Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

COVID ĐÀM TIẾU (Hồi 6+7+8)

Hồi thư sáu

CÁCH LY

  Bố con Bố bản ngồi viết bản khai y tế đã khai đầy đủ, trung thực nộp cho tổ công tác của bản. Anh tổ trưởng yêu cầu hai người đứng dậy để cánh phun thuốc phun tẩy khuẩn vào người. Bố bản kêu:

  • Chúng mày bơm thuốc vào người thì hóa ra tao là con vi rút à? Chết, chết, độc hại lắm, tao không chịu đâu!
  • Không có hại gì cả bố ơi! Đây chỉ là nước muối pha 5% để diệt con virut thôi, không độc hại gì đâu mà bố sợ!

Trước khi cho tổ công tác rút, anh tổ trưởng nói:

  • Kiểm tra thân nhiệt hai người bình thường. Đã lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm rồi. Trường hợp của Lò Bố bản và anh Cầm Thẻn được tự cách ly tại nhà. Yêu cầu hai người trong vòng 14 ngày không đươc đi ra khỏi cổng, không được tiếp xúc với bất kỳ người nào. Nhu yếu phẩm thiếu thứ gì thì gọi chúng tôi tiếp tế! Bây giờ chúng tôi phải sang nhà chị Lường Thị Mây để phun thuốc khử khuẩn và cách ly nhà chị ta!

Lò Bố Bản nhăn mặt quay đi.

  Tổ công tác đi rồi, Bó bản than thở:

  • Rõ không cái dại nào giống cái dại nào. Tao biết làm gì bây giờ đây?
  • Thôi đi bố ơi, cất cái bộ mặt hãm tài ấy vào kho đi. Việc nó đã thế thì cứ kệ nó thế đi. Ngày xưa cả bố, cả tôi xông pha bom đạn ác liệt thế mà có chết đâu. Có số cả đấy!
  • Thì tao cũng có sợ chết đâu. Nhưng kỳ này không khéo kỷ luật to!
  • Kỷ luật thì kỷ luật, mình làm mình chịu chứ có gì mà phải than thở. Các cụ chẳng có câu: “Sướng thằng cu thì mù con mắt” đấy là gì!

 Bố Bản im lặng không nói gì. Cầm Thẻn nói tiếp:

  • Sướng thằng cu thì bố sướng rồi, còn mù con mắt thì chưa chắc. Ngày xưa ở chiến trường thấy B52 dải thảm bay đến, bộ đội ai cũng thuộc lòng câu: Nó đến chưa chắc đã thả bom, nó thả bom chưa chắc đã trúng, nó thả trúng chưa chắc đã chết nên anh bộ đội nào cũng bình tĩnh chống trả. Có vậy thì B52 của nó mới rụng như xung trên trận địa Điện Biên Phủ trên không chứ!
  • Mày ví von chả ăn nhịp gì cả, nẫu ruột!
  • Thôi thôi bố ơi! Bây giờ tôi với bố ra vườn xem có con gà con qué, cái rau cái cỏ gì làm tý lai rai rồi tôi với bố cùng nghĩ cách tháo gỡ! Có tý nước sát khuẩn họng vào là cái đầu sẽ sáng láng ra nhiều đấy!

  Mấy ngày sau, bố con nhà Bố bản được thông báo là đã có kết quả âm tính nhưng vẫn tiếp tục phải cách ly. Dù sao thì cũng nhẹ hết cả người, lo nhất là có cái đoạn gặp gỡ tiếp xúc với cái cô Ái Nhĩ vừa đi đi từ làng Sơn Lôi huyện Bình Dương ấy, không biết nó có bị làm sao không. Riêng Bố bản lại còn băn khoăn cái chi tiết đã khai gặp chị Lường Thị Mây. Cầm Thẻn là tay có khả năng nhanh nhậy trong việc xử lý, ứng phó với các tình huống bất ngờ xảy ra một cách khá chính xác do hắn đã được tôi luyện từ khi còn làm giám đốc một doanh nghiệp Quốc doanh. Hắn biết trong lòng Bố bản đang nung nấu những điều gì nên lúc thì hắn lôi bố ra vườn tỉa tót cây cảnh, bình luận dáng, thế từng cây. Lúc thì phân công bố sách nước tưới cây còn hắn thì mổ gà làm cơm. Nói chung hai người có việc để làm suốt ngày. Tuy cũng khuây khỏa nhưng nhiều lúc Bố bản vẫn thừ người ra như mất trí. Cầm Thẻn nói với Bố bản:

  • Tôi biết bố vẫn còn lo cái vụ vừa qua. Bây giờ bố và tôi lục lại câu chuyện Cô Vi cổ truyện xem người xưa các cụ ứng xử thế nào để cùng nghiên cứu, phân tích và tìm ra cách ứng phó nhé!

  Cầm Thẻn đã đánh trúng phóc vào cái lo lắng của Bố bản nên bố tỉnh táo hẳn ra.

  • Ừ! Mày nghĩ ra được cái cách ấy giỏi lắm. Mau lấy sách ra đi!
  • Rồi! có điều nó đang vào cái đoạn sách bị dán nhấm. Để vừa đọc vừa đoán mới được. Bây giờ tôi đọc, cứ được từ nào thì bố lấy bút ghi lại, sau đó ta ghép chúng lại rồi suy luận ra những từ không đọc được để hiểu nội dung câu chuyện nha!

Bố con nhà Bố bản và Cầm Thẻn đánh vật với cuốn sách cổ mất mấy ngày thì cũng dịch ra được nội dung tiếp theo của bản “Cô Vi cổ truyện” như sau:

  Tể tướng nước Á Tế Nam yêu cầu các Bộ phải phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, ăn ý dưới sự chỉ đạo của  Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Hoàng gia do một Phó Tể tướng làm Trưởng Ban, Các địa phương phải chấp hành nghiêm cẩn các quy định của Ban chỉ đạo đề ra, Các Bộ phải dừng tất cả việc cử người đi xứ nước ngoài. Những ông quan có phép cân đẩu vân phải hạn chế cho mây bay chuyên chở hành khách. Đối với người nước ngoài chỉ tiếp nhận những người có công việc như người có chiếu thư của Vua nước ấy cử đi xứ hoặc các nhà buôn lớn đang dở dang công việc tại Á Tế Nam còn những người đi du ngoạn, thăm thú người nhà thì tạm dừng, khi nào cho phép sẽ thông báo sau. Đối với người trong nước thì hạn chế việc tụ tập đông người, bãi bỏ các lễ hội, môn sinh tạm dừng đến lớp học, hạn chế đi ra ngoài, nếu có việc bắt buộc đi thì phải dùng một chiếc khăn vải bịt kín mũi miệng. Đặc biệt là việc cách ly người có liên quan đến những người đã nhiễm bệnh phải làm ráo diết, truy cứu đến tận cùng. Nghiêm trị những kẻ nào khai báo gian dối, có tiếp xúc với người mắc bệnh mà lại lẩn trốn không chịu đi cách ly tập trung. Giao cho hai viện Ngự Y và Dân Y chịu trách nhiệm chữa trị người bệnh và nghiên cứu thuốc chữa bệnh. Giao cho Bộ Binh lo nơi chốn tập trung những người phải cách ly. Giao cho Phủ Khai Phong phối hợp với các Bộ, các địa phương truy tìm, tập trung những người trong đối tượng phải cách ly, trường hợp chống đối cho phép dùng hình luật nghiêm trị. Trong lúc này toàn thể thần dân tập trung lo cộng tác thật tốt với triều đình để chống dịch cái đã. Nghiêm cấm không được xỉ vả, kỳ thị những người bị mắc dịch, kể cả các trường hợp như thần dân Nhuloto, Thương gia Công Phong và quan Đông các Đại học sĩ Pholiluan mặc dù là kẻ gây ra và gián tiếp gây ra bệnh tật cũng không được xỉ vả họ. Việc đâu còn có đó, luật pháp nước nhà sẽ không bỏ qua bất cứ tội lỗi nào. Ai không tuân thủ sẽ bị trị tội. Toàn dân hợp sức, đồng lòng thì dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi.

