Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐI TRONG GIÔNG BÃO

ĐI TRONG GIÔNG BÃO VÀ TÌNH NGƯỜI TRONG NGHĨA ĐỒNG BÀO.

Ghi nhanh của VŨ THẢO NGỌC

Cơn siêu bão có tên Yagi, cơn bão số 3 của năm 2024 đổ bộ vào nước ta năm nay, hướng đi của bão Yagi với tốc độ từ trên 200km/h và như các chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn thì nó hung hãn lao vào đất liền với tốc độ không giảm, là hướng đi không đổi, là sức gió là mức độ hủy diệt…

Bão và sự cảnh giới hữu ích bằng nền tảng công nghệ số

Trước cơn siêu bão có tên Yagi đổ bộ vào nước ta mà trực tiếp vào vùng biển Đông Bắc, là Hải Phòng, là Quảng Ninh.

Các thông tin cập nhật rất nhanh, từng giờ, thậm chí vài chục phút là nhờ có nền tảng công nghệ số mà đa số nhân dân nắm bắt được từng giờ hướng đi của bão. Bên cạnh các Bản tin thời tiết quốc gia, của các đài địa phương các cấp thường xuyên thông tin về sức tàn phá của bão Yagi. Nền tảng Zalo,  facbook liên tục thông tin từ các cơ quan chức năng đến các nhóm, hội, gia đình … thông tin các vùng miền, thậm chí ngay trong khu phố, xóm làng đều nhận được thông tin nhanh nhất khi cơn bão còn đang cuồng phong ngoài biển xa. Nhờ có công nghệ cập nhật liên tục để nhân dân biết và lường trước hậu họa do bão sẽ gây ra, khi cột điện chưa bị bão bẻ gẫy, khi điện lưới còn, các phương tiện thông tin đại chúng đã kịp thời rất hữu ích gửi thông tin từ tâm bão về cho nhân dân biết sự tàn khốc của bão. Nhờ thế, có những đóng góp rất đáng kể cho nhân dân khi cuộc sống rơi vào các tình huống như thiên tai, dịch bệnh căng thẳng.  Rồi tin tức của các phóng viên đài báo trung ương và của tỉnh Quảng Ninh tại tâm bão được kịp thời đưa lên sóng địa phương và quốc gia, nhân dân cả nước đều theo dõi được diễn biến của cơn bão có mệnh danh là “bão điên”. Bắt đầu từ hiện trường đảo Cô Tô từng giờ được các phóng viên đưa tin, những cơn gió của bão Yagi tấn công vào hòn đảo nhỏ bé đầu tiên. Nhìn các phóng viên đưa tin về việc chính quyền địa phương, bộ đội, công an và các lực lượng phối hợp đã đưa bà con về các địa điểm trường học, cơ quan huyện kiên cố an toàn từ chiều hôm trước đã thấy ấm lòng vì cộng đồng. Các phóng viên đưa tin trong gió mưa cấp 10, cấp 12, nhìn họ nói trong tiếng gió rít bủa vây thì không ai có thể cầm lòng được. Những mái tôn trên mái nhà đã bay, biển mù mịt gió mưa, nhìn hình ảnh cô phóng viên nữ chùm áo mưa đứng đưa tin mà thót tim vì gió vẫn vù vù kia, cô ấy mỏng manh biết chừng nào. Nhưng tiếng cô vẫn rành rẽ, các thông tin về những cơn gió đầu tiên của bão Yagi đã tấn công vào hòn đảo Cô Tô nhỏ bé thế nào. Và tôi cũng nhận thông tin bão đổ bộ vào Cô Tô từ cô bạn làm truyền thông từ đảo xa như thế đến bằng nền tảng Zalo. Sau thì mất điện và đành âm thầm chia sẻ với bạn và bà con ngoài đảo, vì không thể liên lạc được nữa!…screenshot_1557

Ở các địa phương trong đất liền như Cẩm Phả, Vân Đồn, Hạ Long, Quảng Yên …. nơi dự báo cơn bão sẽ đi qua các phóng viên cũng đưa tin trực tiếp. Cơn bão chưa đến, phía sau họ là những thành phố, bờ biển bình yên trong chiều hoàng hôn hay trong cơn mưa gió bắt đầu đến thành phố, thị xã quê hương đã giúp nhân dân biết được từng giờ …chờ cơn bão dữ đến.

