Trần Đắc Hiển Khánh
“CHAT”… VỚI BÀ NỘI
1.
Bóng nắng buổi chiều chấm hàng gạch giữa hiên nhà. Bà Tư An quay xe lăn đến bên bàn. Vừa lúc chuông điện thoại reo.
“ A lô! Má đây”.
“ Má khỏe không? Ba ở nhà hay đi đâu?”
“ Má khỏe. Ba con sang bên sông thăm mấy người bạn”.
“ Má ở nhà một mình…có vắng vẻ quá không? Má chỉ đi nạng lúc ba con ở nhà. Con sợ má té ngã…”
“ Ừa…Má biết. Hổng sao đâu. Bé Bi ngoan hông?”
“ Dạ, cháu ngoan. Cháu thích nói chuyện với bà nội lắm. Chỉ lúc ở nhà với ba má rồi nói chuyện với bà nội là bằng tiếng Việt. Bà cho cháu nói chuyện với này…”
“ Con chào bà nội! Bà nội ăn được mấy chén cơm?’’
“ Bà nội ăn 5 chén.”
“ Ôi, sao nhiều vậy?”
“ Thì sáng:1 chén. Trưa: 2 chén. Tối: 2 chén. Cộng lại là mấy chén?”
“ Dạ 5 chén. Con hỏi mỗi…lần ăn…Nội ơi, con biết ăn…cái đũa rồi…gắp thức ăn…kheo lăm.”
“ Phải nói “biết ăn bằng đũa”. Không nói “ăn cái đũa”.
“ Dạ! Má con nói, bà nội phải nhiều trái cây ăn.”
“ Ừa…ăn nhiều trái cây…”
“ Nội ngủ được…lâu không?”
“ Ngủ được. Phải nói ngủ được nhiều hay ít. Không nói ngủ lâu hay mau…”
“ Dạ!”
…
Một cuộc gọi khác:
“ A lô! Con chào bà nội! Nội ơi, ba con nói nội nhớ Bi. Nhớ mong nghĩa là gì ha nội?”
“ Nhớ là hổng quên, là nghĩ đến người vắng mặt. Ước ao được gặp…”
“ Cái nhớ để vào đâu cho hổng quên ha nội?”
“ Nhớ để…trong đầu. Cũng như thứ gì quí, mình để vào túi áo, lâu lâu lấy ra coi…”
“ Nhớ đo bằng gì ha nội?”
“ Nhớ thì không đo được bằng gì. Nó không có hình có dáng. Nó vô cùng vô tận…”
“ Ba con kể, nhà mình ở bên quê, có dòng sông chảy qua trước nhà. Bà nội kể cho con…xem.”
“ Kể là để nghe bằng tai. Vẽ, chụp hình…mới xem bằng mắt. Nội “vẽ” bằng cách kể nè: Trước cửa nhà mình có con đường. Có bờ kè chạy dài theo bờ sông cùng con đường. Kè giữ cho bờ sông khỏi lở. Lan can bờ kè cao ngang ngực, khung sắt uốn đủ kiểu, rất đẹp. Dòng sông này chảy giữa lòng thành phố. Trăng, sao, đèn điện hai bên bờ soi xuống sông. Cả dòng sông đêm đêm như dòng ánh sáng lung linh. Có nhà thơ đã viết: “Ánh trăng sáng chảy tràn như sữa/ Chảy thành dòng sông Trăng”.
“ Ô, đẹp qúa! Con như đang nhìn thấy dòng sông nhà mình. Bao gìơ về, con lội sông ha nội.”
“ Không biết bơi thì chìm nghỉm mất.”
“ Ơ đây, ba cho con đi tập bơi. Phao khóac vào ngừơi, đạp chân, xoải tay bơi, thích lắm…Sông bên nhà mình có cầu đi qua không ha nội?”
“ Có chớ. Nhiều cầu lắm. Từ nhà mình nhìn thấy một cây cầu lớn ở ngã ba sông. Có lúc nắng chiếu vào, làm cho cây cầu ấy giống như cái cầu vồng trên trời…”
“ Cầu vồng nó thế nào ha nội?”
