Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

DIỄN VĂN KỶ NIỆM 30 NĂM

Lê Va
 
HỘI VHNT TỈNH HÒA BÌNH - NGÀY VUI ĐIỂM LẠI
(Diễn văn Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội VHNT Hòa Bình
Do Nhà thơ Lê Va - Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình đọc
tại buổi Lễ Kỷ niệm ngày 28 tháng 8 năm 2023
 tại hội trường UBND tỉnh Hòa Bình)

  Hòa niềm vui lớn của đất nước kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mồng 2/9, hôm nay, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 30 năm ngày thành lập; Tổng kết, trao giải cuộc thi Thơ trên Tạp chí VNHB năm 2022-2023 và phát động Cuộc thi Thơ – Truyện ngắn – Ký mang tên “Những làn gió Tây Bắc” lần thứ 2, năm 2023-2024. Đây là cuộc sinh hoạt toàn thể lần thứ 3 trong năm 2023, rất quan trọng và ý nghĩa của Hội VHNT tỉnh Hòa Bình.

Cuộc Gặp mặt đầu xuân Quý Mão của lãnh đạo Tỉnh (lần đầu tiên) với 100% văn nghệ sỹ hội viên và Trao giải thưởng VHNT tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020 được đ/c Nguyễn Phi Long - Bí Thư Tỉnh ủy; đ/c Bùi Đức Hinh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh; đ/c Nguyễn Văn Toàn -Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đ/c Bùi Tiến Lực - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy - Trưởng Ban Dân vận; – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Bùi Thị Minh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Cẩm Phương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – PCT Hội đồng Nhân dân tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, BCH Tỉnh ủy – Lãnh đạo các ban, sở ngành của tỉnh tới dự. Cảm hứng mới, luồng sinh khí mới nở ra ngay từ đầu xuân đang dạt dào trong tâm thức mỗi hội viên Hội VHNT tỉnh.

Tiếp đến là Đại hội Hội VHNT tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2022-2027 tổ chức vào đầu tháng 3/2023 thành công tốt đẹp. Nghị quyết của Đại hội đang được cụ thể hóa trong thực hiện NQ Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình.

Hôm nay, tại hội trường UBND tỉnh, toàn thể văn nghệ sỹ tỉnh nhà lại rất xúc động, phấn khởi được đón các đồng chí lãnh đạo Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, các vị khách quý đến dự, động viên, chia vui với Hội VHNT tỉnh Hòa Bình - tuổi 30 cường tráng!

Tỉnh Hòa Bình, một vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa và giàu truyền thống cội nguồn. Với sử thi Đẻ đất đẻ nước đồ sộ và độc đáo. Trải qua hàng ngàn năm phong kiến phương Bắc đô hộ, văn hóa Việt - Mường, văn hóa Mường không thể bị đồng hóa mà mãi trường tồn. Có lẽ, cũng một phần quan trọng nhờ có Sử thi Mường. Một văn bản dù là khắc trên đá, gỗ, in trên giấy, thậm chí số hóa… đều có thể bị hủy hoại và vĩnh viễn mất đi. Nhưng, những áng văn như áng Mo Mường dù chỉ qua truyền miệng, một khi đã đi vào tâm thức các thế hệ người thì không thể phai mờ.

Bằng chứng là ông cha ta đã đời nối đời truyền cho nhau và giữ gìn Sử thi Đẻ đất đẻ nước như báu vật. Và từ âm hưởng kỳ vĩ, sâu thẳm của Sử thi Đẻ đất đẻ nước mà các làn điệu dân ca, dân vũ, các tác phẩm văn học nghệ thuật, các sản phẩm văn hóa ra đời tạo nên sự phong phú bản sắc văn hóa xứ sở.

Bên cạnh Sử thi Đẻ đất đẻ nước và những truyện thơ Út Lót – Hồ Liêu, Hùy Nga – Hai Mối của dân tộc Mường; trường ca Xống trụ xôn xao của dân tộc Thái, múa Múa chuông rộn rã của dân tộc Dao, Khèn bè trầm bổng của dân tộc Mông… thì văn học thành văn kỳ trung, cận đại của Hòa Bình cũng ra đời sớm mà rất có thể chúng ta chưa khai thác hoặc đã xao nhãng, đó là:

-Bài thơ khắc đá của vua Lê Lợi ra đời 1432, khi nhà vua trên đường dẹp giặc loạn Đèo Cát Hãn từ miền Tây Bắc trở về;

-Đó là, Truyện thơ Đinh Công Trinh dài gần 400 câu ra đời năm Nhâm Dần 1832, không chỉ thuần túy là văn học mà quý hơn, đó là một mạch sử trung đại của xứ Mường;

-Đó là, Diễn ca Hòa Bình quan lang sử lược của Quách Điêu in trên Nam Phong tạp chí, số 100, năm 1925 mà khi xưa, những học giả người Pháp mỗi khi lên xứ Mường Hòa Bình đều tìm đến;

-Đó là, Truyện thơ Đồi Thông hai mộ - một thiên tình sử viết về đôi trai gái người Mường: Đinh Lăng và Quách Mỵ Dung của Văn Sỹ Tùng Giang – Vũ Đình Trung, ra đời năm 1949, xuất bản và tái bản lần thứ 3 ngay năm 1950, đến nay nhiều người còn nhớ, còn thuộc; đã minh chứng về văn học nghệ thuật, tài sản quý của xứ Mường trước đây và tỉnh Hòa Bình ngày nay. Các tác phẩm văn học nghệ thuật ấy, phải trở thành, xứng đáng trở thành Sản phẩm công nghiệp văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế văn hóa, kinh tế du lịch của tỉnh Hòa Bình.

