Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ĐÊM KHÔNG BÓNG TỐI

Tống Ngọc Hân
 
ĐÊM KHÔNG BÓNG TỐI
 
 
 
  Người ta bảo giầu con út, khó con út, nàng thấy cái giầu không đến lượt nàng, nhất là từ khi chồng nàng gặp bạo bệnh rồi qua đời. Thị trấn phố huyện nhỏ nhỏ xinh xinh, nơi nàng và con gái tám tuổi sống, người ta vẫn cảm thương cho nàng vì nàng còn quá trẻ. Nghề giáo với mức lương eo hẹp, nàng tự xoay sở bằng việc nuôi thêm đàn lợn. Từ khi mẹ chồng nàng phải nhập viện chữa bệnh thì nàng cũng bán đàn lợn đi.
 
 Ngày mẹ ra viện cũng là ngày anh cả của chồng tuyên bố đã bán ngôi nhà ở quê của mẹ. Trước mắt, mẹ về ở với vợ chồng anh, mọi chuyện còn lại sẽ bàn sau. Nàng cũng yên tâm vì điều kiện hai bác khá giả, nhà cửa khang trang, thu nhập tốt. Chị dâu làm ở phòng công chứng, anh chồng có công ty vận tải riêng. Mẹ có bốn người con trai, ngoại trừ chồng nàng đã đi sớm thì cả ba anh đều trưởng thành đỗ đạt cả. Làm dâu nhà mẹ, nàng vốn được bạn bè khen là có phúc lớn, mà nàng cũng cảm thấy như thế vì cửa nhà yên ấm. Nàng chỉ thắc mắc một điều vì ngôi nhà ở quê vùng trung du, mẹ bảo để thờ cúng, hương khói tổ tiên không bao giờ bán cơ mà? Rồi nàng lại nghĩ, cái luật tam tòng tứ đức vững chãi lắm, phu tử tòng tử, mẹ cũng chỉ là đàn bà thôi, anh cả có quyền quyết định mọi việc thay mẹ trong lúc mẹ ốm yếu.
 
  Mẹ ở với anh chị được một tuần, anh cả điện nàng về họp việc gia đình gấp. Nàng lo lắng thu xếp về tỉnh ngay.
  • Đấy, thím nhìn đi.
 Chị dâu cả chỉ cho nàng xem một khung cảnh đổ vỡ, tan nát. Tất cả là do mẹ đập phá. Cứ đêm đến là mẹ đập phá. Nàng ứa nước mắt nhìn mẹ, nhìn những vết xây xước bầm tím trên gương mặt người đàn bà ngoài bảy mươi mà ngu ngơ như trẻ nhỏ bị người lớn mắng oan. Chị dâu cả còn chìa cho nàng xem cái đơn ly hôn đang chờ anh ký vào. Quả là sức chịu đựng của con người cũng có hạn.
 
  Được bốn hôm, chị dâu gọi điện cho nàng sa sả kể tội mẹ. Chị còn dọa sẽ ly thân, để ông công an phường khỏe đi muốn làm thế nào thì làm. Lại đổ vỡ, lại kêu gào, lại phá phách. Lại thêm những bầm tím trên thân thể mẹ vì ngã, vì va đập. Lại họp, lại bàn giao. May mà nhà anh thứ ba cũng không xa quá. Cả hai người đều kinh doanh tự do, quỹ thời gian cho mẹ chắc sẽ nhiều hơn. Lần này, sau cuộc họp về, nàng bắt đầu thấp thỏm.
 
