Nguyễn Nhuận Hồng Phương
ĐỖ TOÀN DIỆN – TÂM HỒN LUÔN TƯƠI TRẺ
Năm 2007, tôi cùng học với Đỗ Toàn Diện ở Khóa 1, Lớp “Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Có thể nói ngay rằng, vào thời gian đó hai chúng tôi chỉ coi nhau như bạn cùng lớp. Bởi do chuyên ngành mỗi người khác nhau nên có chút thiếu đồng điệu. Và sau 3 tháng học tập, khi tan trường ai về nhà nấy, khoảng cách địa lý xa xôi, nên rất ít thông tin về nhau.
Cho đến tháng 6 năm 2022, trong vai “chủ nhà”, tôi được mời đến dự cuộc Tọa đàm: “Từ trang văn học Thiếu nhi tới sách giáo khoa tiếng Việt thực trạng và kiến nghị”, do Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Trung tâm hỗ trợ Sáng tác tổ chức tại Nhà Sáng tác Tam Đảo. Tôi gặp lại bạn đồng môn. Sau cái bắt tay, tôi nhận ra vẫn là sắc thái của chàng học viên Khóa 1 Đỗ Toàn Diện ở Lớp Bồi dường Viết văn Nguyễn Du năm nào: Thân hình nhỏ nhắn, đi đứng khoan thai, ánh mắt dịu dàng, tư chất khiêm tốn khuất sau gương mặt phúc hậu, nói năng nhỏ nhẹ, khúc chiết, ít biểu lộ cái “tôi” ra ngoài. Nhưng đấy là bề ngoài, còn sự nghiệp lúc này lại khác. Trong cuộc Tọa đàm, Đỗ Toàn Diện đến tham dự với tư cách là một trong những nhà thơ Việt Nam viết cho thiếu nhi, và có những bài thơ được tuyển chọn in trong sách giáo khoa. Và còn sửng sốt hơn, sau 15 năm gặp lại, tôi được biết Đỗ Toàn Diện có bước tiến dài trong sự nghiệp; anh đã in 15 tập thơ gồm: 6 tập thơ trữ tình; 5 tập thơ trào phúng, và 4 tập thơ dành cho thiếu nhi. Một sức viết khủng khiếp – Tôi thầm nghĩ và không thể không nói lời cảm phục. Nghe tôi khen, nhà thơ cười hiền, bẽn lẽn…
Để kỷ niệm lần gặp gỡ đó, khi về Đỗ Toàn Diện gửi tặng tôi mấy cuốn thơ làm kỷ niệm. Trong đó có thơ trào phúng, thơ trữ tình và thơ thiếu nhi. Nể phục sức lao động sáng tạo của nhà thơ họ Đỗ. Sau khi đọc thi phẩm của anh, không đừng được, tôi cầm bút viết, mặc dù bài viết này chỉ mang nặng tình cảm bạn đồng môn, nhưng mạn phép được đáo qua một chút về những bài thơ Đỗ Toàn Diện viết dành cho tuổi thơ. Vì ở những bài thơ đó, khi đọc, tôi thấy mình như được trở về những tháng ngày còn ngây thơ khờ dại… Và tôi tin ai cũng như tôi, sẽ mỉm cười, thích thú bởi những câu thơ ngộ nghĩnh, trong trẻo tả về tính cách, đặc thù của mỗi loài vật, chim bay trên trời, cá bơi dưới nước; mặt trời, mặt trăng, màu xanh cây cối, hoa thơm, trái ngọt, ngôi nhà, con đường, nhịp cầu, sông suối, trường, lớp… và rất nhiều vật dụng quen thuộc ở quanh, hiển hiện trong đời sống sinh hoạt thường nhật, nhưng khi đọc lên vẫn thấy lạ, như lần đầu mới thấy, mới phát hiện ra, và thật lạ, thật dung dị, thật diệu kỳ… “Chảy ra từ ruột đất/ Nước trong vắt hiền hòa/ Khi phải vượt ghềnh thác/Suối khóc nhè rên la…” (Suối); hay: Em ngủ nằm giường/Dơi ngủ treo ngược/ Ơi! Con dơi nhỏ/ Sao mà đáng thương/ Này dơi nhỏ ơi!/ Ngủ không nằm giường/ Nếu bị chóng mặt/ Làm sao đến trường?/ (Dơi con ngủ); và: “Trăng nghịch ngợm leo núi/ Trượt chân ngã sứt môi/ Trở thành vành trăng khuyết/ Như diều treo lưng trời.” (Trăng sứt môi). Suối khóc nhè; dơi chóng mặt; trăng sứt môi, Ôi! Những câu thơ thật đáng nhớ, đáng yêu cả ý tứ lẫn vần điệu ngộ nghĩnh làm sao…
Trên đây không phải điển hình mà chỉ là ví dụ. Còn dưới cái nhìn hạn hẹp của tôi, thì bài thơ nào của Đỗ Toàn Diện cũng cứ thế và luôn thế… Nếu muốn lấy để dẫn chứng, chẳng lẽ phải bê luôn cả tập lên mà chép vào ư? (!!!). Thế đấy! Đỗ Toàn Diện không chỉ mang đến sự huyền diệu của ngôn từ, lối cách điệu của thi pháp, âm hưởng đồng điệu lạ hóa và ngộ nghĩnh, thơ thới, cuốn quyện, hòa đồng trong tâm hồn con trẻ; mà còn mang tính giáo dục tinh tế, nhẹ nhàng với vần điệu thanh thoát, dễ nhớ, dễ thuộc.
