Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
1234
2345
4567
3456
5678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

ĐI LÊN TỪ CÂU CA

Trương Vạn Thành

ĐI LÊN TỪ CÂU CA: “ĐƯỢC MÙA NÔNG CỐNG…”

Kí ức về một vùng quê thuần nông nghèo khó

  Không biết từ khi nào, mỗi khi nhắc đến địa danh Nông Cống người ta thường nhớ đến câu ca “Được mùa Nông Cống sống mọi nơi…”. Theo tiền nhân ghi lại, sản vật nhiều nhất ở Nông Cống xưa là lúa gạo. Cái tên Nông Cống cũng đã nói lên điều đó. Theo "Đại Nam nhất thống chí" thì tên Nông Cống có từ trước thời nhà Trần. Nông Cống (theo chữ Hán) có nghĩa là cống nạp sản phẩm nông nghiệp.

Câu ca dao trên không chỉ có ý nghĩa Nông Cống là huyện thuần nông nhiều lúa gạo (khi được mùa) mà còn hàm ý về vùng đất đồng chiêm trũng, chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn, thường xuyên mất mùa

  Kí ức về những làng quê với những ngôi nhà mái lá thấp bé nấp dưới những lùm tre, bờ kè, những con đường làng nhỏ lầy lội còn in đậm trong tôi. Mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn sông Mực, sông Lãng đổ về lòng chảo Nông Cống làm chìm ngập những cánh đồng lúa sắp đến kỳ thu hoạch và cả nhiều xóm làng. Những con đường hóa thành sông chỉ có thề đi lại bằng thuyền. Nhìn cánh đồng nước mênh mang mà ngao ngán. Đến những năm 80 của thế kỷ trước, cả huyện chỉ có một đoạn đường nhựa nhỏ xuyên qua Thị trấn huyện lỵ. Trên địa bàn huyện, ngoài Mỏ Secpentin, Nhà máy giấy Lam Sơn, Nhà máy chế biến chè của Nông trường Yên Mỹ không còn có cơ sở sản xuất công nghiệp nào đáng kể. Cuộc sống người dân chỉ chủ yếu dựa vào cây lúa, thu nhập đã thấp lại bấp bênh nên thanh niên trai tráng phải nối tiếp nhau, khăn gói lên tầu vào TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…để mưu sinh

  Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của một thời đã qua. Nông Cống nay đã khác. Cuộc sống đổi thay hàng ngày và miền quê nghèo khó đang khởi sắc lên hương!

Kì tích trong xây dựng nông thôn mới (NTM)

  Là huyện có địa bàn rộng, đông dân cư, đặc thù từng vùng khác nhau, trong quá trình xây dựng NTM Ban chỉ đạo các cấp đã triển khai các giải pháp khá linh hoạt, sáng tạo. Song song với việc xây dựng NTM cấp xã, Nông Cống đã chú trọng xây dựng NTM cấp thôn, bản, có nhiều thôn, bản NTM sẽ có nhiều xã NTM.

  Để thực hiện mục tiêu đề ra, Nông Cống đã cử cán bộ huyện trực tiếp xuống địa bàn để thực hiện “3 cùng” với người dân. Ngành nông nghiệp Huyện đỡ đầu các thôn, bản trong tiếp thu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề cho lao động, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả,

  Riêng đối với khu vực miền núi, Nông Cống đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi thôn, bản đạt chuẩn NTM, khen thưởng hàng năm, từng giai đoạn cho các thôn, bản có thành tích xuất sắc vươn lên trong điều kiện đặc biệt khó khăn trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”,

  Trong chiến lược “tam nông” của mình, Huyện xác định: “xây dựng NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”; Việc xây dựng NTM phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

  Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nâng cao kỹ năng tay nghề và giải quyết việc làm được coi là giải pháp đột phá. Trong vòng mươi năm qua đã có hơn hai vạn lao động nông nghiệp được đào tạo nghề chuyển sang làm việc trong các nhà máy, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất mới thành lập đủ nói lên quy mô của công tác đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trên địa bàn Huyện. Bên cạnh đó, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa được nâng lên rõ rệt. Trên thực tế, tình làng, nghĩa xóm, vệ sinh môi trường, an ninh nông thôn đã có thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực.

  Thành tựu xây dựng NTM của Huyện đã được Nhà nước công nhận là Huyện NTM năm 2020 (QĐ 175/QĐ-TTg) và được tặng thưởng Huân chương lao động hạng III. Huyện đang tiếp tục chỉ đao các xã nâng cao tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đến nay toàn Huyện đã có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu

  Một điều ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy: chất lượng cuộc sống và tư duy sản xuất hàng hóa của người nông dân được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở được trưởng thành. Từ thực tiễn đổi thay của cuộc sống người dân ngày càng tin tưởng sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Chính quyền.

  Nhiều người, đã lâu, nay mới có dịp về thăm lại sẽ ngạc nhiên với điều kiện sống của người dân miền quê Nông Cống hôm nay. Làng nào, thôn nào cũng có nhà văn hóa, có sân chơi thể thao, nhiều nhà dân to đẹp, khang trang. Nhiều hộ gia đình đã sắm được ô tô, vật dụng đắt tiền. Các con đường liên thôn, liên xã to rộng, sạch đẹp. Hai bên đường, cỏ hoa khoe sắc. Kí ức nghèo nàn lạc hậu đã lùi xa. Không khí vui tươi, phấn khởi bao trùm làng bản xóm thôn.

