Dương Hiền Nga
CHÙM TRUYỆN THIẾU NHI
1- Chú gấu tìm bạn
Ngày xửa ngày xưa, trong một khu rừng có một chú gấu nhỏ mới chào đời chưa được bao lâu, người chú thấp bé lũn ca lũn cũn, bộ lông đen vẫn còn xù xà xù xì, gấu mẹ âu yếm gọi chú là: Gấu Bông của mẹ! Vậy mà chú lại bị lạc, không biết lối nào về nhà mình. Chú đành men theo đường dọc con suối nhỏ, đi mãi, gặp một đường lớn hơn, gấu cứ đi thẳng. Trời sập tối lúc nào không hay, chú đành rúc vào một cái bờ rào, vun được chút lá khô ít ỏi, chú nằm co ro mãi, chỉ ước gì có một người bạn.
Chú bừng mắt dậy khi có tiếng nói cười lao xao của các cô các cậu học trò. Gấu con dụi mắt thấy mấy cô cậu đứng ngay phía trước. Hóa ra đêm qua gấu con ngủ ngay cạnh cổng một ngôi trường, các cô cậu đeo ba lô đằng sau lưng lủng lẳng một con khỉ bông, con hươu bông, có cả một con gấu bông nho nhỏ nữa. Chú thầm nghĩ, gia mình được kết bạn với những bạn kia thì tốt quá. Chú đang định lên tiếng thì một bạn trai có mái tóc vuốt lên dựng đứng như quả vải guốc trong rừng gọi một bạn bên cạnh là “bà”:
- Này bà có đi mua bút với tôi không?
- “Ông” xấu như con gấu ấy, tôi chả đi!
- Trông tôi “ngon lành cành đào” thế này mà “bà” dám chê à. Vậy thì tôi “lướt trên giàn mướp” đây.
Nói rồi bạn trai phóng xe đạp vù đi một mình, gấu con lẩm bẩm: chắc mình xấu xí lắm nên không ai yêu, chả ai muốn kết bạn.
Đúng lúc ấy một bạn phóng xe đến, phanh kít ngay trước mặt chú. Lạ quá, trên lưng áo phông có in hình một bạn gấu trúc đang ôm quả bóng nhỏ. Gấu con mừng nghĩ: bạn này yêu gấu trúc, chắc cũng thích mình làm bạn…
Vừa lúc đó bạn rút trong túi ngực ra một vật dài như ngón tay màu trắng cho vào miệng châm lửa hóp miệng rít rồi nhả khói mù mịt… bạn này ăn cái gì thế nhỉ?
Một bạn bên cạnh quay lại hỏi
- Hút thuốc lá hả? Có ngày lại thối phổi sớm.
Thuốc lá làm thối phổi ư? Vậy thì gấu sợ lắm, mà gấu không hút thuốc thì bạn ấy cũng chả chơi với mình, chú cảm thấy buồn và cô đơn quá. Chú muốn khóc vì nhớ mẹ, nhớ các bạn trong rừng nhưng không biết đường nào về rừng xanh đây!
Lại có hai bạn gái xinh xắn, tươi tắn đèo nhau trên xe đạp, hai bạn nói cười vui vẻ lắm, sau ba lô cũng in mặt gấu chó đang hớn hở cười. Gấu đang nghĩ có lẽ mình kết bạn với hai bạn này được đấy, trông hai bạn cũng rất dễ thương… Xe đạp vừa phanh kít lại, một bạn rút trong túi quần ra một vật to bằng bốn ngón tay, to bẹt, sáng lấp lánh rồi nói như quát vào đấy:
- A lô, ông đang ở đâu đấy? nó giở trò “đầu gấu” thì đập chết luôn cho tôi, ông đừng để nó bắt nạt nhé, chiều về tôi xử tiếp “luật rừng” cho nó sợ…
Cô bạn kia giật lấy và bảo:
- Đưa điện thoại đây tao dọa cho nó một trận, sợ gì? rồi cô lớn tiếng: A lô, ông nên nhớ chúng nó giở trò đầu gấu hả, bon này còn đầu gấu hơn nhiều đấy..!