  Hai bố con đang mải miết dịch truyện thì điện thoại của Cầm Thẻn reo vang. Cầm Thẻn đang mải ngó vào trang sách loang lổ vết dán nhấm vàng ố nên hắn bật loa ngoài. Đầu dây bên kia:

  • Lâu quá không gặp gỡ nhau rồi! Dịch bệnh thì dịch bệnh, thỉnh thoảng vẫn phải gặp gỡ giao lưu chứ. Mình không chủ quan nhưng cũng không sợ nó, không nên để bị đình trệ các công việc, kể cả việc giao lưu. Trưa nay chú mày đến nhà anh nhé, chỉ có mấy anh em trong nhóm văn nghệ sĩ Háng Lạ, à quên nói nhịu, nhóm Láng Hạ với nhau thôi! Cũng có việc cần trao đổi với nhau đấy, vừa tan trại trên Đại Lải về mà! Có một can hai lít rượu ngô của nhà thơ Pờ Sảo Mìn tặng, một chai XO của nhà văn Bùi Việt Thắng còn Cánh đồng Nga thì không thiếu. Anh đã báo cho Lã Thanh Tùng, Đăng Bẩy, Nguyễn Hòa Bình, Cao Ngọc Thắng và mấy người nữa rồi. Mồi đưa cay đầy đủ, không phải đem cái gì đến đâu nha!
  • Cám ơn bác! em đang ở xa lắm, không tham gia được đâu!

Nói xong Cầm Thẻn tắt máy ngay.

  • Ai gọi chú mày đây?
  • Nhà văn Lương Sy Ky! Dưới ấy có một nhóm nhà văn ở dọc con đường Láng Hạ tập hợp thành nhóm Láng Hạ thường tập trung bù khú, trao đổi văn chương với nhau ý mà! Thôi, bây giờ tắt luôn điện thoại đi, tập trung vào việc dịch sách khỏi bị làm phiền!
  • Thế nhỡ có việc gì quan trọng, mất liên lạc thế thì làm thế nào?
  • Ngày xưa không có điện thoại mà Việt Nam vẫn đánh thắng Pháp, đánh thắng Mỹ đấy thôi!
  • Bấy giờ khác, bây giờ khác!
  • Khác hay không là ở mình ấy! Tắt máy, người gọi sẽ nghĩ mình đang ở ngoài vùng phủ sóng còn lúc ấy mình có đang ở trong vùng phủ chăn thì cũng chả ai biết. Vả lại lúc này bố con mình đang bị cách ly. Như lúc nãy tôi nói chuyện thêm với bác Lương Sy Ky chuyện nọ rọ chuyện kia không khéo lộ bem ra chứ còn gì. Bố thích chuyện này lung loang ra cho nhiều người biết à?
  • Ừ, mày nói cũng có lý!
  • Bố không muốn tắt máy cũng được, nhưng có ai gọi thì không được nghe, thấy cuộc gọi nhỡ cần phải liên hệ thì gọi lại. Coi như là máy cố định còn người thì đang di động nghe chưa!

Hai bố con nhà Bố bản lại tiếp tục đọc, dịch cuốn sách cổ:

  Phủ Khai Phong cử người đi truy tìm khắp các nơi. Lúc ấy mới té ngửa ra là đông quá. Bắt đầu từ một thần dân Nhuloto bị dịch bệnh nhập tà mà chỉ sau một nửa số ngày trong tiết khí Kinh trập thôi đã loang ra đến 53 người bị dịch bệnh nhập tà, 35.221 thần dân phải áp dụng các biện pháp cách ly. Riêng ông quan Đông Các Đại học sĩ đã tiếp xúc với mấy trăm người, mấy trăm người này lại tiếp xúc với hàng ngàn người khác nên công việc truy tìm của Phủ Khai Phong là vô cùng khó khăn, vất vả. Tuy Triều đình chưa đặt ra việc điều tra về các lĩnh vực khác nhưng vì là chuyên môn của ngành nên các điều tra viên cũng đã xem xét thêm các dấu hỏi mà nhiều thần dân quan tâm về tung tích, đặc điểm riêng của vị quan này.

  Theo thống kê hành trình di chuyển của vị quan này thì ngài đã giao giảng tại một cuộc họp ở Viện Hàn lâm Hoàng gia tiếp xúc với mấy trăm người, ngài đã sang Cung Quảng của Chị Hằng vào thăm Mỹ Ái Viên chơi Đoản Khúc Cầu rồi sang Hý Kịch Quán thuê một ca nương nổi tiếng phục vụ. Vậy là người của Phủ Khai Phong phải lần mò đến tất cả những nơi đó để triệu những người có tiếp xúc với vị quan này gọi là thế hệ tiếp xúc nhất nói tắt là “nhất xúc” cùng những người tiếp xúc với người tiếp xúc gọi là thế hệ tiếp xúc nhị nói tắt là “nhị xúc”. Rồi lại đến “tam xúc”, “tứ xúc” cũng không thể bỏ qua. Có một điều mà thần dân hay bàn tán đến là không hiểu làm sao vị quan làm nghề giáo huấn này lại có thể có nhiều tiền để mua được thẻ vào cửa Mỹ Ái Viên. Để có cái thẻ vào đây chủ yếu là các Đại Thương gia mới có khả năng mua vì mỗi cái thẻ có giá lên tới ba vạn lạng bạc đồng thời mỗi năm còn phải đóng phí năm trăm lạng nữa. Cái này chưa có lệnh điều tra của triều đình nhưng người của Phủ Khai Phong vẫn phải có trách nhiệm tìm hiểu. Sau khi tìm hiểu kỹ thì được biết vị quan này đã từng  là người đứng đầu Đông Thiên Khoa học Viện, đã từng đào tạo được hàng ngàn tiến sĩ trong một năm. Cá nhân vị này mỗi năm nhận hướng dẫn tới hai, ba chục vị tiến sĩ mới cho nhiều chuyên ngành khác nhau. Vị quan này rất tài ở chỗ là chuyên ngành theo như học vị của ngài là tiến sĩ Bôn ba học nhưng ngài nhận hướng dẫn từ tiến sĩ Makerting, thương mại, kế toán tài chính, quản trị kinh doanh... đến dân tộc học, thẩm mỹ học, văn học...ai được ngài hướng dẫn đều tốt nghiệp  ra trường mà là bằng đỏ tất tần tật, thế mới đại tài chứ!? Có điều vì ngài là người đứng đầu Viện nên ngài chỉ chọn những nghiên cứu sinh lớn tuổi, từng giữ các chức vụ như các Đại Thương gia, Các quan Tuần Phủ các địa phương, các quan lại từ hạng Tứ phẩm trở lên...đại loại là những người có chức, có quyền và có...nhiều bạc. Cái thẻ vào cửa Mỹ Ái Viên nọ là do một nghiên cứu sinh thuộc loại Đại Thương Gia tặng chứ lương của ngài hơn chục lạng một tháng thì lấy đâu ra bạc mà mua! Nhưng thôi, chưa phải lúc nên người của Phủ Khai Phong mới chỉ tìm hiểu đến đấy thôi, còn đang lo đi tập hợp các thế hệ “xúc” của bệnh nhân Nhuloto.