“ Bữa nay nói chuyện dài quá rồi. Để bữa sau bà nội kể chuyện cây cầu vồng cho nghe ha.”
“ Dạ!”
Mỗi lần trò chuyện với đứa cháu nội ở bên kia bán cầu, bà Tư An thấy như vừa ngồi kề cận nó. Dù không được hít hà da thịt ấm nóng của cháu nhưng cũng thấy khoan khoái hẳn. Mọi gian nan vất vả của cuộc sống trút hết, nhẹ tênh…
2
Bà Tư An ngồi trên xe lăn như người bình thường ngồi trên ghế. Khuôn mặt bà hình trái xoan, nét mặt thanh thoát tươi tắn. Gương mặt rạng rỡ nhờ sự tự tin, từng trải cho ta cái nhìn tin yêu. Dáng hình lưu lại rất nhiều nét duyên dáng của một thời xuân sắc.
Đã nhiều năm nay bà vẫn ngồi như thế ngoài hàng ba, nhìn dòng sông trước nhà. Bà lắng lòng mình theo dòng chảy cuộc đời. Có người nhìn bà với ánh mắt tội nghiệp. Nhưng bà lại không hề băn khoăn. Bà chấp nhận những gì cuộc sống đã giành cho mình.
Từ trước hiên nhà, bà Tư An nhìn về phía Tây. Nơi có chiếc cầu bêtông mới bắc gần ngã ba sông. Cây cầu xa mờ giống như cây lược cong vòng chải mái-tóc-sông chảy bên dưới. Với bà Tư, cây cầu là sự hiện hữu bắc qua thời gian từ hơn 30 năm trước tới nay. Ngay dưới chân cầu, xưa là bến đò. Nơi đây là điểm hẹn, là “bến đợi” của cô giao liên Tư An.
…
Những lần trò chuyện sau, mỗi ngày bé Bi rành rẽ hơn hẳn.
“ Con chào bà nội! Ba con bảo, con không chọn nơi đây, là nước Mỹ để sinh ra. Con ở đây nhưng ba má con là người Việt thì con cũng là…Việt. Con về nước cũng là người Việt Nam chớ hổng phải Việt kiều, phải hông nội? Hôm nay nội kể cây cầu vồng cho con nghe ha…”
“ …Đó là cây cầu cao vồng lên ở phía chân trời. Nó…bắc từ chân trời bên này sang bên kia. Nó không phải bắc bằng bêtông hay sắt thép mà “bắc” bằng bảy sắc màu rực rỡ kỳ lạ: xanh, đỏ, tím, vàng…lung linh như tranh vẽ. Khi nào có cầu vồng ở phía chân trời, nói ba má con chỉ cho coi, đẹp lắm. Con có nghe truyền thuyết cây cầu vồng, nội kể cho nghe…”
“ Dạ nghe. Nội kể đi…”
“… Truyền thuyết kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có lần các màu sắc đứng bên nhau. Rồi nổ ra cuộc tranh cãi. Màu nào cũng cho rằng mình đẹp nhất, quan trọng nhất…mình là chúa tể. Đang tranh cãi ầm ĩ thì một tia chớp lóe lên. Tiếng sấm nổ vang. Mưa tuôn xối xả. Các màu sắc hoảng sợ. Tất cả tối om. Nghĩa là biến mất hết. Chẳng còn màu nào cả…Nghĩa là cầu vồng mất tiêu… Sấm ùng oàng. Mưa lên tiếng nói: “Thấy chưa! Mỗi màu có một sứ mệnh riêng biệt. Hãy nắm tay nhau nào. Kết đoàn lại…”. Mưa ngừng rơi. Bấy giờ các màu mới lại nắm tay cùng nhau liên kết lại. Một dải cầu vồng vĩ đại hiện ra…
Mưa gột rửa thế gian vừa dứt – cầu vồng xuất hiện. Có phải màu nào cũng mang giá trị riêng không. Phải nhớ tôn trọng giá trị của nhau…”
“ Hay quá! Nhưng cầu vồng có nối được nơi bà với cháu hông?”