   Vỏn vẹn có một ngày, tức là hai mươi bốn giờ tính từ lúc mẹ đặt chân vào nhà anh chị. Chị dâu đã ôm chăn gối, quần áo ra cửa hàng ngủ, đồ đạc đắt tiền, dễ vỡ cũng sơ tán hết. Chỉ còn ông anh thứ ba đang vò đầu bứt trán trong bãi chiến trường và than thở, cứ thế này thêm một ngày nữa, anh còn điên nặng hơn mẹ mất thôi. Mẹ có điên đâu, mẹ chỉ bị hoang tưởng, xung quanh mẹ, chỗ nào mẹ cũng thấy cả lũ ma quỷ đang tấn công mẹ. Chị dâu cả cười khẩy. Chị chịu được mẹ bảy ngày cũng là vô địch rồi. Mọi người bàn nhau đưa mẹ vào bệnh viện rồi cắt cử người trông nom. Nhưng bác sĩ bảo bệnh của mẹ ở nhà với con cháu tốt hơn, sức mẹ lại yếu, cùng lắm mẹ chỉ hại được đồ vật chứ không hại được ai cả.
 
    Cuối cùng nàng nhận đón mẹ về thị trấn cùng mẹ con nàng. Cả một chuyến xe chất đầy quần áo, đồ dùng của mẹ. Hoa quả, thuốc men, đồ chơi, bánh kẹo. Các anh chị bù đắp, thu vén cho nàng hết cả, để nàng yên tâm mà chăm mẹ. Họ còn bảo nàng nghỉ dạy mà ở nhà luôn, nàng sẽ nhận những tháng lương gấp năm lần nhà nước trả cho nàng. Mẹ đập vỡ những gì nàng cứ thống kê đầy đủ, các anh chị sẽ đền hết. Nàng biết, mẹ sẽ không bao giờ còn cơ hội trở về những nơi mẹ đã phải ra đi. Trọng trách đã đặt lên vai nàng, nàng sẽ phải gánh, nàng đâu còn chồng để dọa ly hôn, nàng đâu có cửa hàng để ôm gối ra ngủ. Sẽ chỉ mình nàng đối diện với căn bệnh hoang tưởng trầm trọng của mẹ thôi. Người đàn bà sinh ra nàng nghẹn ngào trong nước mắt vì xót thương con gái. Bà nhắc nàng về quãng đời dằng dặc còn lại, về một bờ vai, một chỗ dựa. Nàng ngậm ngùi nói với mẹ rằng, bây giờ mẹ chồng nàng đang rất cần nàng, nàng phải gồng người lên để làm một chỗ dựa vững.
    Đêm đầu tiên ở với nàng, mẹ ngồi im trên ghế ngắm căn phòng sáng choang choang như ở bệnh viện, mẹ yên tâm bảo nhà này chẳng có ma. Được một chốc mẹ đi về phòng ngủ của hai mẹ con nàng. Nàng nhanh chân chạy trước bật bóng điện. Mẹ cúi xuống gầm giường rồi hú lên thất thanh;
  • Ối ma, có con ma dưới này.
   Nàng nhao tới, dùng sức dựng cái giường lên. Đấy mẹ xem, con ma bỏ đi rồi. Đang đêm nàng hì hục tháo cái giường ra từng mảnh dựng ra ngoài hiên, trải chiếu xuống nền nhà. Mẹ đến bên cửa sổ, lật cánh cửa nhìn ra sân, ngoài sân nàng cũng cho giăng mấy bóng điện sáng trưng. Nhưng nàng vừa lật trang giáo án, đã nghe mẹ ú ớ chỉ ra ngoài trời kêu có con ma to lắm, phải giết nó đi. Nhìn tay mẹ chỉ vào khóm dạ hương đang nức nở thơm lần cuối mà lòng nàng tê tái. Bên gốc dạ hương chính tay nàng đã trồng, vợ chồng nàng đã trao nhau bao cử chỉ yêu thương vào mỗi đêm trăng sáng. Con dao trong tay nàng đã vung lên, những tiếng hương sắc rụng xuống chân nàng chìm trong tiếng reo hò cổ vũ của mẹ. Hạ gục xong con ma dạ hương, thì đến con ma giàn hoa giấy. Tay chân nàng mỏi rã rời cũng là lúc mẹ thiu thiu ngủ trên chiếc chiếu con ngay nhà ngoài. Nàng khép giáo án lại, nhìn những đồ vật trong nhà ngổn ngang mà buồn vô hạn. Rồi đây, những ngày hè, cái nắng sẽ thiêu đốt căn nhà trơ trọi không bóng râm. Và bắt đầu những đêm dài căn phòng nhỏ sẽ mãi sáng.
 
