Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BÀI HỌC KHÔNG CÓ TRONG GIÁO TRÌNH

Nguyễn Hiền Lương

BÀI HỌC KHÔNG CÓ TRONG GIÁO TRÌNH

Lời BBT:  Truyện ngắn “Bài học không có trong giáo trình” của Nguyễn Hiền Lương trước đây “Văn nghệ Công nhân” đã cho đăng tải kèm với đoạn video chúng tôi làm gài câu chuyện truyền thanh trong mục “Phát thanh Quân đội Nhân dân” Nhưng rất tiếc là video này bị loại cùng tài khoản youtube có trên 1.700 video do lỗi “Vi phạm nguyên tắc cộng đồng” của nhà mạng. Là một truyện ngắn hay nên chúng tôi đã cho khôi phục đoạn video trên một tài khoản Youtube mới và giới thiệu lại. Mời bạn đọc theo dõi.
                                                                  
  Còn hơn một tiếng nữa tàu SE1, chuyến 19h mới khởi hành từ ga Hà Nội, tôi vào phòng đợi tàu, giở tờ báo Thể thao - Văn hóa ra đọc để giết thời gian, bỗng giật mình bởi một tiếng chào:
- Thầy Lâm phải không ạ? Em chào thầy!
  Tôi vội ngẩng mặt lên. Một thiếu phụ chừng ngoài bốn mươi tuổi, tay dắt đứa con gái nhỏ đang nhìn tôi. Chừng như đoán biết tôi chưa nhận ra chị, thiếu phụ nhỏ nhẹ tự giới thiệu:
- Em là Toan, Toan Văn-  Sử K8, lớp thầy Quân chủ nhiệm, thầy nhớ ra chưa ạ?
   Tôi lại giật mình lần nữa nhưng không phải cái giật mình ngơ ngác khi thiếu phụ cất tiếng chào mà bởi cái tên Toan gợi cho tôi nhớ tới một sự việc xảy ra đã hơn ba mươi năm. Điều đó làm tôi bối rối, mất tự nhiên, giống như khi đang làm một việc gì đó không chính đáng bị phát hiện. Tôi lấy khăn lau kính, cốt để lấy lại sự bình tĩnh và tư thế của ông thầy, rồi ngồi lùi ra đầu ghế và nói:
- Em và cháu ngồi xuống đây đi. Tôi nhớ ra rồi. Toan Văn- Sử K8, nhà ở Văn Yên. Bây giờ em đâu? Em cũng đi tàu Bắc - Nam à?
Toan cho con ngồi xuống cạnh tôi và bảo con:
- Còn chào ông đi, ngày xưa ông dạy học mẹ đấy. - Rồi mới nhìn tôi đáp - Dạ vâng, em ở trong Vũng Tàu. Mẹ con em về thăm quê, bây giờ vào Vũng Tàu ạ. Thầy đi đâu?
Tôi không trả lời câu hỏi của Toan mà hỏi lại:
- Tận Vũng Tàu kia à? Em vào đó từ bao giờ? Em làm công nhân trong đó à?
- Dạ …
  Toan ấp úng, giọng bỗng nghèn nghẹn, mắt dân dấn nước. Tôi bối rối và mất tự nhiên hơn. Rồi những gì đã xảy ra trong buổi chiều thứ 7 đã rất lâu, từ khi tôi mới vào nghề dạy học, tưởng như đã quên bỗng hiển hiện lên giống như tôi đang xem một cuốn phim tư liệu.
   Chiều ấy, khi tôi đang chuẩn bị về qua nhà để tuần sau đi Hà Nội tập huấn nửa tháng thì giáo vụ khoa đến đưa tập bài thi lại môn Lý luận Văn học của sinh viên lớp Văn- Sử K8, bảo tôi tranh thủ chấm ngay, để giáo vụ tổng hợp điểm chuẩn bị cho Hội đồng Khoa và Trường xét lên lớp vào đầu tuần tới. Cầm tập bài thi lại, chỉ có 2 bài, đang vội, tôi lật nhanh, mỗi bài gần 4 trang, về số lượng như thế là ổn. Đọc lướt qua, thấy không hay nhưng cũng đủ ý. Mà đã thi lại thì lấy đâu ra bài hay, chỉ cần có 1,2 ý đúng là đã qua. Tôi đang định hạ bút cho cả hai bài điểm 5- con điểm thuộc loại vô thưởng, vô phạt nhưng lại là điều kiện cần và đủ cho sinh viên thi lại lên lớp - thì thầy Quân, chủ nhiệm lớp Văn - Sử A, K8 hớt hải chạy đến:
- Ông Lâm, ông Lâm, cho tôi nhờ một tý.