  Bố con Bố bản và Cầm Thẻn dịch được đến đấy thì sách nát quá, không làm sao dịch tiếp được nữa đành tạm dừng việc dịch sách.

  Sau khi tợp một hớp rượu núi do bà Lò gửi tổ công tác tiếp tế cùng với các nhu yếu phẩm khác. Cầm Thẻn nói:

  • Đấy là chuyện xử sự của người xưa. Người ngày nay cũng vẫn vậy thôi. Có thể thay đổi cách thức một chút chứ về cơ bản không có gì khác nhau.“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, những nét đẹp về Văn hóa của một dân tộc khi nó đã trở thành máu thịt rồi thì không thay đổi được. Tình người, tính nhân văn ở đây là truyền thống của người Việt. Bố thấy đấy, cái cô thần dân Nhuloto đã gây ra biết bao hậu họa, cả triều đình phải huy động biết bao nhân tài, vật lực cho việc chống đỡ con tà dịch, biết bao nhiêu thương gia khốn đốn thậm chí phá sản, trẻ con không được đi học, khổ nhất là nhà nào có việc ma chay, hiếu hỷ, đám cưới còn hoãn lại được chứ đám ma hoãn sao được, vẫn phải chôn cất trong hoàn cảnh có vài người đưa tiễn, tủi cho linh hồn người ra đi. Còn biết bao nhiêu hệ lụy khác kéo theo nữa chứ! Ấy vậy mà tể tướng nước Á Tế Nam vẫn chỉ dụ cho thần dân không được xúc phạm đến người mắc dịch, mỗi ca chữa chạy tốn cả hàng vạn lượng bạc mà triều đình tuyên bố ngân khố sẽ chi trả thay cho thần dân. Tính mạng của thần dân là trên hết. Vậy nên trường hợp của bố con mình bây giờ cứ yên chí lớn đi!
  • Yên trí thế nào được, hết dịch là người ta lại sờ đến, khi ấy bao nhiêu giận dữ người ta trút hết ra thì mới là lúc khốn đốn chứ!
  • Thế bố cho trường hợp của bố con mình người ta sẽ trút giận dữ như thế nào?
  • Còn thế nào nữa, phải kỷ luật chứ bỡn à!
  • Kỷ luật là kỷ luật thế nào, bố con mình đi công tác chứ có phải đi chơi đâu, mà còn tìm ra thứ thuốc sát khuẩn cho chị em phụ nữ nữa chứ. Ấy chết, thay đổi tý chút, bây giờ phải phổ biến cho chị em là ngậm nước muối 5% chứ không phải là thuốc tránh thai nữa nha!
  • Thế cái đoạn đi chơi lên Đại Lải thì sao?
  • Đi chơi là thế nào, phải nói là đi công tác theo chương trình của Hội chứ. Bản với xã làm sao biết được.
  • Ừ thì cái đoạn ấy cứ cho là thế đi! còn cái đoạn vào nhà cô Mây nữa thì khó giải thích lắm!
  • Thế bố định thế nào, nhất là sắp Đại hội, Lãnh đạo xã đang chuẩn bị nhân sự đấy.
  • Thôi thì tao cứ thành khẩn nhận khuyết điểm, xin rút khỏi danh sách bầu cử là được chứ gì!
  • Bố nói thật lòng đấy chứ, có lăn tăn luyến tiếc gì không?
  • Thì cũng có luyên tiếc tý chút còn lăn tăn thì không. Gần hai chục năm làm trưởng thôn, nhiều lúc cũng oai đáo để, nhất là những kỳ huyện, tỉnh tổ chức hội nghị tuyên dương công dân tiêu biểu lần nào tao cũng được tham gia, hoa hồng gắn đỏ ngực cũng vinh dự lắm chứ. Nhưng cũng nhiều lúc gian nan, vất vả lắm. Những lúc bản gặp hạn hán, bão lũ quét...trăm thứ đổ vào đầu trưởng thôn, dân bản thì kêu lên, cấp trên lại dội xuống, rõ là cái thân đầu chày, đít thớt...Thôi, bây giờ nghỉ cũng là đúng lúc rồi!
  • Đúng rồi, bây giờ nghỉ không làm trưởng thôn nữa nhưng bố vẫn là nhà thơ kia mà. Toàn tâm toàn ý dồn cho thơ, không khéo còn làm được nhiều bài hay hơn Rượu núi nữa ý chứ! Nhà Phật dạy “Tùy duyên” cấm có sai. Trong rủi có may, trong may lại có mầm mống rủi. Vậy nên chẳng phải suy nghĩ gì nhiều cho nó già người đi bố ạ! Nào, ta làm thêm chén rượu núi sát khuẩn cổ họng nữa đi!

Cả hai trăm phần trăm rồi cùng cười sảng khoái. Lúc bấy giờ Cầm Thẻn lại nhìn thẳng vào mặt Bố bản nhếch mép cười cười đúng theo cái điệu bộ của hắn, không ra tử tế cũng không ra đểu cáng. Hắn nói:

  • Này Lò bố bản! Bố đã thành khẩn và nhẹ nhõm thực sự như thế thì tức là Bố vẫn xứng đáng làm trưởng thôn. Tôi chưa cho ông nghỉ đâu, tôi vẫn bầu và vận động nhiều người bầu cho ông!
  • Bầu cũng chả được nữa! Tao chả dại gì để cho dân bầu. Tao là tao xin rút từ đầu!
  • Rút là rút thế nào, chẳng có lý do gì phải rút cả!
  • Cái đoạn trên Đại Lải thì coi như thoát nhưng chỉ mình mày thoát thôi chứ còn tao vẫn bị cái đoạn cô Mây nữa!
  • Thế bố tưởng tôi bỏ bố chạy một mình à?
  • Thì mày có liên quan gì vào việc này, tao có trách gì mày đâu!
  • Bố đánh giá thằng Cầm Thẻn này thấp quá rồi đấy nha! Không nhẽ tôi bỏ mặc bố chạy cho riêng mình thôi à! Trong việc này tôi đã man khai bố hiểu chưa?
  • Man khai! Sao mày không bảo tao cũng dấu mẹ nó cái đoạn vào nhà cô Mây đi?
  • Bố mà dấu cái đoạn ấy á! Tội bố to bằng cả quả núi Phu Luông. Còn tôi man khai thì không có tội gì, thể tất được!
  • Mày man khai thế nào?
  • Tôi khai là tôi đi cùng bố vào nhà chị Mây, ở đấy một lát rồi hai bố con cùng về. Chị Mây đã gặp bố tức là thuộc diện “tam xúc” có gặp thêm tôi hay thêm vài người nữa thì cũng vẫn cứ là “tam xúc” có khác gì đâu!
  • Thế mà mày không nói ngay để mấy ngày hôm nay tao cứ lo ngay ngáy!
  • Nói ngay là nói thế nào! Tôi còn phải thử xem ông có còn xứng đáng làm trưởng thôn nữa hay không chứ!
  • Ôi! Cầm Thẻn, mày đã cứu tao một bàn thua trông thấy rồi!
  • Thì vưỡn! Nào nâng ly!