  Tiếng đấm cửa thùm thùm làm cả hai mẹ con nàng choàng tỉnh, nàng vội vàng bật điện và mở cửa phòng. Mẹ lao vào phòng của hai mẹ con nàng, mẹ bảo ngoài kia sợ lắm, mẹ muốn ngủ với nàng. Nàng lấy thêm gối để mẹ nằm xuống cạnh hai mẹ con trên chiếu trải sát đất nhưng mẹ không nghe, dứt khoát đuổi con bé ra ngoài ngủ. Suốt tám năm chưa một đêm xa mẹ, nay phải nhường mẹ cho bà nội, con gái nàng khóc dấm dứt đến sáng làm tim nàng như muốn vỡ. Mẹ nằm nghiêng ôm chặt nàng và ngủ ngon lạ lùng, giấc ngủ sau bao đêm nhọc nhằn đập phá, gào thét. Nàng không dám cựa mình, cũng không dám gỡ tay mẹ ra. Ánh sáng trừng trừng nhìn vào mắt nàng và soi rọi lòng dạ nàng, khiến nàng chỉ biết nằm im.  
 
   Sau đêm bổn phận đầu tiên, nàng phờ phạc đến lớp, được đồng nghiệp chia sẻ khích lệ, nàng thấy lòng nhẹ vơi đôi phần.
  Trở về nhà lúc hoàng hôn ngả bóng, thấy mẹ hiền lành cười nhìn nàng như thể cả ngày mẹ đã ngồi đợi nàng về. Ba mẹ con bà cháu tíu tít dọn nhà, tưới rau, chuẩn bị bữa tối, sau đó nàng tẩn mẩn xoa dầu lên những vết bầm tím trên người mẹ. Vừa ăn cơm, mẹ vừa kể về những ngày bố đi chiến trường, mình mẹ một mình cáng đáng tất cả mọi việc và nuôi đàn con khôn lớn trưởng thành. Mẹ kể mẹ đi làm dâu khổ lắm, trăm cay ngàn đắng. Nàng lắng nghe, nàng không thấy bóng mình trong cuộc đời lam lũ cực nhọc của mẹ, nhưng ở cung bậc nào đó nàng thấy mình có phần giống mẹ. Đang ăn cơm, anh cả điện về hỏi xem đêm qua mẹ thế nào? Nàng nhẹ nhàng nói mẹ đã thôi đập phá và nàng lại nhận được sự cổ vũ động viên nhiệt tình của các anh chị.
 
   Sau mỗi đêm bình yên là chiến công của nàng được ghi nhận. Chiến công được duy trì, còn sức khỏe của nàng thì sa sút trông thấy. Làn da sạm đi, hố mắt thâm quầng, trũng sâu, nếp nhăn bò ra khóe mắt. Nàng rùng mình nghĩ đến tuổi ba mươi đang hối hả qua. Sau gần một tháng thì nàng đã thích nghi với ánh sáng. Thứ ánh sáng ban đêm nhợt nhạt giả dối, phụ họa nhau xói mòn những nữ tính, chực cướp đi nét dịu dàng trời ban cho nàng. Có đứa bạn thân của nàng bảo. Tao sợ nhà mày lắm, sáng choang như cái phòng mổ, có thể nhìn rõ mọi tiểu tiết, mày cất giấu những riêng tư vào đâu? Có thằng đàn ông nào dám bén mảng đến nhà mày chưa? Tội tình gì mà mày bị tra tấn dã man thế, chịu đựng được bao lâu? Nàng không trả lời những câu hỏi chính của nó, của cuộc đời, mà chỉ tự nhủ rằng nàng đã quen.
 