Phá thế thuần nông, phát triển công nghiệp, dịch vụ, tiến lên giàu mạnhk800_img_8831

  Quá trình phát triển đi lên của Nông Công là quá trình phá thế thuần nông, phát triển công nghiệp và dịch vụ để tiến lên giàu mạnh. Theo số liệu thống kê tại thời điểm kết thúc năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế ước đạt 14.712 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chiếm tỷ trọng: 19,6%, công nghiệp và xây dựng: 52,69% dịch vụ 27,71%... Thu nhập binh quân đầu người đã đạt 65 triệu/ năm. Có thể nói Nông Cống hôm nay đã là một huyện công nghiệp (tỷ trọng công nghiệp đã trên 50%).

  Đặc biệt ấn tượng trong hai năm qua mặc dù bị ảnh hưởng của Dịch bệnh Covid19 và kinh tế toàn cầu trì trệ song hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, thu hút đầu tư vẫn đạt được kêt quả rất tích cực. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng tăng trưởng 9,58%. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt19.335 tỷ đồng, đạt 77,3% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ có thể coi là một bước đột phá rất có ý nghĩa. Cũng trong thời gian từ 2021 đến nay, toàn huyện đã có 55 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 6.191,3 tỷ đồng, trong đó có 02 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 32 triệu USD. (Theo báo cáo Sơ kết giữa nhiệm kỳ của Huyện ủy)

  Đến nay, Nông Cống đã quy hoạch 2 khu CN và 6 cụm CN với diện tích gần 263 ha. Đã có 4 cụm CN đã được tỉnh chấp thuận thành lập. Số doanh nghiệp đang hoạt đông: 414 (trong đó có 255 doanh nghiệp mới thành lập hai năm qua). Các doanh nghiệp đang tạo ra việc làm cho 18.358 lao động và tạo nên phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng và kim ngạch xuất khẩu của Huyện.  

  Cơ cấu kinh tế Nông Cống đang thay đổi theo hướng tỉ trọng của công nghiệp tăng lên nhanh chóng. Thương mại dịch vụ cũng sẽ tăng nhanh theo một khi sản xuất phát triển và đời sống, thu nhập dân cư lên cao. Trong khi đó lĩnh vực nông nghiệp do đã hoàn thiện hệ thống thủy lợi, không còn cảnh lụt lội như xưa, hàng chục năm nay Nông Công liên tiếp được mùa và nay đang chuyển đổi sang hướng phát triển xanh, bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô ngày càng lớn.

  Có thể nói lời nguyền phá thế thuần nông, độc canh cây lúa, phát triển kinh tế hướng tới ấm no của bao thế hệ người Nông Cống đã thành hiện thực. Một điển hình về ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo của một huyện nghèo đã đi vào ca dao tục ngữ

Vĩ thanh 

  Đoàn Chi hội Nhà văn Công nhân, trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã có 3 ngày đi thực tế sáng tác tại huyện Nông Cống. Tuyến đường cao tốc Bắc Nam vừa được thông xe rút ngắn khoảng cách từ thủ đô Hà Nội về với “thủ đô thiêng liêng” của xứ Thanh chỉ còn hơn 2giờ đồng hồ. Những đổi thay trên mảnh đất này đã gây ấn tượng mạnh đến mỗi thành viên trong đoàn. Những cánh đồng trù phú, xanh tươi, những thôn làng khang trang đẹp đẽ và bình yên, những nhà máy hàng nghìn công nhân nhà xưởng san sát và những con đường rộng mở còn thơm mùi nhựa. Bây giờ thì Nông Cống đã có cao tốc Bắc Nam, có đại lộ nối với Cảng biển quốc tế Nghi Sơn, với Sân bay Thọ Xuân, với Thành phố Thanh Hóa, với cac huyện miền núi phía tây nam của tỉnh. Sắp tới đây hoàn thành dự án đường Thị trấn Nông Cống đi Bến En, một khu du lịch tầm cỡ quốc tề đang được Tập đoàn Mặt Trời đầu tư xây dựng. Một sự kết nối hoàn thiện, trong mơ. Tôi chợt nghĩ về một tương lai gần Nông cống sẽ là một điểm nhấn về phát triển, góp phần tao nên một cực tăng trưởng Thanh Hóa của tứ giác phát triển phía Bắc

  Tạm biệt Nông Cồng, tạm biệt miền quê tươi đẹp của những con người bình dị thân thương mà tràn đầy nghị lực. Những con người yêu quê hương và biết làm giầu trên quê hương nghèo khó của mình. Tự dưng trong lòng tôi lại ngân lên câu ca: “Được mùa Nông Cống sống mọi nơi…”. Đúng là Nông Cống đang được mùa, được mùa về kinh tế, được mùa về xây dựng NTM, được mùa về kết cấu hạ tầng và…đang “được mùa” về niềm tin của người dân.

16/9/2023

     T.V.T                              

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 61
Trong tuần: 781
Lượt truy cập: 457534
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.