Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

GIÓ MƯA ĐÊM ẤY

Phạm Minh Hằng

GIÓ MƯA ĐÊM ẤY

   Đến bây giờ, nửa thế kỷ qua rồi, mỗi lúc bần thần ngồi nhớ nghề, tôi lại nhớ câu mở đầu tiết học thứ nhất, bài giảng nhập môn, do thầy Thể trịnh trọng đọc và ghi lên bảng trong buổi khai giảng khóa mới Trường Đào tạo lái xe Tiên Tiến của Bộ Giao thông vận tải, mà tôi vừa từ một đơn vị Thanh niên xung phong phục vụ chiến trường Lào về theo học: “Lái xe chính là giám đốc một nhà máy di động đặc biệt, người được giao quản lý một tài sản quan trọng của chủ nghĩa xã hội ở nước ta!”. Tôi nhớ nguyên cảm giác bổi hổi khi ngồi nắn nót chép lời thầy vào sổ ghi chép và đã mường tượng thấy mình cầm vô lăng lái chiếc ô tô vi vút trên đường, lòng đầy thỏa nguyện. Chẳng hiểu như là định mệnh sao đó, từ mùa hè năm 1963, khi rời ghế nhà trường phổ thông quay về làm ruộng đỡ mẹ, tôi luôn nung nấu ước nguyện đi công tác thoát ly và cái nghề tôi mơ được theo đuổi chính là nghề lái xe ô tô. Vậy nên, khi được gọi về trường lái xe Tiên Tiến, được ngồi vào lớp học để nghe và ghi bài học đầu tiên, tôi thấy mình đã bước bước thứ nhất trên con đường thực hiện ước mơ của đời mình. Sau niềm vui xốn xang, tôi tự hẹn mình sẽ cố học cho giỏi, để khi ra trường sẽ là một người lái xe giỏi nhất đất nước! Hơn một năm học tại trường Tiên Tiến, tôi đã làm được một nửa lời tự hẹn ấy: Tôi là một trong ba học sinh giỏi nhất khóa học, thi cuối khóa đạt 9,5 điểm lý thuyết và điểm 10 thực hành. Với kết quả ấy, tin từ ban giám hiệu loang ra: Tôi sẽ được giữ lại làm giáo viên thực hành của trường. Chao ôi, người tôi như muốn bay lên trước tương lai rộng mở của đời mình. Vậy mà...

  Ngày phát bằng lái xe, tôi là một trong năm học viên không được trao bằng! Thầy hiệu trưởng gặp riêng anh em tôi, giọng không vui thông báo: Chúng tôi bị loại khỏi nghề lái, theo đại diện Cục 82 cho biết, là vì “Lý lịch có vấn đề!”. Tôi nghe mà ù tai, ngơ ngác. Dùng dắng mười ngày chờ tra xét, cuối cùng, tôi nghẹn cổ xách túi quần áo quay về với mẹ để theo đít con trâu (!). Ba ngày liền, tôi nằm bải hoải không nhấc mình lên được. Sáng ngày thứ tư, nhìn mẹ tôi lặng lẽ ngồi vê đay, nét mặt rầu rĩ, chốc chốc thở dài, tôi phải cố gượng dậy. Thấy vậy, mẹ tôi mừng rỡ buông hai mối đay, ra vườn hái hai quả chanh, pha cốc nước chanh đường đưa tôi, giọng sẽ sàng bảo tôi uống cho mát ruột, rồi nghe mẹ bàn chuyện. Tôi nhấp vài ngụm nước ngọt thanh, lặng nghe xem mẹ bàn chuyện gì. Mẹ tôi nhả miếng bã trầu đỏ thẫm ra tay, chép chép miệng ngẫm nghĩ giây lát, rồi nhìn tôi, ân cần:

- Con vẫn muốn đi thoát ly, phải vậy không? Nhìn con buồn rầu, uất ức mấy ngày nay, mẹ biết. Vậy thì, con hãy nghe mẹ: lấy vợ đi. Lấy ai, tùy con chọn. Con ưng thì mẹ ưng. Mẹ rất tin con. Con chọn xong, bảo mẹ, mẹ lo cưới cho con ngay. Mẹ biết, con được nhiều cô gái để mắt lắm, hãy chọn một cô để nó về làm dâu mẹ, rồi con muốn đi thoát ly lúc nào cũng được. Ở nhà, mẹ đã có con dâu bầu bạn sớm hôm, không lo lúc trái gió trở trời. Ý mẹ thế, con nghĩ xem nhé.

