Phạm Ngọc Tâm Dung
ĐẦU NĂM MUA MUỐI
Sáng sớm mùng một Tết ta, trời rét ngọt như dao sắc, phố xá dường như đang êm đềm ngủ thiêm thiếp sau những giờ phút thiêng liêng, nao nức đón khoảnh khắc giao thừa đặc biệt trong năm. Bỗng một tiếng rao loang trong không gian, nghe mà sao thân thuộc: "có ai mua muối không"? Lời rao kéo dài như hát, như reo... Đúng là âm thanh độc đáo của Tết!
Tôi bật dậy và mở cửa, một luồng không khí trong suốt như pha lê theo làn gió đẫm hương hoa và sương mai phả vào mặt, vào tóc làm cho cái tê lạnh của mùa xuân tăng thêm phần lãng mạn, ngất ngây và say say!
Vốn là chỗ khách quen, chỉ bán mặn mà, mua may mắn vào sáng mùng một Tết. Như thường lệ, chị bán hàng chờ tôi ở cửa. Tấm áo bông màu xanh nước biển và nụ cười tươi rói bên chiếc xe đạp, cùng hai bịch hàng đã sẵn sàng. Chúng tôi chào hỏi, chúc nhau những điều tốt đẹp. Chị nhẹ nhàng đặt vào chiếc khay nhựa màu đỏ cho tôi mười gói muối nhỏ xinh xắn, bọc trong giấy điều. Tôi lấy số tiền đã chuẩn bị sẵn, hai tay cẩn trọng, trao cho chị và không quên biếu chị một chút lì xì đầu năm lấy may. Sau cuộc trao đổi diễn ra vui vẻ, chóng vánh, tôi trở vào nhà trên, tiếng rao văng vẳng của chị hàng muối vẫn xôn xao như gọi mùa xuân, gọi mọi người trở dậy đem hương vị mặn mòi cho một năm may mắn.
Các cháu gái tôi cũng đã trở dây, chúng tíu tít bên những gói muối đầu năm. Và tôi lại làm cái việc mà tôi được bà nội truyền dạy từ mấy chục năm về trước. Tôi giảng giải cho các cháu nghe về thủ tục "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" của người Việt: - Đất nước ta được bao bọc phần lớn là chiều dài bờ biển. Biển đã nuôi sống con người bao đời bằng nguồn tài nguyên vô tận. Biển khơi cho cảnh đẹp mê ly; là nguồn khai thác giao thông, thương mại thuận tiện; Nhờ biển điều hoà mà có gió thuận, mưa hoà cho con người mát mẻ khi mùa hè, ấm áp lúc mùa đông; cây trái tốt tươi, cá tôm thực dưỡng ngon lành... và đặc biệt là vị mặn mòi của muối.
Theo quan điểm của người Nam ta, sở dĩ hạt muối trắng hiền lành là thế, khiêm nhường là thế và quan trọng là thế là do cái tình của lòng biển cả gửi cho đất liền.
Bao nhiêu câu chuyện thần thoại, cổ tích ly kỳ và cuốn hút xoay quanh sự tích nói về hạt muối. Muối được coi là loại thực phẩm rẻ tiền nhưng cực kỳ quan trọng để nuôi sống, làm đẹp và bảo vệ loài người. Trong mỗi giọt máu hồng của người và loài vật, đều có vị mặn mòi của muối...
Trong mỗi dịp cuối năm, người ta còn "mua vôi" trắng để rải quanh lãnh thổ cư nhà mình, có nhà còn vẽ thành hình cung nỏ để xua trừ ma tà. Và trong những dịp đại lễ hay. Vì thế, khi nói về cái nghĩa, cái tình ở đời, người ta thường lấy vị mặn mà của muối làm hình ảnh tượng trưng cho sự thuỷ chung, sâu sắc chốn nhân gian. Lời ca cổ có câu:
" Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng, gừng vẫn còn cay
Đôi ta tình nghĩa dạn dày
Có xa nhau chăng nữa, ba vạn chín ngàn ngày mới xa"...
Ơi, hạt muối giản dị, trắng tinh và thanh sạch, dầu nó sinh ra từ nước đại dương và cát biển! Ai đã đến bãi muối ven biển, chứng kiến người diêm dân làm muối, nhìn những tấm lưng áo trắng bạc, khuôn mặt cắm cúi dưới nắng hè thiêu đốt, khi xeo muối, lúc đẩy xe goong, vì có gió quạt hầu, áo của họ không bao giờ ướt, nhưng những giọt mồ hôi của bao sự vất vả, nặng nhọc chỉ còn biết lặn vào bên trong, làm cho nước da của họ trở thành màu đồng hun sáng bóng, mới thấy cái nghĩa, cái tình lồng trong hạt muối mà mẹ biển đã dứt từ lòng mình, và người lao động đã rút từ mồ hôi, nước mắt của mình mà ban tặng cho đời nặng nghĩa bao nhiêu!