A thì ra là “điện thoại” có thể nói chuyện với người ở xa. Giá gấu bông có một chiếc thì đã gọi cho mẹ tìm đón mình về, không có điện thoại thì hai bạn kia chắc cũng không chơi với mình. Lại còn “đầu gấu”, “luật rừng” gì đó, nghe sờ sợ. Thôi vậy.
Chú nằm co ro mãi trong cái ổ nép vào bờ rào, bụng đói, miệng khát, chú nghĩ đến tảng tầng ong đầy ắp mật mẹ đem về mà thèm nhưng đường phố lạ lẫm chú không dám đi đâu, chú đành cuộn tròn lại cố ngủ…
Gấu bông giật mình choàng tỉnh, trời đã nhá nhem tối, chú rồi ổ lò dò đi về phía ánh đèn. A, đây là một dãy nhà, cửa sổ sáng đèn nhưng cửa chính đóng im ỉm, chú lủi thủi mãi trong đêm tối vẫn chưa tìm được chỗ nghỉ chân. Bụng đói cồn cào, càng nhớ mẹ và các bạn gấu, bạn thỏ, bạn gà rừng… quá!
Bỗng từ một ô cửa sổ sáng đèn có tiếng khóc: Oa.. oa… oa…” rồi tiếng một bà mẹ trẻ nựng con:
- À mẹ thương, nín đi nào gấu con của mẹ! Mẹ yêu! Bé gấu nín nào… À mẹ tìm cho con một bạn gấu bông chơi với con nhé..!
Gấu bông đứng sững lại, sống mũi chợt cay cay, rồi tiếng người mẹ lại cất lên hết sức dịu dàng:
- Ừ, mẹ yêu gấu con rồi, ngoan nào, à bạn gấu bông ơi vào đây với bé nào..!
Tim gấu bông đập loạn lên: “Ô cuối cùng mình cũng tìm được bạn và có một bạn bé bỏng đang muốn chơi với mình”. Gấu bông liền gõ cửa:
- Cốc! Cốc! cốc! Cửa vừa mở, bốn chân gấu đã bước vào trong nhà từ lúc nào. Ôi một cậu bé trông thật dễ thương nở nụ cười với gấu bông. Cậu xòe đôi bàn tay hồng hào bé xíu về phía gấu bông và cười rất tươi… Gấu bông xúc động lắp bắp:
- Chào… chào bạn, mình ... mình là gấu bông. Chúng mình là bạn tốt nhé!... hãy nô đùa với mình và ôm mình khi bạn ngủ…
Từ đó đôi bạn yêu quí nhau, quấn quýt nô đùa, trò chuyện và không bao giờ rời nhau nữa.
2- Cái chết của chim sâu
Bình minh, tia nắng đầu tiên đến gõ cửa nhà chim sâu:
- Dậy đi bạn chim ơi!
Thế là chim sâu thức giấc và rồi tổ. Chú bay thẳng tới rặng ổi quen thuộc rồi sà xuống, mất hút trong tán lá xanh non. Tia nắng ấm áp cuối cùng sà xuống làm cho vô số chồi non nẩy ra mởn mởn. Hoa nhãn, hoa bưởi, hoa xoài thi nhau nở bung cùng hòa hương trong làn gió xuân phơi phới. Với chim sâu, mùa xuân thật là tuyệt diệu, khiến chú luôn miêngj kêu: “Thích… thích!”.
Nhưng đây là lúc sâu bọ nở nhiều nhất nên chú rất bận… Hoàng hôn buông xuống, chú trở về tổ và giấc ngủ ngon lành sau một ngày bắt sâu hết mình.
* * *
Một buổi sáng, tia nắng lại gõ cửa đánh thức chim sâu, chú mệt mỏi nặng nhọc rời tổ, bay chập choạng về phía rặng ổi. Kho sà xuống một cành nhỏ, chú đứng không vững phải xòe cả hai cánh để tựa vào những chiếc lá để giữ thăng bằng. Tia nắng sửng sốt:
- Trời ơi! Chân bạn làm sao kia?