Vậy có thơ rằng:

Dối gian khó sánh thật thà

Buồn, vui, sướng, khổ ấy là tùy duyên.

  Muốn biết trong kỳ Đại hội tới, dân bản có còn bầu Lò Bố bản làm trưởng thôn nữa hay không, xin nghe hồi sau sẽ rõ.

                                                           8h00 sáng ngày 16/03/2020

 

Hồi thứ bảy

NHÀN CƯ VI ...LẮM CHUYỆN

 

Vậy là đã trôi qua một tuần được nửa thời gian hai bố con nhà Bố bản phải tự cách ly. Hôm nay là ngày thứ tám, ngoài việc nấu ăn ra thì chẳng còn việc gì cả. Bố bản biết chơi cờ thì Cầm Thẻn bảo hắn có biết nhưng chỉ ngồi ngoài chỉ trỏ chứ chưa bao giờ chơi, những khi tết nhất, hội hè hoặc trà dư tửu hậu thì hắn tìm đến hội tổ tôm thôi. Nhưng chơi tổ tôm phải có năm người mới chơi được. Sau bữa sáng, Cầm Thẻn nói với Bố bản:

  • Các cụ xưa dạy: “Nhàn cư vi bất thiện”. Không có việc gì làm dễ dẫn đến việc nghĩ ra các trò hủ bại lắm. Bây giờ bố con ta mở máy tính vào mạng xem tin tức. Cả trên báo lề phải lẫn lề trái để xem có tin gì mới và bổ ích hay không. Phân công bố vào báo lề phải, tôi đọc báo lề trái. Ai gặp thông tin hay phải trao đổi lại với nhau nha!
  • Xem cái báo lề trái làm gì, rặt một lũ phản quốc!
  • Ấy ấy! không phải thế đâu bố! Đúng là bên báo lề trái có rất nhiều thông tin bậy bạ thật, nhưng không phải họ đều phản quốc tất đâu. Mình đọc nhưng có chọn lọc, phân tích phải trái, đúng sai thì đây lại là một kênh giữ chức năng phản biện rất đáng quan tâm đấy bố ạ!
  • Người yêu nước không đọc những loại báo lá cải ấy!
  • Bố lại sai lầm rồi! Không phải tất cả là báo lá cải. Như BBC, Á Châu tự do...là những tên tuổi báo chí có cả hàng trăm năm nay rồi ấy chứ. Có điều mình nghe thì nghe nhưng phải sàng lọc! Nhiều việc họ cũng phát biểu khách quan lắm đấy!
  • Thôi được! Láo nháo như mày thì muốn đọc gì tùy, mà cũng chả cấm được mày, chứ tao là trưởng thôn phải gương mẫu, không đọc báo đài địch!
  • Giọng điệu của bố là tư tưởng từ thời còn chiến tranh trước năm 75 rồi bố ạ! người đọc bây giờ họ sáng láng lắm, không dễ tin đâu! Mà bố nói tôi láo nháo nhưng thưa với bố tôi cũng là Đảng viên xịn, cũng được học một khóa Cao cấp Lý luận rồi đấy!
  • Cao thấp mặc mày, thôi, mở máy ra mà đọc đi!
  • Tôi đã đọc từ tối hôm qua rồi, có mấy tin này trao đổi luôn nha!

  Vậy là bố Bố bản và Cầm Thẻn cùng nhau trao đổi đến tận cắn kim số 12 mà vẫn quên cả việc nấu ăn bữa trưa.

Trước tiên, Cầm Thẻn tập hợp những gì hắn đã xem gồm:

  • Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đổ thừa cho quân đội Mỹ mang dịch cúm Covid19 vào Vũ Hán, hệ thống truyền thông Trung Quốc rầm rộ tuyên truyền nội dung này trên các báo chí trong nước và cả ở nước ngoài. Trước sự kiện này, Tổng thống Mỹ Donanld Trump đã triệu tập Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đến Bộ Ngoại giao phản đối và cảnh cáo lời vu khống, bịa đặt này. Tuy nhiên, luận điệu của Trung Quốc đã bị lật tẩy bởi chính người của họ: Phóng viên điều tra độc lập người Trung Quốc Tăng Tranh (僧崢) đã vạch ra: Ngay từ ngày 18 tháng 9 năm 2019, tại sân bay Thiên Hà ở Vũ Hán đã phát hiện một trường hợp lây nhiễm virus corona chủng mới. Trong khi đó còn phải đến 30 ngày sau mới diễn ra Thế Vận hội quân sự, lúc ấy mới có sự góp mặt của quân đội Mỹ tại Trung Quốc. Bà Tăng Tranh nói: “ĐCSTQ hiện đang đẩy nhanh việc đổ lỗi cho người khác, muốn vu vạ cho quân đội Mỹ truyền viêm phổi Vũ Hán đến Vũ Hán. Ngược lại tôi muốn hỏi: “Tháng 9 năm ngoái, trước khi diễn ra Thế vận hội quân sự, khi các người làm diễn tập, vì sao trong hàng triệu loại virus lại vừa khéo chọn đúng loại virus này?”

   Liên quan đến sự kiện này là việc đặt tên cho loại dịch bệnh đang hoành hoành thế giới với một cái tên rất khó nhớ là Covid19. Nhiều chính trị gia, nhiều người nổi tiếng trong đó có cả người Trung Quốc nói sao không cứ gọi nó là dịch cúm Vũ Hán như lúc đầu lại đi đổi tên rắc rối thế để làm gì? Các trận dịch như viêm não Nhật Bản, cúm Tây Ban Nha, sởi Đức...đều gọi theo địa danh khởi dịch còn dịch cúm Vũ Hán sao lại phải đổi tên khó đọc, khó nhớ thế? Hay WHO đã bị Trung Quốc mua chuộc?