 Ngày nay, văn hóa, văn học nghệ thuật càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm, coi trọng, tôn vinh là một binh chủng đặc biệt trên mặt trận văn hóa, tư tưởng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Văn nghệ soi đường cho quốc dân đi”.

Nằm trong dòng chảy văn hóa của cả nước, văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình đã từng bền bỉ trên các chặng đường trường chinh của dân tộc, nay càng có điều kiện phát huy khi được sự quan tâm ngày một thiết thực hơn, sâu sắc hơn của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.

Ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Hòa Bình với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình. Từ đây, văn hóa đồng bằng và miền núi, văn hóa Hòa Bình và Hà Tây giao thoa ở tầng mức cao. Những cán bộ, văn nghệ sỹ từ Hòa Bình chuyển về Hà Đông tỉnh lỵ có dịp đứng xa để nhận rõ hơn vẻ đẹp, tình yêu đối với miền đất Hòa Bình mà mình đã và đang sống; những văn nghệ sỹ từ Hà Đông lên công tác tại miền núi Hòa Bình có điều kiện thâm nhập, khai thác thực tế, làm giàu cảm hứng nghệ thuật, từ đó tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Tiểu thuyết Hoa hậu xứ Mường của nhà văn Phượng Vũ là một minh chứng.

Công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà – Công trình thế kỷ của thế kỷ XX, mở ra đời sống công nghiệp sôi động của cả nước ngay trên thị xã miền núi Hòa Bình. “Hòa Bình vì cả nước. Cả nước vì Hòa Bình”. Bộn bề công trường nằm trong cái yên ả của núi rừng; hiện đại bên cạnh, bên trong bản sắc; cảm hứng bừng lên, các tác phẩm văn học nghệ thuật thai nghén và ra đời. Giáng Vân, Vũ Hữu Sự, Tạ Duy Anh, Nguyễn Lương Ngọc, Ngô Quang Hưng, Nguyễn Tấn Việt, Đào Khang Hải, Lò Cao Nhum, Bùi Minh Chức, Hà Trung Nghĩa, Đinh Đăng Lượng, Triệu Văn Đồi …và nhiều tên tuổi khác trưởng thành.

Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà của Quang Huy; Thành phố bên sông Đà của Nguyễn Hữu, Cơm Mường Vó lọ Mường Vang của Bùi Chỉ; Hoa đất Mường của Trần Hoàng; Mùa xuân Hòa Bình ơi của Huy Tâm; Lời chiêng của Bùi Đình Chiến; Những người sống trong mây của Nguyễn Tấn Việt; Rượu núi của Lò Cao Nhum… là những tác phẩm thơ và nhạc lay động lòng người và sẽ tiếp tục ngân lên cùng năm tháng.

Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, Kỳ họp thứ 9, ngày 12/8/1991, tỉnh Hà Sơn Bình tách thành 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Tỉnh Hòa Bình tái lập. Đáp ứng đòi hỏi khách quan của cuộc sống và mong mỏi chính đáng của giới văn nghệ sỹ, ngày 23/6/1993, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 48 – QĐ/UB thành lập “Hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình”. Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Sủm được tỉnh chỉ định kiêm nhiệm Chủ tịch Hội.

Tháng 7 năm 1994, tại hội trường Sở Văn hóa Thông tin diễn ra hội nghị với sự tham gia của hơn 60 anh chị em văn nghệ sĩ trong tỉnh đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời gồm 7 thành viên, ông Hà Sủm - Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tiếp tục làm Chủ tịch kiêm nhiệm; nhà văn Hà Trung Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm Phó Chủ tịch kiêm nhiệm; họa sỹ Nguyễn Hữu Xim, Biên đạo múa Ninh Trọng Sầu, Nhạc sỹ Trần Hoàng, họa sỹ Ngô Quốc Hùng và bà Đinh Thị Ướt làm ủy viên.

Đầu năm 1995, Bộ Văn hóa Thông tin cấp Giấy phép hoạt động cho Báo Văn hóa Hòa Bình-tờ báo in-ấn phẩm đầu tiên của Hội Văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình đã ra mắt và sớm được sự quan tâm, yêu mến của bạn đọc trong và ngoài tỉnh. 

