
Thôi nào chia tay nhé
Ngang mày:
Trăm phần trăm!
 
Cẩm Phả, 16/5/1996
 
ĐI TÌM VÀNG
 
Đường về Chiêm Hóa xa đâu
Nào ta khăn gói rủ nhau tìm vàng
Đời là những kiếp lang thang
Nghèo khó thì bỏ, giàu sang thì tìm
Sông Gâm nước nổi mây chìm
Vàng chôn dưới đất biết tìm nơi đâu
Tàu đãi vàng nối đuôi nhau
Ai run, ai rủi, ai giàu, ai may
Vàng còn mãi tận chân mây
Cửu vạn thì đói, người gầy dơ xương
Buồn tênh, dốc vắng, mưa rừng
Thương người xe cát dã tràng cho nhau
Tìm vàng chả thấy vàng đâu
Sông Ngâm thăm thẳm một màu xanh xanh.
 
Tuyên, xuân 1997

[1] Địa danh ở huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa).
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 47
Trong ngày: 411
Trong tuần: 1833
Lượt truy cập: 403964

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN TÁC GIẢ! CON CÁ TO QUÁ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.