   Lấy vợ? Người đời bảo: Có vợ như rợ buộc chân. Nhưng mẹ nói có lý lắm, mẹ già rồi, mình đi, mẹ tha thủi một mình thì tội quá, và sao mình có thể yên tâm được? Nghĩa là mình phải làm theo ý mẹ. Có điều...

  Lấy ai đây??? Tôi nhìn ra sân, mắt chạm ba cây cau đang đeo buồng, buồng nào cũng xúm xít quả. Con gà trống đầu đàn từ đâu chạy về nhảy lên tường hoa, vươn cổ gáy vang. Tâm trí tôi chợt bừng thức những ngày chống sào đưa thuyền đi thu mua cam quýt gà, vịt cho Công ty Xuất khẩu. Và tôi nhìn thấy Nhàn...

  Trước hôm tôi chào mẹ lên đường tham gia đơn vị thanh niên xung phong phục vụ chiến trường Lào, rồi được cử theo học khóa đào tạo lái xe ở trường Tiên Tiến, tôi đã được ký hợp đồng làm việc cho Đội thu mua nông sản xuất khẩu thuộc Phòng Nông nghiệp huyện. Thời gian làm việc cho đội thu mua là ba tháng, lương hưởng 36 đồng một tháng. Tuy đó chỉ là mức lương khởi điểm, nhưng so với công điểm làm hợp tác xã nông nghiệp với giá trị chỉ bốn lạng thóc một công, thì thu nhập lương đó cao gấp nhiều lần rồi, làm việc lại nhàn nhã, không đầu tắt mặt tối, đội nắng tắm mưa trên đồng như theo công điểm. Là người duy nhất trong đội có trình độ tốt nghiệp cấp hai phổ thông, chữ viết lại đẹp, tôi được giao công việc ghi chép sổ sách và làm báo cáo hàng tuần, hàng tháng. Trong đội có ba nhân viên nữ thì hai chị là vợ bộ đội, đã đứng tuổi, riêng Nhàn trẻ trung, chưa lập gia đình. Nhàn như một nụ hoa râm bụt, sắc đỏ đẹp khiêm nhường cuộn lại, lấp ló trong những cành lá xanh mát, không bung khoe sự rực rỡ trước con mắt người đời. Đó là cô gái có dáng đẹp, khỏe khoắn, gương mặt đầy đặn nhưng không thuộc diện sắc nước nghiêng trời, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn, mồm miệng có phần chậm. Được cái chịu khó, sống nhịn nhường, chu đáo. Không ít lần, vào dịp cuối tháng, tôi bận bịu với việc thống kê, viết báo cáo, Nhàn giặt hộ tôi bộ quần áo, mang cho tôi cốc chè đậu đen khi thấy tôi phải thức khuya. Đã mấy chủ nhật Nhàn theo tôi về thăm mẹ, hai bà con líu ríu nấu nướng có vẻ tâm đầu ý hợp. Nhưng tôi chỉ coi Nhàn là cô bạn cùng đơn vị. Đầu óc tôi chỉ nghĩ chuyện làm sao đó để được đi công tác thoát ly. Xong việc lớn ấy mới tính chuyện vợ con. Cho nên, khi bị dội gáo nước lạnh không được tuyển làm nhân viên chính thức của Công ty Xuất khẩu, hết hạn làm hợp đồng ở đội thu mua cam quýt, gà vịt, tôi chia tay Nhàn nhẹ nhàng như chia tay mọi người, đầu óc chỉ vương nỗi buồn bực vì ước vọng không thành. Bây giờ, thêm một lần bị dội nước lạnh nữa, lần này nước dội buốt giá hơn khiến tôi tê dại đau đớn hơn, phải nằm bệt mấy ngày mới gượng dậy được, nghe mẹ gợi chuyện lấy vợ, tôi chợt nhớ đến Nhàn.

  Sáng hôm sau, tôi mượn xe anh rể đạp lên quê Nhàn.