  Tiếp nữa là trên Facebook nhà văn dịch giả Hà Phạm Phú có bản tiếng Việt do ông dịch bài viết của nhà văn Trung Quốc Nghiêm Ca Linh (严歌苓). Bài viết có nhan đề: “Lừa dối, man trá, bịp bợm”. Trong bài viết có đoạn: “Người Trung Quốc hễ gặp việc là "man", "man", "man" (man trá, che giấu, nói dối). Tôi đã từng nói dối, bạn đã từng, chị ấy/ ông ấy/ người ấy cũng đã từng; chúng ta cùng đã từng, không đúng sao? Nói dối 1, ấy là không muốn bị mang tiếng, thực ra cũng chẳng mấy có ý tốt. Nói dối 2, là sợ rắc rối; là sợ đối mặt với nỗi sợ hãi, hoảng loạn, đau buồn và thậm chí là hiềm khích của người phải nhận tin xấu; là sợ sau này sẽ khó sống đàng hoàng, chỉ có người không sợ những thứ đó mới dám gánh vác. Nói dối 3, đối với tôi là một mớ bùi nhùi, không hiểu là vì cái gì? Để ai đó yên ổn ăn một bữa cơm, trước tiên hãy giấu tin xấu với người đó, để đón một cái tết vui vẻ thì hãy giấu tin xấu trên qua tết; để tất cả mọi người có thể vui vẻ, không lo sợ như những kẻ đần độn, ngớ ngẩn thì che giấu được đến bao giờ thì cứ che giấu, làm như không biết rồi sự việc sẽ bung ra. Việc xấu che giấu mãi rồi có thể qua, việc xấu lớn thì rồi thành nhỏ, cứ che giấu đi. Nhưng con virus này chỉ có ba micromet. Bàn tay nào có thể che được? Virus này mạnh và nhanh đến mức vượt qua mọi sự che giấu. Có bao nhiêu người đến chết vẫn bị che giấu. Nhưng bằng cái chết của họ nói với bạn rằng, sự thật không bao giờ che giấu nổi.”

  Cầm Thẻn hỏi Bố bản:

  • Vậy những tin tức lề trái ấy bố thấy thế nào? có đáng đem ra luận bàn không?
  • Ừ, đáng để chú ý lắm! Đúng là Văn hóa của họ vẫn rất tài cái khoản lừa dối, man trá và đi đêm đút lót, mua chuộc quan chức!
  • Lại nói đến chuyện mua chuộc, mới đây tin lề trái rầm rộ tung tin bên Cambodia có mấy ông tướng bất đồng với Hunsen vì mới ký mật ước với Bắc Kinh. Theo như mật ước ấy thì ông Hunsen đã phản bội lại ân nhân Việt Nam để ôm chân quan thầy Trung Quốc. Mấy ông tướng ấy như Thai Phani bỏ trốn sang Mỹ, Đại tướng Kun Kin cũng đã bỏ trốn, còn một ông tướng khác thì không kịp trốn bị Hunsen bắt giam. Bất chấp dịch bện đang hoành hoành, Trung Quốc và Cambodia vẫn có cuộc tập trận chung tại khu vực sát biên giới Việt Nam. Trong cuộc tập trận này, sau khi Thống tướng Tia Banh bị bắn chết, tướng Kun Kin cho rằng đây là một vụ ám sát thủ tiêu nội bộ và đã đối khẩu gay gắt với Hunsen. Sáng ngày 15/3.2020. Hunsen ra lệnh bắt giữ tướng Kun Kin thì hai vợ chồng ông này đã biến mất. Như vậy là tình hình biên giới đã bắt đầu nóng lên. Không chỉ ở Tây Nam mà cần lưu ý cả Phía Bắc và ngoài Biển Đông.
  • Thôi đi mày, tin tức ấy chẳng có cơ sở gì!
  • Nhất trí với bố. Tin này đọc để đọc thôi chứ chưa tin được. Nhưng cũng cần biết để hiểu thêm tình hình biên giới. Để hiểu và cảnh giác thêm bụng hai ông bạn láng giềng và tình hình quân sự ở biên giới phía Tây Nam, phía Bắc và trên Biển Đông. Đồng ý với bố là tin tức về Quốc phòng đất nước thì phải nghe từ nguồn tin chính thống của Nhà nước. Phải tin tưởng tuyệt đối rằng các vị lãnh đạo đất nước rất tỉnh táo và ứng phó rất khéo léo, mềm dẻo trong quan hệ ngoại giao. Vừa bảo vệ được chủ quyền đất nước, vừa kiềm chế đủ mức để giữ được hòa khí không xảy ra việc leo thang quân sự của các bên.
  • Thôi, dẹp những chuyện liên quan đến chính trị chính em ấy lại (Bố bản lên tiếng) Bây giờ tao thông tin từ báo chí lề phải đây: Một là có mấy ông mãnh người nước ngoài bị cách ly về nước nói xấu Việt Nam đối xử không ra gì, trong khi chúng được ở khách sạn còn bộ đội ta thì phải ngủ ngoài vườn nhường giường cho người phải cách ly. Nhưng cũng đã có chính người nước ngoài lên tiếng phản bác và người phát ngôn Bộ Ngoại giao của họ cũng đã lên tiếng xin lỗi rồi. Hai là rất nhiều doanh nhân, nhiều nghệ sĩ có thu nhập cao đã ủng hộ Chính phủ trong chiến dịch chống dịch cúm Vũ Hán thông qua Mặt Trận Tổ Quốc và Bộ Y tế tính đến hôm nay được mấy trăm tỷ đồng. Ba là có những cá nhân bỏ cả mấy trăm triệu đồng may khẩu trang phát miễn phí cho người dân, Bốn là Nhà văn Nguyễn Văn Thọ có thư ngỏ gửi nhà thơ Hữu Thỉnh đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam vận động văn nghệ sĩ đóng góp ủng hộ Chính phủ trong trận chiến chống dịch cúm Vũ Hán được nhiều nhà văn hưởng ứng. Năm là rất nhiều gương người tốt, việc tốt được truyền thông tuyên dương nhưng cũng có một số phần tử lợi dụng dịch bệnh để chuộc lợi như việc làm nước rửa tay giả, làm khẩu trang y tế giả, thậm chí táng tận hơn là có một yêu ma tên là Tiêu Thị Tuyết Sương ở xã Phước Hiệp huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định còn dám chế ra vaccine chống dịch Vũ Hán giả mượn danh là y tế cộng đồng đi tiêm cho trẻ em lấy mỗi liều tiêm 700 ngàn đồng....
  • Chết! chết! dã man quá! Loại này thì phải cẩu đầu trảm ngay!
  • Trật tự để tao thông báo tiếp! (Bố bản cắt lời Cầm Thẻn) Dự báo trong những ngày tới số lượng người Việt từ nước ngoài hồi hương có thể sẽ tiếp tục đông. Riêng ngày 18/3 tại các cửa khẩu hàng không sẽ có trên 5.700 người từ các nước Acean về nước, có trên 1.000 người vào Việt Nam từ các nước Châu Âu. Hệ thống kiểm dịch đưa người đi cách ly làm việc hết công suất mà vẫn còn ùn tắc. Ngày 15/3 đã xảy ra việc có người vì phải chờ đợi lâu to tiếng cự nự cảnh sát làm nhốn nháo cả nhà chờ. Bản tin không thấy đưa tin nhà chức trách có xử lý gì với tốp người này không...
  • Lại còn đến tận thế nữa. Bình thường thì tót ra nước ngoài làm thuê. Đến khi có dịch thì mò về vì chế độ chữa bệnh trong nước ưu việt hơn. Đi làm thuê ở nước ngoài thì mang lại lợi nhuận cho nước ngoài và cho cá nhân họ thôi chứ đóng góp được gì cho đất nước? Đến khi dịch bệnh sao không ở lại để nước ngoài họ lo cho lại mò về. Đã vậy không biết người trong nước đang gồng mình chống dịch vất vả, mới phải chờ đợi khó chịu tý chút đã to tiếng, gây mất trật tự nơi công cộng. Phải cứng rắn, gô cổ nó lại chứ không cần nhã nhặn gì với cái loại người ích kỷ vô ơn như thế!
  • Tao nghĩ chính sách chữa bệnh dịch của nước ta có lẽ cần đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có sửa đổi đôi chút là: Không phải tất cả người Việt nếu nhiễm dịch bệnh thì được chữa trị miễn phí mà phải loại trừ thành phần đang cư trú dài hạn ở nước ngoài kể cả những người đi lao động dài hạn theo hợp đồng, những đối tượng ấy phải trả tiền chữa bệnh như người nước ngoài. Đổi lại, người nước ngoài đang làm việc dài hạn ở Việt Nam nếu nhiễm bệnh thì sẽ được Chính Phủ Việt Nam chi trả tiền chữa bệnh thay cho Bảo hiểm Y tế.
  • Đúng vậy! Hiện tại số người nhiễm dịch bệnh ở ta đang có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Mà các đối tượng mắc dịch toàn là do người ở nước ngoài mang về rồi lây nhiễm cho người ở trong nước thôi chứ. Cứ giữ chính sách ưu việt mà không loại bỏ đối tượng người Việt từ nước ngoài về thì dòng người này còn tiếp tục tràn về nhiều hơn nữa!

