Vũ Nho
ĐÔI ĐIỀU CÁM NHẬN VỀ TẬP THƠ “HÁT TỪ PHAN XI PĂNG”
Tập thơ của Lê Tuấn Lộc, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, 2023
Ấn tượng về sự dồi dào
Tiến sĩ mê thơ, làm nhiều thơ Lê Tuấn Lộc có thể coi là “hiện tượng” của thơ ca Việt. Anh đã công bố 16 tập thơ, 2 tập trường ca. Tập thơ thứ 17 “ Hát từ Phan xi păng” coi như là tuyển tập thơ với 442 trang in khổ lớn 16 x 23,5 cm. Viết khỏe, kinh tế cũng khỏe để đủ in những điều đã viết cũng đáng để khâm phục (Tập thơ bìa cứng, giấy tốt, in đẹp, 1000 bản chi phí sẽ khoảng hơn 40 triệu). Dẫu biết rằng văn chương nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”! Nhưng thơ cũng khá “tinh” (Bằng chứng là Giải thưởng của các tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải), mà lại cũng “đa” về số lượng! Vừa “tinh” lại vừa “đa” như thế thật đáng chúc mừng!
Ấn tượng về sự sắp đặt
In nhiều thơ như thế, nhưng khi chọn đưa vào tập thơ thứ 17, với tổng cộng 228 bài dài, ngắn; tác giả đã tỉ mẩn, công phu ngồi soạn lại theo 14 khúc hát. Mỗi khúc hát lấy tên một ca khúc được phổ nhạc đặt lên đầu. Mỗi khúc hát có những bài thơ khác nhau, nhưng được gói vào một chủ đề chính như “Một nét thành Tuyên" (trong đó chủ yếu là về Tuyên Quang, có cả những bài thơ về quê, về Thái Nguyên, Cao Bằng, Đà Lạt,…), “ Đêm trăng trên dòng sông Đáy”, “Ca ba vùng mỏ”, “Bao giờ em trở lại”, “Em là người Tày”, “Lính trẻ về thăm nhà”, “Tôi người xứ Thanh”,…
Như thế là rất công phu và tỉ mẩn. Có điều khi lấy một bài thơ được phổ nhạc đặt tên cho cả cụm thơ, thì những bài trong cụm cần phải cùng hoặc gần với bài nhan đề đó. Theo Tự bạch của nhà thơ thì anh có đến 35 bài thơ được phổ nhạc. Chọn bài thơ và ca khúc nào đây cũng là chuyện không đơn giản. Tác giả chỉ chọn 14 ca khúc của 12 tác giả Tân Điều, Hoàng Sâm, Văn Tiến, Đồng Tâm, Nguyễn Văn Tám, Xuân Liên, Mai Kiên, Lê Tịnh, Trọng Đài, Vũ Văn Viết, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh.
Ấn tượng về mấy chủ đề: Quê, Thợ, Người miền núi và Em (sau hết là hình ảnh trữ tình nhà thơ)
Lần theo 14 khúc hát, ngâm nga từ khúc 1 cho đến khúc 14 thì thấy rằng tác giả viết rất nhiều bài, về nhiều đề tài khác nhau, nhiều thời gian khác nhau, nhưng tựu trung lại có 4 chủ đề nổi bật là Quê, Thợ, Người miền núi và Em.
Quê Thanh
Quê Thanh của anh hầu như ở khúc hát nào cũng có. Ngay khúc 1 có những bài: “Ngày cưới mẹ tôi”, “Ngày cha về hưu”, “Làng cũ”. Khúc 2 có “Về lại quê Thanh”. Khúc ba có “Như Xuân” và mấy bài thơ viết về làng thợ mỏ Crom mít Cổ Định. Khúc 5 có “Rượu Thanh”. Khúc 7 có “ Tôi người xứ Thanh”, “Quê ngoại Đồng Bông”, “Về lại bến En”. Khúc 9 có “Trên đỉnh Am Tiên quê Thanh” . Khúc 11 có “Cổ tích ở mỏ Chromite Cổ Đinh Thanh Hóa. Khúc 13 có “Xứ Thanh, con yêu người vô cùng”, “Mùa Dứa chín”, “Yêu anh thì về xứ Thanh”,...