   Dù nghĩ là đã quen, nhưng thẳm sâu trong lòng, nàng vẫn khao khát vẫn nhớ nhung thứ bóng tối dịu êm của đêm. Nơi thuộc về những nụ hôn, những vòng tay, những ái ân chồng vợ, những hẹn hò, bối rối. Đêm là đêm, ngày là ngày, ai đó cố tình biến ngày thành đêm đen, biến đêm đen thành ngày hẳn lòng cũng cay đắng lắm.
 
   Nàng thay ngay bất cứ cái bóng điện nào nếu chúng có biểu hiện lão hóa. Vì phải phục vụ cả đêm nên bóng điện cháy liên tục, nàng đã dự trữ bóng điện như thể tích cốc phòng cơ. Cả cái máy phát điện to đùng lúc nào cũng trong tư thế đủ nhiên liệu hoạt động khi thị trấn bị cúp điện. Nàng là giáo viên văn nhưng bị các đồng nghiệp trêu là sẽ bầu làm tổ trưởng tổ vật lý, họ gọi nàng là chuyên gia ánh sáng hoặc trưởng ban ánh sáng. Mà nàng giỏi leo trèo, thay thế lắp đặt thật, như thể nàng có năng khiếu để làm những việc ấy thay cho sự vắng mặt của một người đàn ông định mệnh trong cuộc đời nàng.
 
   Thi thoảng những người chị dâu vẫn quan tâm gửi về tặng nàng những thứ mỹ phẩm nước hoa đắt tiền để nàng củng cố nhan sắc. Họ bảo nàng đẹp sẵn rồi, chỉ phớt qua tí son, tí phấn, tí thơm tho là lại ổn ngay thôi. Các anh thì đều đặn gửi tiền thuốc men và cả một khoản nho nhỏ gọi là lệ phí ánh sáng để nàng trang trải và phủ sáng tuổi trẻ của mình bằng những đêm không bóng tối. Nhiều lúc nàng từ chối không nhận vì nàng mới được tăng lương nhưng các anh chị không nghe, họ bảo nếu nàng không nhận thì họ áy náy day dứt lắm. Nàng mà cương quyết từ chối thì các chị lại đặt nàng vào nghi án có chàng nào để ý rồi. Các chị bảo, có ai cũng được, nhưng mẹ đã yên ổn bên nàng thì đó là số phận của nàng, không thể khước từ. Thế là nàng phải nhận, nhận mà chẳng mấy khi dùng. Son phấn cho ai ngắm, đẹp để ai nhìn, khi bao gã đàn ông chống chếnh hoang mang không dám bước vào căn nhà sáng choang của nàng để đối diện với cuộc vi phẫu tinh thần. Họ bỏ cuộc từ khi chưa nhập cuộc. Nàng lặng lẽ nhìn mình qua gương như nhìn một bông hoa làm bằng thủy tinh. Số phận của nàng là thế.
 
   Những đêm không ngủ, nàng lang thang trên những con đường yên tĩnh nhỏ trong thị trấn. Nàng xòe tay ôm bóng đêm vào lòng trong nỗi thổn thức nuối tiếc. Bóng đêm ngọt ngào và ấm áp. Có đêm nàng gặp một bà cụ mù khua gậy bước đi, nàng chợt chạnh lòng, cả một đời người không biết đến ánh sáng, cả đời làm bạn với bóng đêm, họ vẫn bình thản thế, nàng đang rất hạnh phúc, nàng hạnh phúc hơn họ gấp ngàn lần, còn buồn làm gì nữa. Ở đời, người nghèo khó xem cuộc sống dư dả là hạnh phúc. Người không có con thì cho rằng đứa con là tất cả hạnh phúc. Kẻ thất nghiệp thì coi một công việc ổn định là hạnh phúc. Người lang thang không nhà không cửa thì xem hạnh phúc là một mái ấm gia đình. Những gì con người ta khao khát nhất, trông đợi nhất thì đích thị là hạnh phúc. Vậy nàng trông đợi gì nhất? Một người đàn ông chăng? Hay những giấc ngủ ngon bên đứa con gái ngoan ngoãn. Nàng không thể trả lời những câu hỏi của chính mình, nàng chỉ có một ước muốn đơn giản thôi. Nàng muốn mẹ khỏi bệnh, muốn mẹ vĩnh viễn thoát khỏi sự ám ảnh của những bóng ma vì đời mẹ cực khổ và thiệt thòi nhiều rồi.
 