“ Biết nói sao để cháu hiểu? Cầu vồng giống như dải lụa màu ngọc trai tung vổng lên, hoe hoe trong nắng. Không đi trên đó được. Nhưng nó bắc qua…Có thể nói nó “bắc qua”…Bắc qua như cái cầu nối hai nơi xa xôi cách biệt như Đông với Tây lại gần với nhau. Điều này lớn lên cháu tự giải thích.”
“ Giá như mỗi lần bà nội kể cho con nghe một câu chuyện thì thích biết mấy.”
“ Bi à, dạo này con nói tiếng Việt khá rồi đấy.”
“ Ở nhà, ba má với con đều nói tiếng Việt. Ở lớp, con nói tiếng Anh đến lứu lưỡi, trẹo cả hàm. Con cũng nói tiếng Việt với các bạn người Việt. Cô giáo con còn học tiếng Việt của con. Cô bảo mở một nhóm học tiếng Việt. Hí…hí…cô giáo gọi con là thầy giáo đấy.”
“ Không được nói “là thầy giáo” với cô, nghe hông”.
Câu chuyện của bà Tư An qua điện thoại với đứa cháu nội từ Mỹ chỉ quanh quẩn có vậy thôi mà ríu rít mãi. Trong căn nhà vắng vẻ này lâu nay vẫn hẹn hò ríu rít với con, cháu qua nửa vòng trái đất như thế.
Bà Tư xoay chiếc xe lăn xuống bếp. Nhặt mớ rau. Bắc nồi cơm, chuẩn bị bữa tối.
Bên kia, hẳn cu Bi cũng đón một ngày nhiều niềm vui.
3.
Ngày ấy anh bộ đội Quốc Việt với cô giao liên Tư An làm đám cưới ngay trong rừng tràm. Đại đội trưởng Toàn làm chủ hôn. Lính dự hôn lễ ngồi quanh bàn tiệc là những tấm nilon trải xuống đất. Thực đơn là món ốc luộc chấm cơm mẻ, rượu đế, cháo cá lóc..
Chủ hôn hô: “ Cô dâu chú rể hôn nhau nào!”
Lính hô theo: “ Một…hai…ba…Hôn! … Hôn!”
Rồi những cái ly xoay vòng. Chú rể cùng cô dâu đi từng bàn cụng ly.
Niềm vui của họ kế tiếp niềm vui ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Quốc Việt lại đi làm nhiệm vụ quốc tế…
Tư An về làm việc tại trại an dưỡng thương binh. Trong một lần đi làm nhiệm vụ, Tư An bị té ngã gẫy chân. Nghị lực để vượt qua những đau đớn thể xác chính là niềm tin, sự chờ đợi và cái thai trong bụng Tư An ngày một lớn dần. Đến ngày đến tháng, thằng bé ra đời. Trong trại an dưỡng, thằng bé có nhiều ba nuôi, má nuôi. Mọi người nhường nhịn, gom góp từng hộp sữa, cân đường cho hai mẹ con. Tư An ru con trong chờ đợi hy vọng.
Bé Quốc Tuấn hay ăn, ngủ thin thít suốt ngày. Bé mau lớn. Bé biết đi. Bé bi bô. Má…má…Ba…ba…
Vết thương của Tư An tái phát. Trong lần phẫu thuật, bị vỡ mạch máu. Chị bị bại liệt cả hai chân.
Quốc Việt trở về với đôi nạng gỗ. Vậy là hai vợ chồng chỉ có một chân. Dần dà, đôi chân Quốc Tuấn lon ton thay cho đôi chân ba, má.
Quốc Tuấn học giỏi từ cấp học cơ sở đến trung học. Lên đại học vẫn luôn xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp đại học, Quốc Tuấn học tiếp cao học. Luận án thạc sĩ của Quốc Tuấn vào loại xuất sắc. Trong cuộc thi tuyển du học, Quốc Tuấn trúng tuyển, được nhận học bổng ra nước ngoài học tiếp.