 “Chú hỏi nhà cô Nhàn ạ? Đi, đi theo cháu”. Chú bé đang chơi bi một mình ở đầu lối vào làng Nam Giang, nghe tôi hỏi thăm, vênh mặt nhìn tôi bảo vậy, rồi không đợi tôi mời, nhảy phốc lên poóc-baga xe tôi, chỉ tay ra lệnh: Đi thôi! Tôi cười, nhấn bàn đạp xe Fa-vô-rít theo tay chỉ huy của chú bé. Đến một đầu ngõ, chẳng đợi tôi phanh cho xe dừng hẳn, chú bé phốc xuống đất, nhảy chân sáo qua cái cổng làm bằng tre sơ sài vào mảnh sân đất trước một ngôi nhà nhỏ bé, cũ kỹ, gọi toáng lên:

 - Cô Nhàn ơi cô Nhàn, cô có khách này.screenshot_945

 Có tiếng vọng ra:

 - Khách nào thế, cu Hưng?

- Chú nào ấy, đi xe đạp. Cô ra đón khách đi.

  Nhàn từ trong gian bếp làm bán mái vào đầu hồi ngôi nhà nhỏ bước ra, ngỡ ngàng nhận ra tôi. Gần hai năm không gặp nhau, tôi thấy Nhàn vẫn như hồi ngày ngày cùng tôi và các bạn trong đội đưa thuyền đi khắp ngõ ngách trong huyện để thu mua gà vịt, cam quýt. Vẫn tấm áo gụ tươi (hoặc màu xanh Sĩ Lâm) và quần phíp đen. Vẫn khuôn mặt đầy đặn có đôi mắt đượm buồn. Vẫn mái tóc dài tết thành đuôi sam thả sau lưng áo. Do vừa đun nấu trong bếp ra hay bất ngờ gặp lại tôi mà gương mặt Nhàn sáng hồng lên. Nhìn sự mừng vui xen cả sự bối rối biểu hiện trong đôi mắt đen, tôi thầm tự bảo: Ổn rồi, kiểu này Nhàn “chưa có ai”! Mấy tháng bên nhau thu mua nông sản xuất khẩu, tôi biết tình cảm của Nhàn dành cho tôi, nay gặp lại nhau, liệu Nhàn còn giữ tình cảm đó không? Nhàn “chưa có ai”, nhưng còn giữ tình cảm với tôi như hơn năm trước đây?

- Chào chú, chú lên chơi! Kìa, chú dựa xe rồi vào nhà uống nước kẻo nắng.

Nghe tiếng chào vui, tôi ngửng nhìn lên. Người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi, gương mặt phúc hậu mang vẻ đẹp mặn mà, mắt sáng, nụ cười tươi, đứng giữa khung cửa tre đang nhìn tôi rất thân thiện. Tôi chưa kịp đáp lời, chị hướng về phía Nhàn:

- Cô Nhàn lên nhà pha chè mời chú mau lên. Để chị chạy ù ra chợ.

 Đây là chị Ngoạn, chị dâu Nhàn. Những ngày ở đội thu mua, đã mấy lần Nhàn kể chuyện về chị. Cô em chồng hết lời khen chị dâu, tỏ rõ sự yêu quý chị như em gái quý chị gái của mình.

 Bữa cơm đón khách trưa ấy của chị em Nhàn có rau muống luộc xanh non, bát nước rau vắt chanh trong và thơm nhìn rất ngon mắt, con cá trôi to bằng bàn tay rán vàng, bát thịt ba chỉ kho với đậu phụ, đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Nhớ nhất là sự chân tình, xởi lởi của chị Ngoạn.

  Chiều mát, tôi mới dắt xe ra về. Tiễn tôi ra đầu ngõ, chị Ngoạn nhỏ nhẹ dặn tôi:

 - Chú về thưa với bà, ba hôm nữa chị và cha bác trên này sẽ xuống thăm bà và các bác nhà mình. Rồi hai nhà sẽ bàn việc của cô chú. Nhớ nhé. Ừ, đi đường cẩn thận em nhé.

