Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

DỊCH GIẢ THÚY TOÀN

Vũ Nho

DỊCH GIẢ THÚY TOÀN - NGƯỜI BẮC NHỊP CẦU NỐI VĂN HỌC NGA - VIỆT                         (Trích trong "Bạn văn Láng Hạ")

Hoàng Thúy Toàn, chàng trai làng Phù Lưu phường Đông Ngàn thành phố Từ Sơn là một trong 100 người được bác Hồ gửi đi đào tạo tiếng Nga ở Liên xô năm 1954, sau khi Bác nhờ Trung Quốc đào tạo 42 người về tiếng Nga năm 1950.

Lớp 100 người đó có nhiều tên tuổi chúng ta biết đến sau này như Chu Nga (phu nhân của Thúy Toàn), Vũ Khoan, Hồ Huấn Nghiêm, Hồ Thể Loan, Đặng Nhật Minh, Trần Khuyến, Lưu Văn Lợi, Vương Thịnh (người dịch bài hát Đôi bờ) ...

Có thể là một ngẫu nhiên hay một cơ duyên bí ẩn nào đó, Thúy Toàn sau khi học ở Nga về đã tự nguyện gắn bó với nghề dịch văn học Nga. Anh cấp các bản dịch in trên báo. Rồi lần lượt in các cuốn sách dịch văn học Nga. Các nhà thơ lớn của Nga như A. Puskin, Iu. Lermontov, A. Blog, S. Esenhin, R. Gamzatov, I. Bunhin, F. Chiuchev…đến bạn đọc Việt Nam qua cầu nối của Thúy Toàn. Anh còn đặc biệt quan tâm đến công việc dịch qua các tác phẩm viết về những người dịch văn học ở Việt Nam: Dịch văn học, văn học dịch, Những người dịch văn học ở Việt Nam, Những con ngựa thồ…

Nhà dịch thuật, biên khảo, lại kiêm sưu tầm nên Thúy Toàn đã sưu tầm giới thiệu các nhà văn thế giới dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du và các nhà thơ dịch Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh. Một phần của bộ sưu tập này đã được dịch giả công bố. Người dịch muốn công bố trọn vẹn trong hai cuốn sách mà mình đã có đủ tư liệu, như một đóng góp vào giới thiệu Truyện KiềuNhật kí trong tù.thuytoan

Cùng với Thúy Toàn, bạn đọc còn biết đến những tên tuổi dịch văn học Nga xô viết nổi tiếng như Cao Xuân Hạo, Phạm Mạnh Hùng, Hoàng Ngọc Hiến, Vũ Thế Khôi, Đức Mẫn, Phan Hồng Giang, Đoàn Tử Huyến, Bằng Việt, Thái Bá Tân, Triệu Lam Châu, Lê Sơn, Tạ Phương, Thái Xuân Nguyên, Trần Hậu… Tuy nhiên, như dịch giả Thúy Toàn bộc bạch khiêm nhường: “Trong công việc dịch văn học, tôi cũng thấy mình tương đối có khả năng hơn ở một mảng, đó là dịch thơ. Mà trong thơ cũng chỉ ở phần thơ trữ tình” (Suy nghĩ về nghề Văn trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ V, trang 1240). Không phải ngẫu nhiên mà trong các cuốn sách giáo khoa môn Văn, phần thơ trong văn học Nga, các bản dịch của Thúy Toàn được sử dụng như Cây Antra (Cây thuốc độc), Tôi Yêu em

Chỉ nguyên thành tựu dịch, giới thiệu văn học Nga, tham gia các hội thảo, các sự kiện văn học Nga ở Việt Nam ở Trung tâm văn hóa Nga, 501 Kim Mã, dịch giả Thúy Toàn cũng đã xứng đáng với danh hiệu cầu nối văn học Nga Việt. Nhưng không chỉ có thế…

Việc xây dựng Nhà lưu niệm văn học Nga mà chúng ta quen gọi là Bảo tàng văn học Nga tại quê dịch giả: làng Phù Lưu, quận Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh mới là một công trình hoành tráng, thể hiện lòng yêu mến văn học Nga vô bờ của dịch giả Thúy Toàn.