Chả thế, ngoài bài thơ “Lên rẫy” đăng trong sách giáo khoa “Tiếng Việt” lớp 4 tập một, thì còn nhiều bài thơ của Đỗ Toàn Diện được nhà trường chọn làm đề kiểm tra cho học sinh, nhằm giúp các em tìm hiểu, nâng cáo kiến thức về cách dùng từ, dùng câu, ghép vần, hình ảnh… trong nền tảng phong phú của ngữ pháp Việt. Như các bài: “Tới trường”, “Na mở mắt”, “Cây gạo”, “Buổi sáng nhà em” “Bao giờ quê em có cầu”, “Thư viện trường em” …
Như vậy cho đến nay, chưa tính đến hàng trăm bài thơ đăng trên các báo, tạp chí văn nghệ địa phương và trung ương; thơ Đỗ Toàn Diện còn được dịch, đăng tải ở tạp chí nước ngoài như: Cộng hòa Liên bang Đức; Pakistan và một số nước ở châu Phi... Điển hình vào năm 2022 bài thơ: “Viết ở tượng đài nghĩa trang.” Của anh cùng với 190 nhà thơ trên toàn cầu được Nước Cộng hòa Tunisia tuyển, in vào tập thơ “Những nhà thơ vì Hòa bình thế giới”. Ngoài ra thơ thiếu nhi của nhà thơ Đỗ Toàn Diện, 28 tác phẩm được tuyển chọn vào sách thực hành, sách tham khảo và sách giáo khoa Tiếng Việt từ lớp 2 đến lớp 5. Tính đến thời gian tác giả viết bài này (5/2025). Nhà thơ Đỗ Toàn Diện đã đặt lên kệ thư viện của mình 21 thi tập. Trong đó có 07 tập thơ viết về thiếu nhi. Mà theo như nhiều cây viết nói: Thơ thiếu nhi cực khó viết! Theo tôi, khó hay chứ không phải khó viết. Bởi không thể dễ dãi buông câu, nhả chữ, chắp vần, dồn ý cho xong. Mà thơ thiếu nhi chính là kiến văn “vỡ lòng” khai hoang cho một “thế giới” tâm hồn còn trong veo, tinh sạch, chưa hề nhuộm màu tục lụy. Các em thường được phủ danh là “Thiên Thần Nhỏ”. Các thiên thần ấy với đôi cánh màu bạch ngọc, bay lượn trong sự vuốt ve trìu mến, yêu chiều ru nựng của cha mẹ và sự bảo an của xã hội. Trước mắt các em là bầu trời màu thiên thanh, có tiếng nhạc thánh thót đẩy đưa; có trăng sao lấp lánh in trên tấm màn nhung vi diệu.
Sống trong một xã hội văn minh có điều kiện vật chất đầy đủ như vậy các thiên thần còn thiếu gì nữa? “Con ong làm mật yêu hoa/ Con cá bơi yêu nước con chim ca yêu trời/ Con người muốn sống con ơi/ Phải yêu đồng chí yêu người anh em/ Một ngôi sao chẳng sáng đêm/ Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng…”. (Trích: “Tiếng ru” – Tố Hữu”). Nghe chừng tiếng ru ấy phần nào đã đề cập đến trách nhiệm của các nhà thơ, nên viết thế nào cho các thiên thần nhỏ hôm nay, và là những công dân tương lai… Ta có thể khẳng định: Cho dù xã hội chuyển biến đến đâu. Thì trong nền giáo dục, các thiên thần nhỏ bé kia rất cần vào những bài thơ làm “tay vịn” lẫm chẫm bước đi, lấy đó làm hành trang để mãi mãi sau này mang theo trên muôn nẻo đường đời…
May thay, anh bạn đồng môn với tôi – Nhà thơ Đỗ Toàn Diện hòa nhập với “Cộng đồng thơ thiếu nhi”, đã tạo nên một điểm nhấn trên văn đàn, ở một chuyên ngành sáng tác khó nhất. Hãy nhìn vào cột dài trong bảng thành tích của nhà thơ sẽ rõ: Hơn 15 Giải thưởng, Bằng khen từ tỉnh đến trung ương và các cơ quan chuyên môn. Điều đó đã nói lên sức vóc và năng lực tiềm ẩn dồi dào trong thơ của anh.
Là bạn nhà thơ Đỗ Toàn Diện, tôi thật tình quý trọng đức tính khiêm nhường và sự cố gắng miệt mài của anh. Còn ở lĩnh vực học thuật, tôi là kẻ “Múa rìu qua mắt thợ”. Theo ý chủ quan của người viết văn, nghĩ sao viết vậy. Câu cú e rằng không tu chỉnh lắm, mong bạn đồng môn – Nhà thơ họ Đỗ, và ai đấy có đọc xin được dành hai từ “Đại xá!”.
Tháng 5 – 2025
N.N.H.P
Người gửi / điện thoại