  Đúng hẹn, đoàn “nhà gái” xuống thăm nhà tôi có năm người. Cùng đi với chị Ngoạn và Nhàn là một ông bác, một ông chú, một bà cô bên nội của Nhàn. Đó thật sự là một cuộc kiểm tra gia cảnh nhà tôi. Chị Ngoạn ngồi trò chuyện với mẹ tôi suốt buổi. Nhàn vào bếp cùng chị gái và chị dâu tôi. Còn lại ông bác, ông chú, bà cô chia nhau ngắm nghía trong nhà, ngoài sân, ra vườn ngắm cây chanh cây cam, ra đứng ngắm khá lâu đàn cá mè thi nhau úi giữa ao, ngắm bè rau rút, rau muống tôi thả xanh tốt trên làn nước rộng ngót một sào ở sau nhà tôi.

 Mọi chuyện diễn ra êm đẹp, hai nhà đều vui, hẹn nhau ngày lành tháng tốt sẽ làm lễ tác thành cho tôi và Nhàn.

  Còn bốn hôm nữa thì đến ngày gia đình tôi lên làng Nam Giang đón dâu, mẹ tôi có vẻ bồn chồn, sốt ruột thế nào. Hôm ấy, cơm trưa xong, mẹ giục tôi đạp lên nhà Nhàn xem có việc gì thì cùng Nhàn lo thu xếp cho chu toàn.

  Vẫn như mọi khi, thấy tôi lên, chị Ngoạn vui lắm. Chị giục Nhàn đun nước, pha chè, còn chị lại quày quả xách làn đi chợ.   Tôi tranh thủ sang thăm ông chú Nhàn, người lĩnh trách nhiệm “Trưởng đoàn nhà gái” hôm xuống nhà tôi bữa trước. Trông thấy tôi đi vào sân, đang cởi trần ngồi quấn chổi rơm, ông “a...” lên một tiếng, đi vào nhà lấy áo khoác vội. Xong, ông mau mắn quay ra, mời tôi vào bộ bàn ghế kê gian giữa nhà để hai chú cháu uống nước, trò chuyện. Đặt sang phía tôi chén nước chè mạn, ông tóp má rít điếu thuốc lào vẻ mãn nguyện, rồi cất giọng đà đận:

  - Tôi đang có ý muốn hỏi anh một việc, nhưng chưa biết làm cách nào, thì may quá, anh lên đây...

 - Vâng, cháu vừa lên. Có việc gì vậy chú?

 - Việc là thế này... Tôi hỏi thật anh và anh cũng phải nói thật với tôi nhá...

- Vâng, xin chú cứ hỏi. Biết đến đâu, cháu xin thưa đến đấy. Chú hỏi đi ạ.

- Này, nhà anh...

- Sao, chú?

- Nhà anh... là... gia đình liệt sĩ... nhỉ?

 - Dạ vâng. Anh cả cháu là Liệt sĩ chống Pháp từ tháng 5 năm 1950.

 - Đúng, tôi cũng thấy thế. Hôm xuống dưới nhà, tôi nhìn thấy hai tấm bằng treo ngay ngắn ở tường hậu gian giữa. Tôi còn đứng nhẩm đọc cẩn thận. Tên bác cả là Phạm Xuân Án, nhỉ?

 - Vâng. Nhưng có chuyện sao ạ? Chú nói...

- Không, tôi thì không có ý gì. Nhưng anh Ngoạn...

- Anh Ngoạn? Hôm ấy anh trai Nhàn có xuống dưới nhà cháu đâu ạ?

 - Thì thế. Hôm đó anh ấy bận việc công ty. Vậy mà anh ấy bảo anh ấy biết hết, anh ấy cứ khăng khăng bảo nhà anh có vấn đề, lý lịch của anh có vấn đề. Thế chứ lại, tôi nói thế nào anh ấy cũng không nghe. Và rồi anh ấy trách chúng tôi. Rằng, không kỹ lưỡng. Rằng, chưa gì đã vội nhận lời. Đến bực.