Tôi cười vui vẻ:
- Có việc gì mà ông anh phải hạ cố đến thằng em vậy? Định xin điểm cho sinh viên à? Yên tâm đi, khỏi cần, em cho 5 tất rồi. - Tôi còn tỏ vẻ nhân đạo- Bài hơi non chút, nhưng thôi, thi lại ấy mà, cho điểm vào đời là chính.
Thầy Quân phẩy tay, nét mặt đầy vẻ nghiêm nghị:
- Không, lần này không xin mà ngược lại.
- Ngược lại là thế nào? Đánh trượt à? - Tôi tròn mắt hỏi.
Giọng tỉnh khô, thầy Quân bảo:
- Ừ, ông đánh trượt cho tôi một bài - rồi thầy ghé vào tai tôi nói nhỏ- Bài cái Toan ấy, ông nhận ra chữ nó chứ?
Tôi càng ngạc nhiên:
- Cái Toan? Sao lại đánh trượt nó? Nó làm gì mà ông anh thù ghét đến thế?
- Là như thế này- thầy Quân phân bua - không phải là tôi ghét bỏ, trù úm gì nó mà là vì - thầy bỗng lại hạ giọng thầm thì - Có tin đồn nó đi làm “ca ve” ông ạ. Trưởng Khoa bắt tôi phải điều tra, xác minh rồi tiến hành họp lớp kiểm điểm, để kỷ luật cảnh cáo và buộc thôi học trả về địa phương ngay. Chần chừ, để công an bắt được thì không chỉ rắc rối to cho nó mà cả khoa và trường cũng bị mang tiếng, ông biết không?
  Tôi có loáng thoáng nghe được tin đồn Toan đi làm thêm ở nhà nghỉ nhưng chưa tin Toan làm “ca ve”, có phải ai làm ở nhà nghỉ cũng là “ca ve” cả đâu. Nhưng tại sao thầy Quân lại muốn tôi đánh trượt Toan? Giữa 2 việc này có gì liên quan? Tôi đem điều thắc mắc ấy hỏi thì thầy Quân giải thích:
- Là thế này ông Lâm ạ, nếu đánh trượt thi lại thì nó không đủ điều kiện lên lớp, phải dừng tiến độ học tập, trả về địa phương. Như thế cũng đạt được ý của khoa và nhà trường mà tôi không phải mất công rình mò, điều tra, họp hành, kiểm điểm, xét kỷ luật, lôi thôi, mang tiếng, mất điểm thi đua của lớp. Lại nữa, so sánh hai cách Toan phải thôi học, một là do nhận thức kém, không làm giáo viên được, phải chuyển nghề khác, nhưng vẫn có chồng con đàng hoàng; hai là vì tội làm “ca ve”, phải kỷ luật đuổi học, khai trừ Đoàn, ghi hồ sơ, thông báo về gia đình, địa phương, vết nhơ ấy bao giờ mới rửa hết được, còn ai dám lấy nó làm vợ nữa; ông thấy cách về nào tốt hơn cho cái Toan?
Quả là lý lẽ đầy thuyết phục, nhưng tôi vẫn gãi đầu, gãi tai hỏi:
- Ừ, thì đúng là như thế, ai chả biết cách một là hơn nhưng ông anh đã điều tra chưa? Có chắc nó làm “ca ve” không? Ngộ nhỡ oan cho nó, đánh trượt càng đẩy nó đến đường cùng thì em áy náy lắm.