  Rồi thì bão đã tấn công vào các địa phương ven biển Quảng Ninh như dự báo. Trận bão đã khiến khắp các huyện thị, thành phố bị nghiêng ngả, cảm giác như thành phố, làng quê bị xé toạc từng mảnh lá mỏng manh, xơ xác. Ngay sau bão tôi có công việc di chuyển từ phía thị xã Đông Triều về qua thành phố Uông Bí, đến thị xã Quảng Yên, rồi thành phố Hạ Long… không thể không thốt lên, trời ơi thành phố của tôi, thị xã của tôi tan hoang đến thế này ư? Những hàng phi lao bị bẻ ngang thân sõng sượt đổ xuống ven đường, những hàng cây hoa  làm đẹp thành phố, làng quê dọc con đường quốc lộ bật gốc. Những mái nhà bằng tôn bị gió “vò xoắn” lại, những tấm biển quảng cáo, téc nước…bay vèo và rơi xuống lăn lóc bên rệ đường. Nhìn thành phố, thị xã quê hương đúng là hình ảnh sau một thảm họa - thảm họa từ thiên nhiên, của cơn bão điên, cơn bão quái dị, cơn bão rồ dại…mà người dân gọi tên trong nỗi bất lực khi cơn bão tấn công vào cuộc sống bình lặng của con người. Sức tàn phá của bão Yagi là một hiểm họa khó lường, có ai đó ví thành phố tan hoang như sau trận bom mỹ trút xuống miền Bắc hơn 60 năm trước. Những cơn gió mang theo mưa đã nã không tương tiếc vào các công trình công cộng đẹp đến thế, hoành tráng đến thế thành tơi tả, thảm hại như bức tranh không hoàn hảo của Bảo tàng Quảng Ninh, của Cung quy hoạch và Hội chợ Quảng Ninh, không thể hình dung nổi sức tàn phá ấy từ cơn giận dữ của thiên nhiên…

Và tình người trong giông bão

Khi cơn bão Yagi đổ vào Quảng Ninh, các cấp ngành Trung ương, các tỉnh bạn đã cùng chung tay có mặt hỗ trợ cùng Quảng Ninh. Ngay trong đêm ngày 6/9/2024 những người lính Quân khu 3 đã hành quân đến với Quảng Ninh. Chúng tôi thảy đều vô cùng thương tiếc sự cố không ai muốn để thượng úy Nguyễn Đình Khiêm hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ tại huyện biên giới Bình Liêu khi giúp dân chằng chống nhà cửa. Nỗi tiếc thương cho nhân dân cả nước, hình ảnh những người lính trẻ ngã xuống giữa thời bình xót xa vô cùng. Là các chiến sĩ lực lượng công an có mặt ở tất cả các điểm xung yếu hỗ trợ cùng các lực lượng phối hợp khác. Sau hơn 10h liên tục cơn bão gầm rú  tấn công  vào thành phố, thị xã ven biển thì bão ngưng. Tất cả đều thở phào như đi qua một cơn ác mộng, tiếng gầm rú gào thét của siêu bão sẽ còn ám ảnh rất lâu trong tâm trí mọi người ở tâm bão Yagi đổ vào…

 screenshot_1559Nhưng cơn bão ngưng là cả tỉnh đối mặt với vô vàn các công việc  khắc phục hậu quả do bão gây ra. Tất cả đều thốt lên, thành phố tan hoang, thành phố ngổn ngang cây đổ, cột điện đổ, những tấm tôn mái nhà, biển quảng cáo văng xuống xuống đường, đất đá từ trên núi đổ xuống các trục đường…tất cả như chướng ngại vật đã cản trở giao thông. Cản trở mọi sinh hoạt của người dân. Bất tiện nhất là mất điện và không cấp nước sinh hoạt. Cả thành phố, thị xã nơi cơn bão đi qua đều phải chịu sự bất tiện này. Các em học sinh không thể bước vào năm học mới vì cây đổ đầy sân trường, vì chưa đủ điều kiện học tập… Các mỏ than ngừng sản sản xuất vì chưa có điện, chợ tiêu dùng cũng ngưng vì bị ảnh hưởng quá lớn…