***
    Thấm thoắt đã mười năm, mười năm vòng tay mẹ níu chặt cuộc đời nàng. Đứa con gái nàng đã vào đại học. Những lời cổ vũ từ người thân đã thưa vắng. Và tượng đài về lòng hiếu thảo của nàng đã lấm tấm phong rêu. Mỗi lần nàng ra bưu điện nhận lệ phí ánh sáng các anh gửi, cô nhân viên đều rót vào tai nàng những lời thương hại, thậm chí hồ nghi, hay là chính nàng cũng sợ bóng đêm. Con gái nàng bảo sao nàng không thử quay về cuộc sống cũ? Có khi bà nội nó đã khỏi thật rồi. Bao nhiêu năm rồi mẹ không la hét đập phá gì cả, chỉ những khi trái gió trở trời nhức mỏi thôi. Mẹ tám mươi ba tuổi nhưng luôn tôn sùng nàng như một người chị gái. Việc gì mẹ cũng hỏi nàng như một đứa trẻ cần người lớn chỉ bảo cặn kẽ. Ai cho mẹ thứ gì mẹ cũng đợi nàng về để hỏi ý kiến xem có ăn được không, ăn bao nhiêu, vào lúc nào? Với mẹ, mọi thứ thức ăn đều là thuốc hết, thuốc thì phải có bác sĩ kê toa và sử dụng khoa học, nàng là bác sĩ của riêng mẹ. Mẹ chỉ ngồi yên để nàng tiêm và khám bệnh. Nàng tiêm thuốc, cặp nhiệt độ, đo huyết áp, chạy khí dung thành thạo như bác sĩ. Nàng thuộc từng vết sẹo trên cơ thể mẹ, hiểu từng cử chỉ nhỏ nhất của mẹ như thể nàng chui ra từ bụng mẹ vậy.
 
   Dần dần nàng nghĩ, nếu phải rời xa những công việc này nàng sẽ buồn lắm. Và nàng đã trả lời con gái, sức khỏe của bà nội con là quan trọng, mẹ sẽ không bao giờ đem ra làm phép thử. Nàng sợ khi bóng đêm ùa vào căn phòng này, mẹ sẽ trở về nỗi hoảng sợ của mười năm trước. Mười năm qua đi chỉ như một giấc mơ thôi. Song thân của nàng đã lần lượt về nơi chín suối, trước lúc đi bậc nào cũng nhức nhối những câu hỏi về nàng. Ngày thương binh liệt sỹ, các đoàn thể đến nhà nàng để thăm mẹ vì mẹ là vợ liệt sỹ. Mẹ ngây ngô chỉ vào nàng bảo với mọi người, chồng nó không phải là liệt sỹ đâu, chồng nó bị con ma bắt đi thôi, chính nó chết trên tay tôi mà, nên từ sau không cần thăm hỏi nó. Nàng ứa nước mắt chỉ vào mẹ, người ta thăm mẹ thôi. Mẹ cười hiền lành, sao các anh chị không bảo mấy đứa con tôi về cả thể cho đông vui, tôi đẻ mấy thằng con giai đấy…
 
    Không ai cười sự ngây thơ của mẹ cả, họ tặng nàng những lời khích lệ ngậm ngùi rồi về. Ở trường, nàng được đồng nghiệp yêu quý, học sinh kính trọng. Ở thôn xóm, nàng được bà con tin cậy chia sẻ mọi tâm sự riêng tư. Trong gia đình họ tộc, nàng là tấm gương sáng. Vô tình, ngoài vòng tay của mẹ lại có thêm bao cánh tay nữa trói chặt lấy nàng, nàng không thể gỡ ra, muộn rồi để có thể gỡ ra.
 
   Sự chờ đợi mong manh cuối cùng cũng đã vỡ. Trước khi xa rời nàng, anh đã có một thỉnh cầu. Nàng chỉ cần đặt tay vào cái công tắc điện, nhấn, và chỉ một phút thôi, xem thái độ của mẹ thế nào, rất có thể mẹ đã khỏi. Anh đã thỉnh cầu nàng như thế. Đứng trong ánh sáng chói lòa của mấy ngàn đêm có lẻ, nàng đã không nghĩ được đến điều gì ngoài mẹ, chứ không phải nàng sợ bức tượng đài về nàng sẽ đổ sập xuống. Anh ra đi vì cuối cùng nàng đã chọn mẹ, chọn sự bình yên cho mẹ.
 
  Đám cưới cạp lại của anh, nàng cũng dự, men rượu làm nàng về muộn. Trời đã vào đêm mà nàng lại không biết hay sao? Từ xa, tòa lâu đài chói sáng mọi khi của mẹ con nàng đang chìm nghỉm trong bóng tối. Nàng hoảng hốt chạy bổ về và thoáng mường tượng đến những đổ vỡ. Nàng tự trách mình sao đã quá bất cẩn. Đành rằng nàng đau, đành rằng nàng thèm khát bóng tối trong quán nhỏ với những ly rượu để nhấm nháp nỗi buồn tủi khi người ta đã nên đôi. Nhưng sao lúc ấy nàng không nghĩ đến mẹ?
 
   Trái với những dằn vặt của nàng, mẹ đứng sừng sững ngay cửa đợi nàng về. Nàng cuống quýt bật điện và hỏi mẹ:
- Sao mẹ không bật điện lên?
Mẹ buồn buồn:
- Từ trước tới giờ mẹ có biết bật điện bao giờ, mẹ chỉ sợ làm cháy hết, con lại vất vả.
Đúng là suốt mười năm, chỉ có nàng làm việc ấy. Nàng hỏi mẹ trong nỗi nghi hoặc:
- Tối thế mà mẹ không sợ sao? Mẹ không thấy con ma nào à?
Mẹ run run, gật đầu;
- Có chứ, con chưa về mẹ sợ lắm, có cả hàng đàn ma, và mẹ đã chiến đấu với chúng, mẹ đuổi chúng đi hết rồi, mẹ sẽ không sợ chúng nữa. Con nhìn xem.
 
   Mắt nàng nhòe nước khi thấy quần áo mẹ xộc xệch và nhớp nháp mồ hôi. Mẹ đã chiến đấu với nỗi sợ hãi và chiến thắng những bóng ma đã bao vây mẹ suốt bao nhiêu năm trời. Nàng gọi cho bác sỹ. Bác sỹ chúc mừng nàng vì mẹ đã có dấu hiệu phục hồi tốt, tuy nhiên, ngay bây giờ mẹ vẫn chưa thể đối mặt với bóng đêm. Nếu là lúc khác nàng đã có thể gọi điện khoe niềm vui này với một người, nhưng giờ thì không thể. Không phải là nàng mà chính số phận nàng đã từ chối anh. Một thoáng ân hận qua đi, vừa thay quần áo cho mẹ, nàng vừa cảm nhận, dường như đến tận lúc này mẹ vẫn còn sợ, tay chân mẹ vẫn còn run. Nàng cười phá lên để động viên mẹ. Rồi nàng hỏi:
- Nếu con không về kịp mà lũ ma quay lại thì mẹ làm thế nào?
Mẹ nghiêm trang trả lời, giơ cánh tay xanh xao lên quyết liệt:
- Mẹ sẽ đánh tiếp, mẹ biết con sẽ về mà, con chưa bao giờ thua chúng cả.
 
   Nàng ôm chặt lấy mẹ từ phía sau. Hình như ngoài cơn run sợ vì những bóng ma, cơ thể mẹ còn một cơn run rẩy khác. Rất lạ, rất đỗi nhẹ nhàng ấm áp.
 
                                                                                                        T.N.H
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 50
Trong tuần: 630
Lượt truy cập: 417114
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.