Không chỉ thể hiện niềm tự hào về xứ Thanh trong thơ, tác giả còn in tập bút kí : “Người xứ Thanh”, làm tổng chủ biên cuốn sách “ Văn nghệ sĩ, Nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội với quê Thanh”. Những câu thơ mộc mạc này như một tuyên bố đầy kiêu hãnh:
Tôi người xứ Thanh
Các con tôi đã khai sinh như thế
Các cháu tôi mai sau vẫn khai sinh như thế
Dù đi đâu về đâu.
b)Thợ
Sau này lấy bằng Tiến sĩ, nhưng Lê Tuấn Lộc gốc gác là thợ. Anh gắn bó với mỏ ở Tuyên Quang và mỏ Crommite ở Cổ Định quê nhà. Nhiều bài thơ viết về người thợ, xóm thợ, làng Mỏ, mùa xuân ở Mỏ. Có cả tập thơ mang tên “Thợ mỏ gặp nhau”, “Thơ và thợ”. Hình ảnh đi tìm quặng của người thợ thật đẹp:
Ngẩng đầu đỉnh núi cheo leo
Xốc ba lô, chống gậy hèo ta đi
( Như xuân)
Hình ảnh người thợ trên đỉnh đèo Côlia thật phóng khoáng và hùng vĩ:
Mây dưới chân ta lồng lộng trời cao
Nắng vàng giữa bao la non nước
Em xa thế làm sao thấy được
Anh đầu trần, vời vợi đỉnh Côlia
Làng thợ cũng giàu sang, phong lưu như ai:
Khách đến chơi thức nhắm sẵn cả rồi
Gà chạy đỏ sân, ao bơi đầy cá
Quăng mẻ vó cá giương vây trắng xóa
Tha hồ kho, tha hồ rán vàng ươm
(Làng thợ mỏ)
Có gian khổ, có hạnh phúc, có nỗi buồn, nhưng có nhiều niềm vui. Cái chất thợ thật giản dị mà khỏe khoắn:
Người Thiếc gặp người Than
Cười ran như…phảo nổ
Mặc kệ đời gian khổ
Ngang mày : trăm phần trăm
(Thợ mỏ gặp nhau)
Người miền núi
Cuộc đời người công nhân mỏ gắn bó với địa bàn miền núi, nên Lê Tuấn Lộc viết nhiều về miền núi. Các tập thơ của anh liên quan đến chủ đề miền núi và dân tộc. Như anh trần tình “Cái tạng tôi nó thế, gắn với mỏ là gắn với miền núi và dân tộc” ( Tự bạch). Khúc 5. Em là người Tày, khúc 6. Lính trẻ về thăm nhà, khúc 8. Áo mới cô tặng nhiều bài viết về người miền núi. Từ chuyện cô gái Tày, đến những địa danh miền núi. Từ chuyện áo mới cô tặng, bố mượn đi ăn cưới đến những so sánh nhà cửa, đi chợ, đi đường,…Tác giả nhìn Hà Nội bằng con mắt của người miền núi, bằng tình cảm của người miền núi nên thấy “Hà Nội người nào cũng đẹp”, và thấy người mình khác với người thành phố:
Người dân tộc mình chả thế
Cứ để mọi thứ tự nhiên như đời
Chả cần son phấn
(Hà Nội người nào cũng đẹp)
Những sự khác biệt ấy được nhấn mạnh với câu thơ “Không tin về Hà Nội mà coi”. Và câu thơ ấy sau thành nhan đề của một tập thơ : “Không tin về Hà Nội mà coi”.
Đáng chú ý là bài thơ Người dân tộc tự khai. Ở đây tác giả đã thay cho người Tày, người Hmong, người Thái, người Ba Na, người Chăm, người Pu Péo, người Phù Lá, người Pà Thẻn để khai, để kể, để tâm sự. Phải hiểu thấu đáo phong tục của các dân tộc, nếp sống, và văn hóa mới có thể viết được. Ví như người Pu Péo : “Mày lấy tao làm vợ không/ Lễ cưới phải cõng tao về nhà”; người Phù Lá: “Mày lấy tao làm vợ không/ Cầm tay kéo tao về/ Yêu nhau thì giữ hồn cho nhau”. Đây có thể coi như trường ca mini về các dân tộc ít người. Cũng như trường ca mini “Hát từ Phan Xi Păng”, không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên chung cho cả tập thơ.