  Sau bão 5 ngày vẫn có nơi ở trung tâm tỉnh không có điện, nước chưa có, nhưng một nét đẹp hơn của người Quảng Ninh là đưa thông tin công khai trên các trang mạng xã hội, trên cộng đồng dân cư: hãy đến Trung tâm Viettel đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hạ Long để cắm sạc pin, để cập nhật Wifi khi đơn vị này khôi phục  hoạt động được. Tôi ở chung cư thì cư dân đều phải xuống phòng cộng đồng cắm sạc điện vì nơi đó có máy phát điện. Các cư dân thành phố thì ra siêu thị Go ở phường Hồng Hải để “xin” điện, đến các cơ quan, nhà dân có chạy máy phát điện… Một tinh thần cộng đồng vì nhau rất nhanh, rất nhân văn, rất hữu ích cho nhau khi tình huống cuộc sống bỗng dưng rơi vào trạng thái bất ổn như thế. Khi mất điện, không có sóng Wifi là cắt đứt liên lạc với tất cả mọi quan hệ đã có trong sinh hoạt hàng ngày, vì thế điện và Wifi trong lúc cơ sự như thế này mới thấy giá trị của nó. Ai cũng biết nhân dân Quảng Ninh ở trong tâm bão, nên ai cũng có vô vàn nhiều lời chia sẻ động viên, nhưng không thể kết nối điện thoại, kết nối Wifi… và việc các cơ quan có điện, có sóng Wifi đã thông tin rộng rãi để nhân dân tới sử dụng được, đã góp phần cho người dân đủ để thông tin với gia đình, bạn hữu rằng mình đang an toàn, đang ổn sau tin nhắn điện thoại hay Zalo, Facbook khi có song. Và chỉ cần một cú nhấp bàm phím là tất cả trở lại bình thường, mọi người cùng yên tâm về nhau, rồi tiếp nối là có mạng Wifi để cùng chia sẻ những việc ý nghĩa khác sau cơn siêu bão.

Trong tình hình đó, người dân Quảng Ninh đã đồng lòng cùng nỗ lực chung tay để thu dọn sau bão, là khắc phục điện cho nhân dân. Thành phố Hạ Long kêu gọi toàn xây chung tay làm đẹp lại thành phố sau bão, có hơn 200 tổ tình nguyện các thôn, khu và nhân dân toàn thành phố cùng tham gia chiến dịch 7 ngày để thành phố du lịch, thành phố di sản trở lại vẻ đẹp vốn có…Theo thông tin từ thành phố Hạ Long, cơn siêu bão đi qua đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến 50 ngàn hộ dân, thiệt hại về nhà cửa, 79/119 trường học, cơ sở giáo dục thường xuyên bị thiệt hại. Cùng với hơn 500 đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn bị ảnh hưởng. Hàng ngàn cây xanh dọc các tuyến phố và khu dân cư bị gãy đổ, gần 350ha lúa và hoa màu bị thiệt hai; hơn 2 ngàn 500 ha rừng keo bị gãy đổ. Các lực lượng cứu hộ thành công 78 người gặp nạn trên các tàu thuyền neo đậu trên Vịnh Hạ Long. Hiện còn 8 người mất tích, đã có 4 người bị tử vong. Và tiếc thương cho đồng chí thiếu tá trại tạm giam Quảng Ninh đóng trên địa bàn thành phố là đồng chí Trần Quốc Hoàng. Đồng chí đã hy sinh khi thấy nước dâng cao, đồng chí đã tìm cách mở cổng trại cho nước thoát nhanh để đảm bảo an toàn cho trại giam nhưng nước dâng nhanh đã cuốn theo đồng chí theo dòng lũ dữ mà sau đó đồng đội tìm được đồng chí ở rất xa nơi đơn vị mình. Thật sự là một nỗi đau buồn do bão Yagi gây ra cho con người. Trong thành phố, còn các nhiều nhà hàng, công xưởng bị hư hại nặng….

