Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ÁNH ĐÈN LÒ (C8-C9)

Vũ Thảo Ngọc

ÁNH ĐÈN LÒ

8
   Tin thằng Để đỗ đại học làm Đáo không sao chợp mắt. Niềm vui của con nhưng là giấc mơ của bố. Bao năm vợ chồng Đáo gom nhặt, chắt chiu nuôi hai thằng cu Để và thằng cu Vui. Vợ chồng Đáo chỉ mong nó có sức khỏe, đủ điều kiện mà đi làm thợ lò như bố là vui nhất rồi. Không ngờ đời sống mới, bọn trẻ ở khu tập thể mỏ đều được học hành, đứa nọ nhìn đứa kia, với phong trào “học giỏi thoát nghèo” lây lan khắp nơi nên hai thằng cu nhà Đáo cũng hăng say học hành. Cũng may là chúng ham học hơn ham chơi chứ thời điểm thằng Để vào đại học cũng là lúc cơn bão ma túy tràn qua vùng mỏ. Xóm trên, xóm dưới hàng loạt thanh niên trai gái nghiện hút và chết oan vì những liều thuốc heroin ma quái ấy. Cả xóm nhìn trước, nhìn sau vợi hẳn đám thanh niên nhầng nhầng, nhỡ nhỡ… Cả xóm đều như ngơ ngác trước đại dịch mà đám trẻ dính vào còn nhanh hơn cả đám thiêu thân lao vào ánh sáng đèn mỗi khi thời tiết trở mùa.  Có hôm ông già Bính hàng xóm nhà Đáo, ông cũng dân làm lò như Đáo đã nghỉ hưu lâu rồi. Có Đáo nghỉ ở nhà, ông sang nói chuyện cả buổi về bọn trẻ con trong xóm bị nghiện heroin, ông Bính than thở:
-Sốt ruột quá chú Đáo ạ, không còn cách nào mà cứu chúng nó hay sao. Nhìn chúng nó đến tuổi thanh niên mà chả đứa nào đủ sức vác cuốc vào lò như cánh ta ngày trước, nghĩ mà nẫu ruột quá.
Đáo loay hoay tráng ấm pha trà khi ông Bính qua chơi, cũng chỉ biết thở dài, rót nước ra chén mời ông Bính, Đáo mở lời:
-Vâng, đúng là đại dịch, cũng chẳng biết làm thế nào, chả bù cho thế hệ anh em mình, lớn lên là chí hướng đi học hoặc xin chân làm lò anh nhỉ. Bác ở đây còn đỡ, chứ em từ quê ra mọi thứ bỡ ngỡ lắm, chả hiểu làm lò thế nào nhưng cứ được đi làm công nhân là phấn khởi lắm.
-Ừ, mà chúng nó giờ ham chơi đến lạ, cái thứ heroin quỷ quái tàn phá đến hãi. Hôm qua nhà tôi lại bị chúng nó câu mất con chó mực. Bà nhà tôi tiếc đứt ruột, chửi đổng mấy câu rồi đành về hậm hực thương con mực khôn đáo để. Đúng là cái bọn không còn gì là...  là…người nữa.
-Vâng, thế đấy bác ạ, nếu mà nó là …người nó đã không cùng quẫn thế. Hôm qua tổ thợ nhà em bên cánh Tân Lập cũng có nhà bị mất một thằng con. Mà thằng bố nó không nói thương xót, mà nói, cảm ơn ông trời mang nó đi sớm, để nó còn sống ngày nào nó đều làm cho bố mẹ nó muốn độn thổ với xóm giềng vì trộm cắp vặt để lấy tiền hút hít. Rồi thấy bảo giờ toàn loại thuốc tàu đểu, hút vào một thời gian thì ruột gan, tim phổi như bị cháy trong người, lúc nào người cũng như có lửa bên trong, chỉ thời gian ngắn thì lăn đùng ra…chết! Nghe phát hãi bác ạ.
-Ừ, thế thì mừng cho nhà chú, hai thằng cu ngoan ngoãn, lễ phép, học hành thì ham, mong cho bão gió đừng tạt qua là mừng rồi chú ạ. Thôi, tôi về, chè chú mua đâu ngon quá.
-Chè Thái đó bác, nếu bác thích em biếu bác một lạng nhé. Dân lò như anhem mình cứ phải chè xít như thế này mới bõ uống bác nhỉ.
-Ô, thế thì tốt quá, tôi cảm ơn, nhưng mà thôi, để đó đi, lúc nào chú nghỉ ca thì tôi qua uống còn chuyện trò, mang về pha nhõn tôi, uống cũng mất ngon.