Thấy con ngần ngại về hoàn cảnh gia đình không muốn đi. Cả hai vợ chồng Tư An- Quốc Việt bàn bạc với con: Đây là dịp may hiếm có. Ra ngoài mới học hỏi, mở mang được kiến thức, con ạ. Anh bảo chị: Nó như cánh diều no gió đang bay. Mình sao nỡ dút dây diều lại. Nó đi thay cho đôi chân của mình đấy, em à…
4.
Quốc Tuấn cho người đến lắp cho ba, má một dàn máy vi tính. Để liên lạc qua mạng internet, anh thuê người hướng dẫn thao tác để ông, bà trò chuyện với con cháu. Bà Tư An miệt mài học tập. Ông Quốc Việt không siêng bằng. Nói trước quên sau. Có khi vừa mở máy, bạn kêu nhậu.
Sau một thời gian, bà Tư An thao tác thành thạo. Quốc Tuấn hẹn ngày, giờ để trò chuyện với ba, má.
…
Chiều thứ bảy. Bà Tư xoay cái xe đẩy lại gần bàn máy vi tính. Mở máy. Màn hình bật sáng. Dòng chữ hiện ra: “Kính mong ba má mạnh khỏe!”
“ Kể từ nay, ba má nói chuyện với chúng con vào đúng giờ này, ngày này trong tuần. Thằng cháu Bi gõ tiếng Việt trên bàn máy siêng lắm. Nó nói học gõ để “chát” với ông nội, bà nội.”
“Thằng Bi của bà giỏi ha!”
“ Con gõ được bằng cả hai tay, nội nè…”
“ Bà nội lò dò mổ cò từng chữ.”
“ Nội thấy con siêu hông?”
“ Nói tiếng Việt cũng ngày càng “siêu” nữa.”
“ Bữa nay nội làm gì? Con muốn nói chuyện nhiều với nội. Nội ơi, bên này mặt trời vừa mọc. Ba con bảo lúc này ở nhà nội lại sắp tối. Ngộ ha! Vậy là mặt trời mọc từ chỗ nội trước rồi mới chạy sang chỗ con. Mình có chung một mặt trời tỏa sáng…Từ con tới nội có một cây cầu. Ông mặt trời leo lên cây cầu ấy từ bên nội đi sang bên con…”
“ Học lên con sẽ biết. Mặt trời luôn đứng nguyên một chỗ, chớ hổng đi như vậy. Trái đất quay quanh mặt trời nên mới có ngày, đêm, có bốn mùa…”
“ Ba con nói, chỗ bà nội bây giờ là mùa gió chướng. Mùa này người già, trẻ em hay bị bệnh. Nội đừng ra gió ha…Nội lăn xe trong sân cũng phải đội nón…Nội ơi, niềm vui là gì mà ba con bảo, có một niềm vui chia đôi lại thành hai niềm vui. Phép chia của ba con ngộ thiệt.”
“ Con có gì vui, con nói cho nội biết, nội cũng vui, thế là được hai niềm vui. Nếu không chia cho ai thì vẫn còn nguyên. Chia cho số “o” có được hông?”
“ Con học phép chia rồi. Không chia cho số “o” được.”
“ Chia cho số “o” là một thảm họa đấy!”
“ Ba con bảo, dù xa đến mấy mà luôn nghĩ đến nhau là vẫn “gần xịt”. Gần xịt là gì ha nội?”
“ Cũng như mỗi khi bật máy lên. Đọc những lời con viết trên máy, nội thấy như con vừa mở cánh cửa bước vô nhà, ngồi bên nói chuyện. Thế là “gần xịt” chớ gì…”
Nói vậy, nhưng bà Tư An vẫn thèm hít hà hơi thở của thằng cu Bi mà không được. Bà thèm nghe lời líu ríu hay ngọng ngịu của nó…
5.
Đồng hồ chỉ 7 giờ kém 5. Bà Tư An đang ngồi trước màn hình vi tính. Ông Tư ngồi bên bàn nước, nói vọng sang:
“ Bà thực hiện giờ giấc nghiêm chỉnh ha.”
