Nguyễn Nhuận Hồng Phương
VỚI “ẢNH KỂ CHUYỆN LÀNG”
(Tác phẩm của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Tuấn do Hội Văn học – Nghệ thuật Vĩnh Phúc phát hành)
Đã từ lâu, cho dù quen và chơi với khá nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, kể cả cỡ tầm tầm lẫn siêu hạng, nhưng chưa bao giờ tôi được ai tặng sách ảnh. Cho nên khi nhận được cuốn sách "Ảnh kể chuyện làng" của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn tôi đã cảm động vô cùng. Sau khi xem, tôi đăng lên mạng lời cảm ơn cùng với dòng Comen: “Từ cảm động đến rung động rồi xúc động...". Và trong bài viết này tôi muốn nói về cung bậc của tâm trạng ấy.
Khi mở ra, ngay từ những tấm ảnh đầu tiên đã níu buộc tâm tư tôi đắm chìm vào nỗi nhớ nhung da diết đến người bà, người mẹ của mình đang từ nơi xa lắc trở về, hành trang mang theo là bao nỗi niềm trăn trở trên muôn nẻo đường đời trong cõi nhân gian đầy ưu tư, phiền muộn, trắc trở này... Và rồi những tấm hình người bà, người mẹ dường như không còn là của Nghệ sĩ Trần Tuấn hay là của riêng ai nữa, mà thể như một mối dây hoá cảm vô hình đồng điệu ràng buộc níu kéo tâm hồn con người vào sự rung động khát khao, thăm thẳm về một miền vừa thiêng liêng vừa yêu kính. Tôi nghẹn ngào như thấy từng giọt lệ thương đau khuất sau những nếp nhăn nhẫn chịu, gắng gỏi trong tâm thức của người phụ nữ Việt Nam đi qua cuộc chiến tranh ái quốc trong cái mím môi kìm nén; đôi vai gầy run rẩy; những vết hằn gồ ghề trên từng đường gân, thớ thịt của đôi bàn tay khô nháp, đen đúa, hao mòn, khắc khổ. Sự biểu cảm giản dị được thể hiện qua sắc màu đen, trắng đơn nguyên mang sắc thái biệt lập tưởng chừng khô cứng, nhưng không nhàm nhạt mà như những nét hoa văn được chạm khắc trên bức phù điêu hài hòa với chủ đề tư tưởng của một con người từng trải cùng với tầm nhìn sâu lắng…
Tôi lật tiếp sang trang, ùa vào thế giới hiện thực trong sự ảo diệu của người nghệ sĩ tài ba. Xen giữa những hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp “về làng” là bức hình ghi lại thời khắc dân làng tiễn đưa con, em mình náo nức lên đường nhập ngũ ở thập kỉ 80. Rồi tấm ảnh nụ cười tươi tắn, tự hào của chàng tân binh “miệng còn hơi sữa” hòa trong sắc màu quân phục xanh rời rợi của đoàn quân “Lính Cụ Hồ”. Sự đối xứng của những bức ảnh như lời bài hát “Vì nhân dân quên mình” ngợi ca về lịch sử truyền thống tiếp nối các thế hệ của Quân đội nhân dân Việt nam anh hùng. Nhưng Trần Tuấn không chỉ phô diễn những tấm ảnh mang tính điển hình, mà nghệ sĩ còn đưa ta “đi đến nơi" để “gặp gỡ" bao lớp người bình dị: Một dáng lưng còng in bóng trên đường xa ngái; một bờ vai gầy; một tấm lưng trụi trần thô nháp; một khuôn mặt trầm tư với ánh mắt vời xa khắc khoải; một mái tóc buông lơi cho ta lạc vào cõi tâm linh huyền bí...
Một cuốn sách ngót 300 tấm ảnh, mà tất cả chỉ quẩn quanh gói ghém ở cái làng nơi anh đã sinh ra, hẳn chưa nói hết được sự nghiệp bấm máy của một đời nghệ sĩ. Nhưng không mấy ai như Trần Tuấn lấy ảnh “Kể chuyện làng” và coi đó là sự trải lòng tri ân dành cho nơi chôn nhau, cắt rốn và những người thương yêu như lời mở đầu anh đã viết: “Trong tâm thức của tôi. Làng âm thầm cất giấu trong đất làng hai dòng sông. Một là dòng sông cười, hai là dòng sông nước mắt...". Tôi tin rằng, không chỉ riêng Trần Tuấn, mà bất cứ ai sinh ra từ làng và từ làng ra đi, cho dù ở đâu, hoặc đã trở thành “ông nọ, bà kia” mỗi khi tâm tư hoài niệm trở về với kí ức, vẫn luôn hàm chứa nhớ về nơi gửi gắm núm ruột của mình. "Dòng sông cười" và "Dòng sông nước mắt" thể như nét chấm phá của một bức tranh thủy mặc, như hai vế đối song hành đưa, dắt ta vào nhịp sống sinh hoạt đời thường của các thế hệ ở làng.