  Vừa lúc ấy thì điện thoại của Bố bản Lò Pú Chóp đổ chuông. Chiếc điện thoại lại đang ở gần phía Cầm Thẻn nên hắn cầm lên tay nhìn rồi nói với Bố bản:

  • Của chị Lường Thị Mây. Bố trả lời đi! Nhưng không được bí mật, phải công khai. Trong thời gian cách ly này, kể cả chuyện riêng tư thì cũng phải để cả hai bố con cùng biết, có gì còn cùng nhau bàn bạc ứng phó!

Hắn bấm phím loa ngoài rồi đưa trả điện thoại cho Bố bản.

  • A lô, có việc gì đấy! Có việc gì thì nói ngay vào việc, ngắn gọn thôi! Trong thời gian cách ly này không nên trao đổi gì nhiều qua điện thoại!
  • Vâng! Cho em hỏi thế uống để sát khuẩn cổ họng thì liều uống mấy viên một ngày và uống thế nào?
  • Thôi đi! Thuốc tránh thai thì uống để tránh thai thôi! Còn sát khuẩn cổ họng bây giờ dùng nước muối 2% nghe chưa!
  • Thế mà không nói ngay từ hôm ấy để người ta uống phí mất cả một vỉ!
  • Thì cũng tốt chứ sao, phí là phí thế nào!
  • Trong người thế nào thì người ta biết chứ, để dành cho những lúc nguy hiểm!
  • Thôi, thôi! dẹp cái băng này lại nha! Không có nhiều thời gian đâu!

  Nói xong Bố bản dập máy luôn, không để cho chị Mây cà rà gì thêm nữa.

  • Đấy, thế là bố hiểu rồi đấy nha, cứ mở điện thoại là đôi khi rách chuyện!

 Cầm Thẻn lại nhìn thẳng vào mặt Bố bản nhếch mép cười cười theo kiểu cái bản mặt của hắn vẫn thường thế:

  • Mà món quà của bố tặng chị gái góa Lường Thị Mây được chị ấy quý thế còn gì!
  • Quà là do mày mua chứ đâu phải là tao!
  • Nhưng mà con tặng bố chứ, còn chị Mây là do bố tặng kia mà!
  • Cái thằng này, thế nào mày cũng nói được! Đểu vừa vừa thôi nhé!
  • Ka!!!ka!!ka!!! Thôi, đi nấu cơm trưa đây!

Rõ thật là:

Cách ly thì lắm thời gian

Chịu nghe tin tức dẫu nhàn vẫn vui.

 Muốn biết những ngày cách ly tiếp theo của hai bố con nhà Bố bản và Cầm Thẻn đã làm những trò gì. Xin xem hồi sau sẽ rõ.

                                                                        Ngày 18/3/2020 Hồi 14h30

Hồi thứ tám

CHỈ VÌ CÓ MỘT CON VI

 

  • Tin mới nhất trong ngày hôm nay đây nha:

Tổng số ca nhiễm Covid19 trên thế giới tính đến ngày 20 tháng 3 năm 2020 là: 245.834 người, tử vong: 10.047 chữa khỏi: 88.441 người. Riêng Việt Nam có 85 người nhiễm, từ vong không, đã chữa khỏi 16 ở giai đoạn 1 và thêm 1 người xét nghiệm âm tính 2 lần, một người xét nghiệm âm tính 1 lần. Toàn bộ số người nhiễm mới đợt 2 gồm 69 người đều là người Việt Nam từ nước ngoài hồi hương và một số ít là người nước ngoài...