Bà Tư ngước nhìn miếng giấy dán trên tường, ngay trước mặt : “7G. CN”, nói với riêng mình nhưng cũng đủ để ông Tư nghe:
“ Ngày xưa cũng dùng mật mã kiểu này để mình liên lạc với nhau…”
“ Xưa không đúng mật khẩu, giờ giấc không nghiêm ngặt thì mất mạng. Không chỉ một mình mà cả một kế hoạch đổ bể. Xương máu của bao người …tan nát. Tính kỷ luật bây giờ coi bộ lỏng lẻo, tùy tiện…”
“ Vậy mới…đổ bể lung tung. Tính kỷ luật lúc nào cũng cần thiết, lúc nào cũng phải giữ nghiêm.”
7 giờ đúng. Bà Tư vừa đặt tay lên bàn phím, vừa nói:
“ Đúng giờ quy định. Tôi không mở máy là hổng nói chuyện được với cháu.”
Màn hình hiện lên dòng chữ:
“ Con chờ 7 ngày để được nói tiếng Việt với nội. Nội ơi, hôm rồi con được má cho đi siêu thị. Nội có thích đi siêu thị không?”
“ Nội già rồi, không thích những chỗ đó.”
“ Con hỏi nội già chừng nào? Ba con nói, nội già như bà giáo ở gần nhà con. Nội có thích trẻ lại không?”
“Rắn già, rắn lột / Người già, người chui tọt vào săng”. Nghĩa là người già thì chết…”
“ Nội hổng chết. Con ứ để nội chết đâu. À, bữa nay nội ăn món gì? Ba, má con bên này nói, thèm món canh chua của nội lắm. Nghe kể, con cũng thèm chảy nước miếng ra nè.”
“ Ông nội con cũng thích món này. Bà nội ngồi trên xe lăn vẫn nấu được canh chua. Thiếu thứ gì, ông nội phụ giúp. Bao giờ về, bà nội sẽ nấu cho ăn.”
“ Bà nội cho con gặp ông nội chút.”
Bà Tư quay lại phía ông: Nè, cháu muốn gặp ông. Ông nói ngay: “ Bà gõ cho lẹ.”
“ Ông nội ơi, hôm trước ba dẫn con vào một khu vườn. Ở đấy họ trồng nhiều nho lắm. Có một ông ngồi xe lăn, ông cho con chùm nho. Ba bảo người ấy bằng tuổi ông nội. Con nói “Thank”, nghĩa là “cám ơn”. Ông cười với con mãi. Ba con kể, ông ấy cũng từng sang Việt Nam hồi chiến tranh. Ổng bị thương. Được quân y Việt Nam chữa lành. Ổng kể về những bác sỹ, những cô y tá Việt Nam. Ổng nhắc đến một nữ bác sĩ có tên là An hay On gì đó. Rồi ổng nhờ kiếm giúp người nữ bác sĩ đó. Liệu người bác sĩ đó có phải bà nội mình không?”
“ Thiếu gì người có tên giống nhau. Chuyện người lớn, con quan tâm làm gì.”
“ Vậy thôi, để chuyện đó cho ba con tính…Bà nội ơi, bức hình cũ của ông nội, ba con chụp lại. Hồi trẻ, ông nội giống ba con ha.”
“ Cha mày, phải nói ba con giống ông nội chớ.”
“ Hi…hi…Ba giống ông nội y hệt.”
“ Còn mày, thằng cu Bi lại giống y hệt ba Tuấn hồi nhỏ.”
“ Con đố bà nội biết con đang ước điều gì nào?”
“ Ước được đi siêu thị? Hay đi bơi?”
“ Sai rồi. Con ước được nội thơm má con nè.”
“ Chìa má ra. Nội thơm nào: Chụt! Chút! Mỗi bên má một cái rồi đấy.”
“ Bữa sau nội kể con nghe chuyện cổ tích mới nghen…“Bai ông nội!”. “Bai bà nội !”. “Sêruaghen!”. Ý quên! Ba má không cho nói tiếng Anh với ông nội, bà nội. Con xin lỗi. Hôm rồi có thằng bạn lớp con kể, bà nội nó sang thăm . Hai bà cháu nói chuyện cứ giơ tay, giơ chân như múa võ. Vậy mà bà hổng hiểu cháu, cháu hổng hiểu bà nói gì.”