Chim sâu nghẹn ngào:
- Bọn trẻ đã bắn súng cao su…!
Tia nắng ân cần:
Chim sâu lặng lẽ gật đầu. Tia nắng nhìn kỹ, thì ra một bên chân chim đã gẫy. Cái chân xinh xinh ngày trước, bây giờ đã khô lại, lủng lẳng ở đầu gối khiến chim khó khăn biết bao khi chuyền cành, cho dù có cả hai cánh hôc trợ nhưng lúc nào cũng ngã nhào. Tia nắng ái ngại vô cùng.
* * *
Chiều đến, chim sâu cảm thấy đau nhức vô cùng, chú nằm ẹp xuống một chãng ba của cây và thiếp đi trong giấc mơ chập chờn. Chú thấy bao nhiêu sâu bọ bò ra, chúng đua nhau gặm trơ cả xống lá. Chúng đục thủng cả những quả ổi chín để chui vào, khiếp quá, quả nài cũng thập thò bao nhiêu là sâu bọ… Tia nắng cố sưởi ấm và lại nhẹ nhàng gọi chú dậy nhưng hai mắt chú đã nhắm nghiền. Ông mặt trời xuống núi đang giục giã tia nắng mau trở về nhà. Tia nắng miễn cưỡng rời rặng ổi lòng tự nhủ:
- Ngày mai mình sẽ cùng chị gió bay đi khắp nơi để gửi tới các bạn nhỏ bức thông điệp về cái chết của chim sâu.
Ngày mai..!
3- Chú mèo ngốc nghếch
- Miu miu! Miu đâu rồi! Nghe tiếng cô chủ nhỏ gọi mình, miu chạy từ dưới vườn lên quấn quýt quanh chân cô bé Mai, nũng nịu cọ đầu vào giầy và ngước đôi mắt xanh biếc nhìn cô chủ chờ đợi… Đó là một chú mèo năm tháng tuổi rất hiếu động. Bốn chân chú trắng muốt, sang trọng, ngực nở. lưng dài. Mặt chú tròn và trắng nhưng cái sống mũi lại đen nhánh trông rất nghịch ngợm. Hàng ngày, miu nô đùa với lũ mèo trong xóm, dồn nhau chạy từ nhà nọ sang nhà kia. Có lúc bốn năm con ngủ lăn lóc trên nóc nhà tắm. Thường thì chú về ngủ ở đầu hè có nắng ấm, ngủ say sưa mõm hếch lên trời vô tư, cái đầu lưỡi mầu hồng thò ra một chút…
Đã mấy năm nay, cả xóm họp thống nhất không ai được đánh bả chuột, mỗi nhà nuôi một hai con mèo nên không thấy bóng dáng tên chuột nào. Ngô, thóc, áo, quần không bị chuột cắn phá nữa. Lũ mèo như một tài sản chung cả xóm đều thương quí chúng, đến nhà nào cũng được ăn ngủ thoải mái. Đôi khi có nhỡ miệng ăn vụng tý cá, tý thịt cũng không ai đánh, mọi người còn bảo nhau: “Chó treo, mèo đậy”.
Ngủ no mắt, miu dậy vươn vai tung tăng chạy khắp sân. Đối với chú, bất kỳ vật gì động đậy, đu đưa đều là mục tiêu vờn bắt. Có lúc cao hứng chú lấy đà leo lên cây ổi, đến lưng chừng cây lại vừa kêu vừa tụt xuống. Mỗi khi thấy chú chim sâu lích tích chuyền cành là mắt chú sáng rực lên, hai con ngươi đang bé như cái tăm bỗng to tròn ngay ra, chú rón rén tới gần nhưng chim sâu cảnh giác bay vù đi. Miu nhìn theo ngẩn ngơ tiếc nuối.
