Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BIỂN BUỒN

Nguyễn Khánh Hội

BIỂN BUỒN (Bút ký)

  Chẳng biết tự bao giờ huyện đảo Vân Đồn được phân chia thành hai quần đảo. Quần đảo tuyến ngoài gọi là quần đảo Vân Hải gồm năm xã: Minh Châu - Quan Lạn - Ngọc Vừng - Bản Sen - Thắng Lợi. Quần đảo tuyến trong gọi là quần đảo Kế Bào, gồm sáu xã và một thị trấn: Đông xá - Hạ Long - Vạn Yên - Đài Xuyên - Bình Dân - Thị trấn Cái Rồng.

  Hai quần đảo Kế Bào và Vân Hải nằm hai bên ôm ấp lấy Vịnh Bái Tử Long xinh đẹp đầy thơ mộng. Cảnh vật ở đây lung linh, huyền ảo, đã làm say đắm biết bao du khách về vẻ đẹp hoang sơ kì vĩ này khi đến với Vân Đồn. Chẳng thế mà cách đây 600 năm khi Nguyễn Trãi qua đây đã cảm hứng viết bài thơ: “Lộ nhập Vân Đồn”, bài thơ chữ Hán, được dịch giả Đào Duy Anh dịch như sau: “Đường đến Vân Đồn lắm núi sao/Kỳ quan đất dựng giữa trời cao/Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng/ Muôn lộc xanh om tóc mượt mầu/ Non biển gạn trong tay vũ trụ/ Tim gan chẳng núng sức ba đào/Trông bờ cây cỏ rờn rờn lục/ Nghe đấy người phiên vụng đỗ tàu”.

 Ngày nay biết bao nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hội họa, nhiếp ảnh, các nhà làm phim đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi, quảng bá huyện đảo Vân Đồn giàu đẹp. Nơi đây có truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường bảo vệ núi sông bờ cõi và xây dựng quê hương xứ sở, lại được thiên nhiên ban cho Vân Đồn một vùng đất biển bạc rừng vàng lại giàu tài nguyên khoáng sản. Phong cảnh thật sơn thủy lưu tình. Đã có một khách nước ngoài lưu bút vào sổ lưu niệm của Vân Đồn nói rằng: Đến Việt Nam mà chưa đến Quảng Ninh, coi như chưa đến Việt Nam, và khi đến Quảng Ninh rồi mà chưa đến Vân Đồn coi chưa đến Quảng Ninh. Lại có một khách viết hai câu thơ vào sổ lưu niệm: Vân Đồn cảnh đẹp của nhiều/Non xanh nước biếc sớm chiều thiết tha. Người Vân Đồn ngày nay tự hào về quê hương thân yêu của mình giàu đẹp, quyết tâm xây dựng biển đảo ngày càng vững mạnh và phát triển.

  Phát huy truyền thống ấy toàn đảng, toàn dân, toàn quân huyện Vân Đồn quyết tâm đưa Vân Đồn đi lên theo tình thần chỉ đạo của Trung Ương Đảng và Chính phủ: Xây dựng thành công khu kinh tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh nơi trọng điểm kinh tế phía Bắc.

  Ngày 19/8/2008 quyết định số 1296/QĐ-TTG của thủ tướng chính phủ phê duyệt qui hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Có quyết định này nhân dân huyện Vân Đồn ai cũng vui mừng phấn khởi và hy vọng là huyện nhà sẽ có những thay đổi lớn trong tương lai, và thực tế cũng đang phát triển rất mạnh.

screenshot_1740

  Nhưng mấy năm gần đây không ít người dân Vân Đồn lại có thêm những nỗi buồn lo và tiếc nuối. Số là các doanh nghiệp về đây thi nhau đào núi lấp biển, lấp cả một số ruộng vườn làng mạc và làm lên những việc động trời. Được trên qui hoạch thành lập các đô thị ven biển, có những doanh nghiệp đền bù đất cho dân bèo bọt kéo dài suốt 14 năm. Do giá cả không hợp lý, không đúng với chính sách của nhà nước. Trong thời gian 14 năm đó đã qua sáu lần thay đổi giá cho dân. Bắt đầu từ 16.000đ/1m2 đến 21.000đ/1m2 rồi 50.000đ/1m2 - 148.000đ/1m2 - 220.000đ/1m2. Cho mãi đến năm 2016 mới đưa lên giá 737.600đ/1m2. Hãy thử so sánh từ giá ban đầu đến giá cuối cùng khoảng cách là bao nhiêu lần? Trong 14 năm đó đất thì để cỏ mọc, dân thì thất nghiệp không có đất canh tác và chỉ biết mong chờ... Cũng cần nói thêm là 35ha đất ở đây nơi thì trồng được lúa hai vụ, nơi thì trồng được rau mầu các loại cho sản lượng rất cao. Trong thời gian 14 năm ấy, người dân đã chịu biết bao thiệt hại. Đã vậy gần 30 hộ dân ở đây lại được các công chức nhà nước xuống vận động cho dân chấp nhận cái giá bèo bọt đó của doanh nghiệp đưa ra, vận động không được thì hù dọa,.. Nhưng dân không nghe, tiếp tục khiếu kiện nhiều lần mới được cái giá cuối cùng đó. Có một điều đáng quan tâm là tại sao công ty đó lại được ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn và Thị Trấn Cái Rồng quan tâm tận tình đến vậy? Được dân phát hiện ra vị Giám đốc công ty này là em trai của một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh là có thật. Còn người ta kháo nhau là khi các doanh nghiệp được đền bù cho dân giá thấp thì những người có công giúp đỡ sẽ được bồi dưỡng cao hơn, thời đại này chẳng ai làm không cho ai bao giờ. Vì vừa qua công tác giải phóng mặt bằng của huyện Vân Đồn còn có nhiều bất cập. Cứ để cho dân khiếu kiện lên xuống rồi mới được tăng giá. Vậy tại sao không áp dụng cái giá cao ấy ngay từ đầu để đền bù cho dân, để nhân dân được thụ hưởng cái giá của Đảng và nhà nước đã ban hành mà lại cứ quan tâm đến các doanh nghiệp như vậy? Cho nên dân kháo chuyện trên cũng không có gì khó hiểu.

  Còn các công ty khác thấy dự án lấn biển thì ít phải đền bù cho dân. Vậy là họ tung hoành đào núi lấn biển, có nơi từ bờ ra biển một vài trăm mét, có nhiều nơi lấn ra hàng ngàn mét. Chỉ riêng ba điểm từ xã Đông Xá - Thị Trấn Cái Rồng - xã Hạ Long đã có năm công ty vào lấn biển theo qui hoạch gần 500ha rồi, chưa kể họ còn lấn ra rồi lại xin cấp bổ sung tiếp.

  Khi san lấp xong, phần lớn các công ty nhanh chóng cho xây dựng hạ tầng cơ sở rồi chia lô để bán với giá rất cao theo từng thời điểm.

  Ngày 16/10/2017 theo công văn số 54KH-VBND, kế hoạch lấy ý kiến cử tri và Hội đồng nhân dân các cấp về việc thành lập đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Được các cấp xuống dân phổ biến, giải thích tương lai viễn cảnh khi được thành lập: Đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn. Có thể nói 100% các gia đình được phát phiếu thăm dò đều đồng ý để trên cho thành lập đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn. Giá đất bắt đầu tăng lên từ đấy. Một số dân trong diện bị thu hồi đất được cấp một lô đất để tái định cư theo giá ưu đãi của nhà nước. Do không biết được qui hoạch nơi đất ấy có giá trị, nên họ không lấy. Trong khi đó, một số công chức hiểu rõ giá trị lô đất đó mua lại với giá nhà nước rồi bán đi với cái giá hơn tỉ đồng một lô. Vậy là chỉ trong thời gian ngắn họ đã kiếm được tỉ đồng trên một lô đất đó. Có người vụ này kiếm được vài chục tỉ đồng, xây nhà mua xe hơi hạng sang. Chỉ khổ cho dân nghèo không biết gì thiệt đơn lại thiệt kép. Đất Vân Đồn được các nhà kinh doanh bất động sản thi nhau thổi giá lên cao ngất ngưởng, có nơi lên tới 40 - 50 triệu đồng trên một mét vuông. Cứ người này bán cho người khác, số người cò đất phát triển và làm giàu nhanh chóng. Có nhiều người kiếm được vài chục tỉ đồng đặc biệt còn có người kiếm được cả trăm tỉ đồng. Đất ở các đô thị trên được các đại gia, dân buôn bán có điều kiện mua để chờ thời, hoặc có một số quan chức được biếu tặng hoặc mua với cái giá nội bộ, còn người dân lao động ít người mua được vì giá quá đắt. Trong thời gian đó, các sàn giao dịch mua bán đất bất động sản mọc lên khắp nơi. Hiện tại thì các đô thị xây dựng nhà ở còn rất khiếm tốn, chỉ có vài công ty đang xây dựng hạ tầng cơ sở và công trình công cộng rất hoành tráng để chào mời khách đến mua đất. Có công ty đã xây dựng nhà chung cư để bán, có công ty chỉ đổ đất lấn biển xong còn để cỏ mọc. Từ cuối năm 2019 đến nay nhiều sàn giao dịch mua bán bất động sản đóng cửa, còn lại số ít nhưng không sôi động như trước nữa. Có lẽ vì họ được tin chính phủ chỉ quyết định thành lập khu kinh tế Vân Đồn thôi!

  Một điều cũng đáng được quan tâm ở đây là khi giá đất tăng lên thì tình người tụt xuống. Không ít những gia đình bán đất kiếm được nhiều tiền, nhưng niềm vui thì ít nỗi buồn thì nhiều, cảnh gia đình tan nát, bố con từ mặt nhau, anh em mâu thuẫn chia rẽ rứt tình ruột thịt, còn có cả trường hợp thật đau buồn vì đất mà “Huynh đệ tương tàn” đánh giết lẫn nhau gây án mạng. Cũng chỉ vì đất mà không ít bà con làng xóm tắt lửa tối đèn có nhau, gây mâu thuẫn mất đoàn kết. Cũng có những gia đình bán đất được nhiều tiền không biết đầu tư gì làm ăn cho hiệu quả, rốt cuộc con cái hư hỏng ăn chơi xa đọa có thể trở lại tái nghèo. Một thực trạng nữa đáng được quan tâm là đạo đức xã hội hiện nay đã và đang xuống cấp, nay vì đất lại xuống cấp thêm ở một số người, kể cả cán bộ và nhân dân. Thật là “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Điều đáng chú ý là hơn 20km chiều dài bờ biển đã bị vùi lấp không thương tiếc ở ba đơn bị hành chính nói trên. Nhiều người dân sống ở đây bao đời ở ven bờ biển này không khỏi sót xa luyến tiếc ngậm ngùi, với biết bao nguồn lợi thủy sản qúy hiếm bị vùi lấp. Có ai biết rằng dọc theo bờ biển này được thiên nhiên ban tặng tạo ra một giải bờ biển biển tuyệt đẹp, yên bình, ít sóng gió to, lại có rừng ngập mặn và hàng ngàn hòn núi đá vôi che chắn tầng tầng lớp lớp uốn lượn quanh bờ Bái Tử Long xinh đẹp. Vì vậy bờ bãi này có hàng trăm loài sinh vật biển vào đây trú ngụ, phát triển thành bầy đàn: như tôm, cá các loại, mực, cua, ghẹ, bề bề và các loại nhuyễn thể như: hầu hà, nghêu sò ốc hến, ngán, tu hài, móng tay, hải sâm, xá sùng trắng, xá sùng đen… Đặc biệt là bãi bờ ở đây do trầm tích hàng triệu năm đã tạo ra rong rêu bùn cát ở từng vụng bãi khác nhau, rất thích hợp cho các loài thủy hải sản vào sinh sống và phát triển rồi trở về với biển cả. Có vụng bãi toàn là cát phù hợp cho xá sùng trắng phát triển rất nhanh. Xá sùng là một lọai đặc sản quý thơm ngon bổ dưỡng, có giá trị kinh tế rất cao. Một kilô xá sùng khô có giá từ 4-5 triệu đồng. Một người chuyên đi đào xá sung, một tháng có thể kiếm được 10-15 triệu đồng là bình thường, có người giỏi đào còn được hơn thế. Thu nhập như vậy mới đủ tiền sinh hoạt cho cả cuộc sống gia đình và nuôi con cái ăn học. Những người dân khai thác xá sùng ở đây không biết bao đời rồi. Sản phẩm làm ra bán được không bị ế bao giờ cả. Mấy năm gần đây có vài doanh nghiệp vào lấp hết bãi xá sùng của họ và chỉ hỗ trợ cho một người khai thác xá sùng chuyên nghiệp là 6 triệu đồng, còn người khai thác không chuyên nghiệp thì được ít hơn. Dân không nghe kéo lên huyện kiến nghị phản đối thì doanh nghiệp mới tăng tiền hỗ trợ lên 40 triệu đồng trên một người. Cũng cần nói thêm rằng số tiền hỗ trợ mới như vậy cũng chưa thỏa đáng với họ, vì không lấp bãi xá sùng đi thì họ sẽ được khai thác mãi mãi, năm này sang năm khác, đời này tiếp nối đời khác, không bao giờ hết được cả. Tổn thất, thiệt hại này là to lớn đối với cuộc sống của họ. Nhưng trên đã quyết thì dân phải chịu thua, phải nghe phải chịu, còn biết kêu ai được nữa. Còn những người đi kiếm ăn như cạo ngao, sò, ốc, hến, tôm, cua, đánh cá ven bờ theo con nước thủy chiều lên xuống thì buồn tê tái.

  Nếu còn bờ bãi biển như xưa, thì những người đi kiếm ăn khai thác hải sản đa dạng và đủ các lứa tuổi, chỉ một vài tiếng đồng hồ là cả nhà đã có bữa cơm đầy ắp hải sản tươi sống thơm ngon bổ dưỡng.

  Ở quần đảo Vân Hải có hai bãi xã Minh Châu và xã Quan Lạn là nơi có bãi xá sùng lớn nhất. Vậy mà đã có những doanh nghiệp hút cát ở hai bãi xá sùng nói trên chở về đất liền bán để làm bờ bãi du lịch. Nguy cơ mất bãi xá sung trông thấy. Dân xã Minh Châu kiến nghị lên xã lên huyện không được giải quyết, buộc phải kéo lên ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kêu cứu. Được tỉnh chấp nhận yêu cầu của dân, chỉ đạo cho dừng khai thác cát ở hai xã nói trên họ mới chịu dừng. Nhưng họ đã làm tổn thất không nhỏ đến hai bãi xá sùng lớn ở hai xã Minh Châu – Quan Lạn. Nhưng hiện tại hai điểm này vẫn còn có những nguy cơ bị xâm lấn, và cả vùng rừng ngập mặn của quần đảo Vân Hải chứa đầy hải sản quý cũng bị đe dọa.

  Trở về quá khứ một chút. Vào những năm thập niên 70-90 ở thế kỷ trước, kinh tế ở nước ta còn nghèo lắm, đời sống cán bộ, công nhân gặp nhiều khó khăn. Nhưng những người dân được sống gần bờ bãi biển, biển đã hào phóng giúp họ nâng cao đời sống hàng ngày. Nhớ về thời ấy, chiều đi làm về ai cũng vội vàng cơm nước xong là chuẩn bị cái đèn cái nơm hoặc vài cheo lưới bén chờ tối đến khi nước hây hẩy lên là đã có mặt. Trừ những ngày con nước kém, còn tối nào chúng tôi và mọi người dân đi soi tôm, soi cá, thả lưới bén, không khí thật rộn ràng, tấp nập đèn đóm sáng rực như hoa đăng kéo dài hàng chục kilomet. Buổi nào chí ít cũng bắt được một vài cân tôm, dăm ba cân cá, nhiều buổi xấu trời tôm cá lao vào bờ mỗi người có thể bắt được 5-10 kg tôm cá. Nên đời sống đỡ khó khăn trong thời bao cấp. Bây giờ nghĩ đến bờ bãi biển xưa mà tiếc thầm, xót xa không biết kêu ai! Vì có kêu cũng chỉ được trả lời giải thích đó là qui hoạch của trên, đó là dự án đã được phê duyệt… Vậy còn biết nói gì thêm nữa. Còn biển xa bờ thì ngày đêm dã cào, lưới vét, xiếc điện, xung điện, lồng bát quái, lưới mắt nhỏ, bị khai thác đến cạn kiệt, kể cả trứng mới đẻ ra cũng bị hủy diệt. Mặc dù đã có lệnh cấm đánh bắt hải sản bằng những dụng cụ trên. Đã có các cơ quan chức năng kiểm tra bắt giữ nhưng không triệt để. Tình trạng này vẫn tồn tại như thách thức các cơ quan chức năng. Và chúng tôi thật khó hiểu vì sao họ vẫn tồn tại khi khai thác hải sản trái phép cả ban ngày. Trộm nghĩ cứ đà này thì thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai sẽ không còn được biết đến những đặc sản quí hiếm ấy nữa; có chăng chỉ biết qua tranh ảnh hoặc những bài văn, bài thơ mà thôi.

Bây giờ thì buồn thay cho các gia đình ở gần bãi biển xưa biết làm gì để kiếm sống, khi bờ bãi biển không còn? Những gia đình có điều kiện thì sắm được tàu thuyền đánh cá xa bờ, và nuôi trồng thủy sản. Còn lại những gia đình điều kiện kinh tế kém, lao động lớn tuổi lại không có nghề nghiệp, học vấn, nên xin vào đâu cũng khó. Giờ họ chỉ biết đi làm thuê mướn được ngày nào hay ngày ấy, tháng nào hay tháng ấy. Đời sống của họ gặp không ít khó khăn, cuộc sống bấp bênh, sinh hoạt trở nên tằn tiện hơn. Muốn ăn một bữa cá hay hải sản tươi sống như xưa thật xa vời với họ. Vì giá cả và hải sản khai thác xa bờ và nuôi giá rất cao, nên chỉ dám mua loại cá nhỏ đã qua ướp đá hoặc ướp đạm về mà ăn thôi.

  Bãi bờ biển xưa đẹp hiền hòa hoang sơ là như vậy. Khi thủy triều rút, từng đàn cò biển, chim biển bay tới cần mẫn kiếm ăn đủ màu sắc; trên bờ là những thảm hoa rau muống biển nở tím, đẹp đến nao lòng bên cạnh những bụi cây dành dành nở hoa trắng thơm lừng, hoa sú vẹt thơm ngai ngái lan tỏa khắp vùng, bầy ong xà xuống hút nhụy về làm mật. Xa xa những bông hoa chon chón già rụng xuống được gió biển thổi bay quay tít, lũ trẻ thi nhau đuổi bắt. Từng đàn cầu cậu (dã tràng ) to như ngón tay màu hồng đội đất chui lên kiếm ăn rồi xây nhà đắp tổ, xe những thảm hoa văn đẹp đến lạ kỳ, khác nào con người dệt gấm thêu hoa vậy.  Tiếp đó là lũ lượt người từ những đường mòn lối mở tỏa xuống bãi biển mò bắt hải sản đủ loại. Mỗi người đem một dụng cụ bắt cho riêng mình. Những người đào xá sùng ở bãi cát thì đem mai, người đào xá sung đen gần bờ thì mang cuốc; người lấy ngao, sò, ốc, hến thì đem cái cạo sát, hay cái muôi; bắt con ngán thì đem móc sắt, người bắt bề bề thì đem ống thổi; người bắt cá thì đem vài cheo lưới bén, hoặc một vằng lưới kéo. Không khí thật nhộn nhịp đông vui, cười nói rộn ràng hối hả. Thỉnh thoảng lại có những giọng hò, câu hát được cất lên nghe thật tha thiết yêu đời. Cuộc sống nơi đây thật chan hòa nắng gió tình người.

  Khi thủy triều lên, những con sóng nhỏ lăn tăn đuổi nhau nhè nhẹ xô bờ dào dạt, vuốt ve bờ cát từng đợt, hết lớp này đến lớp khác, tỏa ra những giải bọt trắng xóa. Từng đàn chim hải âu thi nhau trao liệng bắt mồi trên sóng. Những dãy núi đá lung linh đầy những sắc mầu hoa lá in xuống mặt nước. Những đoàn tàu xà lan chở hàng vội vã lướt qua, những chiếc thuyền câu cá ẩn hiện trong sương chiều mờ ảo. Bờ bãi biển đã gắn bó, nuôi sống biết bao đời người nơi đây. Con người ở đây thật yêu biển biết nhường nào. Khung cảnh này nếu còn cũng sẽ làm cho khách du lịch ngất ngây.

  Bờ bãi biển bây giờ ở đây nhưng không còn như xưa nữa, mà thay vào đó bằng những bờ bê tông chạy dài che chắn. Những con sóng biển giờ chỉ biết còn xô vào bờ bê tông tức tối, kìm hãm, phát ra những âm thanh kêu ọc ạch, bí bách, gò bó rồi tan ra những mảng bọt đục đục lênh láng vô hồn. Những ao vụng, đầm lầy đầy rừng ngập mặn mà ở đó biết bao thủy hải sản quý hiếm như: cua, ngao ngán, cá bống hoa, ốc đĩa, ốc tai, cá bộng lình, cá nhịch, xá sùng đen, vv…. cũng bị lấp đi. Những eo vụng gần bờ để tàu thuyền, bè vào neo đậu tránh bão hoặc tạo ra những bãi tắm mi ni thì thật tuyệt vời cũng bị vùi hết. Nghiêm trọng hơn là có nơi còn lấp cả dòng chảy tự nhiên nữa.

  Bờ bãi biển xưa, nơi đây đẹp tuyệt vời bây giờ chỉ còn trong hoài niệm của biết bao người dân huyện Vân Đồn. Hàng ngày, chúng tôi những người lính cựu chiến binh rủ nhau đạp xe thăm lại bờ bãi biển xưa trên bờ đường bê tông dài tít tắp. Qua những đô thị ven biển, lưa thưa vài dãy nhà khách sạn mọc lên đón khách du lịch, vài dãy ngôi biệt thự sang trọng của các đại gia về hưu, và một số hộ dân buôn bán khá giả, được xây dựng lên thưa thớt, còn lại phần nhiều các lô đất bỏ hoang cỏ mục um tùm nằm chờ…

  Thiết nghĩ đất bãi đồi núi của Vân Đồn không thiếu. Nếu các nhà qui hoạch có tầm có tâm thì nên qui hoạch với ý thức trách nhiệm, xem xét cân nhắc kỹ lưỡng, kết hợp giữa thiên nhiên và cuộc sống con người cho hài hòa, hợp lý, cách bờ biển khoảng một vài trăm mét. Được như vậy vừa thoáng đãng tươi đẹp, vừa giữ được nguồn lợi thủy sản quý hiếm mà bờ biển này đã được thiên nhiên tạo ra hàng triệu năm trước. Hiện tại còn hàng trăm hecta bãi xá sùng, hàng trăm kilomet bãi biển có rừng ngập mặn ở huyện Vân Đồn và các huyện miền Đông như Tiên Yên – Hải Hà – Đầm Hà – Móng cái cũng có thể có nguy cơ san lấp như hiện nay ở Vân Đồn.

  Thiết nghĩ, nếu có quy hoạch lấn biển phải kết hợp với các nhà khoa học, các nhà văn hóa, kinh tế của trung ương, chính quyền địa phương và người dân sở tại, cùng được tham gia xem xét có căn cơ kỹ lưỡng; thấy rõ cái được cái mất cho chiến lược phát triển kinh tế lâu dài rồi mới quyết định phê duyệt cho chính xác.

  Phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn của Chính phủ. Nhưng du lịch gì gì đi chăng nữa thì cũng cần có thực phẩm tốt để ăn. Đừng để các ông chủ doanh nghiệp tự do đi tìm kiếm đất biển lập các điểm dự án vàng, ít đền bù, có lợi cho các ông chủ; rồi các ông chủ doanh nghiệp làm tờ trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét ủng hộ và phê duyệt. Nếu các cấp không xem xét kỹ lưỡng mà vội vàng làm qui hoạch rồi ra quyết định phê duyệt như hiện nay thì thật tai hại biết nhường nào. Nghiêm cấm triệt để việc đánh bắt thủy sản có tính chất hủy diệt trái phép, có chế tài xử phạt đủ mạnh, có sức răn đe. Làm tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản không chỉ ở Vân Đồn mà còn cho cả tỉnh Quảng Ninh. Được như vậy mới phát triển bền vững kinh tế biển ở miền Đông Bắc nói chung, ở huyện Vân Đồn nói riêng.

                                                                                     N.K.H

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 149
Trong tuần: 756
Lượt truy cập: 449312
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.