Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

CẢM XÚC KHI ĐỌC...

Hoàng Trần
 
CẢM XÚC KHI ĐỌC TRUYỆN KÝ
PHÍA NAM SÔNG BẾN HẢI
 
    Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã qua đi tròn nửa thế kỷ. Tiếng bom đạn và máy bay gầm rú như xé tan bầu trời giờ chỉ còn trong kí ức của những người thuở ấy. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, là một mốc son chói lọi, là một thắng lợi huyền thoại được xây dựng nên bởi tinh thần và truyền thống yêu nước của dân tộc ta. 
   Ngày nay đất nước đã hoàn toàn thống nhất, giang sơn thu về một mối, đồng bào ta được sum họp một nhà. Nhưng sự tàn khốc và nỗi đau mà chiến tranh để lại sẽ mãi hằn sâu, không bao giờ phôi phai trong tâm trí của người dân Việt Nam nói chung, cũng như Cựu chiến binh, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Á nói riêng. 
    Là người đã từng trải qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, với tư cách là nhân chứng của lịch sử, nhà thơ, nhà báo Nguyễ Văn Á đã hồi tưởng, kể lại một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất oanh liệt của dân tộc ta trong đó có bản thân mình đóng góp. Tất cả đã được tác giả ghi lại thông qua tập Truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải”. Từng câu chuyện như những thước phim quay chậm, chân thực và cảm động, xuyên suốt cuộc đời mình từ lúc sinh ra cho đến thời hiện tại.
   Truyện ký Phía Nam sông Bến Hải ra mắt đúng vào dịp đất nước ta kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng; 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Hồ vĩ đại và 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Với tâm thế của những người chiến thắng, tác giả không khơi lại nỗi đau chiến tranh, lòng hận thù mà chỉ như nhắc nhở tới mọi người tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, lòng tự tôn và đặc biệt là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
   Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Á với bút danh Khánh Văn, sinh năm 1952 tại làng Văn Giang (nay là thôn Đại Thịnh), xã Sơn Thịnh (nay là An Hoà Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Công đoàn Việt Nam.
   Hương Sơn quê ông là huyện trung du, miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Hương Sơn xưa và nay được xem là đất học của xứ Nghệ, là vùng “Địa linh nhân kiệt” đã sản sinh ra nhiều các bậc nhân sĩ, trí thức các tướng lĩnh và các bậc anh hùng hào kiệt. Trong thời kỳ phong kiến, Hương Sơn có khoảng 20 vị đỗ đại khoa từ phó bảng đến tiến sĩ trở lên, là quê hương của Danh nhân Văn hóa Thế giới, đại danh y Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ngày nay, Hương Sơn vẫn là quê hương của hàng trăm các Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, các tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang, các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ và các tài năng trẻ nổi tiếng.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Á sinh ra trong một gia đình có bốn người con, mẹ ông mất từ khi ông còn rất nhỏ. Nhưng ông là người có nghị lực phi thường, quyết đoán, vượt lên trên số phận, vượt qua mọi phong ba bão táp của cuộc đời mình, lấy tự lập làm hành trang đi tới tương lai. 
   Cha ông là giáo viên, ban đêm đi dạy “Bình dân học vụ” xóa mù chữ cho nhân dân địa phương. Ban ngày thì đi cày, đi cuốc “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lao động quần quật, làm nhiều công việc để kiếm kế sinh nhai. Nhưng cái nghèo, cái khó vẫn luôn đeo đẳng. Là một đứa trẻ sống trong cảnh túng bần, thiếu thốn tình cảm của mẹ từ khi còn nhỏ, nên Nguyễn Văn Á luôn thèm khát những phút giây được làm nũng, được hờn dỗi mẹ để được mẹ nuông chiều.
    Lớn lên bên người cha kính yêu trong cảnh “Gà trống nuôi con”. Tuổi thơ của ông trải qua nhiều thăng trầm, cảnh nghèo đói, nhọc nhằn, lam lũ chỉ có nỗi buồn và nước mắt. Vì đói khổ mà ông đã đánh mất cả “Kỷ vật” duy nhất là chiếc vòng bạc mà mẹ ông để lại cho ông trước khi về cõi vĩnh hằng. Ngày “Bất hạnh” ấy xảy ra khi không có đủ tiền để trả cho bốn bát phở mà mấy anh em ông đã ăn nên đã bị bà “Hồng Béo” chủ quán khỏe như con trâu mộng đè cổ ra để lột lấy chiếc vòng bạc trắng. 