Cả nhà bé Mai đều yêu quí miu, vậy mà chiến công đầu tiên chú lập được lại bị bà ngoại giận mắng cho. Đó là một buổi chiều mùa hè, ông mặt trời còn ngập ngừng chưa xuống núi, bé thấy miu tha một con chim non từ vườn lên chạy thẳng vào nhà.
- Bà ơi! Miu bắt được chim.
- Ôi trời! Ai cho mày bắt chim, ngốc quá! Phải bắt chuột chứ! Tiện chiếc kim đan trên tay, bà đét vào mông miu một cái. Chú sợ quá lấm lét chạy vào gầm giường, con chim non chưa đủ lông kêu thất thanh: choét… choẹt choẹt… Bà khua chổi vào gầm giường, miu chạy ra, bà gỡ con chim khỏi miệng chú, con chim đau quá lả đi trên tay bà…
Vừa lúc đó tiếng chích chòe mẹ kêu hốt hoảng dưới vườn. Hóa ra cái tổ nằm ngay trên cành muỗm, chim mẹ về mất con kêu thảm thiết, bay lồng lộn quanh tán lá. Mặt trời sắp tắt mà chim mẹ vẫn thảnh thốt: chòe… chòe! choẹt… chòe chòe! Không dứt. Bữa cơm chiều cả nhà vẫn ngồi ăn ở sân nhưng không vui vẻ như mọi ngày. Bà ngoại chép miệng:
- Tội nghiệp chích chòe mẹ!
Bé cũng thấy thương con chim mẹ quá. Con chim non đã chết nhưng bà không cho miu ăn, bà bảo cho ăn nó quen miệng, suốt ngày đi rình bắt chim. Các loài chim nhỏ ăn sâu bọ, góp phần bảo vệ mùa màng cháu ạ.
- Bà ơi, thế có những con gì biết ăn sâu bọ nữa ạ?
- Nhiều lắm cháu ạ, các loài chin nhỏ ăn sâu bọ, ăn rận rệp. Cóc, thằn lằn, nhện, dơi… ăn ruồi, mối và muỗi; thạch thùng ăn bướm, gián, muỗi… Bé tròn mắt nghe bà giảng giải về những loài có ích cần được bảo vệ, miu cũng ngồi cạnh nghe nhưng chẳng hiểu gì nên trưa hôm sau chú lại vồ được một chú thằn lằn đang sưởi nắng. Bé nghe bà nói rồi nên nhân lúc miu nhả thằn lằn ra để vờn nghịch nhưng chú thằn lằn vừa đau vừa sợ đờ ra không chạy được, bé nhanh tay chộp lấy cứu thằn lằn. Miu lao theo đớp được cái đuôi đứt ra rơi xuống đất, cái đuôi vẫn nhẩy đong đong, miu thấy lạ đuổi theo quên cả thằn lằn.
Be nâng thằn lằn lên nhìn kỹ thấy hai mắt nó nhắm nghiền, bụng thở hý hóp, bộ vẩy óng ả thật ưa nhìn: lưng xanh đen, bụng vàng trắng bóng mỡ, hai vết răng miu cắn phập hai bên sườn. Thương thằn lằn bị đau, bé đặt nó vào giữa bụi hoa nhài. Một lúc sau, thằn lằn hoàn hồn nhúc nhắc bò đi. Thỉnh thoảng bé Mai vẫn nhìn thấy chú thằn lằn cộc đuôi này. Bây giờ chú đã cảnh giác hơn, hễ thấy động là lẩn ngay.
Có hôm vừa lên đèn là mấy chú bọ hung đen bay vè vè vào nhà, miu nhẩy cẫng lên vờn theo. Bé Mai định đập chết vứt đi cho đỡ hôi, bà ngoại bảo gẩy nó xuống vườn, đừng đánh nó chết vì trông nó xấu xí nhưng là con vật có ích. Rồi bà giảng giải:
- Cháu biết không, trên thế giới còn có hiệp hội bảo vệ bọ hung đen vì nó góp phần làm sạch môi trường, phân hủy chất cặn bã do động vật thải ra làm đất tốt hơn đấy.