   Thấy tôi còn lừng chừng, thầy Quân ghé vào tai tôi thì thào- Tôi có mật báo rồi, ông yên tâm đi. - Rồi thầy cao giọng giảng giải - Ông mới vào nghề nên chưa có kinh nghiệm, giáo viên chủ nhiệm là phải xây dựng được một đội ngũ “điệp viên” trong lớp là những sinh viên bình thường, không phải cán bộ lớp, có gì bất thường nó mật báo cho mình biết ngay, chứ không thể tin tưởng hoàn toàn vào đội ngũ cán bộ lớp được đâu, chúng nó hay bao che cho nhau, qua mặt thầy lắm.
Tôi vẫn thấy không yên tâm nên đắn đo, chù chừ:
- Nhưng em vẫn thấy thế nào ấy, nếu ông anh xin nâng điểm thì em có thể cho, đằng này đánh trượt, em chưa dám làm thế bao giờ, bài nó làm thế này, cố tình đánh trượt, nó xin chấm phúc khảo thì sao?
Thầy Quân hất hàm:
- Dào ơi, muốn nâng mới khó chú ạ, đánh trượt khó gì, thể nào mà chả bắt được lỗi trong bài thi của nó. Cái môn Lý luận của ông, nó trừu tượng, lắm lý, bảo đúng thì đúng, bảo sai là sai. Ông cứ cho điểm 3 đi, mọi việc còn lại để tôi. Ông nên hiểu, mình làm thế không phải là giết nó mà là thương nó, cứu nó, nhân đạo với nó đấy.
Lúc này đã gần 4 giờ chiều, sắp đến giờ xuất bến của chuyến xe khách cuối cùng từ Yên Bái về nhà tôi ở Lục Yên. Không còn thời gian để tôi đôi co với thầy Quân, nhưng tôi vẫn cẩn thận hỏi lại:
- Ông anh có cam đoan là đúng thế không?
- Cam đoan 100%. Thôi cho điểm đi còn ra xe, không thì nhỡ đấy. Chúc đi về nhà rồi đi tập huấn Hà Nội vui vẻ nhé.
  Vậy là tôi hạ bút viết con số 3 vào bài của Toan rồi lên nộp ngay bài cho giáo vụ. Khi tôi tập huấn về, Hội đồng nhà trường đã xét lên lớp xong. Mọi việc diễn ra đúng như kịch bản của thầy Quân. Toan bị trả về địa phương vì đã nợ quá số lượng học trình theo quy chế. Tôi không gặp rắc rối gì trong việc cho điểm 3 bài thi của Toan và cũng không phải chứng kiến cảnh Toan khăn gói về nhà. Thầy Quân gặp tôi cảm ơn và còn bảo là thầy Trưởng Khoa rất khen cách giải quyết này, nhất cử lưỡng tiện, vẹn cả đôi đường. Thầy còn cao hứng lên lớp cho tôi:
- Ở đời này có nhiều cách để đạt được mục tiêu, vấn đề là phải biết lựa chọn cách nào ông em ạ. Đường thẳng đúng là đường ngắn nhất đấy nhưng có phải cứ đi thẳng là về đến đích sớm nhất đâu. Thôi dẹp cái chuyện chấm bài đi nhé. Tối nay lên dự sinh hoạt Câu lạc bộ tình bạn với lớp tớ.
   Tôi cảm thấy không có hứng thú, nên lấy lý do mới đi về còn mệt, cáo lỗi với thầy Quân. Sau đó, đôi lúc tôi cảm thấy có gì không phải với Toan, nhưng rồi biết bao công việc của trường, của khoa, của gia đình cứ cuốn tôi vào, chẳng còn thời gian, tâm trí đâu mà nghĩ mãi cái việc đã qua ấy. Mà có nghĩ ngợi thì mọi việc cũng đã an bài, vậy quên đi là hơn. Và tôi đã quên, đã loại khỏi bộ nhớ sự việc ấy nếu không có cuộc tình cờ gặp Toan ở phòng đợi tàu này.