- Vâng, tùy bác, em mua cho cả tổ thợ uốngmà, mụ vợ em quen cô hàng chè nên biết chọn chè ngon lắm bác ạ.
-Vâng, thế thì nhất chú, thôi tôi về đây.
   Rồi nhiều hôm ông Bính qua nhà chơi với Đáo quanh bàn chè Thái bốc khói, nước xanh ngắt, hương thơm lừng, ông Bính hay thở dài, vì lẽ, nhà ông có cả thảy năm đứa con, thì đến bốn cô con gái, chỉ có một cậu con giai. Vợ chồng ông Bính chiều thằng  Binh như chiều vong. Nào là nó là thằng “chống gậy”, thằng “cấn cơm, cấn sữa”, là niềm tự hào nối dõi gia tộc nhà ông. Nhưng đánh đùng một cái thì nó nghiện. Chị con gái cả đã đến nói với bố mẹ thằng Binh đang sa vào đám cờ bạc, nghiện hút đã bị bà Bính chửi té tát, đuổi ra khỏi nhà. Hàng xóm biết chuyện này, vì bá Bính đã đứng tận đầu xóm chửi đổng:
-Mẹ cha đứa thối mồm nào nói con bà nghiện hút, mày có nằm ở gầm giường nhà bà đâu mà mày dám nói con bà hút với nghiện. Cha tiên nhân chúng mày, ghen ăn tức ở à, mà đặt điều cho nhà bà. …
Cô con gái cả thì ra sức can ngăn:
-Mẹ về đi, mẹ buồn cười nhỉ, là con thấy nó sa vào đó, chứ hàng xóm ai người ta dỗi hơi, mẹ vào nhà đi, mẹ không nghe con có ngày mẹ hối không kịp…
Hai mẹ con bà Bính ầm ĩ cả khu xóm, thế nên ban đầu không ai biết thằng Binh nghiện, sau thì ai cũng biết. Ông bà Bính buồn bã, đi ra đường không dám nhìn hàng xóm, và thằng Bính nghiện thật, và nó bị …ung thư mất luôn sau đó. Nhưng nghe như các chị, các cô trong xóm thạo tin nói, nó bị chết vì si-đa. Cả xóm như ghẻ lạnh với nhà ấy, chỉ duy có vợ chồng Đáo còn giữ mối quan hệ bình thường, nên đến lúc nguôi ngoai thì ông Bính vẫn thường sang nhà Đáo uống chè và thở dài là như thế….
Giờ thấy thằng Để nhà Đáo vào Đại học, chắc ông còn thở dài nhiều hơn. Thói đời mà. Nhưng mọi sự đã muộn. Ai cũng biết thế, nhưng khi nhà mình xảy ra cơ sự thì cũng không nói trước được điều gì, chỉ còn nước chia sẻ với họ mà thôi, nhưng đôi khi chia sẻ với họ cũng không phải là dễ. Người hiểu thì bảo mình có ý chia sẻ, người không hiểu lại bảo mình tọc mạch nhà người ta nên cũng khó nói.
Đáo thì vẫn coi ông Bính như bậc cha chú nên vẫn trọng ông, dù hàng xóm có ghẻ lạnh vì đứa con ông chết vì nghiện. Suy cho cùng, đều là con người cả, ông có là vua hay là ăn mày thì ông vẫn là người hàng xóm của mình, nên Đáo vẫn giữ mối quan hệ thân thiết bình thường với ông. Có lẽ vì điều này chăng mà hàng xóm có người bảo, thằng cha Đáo rất ba phải, gió chiều  nào cũng che.
 
9anhminhhoa
    Năm nay đã qua tiết Cốc Vũ nhưng tịnh không có một cơn mưa đúng tiết như mọi năm, tháng Tư qua rồi tới tháng Năm, tháng Sáu vẫn khô hạn, nói chung, mùa mưa luôn là nỗi ám ảnh đối với người làm mỏ, nhất là cánh làm lò như Đán.
