Trần Vân Hạc
CÂY THÔNG TRÊN NÚI
Những người viết về nhà thơ, nhà sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu Đỗ Thị Tấc thường gọi chị là: “Bố Núi”, “Mẹ núi”, “anh Tấc”… và xây dựng hình ảnh chị gồ ghề, góc cạnh, đầy nam tính: nghiện thuốc lào thuốc lá, nghiện chè, uống rượu hơn cả đàn ông, thậm chí khuất phục được cả sói dữ bằng cuộc đối thoại có một không hai. Còn tôi dẫu chỉ gặp một lần và đọc những tác phẩm của chị lại thấy một niềm khát sống, khát yêu, luôn hy sinh vì người khác. Chị như cây thông trên núi, bạn với mây ngàn gió núi, ẩn dưới lớp vỏ xù xì thô mộc là dòng nhựa tinh luyện, chỉ ứa ra khi bị tác động khốc liệt của tự nhiên và con người nhưng rồi dần dần lặng thầm kết tinh thành hổ phách.
Nghe tên thì nhiều, vậy mà mãi tới trung tuần tháng 3.2012 đưa đoàn từ thiện lên trường Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ, đêm nghỉ lại thị xã Lai Châu tôi mới được gặp chị. Lần đầu gặp nhau, biết chị đang bận chuẩn bị cho anh em văn nghệ sĩ trong hội sắp đi trại sáng tác ở Vũng Tàu, nên tôi giữ ý:
- Nhà bà ở đâu tôi đến thăm.
- Thôi vẽ, ông cứ ở đấy tôi đến đón, lạ nước lạ cái bao giờ ông mới tới nơi cho được.
Thế rồi chỉ mấy phút sau, xịch một cái, ô tô vừa đỗ đã thấy Đỗ Thị Tấc mở cửa xe, nhìn tôi giây lát, chị oang oang:
- Trông ông chẳng giống quân “dân gian” tý nào. Các cụ đặt tên ông là Vân Hạc cấm có sai. Còn tôi á: “Cha mồ côi/ Mẹ mồ côi/ Lấy nhau mơ "Tấc đất cắm dùi"/Ước mơ/ Vận vào tên tôi/ Đất làng chật chội/ Cha mẹ mang dùi lên cắm núi/ Mọc rễ/ Thành cây”.
Tôi chỉ biết cười xòa, chị ăn sóng nói gió, thẳng ruột ngựa như người dân vùng cao, còn tôi thì lại nhỏ nhẹ từ bé. Tuy cùng là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cùng viết về người Thái Tây Bắc nhưng Đỗ Thị Tấc làm những công trình sưu tầm đồ sộ, hoành tráng, tôi lại khai thác nét đẹp của các mỹ tục, giới thiệu với các dân tộc khác hiểu thêm tinh hoa của một nền văn hóa còn như những lớp trầm tích. Có lẽ hiểu chút về văn hóa Thái nên tôi hiểu về chị không giống như một số người đã viết. Văn hóa Thái đồ sộ, tinh tế, từ hệ thống luật tục, đến các truyện thơ, các điệu “xòe”, điệu “khắp”… Xưa người Thái có cách nói thành vần rất độc đáo và mang yếu tố âm dương, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và cao đẹp. Con người trong các bản mường sống với nhau chân thành và nhân ái. Chị hiểu thấu đáo về văn hóa Thái, lại sống với đồng bào vùng cao từ tấm bé, cái hồn văn hóa dân tộc đã thấm vào chị tự lúc nào. Có lẽ bởi vậy mà khi gặp, người ta ấn tượng cái vẻ nam tính của chị, tính cách mạnh mẽ của chị mà lãng quên không nói tới cái tình như suối nguồn, đằm lắng, thiết tha, lúc dịu dàng như áng mây đầu núi, lúc thác ghềnh ào ạt trào dâng ở người phụ nữ này:
“Người ta nhìn vào thắt lưng/ Trợn mắt/ Người ta nhìn hàng cúc bướm/ Lườm như muốn ăn thịt/ Người ta nhìn vào mắt/ Bỏ đi/ Không nói ra thì không chịu được/ Nói rằng thương/ Không phải/ Nói rằng nhớ/ Không đúng/ Nói rằng yêu/ Làm gì.../ Nói ra rồi cũng không chịu được/ Người như trăng no muốn vỡ/ Ra suối cởi thắt lưng/ Bung hàng cúc bướm/ Vắt lên đầu/ Lội dòng sâu/ Trốn vào nước/ Trăng vỡ loăng ngoăng/ Buồn cả ngực/ Tức cả mắt/ Thế này thì chết mất/ Chẳng biết mai/ Người ta có sang”.
Bài thơ tình của chị hay và đẹp quá, niềm khát sống khát yêu như muốn vỡ òa trong con người chị. Cách diễn đạt tưởng như thô mộc của người miền rừng làm bài thơ cô đọng đến mức vi diệu và đạt hiệu quả thẩm mỹ cao đến bất ngờ. Cái chất của người miền rừng, thẳng thắn, trung thực, yêu ghét rõ ràng, nói lời như dao chém đá thấm vào tâm hồn chị nhiều đến nỗi, cách nghĩ cách nói đặc sệt phong cách của người miền rừng.
- Năm nay bà định làm công trình gì với hội VNDG?
Chị chợt ưu tư:
- Vẫn “mo then” thôi, ông cũng biết đấy, có làm hết đời cũng không xong.