   Tiếng cô phát thanh nhà ga đã báo đến giờ khách lên tàu. Tôi ở toa 5, ghế ngồi vì chỉ đi tới Vinh còn Toan về tận Sài Gòn nên phải đi toa gường nằm ở cuối đoàn tàu. Tôi vội vàng chia tay Toan. Cũng như bao cuộc tình cờ gặp lại người quen biết cũ trong những chuyến đi, dăm ba câu hỏi thăm, có vui thì chúc mừng, có buồn thì chia sẻ, rồi hò hẹn gặp gỡ nhưng có thể lại quên ngay. Song lần này, tuy không còn phải đối diện với Toan nhưng hình ảnh em vẫn ám ảnh tôi không dứt. Tôi tặc lưỡi, thế cũng mừng rồi. Cuối cùng thì Toan đã không đi vào con đường “ca ve” nhơ nhớp. Tôi cũng bớt áy náy vì con điểm 3 đã cho Toan, thậm chí còn lấy làm mừng vì nó đã tạo cho Toan một lý lịch phải thôi học sạch sẽ để em có cơ hội làm lại từ đầu. Tôi cũng thầm phục mưu cao, kế sâu của thầy Quân.
 
   Đang miên man với những suy nghĩ về Toan, cảm xúc vui buồn lẫn lộn, thì bỗng nhiên thấy Toan từ đầu toa đi lại chỗ tôi ngồi. Em xin đổi vé gường nằm của mình cho một bác cao tuổi ngồi cạnh tôi. Bác ta đồng ý ngay. Toan chủ động ngồi xuống cạnh tôi, bảo: Tranh thủ ngồi cạnh thầy trò chuyện, chả biết đến bao giờ thầy trò mới lại gặp nhau. Trước sự vồn vã của Toan, tôi ừ ào, tỏ vẻ vui mừng cho phải lẽ. Tôi còn đang phân vân không biết nên hỏi Toan điều gì, thì em đã chủ động kể lại câu chuyện đời mình từ lúc buộc thôi học trong suốt đoạn đường từ Hà Nội tới Vinh. Tiếng của Toan lẫn trong tiếng của động cơ con tàu, tiếng bánh xe sắt rít trên đường ray, tiếng gọi, chào, mời, hỏi của hành khách và những người bán hành rong í ới nhưng tôi đã nghe không sót một từ nào. Cả một đoạn đời chìm nổi của Toan từ lúc phải cầm cái giấy thôi học trả về địa phương. Toan đã sống trong tiếc nuối, thất vọng, bế tắc, điều tiếng, nhục nhã cả một năm giời. Rồi không chịu nổi sức ép của dư luận, Toan đi theo một người chị họ làm công nhân dầu khí vào Vũng Tàu. Bà chị xin cho Toan làm hợp đồng cho một xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Công việc chính là bóc vỏ tôm, lương ngót 3 triệu đồng/tháng, đủ sinh hoạt và dành dụm chút ít phụ giúp cho mẹ ở quê. Toan đã dần hòa mình với cuộc sống của thành phố công nghiệp, nỗi đau buồn cũng nguôi ngoai dần. Đã quen với việc ngày đứng 8 tiếng bóc vỏ tôm thì Toan được điều động lên phòng Hành chính phụ giúp các cô giáo dạy lớp Mầm non do Công ty mở cho con em công nhân. Công việc chính là giặt giũ, lau sàn, rửa nhà vệ sinh, lúc rỗi rãi có thể lên lớp vui chơi cùng các cháu. Được tiếp xúc với trẻ Toan vui hơn. Thấy Toan có năng khiếu múa hát, kể chuyện, các bác, các chú động viên Toan đi học chuyên nghiệp. Vậy là Toan đã vừa làm vừa tự ôn tập để thi vào Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa- Vũng Tàu. Đỗ vào trường mừng nhưng lại thêm nỗi lo, vì không thể tiếp tục làm việc ở công ty thì lấy đâu ra tiền ăn học suốt mấy năm. Số tiền tích cóp được chỉ đủ cho Toan đóng tiền nhập học. Toan quyết định vừa học vừa kiếm việc làm thêm. Em tìm đến các nhà hàng ăn uống gần trường xin việc, chẳng nề hà việc gì từ bưng bê, rửa bát, đến quét dọn. Nhưng công việc ấy cũng bấp bênh, lúc có, lúc