  • Đấy, toàn người từ nước ngoài mang dịch về quê hương. Chính phủ cứ cách ly miễn phí, chữa bệnh miễn phí kiểu này thì tới đây họ còn dồn về không biết cơ man nào nữa. Theo tôi thì những người này phải trả phí. Mà trả ngay trong cơ cấu từ tiền mua vé máy bay. Các hãng hàng không phải tăng giá vé để nộp những khoản phí này thay cho hành khách của họ.
  • Nói thế cũng có lý, rất sòng phẳng. Nhưng Chính phủ lại nghĩ ở tầm nghĩ của mẹ quê hương. Mẹ quê hương bao giờ cũng chở che, bao bọc, dang rộng vòng tay đón những người con trở về với đất mẹ khi họ hoạn nạn. Đây là đạo lý nhân văn muôn đời của dân tộc, không làm khác được đâu.
  • Khi đất nước khó khăn thì bỏ ra nước ngoài thậm chí có kẻ trốn ra nước ngoài. Khi ở nước ngoài hoạn nạn thì lại ùn ùn trở về. Chi phí chữa bệnh miễn phí thì cũng bằng tiền thuế đóng góp của dân trong nước chứ!
  • Về lý thuyết là thế, nhưng trong hoạn nạn này, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà hảo tâm, nhiều người có thu nhập cao cũng đã cùng góp sức với Chính Phủ chứ có phải chỉ bằng tiền của Ngân sách không thôi đâu. Tin mới nhất là vợ chồng bố mẹ ca sĩ Tiên Nguyễn - doanh nhân Hạnh Nguyễn đã góp hơn sáu tỷ đồng ủng hộ mua trang thiết bị y tế chống dịch cho Thành phố Hồ Chí Minh...
  • Thôi bố ơi! Đúng là tin nóng hàng ngày thì phải cập nhật để biết. Nhưng cập nhật thế là đủ rồi. Đau hết cả đầu vì cái con virut này rồi. Bây giờ theo con đề nghị còn mấy ngày phải cách ly nữa ngoài cập nhật tin nóng về diễn biến dịch bệnh ra ta nên xem có cái gì làm cho nó vui vẻ không.
  • Cây cảnh nhà mày thì tỉa đi tỉa lại mấy lần rồi, vườn chỗ nào không có cây, không có rau thì rấy cỏ nhẵn bóng rồi. Làm cái gì bây giờ?
  • Thì xem cái gì đấy nó hay hay, thư giãn một chút trên mạng vậy!
  • Có cái gì hay, chơi geme online thì tao không biết, xem phim hành động hay phim sex thì tao không thèm xem. Cuối cùng thì quanh lại chỉ là lướt xem các báo mạng họ đưa tin thế nào thôi!
  • Thôi bố! Bây giờ một là lục lại cái đống sách cũ trong hòm sách của ông ngoại con ngày xưa để lại xem có cuốn nào hay thì xem. Hai là ta khám phá các tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng các nước mà còn ít người biết đến. Cái này cũng thú vị đấy, ít nhất cũng cuốn hút được những người nhà cư phải cách ly như bố con mình!
  • Cũng được! Thế thì mày bê thùng sách ra ngoài đầu cầu thang kia cho sáng!
  • À , có cái này bố ơi! Tối qua con có lướt vào Facebook để giao lưu với bạn bè thấy bên nhà bác Phú Hà Phạm có bản dịch của bác ấy bài viết của một nữ nhà văn Trung Quốc tên là Nghiêm Ca Linh (严歌苓). Bài viết có nhan đề là “Man, man, man” bác Phú dịch là: Lừa dối, man trá, bịp bợm. Nhà văn Nghiêm Ca Linh là người Trung Quốc định cư ở Đức viết bài này nói về dịch Covid nhưng cũng là nói về bản chất man trá của giới cầm quyền trên quê hương con virut cúm phổi Sars-Cov2.
  • Nói mẹ nó là dịch cúm phổi cấp Vũ Hán cho nó dễ nghe, sáp với chả sác. Rắc rối bỏ mẹ!
  • Ừ thì nói vậy cho nó ra vẻ khoa học! Này bố, mở máy ra mà đọc cái bài viết của nhà văn Nghiêm Ca Linh do bác Hà Phạm Phú dịch, hay lắm bố ạ. Bố mở bài viết theo đường link này nha: http://banvanhoccongnhan.com/bvct/chi-tiet/1660/lua-doi-man-tra-bip-bom.html .
  • Tao đọc rồi!
  • Sao nhanh vậy?
  • Tối qua tao cũng lướt Phây, qua nhà mày thấy mày giới thiệu bài viết ấy dán đường dẫn trên Facebook. Tao nháy vào đấy thì nó hiện lên trang của “Văn nghệ Công nhân” post bài của Hà Phạm Phú.
  • À, con đã xin phép tác giả rồi, bác Phú đồng ý mới lấy về dán lên “Văn nghệ Công nhân” nhằm quảng bá đến nhiều bạn đọc! Bố có cảm nhận thế nào sau khi đọc?
  • Nhà văn Nghiêm Ca Linh có bà ngoại, bố mẹ đều chết trong dịch bệnh ở Vũ Hán. Vậy nên việc bác sĩ Lý Văn Lượng cảnh báo trước nhưng chính quyền Vũ Hán lại quay sang trị bác sỹ để đến khi dịch bệnh tràn lan thì họ lại bưng bít, nói dối nhằm trốn tội đã được nhà văn Nghiêm Ca Linh thể hiện bằng tâm thế của người trong cuộc, người đang phải hứng chịu nỗi đau mà nếu chính quyền biết nghe lời nói của công dân thì đã không xảy ra tang tóc, đau thương như vậy.

  Cuộc trao đổi đang cuốn hút hai bố con bố bản tập trung vào câu chuyện thì bỗng nghe thấy tiếng kêu khá lớn ngoài vườn         . Cầm Thẻn chạy xuống cầu thang ngó ra thì thấy ở cuối vườn có hai thằng bé chừng mười ba, mười bốn tuổi. Một thằng đang khom lưng kéo thằng kia toàn thân ướt nhèm từ dưới ao lên. Cầm Thẻn định chạy lại trợ giúp nhưng chợt nhớ ra mình đang phải cách ly nên lại thôi. Hắng đến đứng giữa vườn cách hai thằng bé khoảng  năm mét hỏi:

  • Các cháu làm gì mà lại ngã xuống ao thế?

Hai thằng sợ run

  • Dạ, dạ thưa ông! Chúng cháu...chúng cháu...
  • Cứ bình tĩnh, từ từ nói ông nghe sự thể thế nào nào! Xem ông có thể giúp gì không.

Thằng bé thấy Cầm Thẻn nhẹ nhàng thì đỡ sợ, bình tĩnh và nói năng rành rọt hơn:

  • Dạ thưa ông Cầm Thẻn! Thằng này tên là Vũ Hậu ở Hà Nội. Nghỉ học về ở với ông bà nội. Nó bảo nó là câu thủ từng sinh hoạt ở một Câu lạc bộ Câu cá nghệ thuật, nó mà câu cá ở ao thì sạch ao, nếu muốn lấy cá. Nó nói ở Hà Nội có nhiều nhà vườn bán chỗ cho câu nhưng gặp phải khách hàng là người ở Câu lạc bộ nó thì phải lạy không dám bán vé vào câu. Bọn chúng cháu không tin nên cử cháu dẫn thằng Hậu vào ao nhà ông. Vì chúng cháu nghĩ ông đi vắng thường xuyên nên chỉ ao nhà ông mới câu được chứ ao nhà khác họ không cho.
  • Có đúng không Vũ Hậu?
  • Dạ đúng ạ! Nhưng cháu chỉ câu biểu diễn thôi chứ không lấy cá. Mỗi lần đi câu cháu chỉ lấy một con cá to thôi chứ sau khi câu được cháu lại thả xuống ao. Kể cả khi đi câu ở sông, cứ cá nhỏ là cháu gỡ thả chứ không không lấy!
  • Ông thấy nó nói có phét lác không?
  • Đừng nghĩ thế! Phải thực mục kiểm chứng xem bạn ấy làm đã chứ! Thế các cháu đi vào đây bằng đường nào?
  • Chúng cháu công kênh nhau lên tường rồi nhẩy vào ạ! Còn mấy đứa nữa đang đợi ngoài ấy! Có điều chẳng may thằng Hậu này lại bị trượt chân ngã xuống ao. May mà nó biết bơi nên không sao!
  • Thôi được rồi! bây giờ các cháu về cho bạn Hậu thay quần áo đi, kẻo cảm lạnh mà nước ao bẩn thế thì ngứa lắm. Mấy hôm nữa nhà ông hết thời hạn phải cách ly ông sẽ cho các cháu đến để chứng kiến bạn Hậu thể hiện tài năng nha! Đi ra đằng cổng ấy. Và nhớ về đến nhà phải cởi hết quần áo, tắm giặt xà phòng cẩn thận, đề phòng có con vi rút nào đấy nó bám vào quần áo nha!