Rồi tôi kể cho các cháu nghe, cái ngày tôi còn bé tý, sau khi thụ hưởng chút lộc cúng giao thừa, tôi nằm bên bà, nghe bà giảng giải về bao nhêu là thủ tục ngày đầu năm. Nào là ngày Tết khác với ngày thường, ai cũng mặc áo đẹp; đầu tóc trang điểm chỉn chu; đi đứng khoan thai; chào hỏi chúc tụng; mời mọc ân cần trà nước, cỗ bàn; Nào là ra sông lấy nước trong sạch thanh khiết buổi mai; Nào làm cơm cỗ cúng lễ trời phật, tổ tiên, trẻ con hay bậc cao niên đươc mừng tuổi mới bằng những bao giấy điều.. Và một điều... cực kỳ quan trọng quan trọng là tôi được bà nội giao đích danh, sáng sớm, nghe tiếng rao trách nhiệm mở cổng tre, đón bà hàng muối vào và mua muối lấy may. Thế là trong giấc ngủ chập chờn đêm giao thừa, bao giờ cũng hiện lên hình ảnh bà hàng muối với chiếc đòn gánh lá lúa cong cong mềm mại và kĩu kịt cùng hai chiếc thúng sơn màu hổ phách. Những hạt muối trắng tinh hiền lành, cao vót ngọn, khác hẳn với hai bồ muối to tướng, xô bồ, loang lổ của chú bán muối đầu Chợ Rãng Thông thường ngày.
Đặc biệt, bà không gói muối bằng lá khoai hay lá dong như chú hàng trên chợ.
Người mua phải mang bát sứ ra, bà hàng tươi tắn dịu dàng, dùng một chiếc muôi gỗ mộc nhỏ xinh, xúc đầy đặn đúng mười muôi muối, kèm lời chúc: an khang thịnh vượng!
Bà tôi lật đật trong bếp chạy ra đáp lễ và trao khoản tiền nhỏ nhưng mới tinh cho bà hàng muối, cùng vài đồng xu cũng mới, gửi về mừng tuổi con trẻ nhà bà hàng.
Bát muối tuyển quý hoá, tinh lọc, được mua từ khoản tiền đầu tiên trong năm, đã trang trọng đặt trên mặt án thư. Bà tôi nâng niu, múc vài muôi nhỏ vào chiếc thạp đất nung nhỏ xíu, có nắp xinh xinh hình chóp nón, đặt góc ban thờ để pha món muối gừng trong những mâm cỗ cúng cho cả năm. Đoạn bà xúc một thìa nhỏ pha vào bể nước mưa để cả nhà dùng dần cho...mọi người tăng chất mặn mà, gắn kết...!
Những năm xa nhà ra ở phố, đêm Giao thừa, cả nhà tôi thường đi lễ chùa, xin lộc quý đầu xuân. Lúc ra về, ai cũng cảm động vui mừng, khi được các vãi chùa, trao cho một túi lộc màu điều, bên trong có một gói nhỏ gạo, muối và bao diêm để cầu mong có được sự mặn mà, no đủ và hồng phúc cả năm cho gia đình.
Bên cạnh chiêm ngưỡng sự nô nức trăm hồng nghìn tía của nam thanh nữ tú, những người hút cảm xúc của tôi lại cũng chính là những cô gái Hà Thành xinh xắn, thanh lịch, những chị, những bà bàn hàng đầu năm. Nhìn em gái tươi cười như hoa bên quầy bày rặt những cành lộc xanh tươi, và những gói muối hồng rực rỡ kết nơ hoa mà người đi trảy hội, thấy lòng náo nức như thấy mùa xuân... đang hát...
Cảm ơn em nhiều! em không chỉ mang lại niềm vui, niềm tin, niềm hy vọng... cho người trẩy hội mà còn góp phần giữ gìn nét văn hoá tâm linh độc đáo của Người Tràng An nói riêng và Người Việt ta nói chung.
Tôi đã từng xa quê nhà, xa Hà Nội trong một cái tết. Trong bao la là...sự nhớ, tôi nhớ đêm hoa đăng lễ chùa, nhớ nao lòng lời chào đon đả của cô nàng bán lộc xuân và muối mặn để cho đất trời cùng say...
Mùa xuân năm nay lại về, dù có chút ảnh hưởng từ nhiều mặt, nhưng con Vi rút Vũ Hán không cản được sự tiềm tàng của sức xuân.
Một số hoạt động văn hoá, tâm linh cũng hạn chế để thực hiện "Năm Ka", nhưng tiếng rao của người bán muối lộc sáng nay vẫn ngời lên, làm ta náo nức.
P.N.T.D