Đỗ Nguyên Thương
BÀN THÊM VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC NGỮ VĂN
TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY
Lâu nay, chúng ta đã quen với cụm từ Đổi mới phương pháp dạy học (ĐMPPDH) nói chung và dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường nói riêng. Đã từng là giáo viên (GV) giảng dạy môn Ngữ văn, từng say sưa trên bục giảng với các tác phẩm văn học trong nhà trường, tôi chưa từng thôi trăn trở và tâm huyết đối với “sự nghiệp trồng người” và từng tâm niệm nếu mỗi GV dạy Ngữ văn đều ý thức sâu sắc về việc ĐMPPDH bộ môn tức là đã và đang nâng cao chất lượng cho việcc dạy học trong mỗi nhà trường.
Những năm gần đây, nghe và dự nhiều giờ của giáo viên dạy Ngữ văn, tôi thấy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo đổi mới dạy học theo hướng nghiên cứu bài học, định hướng phát triển năng lực của học sinh (HS) là một việc làm đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh hiện tại, là việc làm có ý nghĩa thiết thực gắn với việc học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: nói đi đôi với làm, nói giản dị, dễ hiểu để truyền tải kiến thức nhanh nhất, tốt nhất cho học trò và quan trọng hơn nữa là GV không được làm thay học trò mà phải khơi gợi, dẫn dắt HS tự nghiên cứu, tự học và sáng tạo. Giáo viên ý thức hơn về việc thay vì đọc- chép và say sưa thuyết trình, nói hết phần của HS (thậm chí cảm nhận thay HS) thì nay, GV là người dẫn dắt HS để các em tích cực, chủ động tiếp cận bài học. Với việc ĐMPPDH, các em không còn thụ động khi tiếp thu bài giảng, ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung tránh được cái cảnh trò nói theo thầy như một con vẹt, thậm chí cảm nhận, đánh giá, bình luận cũng nhất nhất theo thầy. Tuy nhiên, không thể không suy nghĩ trước một hiện tượng tôi cho là đáng cảnh báo: Dạy Ngữ văn có nhất nhất giờ nào, bài nào cũng phải chia nhóm, cũng phải trình chiếu giáo án không? Có phải cứ đặt câu hỏi thật nhiều cho HS đứng lên, ngồi xuống trả lời thật nhiều là “gợi mở” thành công?
Thứ nhất, về việc hoạt động nhóm: Việc này chỉ hiệu quả đối với nhiều bài học nếu như GV thấy với bài học đó cần thiết phải chia nhóm. Và tất nhiên, GV phải có tầm bao quát HS, biết em nào thực sự và hứng thú tham gia vào bài học, em nào thụ động tham gia chiếu lệ kiểu “ăn theo” bạn có năng lực nhất trong nhóm. Khi gọi đại diện nhóm trình bày, không nhất thiết “đại diện” phải là HS nào học khá nhất nhóm, HS nào xung phong trình bày… mà phải linh hoạt, có thể gọi HS yếu nhất nhóm. Mỗi khi HS đại diện nhóm trình bày thì cho các bạn quan sát và nhận xét trước rồi mới đến GV nhận xét. Và đã là nhận xét thì phải có cách động viên khích lệ đối với HS nào có cố gắng so với bản thân, việc nhận xét HS không chỉ chăm chăm nhìn vào nội dung kiến thức đúng chưa, đủ chưa mà cần nhận xét cả cách thức trình bày, tác phong khi trình bày….có như thế mới đạt hiệu quả giờ dạy như mong muốn. Với HS chưa mạnh dạn, tự tin và chưa nói đúng, trúng vấn đề thầy, cô mong muốn thì cũng phải nhẹ nhàng nhận xét, khéo léo chỉ ra tồn tại để giúp các em bình tĩnh, tự tin và cố gắng hơn trong buổi học sau. Thực tế đáng lo ngại (nhất là với những giờ dạy có