  Buổi chiều, Cầm Thẻn nói với Bố bản:

  • Lại có thêm việc rồi đây bố ạ! Trẻ em nghỉ học, trường học, nhà trẻ đóng cửa nhưng bố mẹ thì vẫn phải đi làm nên có một bộ phận không nhỏ trẻ em từ thành phố được gửi về nông thôn cho ông bà trông. Những đứa trẻ nhỏ thì phải trông coi không nói, còn những đứa tuổi nhầng nhầng thì chơi bời tự do. Vậy nên thôn bản phải nghĩ ra ngay cách làm thế nào để quản lý, hướng dẫn, tập hợp các cháu vào những hoạt động lành mạnh, và an toàn.
  • Thì tao đang ngồi đây làm được gì?
  • Bố gọi điện cho Bí thư chi bộ trao đổi để anh ấy họp chi ủy giải quyết. Thôn còn nhiều người chứ đâu phải chỉ mình bố!
  • Nhưng mà vắng tao, bọn ấy còn trẻ làm ăn chợt chạt lắm!
  • Bố chỉ được cái gia trưởng. Đừng tưởng bố là tất cả theo cái lối Bố bản cổ hủ ngày trước. Bây giờ cánh trẻ nó có trình độ, nó mà chủ động làm thì chưa chắc bố đã theo kịp. Tại trước giờ bố cứ sợ nó không làm được bố ôm lấy hết thì nó chẳng mặc kệ bố à!
  • Mày lại làm công tác nhân sự đấy à? Sắp đại hội đấy, có giỏi thì bỏ Hà Nội về đây mà làm!
  • Tôi với bố tuổi tác ngang thưng, tôi mà làm thì cũng không hơn được bố. Nhưng nói thế là để nói, không chỉ là trẻ dựa vào già mà già cũng phải bám lấy trẻ để cũng bay lên, khuyến khích cho trẻ phát triển đừng bao giờ biến thành vật cản lối đi của cánh trẻ. Mà thôi! lại lý luận rồi. Việc này không phải việc của tôi với bố. Lúc sáng đang nói cái gì ấy nhỉ? À, à, bài viết của nhà văn Nghiêm Ca Linh! Đã nói Trung Quốc thì nói luôn, bố nhớ có cái sự kiện bà Thiết Ngưng (鉄凝) – Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc vừa sang thăm nước ta hồi tháng 11 năm 2019 không?
  • Nhớ chứ! Tao còn được Ban tổ chức Hội gọi về dự buổi mạn đàm tại hội trường Hội Nhà văn kia mà!
  • Không bàn luận đến quan hệ giữa hai nước, đấy là việc của các chính trị gia, riêng con thấy các nhà văn Trung Quốc họ có quan điểm mới, đặc biệt là chủ tịch Thiết Ngưng, ngòi bút của bà sắc sảo, khách quan, dữ dội và rất nữ tính. Bố đọc cuộc phỏng vấn Thiết Ngưng của nhà văn Hà Phạm Phú chưa?
  • Tao chưa biết bài viết này!
  • Vậy tối con sẽ mở đường link cho bố.
  • À mà bố đọc tiểu thuyết “Những người đàn bà tắm” của Thiết Ngưng chưa?
  • Có nghe tên cuốn sách này nhưng chưa có để đọc!
  • Thế thì hôm nào con sẽ chuyển cho bố đọc. Đọc để hiểu thêm Trung Quốc, để hiểu thêm cách nghĩ của nhiều thế hệ con người Trung Quốc. Cuốn sách kéo dài theo chiều lịch sử từ cuộc cách mạng Văn hóa đến gần hết một đời người của nhân vật chính trong truyện. Đặc biệt là ở thời kỳ cách mạng Văn hóa, đoạn ấy viết thật dữ dội. Đại thể là có một cô giáo bị Hồng vệ binh tổ chức cho nhà trường đấu tố, ngoài việc bị đạp vào khủy chân để bắt quỳ gối trước toàn trường, một số học sinh lớn tuổi còn xỉa sói và nhiều động tác làm nhục. Nhưng cao trào nhất là có một đứa xúc một ca phân bắt cô giáo ăn. Cô giaó không chịu, chúng dọa bắt con gái cô giáo lên sân khấu. Lúc ấy cô giáo buộc phải cầm ca phân ăn trong tiếng hò reo man rợ của đám học sinh và lũ Hồng vệ binh. Ngay bây giờ bố tạm đọc trích đoạn ấy của cuốn tiểu thuyết theo đường link này nha: http://banvanhoccongnhan.com/bvct/chi-tiet/1661/nhung-nguoi-dan-ba.html .

Cầm Thẻn đứng dậy nói tiếp:

  • Bố ngổi mà đọc nha! Tôi ra vườn kiếm nắm rau nấu cơm chiều!

  Bỗng chuông điện thoại máy Bố bản đổ vang. Bố bản nhấy máy lên nghe thì đầu dây bên kia là vợ Cầm Thẻn:

  • Ông Lò Pú Chóp đấy à? Thế ông có biết cả tuần nay nhà em đi đâu không?
  • Ồ! Chú ấy đang ở với tôi trên Bản Lác đây mà!
  • Sao cả tuần em gọi chỉ thấy tổng đài nó bảo: “Hiện nay số máy này không liên lạc được...”
  • À, chú ấy tắt máy đấy!
  • Làm cái gì mà phải tắt máy đấy?
  • Thôi! Cô nói chuyện với chú ấy nhé!

  Bố bản chuyển máy cho Cầm Thẻn.

  • Ông làm cái gì, ở đâu mà phải tắt máy?
  • Thì tôi đưa bác Lò trở về bản thì bị người ta cách ly hai anh em. Đang ở nhà mình trên Bản Lác đây mà!
  • Ông nói thế biết thế chứ chỉ có ca ve mới biết các ông ở đâu thôi! Đi cả tuần không trao đổi gì lại còn tắt máy. Mập mà mập mờ...Rõ ràng là có cái gì đó sai sai. Mà làm gì, đi đâu mà phải cách ly, lại cỡn lên đi lung tung thì mới bị cách ly chứ!
  • Cũng chả biết nói thế nào để bà hiểu. Nhưng giờ chúng tôi đang ở nhà trên Bản Lác. Bà hiểu không?
  • Cứ ở đấy, tôi sẽ nhảy xe khách lên ngay xem có đúng không! Đàn ông đực rựa các ông lão nào mà chả thế....Năm bảy lá gan, lá ở cùng vợ, lá toan cùng người...
  • Ấy chết! Không được đâu. Chúng tôi đang bị cách ly, bà không đến được đâu!

     Này, tắt máy đi để tôi gọi lại bằng Zalo có hình ảnh cho bà coi có phải là nhà mình không nhé!

      Sau khi gọi lại cho vợ bằng tiện ích Zalo có hình ảnh, Cầm Thẻn còn quay các chiều để cmera ghi hình ảnh ngôi nhà cho vợ xem. Cầm Thẻn than thở:

  • Rõ thật là “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”
  • Mày tiền án, tiền sự đầy người thì vợ mày nó mấy truy vấn thế chứ, cứ như tao thì...
  • Cứ như bố thì...có ngày lên Mây, lên Mây với bà Lò Pú Chóp chứ đừng tưởng....
  • Ừ, thôi! thôi!

  Cầm Thẻn cúi xuống, hắn lại nhìn thẳng vào mặt Bố bản nhếch mép cười cười với cái bản mặt không ra tử tế cũng không ra đểu cáng:

  • Này, bố! Mụ vợ tôi nó nói có khi cũng không mấy sai đâu! Gan ông mấy lá ai tường/ lá bà Pú Chóp lá Lường Thị Mây...Ha!!!ha!!!

  Chỉ vì dịch bệnh lây lan mà sinh ra lắm điều phiền nhiễu. Rõ thật là:

 Chì vì có một con Vi

Bao người khốn đốn, cách ly rõ phiền.

Muốn biết Cầm Thẻn và Bố bản còn làm những trò gì nữa, xin xem hồi sau sẽ rõ.

                                                             Ngày 20/3/2020 Hồi 20h09.

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 76
Trong tuần: 472
Lượt truy cập: 381089

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.