Đại hội toàn thể lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 1995 – 2000 được tổ chức vào tháng 8/1995 với sự tham dự của 115 hội viên. Tại Đại hội này, Hội Văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình được đổi tên thành Hội Văn hóa - Văn nghệ Hòa Bình. Ông Hà Sủm tiếp tục được bầu làm Chủ tịch kiêm nhiệm.

Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 1999 – 2004 diễn ra năm 1999, Hội Văn hóa – Văn nghệ tỉnh Hòa Bình đổi tên thành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình. Nhạc sỹ Nguyễn Thành Viên được bầu là Chủ tịch và là Chủ tịch chuyên trách đầu tiên của Hội.

Tới nay, với 6 nhiệm kỳ đại hội đã phản ánh sự trưởng thành về quy mô tổ chức và đội ngũ, tập hợp trên 200 văn nghệ sỹ thuộc 4 thế hệ của 7 chuyên ngành Văn học, Sân khấu, Múa, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh và Văn nghệ dân gian cùng 2 cơ quan cấp hai là Văn phòng Hội và Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình đã được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Tỉnh ủy - Hội đồng Nhân dân – UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tặng cờ và nhiều bằng khen, giấy khen. Đã có 2 tác giả được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; 05 nghệ sỹ Ưu tú; trên 70 văn nghệ sỹ là hội viên các Hội VHNT chuyên ngành trung ương; và hàng trăm giải thưởng của các Hội chuyên ngành Trung ương và của tỉnh Hòa Bình trao cho các văn nghệ sỹ.

Trong dịp kỷ niệm trọng thể này, chúng ta càng xúc động, tưởng nhớ và tri ân các vị lãnh đạo tiền bối và các văn nghệ sỹ có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật như nhà nghiên cứu Hà Sủm, nhà nghiên cứu Bùi Chỉ; nhạc sỹ Trần Hoàng, nhà nhiếp ảnh Thiện Quý, Biên đạo múa, nghệ sỹ ưu tú Ninh Trọng Sầu, nhà nghiên cứu Bùi Thiện, các nhà văn: Hà Trung Nghĩa, Bùi Minh Chức, Triệu Văn Đồi, nhà thơ Lò Cao Nhum…hôm nay đã không còn nữa. 

Chúng ta ghi nhận và biết ơn các thế hệ lãnh đạo và văn nghệ sỹ có thành tựu sáng tác đã và đang cống hiến cho VHNT. Nay không ít người dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn đang miệt mài sáng tác và để lại những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.

 Chúng ta vui mừng ghi nhận sự xuất hiện và hăng say sáng tác của thế hệ tiếp nối. Chính họ đang dần chiếm lĩnh vị trí chủ công trong dòng chảy văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình.

Điểm lại trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, hội viên Hội VHNT đã sáng tác và quảng bá hơn 1000 tác phẩm, trong đó có 68 tập thơ; 9 tập tiểu thuyết; 32 tập truyện ngắn; 10 tập ký, tản văn; 37 tập sách nghiên cứu, sưu tầm văn hoá, văn nghệ dân gian; 02 tập phê bình, chuyên luận văn học; dàn dựng gần 100 tiểu phẩm, sáng tác trên 200 ca khúc, trên 150 buổi công diễn, trên 800 tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật được trưng bày, triển lãm tại tỉnh, khu vực và toàn quốc.

 Báo Văn nghệ Hòa Bình nay là Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình đã xuất bản 180 số, phát hành trên 12.000 bản, đăng 360 sự kiện; 1620 ghi chép; 540 truyện ngắn; 2520 bài thơ; 720 bài văn hóa dân gian; 360 bài lý luận phê bình văn học; 360 bài văn nghệ tuổi thơ; trên 180 bài văn học nước ngoài; trên 180 tác phẩm âm nhạc; trên 180 tác phẩm mỹ thuật; hơn 700 bài viết về nhiếp ảnh và ảnh nghệ thuật.

Hưởng ứng các mục tiêu toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh chung sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Giới văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình đang dấy lên khát vọng mới, tạo đà đột phá mạnh mẽ, cùng toàn tỉnh và cả nước thực hiện cuộc chấn hưng về văn hóa, xây dựng văn hóa công nghiệp, quảng bá, tiếp nhận các giá trị văn hóa, sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng cao, có giá trị lâu bền về nội dung và nghệ thuật, có sức lay động lòng người.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33 của TW về Xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước… là hòa dòng mạch chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật là “Chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình, tạo bước ngoặt mang tính đột phá cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật tỉnh nhà.

Phát huy thành tựu 30 xây dựng và trưởng thành của Hội, toàn thể giới văn nghệ sỹ đoàn kết một lòng, đổi mới, sáng tạo để có được nhiều hơn nữa những tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam trong thời đại mới. Xây dựng tỉnh Hòa Bình giàu mạnh và phồn vinh!

                                                                                                          L.V

 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 50
Trong tuần: 563
Lượt truy cập: 423178
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.