không, vì còn phụ thuộc vào lượng khách và thời gian học của Toan. Cô giáo chủ nhiệm lớp biết được hoàn cảnh của Toan đã nhận Toan làm con nuôi để có xuất xin cho em được làm thêm ở ngay Căng tin nhà trường. Công việc ổn định hơn, cũng không quá lam lũ như làm cho nhà hàng tư nhân, chỉ có điều suốt những năm học, Toan phải chi tiêu dè sẻn và không thể về quê thăm mẹ lần nào, kể cả nghỉ hè và tết. Trời chẳng phụ công người, hạnh phúc đã mỉm cười với Toan. Ra trường với quả học tập, rèn luyện khá, em lại được Công ty nhận về dạy học. Rồi cô giáo Mầm non nên duyên với một chàng kỹ sư Dầu khí cũng là người Bắc vào. Tổ ấm của họ bây giờ đã đủ 4 thành viên, nhà cửa đàng hoàng…
Nghe Toan kể đến đấy, không thể lặng yên được nữa, tôi nắm chặt tay Toan và thốt lên:
- Chúc mừng em! Thầy chúc mừng em. Thế là quá tốt rồi.
Nhưng tôi thấy nét mặt Toan không vui lắm, giọng đầy xúc động, em nói với tôi:
- Em cảm ơn thầy. Nhưng ở xa quê, xa mẹ quá thầy ạ. Lại nữa, em thích được làm cô giáo Văn hơn mà không được.
Với điệu bộ ông thầy, tôi động viên Toan:screenshot_1514
- Thỉnh thoảng về quê thăm mẹ là được rồi. Bây giờ cũng có nhiều người đi làm ăn xa em ạ. Tàu xe cũng không khó khăn như trước đây. Còn công việc, em được dạy ở thành phố là tốt lắm rồi. Dạy bậc học nào, môn học nào cũng có cái hay riêng của nó nếu mình hết lòng…
  Toan khẽ thưa “Vâng”, hệt như ngày xưa em còn học tôi, im lặng hồi lâu rồi khẽ cất tiếng hỏi, hình như là em đã rất đắn đo khi hỏi tôi:
- Thầy ạ, thầy cho em hỏi một câu. Em vẫn thắc mắc về bài thi lại hồi ấy. Em đã học rất kỹ. Cái Hương cũng học theo đề cương của em mà nó đỗ, còn em lại trượt.
Tôi giật mình, lúng túng, cố tìm lời giải thích:
- Tôi cũng không còn nhớ rõ bài thi của em hồi ấy, lâu quá rồi. Nhưng đề cương chỉ là bộ khung xương, còn khi làm bài cần phải phát triển thêm, phải bồi đắp thịt da cho nó thành hình hài riêng, lại còn cảm xúc và diễn đạt của người viết nữa, nên bài văn khác với đề cương em ạ …
   Toan lại khẽ “vâng” một cách chân thành, tiếng “vâng” của em trước câu trả lời chống chế, lấp liếm của tôi khiến tôi phải khẽ cúi đầu tránh cái nhìn của em. Im lặng. Toan nhìn đăm đắm ra ngoài cửa sổ con tầu, những cây cối, nhà cửa bên đường lờ mờ cứ loang loáng vút qua, rồi mất hút trong màn đêm. Không biết là Toan đang nghĩ gì. Em đang nghĩ về những ngày học ở Sư phạm Yên Bái chăng? Về con điểm 3 của tôi chăng? Tôi bỗng thấy như có hàng trăm con bọ mạt đang bò trên da mặt mình. Bỗng Toan lấy khăn mùi xoa chấm vào hai khóe mắt. Toan đang khóc thầm. Tôi định hỏi tại sao em khóc nhưng lại không dám nữa vì thấy câu hỏi ấy quá vô duyên lúc này. Hơn ai hết, tôi phải hiểu điều đó. Lòng tôi bỗng trống rỗng. Bao nhiêu công sức, mồ hôi, tâm huyết, đóng góp của mình cho ngành giáo dục, cho sự nghiệp trồng người mà tôi vẫn hằng tự hào giờ chẳng còn nghĩa lý gì khi mà tôi đã tước đi quyền học tập của một con người, lại là người đáng thương, đáng yêu, đáng trân trọng. Tôi vẫn chưa biết nói gì với Toan thì em đã quay lại nhìn tôi và hỏi:
- Hồi đó thầy có nghe tin đồn về em không ạ?