    Cho đến tận bây giờ, cái ngày “Định mệnh” ấy còn in đằm trong kí ức ông. Đó là nỗi đau thuở hàn vi chan đầy nước mắt, là “Dấu chấm than” còn theo ông đi suốt cuộc đời. Cũng chính từ những kí ức tuổi thơ nhọc nhằn ấy mà sau này mỗi khi tận mắt chứng kiến những mảnh đời éo le, bất hạnh, hay nhìn thấy những đứa trẻ mồ côi lang thang, cơ nhỡ ông lại tìm thấy một phần cuộc đời mình trong đó. Sau này, khi lớn lên để nhớ lại những kỉ niệm thuở thiếu thời, ông đã viết bài thơ “Cha tôi” có đoạn như sau:
“Con lớn lên trên hai cánh tay chascreenshot_2300
Khát sữa mẹ khi tuổi còn ẵm ngửa
Tháng tám ngày ba cháo rau lần lựa
Cha nuôi con khôn lớn đến bây giờ”.
   Thế rồi đến một ngày: “Giang sơn này lộng lẫy tuổi hai mươi/ Tôi bỗng chốc trở thành người lính”. Ngày 15 tháng 8 năm 1971, chàng thanh niên Nguyễn Văn Á đã chính thức trở thành anh bộ đội sau ba lần viết đơn tình nguyện lên đường đi chiến đấu. Khi chia tay, Nguyễn Văn Á thấy lòng mình chùng xuống bởi bắt gặp gương mặt thất thần của cha đang nhìn anh với hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt già nua, hốc hác. Nỗi đau trong lòng cha chưa thể nguôi ngoai khi người con thứ hai đã hi sinh ngày 10 tháng 8 năm 1968 khi mới tròn hai mươi tuổi. Bất chợt Nguyễn Văn Á nhận ra khi vắng anh cha sẽ rất cô đơn trống trải. Những câu hỏi rồi đây ai sẽ chăm sóc cha khi trái gió trở trời, lúc ốm đau, bệnh tật là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ vì người lính ra đi trong chiến tranh có mấy ai hẹn trước được ngày về.
Nhưng biết làm sao được khi “Nợ nước thù nhà” chưa trả. Khi quân giặc đang dày xéo quê hương, giết hại đồng bào, đất nước bị chia cắt làm hai lâm vào cảnh lầm than. Khi anh lên đường đánh giặc cũng là lúc tình yêu đang đến độ chín muồi, đợi ngày đơm hoa kết trái. Chiếc khăn mùi soa, chiếc gối màu hồng thêu đôi chim bồ câu bay trên bầu trời khát vọng và dòng chữ “Kí ước Minh Huyền”… là những kỷ vật người yêu tặng anh trước lúc lên đường cùng câu thệ ước “Em yêu anh và chờ đợi anh về”, để anh thấy ấm lòng nơi tiền tuyến, để anh thấy luôn có người yêu và hậu phương bên cạnh. 
Truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải” của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Á được chia làm hai phần:
    Phần một “Khi miền Nam vẫy gọi” là những câu chuyện kể về những trận đánh ác liệt, những cuộc đấu trí đấu lực đầy sinh tử giữa ta và địch; là tinh hoa của nghệ thuật quân sự Việt Nam; là ý chí kiên cường bất khuất, lòng dũng cảm, đức hi sinh; là lòng yêu Tổ quốc luôn cháy bỏng của bộ đội Cụ Hồ và con dân đất Việt…đã được chứng minh trong cuộc chiến đấu “81 ngày đêm đối mặt với tử thần” để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã đi vào lịch sử. Đó còn là là những trang nhật ký ghi lại cảm xúc của người lính vừa đi qua trận đánh dù có thắng, thua, được, mất; hay đang trong tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người thân và bạn bè da diết. Đó còn là phút chạnh lòng nhớ tới người yêu, nhớ vợ, nhớ con nơi hậu phương xa thẳm. Nhưng dù có được viết trong hoàn cảnh nào thì Phía Nam sông Bến Hải đều phản ánh trung thực nhất tâm tư tình cảm của người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc một mất một còn với quân thù. 
