Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CON VỆN

Lương Ky
 
CON VỆN
         
Khuôn Nưa có hơn chục nóc nhà. Đàn chó có đến bốn chục con. Ngoài cái việc giữ nhà muôn thủa của chúng, đàn chó bây giờ còn "tham gia" làm kinh tế. Chị Phấn ngẫm ra điều đấy mỗi khi bọn trẻ chuẩn bị vào năm học mới: hai, ba chú chó ra đi rồi lại kiếm vài con khác nuôi bù. Duy con vện sáu, bảy tuổi chưa bị chủ bán. Vện là con chó có dáng vẻ kì kì: tai to, mình thon. Đặc biệt, nó khoác bộ lông với những vệt vằn vèo như da hổ, khác chăng chỉ có màu xám và vệt vằn thì xám đen. Ở Khuôn Nưa giống này nhiều nhà có, hầu như chúng đều được gọi là con vện.
          Con vện này chị Phấn bắt ở nhà bố mẹ đẻ. Như chị kể cả buổi không hết chuyện về nó xem ra con vện khôn lắm: thỉnh thoảng biết lỉnh về nhà ngoại "chơi", chưa nói nó là sát thủ của cầy, cáo, chuột, rắn rết...quanh nhà và chiến tích mỗi lần đi săn. Hay nhất nữa là trông tướng mạo dữ dằn thế mà con vện lại chưa "ngoặp" ai nhát nào...
          Nhưng kì này chị Phấn đành tính bán con vện vì năm nay nhà chỉ có hai con, một chú còn bé mới bắt về, mỗi con vện còn có giá. Tiền đang rất cần cho mấy đứa nhầng nhầng lớp trên lớp dưới. Đắn đo mấy hôm, chị Phấn đành bảo chồng gọi tay thợ chó đâu ở thị xã hay dong xe Minkhơ với cái rọ sắt lùng sục đến tận làng bản, bán dấu bọn trẻ. Con vện khôn là thế mà bị chính chủ của nó lừa bằng bát cơm nguội rưới ít nước mắm Cát Hải. Mải ăn, con vện bị anh chồng chị Phấn chộp hai tai nhấc bổng lên ấn vội vào rọ sắt. Con vện chỉ còn biết cào cắn, kêu ăng ẳng văng cả cơm...Mua quạ với nhau, con vện giúp cho chủ xấp tiền hai trăm ngàn đồng.conven
          Chị Phấn nhìn theo con vện trên xe Minkhơ mà ứa nước mắt. Anh chồng tỏ vẻ cứng rắn hơn, mắng vợ: " Giời ơi, đời thủa nhà ai thừa nước mắt khóc chó...". Nhưng mắt anh ta cũng hoe đỏ.
          Con vện rời khỏi Khuôn Nưa. Nó cố nhìn chằng chằng vào nếp nhà, con đường...rồi cảnh sắc mới lạ: ô tô, xe cộ, nơi đông người...Nó sợ muốn nhoài ra nhưng không thể. Nó sủa, nó kêu suốt đường. Cha lái chó quá quen cảnh "chia li" ấy nên dửng dưng. Anh ta trút vội con vện vào chuồng cùng những con chó khác. Phút sơ sểnh, khi gã chưa kịp gài cửa chuồng, con vện với sức bật mạnh mẽ nhào qua vai phi thẳng ra vườn. Gã lái chó cuống cuồng đuổi theo nhưng dừng ngay, đinh ninh con vện không thể nào vượt qua được tường rào cao hơn đầu người nhà mình. Nào ngờ, con vện đã ngoái đầu lại, nhe nanh khi bị dồn vào góc tường. Gã thợ chó kinh nghiệm đầy mình tìm ngay đoạn tre có cái thòng lọng huơ huơ định thòng cổ nó. Con vện liếc nhanh xung quanh rồi thình lình đảo người nhảy tót lên nóc chuồng chó và tung tiếp cú nhảy qua rào, chẳng cần biết rơi vào đâu...
          Con vện thoát ra buộc tay thợ chó cũng vội phi theo. Một cuộc rượt đuổi ngoạn mục qua mấy phố ra đến ngoại thị...Con vện dông vào bờ bụi, mất hút. Tay lái chó đành chào thua...
          Con vện dấu mình chờ xẩm tối nghe yên ắng mới ló ra. Nó bơ vơ, đói mệt nơi xa lạ, lủi thủi chưa biết phương hướng nào. Nó run rẩy, sợ hãi lẩn trốn và vận hết khả năng của mắt mũi, đôi tai mưu cầu sinh tồn...
          Bán chó, nhà chị Phấn đâm buồn. Bọn trẻ đi học về không thấy con vện chúng cố tìm, gọi...Vợ chồng chị đành nói thật với các con sau bữa ăn trưa. Chuyện đã rồi, chị Phấn chỉ còn chú tâm đến khoản tiền sách vở học của bọn trẻ, an ủi các con vài câu rằng sẽ tìm con chó khác...Chuyện vớ vẩn thế mà đêm đó cả anh chị không ngủ nổi. Con chó nhỏ đơn côi chốc chốc lại ăng ẳng, nghe thêm bực, thêm nhớ tiếng sủa của con vện. Anh chồng có ý trách vợ quyết bán con vện, chị Phấn thì đai mãi chuyện tiền nong...
          Khuya lắm...lại thấy con chó bé sủa nhanh nhách. Nghe như còn có tiếng con chó nào sủa yếu ớt đâu đó dưới gầm sàn. Có tiếng lạch cạch bên ngoài cửa, anh chồng vớ cái đèn pin, con dao quắm rồi mở then. Cửa vừa bật ra...Trời, một con vật nhào vào người, sô ngã chủ nhà xuống sàn làm văng cái đèn và con dao khỏi tay anh ta. Cả nhà bị dựng dậy bởi tiếng kêu thất thanh của anh chồng chị Phấn. Chị cuống cuồng lần tìm hộp diêm, châm ngọn đèn dầu. Chưa kịp ra tới chỗ chồng, chị Phấn lại bị con vật nhào lên người. Cây đèn rơi đổ, tắt ngấm. Con vật rên ư ử, chân nó như muốn ôm quặp lấy chị...Anh chồng hoàn hồn tìm được cái đèn pin soi. Trời ơi! Mọi người không tin vào mắt mình: con vện. Anh ú ớ rồi reo to như trẻ con khi thấy con vật bẩn thỉu vẫy đuôi tít mù quẩn vào người chị Phấn:
- Con vện...Con vện đây này !
          Cả nhà đèn đuốc quây quanh con vện ngay trên sàn, bên bếp lửa. Chị Phấn vội lục lọi kiếm bát cơm, rưới nước mắm Cát Hải đậm hơn đặt bên nó. Chắc là mệt và đói lắm nên con vện vội dúi mõm vào bát. Nhưng không hiểu sao, nó khựng lại nhất định không ăn.
          Ngày hôm sau bọn trẻ mang con vện tắm táp sạch sẽ. Bố mẹ chúng dặn: "Có ai hỏi về con vện coi không có chuyện gì. Bán rồi cơ mà, tiền giao cháo húp, chắc gì tay thợ chó dám đến, biết đâu mà lần". Thế mà vài hôm sau tay mua chó nọ lại đến Khuôn Nưa. Con vện nghe tiếng xe Minkhơ, thấy người lạ thường lao ra sủa thì nó lại lặn đi đâu đó. Tay ấy kể cho nhà chị Phấn nghe chuyện "xót buốt ruột" hôm mua con vện. Anh chàng cố ý ngó nghiêng nhưng không dám hỏi gì, chỉ ướm xem có thể mua con khác được không. Tay mua chó đi khuất một lúc lâu mới thấy con vện len lén mò về. Rồi ít tháng có lẽ con vện hoàn hồn. Một chuyện không may xảy ra với nhà chị Phấn: anh chồng đi nương bị ngã xuống cái khe đá gãy một chân phải đi viện. Ngó quanh ngó quẩn cả nhà, chị Phấn đành lại nhắm con vện. Vì chỉ cái thân nó mới cho chị vài trăm ngàn. Chị Phấn chủ động ra đầu Khuôn Nưa tìm cánh mua chó. Lần này người mua không phải gã trước. Anh ta đi con xe Engel Hi khá mới với hai cái rọ sắt buộc hai bên, lịch sự hơn con Minkhơ. Con vện chẳng biết đã quên chuyện cũ chưa nhưng rõ ràng nó không mấy chú ý đến sự có mặt của người này. Vả lại, chị Phấn đích thân tháo cái rọ chó để sẵn rồi vuốt ve nựng con vện bằng miếng lòng lợn. Một chốc mất cảnh giác, con vện bị chủ đẩy nhanh vào rọ, sập cửa buộc chặt. Chừng đó, con vện nhận ra ý định của chủ. Nó chỉ còn biết quằn quại, mắt đỏ ngầu. Lùng nhùng cân kẹo một lúc tay thợ chó buộc bịn con vện vào xe. Không bán vo nên chị Phấn thêm được sáu chục ngàn so với lần trước. Cái xe nổ máy, chị Phấn quay mặt đi, nước mắt lại trào ra. Lần này mẹ con chị không ai phàn nàn về con vện bị bán nữa, tất cả vì bố bọn trẻ.
          Chị Phấn đến bệnh viện chăm chồng vài ngày, nâng giấc cho anh, chờ cho anh được về. Ở khoa ngoại bệnh viện mọi chuyện linh tinh ních đầy tai chị: nào tai nạn giao thông, đánh chém nhau...Nhưng lạ hơn cả là chuyện một phụ nữ  bị chó cắn vào cánh tay vừa phải tiêm phòng dại, vừa phải băng bó vết thương. Chị ta kêu la phàn nàn, đay nghiến chồng dường như không để miệng kịp mọc da non. Chị bô bô kể về con chó vằn rất to chồng chị mua mấy hôm trước, rằng thường thì anh mua chó về đổ cho nhà hàng cầy tơ bảy món Gốc Doi, Cây Bàng...Nhưng hôm