“ Còn con thì nói tiếng Việt giỏi.”
“ Hi…hí…Vậy là con được ba, má thương đấy.”
“ Cả nội cũng thương…”
6.
“ Chào buổi sáng tốt lành! Ý quên, chỗ nội giờ này là buổi chiều. Đúng 7G.com, nội ha. Bà nội ơi, hôm rồi có một bà người Việt đến nhà con chơi. Bà ấy nói, ngày xưa ba con học giỏi lắm. Mà ba con đi học cực lắm. Cực đến thế nào ha nội?”
“ Cực là… buổi sáng vét nồi cơm nguội. Được lưng chén, trộn với nước mắm mà ăn. Hôm nào hết cơm nguội thì nhịn đói rồi lội bộ 5-6 cây số đến trường.”
“ Lớn lên, ba con học ở thành phố mà.”
“ Ba con lên thành phố học thì ông nội cũng đi theo. Ở nhà trọ. Đêm, ba con với ông nội nằm lèn vô cái giường con. Có đêm nực quá, ông nội trải chiếu xuống đất nằm. Sáng ra, ba con đi học, ông nội ngồi bên cái bàn bán vé số ở góc phố. Cứ thế bốn năm trời. Ông nội vừa bán vé số, vừa nấu cơm, hai cha con cùng ăn.”
“ Ông nội có xe ôtô như ba con bây giờ hông?”
“ Có “xe ôtô 2 bánh”, đạp bằng một chân…rưỡi. Nghĩa là đạp xe bằng một chân lành, một chân giả.”
“ Rồi sao ba con lại được sang bên này?”
“ Hỏi ba, má con đó. Ba má con học cùng trường. Cùng trúng tuyển đi học một đợt. Về nước cưới nhau rồi lại sang bển… Rồi thằng cu Bi ra đời. Con cũng phải học giỏi như ba con ha.”
“ Ba con bảo, lớn lên con mới phải học giỏi.”
“ Sau này học giỏi như ba, con sẽ làm gì?”
“ Con làm nhà khoa học. Con chế tạo ra cái mọi người cần.”
“ Chế ra cái gì?”
“ Thì…con chế ra …máy bay để bay về với nội. Chế ra máy vi tính để nói chuyện với nội thế này.”
“ Những cái đó người ta chế ra rồi. Ta đang có để dùng đây.”
“ Hí…hí…Con sẽ chế ra cái cầu vồng, bắc từ Đông sang Tây.”
“ Cầu vồng chỉ là cây cầu ảo. Không thể đi trên đó được.”
“ Nhưng mà con sẽ làm cho nó nối hai bán cầu gần lại với nhau bằng một “cây cầu” đặc biệt. Nghĩa là làm sao để giao lưu thật dễ dàng, thuận tiện…
À mà trước hết là con chế ra những cái chân biết đi để lắp ráp cho bà nội, cho ông nội đi được bình thường. Không phải đi nạng hay ngồi xe lăn. Bà nội có vừa ý không nào? Có thích hông?”
“ Ừa…thích!”
“ Rồi bà nội dẫn con đi trên cây cầu qua sông nhà mình bằng đôi chân con tự chế ha.”
…
Bà Tư An ngồi lặng đi, thừ người ra…Bà nở nụ cười. Nhưng nước mắt lại ứa ra. Một lát sau bà mới bấm bàn phím:
“ Đến giờ nấu cơm cho ông nội ăn rồi.”
“ Hẹn nội lần “chát” sau. Nội nhớ 7G.com ha.”
Bà Tư An bồi hồi trước lời hẹn của cháu, ngước nhìn lên mảnh giấy dán gần bàn vi tính ngay trước mặt.
Bà nghĩ, hành tinh này không hề chật hẹp, nhưng nó đã trở nên gần gũi. Lần sau bà sẽ kể cho cu Bi nghe thêm về cây cầu và bến đò, nơi ông bà gặp nhau…
T.Đ.H.K