- Tin đồn gì cơ? - Tôi làm bộ không biết gì.
- Tin đồn là em đi làm gái ở nhà nghỉ ạ.
Tôi lại lần nữa giật mình nhưng cố lấy bình tĩnh, rồi lảng tránh câu hỏi của Toan bằng một câu hỏi khác:
- Sao em lại hỏi tôi điều đó? Nếu không phải như thế thì em có thể thanh minh …
Giọng Toan buồn hẳn đi:
- Mãi sau này, khi em bị về nhà rồi, bạn Oanh lớp trưởng mới nói cho em biết về tin đồn đó, chứ khi đó em không biết ạ.
Tôi muốn tránh một câu trả lời thì Toan lại run run nói tiếp:
- Mà hồi đó em cũng đi làm ở nhà nghỉ thật thầy ạ.
Tôi bất ngờ về sự thú nhận này của Toan. Sự thật đang được dần sáng tỏ. Cũng được, dù có muộn màng nhưng nó cũng làm cho tôi bớt áy náy vì sợ cho điểm oan với Toan. Tôi nói một câu an ủi, động viên:
- Mọi việc cũng đã qua lâu rồi, khép lại chuyện đó đi em. Nói cái hôm nay thôi. Em dạy trong đó chắc là vui lắm?
   Toan lại khẽ “Vâng”, nhưng tiếng “Vâng” lần này đầy nghẹn ngào, tủi hận. Rồi dường như không thể kìm nén nổi nữa, nước mắt em cứ tràn ra chảy thành dòng trên hai gò má. Lại nước mắt ư? Hóa ra em cũng giống như bao cô gái khác thôi, lấy nước mắt để cứu chữa cho những sai lầm và xin được tha thứ. Đang định nói một câu mà các ông thầy thường dùng để động viên những sinh viên bị kỷ luật, rằng hãy lấy đó làm bài học và đừng bao giờ mắc phải nữa, thì tôi bỗng giật thót mình như vô tình chạm tay vào một hòn than đang cháy đỏ khi nghe Toan nói trong nước mắt:
- Nhưng thầy ạ, em chỉ làm công việc dọn phòng, giặt đồ cho nhà nghỉ thôi. Ban ngày bận học nên em phải xin làm buổi tối, sợ các thầy biết không cho đi làm nữa nên em phải giấu diếm vụng trộm. Tiền công cũng chẳng đáng là bao, mỗi buổi tối vài chục đồng, hôm nào đồ giặt nhiều thì ông chủ mới cho tới 5 chục nhưng còn hơn mẹ em ở nhà làm cả ngày. Chủ nhà nghỉ có gợi ý làm việc khác, trả công cao nhưng em đã không dám. Thầy có tin điều em nói không? Đây là lần đầu tiên, và thầy cũng là người đầu tiên em kể về chuyện đó.
   Đây mới là sự thật ư? Nhìn Toan lúc này và bằng cả sự linh cảm nữa tôi tin là Toan đã nói thật. Tôi vội bảo Toan:
- Thầy tin, bây giờ thì thầy tin em. Vì hôm nay em vẫn là một cô giáo và em dám hỏi thầy về việc đó. Nhưng tại sao hồi ấy em lại đi làm thêm? Tại sao khi bị tin đồn ấy em không thanh minh?