Để rồi như bị bùa mê, Trần Tuấn dẫn dụ ta vào cái "Tôi" của anh. Đâu chỉ là những bức ảnh đơn điệu mang ý nghĩa đơn thuần, mà sự sắp đặt có chủ ý, có tư duy, có phẩm cách, có tiết tấu, có nhạc điệu, có xưa, có nay, có trước, có sau, có xa, có gần... Mọi hình ảnh tăng tiến theo nhịp độ phát triển xã hội, được quy chiếu trong mối quan hệ tất yếu và rất lô gich mà con người luôn ở vị trí quyết định. Song, dường như ống kính của nghệ sĩ có đôi lúc còn ngập ngừng, băn khoăn về nhịp điệu cuộc sống đổi thay đến chóng mặt. Cùng với niềm vui đoàn viên thì đâu đó vẫn bắt gặp nỗi niềm man mác, bâng khuâng. Điều đó tự nhiên thôi, bởi cung bậc vui - buồn - sướng - khổ, nụ cười và nước mắt… đã là thi vị của cuộc đời mà ai người đâu dễ lãng quên. Cái làng xinh xinh, nhỏ bé, thơ mộng đáng yêu, đáng nhớ xưa cứ mỗi lần về thăm lại thấy ngỡ ngàng, lạ lẫm... Thể như đoạn kết trong bài thơ “Bóng làng" của thi sĩ Bùi Quốc Bình đã viết "... Cháu hỏi, ông như vờ quên/ Vờ quên lại càng thêm nhớ/ Đành hỏi người đi kẻ ở:/ Làng ta bây giờ về đâu?". Hỏi thì hỏi vậy thôi, chứ cái làng thực ra có “đi về đâu" đâu. Nó vẫn nằm nguyên ở đấy, chỉ có điều bây giờ "tấm áo làng" mỗi ngày mỗi khác. Cuộc sống đi lên, cái nghèo khó bớt rồi, nhà cửa khang trang, đường làng rộng mở... Mừng đấy, vui đấy mà sao vẫn thấy cứ xao xuyến, bâng khuâng nao lòng đến vậy. Chợt nhớ Nhà thơ Hải Thanh từng đau đáu với những câu thơ như một chiêm nghiệm để đời:"... Khi lũy tre là rào chắn kín làng/ Cửa nhà ai cũng mở/ Quê giờ quê đã lấm lết bụi đường/ Cửa làng mở mà nhà ai cũng đóng...".
Cho dù vậy, tình yêu chẳng bao giờ phai lạt trong trái tim những ai mang dòng máu của làng. Vâng, đúng vậy. Với Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Làng không chỉ là địa chí của một vùng cộng đồng dân cư hội tụ. Mà làng chính là Tình yêu – Một thứ tình yêu thiêng liêng, đầy đủ, trọn vẹn nhất trong tình cảm con người. Làng là nơi sinh ra Trần Tuấn, nuôi anh lớn lên bằng nguồn sữa ngọt lành; làng dạy anh bài học vỡ lòng đầu tiên về cách làm người. Để rồi như thiên định, làng chọn anh làm người tiếp bước, thêm vào cuốn biên niên sử lưu giữ cội nguồn bản sắc truyền thống lịch sử - văn hóa làng, mà những người đang sống và những người đã khuất, mặc cho những biến cố, thăng trầm vẫn một lòng trung trinh với hồn cốt của làng. Bởi vậy tôi mới hiểu vì sao trong lời tạ từ cuối sách anh gửi đến những ai xem cuốn sách “Ảnh kể chuyện làng” lời nhắn nhủ thiết tha: “Bạn ơi! Tôi muốn xin bạn vài giây im lặng khi vừa xem xong. Như vậy, ở nơi bạn tôi đã xin được một chút tâm nhang cho họ, những người thân, người làng đã khuất trong sách ảnh của tôi”…
Gấp sách lại lòng tôi bâng khuâng xúc động. Cùng với sự trân quí về công sức, trí tuệ và tài năng của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn, tác giả xin phép được coi bài viết này là đóa hoa lòng dành tặng cho cuốn “Ảnh kể chuyện làng” với tình cảm chân thành.
N.N.H.P
Người gửi / điện thoại