Không thể kể hết các hiện vật quý hiếm như các bài báo, các cuốn sách, các bức ảnh, bức tranh, các vật lưu niệm được sắp xếp một cách hệ thống, lớp lang. Tầng một với ba mảng: Các nhà văn Nga – xô viết với Việt Nam; Các nhà văn Việt Nam với Liên xô và Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn học Nga. Rất nhiều những dấu mốc, những bài báo hay bức ảnh là độc bản được lưu giữ ở đây. Người xem thấy được vị lãnh tụ của dân tộc đã chú ý đến tiếng Nga và văn học Nga như thế nào, tình cảm thắm thiết của nhà văn hai nước thể hiện ra sao qua những tiếp xúc, trao đổi từ hai phía.

Trên tầng hai của nhà lưu niệm là phần trưng bày theo chuyên đề. Thật công phu, tỉ mỉ và cũng rất thú vị khi chủ nhân bảo tàng đã ghi dấu mốc 5 mốc tiếp xúc đầu tiên của người Việt đối với Văn học Nga. (Tất nhiên có thể có người sẽ phản biện hoặc đưa ra các bằng chứng khác). Nhưng nguyên việc truy tìm và sắp xếp theo thời gian, cũng đủ thấy công phu của dịch giả Thúy Toàn.

Năm mốc tiếp xúc được xếp như sau:

Năm 1903, Vua Hàm Nghi tiếp xúc với Tachiana Sepkina ở An giê, khi nhà vua bị lưu đày ở đây.

Năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc với tác phẩm của L. Tolstoi.

Năm 1924, học giả Đặng Thai Mai nghe giáo sư Pháp gốc Nga nói về các tác phẩm của A. Puskin, L. Tolstoi, F.  Doxtoevxki…

Năm 1928, Cụ Huỳnh Thúc Kháng cho in trên báo Tiếng dân bản dịch Sống lại (Phục sinh).

Năm 1928, Cụ Phan Khôi đăng bài Cái thế lực của nhà văn hào về L. Tolstoi.

Cùng với 5 mốc đó là 5 giai đoạn truyền bá, phát triển văn học Nga ở Việt Nam. Trước Cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, trong kháng chiến chống Mĩ, khi Liên xô sụp đổ và hiện nay. Đây là sự phát triển nối tiếp. Đáng chú ý là sau khi Liên xô tan rã, Việt Nam vẫn tiếp tục giới thiệu 50 tập văn học Nga.

Một góc trưng bày khá thú vị là các nhà văn Nga, các tác phẩm văn học Nga qua huy hiệu, tiền và các con tem.

Người xem sẽ được nhìn tận mắt cuốn sách bằng tiếng Nga một chiều 1 cm và chiều kia 1,5 cm. Đó là bức thư tình nhân vật Tachiana gửi cho Onheghin tỏ tình với chàng (trong tiểu thuyết bằng thơ Evghenhi Onheghin của A. Puskin). Muốn đọc rõ thì phải dùng chiếc kính lúp đặt sẵn cạnh cuốn sách.

Và cũng được biết nhà văn Oxtrovxki của Việt Nam, người tiểu đoàn trường tiểu đoàn 307 Phạm Hồng Sơn. Anh bị thương phải ngồi xe lăn. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, Phạm Hồng Sơn đã tự học tiếng Nga và dịch tác phẩm văn học. Các bức thư viết tay của Phạm Hồng Sơn gửi Nhà xuất bản Văn Học là di cảo duy nhất được bảo quản.

Một cuốn sách dịch cũng rất độc đáo của dịch giả miền Nam Phan Bạch Châu. Ông đã dịch 5 tập hồi kí của tác giả K. Pauxtovxki rất dày dặn. Một tư liệu quý hiếm với những ai yêu mến tác giả Bông hồng vàng.