Tôi biết trong vòng đời của người Thái có nhiều lễ cúng. Từ lễ “Nhá phay” – thôi sưởi lửa khi đứa trẻ được 7 hoặc 9 ngày tuổi tùy theo là trai hay gái, đến lễ cúng “Xống khuôn mưa phạ” – Đưa hồn người lên trời khi con người qua đời. Những lễ cúng nhằm cầu mong cho con người sống thuận với tự nhiên, được tổ tiên và các đấng siêu nhiên phù hộ. Song nguồn tài liệu còn trong dân gian tản mát, tài liệu khan hiếm, các thầy mo và các nghệ nhân đích thực ngày một ít đi. Việc sưu tầm, khảo cứu mất rất nhiều thời gian, sức lực, nếu không có vốn hiểu biết văn hóa Thái sâu sắc và sự đam mê thì không bao giờ làm được.
Nhà chị còn mẹ già đã bắt đầu lẫn, con đẻ và con nuôi đi lấy vợ lấy chồng hoặc đi công tác cả. Có người nói chị nuôi nhiều con nuôi vì nghe lời “thầy” phán. Tôi ở vùng cao mấy chục năm nên rất hiểu “con nuôi” với người dân tộc vùng cao có ý nghĩa như thế nào. Người vùng cao, nếu hiếm muộn con thì xin con về nuôi. Người Thái không có con trai xin con trai về nuôi, gọi là “au pản” – tức là làm gốc. Bố mẹ và anh em không bao giờ phân biệt con đẻ hay con nuôi, còn con nuôi luôn coi đấy là bố mẹ ruột của mình. Chị không lo cái chuyện sau này không ai thờ cúng, mà trái tim nhân ái của chị đau trước mỗi cảnh đời lam lũ của phận người vùng cao. Và chị nuôi dạy con, tạo dựng cuộc sống cho con đúng cái tình, cái lý của người vùng cao, không phân biệt con nuôi, con đẻ, no đói bù chì, hết lòng chăm lo, giáo dục tạo mọi điều kiện cho các con trưởng thành, chính vì vậy mà bốn đứa trẻ rơi vào cảnh ngộ éo le đã lớn lên trong vòng tay bao dung của chị và trở thành những công dân có ích. Đó là một hạnh phúc lớn lao của đời chị. Chị có thể nghèo đi về vật chất nhưng lại rất giàu có về tình người. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của chị: “Nhà tôi ở lưng đồi/ Bé nhỏ nốt ruồi núi/ Chiếu hẹp đủ ngồi/ Bát con đủ rượu/ Tiếp khách đủ lòng/ (...)/ Đốt lửa cháy lên/ Gọi lửa bừng lên/ Mở thêm vòng xòe/ Vòng xòe/ Như bàn tay bản ôm trăm người/ Tay mường ôm vạn người/ Ngàn đời/ không lẽ/ Tay ta/ Chỉ ôm một người". Chị dành cả vòng tay nhân ái, trung thực của mình cho bè bạn, cho niềm đam mê sưu tầm bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc và sáng tạo. Bà con dân tộc vùng cao đến nhà chị như đến nhà người thân, chiếu trải làm giường, có gì ăn nấy, chính điều đó làm giầu thêm vốn văn hóa, gợi cho chị những ý tưởng. Năm 2011 công trình “Khám xúng phi tai” - lời tiễn hồn người chết lên trời của người Thái trắng ở Lai Châu của chị được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải nhì A (không có giải nhất). Chị tự làm cho mình một con thuyền độc mộc và tự chèo lái vượt thác ghềnh. Chị biết sức mình.
Trưa ấy, nghỉ lại trong gian hàng “Không gian văn hóa truyền thống” của lễ hội, chị dựa lưng trên ghế chợp mắt giây lát. Khuôn mặt hiện rõ những nét dịu hiền, ưu tư của một phụ nữ nhiều toan lo gánh vác công việc gia đình và xã hội. Là một trong số ít các chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh là nữ, lại mới tách tỉnh, có biết bao công việc và thách thức chị đã phải vượt lên. Mỗi khi cầm cuốn tạp chí Văn nghệ Lai Châu, hoặc những công trình nghiên cứu của chị trong tay, tôi hiểu chị đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều để có một sản phẩm tinh thần chứa đựng những tinh hoa văn hóa đặc thù của vùng đất và con người chị yêu thương gắn bó.
Bữa cơm chia tay, thật bất ngờ khi chị hát tặng anh em chúng tôi một bài. Cứ ngỡ cái giọng thuốc lá đá thuốc lào ấy thì hát hò gì được. Vậy mà khi chị cất giọng trầm ấm, mượt mà, trữ tình, tất cả chúng tôi lặng đi. Lúc ấy trông chị nữ tính hẳn lên. Chị trải lòng với một ca khúc của Thế Hiển và Thế Vượng: “Cho dù có đi nơi đâu, ta cũng không quên được nhau. Cùng ngắm một vầng trăng sáng, đằm thắm chung mùa mưa ngâu. Cho dù có đi nơi đâu, đêm thâu canh dài trăn trở. Tim ta âm thầm mong nhớ, ngày vui vui đến bao giờ…”.
Hóa ra bên trong cái vẻ cứng cỏi như đàn ông, ngang tàng và phớt đời kia lại là tâm hồn một phụ nữ rất dịu dàng đằm thắm và tràn đầy những yêu thương.
T.V.H