Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CẢM THỨC NGUỒN CỘI BIÊN CƯƠNG

Đỗ Ngọc Yên
 
CẢM THỨC NGUỒN CỘI BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC
 
  Có lẽ đây là trường ca duy nhất mà tôi từng đọc của nữ Thiếu tá, nhà thơ Phạm Vân Anh viết về bộ đội Biên phòng trên đất liền, những người lính quân hàm xanh và đồng bào năm mươi tư dân tộc anh em sống ở miền phên giậu mang trong mình sứ mệnh cao cả và thiêng liêng ngày đêm canh giữ đất trời biên cương cho Tổ quốc từ thưở khai thiên lập địa ra đất nước Việt Nam.
*phamvananh123
Văn chương - nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng viết về chiến tranh và người lính đã, đang và sẽ còn nhiều, rất nhiều. Riêng mảng văn chương viết về những chiến sĩ hải quân, bộ đội biên phòng, những người lính canh giữ biển trời cho Tổ quốc, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thời gian gần đây xuất hiện trên các báo và tạp chí giấy, cũng nhưng các trang báo điện tử khá nhiều. Nhưng ngược lại trường ca viết riêng về bộ đội Biên phòng trên đất liền, theo chỗ tôi biết không nhiều lắm, nếu không muốn nói là quá ít. Điều ấy có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết phải khẳng định đây là một mảng đề tài khó, đòi hỏi người viết phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và cả sự nhiệt huyết.
Tôi đã đọc hầu hết các tập thơ của Vân Anh, nhưng có lẽ đến Sa mộc(*) tôi nhận ra một Vân Anh khác, rất khác. Khác từ cách chọn đề tài, lập tứ, kết cấu đến giọng điệu, ngôn ngữ thơ. Nếu so với những tập thơ trước của Vân Anh, thì Sa mộc là một bước tiến dài, thậm chí là nhảy vọt trong phong cách thơ của chị. Rõ ràng là tư duy của người viết trường ca khác hẳn với tư duy của người viết những bài thơ ngắn in trong tập. Cũng đều là những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh và đều được biểu đạt bằng ngôn ngữ thi ca, nhưng bố cục, lập tứ, nội dung, phạm vi bao quát, giọng điệu kể chuyện của trường ca lại hoàn toàn khác xa so với những bài thơ ngắn.
Trường ca hiện đại là sự tiếp nối, kế thừa có chọn lọc từ sử thi cổ đại, nhưng đặc trưng thể loại dường như không có sự xáo trộn lớn về kết cấu chương, hồi và lối kể chuyện. Bởi bố cục của trường ca hiện đại và sử thi cổ đại đều là những nhát cắt lịch đại theo cách kể lại những câu chuyện lịch sử đã từng xảy ra hay được hư cấu qua lăng kính chủ quan của nhà thơ mà vẫn đảm bảo được sự hài hòa thống nhất trong bố cục và lối kể. Nhưng chắc chắn giọng kể chuyện lịch sử chậm rãi, nghiêm mặc của trường ca sẽ rất khác sự ngân rung vào một thời khắc nhất định nào đấy mà chúng ta thường thấy ở những bài thơ ngắn. Và đây là một minh chứng:
Ông Đếm cát, ông Tát bể, ông Kể sao, ông Đào sông, ông Xây rú
...
Chuyện xửa chuyện xưa bà kể thắm môi trầu...
Trường ca Sa mộc với khoảng 70 trang in, được chia thành 7 chương:
I/ Miền dã sử, II/ Ký thác, III/ Thang trời, IV/ Mưa giêng hai, V/ Gối đầu lên ban mai, VI/ Mở núi và VII/ Thức cùng non sông. Nhìn vào tên mỗi chương, người đọc có thể sơ bộ hình dung ra nội dung bên trong của chúng. Lấy cây Sa mộc làm biểu tượng trung tâm, toàn bộ câu chuyện kể xoay quanh hình tượng này. Sa mộc là loài cây cùng họ với thông, phi lao, dương liễu,... lá kim, dáng thẳng, cành ngang theo từng lớp, tán cây hình chóp nón, cây to sống lâu năm cao tới gần 60 mét, vỏ thân cây sần sùi. Loại cây này thường được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên, những nơi có biên giới tiếp giáp với các nước làng giềng như Trung Quốc, Lào và Campuchia. Sa mộc có sức sống bền bỉ, dẻo dai trên các triền núi đá với thời tiết và khí hậu rất khắc nghiệt.
Vì thế, loại cây này không ít người coi nó như là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và lâu bền, bất chấp phong ba, bão táp, thiên tai và cả nhân tai của dân tộc Việt nói chung và các dân tộc thiểu số sống ở vùng phên giậu của Tổ quốc nói riêng. Điều này không phải đến bây giờ mới thế, trái lại nó đã được chứng nghiệm từ ngàn xưa:
Dặm dài miền dã sử
Gặp những thân cây độc hành xé đá sinh sôi
Vạm vỡ tiêu binh miền phên giậu
Khảm cao xanh chí khí quật cường
Sa mộc gom gió thành lời yêu khiến lòng núi, lòng người thôi khắc khoải... Vì sức sống lâu bền và sự tồn tại hàng trăm năm nên Sa mộc chính là chứng nhân lịch sử từ thuở hồng hoang đến thời hiện đại:
Gánh nặng trăm năm trên lớp vỏ sần sùi
Rì rầm kể công người kiến tạo địa tầng sinh tụ...