   Toan lấy tay gặt nước mắt, nhìn thẳng vào em bảo: Là vì hoàn cảnh nhà em lúc đó khó khăn quá. Bố em bị tai nạn khi đi rừng khai thác gỗ, nằm liệt gường. Mẹ em là công nhân nông trường chè, sản phẩm làm ra không bán được, nông trường trả lương bằng chè khô, bán ra thị trường chỉ được nửa số tiền nông trường tính trả lương. Nhà không đủ khả năng nuôi cả 2 chị em em ăn học. Mẹ định bắt em gái em phải nghỉ học. Em không nỡ để em gái vì mình mà thất học nên phải làm thêm kiếm tiền tự nuôi mình. Em cũng biết làm ở nhà nghỉ là dễ bị hiểu lầm lắm nhưng không có chỗ làm nào khác. Vả lại em cũng nghĩ đơn giản là lao động chân chính thì có gì mà phải sợ. Ai ngờ sự việc lại diễn ra như thế. Chỉ tiếc là em đã không có cơ hội để giải thích, thanh minh về điều đó. Nhà trường thông báo em phải về vì học lực chứ không phải vì đạo đức. Lúc biết bài thi của em bị điểm 3, em đã tìm thầy nhưng thầy không có ở trường. Em trình bày với thầy Quân thì thầy gạt đi nói là, thầy còn lâu mới về, vả lại điểm thi đã thông báo rồi không thể thay đổi.
  Tôi lại không dám nhìn vào mắt Toan nữa. Em đấy. Lẽ ra tôi phải chấm ưu ái bài thi lại cho Toan kể cả khi nó chưa đạt để em đủ điểm lên lớp, đằng này bài em đáng được 5 thì tôi lại cho em con điểm 3 oan nghiệt như một phát đạn kết liễu những ước mơ và cơ hội cuộc sống của Toan. Vậy mà tôi đã đinh ninh rằng đó là một hành động nhân văn với em, cứu cho em còn danh dự. Nếu Toan không cố gắng vượt qua cái chết tinh thần ấy do tôi gây ra, rất có thể cuộc đời em sẽ rẽ sang ngả khác. Chắc em đã đau khổ, dằn vặt và oán trách tôi trong suốt những năm tháng qua. Tôi bỗng thấy hụt hẫng, chua xót và cả ê chề, xấu hổ với Toan. Bỗng nhiên tôi thốt lên: “Vậy ư? Hồi đó, tôi …”. Tôi đang định nói ra tất cả những sự thật về việc chấm bài thi lại của em hồi ấy, nhưng đã kịp dừng lại. Vì nó còn liên quan đến một người khác, đó là thầy Quân. Thầy đã mất được 2 năm với danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Hãy để cho thầy ấy được yên nghỉ. Lúc ấy, tôi chỉ mong con tàu nhanh chóng đến ga Vinh tôi sẽ xuống tàu, để không phải đối diện với Toan nữa. Điều đó cũng có nghĩa là tôi muốn chạy trốn với những sai lầm trong quá khứ của mình, để giữ cho mình một nhân cách sạch sẽ, thơm tho, dẫu không xứng được như thế. Cuối cùng thì tôi cũng thoát được được tình huống khó xử ấy. Tàu đã sắp đến ga Vinh, tôi thu xếp hành lý từ khi tàu còn cách ga đến hơn 10 cây số, tàu vừa dừng tôi vội vã xuống ga, hòa vào dòng người lạ lẫm, thở phào như vừa thoát được một cuộc truy xét.