 Mấy ngày qua, trên các nẻo đường thành phố Hạ Long có rất nhiều các lực lượng của các ngành nghề đến chung tay hỗ trợ với Quảng Ninh sau cơn bão. Là các đồng nghiệp ngành điện đến từ Nghệ An, từ Trung tâm truyền tải điện I đến hỗ trợ để có thể khắc phục xuyên ngày đêm, những khu vực nào xong là cấp điện cho khu vực đó. Trong bài viết này tôi không thể không đề cập đến anh giám đốc Điện lực thành phố Hạ Long bị tạm đình chỉ điều hành vì một vi phạm đáng tiếc.  Khi cơn bão đến, những người thực thi nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị luôn phải là người tiên phong với công việc, và họ hiển nhiên trở thành những người lính như ở mặt trận, kỷ luật quân đội không cho phép lựa chọn, một là anh xông lên, hai là anh lùi lại, khắc nghiệt và vinh quang luôn đi cùng nhau. Và thấy cơ quan cấp trên đã rất nhanh nhạy khi buộc phải hành động nghiêm khắc để làm gương cho người khác, đó là tinh thần Kỷ luật, đồng tâm đã thấm vào huyết quản của quân và dân Vùng mỏ.

Sau bão là mất điện, sau bão là các nhu cầu của người dân bị chặn đứng. Hôm qua là ngày thứ 4 sau bão, tôi lại thấy các trang cộng đồng mạng ở thành phố Hạ Long cùng đưa lên, nào là nhà hàng 1982 ở phường Hồng Gai chuẩn bị 500 suất cơm, phục vụ liền 3 ngày từ 11,12,13/9 ai thấy cần thì đến nhé, là trên đường Trần Hưng Đạo, trước cửa trường tiểu học Trần Hưng Đạo thày Thành và nhóm trường quốc tế UKA Hạ Long chuẩn bị 250 suất cơm từ thiện, là nhà hàng Green Bãi Cháy ai cần đến nhé; trưa nay quán cơm cô Tâm An ở Núi Hạm sẵn sàng các suất cơm từ thiện, ai cần thì qua nhé…. Đọc những dòng tin như thế, thật sự cảm động trào nước mắt. Ôi Nhân dân của tôi, những con người bình dị ấy họ là ai, họ chỉ là những con người bình dị trong muôn vàn điều bình dị khác, lẫn vào muôn vàn Nhân dân để làm nên những điều kỳ diệu. Một miếng khi đói….giá trị vô cùng!

Là tỉnh Quảng Ninh từ chối 100 tỷ của Trung ương cấp và cấp ngay 180 tỷ về các địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng từ bão Yagi. Một con số ấn tượng vô cùng. Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã khen ngợi Quảng Ninh với tinh thần nhường cơm sẻ áo, truyền thống “lá lành đùm lá rách” và dù lá rách ít vẫn đùm lá rách hơn. Như chiều ngày 9/9/2024, tôi nhìn thấy các bạn thiện nguyện ở thành phố biên cương Móng Cái cùng xe hàng cứu trợ hành quân lên Yên Bái giúp đỡ thành phố này đang bị cô lập vì lũ tràn xuống…

Tôi không thể ghi hết những ân tình của các nơi hướng về miền Bắc nói chung, hướng về Quảng Ninh nói riêng với tinh thần sẻ chia và được sẻ chia, từ chuyến xe từ thiện đến những chiếc đò máy, xuồng máy, đến gói mì tôm và phong lương khô… Tất cả gói trong hai chữ thân thương, linh diệu “Đồng Bào”, cùng bọc trứng của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân. Dù ở đâu trên trái đất này, cứ nhìn, cứ nghe về tinh thần người Việt như thế, tự hào thêm nhiều lần hai tiếng Việt Nam!

                                                        Hạ Long, những ngày sau siêu bão Yagi, 11/9/2024

            V.T.N

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 59
Trong tuần: 627
Lượt truy cập: 417336
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.