ấy có cái xe xuôi họ gạ mua với giá hời hơn, nên anh chồng muốn sang mạn tất cả hai rọ chó. Anh nhờ vợ giữ cái lồng của khách áp miệng cái rọ nhà mình đẩy những con chó sang. Thình lình, con cuối cùng chính là con chó vằn như con hổ xám sổ mạnh bung ra. Chị vợ ra sức ghì bị nó ngoạm vào tay, nhay xé đau không chịu nổi mà đành để sổng nó. Việc trắng tay số tiền lời lãi vì mất con chó to nhất đã đành, lại còn phải đi viện, vợ chồng nhà ấy bực không để đâu cho hết. Anh chồng cứ lẩm bẩm đổ tại năm tuổi, sao Thái Bạch chiếu...
Gần một tuần anh chồng chị Phấn được bệnh viện cho về ngoại trú. Nhà neo, anh đành ngày ngày tập tễnh chốnh nạng quanh quanh trông nhà. Cái giống gẫy xương về đêm nó buốt, nó buồn bực làm anh không ngủ nổi. Đôi khi anh mang chuyện con vện ra nói. Nghĩ mà thương, chẳng gì nó cũng cho nhà anh gần nửa triệu bạc. Hay là do nhà mình ăn gian ít tiền lần trước mà bị quả báo...Nghĩ vẩn nghĩ vơ, anh chị thấy tiếc và đâm nhớ con vện. Rồi một đêm, khuya lắm, bên cây đèn dầu leo lắt anh nằm se sẽ rên, mắt chong chong, thỉnh thoảng lại xoay dở mình với cái chân bó bột như đeo đá...Bỗng anh nghe tiếng con chó nhỏ rít lên dưới gầm sàn. Anh gọi vợ chiếu đèn pin xem sao. Chị Phấn trố mắt khi thấy con vật nào đó mắt bắt ánh đèn, chuyển động chậm chạp, gần như  cố lết đến con chó nhỏ...Chị nhận ra con vện, lao vội xuống cầu thang, sà lại chỗ nó. Con vện khật khừ, không sủa được nên tiếng. Nó lờ đờ với cái đuôi cụp xuống chân, mình đầy thương tích. Nó lết tiếp đến cái cối giã gạo, nơi thường ngày vẫn nằm. Chị Phấn gào to lên và mấy đứa con vội chạy xuống vây lấy con vện. Anh chồng đau chân không dậy nổi cạy dát sàn nhà nhìn xuống.
Hôm sau, chị Phấn đun nồi nước to. Cả nhà cùng với bà con hàng xóm đinh ninh chuyến này con vện được nếm mùi giềng mẻ mắm tôm. Nhưng không, chị ta bỏ nắm lá xả, pha nước loãng vừa đủ ấm, múc từng gáo dội, kì cọ con vện. Miệng chị không ngớt xuýt xoa "úi trời ơi, thương thương quá thể..." như nựng con nít. Mấy hôm liền, cơm cháo cho chồng có chất tươi chị cũng giành cho con vện một ít. Anh chồng và lũ trẻ đồng tình lắm. Vậy là con vện hồi dần, hồi nhanh. Các cụ nói "chó liền da..." cấm có sai. Con vện trông lại giống ngày nào, có phần chải chuốt hơn, đẹp mã ra...Nhưng con vện trở tính: nó không lên cầu thang và không dám đến gần vợ chồng chủ nhà, không vẫy đuôi vô hồi mỗi khi nghe chủ huýt gió gọi. Được ăn ngon mà nó ỏn ẻn, vừa ăn vừa liếc ra mọi phía. Có lẽ nó chỉ còn thân thiện với thằng út trong nhà, cái thằng mà mẹ nó bảo "con vện mấy tuổi thì thằng út từng ấy".
Vài hôm sau, buổi tối không thấy con vện,  ngày tiếp theo cũng không. Cả nhà bổ nhào tìm kiếm quanh Khuôn Nưa nhưng con vện vẫn biệt âm vô tín.
Một buổi, bà ngoại ở cuối Khuôn Nưa đến chơi. Bà vui miệng kể về điềm may cho nhà cụ, rằng tự dưng có con chó vằn nào đến nhà rồi ở lì luôn, cho gì ăn nấy, quanh quẩn bên cối giã gạo...Bà bảo nhà con gái hôm nào dỗi dãi làm thịt quách đi, sách về một đùi bồi dưỡng cho bố nó để cái chân chóng khỏi...Chị Phấn bàng hoàng, vội vã nói át:
- Trời đất, khéo con vện nhà con. Xin bà cứ để nó lại nuôi,  nó già chết thì đem chôn, mế nhá !
 
                                                                                    L.K
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 26
Trong ngày: 455
Trong tuần: 1865
Lượt truy cập: 404033

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN TÁC GIẢ! CON CÁ TO QUÁ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.