Ở đây, người xem có thể thấy bản dịch Người thứ 41 của B. Lavrenhev. Điều bất ngờ là người giữ chức Giám đốc Trung tâm văn hóa Nga ở Kim Mã, Hà Nội, lại chính là cháu nội của nhà văn Nga. Do ngờ ngợ nên dịch giả Thúy Toàn đã hỏi và biết một điều bí ẩn thú vị.

Trên tường có treo một bài thơ văn xuôi của M. Gorki cùng với bản dịch. Vốn băn khoăn từ lâu, tôi trao đổi với anh Thúy Toàn:

- Không biết từ đâu, tôi có mấy câu mà người ta cho là của M. Gorki. Tôi đã hỏi anh Lê Sơn về nguồn gốc nhưng anh Lê Sơn bảo cũng không rõ. Mấy câu ấy như sau:

Ta ca người phụ nữ

          Những người mẹ hiền từ

          Cả thế giới nương nhờ

          Dưới hai bầu vú sữa

          Trời không ánh sáng hoa nào nở

          Dạ vắng yêu thương cảnh những sầu

          Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ

          Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu

Anh Toàn có biết đây là bản dịch của bài thơ nào do M. Gorki sáng tác?

Thật bất ngời tôi nhận được câu trả lời:

- Dựa vào ý của M. Gorki, nhà thơ Việt Nam Đoàn Văn Cừ đã chuyển thành thơ! Tôi có tư liệu!

Tuyệt vời! Tôi tin vào sự tỉ mỉ và chu đáo của anh Thúy Toàn.

Tôi tận mắt nhìn thấy 15 tập Văn học Việt Nam được Liên xô xuất bản bằng tiếng Nga với bìa vải cứng. Có thể coi đây là một nghĩa cử, một đóng góp to lớn của nhà nước Liên xô quảng bá văn học Việt Nam. Trong các tập sách đó có các tác giả Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Thu Bồn… Có cả một tập giới thiệu các nhà thơ trẻ Việt Nam. Trong số đó có các tên tuổi Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mĩ Dạ, Nguyễn Thị Mai, Trần Mạnh Hảo…

Sau khi thăm nhà lưu niệm, tôi ghé nhà riêng của anh. Hóa ra còn rất nhiều những tư liệu, hiện vật chưa bày ở nhà lưu niệm.

Bộ Truyện Kiều được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới.

Bộ Nhật kí trong tù được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới.

Bộ sách giới thiệu văn học Việt Nam ra các thứ tiếng nước ngoài.

Năm nay dịch giả Thúy Toàn đã 86 tuổi. Anh vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Anh có ý định làm ba việc quan trọng:

Công bố cuốn sách Những người dịch Truyện Kiều.

Công bố cuốn sách Những người dịch Nhật Kí trong tù.

Xây Nhà lưu niệm văn học Nga trên đất của gia đình, trưng bày toàn bộ hiện vật mà mình đã sưu tầm, lưu giữ. (Hiện nay Nhà lưu niệm Văn học Nga đang trưng bày tại ngôi nhà mà UBND phường cho mượn vô thời hạn).

Tôi đã từng thăm Bảo tàng hậu chiến tranh của nhà văn Minh Chuyên ở Thái Bình, thăm Việt phủ Thành Chương của họa sĩ Thành Chương, một con dân làng chợ Giầu ở Sóc Sơn và lần này là Nhà lưu niệm Văn học Nga của dịch giả Thúy Toàn. Rất mong các vị mạnh thường quân Việt Nam, các vị chuyên gia văn hóa sứ quán Nga tại Việt Nam ủng hộ để nhà văn, dịch giả Thúy Toàn hoàn thành tâm nguyện của mình. Để Nhà lưu niệm - Bảo tàng Văn học Nga trở thành một địa chỉ văn hóa, một kỉ niệm đẹp đẽ về tình hữu nghị Việt Nga!

                                                         Hà Nội, 19 tháng Năm, 2023

                                                                             V.N

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 41
Trong ngày: 251
Trong tuần: 975
Lượt truy cập: 435620
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.