 Mặt tôi nóng dần lên. Cố kìm để khỏi bật ra nỗi giận, tôi đặt chén nước vừa cầm lên tay chưa kịp uống xuống bàn, đứng dậy:

 - Cháu hiểu rồi. Thôi, xin phép chú cháu về bên nhà kẻo chị Ngoạn chờ. Ông chú Nhàn ngài ngại tiễn tôi. Nhàn và chị dâu đang làm bữa trong gian bếp nhỏ đầy khói. Tôi lấy cớ trời sắp mưa, chào hai chị em Nhàn, ra về. Nhàn ngơ ngác. Chị Ngoạn bỏ bếp chạy ra, giữ ghi đông xe tôi:

- Ô hay, sao chú lại về? Không được, về là về thế nào. Cơm chị nấu sắp xong, chú phải ở ăn cơm chứ. Mưa thì ngủ lại, có sao. Thôi, nghe chị, mang xe vào nhà, rồi ăn cơm. Trời đang dồn mây đen. Gió đã nổi mỗi lúc một mạnh, bụi và lá cây bay tứ tung. Mưa dông đến nơi. Tôi ngần ngừ nhìn trời rồi nhìn chị Ngoạn, cố nuốt nỗi bực, làm theo lời chị.

 Vẫn như bữa cơm trước, chị Ngoạn xởi lởi mời gắp thức ăn cho tôi. Nhưng tôi chẳng còn tâm trí nào nghĩ đến ăn uống, uể oải chống đũa, uể oải nhai, mãi mới hết lưng cơm. Ngọn đèn dầu chập chờn bên mâm cơm y như lòng dạ tôi. Dông gió ngoài trời mỗi lúc thêm ào ạt như muốn xô đổ ngôi nhà tôi đang tạm nương náu.

Và, mưa gió đã bắt tôi nghỉ lại.

Ngôi nhà nhỏ bé được phân đôi bằng tấm liếp nứa đan lóng mốt đã lâu ngày, nhuốm màu đen mốc. Nửa ngoài ngôi nhà kê một cái giường mét hai đóng bằng tre. Theo lời chị Ngoạn, Nhàn mắc màn cho giường mét hai ấy rồi giục tôi đi nghỉ. Chị Ngoạn bế cu Hưng vào buồng trong, Nhàn cầm đèn đi theo chị. Tôi mặc nguyên quần áo dài, ngả lưng xuống giường tre, vắt tay ngang trán nhìn lên đình màn. Đầu óc đang xáo trộn nỗi buồn bực, tôi thấy Nhàn cầm đèn đi ra, đến bên bàn nước ghép bằng hai tấm gỗ mộc bào gọt sơ sài. Đứng chừng mấy phút rồi Nhàn tắt đèn. Căn nhà tối đen, trong khi ngoài trời chốc chốc sáng lóa sấm chớp. Tôi chợt nghe tiếng Nhàn khe khẽ thở dài, rồi tiếng bước chân Nhàn ngập ngừng. Nhàn đang đi vào buồng ngủ cùng chị dâu và cu Hưng. Tôi đoán thế, vì phần nhà ngoài có giường nào nữa đâu. Vừa thoáng nghĩ vậy thì tôi thấy cánh màn giường tôi động nhẹ, rồi cái giường tre khẽ chuyển. Nhàn ngồi xuống mép giường. Mấy giây lặng lẽ, và tôi nghe tiếng sột soạt cởi áo. Thú thực là tôi ngạc nhiên, ngạc nhiên lắm lắm. Chưa biết phản ứng sao thì Nhàn nằm xuống sát bên tôi. Hương thơm da thịt con gái lần đầu tôi ngửi thấy khiến tôi ngợp, cả người tôi thoắt nóng bừng, đường gân thớ thịt trong người bỗng căng cứng. Đang như thế thì bất ngờ Nhàn choàng tay qua ngực tôi, kéo siết tôi vào thân thể nóng rực và thơm tho của Nhàn...

Đúng lúc ấy, lời ông chú Nhàn vẳng lên trong đầu tôi. Tôi xoay nhanh người sang phía Nhàn, khẽ hỏi:

- Nhàn này, có phải...

Tiếng Nhàn hậm hụi bên vai tôi:

- Thôi anh... giờ không phải lúc... nói chuyện...

 - Nhưng anh muốn biết...

- Anh muốn biết gì?... Thôi nào, anh...

- Anh muốn biết có đúng là... anh trai em đòi anh phải nộp lý lịch để anh ấy và cha bác trên này xét duyệt rồi mới cho anh và em...

- Vâng, anh em có bảo thế... Anh ấy bảo hình như đã đọc lý lịch của anh và nhớ mang máng là...

- Là sao? Mà anh ấy đọc lý lịch của anh khi nào?