   Phần hai “Trầm tích” thể hiện tinh thần đoàn kết và tính nhân văn sâu sắc trong việc phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, nhất là đối với các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là hành trình “Đi tìm đồng đội”,”trả lại tên” cho các liệt sĩ, xây dựng công trình”Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nạn nhân chất độc da cam bằng tấm lòng ngưỡng vọng tri ân xuất phát từ trái tim chan chứa yêu thương của người lính trận. 
    Giờ đây khi đã nghỉ chế độ, Cựu chiến binh, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Á với tư cách là Tác giả ý tưởng, đồng thời là người trực tiếp vận động tài trợ đã phối hợp với Thượng tướng - Viện sĩ - Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, các Cựu chiến binh Trung đoàn 27 và các nhà tài trợ xây dựng Cụm công trình văn hóa tâm linh gồm: Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ Đại đội 16, Trung đoàn 27; Khu tưởng niệm 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27; Đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27; Bia chiến tích Khẩu đội 5 và các công trình phụ trợ tại xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị làm “ngôi nhà chung” để chiêu tập vong linh các anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng vào thờ phụng hoành tráng khang trang. Đến nay Cụm công trình này đã được đón hàng ngàn lượt người đến dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. 
Đặc biệt, cụm công trình văn hoá tâm linh này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cấp Bằng “Di tích lịch sử văn hóa” cấp Tỉnh tháng 12 năm 2020 và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cấp Bằng Xác lập Kỷ lục Việt Nam ngày 26 tháng 11 năm 2022.
   Nếu “Phía Nam sông Bến Hải” là một bản anh hùng ca quật khởi thể hiện ý chí sắt đá “Chân đồng vai sắt” của lớp lớp thanh niên Việt Nam không tiếc máu xương “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì “Trầm tích” lại như bản giao hưởng đồng quê xoa dịu đi nỗi đau trong lòng của các Cựu chiến binh thuở ấy; các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nạn nhân chất độc da cam và các Cựu chiến binh đã cống hiến, hy sinh cho đất nước  bằng việc làm cụ thể mang đậm tính nhân văn sâu sắc.. 
  Suốt cuộc đời, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Á đã cống hiến hết mình cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Ngoài cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận, ông còn là người cầm bút viết ra những tác phẩm báo chí và văn học có tính chiến đấu cao bằng bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức cách mạng trong sáng. Trong quá trình sáng tác của mình các tác phẩm của ông đã giành được nhiều giải thưởng cao cả về văn học nhệ thuật và báo chí. 
   Truyện ký “Phía Nam sông Bến Hải” có sức lan tỏa mạnh mẽ, len lỏi vào từng góc cạnh của xã hội. Bởi vì đó là tiếng lòng, là cảm xúc chân thật, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của đạo đức, đánh thức tinh thần yêu nước cho các thế hệ mai sau đồng thời lưu giữ những giá trị lịch sử vĩ đại của đất nước, đem lại sự tốt đẹp cho cuộc sống.
   Tập sách như một thiên anh hùng ca chói lọi, oanh liệt và hào sảng phản ánh chặng đường đấu trang giải phóng dân tộc đầy gian khổ hy sinh có tính giáo dục cao, tác động trực diện làm thay đổi nhận thức và nhân sinh quan của mỗi chúng ta; khơi dậy lòng tự hào dân tộc về truyền thống chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ hôm nay và  mai sau.
   Ngày nay đất nước đã hòa bình, những mùa xuân đích thực đã về trên khắp đất trời Tổ quốc rực rỡ cờ hoa. Cả những bưng biền khói lửa năm xưa nay hoa,
lá cũng xanh tươi ngào ngạt. Dường như những vết sẹo của đất, vết rách của
trời đã được trăng ngàn và gió núi bao la vá lành trở lại, để ta luôn tin rằng
trăng đêm nay đã sáng, trăng mai còn sáng hơn. Từ đó, sự thắng lợi của dân tộc ta càng trở nên có ý nghĩa vô cùng to lớn, vĩ đại như một trang sử vẻ vang,
bất khuất. 
   Mong rằng, Cựu chiến binh, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Văn Á sẽ tiếp tục cống hiến cho đất nước, cho đồng đội và cuộc đời này những tác phẩm trường tồn còn mãi với thời gian. Mong rằng “Phía Nam sông Bến Hải” sẽ làm hài lòng Quý bạn đọc. 
                       Hà Nội, tháng 4 năm 2025
                                             H.TA
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 59
Trong tuần: 789
Lượt truy cập: 532341
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông