Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BÓNG ĐÁ VIỆT NAM

Cầm Sơn

NGHĨ VỀ BÓNG ĐÁ VIỆT NAM

 Việc thắng khen, bại chê là chuyện bình thường nhưng cũng cần nhìn nhận một cách khách quan. Theo tôi, công bằng mà nói ông Philippe Troussier không phải là kẻ bất tài và không phải là không muốn dẫn dắt tuyển bóng đã Việt Nam tiến bộ. Ý tưởng của ông ta rất lớn, ông ta muốn thay đổi hoàn toàn phong cách chơi của Việt Nam tiến lên một phong cách chơi đẹp, chơi hay bằng lối chơi hiện đại, cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp mắt. Có điều, trong một trận túc cầu ở một mùa giải thì người ta cần hiệu quả, tức là cần bàn thắng hơn là chơi đẹp. Trong “Binh thư yếu lược” từ thời Chiến Quốc đến binh pháp thời nay, người ta đều nằm lòng câu: “Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”. Ông Park Hang Seo là người như vậy! Ông Park hiểu bóng đá Việt Nam, hiểu người Việt Nam, ông biết rằng nếu chơi theo phương pháp tấn công tổng lực kiểm soát bóng thì thể lực vận động viên Việt Nam không thể so sánh được với nhiều nước trong khu vực. Ngoài ra, mục tiêu của bóng đá Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở tầm khu vực. Vậy nên trong mọi trận đo tài, chiến thuật của bóng đá Việt Nam là phòng ngự chặt, phản công nhanh, giữ tốc độ trận đấu theo nhịp chơi của mình không để cho đối phương cuốn hút mình vào tốc độ chơi của họ. Như vậy sẽ làm chủ được trận đấu và giữ được sức khỏe bền bỉ cho cầu thủ. Theo dõi các trận ông Park dẫn dắt, ta thấy có nhiều đội bóng xếp hạng trên ta nhiều bậc mà vẫn bị thua ta. Nhưng phải công nhận là khi theo dõi trận đấu trên sân, họ lấn lướt, chơi hay, chơi đẹp hơn ta rất nhiều. Chơi hay, chơi đẹp nhưng không đẩy được bóng vào lưới đối phương thì cũng không có giá trị gì vì mục tiêu của trận đấu là ghi được bàn thắng. Khi giữ được lưới sạch thì chắc chắn là được 1 điểm, bất ngờ lựa thời cơ ăn được một bàn thắng, và chỉ cần một bàn thắng thôi là đã được 3 điểm rồi, đâu cần gì phải ghi được nhiều bàn?! “Biết mình, biết người” là ở chỗ đó.

  Còn ông Troussier thì ngược lại, ông đã từng thành công vang dội ở các đội bóng tầm cao, tham vọng của ông là đưa đội tuyển Việt Nam lên ngang tầm với các đội bóng Châu Âu, sánh vai cùng bạn bè túc cầu Quốc tế. Ý tưởng thì tốt, phải nói là rất tốt và rất đúng hướng là đằng khác, nhưng có điều “Lực bất tòng tâm” bởi “Dục tốc bất đạt”.ongpark

  Không chỉ bóng đá, ở các môn thể thao khác cũng vậy. Tôi nhớ hồi cách đây nhiều năm, ở một phong trào thể thao cấp huyện môn bóng bàn, Huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có thày giáo cấp 2 tên là Trân tuổi khá cao so với độ tuổi bình quân của cầu thủ mà giữ chức vô địch toàn huyện mấy năm liền. Có điều người xem ông chơi bóng thì rất khó chịu, ông chỉ đứng lệch ở một bên góc bàn và luôn kiên trì đỡ những quả tấn công của đối phương. Cái tài của ông là đỡ bóng rất hiệu quả, quả nào cũng được ông đỡ đưa trả đối phương ngay trên mặt bàn hoặc chỉ cách mép bàn một đoạn ngắn. Đối phương tấn công nhiều thì phải chơi nhanh, còn ông cứ đủng đỉnh thong thả, đối phương tấn công thì phải chơi bóng dài, di chuyển nhiều, còn ông chơi bóng ngắn di chuyển ít, đỡ tốn sức. Tấn công mãi thì cũng có lúc đập trượt ra ngoài bàn hoặc đập rúc lưới, ngoài ra nếu sơ hở và thuận lợi thì ông bất ngờ đập một phát phản đòn làm cho đối phương đang đứng xa bàn không kịp trở tay. Người xem thì không bao giờ thích xem những trận có cầu thủ Trân chơi, nhưng hiệu quả thì rõ ràng là ông luôn thắng! Có điều cần hiểu rằng cầu thủ Trân chỉ có thể thắng là thắng ở giải cấp huyện chứ nếu ông đọ với các cầu thủ cấp cao hơn, kỹ thuật điêu luyện và thể lực sung mãn thì chắc chắn ông không thể chống đỡ nổi mãi được, đồng thời hình ảnh của ông trong mắt khán giả cũng sẽ không được hâm mộ cho lắm.

  Bóng đá chơi theo lối tấn công làm chủ trái bóng là lối chơi đẹp mắt và để có một nền bóng đá hiện đại thì phải theo lối chơi này. Có điều lối chơi này ngoài các yếu tố về kỹ, chiến thuật ra còn cần các cầu thủ phải có một nền tảng về thể lực rất tốt. Thể lực kém thì làm sao có đủ tốc độ để lấn lướt đối phương. Tuyển Việt Nam chúng ta không có uy thế về thể lực, đã “thấp bé nhẹ cân” lại được nuôi theo kiểu “bớt xén” thì nói gì đến thể lực tốt được. Chọi với một nền bóng đá đã có kế hoạch tuyển ngoại kiều về chơi cho đất nước hơn chục năm nay như Indonexia thì sao sánh được?!

  Không nên trách ông Troussier đến mức chửi bới, vì ông ấy cũng tâm huyết đấy, có điều không đồng bộ. Việt Nam rất cần bằng cách nào đó nâng cao được thể lực của các vận động viên lên hoặc học tập Indonexia, tuyển nhiều cầu thủ Việt Kiều có thể lực tốt từ nước ngoài trở về nước huấn luyện. Chịu khó “làm em” hoặc không tham gia giải một thời gian để huấn luyện lại, thay đổi cách chơi theo lối hiện đại, đó mới là kế sách lâu dài, bền vững. Bây giờ lại theo cách chơi của ông Park Hang Seo thì lỗi thời rồi. Cứ nói ông Park Hang Seo quay lại dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, tôi tin rằng không bao giờ ông ấy lại dại dột quay trở lại làm huấn luyện cho đội tuyển Việt Nam nữa vì dẫu ông ấy có quay trở lại thì kết quả cũng sẽ không hơn gì. Thực ra thành tích của ông Park Hang Seo thời ấy mới chỉ ở cấp bóng đá khu vực chứ ra tầm cao hơn thì bị “bóp” bẹp rúm ngay. Kể cả ở tầm khu vực, cách chơi này cũng không còn phù hợp với sự phát triển của bóng đá thời nay nữa. Indonexia của ngày hôm nay không phải là Indonexia của ngày hôm qua và nhiều đội bóng khác trong khu vực cũng vậy! Ông Park Hang Seo không làm thì hào quang của ông sẽ còn lấp lánh chứ quay trở lại làm thì hào quang ấy cũng sẽ tắt lịm, không khéo lại còn bị người hâm mộ ném đủ mọi thứ vào người như ông Troussier.

  Bóng đá Việt Nam cần chấp nhận nhìn vào hiện thực. Thay đổi một cách đồng bộ, thay đổi cả cách làm việc của VFF và cần có cả thời gian nữa mới vực lên được.

  Đừng trách ông Troussier nhiều quá. Người đáng trách nhất là lãnh đạo VFF!

 

                                                                                                   C.S

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
29-03-2024 11:40:47 Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhất của HLV Philippe Troussier là dẫn dắt đội tuyển Quốc gia Nhật Bản từ năm 1998 đến 2002 với thành tích vào vòng một tám (16 đội World Cup 2002). Đó cũng là thành tích lần đầu tiên trong lịch sử của đội tuyển Quốc gia Nhật Bản tại một kỳ World Cup. Công lớn trong thành quả này đã làm lột xác hoàn toàn bóng đá Nhật Bản. Ông được giới huấn luyện viên đặt cho biệt danh: “Phù thủy trắng”. - Khi ông nắm quyền huấn luyện đội U.20 Nhật Bản dự World Cup U.20 năm 1999 đã đưa họ đi thẳng vào chung kết chỉ chịu thua đội U.20 Tây Ban Nha (Đội Nhật Bản ẵm Huy chương bạc) - U.23 dự kỳ Olympic 2000 tại Úc, HLV Philippe Troussier cũng đưa đội Olympic Nhật Bản vào đến tứ kết môn bóng đá nam. Sau thành công với bóng đá Nhật Bản, HLV Philippe Troussier còn là người đặt những nền móng đầu tiên cho bóng đá Qatar khi dẫn dắt đội tuyển nước này giai đoạn năm 2003 - 2004. Ông cũng từng dẫn dắt CLB hàng đầu tại Pháp như Marseille và các đội tuyển mạnh khu vực châu Phi như Ma Rốc, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Burkina Faso, Nam Phi.... Chắc chắn Thất bại khi dẫn dắt tuyển Việt Nam là một nỗi đau đớn tột cùng trong lòng ông Troussier nên chúng ta cũng cần cảm thông với ông ấy. Mục tiêu đặt ra lớn nhưng "Lực bất tòng tâm". Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng: Bóng đá Việt Nam dẫu được ông Park dẫn dắt lên tầm hàng đầu khu vực nhưng là một vị trí không bền vững, chưa có nền tảng vững chắc. Người hâm mộ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào nền bóng đá thiếu nền tảng ấy!

Trả lời

 
28-03-2024 09:58:38 VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

Trả lời

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 64
Trong ngày: 217
Trong tuần: 948
Lượt truy cập: 435565
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.