Em
Anh thợ mỏ đi nhiều nơi, gặp nhiều người, rốt cuộc cũng có được một người làm bạn đời sinh con, đẻ cái. Nhưng tính anh ta thì đa cảm, đa tình lắm. Một nhược điểm nhưng cũng là ưu điểm của người làm thi sĩ. Em Chiêm Hóa, em Hà Giang, em Bắc Hà Lào Cai, em Mộc Châu Sơn La, em Sông Lam thành Vinh, em chợ nổi Cái Răng,…em nào cũng làm cho anh xao xuyến, ngẩn ngơ. Mùa Xuân trên đồi chè Mộc Châu làm chàng thi sĩ say sưa:
Mắt em cười long lanh long lanh
Tay hái chè thoăn thoắt thoăn thoắt
Gùi sau lưng lúc lắc lúc lắc
Váy Mông Hoa đung đưa đung đưa
( Mùa xuân trên đồi chè Mộc Châu)
Áo cóm của em gái Thái đẹp đến nỗi chàng thú nhận:
Chỉ tại áo em cúc bạc
Làm anh rối cả lên
Làm hoa ban trắng cả trời Tây Bắc
Tại áo cóm cứ căng lên như hai quả bưởi
Cúc bạc như muốn đứt tung
Eo vòng khoe sao mà thon thả
Làm anh hoa mắt lên
( Áo cóm làm anh rối cả lên)
Uống rượu với em, say em hay say rượu quên đường về thì nêu lí do:
Chỉ tại cái váy đen gấu hoa
Cứ núng na núng nính
Rượu ngô đầy sóng sánh
Làm anh quên đường về
( Chỉ tại cái váy đen cạp xanh)
Gặp em gái tằng cẩu xinh quá, làm cho anh ngẩn ngơ buồn với những câu hỏi vẩn vơ:
Sao em lại tằng cẩu?
Là em có chồng rồi
Để anh buồn thơ thẩn
Bỏ thơ ra suối ngồi
Em gái Thái xinh ơi
Sao lại có chồng rồi?
Sao lại cười duyên thế?
Làm anh hút hồn thôi
(Tằng cẩu)
Gặp hình ảnh núi đôi, núi cô Tiên ở Quản Bạ, chàng thi sĩ mơ màng:
Không ôm được nhưng anh ngắm được
Em khỏa thân hùng vĩ đại ngàn xanh
Ta lâng lâng giữa đất trời Quản Bạ
Em thiên thần trong cõi nước non anh
( Núi đôi Quản Bạ)
Qua bốn chủ đề ấy, bạn đọc sẽ thấy Lê Tuấn Lộc, một người thơ vạm vỡ, đa tình, mộc mạc, hồn nhiên, dễ say đắm, dễ vui, sống hòa đồng và rượu thì “bát ngát” : “Thâu đêm chén rượu chưa tàn/ Uống ta, uống bạn cho tràn cung mây” ( Uống rượu ở mỏ Thiếc Sơn Dương).
Đời thợ mỏ nhiều gian khổ nhưng không ít niềm vui. Vào tuổi năm mươi Lê Tuấn Lộc thú nhận:
Bão giông trời đất xoay vần
Việc đời nếm trải mấy lần đắng cay
(Tuổi năm mươi)
Vốn là con người yêu đời, lạc quan, nên ít thấy Lê Tuấn Lộc buồn, nếu có buồn thì cũng chỉ là nỗi buồn thoáng qua. Có lẽ đời anh vui là chính. Anh vui với mình, vui cùng bè bạn, vui với nghề, vui với thiên nhiên nên thơ anh là bài hát vui; nên tập thơ mang tên “Hát từ Phan Xi Păng” gồm 14 khúc hát khác nhau.
Một tập thơ đồ sộ, nhưng dễ đọc, vì người đọc có thể hát những khúc hát khác nhau cùng anh để biết những nỗi niềm buồn vui, gian khó và hạnh phúc, kiêu hãnh và tự hào của một người thợ với cuộc sống phồn thực, sinh sôi như dòng sông chảy mãi.
Hà Nội, 12/3/2024
V.N