 - Anh ấy bảo cũng lâu rồi...

- Lâu là bao giờ? Sao anh ấy có lý lịch của anh chứ?

 - Em không biết. À, hồi đi thu mua nông sản xuất khẩu, hình như bác Hòa có bảo anh làm hồ sơ, đúng không?

- Đúng.

- Thế thì phải rồi. Chắc anh em đọc hồ sơ của anh đợt ấy... Anh em làm tổ chức của Công ty Xuất khẩu. Anh ấy là Phó phòng Tổ chức...

- À!...

Gương mặt bực dọc của Đội trưởng Đội thu mua nông sản Nguyễn Hòa hiện lên trong đêm ngay trước mắt tôi, và tôi nghe rõ lời anh: “Chú bị gạt, không được tuyển dụng, họ bảo do chú vướng lý lịch...”. Ra vậy. Và người đầu tiên gạt tôi chính là Phó phòng Ngoạn!

 - Anh, bỏ qua chuyện ấy đi, chúng mình...

- Khoan, để anh hỏi em câu nữa. Có phải ý anh Ngoạn là, nếu lý lịch của anh có bị vướng gì đó, thì sẽ không cho em lấy anh?

 - Anh ấy có nói thế...

 - Anh ấy nói thế, còn ý em sao?

 - Em... em hãi lắm. Em mồ côi cả bố mẹ từ bé, chính anh Ngoạn em nuôi em khôn lớn...

 - Và vì thế, nhất nhất mọi việc em phải nghe theo anh ấy, đúng không?

 - Em... Anh ơi, em sợ lắm. Anh em bảo, nếu anh vướng lý lịch mà anh và em cứ đến với nhau thì coi như... anh ấy mất em...

- Anh hiểu rồi. Vậy thì em nghe anh nói đây. Thứ nhất, anh lấy vợ chứ không phải anh xin vào cơ quan nhà nước, nên tuyệt đối không có chuyện anh phải nộp lý lịch cho gia đình trên này xét duyệt. Thứ hai, đời anh vất vả, anh cần một người bạn đời biết cảm thông, yêu thương anh, cùng anh vượt khó, không yếu đuối, không sống bị động. Và như vậy thì rõ ràng anh và em khó đến với nhau rồi. Tốt nhất là chúng ta nên dừng lại.

- Kìa, anh...

 - Thôi, anh quyết rồi. Ta nên dừng lại. Ngay bây giờ, ngay lúc này! Để anh không phải làm cái việc trái lương tâm, xúc phạm danh dự gia tộc. Để em yên lòng làm theo lời anh trai. Thế nhé, anh về đây!

 Tôi bật ngồi dậy, cả quyết gạt cánh màn, quờ chân tìm dép. Chợt tiếng chị Ngoạn vang lên bên cửa buồng:

