Tôi già rồi, sức vóc chẳng còn lâu
Cho tôi được ở đây, đọ cùng bom đạn ấy
Cho tôi giặt những tấm khăn máu chảy
Cho tay tôi thu cất những giường nôi
Bệnh viện này là cả trái tim tôi
Tôi cần nó khi tôi còn máu đập
Tay đỡ trẻ bây giờ tôi nhặt gạch
Tôi già rồi, nhưng vĩnh viễn non tơ
là các cháu. Tôi cần che chở chúng
Tôi xếp gạch cho ngày mai ta dựng
Tôi lại về phòng sản của tôi xưa
Vâng, nơi này, tôi đợi tiếng hài nhi!
19-1-1973
V.Q.P
Lời bình của nhà thơ MAI NAM THẮNG:
Theo như lời "phi lộ" tại bản in trong tập "Hà Nội, mười hai ngày ấy" của NXB Văn học ấn hành tháng 3-1973 (chỉ 3 tháng sau chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không), thì bài thơ trên đây viết về bà Nguyễn Thị Liên, cựu nhân viên hộ sinh bệnh viện Bạch Mai-Hà Nội. Năm ấy bà Liên đã 74 tuổi, về hưu đã lâu và ở xa Hà Nội, nhưng nghe tin bệnh viện bị bom Mỹ đánh phá, bà đã tìm về:
Cho tôi về lại nơi đây
Tôi đã quen với bệnh viện này...
Hai câu thơ mở đầu bài thơ vừa là lời đề nghị, vừa là lời tự giới thiệu, hết sức ngắn gọn và giản dị như một lời "nói thường". Tiếp đó, toàn bộ bài thơ là những câu "nói thường" rất ngắn gọn, giản dị như thế. Nhà thơ Vũ Quần Phương, tác giả của những tập thơ ấn tượng như: "Những điều cùng đến" (1983); "Vết thời gian" (1996); "quên chữ quên câu" (2000); "Giấy mênh mông trắng" (2003)... sở hữu một giọng thơ trữ tình đằm thắm, đôi khi có những chiêm nghiệm, đúc kết đến mức "tinh quái"; ví dụ như: Em đi thắp lửa trong bao mắt/ Anh đứng thành tro em biết không? Hoặc: Đứng một ngày đất lạ thành quen/ Đứng một đời em quen thành lạ v.v... Vậy mà ở bài thơ này, tác giả lại sử dụng một lối tự sự hết sức bình dân để kể một câu chuyện cũng hết sức... bình thường trong những năm chiến tranh ác liệt. Và theo nội dung câu chuyện, người đọc nhận ra ít nhất có 3 cấp độ tình cảm và hành động của nhân vật chính-người hộ sinh già-hết sức logic trong cảnh huống lúc bấy giờ.
Đầu tiên, bà hộ sinh già đến bệnh viện vừa bị bom huy diệt, tất nhiên bà bị ngăn lại không cho vào. Thế là bà phải "xin xỏ". Phải tự giới thiệu rằng tôi là nhân viên ở đây từ ngày bệnh viện này mới thành lập (1932): Cây lim sạt cành kia/ Khi tôi đến lim còn thơ ấu/ Bốn mươi năm trong một đời người... Vâng, bốn mươi năm (1932-1972) có biết bao kỷ niệm vui buồn ở đây, vì vậy các anh chiếu cố cho già này vào thăm cái nơi mà già đã gắn bó suốt cuộc đời công tác, nay bị bom Mỹ chúng nó phá tan tành...
Tuy nhiên nếu tinh ý, người đọc-và chắc chắn cả những người đeo băng đỏ đang làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường nữa-sẽ nhận ra trong lời "năn nỉ" xin phép kia có cả sự đe nẹt, cậy thế của một người từng là "cây đa, cây đề", tiền nhân, tiền bối ở đây: Những cậu bé tôi đỡ ra đã lấy vợ, sinh con và bắt đầu có cháu... Này, nói cho các cậu biết nhá, lão đây là "ma ma" của sếp các cậu đấy! Nhiều cậu bé đỏ hỏn được lão cắt rốn bọc tã ở đây, nay đã làm bố, làm ông rồi cơ, các cậu chưa là gì đâu nhé! Đứa nào dám cả gan không cho lão vào hở?