   Trở về trường, tôi đã không nói cho ai biết cuộc gặp gỡ Toan. Tôi cố gắng không nghĩ nhiều về em nhưng hình ảnh em, nhất là đôi mắt em luôn chập chờn kể cả trong giấc ngủ. Tôi tự động viên mình rằng dẫu sao bây giờ Toan vẫn được làm cô giáo, có chồng con đàng hoàng lại ở một thành phố biển, khu du lịch xinh đẹp vào loại nhất nước, cuộc sống bình yên và hạnh phúc, vậy còn gì phải quá day dứt, buồn phiền, ân hận. Nhưng rồi những lý lẽ ấy vẫn chỉ là ngụy biện nó không làm tôi vơi đi được những ám ảnh, dằn vặt. Cũng không thể đổ hết lỗi cho thầy Quân. Tôi mới là người hạ bút cho điểm cơ mà. Nếu tôi không hồ đồ cả tin đến nỗi mù quang, không tắc trách, a dua, không vô trách nhiệm khi cầm bút cho điểm bài làm của Toan thì thầy Quân cũng không thể làm gì được. Thầy Quân sẽ phải đi điều tra, xác minh, Toan sẽ có cơ hội thanh minh, sự thật sẽ được sáng tỏ thì đâu đến nỗi Toan phải thôi học về địa phương. Nghĩ mãi cũng chỉ còn một cách là phải dũng cảm viết một bức thư nói hết mọi việc và xin lỗi Toan. Tôi đã làm như thế. Một bức thư khá dài, không biết khi Toan đọc xong lá thư của tôi em đã có tâm trạng và phản ứng như thế nào, có oán trách tôi nhiều không? Trong thư Toan gửi lại cho tôi em nói là tôi đừng quá suy nghĩ về chuyện đó nữa để ảnh hưởng tới sức khỏe, dẫu sao việc tôi cho em 3 điểm cũng xuất phát từ lòng tốt, từ việc muốn cứu vớt danh dự, mở ra một cơ hội khác cho em. Em còn bảo đó là con điểm định mệnh để đưa em tới Vũng Tàu, để được dạy học và xây dựng gia đình ở thành phố biển này. Nhưng trong thư Toan có một điều làm tôi vừa bất ngờ, day dứt hơn và sẽ vô cùng xấu hổ nếu mà tôi không viết thư nói rõ sự thật với Toan, đó là tất cả kịch bản của thầy Quân và sự tiếp tay của tôi, Toan đã biết từ trước khi đi Nam, cũng do lớp trưởng Oanh đã nói cho em biết. Còn người tung tin đồn chính là một bạn trai trong lớp- “điệp viên” của thầy Quân, tán tỉnh Toan không được, mượn cớ Toan làm thêm ở nhà nghỉ tung tin Toan làm “ca ve” để trả thù. Toan còn nói, em vẫn gữi tờ giấy của ông chủ nhà nghỉ cam đoan Toan chỉ là người giúp việc chứ không làm “ca ve”. Tờ giấy mà Oanh đã phải lạy lục, van nài ông ta mới có được nhưng lúc đó mọi việc đã xong xuôi, vả lại đấy không phải là lý do em bị trả về địa phương nên có đưa ra cũng chẳng giải quyết được gì. Toan bảo chỉ có sự cố gắng sống thật tốt, làm lại được cuộc đời mới là lời thanh minh có sức thuyết phục và ý nghĩa nhất.
   Đọc thư Toan đến đấy, tim tôi bỗng nhói đau, tôi phải dừng lại, ra ngoài trời làm động tác hít thở cho giảm bớt nỗi xúc động đang dâng tràn. Sự việc xảy ra đã cho tôi bài học sư phạm đắt giá không có trong các giáo trình. Phàm làm một việc gì liên quan tới vận mạng con người thì không chỉ sự thiếu thận trọng, chủ quan, võ đoán mà ngay cả lòng tốt không được sử dụng đúng chỗ cũng có khi thành cái ác gây hậu quả khôn lường.
   Mùa hè vừa qua, tôi đã gác lại tất cả mọi công việc để vào Vũng Tàu thăm gia đình Toan. Thầy trò chúng tôi có những ngày thật vui vẻ ở thành phố biển. Biển Vũng Tàu đẹp quá, tình cảm của vợ chồng Toan dành cho tôi cũng đầm ấm quá, giúp tôi xóa đi mọi mặc cảm. Tôi chỉ xin em được viết toàn bộ sự việc đã xảy ra thành một câu chuyện, không phải là để thanh minh cho em mà là để cho tôi được thanh thản ít nhiều và cũng mong đây như là một lời chia sẻ, nhắn nhủ, để không thầy cô nào mắc lại sai lầm như tôi đã từng mắc.
                                                                                      10/2015
                                                                                         N.H.L

 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
27-08-2024 13:56:24 VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN NGUYỄN HIỀN LƯƠNG!

Trả lời

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 30
Trong ngày: 294
Trong tuần: 1016
Lượt truy cập: 435680
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.