Ô, hóa ra xung quanh mình có biết bao điều lý thú về những loài vật nhỏ bé mà hữu ích, vậy mà bây giờ bé mới hiểu. Miu vẫn ngồi thản nhiên liếm láp hai cái chân trắng muốt. Bé Mai dí yêu ngón tay vào trán miu:
- Miu thật là ngốc nghếch!
4- Cô thợ gốm đáng yêu
Chưa bao giờ bé lại ngắm kỹ một con tò vò đến thế.
Chả là trên bức tường trắng tinh trên phòng khách nhà bé, có một vệt lõm do mẹ quay xe máy quệt vào. Bố đã quét vôi trắng lại như cũ, vậy mà đi học về bé lại thấy chỗ lõm có một cục bùn nhão to bằng ngón tay út của bé, rỗng ở giữa. Thấy bẩn tường, bé cậy vứt đi, nhưng chiều đi học về, bé lại thấy ở đó một cục bùn khác giống hệt hôm trước, bé lại cậy đi.
Hôm nay thứ bẩy, nghỉ học ở nhà. A! Bé biết ai đắp bùn lên tường rồi. Một con vật biết bay trông khá đẹp, bé không biết tên là gì cứ bay ra bay vào, cả buổi chiều con vật cứ tất bật khuân từng cục bùn nhão hỳ hục nhào nặn, xây đắp, xoa vuốt… Những cái chân bé xíu chăm chỉ, thoăn thoắt và khéo léo. Phía trên cùng nó vuốt kỹ càng, tỷ mỷ khum vào như miệng chum,vại khiến cho bé nhớ đến những cô thợ gốm mà bé được xem trên ti vi. Các cô ấy cũng cần mẫn và khéo léo lắm, nét mặt cô nào cũng chăm chú và hiền hậu. Chỉ từ những cục đất dẻo, bàn tay các cô làm ra bao nhiêu thứ đồ gốm đẹp cho mọi người dùng.Đến nhà ai chơi bé cũng thấy các loại bình gốm, bát đĩa, tượng, rồi chum vại, nồi… do các cô làm ra.Bé thầm nghĩ, hay con vật này định làm đồ gốm?
Nó lại bay vào chuyến nữa, toàn thân đen thẫm, cái bụng to mọng nối với thân phía trên bằng một cái eo lưng cực bé, bé như chiếc kim khâu của bà ngoại. Đôi cánh mỏng tang nhưng bay nhanh như một chiếc máy bay bé xíu. Cần mẫn suốt buổi chiều, nó đã nặn xong công trình giống hệt hôm qua. Bé nghĩ không biết nó nặn bùn làm gì nhỉ? Hay là xây nhà để ở? Nhưng nhà bé thế kia làm sao xoay sở được? Bị bé phá hai lần sao nó vẫn làm lại ở chỗ cũ nhỉ?
Mẹ vừa đi chợ về bé liền chạy ra khoe:
- Mẹ ơi! Có con gì đắp bùn lên tường này, làm bẩn tường con cậy đi mấy lần nó vẫn đắp lại mẹ ạ…
Mẹ dựng xe vào xem mỉm cười bảo bé:
- À, đây là con tò vò con ạ.Nó xây tổ để sinh em bé chứ không phải để ở… Bé à lên ngỡ ngàng: thì ra thế! Vừa lúc đó cô tò vò bay vào mang theo chút bùn nhão, cô tỷ mẩn xoa một lớp bùn nhão phía ngoài tổ cho thật nhẵn, cái bụng bầu xệ xuống, cái eo lưng đã bé xíu lúc này trông lại càng bé. Cô say mê công việc không để ý gì khác, cô phải nhanh lên kẻo không kịp mất… Cô làm việc với tâm huyết của một người mẹ, hẳn nào..!
