Cảm ơn người, sông Mekong là nhan đề tập trường ca của nhà thơ Lê Tuấn Lộc do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành ra mắt bạn đọc vào Quý 4 năm 2022. Vượt lên tất cả những sáng tác từ trước tới nay kể cả về độ dài lẫn chiều sâu ý tưởng, tập trường ca này của nhà thơ dày tới hơn 600 trang với tổng số hơn 80 ngàn từ.
Gần 40 năm cầm bút, ông đều đặn xuất hiện trên văn đàn. Có thể kể đến những tập thơ ghi dấu trong lòng bạn đọc như: “Hát lúc trăng lên” ( NXB Thanh Hoá - 1990); “Đường xa” (NXB Văn hoá Dân tộc- 1995); “Duyên thơ” (NXB Văn hoá- Thông tin: 1996, in chung); “Dưới bóng đa Tân Trào” (NXB Văn học- 1998); “Thợ mỏ gặp nhau” (NXB Văn hoá Dân tộc- 2000); “Như thuở ban đầu” (NXB Hội Nhà văn - 2001); “Cây mỗi hoa mỗi quả ” (NXB Văn hoá dân tộc: 2001, in chung); "Tôi Người Xứ Thanh"; “Thơ và Thợ” (năm 2019)… Năm nay, Lê Tuấn Lộc ra tập mới nhất, đầy đặn nhất cả về cảm xúc và trữ lượng thông tin, trường ca “Cảm ơn Người, sông Mê Kông”. Ai đã từng quen thuộc với những đề tài Lê Tuấn Lộc từng khai thác, thì tập trường ca “Cảm ơn Người, sông Mê Kông” mang lại một sự bất ngờ khác biệt trước sự vạm vỡ của tác phẩm.
Thời gian có thể đếm, nước sông có thể đo, nhưng năng lượng tinh thần mà con người sống bên dòng chảy Mê Kông thu nhận được thì làm sao tính đếm? Liệu bằng tác phẩm trường ca này, nhà thơ Lê Tuấn Lộc có thể đo thế giới tinh thần ấy của các dân tộc Đông Nam Châu Á gắn bao đời với sông?
Sông Mê Kông có vai trò đặc biệt trong đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, tinh thần của những quốc gia liên quan… Về địa lý, sông chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Về tinh thần, Mê Kông là dòng sông chở nặng những giá trị văn hóa vừa linh thiêng vừa kì bí, vừa vĩ đại. Về tôn giáo, nổi bật và thống trị suốt chiều dài dòng sông chính là Phật giáo. Dọc Mekong có Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Đạo giáo, Khổng giáo v.v…nhưng không một tôn giáo nào có thể so sánh được với Phật giáo về tính phổ biến, sự liên tục về địa lý và mức độ sùng tín của tín đồ. Về kinh tế, năng lượng, giao thông – vai trò của dòng Mê Kông đóng góp rất lớn đối với các quốc gia dọc đường.
Bạn đọc có nhiều cách để tiếp cận và chiêm nghiệm: Có thể đọc từng phần theo chủ đề được sắp xếp rất mạch lạc, có thể đọc liền mạch như cuộc du ngoạn từ thượng nguồn đến hạ nguồn dòng sông, có thể thưởng lãm riêng những chương, đoạn mình tâm đắc nhất…
Dòng chảy sông bền bỉ qua các vùng đất khác nhau, liệu có dẫn dắt một số phận chung bí ẩn nào của các dân tộc này? Câu hỏi lơ lửng ấy theo người đọc đi suốt cuốn trường ca, và khiến họ tìm tòi trong từng trang sách, từng câu thơ. Liệu tác giả Lê Tuấn Lộc có giấu điều bí ẩn ấy trong lớp áo chữ này? Chính sức mạnh của dòng sông cũng là mạch nguồn cảm hứng cho tác giả Lê Tuấn Lộc, hối thúc ông vượt qua mọi khó khăn để đặt bút viết tập trường ca đồ sộ. Ông hẳn đã suy tính rất kỹ, và tìm ra một cách xử lý độc đáo trong xây dựng truyện thơ ở trường ca “Cảm ơn người, sông Mekong”. Ước mơ chung nhất của con người: tình yêu, cuộc du ngoạn thú vị và bí ẩn, những khám phá về tâm linh, đều được hội tụ ở đây. Tác giả khéo léo sắp đặt một cuộc gặp tình cờ giữa một nhà thơ Măng Trúc với người đẹp lai Việt – Thái, tên Kiều Mai trên một chuyến bay đi Nha Trang, để rồi “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Cuộc tình chớm nảy nở đã bùng lên dữ dội, như dòng nước lũ cuộn trào, nhưng bị một con đập chắn lại, đó là việc người đẹp nói rằng mình đã có chồng. Sự dồn nén ấy đã sinh nở ra một thể loại văn chương mà tác giả sử dụng nhuần nhuyễn trong tác phẩm này, ấy là du ca, du thơ. Sự dồn nén ấy cũng khơi nguồn thơ cho không chỉ nhân vật chính là chàng nhà thơ Măng Trúc, mà còn sinh nở ra một nhà thơ mới: Kiều Mai. Được cơn lốc tình yêu cuốn phăng đi, cô gái đẹp ấy đã tự chuyển hóa mình thành nhà thơ. Chẳng có cách nào lãng mạn hơn thơ để nói lên tình yêu dào dạt trong mình, Kiều Mai đã đối đáp với người yêu bằng những vần thơ tình viết trên dòng sông, viết lên bầu trời, thả vào vũ trụ…
Tác giả đã thành công trong việc khắc họa một câu chuyện tình đầy trắc trở của cặp đôi Trúc – Mai. Dù yêu nhau mãnh liệt, cũng đã trải qua bao nhiêu khó khăn, chia rẽ, cũng như giằng xé về nội tâm, cuối cùng thì họ cũng không thể đến được với nhau. Dường như qua câu chuyện của cặp đôi này, tác giả muốn phê phán, chỉ trích lòng tham của con người, thứ đã gián tiếp gây nên bao thiên tai, thảm họa đối với thế giới của chúng ta. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã khéo léo lồng ghép văn hóa di sản, văn hóa Phật giáo của các nước trong các chuyến đi Famtrip trên sông Mê Kông của đôi trẻ. Qua những câu thơ tinh tế, trữ tình mà giản dị, chân thành, người đọc sẽ được tận mắt trải nghiệm những nét đẹp về văn hóa Phật giáo, văn hóa sinh thái tự nhiên,...của các nước ở khu vực sông Mê Kông.
Với bút pháp vừa nhất quán vừa linh hoạt trong tập trường ca “Cảm ơn Người, sông Mekong”, nhà thơ Lê Tuấn Lộc đã dành tặng bạn đọc yêu văn chương tất cả những tâm tư sâu nặng nhất, như một niềm tri ân sâu sắc đối với dòng Mê Kông kì vĩ, linh thiêng. Nhưng một vấn đề lớn, được nhà thơ lên tiếng và cảnh báo về hủy hoại môi trường trên sông Mê Kông đã mang tính toàn cầu: Con người đang tự giết mình.
Cảm ơn Người, sông Mekong! Lời cảm tạ dòng sông của văn hóa, tôn giáo và lịch sử.
PV.
Theo Báo Văn nghệ online
Người gửi / điện thoại