 - Chú Hùng, chú bình tĩnh đã. Đừng để ý những lời anh Ngoạn nói, chú ạ. Chú hãy nghe chị nói đây. Hạnh phúc của chú và cô Nhàn là do cô chú quyết định. Bố mẹ còn chả can thiệp được nữa là anh trai. Anh em thì kiến giả nhất phận, chú biết quá còn gì. Vậy nên, nếu chú thực lòng yêu thương cô Nhàn thì chị khuyên chú đừng phân tâm ngã lòng vì câu nói của người này người kia, kể cả những câu này nọ của anh Ngoạn. Chú là người con trai đàng hoàng, học hành tử tế, chị biết. Chị cũng đã xuống nhà chú, được trò chuyện với bà và tận mắt nhìn gia cảnh nhà ta. Nói thực là chị mừng cho em chồng chị, cho cô Nhàn. Cô Nhàn đâu rồi? Cô nghe tôi nói đây. Cô có phúc lắm mới lấy được chú Hùng, mới được làm dâu con bà cụ, cô hiểu chưa? Lý với chả lịch (!) Anh em cô rõ là đồ dở hơi! Lý lịch ư? Cô lấy chồng hay cô lấy cái lý lịch? Cô nhìn tôi đây này, chả phải nhìn đâu xa. Tôi lấy anh cô có lý lịch hạng nhất, đúng không? Bố là liệt sĩ chống Pháp nhá. Mẹ cũng tham gia du kích chống càn, đánh Tây nhá. Hỏi còn lý lịch nào hơn? Ai cũng nói thế, và tôi cũng thấy thế. Nhờ bản lý lịch ấy mà anh cô dù không nhiều chữ nghĩa vẫn được đi thoát ly, vẫn được tin tưởng làm công việc tổ chức. Hồi mới lấy anh cô, tôi cũng tự hào lắm, mát mặt lắm. Nhưng rồi sao? Bao năm rồi, anh cô làm được gì cho nhà này? Cái nhà đến nay vẫn thế, cột kèo bằng những đoạn tre đực, tre gai, cột cắm vào đầu tường đất, nhìn có ra cái nhà không? Có so được với nhà chú Hùng không? Nói thì xấu hổ, vơ bán tất đồ đạc trong nhà này có mua nổi bộ cửa đại nhà chú ấy? Mà chú ấy đâu chỉ có nhà xây, sân gạch, hàng cau, bể nước. Còn vườn cây, ao cá, thóc lúa cót đầy cót vơi. Chính mắt cô thấy cả, tôi đâu có nói sai. Vậy mà anh em cô cứ soi chiếu lý lịch. Hai gia cảnh khác nhau một trời một vực, sao không ngẫm xem tại sao, vì sao, để mà nhìn lại mình, lại chỉ để mắt đến cái thứ giời ơi đất hỡi, đến những chuyện đâu đâu. Tôi nói để cô nghe nhé, cứ giả dụ lý lịch nhà chú Hùng không tốt đi, là địa chủ, phú nông chẳng hạn, thì hồi Cải cách người ta đã tịch thu sạch bách gia sản nhà chú ấy rồi, vậy mà từ tay trắng mẹ con chú ấy đã làm được cơ ngơi mới như cô và tôi thấy, thế thì bà cụ và chú ấy quá giỏi trong việc làm ăn, anh em cô và tôi còn khuya mới theo kịp, cô hiểu không? Và đấy mới là cái gốc mọi sự ở đời, cô nghe ra chưa hả? Chứ không phải tôi khuyên cô vì của nả mà yêu, mà lấy chú ấy, cô rõ chưa? Nghe thủng tai rồi thì mau ra giữ chân chú ấy lại, còn ngồi đấy mà khóc à? Chú Hùng, nghe chị đi, đừng ra về lúc này, chú ơi! Trời mưa to gió lớn lắm, chú sẽ bị cảm lạnh đấy... Tiếng chị Ngoạn thiết tha. Và chị lấn bấn bật diêm châm đèn. Tôi vẫn dò dẫm bước về chỗ để xe đạp. Khi tay tôi vừa chạm vào ghi đông xe thì ngọn đèn trong tay chị Ngoạn cũng bừng sáng, và chị bước vội đến đứng án trước tôi. Nhìn gương mặt hốt hoảng của chị chập chờn trong ánh đèn dầu, lòng tôi dào lên xúc động. Người phụ nữ thôn quê này sao mà thấu hiểu nhẽ đời đến thế! Tiếc rằng chồng chị và cả cô em chồng chị không nghĩ như chị, mà họ mới là người quyết định.

- Chị! Em cám ơn chị đã nói những lời tốt đẹp về gia đình em - tôi nắm bàn tay chị Ngoạn, nói nhỏ nhẹ - Nhưng chị ơi, chuyện của em và Nhàn thì chắc là không thành được rồi. Em đã quyết như thế chị ạ, không cần Nhàn phải nghĩ lại đâu. Chào chị, em về! Tôi cả quyết kéo cánh cửa liếp, đẩy xe ra sân, mặc mưa gió sấm chớp đầy trời.

  Gần một giờ sau, tôi gọi cửa. Mẹ tôi thắp đèn, sững nhìn con trai út ướt như chuột lột, rét run bước vào nhà.

 Nhiều năm qua rồi, giờ tôi đã là cán bộ nghỉ hưu, con cháu đầy nhà, tôi vẫn chẳng bao giờ quên gió mưa đêm ấy...

 

                                                                                                       Hà Nội, ngày giỗ Mẹ kính yêu
                                                                                                          23 tháng 9 năm Bính Thân
                                                                                                                      23/10/2016

                                                                                                                          P.M.H

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 129
Trong tuần: 632
Lượt truy cập: 384645

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.