Có thể nói, từ ngàn xưa, ở những vùng biên viễn xa xôi, đâu có con người cư ngụ là ở đấy có Sa mộc. Dù cho ở mỗi vùng miền tên gọi có khác nhau, nhưng bản tính ngay thẳng và sức sống bền lâu của Sa mộc thì không bao giờ thay đổi:
Người Kinh nhớ Sa mộc kiêu hãnh
... Ra biển thành Phi lao, Dương liễu
Ơi những bóng cây thiêng
Đã theo chân đồng bào, theo gió ngàn rừng về đất này đâm chồi nảy búp thì là anh là em, thì sâu rễ bền cành mà vươn lên ngay thẳng
...
Nào ai xác tín đến đâu
Nhưng ánh mắt người già sáng niềm tin như lạc rừng nhận ra sa mộc giữa mây mù... 
Vì thế, Sa mộc không chỉ là biểu trưng cho ý chí quật cường, lòng dạ kiên trung của đồng báo các dân tộc thiểu số sinh sống dọc miền biên ải, mà nó đã trở thành biểu tượng của những cột mốc biên cương bất di bất dịch hàng ngàn đời nay của ông cha ta:
Đất nơi này không thể mất
Cho kẻ giành sông giật núi đã quen
Có đội quân nào sặc sỡ hơn
Khi đỏ, cam, chàm, tím, đen cùng vào trận
Nơi biên viễn an hem thành đồng chí.
Ở nơi ấy có đồng bào các dân tộc sẵn sàng gánh chịu thiên tai khắc nghiệt và cả những vòng xoáy nhân tai bất ngờ. Họ sẵn sáng làm những điều được cho là “phá lệ”, miễn sao giữ được miền đất ngàn năm do ông bà tổ tiên để lại mà hôm nay chúng ta quen gọi là Tổ quốc:
Chẳng ngại gió Lào, không nề gió Bấc
Dẻo dai hơn bóng tối
Đồng bào tôi neo mình như thân ngô thân đậu, như con duối con nhồng
...
Những ngôi nhà trổ cửa hướng biên cương
Trái luật tục ngàn đời vì đất đai Tổ quốc.
Đấy không chỉ là minh triết của con người đã từng hàng ngàn năm sống ở dải đất này, mà nó là lẽ tồn tại tự nhiên của đất trời như là minh triết của vũ trụ vậy.
Cùng với hai hình tượng trung tâm và cơ bản là Sa mộc và đồng bào các dân tộc thiểu số, hình tượng người chiến sĩ Biên phòng nổi lên như một điểm nhấn, rực sáng trên bầu trời biên cương của Tổ quốc Việt Nam ngàn năm vững bền. Các anh ở khắp mọi miền đất nước cần phải “lớn vội” lên vì sự nghiệp bảo vệ bờ cõi non song của ông cha để lại đang chờ các anh:
Lứa chúng con vội lớn
Bỏ quên tuổi mình
Quáng quàng ba lô, quáng quàng đạn pháo
Quân chưa đầy năm đã ngược Hà - Tuyên, xuôi Thanh - Nghệ   
Ký ức biên cương dốc mắt rừng già
Chưa quen đồn thạo chốt đã chai sần giá súng...
Hay:
Người lính cứ như cây rừng ấy
Vượt cằn khô bền gốc tươi cành
Quân hàm... Uống hơi núi mà xanh
Đượm nhựa rừng mà thắm...
Xét ở một khía cạnh nào đấy, những người lính Biên phòng trên đất liền nào đâu có khác là bao sự chịu đựng, đức hy sinh, lòng dũng cảm, thẳng ngay như cây Sa mộc vốn trời sinh ra như thế:
Sa mộc ưỡn ngực trai
Đồn xa xanh áo lính
Mồ hôi ươm chồi biếc
Da xạm hong mùa vàng...
Họ là thế đấy, không đắn đo suy tính, không đôi co, mặc cả, mọi việc diễn ra cứ tự nhiên như Sa mộc ngàn đời bám trụ trên những đỉnh núi cao đầy nắng và gió, đầy mối hiểm nguy từ con người rình rập nơi biên cương Tổ quốc.
Muốn viết được một trường ca như Sa mộc, với tư cách kể lại những câu chuyện đã từng xảy ra trong tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông bà tổ tiên ta cách đây hàng trăm, hàng ngàn năm và xa hơn nữa trên khắp miền biên viễn, thì phải am tường các sự kiện lịch sử. Điều ấy không có gì phải bàn cãi. Nhưng trong điều kiện mà một bộ phận không nhỏ giới trẻ hôm nay đang có xu hướng quay lưng lại với môn học lịch sử, hỏi tìm được bao người am tường điều đó. Chỉ xét ở khía cạnh này thôi, qua Sa mộc cũng thấy được sự cố gắng rất đáng ghi nhận của nữ nhà thơ mang quân hàm xanh Phạm Vân Anh. Đương nhiên sự am tường các sự kiện lịch sử, có khi chúng đã bị lớp bụi thời gian che mờ, làm khuất lấp và trở thành huyền tích, dã sử, dù sao cũng chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ. Tất thảy mọi sự kiện lịch sử phải được thông qua một lối kể nào đấy của nhà thơ thì nó mới trở thành chất liệu ngôn ngữ và giọng điệu của trường ca. Với nỗ lực cá nhân không mệt mỏi, Vân Anh đã bước đầu làm được điều mà nhiều người mong đợi:
Khắc đi là khắc đến
Hội núi mở thong dong
Khắc yêu thì khắc khoải
Dặm dài non nước biên phòng
...
Lang thang miền dã sử
Gọi ngàn năm mây bay
Sa mộc đêm chốt lạnh
Thức cùng non sông này
Xin chúc mừng thành công của chị./.
 
                                                          Đ.N.Y
...............
(*) Sa Mộc. Trường ca của Phạm Vân Anh. Nxb Lao động, Hà Nội, 2016.
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 157
Trong tuần: 1182
Lượt truy cập: 436324
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.