CBQL hoặc CB đoàn thanh tra, kiểm tra dự giờ), có lẽ do cho tiến độ bài giảng (kiểu sợ cháy giáo án như những năm 80 của thế kỷ XX) nên GV thường kiệm lời khen ngợi đối với HS trả lời tốt và còn phê bình khi HS trả lời chưa đạt ý mình mong muốn. Trước thực tế đó, tôi muốn trao đổi với các thầy cô rằng một lời khen ngợi động viên đúng mức và kịp thời sẽ là động lực để HS phát huy ưu điểm, tự tin hơn và tiếp tục tham gia ý kiến xây dựng bài tốt hơn cho thầy cô ở những bài giảng sau. Tôi cũng muốn nhắn nhủ đôi lời khi HS bị phê bình trước đông người (kiểu như: “sai rồi, ngồi xuống” hoặc “Lần sau suy nghĩ kỹ hãy phát biểu nhé”.v.v…kèm theo ngữ điệu của giọng nói gay gắt) thì lần sau các em không dám phát biểu nữa, thậm chí với HS hay suy nghĩ thì lời phê bình không đúng lúc, đúng chỗ của cô sẽ khiến các em “tổn thương” và tự ti trước thầy cô, bè bạn và “vết thương lòng” sẽ còn hằn nếp rất lâu… Nếu giờ Ngữ văn nào cũng hoạt động nhóm kiểu máy móc và gọi HS khá nhất nhóm trình bày thì mãi mãi trong một nhóm nói riêng và trong một lớp học nói chung sẽ có những HS chẳng bao giờ tiến bộ; đó là chưa kể trong điều kiện một số nơi cơ sở vật chất khó khăn, phòng học hẹp, lớp đông, chia nhóm sẽ khiến các em lé mắt, cong vẹo cột sống…
Thứ hai: về việc trình chiếu giáo án và cho HS tham khảo tư liệu bằng hình ảnh phục vụ cho bài học của mình. Không thể phủ nhận những bài giảng có sử dụng yếu tố này sẽ thu hút HS hơn và nếu làm đúng với dung lượng hợp lý thì chắc chắn hiệu quả bài học cao hơn so với việc “dạy chay”. Chẳng hạn khi dạy đoạn trích trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, giáo viên cho học sinh được du ngoạn qua thế giới điện ảnh những hình ảnh thác, ghềnh dữ dội, những khúc sông hiền hòa, dịu êm, những cảnh sắc thơ mộng bên ven hai bờ sông ngập tràn thi hứng thì chắc chắn bên cạnh việc phát triển tư duy đọc, các em sẽ được bổ sung vào thế giới tưởng tượng của mình những hình ảnh phong phú làm giàu thêm hành trang tri thức cho các em. Tôi vẫn nhớ như in việc xem phim bao giờ cũng hứng thú hơn đọc sách. Đến với thế giới điện ảnh, sẽ thấy các nhân vật chính diện được diễn viên tài năng, diễn xuất tài tình khiến ta yêu quý hơn và nhân vật phản diện sẽ “bị” khắc sâu hơn bởi những diện mạo và đặc điểm tính cách đáng phê phán. Hình ảnh chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, hình ảnh cô Mỵ trong “Vợ chống A Phủ”… khiến ta yêu hơn và thương cảm hơn với hình tượng người phụ nữ Việt Nam một thời chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng…. Cũng như thế, nhân vật Nghị Hách trong Giống tố của vũ Trọng Phụng do NSND Trọng Khôi đóng hay vai bà Nghị (vợ Nghị Quế) do diễn viên Mai Châu đóng trong phim Chị Dậu, phỏng theo tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố…trở nên đáng phê phán hơn qua diễn xuất thành công của diễn viên điện ảnh… Nói thêm về nghệ thuật điện ảnh của thế giới, các nhân vật trong bộ phim Trở về Ê Đen, Tiếng chim hót trong bụi mận gai…chắc chắn sẽ hút hồn HS vì diễn viên chẳng những đẹp, còn diễn xuất quá tài tình. Tuy nhiên, không phải diễn viên nào cũng diễn xuất thành công và không phải điện ảnh luôn có khả năng thay thế được ngôn ngữ.
Tuy nhiên, điện ảnh có thể bắt mắt và tạo hứng thú học tập hơn cho HS nhưng nhất định không được lạm dụng, nếu không, chắc chắn sẽ hạn chế khả năng tư duy của các em. Còn nhớ, có năm, có chuyện một bà cụ già sau khi đi xem phim nói về nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, có phát biểu “Con Kiều trong vở kịch này không giống cón Kiều trong tưởng tượng của tau”. Cũng như vậy, nếu HS lười tư duy thì hình ảnh con sông Đà trong tác phẩm của Nguyễn Tuân chính là hình ảnh dòng sông trong đoạn video mà cô giáo trình chiếu và hình ảnh người lái đò trong Người lái đò sông Đà của tác giả cũng được hình dung giống như người lái thuyền máy trong clip mà cô giáo cho HS xem. HS nào chịu khó tư duy thì mới có sự so sánh dòng sông và nhân vật trong video của cô không thật giống dòng sông và nhân vật trong Ký sự của Nguyễn Tuân. Cũng tương tự thế, chị Dậu trong tưởng tượng của các em không nhất thiết giống như Lê Vân (dù chị đã diễn xuất rất thành công) và Nghị Hách không nhất thiết y hệt Trọng Khôi trong phim khi đóng vai Nghị Hách. Điện ảnh có những ưu thế hơn tác phẩm văn học nhưng không bao giờ thay thế được tác phẩm văn học. Và, chiều sâu tâm lý, tính cách nhân vật văn học phải do giáo viên có biệt tài khơi gợi, định hướng để HS phát huy tối đa năng lực và trí tưởng tượng phong phú của bản thân. Bởi lẽ đó, thêm một lần khẳng định nếu lạm dụng kỹ năng, kỹ xảo của điện ảnh thì vô tình ta lại làm hạn chế năng lực tư duy và trí tưởng tượng phong phú của HS.
Thứ ba, đã từng có giờ dự, chứng kiến học sinh đứng lên ngồi xuống liên tục, cô giáo vui khi đặt được 63 câu hỏi trong một tiết học 45 phút cho HS mà người dự thấy thực sự đáng lo ngại. Từ đâu nảy sinh quan niệm tần suất HS đứng lên ngồi xuống đồng nghĩa với giờ dạy ĐMPP? Việc gọi HS liên tục khiến cô giáo không còn thời gian bình giảng một câu, thậm chí một từ hay trong tác phẩm văn học. Rất nhiều GV thấy kém vui khi dạy văn mà không được bình văn. Nếu say sưa bình giảng sẽ sợ bị “cấp trên” đánh giá là chưa ĐMPP, không bình giảng thì làm sao bài dạy văn có chất lượng, tạo được hứng thú học văn cho HS?
ĐMPPDH là cần thiết, tuy nhiên không được máy móc khi áp dụng bất cứ một phương pháp nào, càng không được “có mới nới cũ”, phủ nhận và triệt tiêu phương pháp cũ. Người giáo viên (GV) giỏi là người luôn làm chủ kiến thức, từ đó làm chủ phương pháp và ĐMPP phải trên cơ sở kế thừa, phát huy ưu thế của phương pháp cũ. Ngày nay, dạy Ngữ văn không phải thuyết trình nhiều như trước nhưng cũng có bài, có chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn xuôi hoặc câu thơ, đoạn thơ hay vẫn cần việc bình giảng, thuyết trình của người thầy. Và nếu GVcó ưu thế trời cho về chất giọng, lại rèn thêm về ngữ điệu, cách thức trình bày nữa thì chắc chắn bài giảng sẽ thành công, góp phần làm cho HS yêu thích môn Ngữ văn hơn và sống nhân văn, hướng thiện hơn.
Khi mỗi giáo viên ý thức sâu sắc và thực hiện có hiệu quả việc ĐMPPDH bộ môn Ngữ văn thì chất lượng bộ môn sẽ được nâng lên, HS học tốt hơn, chất lượng giáo dục mỗi nhà trường sẽ được nâng lên. Tôi luôn có niềm tin như vậy.
Đ.N.T