Nghe mẹ nói thế, bé thương tò vò vô cùng, cô muốn có cái tổ để sinh con, những bé tò vò non nớt có một cái tổ ấm áp để lớn lên. Mẹ còn giảng giải: tò vò mẹ thương con nên không xây tổ ngoài trời, sợ mưa gió, sương giá làm hỏng tổ các con sẽ khổ. Một điều giản dị mà sâu xa như thế nhưng bé không hiểu để tò vò mẹ phải vất vả xây đi xây lại. Lần này bé sẽ để yên cho cô sinh con, cho dù trên tường có một cục bùn nâu nhưng bé không thấy khó chịu nữa mà bé tò mò theo dõi cô chuẩn bị tổ ấm cho các con.
Trời mùa thu mát dịu, hoa ban đỏ nở lác đác trên tán lá xanh, cánh đồng lúa chín vàng thơm thoảng, gió thu hanh hao làm cái tổ khô nhanh, lớp bùn phía ngoài hơi trắng ra. Bé tới lớp bán trú học tập, ca hát nhưng lúc ra chơi bé nhớ về cái tổ tò vò ở nhà và tự hỏi: cô ấy đã sinh con chưa nhỉ?
Bé đã học lớp ba rồi, tuần nào cũng có điểm chín, mười đem về làm bố mẹ và cả nhà đều vui. Tối tối cả nhà vui vẻ bên mâm cơm, ánh điện sáng trưng ấm áp, bố mẹ gỡ cá, gắp thịt, rau, quả cho bé ăn chóng lớn. Bố dạy làm tính, mẹ chải đầu tết tóc và mỗi khi bé hờn dỗi khóc nhè, lại có bàn tay mẹ dỗ dành bé ngọt ngào… bé bỗng hiểu ra thế nào là tổ ấm cho những đứa trẻ và bé đâm ra yêu cái tổ nhỏ trên tường, cô tò vò đã kỳ công xây cho các con. Mấy ngày rồi cái tổ vẫn ngỏ cửa, không thấy cô tò vò đâu. …
Thứ bảy được nghỉ học, bé vui mừng thấy cô xuất hiện. Trông cô nhẹ nhõm hoạt bát, cô bay đến cái tổ không mang theo bùn nhão mà mang theo một con vật nhỏ có nhiều chân, hình như là một con nhện con. Thấy lạ bé chạy ra hỏi mẹ, mẹ ôm bé vào lòng thủ thỉ :
- Sau khi tò vò mẹ xây tổ và sinh con, nó đi kiếm ít đồ ăn dự trữ trong đó để các con ăn và lớn lên, nó không muốn các con phải vất vả kiếm sống khi còn quá nhỏ, như thế sẽ rất khổ. Mai này, các con trưởng thành mới đủ sức tự lao động kiếm sống con ạ. Cũng như con và các bạn đều được bố mẹ nuôi dưỡng đó. …
Bé tròn xoe mắt nhìn cô tò vò bé nhỏ mà khôn ngoan, bé nghĩ cô thợ gốm này đáng yêu quá! Cô làm thợ gốm là vì tương lai của các con cô.
Mẹ tiếp lời :
- Con biết không, trong con mắt bà con người dân tộc Tây Bắc mình, tò vò là con vật đẹp nhất, là tiêu chuẩn của vẻ đẹp phụ nữ Thái. Các bà mẹ đều mong con gái mình có “ Eo kíu manh po”, tức là có dáng người thắt đáy lưng con tò vò và sau này cô gái đó làm mẹ cũng chịu thương, chịu khó khéo léo và hiền hậu, hết lòng chăm lo cho con như cô tò vò kia. …
Hôm sau, cái tổ được bịt kín bằng bùn và đắp to gấp đôi tròn như quả sấu nhỏ trên tường. Mưa thu dai dẳng lạnh lẽo nhưng bên trong cái tổ nhỏ vẫn ấm áp biết bao nhờ hai lớp bùn khô và nhờ tấm lòng ấp ủ yêu thương của tò vò mẹ.
D.H.N