Thế là bà được chiếu cố cho vào cái nơi khói lửa chưa nguôi, mùi bom đạn còn khét lẹt, nhà cửa đổ ngổn ngang rất nguy hiểm... Những người trẻ trung khỏe mạnh đang khẩn trương đào bới cứu người. Đến đây, như dân gian thường nói là "được đằng chân, lân đằng đầu", tình cảm và hành động của bà cựu hộ sinh tiến lên cấp độ cao hơn: Bà cũng xông vào đào bới với những người trẻ trung khỏe mạnh. Tuy đã được phép nhưng bà vẫn sợ bị "đuổi" ra vì ai lại để một bà già 74 tuổi tham gia đào bới cứu hộ? Thế là bà tiếp tục "kể lể" để đánh vào tình cảm mọi người: Phòng đẻ này, tôi thức đã bao đêm/ Hạt máu người quý lắm anh xem/ Cái hạt máu lần đầu tiên biết khóc/ Ôi tiếng khóc mà giữa cơn đau rát/ Bà mẹ nào cũng thấy dịu lòng đi!/ Dãy hành lang sụp gãy khắp nơi kia/ Tôi đều có những vui buồn ở đó...
Và những lời kể của người hộ sinh già được minh hoạt bằng những vật chứng cụ thể mà xót xa đau thắt:
Đây tôi nhặt từ gạch vôi nát vỡ
Ống nghe thai, nghe nhịp đập mầm người
Chưa ai hay nhưng tôi đã biết rồi...
Đến đây, khi đã được mọi người cho phép ở lại, được mọi người sẻ chia và đồng cảm... thì tình cảm và hành động của người hộ sinh già tiến thêm một cấp độ nữa: Tôi già rồi, sức vóc chẳng còn lâu/ Cho tôi được ở đây, đọ cùng bom đạn ấy/ Cho tôi giặt những tấm khăn máu chảy/ Cho tay tôi thu cất những giường nôi...
Không chỉ xin phép được tham gia thu nhặt những dụng cụ y tế, những thứ nhẹ nhàng như ống nghe thai, giường nôi, khăn tã... bà lại tiến thêm một bước nữa: Xin được góp sức tham gia dọn dẹp, tham gia xây dựng lại bệnh viện
và tiếp tục được làm việc đỡ đẻ:
Tay đỡ trẻ bây giờ tôi nhặt gạch
Tôi già rồi, nhưng vĩnh viễn non tơ
là các cháu. Tôi cần che chở chúng
Tôi xếp gạch cho ngày mai ta dựng
Tôi lại về phòng sản của tôi xưa...
Đế quốc Mỹ tàn bạo dùng B52 hủy diệt cả những "mục tiêu" như trường học, bệnh viện... đã là một tội ác tày trời. Tội ác ấy còn tàn bạo gấp bội khi mục tiêu hủy diệt lại là phòng hộ sinh, nơi những bà mẹ đang vượt cạn, những sinh linh bé bỏng vừa cất tiếng chào đời... Sự hiện diện của người hộ sinh già, cùng những lời kể của bà, những dụng cụ đỡ đẻ mà bà vừa bới nhặt được trong đống đổ nát... là những nhân chứng và hiện vật có ý nghĩa tố cáo đanh thép. Và việc người hộ sinh già xin được tham gia cứu hộ, tham gia dọn dẹp, tham gia xây dựng lại bệnh viện... cũng là ý chí và hành động của mọi tầng lớp nhân dân ta trong những hoàn cảnh tương tự. Ở nơi vừa xảy ra bom đạn chết chóc này, người hộ sinh già vẫn đợi tiếng hài nhi- đợi tiếng khóc vỡ òa của sự sống mới. Bởi bà và cả dân tộc Việt Nam có một niềm tin sắt đá vào chiến thắng của cuộc kháng chiến chính nghĩa. Niềm tin ấy là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không"!
M.N.T