    Sang đến tháng Bảy, nếu đúng tiết như mọi năm thì đã mưa Ngâu ủ ê cả tháng, nhưng vẫn trời trong veo, mây trôi lang thang như sắp bước sang mùa thu tuyệt đẹp. Cánh thợ lò như  Đáo thì mừng thầm, đỡ phải gián đoạn công việc của mình. Vẫn đảm bảo ngày công đi làm là có thể duy trì cuộc sống gia đình ổn định. Nghỉ ngày nào thì lo ngày đó, cũng không đến nỗi như ngày xưa khó khăn, không có tích lũy trong nhà, nhưng thông thường, thợ lò mà phải nghỉ việc ở nhà thì buồn chân, buồn tay là gầy ngay bàn bài bạc, sát phạt nhau từ ít rồi cũng đến nhiều, vì thế, cứ mong trời yên, biển lặng đi làm bình thường thì vẫn hơn cả. Chính vì cái thôi thúc cơm áo, cái lo lắng phải “phòng cơ tích trữ” bao đời để lại nên trong cánh thợ lò của Đáo có vợ chồng nhà nọ còn không cả dám xây nhà, mua giường chiếu. Nghe chuyện nhà đó ai cũng nghĩ chuyện cổ tích nhưng là có thật. Dù có lúc hắn đã được tôn vinh là thợ lò có thu nhập cao nhất cánh thợ lò trong mỏ. Hắn đắp hẳn một cái bục xi măng giữa nhà để cả nhà cùng nghỉ ngơi, ăn uống được, căn nhà cấp bốn tuềnh toàng không có nổi một vật gì đáng giá. Có lần nhà báo về  hỏi chuyện để viết bài về hắn vì hắn là điển hình lao động của mỏ có thu nhập cao, nhà báo hỏi:
-Này, sao anh có thu nhập cao thế mà chịu ở khổ sở thế này. Bây giờ ai cũng cầu mong thoát khỏi nghèo khổ, còn anh thì, lại nằm sàn xi măng, ở nhà dột nát là sao, giữ tiền nhiều để làm gì thế?
-Có gì đâu, mỗi người một sở thích, là tôi đói khổ lâu quá rồi, giờ có nhiều tiền cũng chỉ sợ bị…mất! Chính vì thế, cứ để tiền ở ngân hàng, mỗi tuần ra “quẹt thẻ” để biết số tiền của mình là bao nhiêu cho…sướng. Cũng là hạnh phúc riêng của mình mà.
- Ui chao, chả lẽ, anh không chọn cho mình cuộc sống tươm tất mà lại chọn...ngắm tiền trong cái ô kính cây rút tiền ư?
-Thế mới nói, mỗi người một sở thích mà lại.
-Nhưng xây nhà, sắm xe, thì tiền vẫn là của mình, có đi đâu đâu mà anh lại không làm, lại cứ phải ở khổ sở thế này, mà tiền thì...đầy trong thẻ nhỉ.
-Ừ, thế mới gọi là mỗi người một tính.
   Nói rồi gã thợ lò ngửa mặt rít thuốc lào. Nhà báo đành chào thua anh chàng thợ lò được coi là lập dị số một của mỏ.
 Ông nhà báo hôm sau đến tổ thợ của Đáo kể lại, cả tổ bảo, đúng là tay thợ lò lập dị. Nhưng suy cho cùng vẫn là tâm lý của những người từ nông thôn ra đi như Đáo. Nỗi lo cơm áo luôn thường trực, nỗi lo thiếu đói chạy từng bữa ăn luôn thường trực người ta khi cứ phải phụ thuộc vào trời đất để trồng cây lúa, gieo cây ngô. Âu cũng là từ sự đói khổ, sự thiếu thốn triền miên một thời đã ám ảnh khi người ta đã có đủ ăn, đủ mặc nhưng vẫn canh cánh bên lòng cái sự thất bát mùa màng, cơ nhỡ không có cơm ăn mỗi khi vào độ giáp hạt. Nghĩ về anh bạn thợ lò ở mỏ kia như ông nhà báo kể, lại nghĩ đến mình, Đáo cũng có bao giờ không ngớt nỗi lo về cơm áo đâu.
Năm nay mùa mưa như trốn đâu, trời cứ trong veo. Nhưng rồi bản tin tin dự báo trên đài truyền hình đưa tin, ngày mai và tuần này vùng đông bắc có mưa, có một rãnh thấp, có một cột nước ở phía vùng đông bắc… ai cũng nghĩ, giời này có mà bổ đôi cũng chả mưa nổi. Nhưng ai ngờ. Mưa thật. Cơn mưa rà rã từ nửa đêm hôm nay cho đến hết ba ngày sau. Cả vùng mỏ lênh bênh trên dòng lũ. Nước mưa trên trời đổ xuống, nước biển bên dưới dâng lên, đúng là một thảm họa. Lò bễ ngập tứ tung. Mỏ ngưng làm việc. Đám nhà mấy thằng tổ thợ ở sát chân núi thì bị lũ tràn qua, phăng teo cả một gia đình tám người. Trận mưa lũ kinh hãi chưa từng có. Đáo và anhem tổ thợ ngưng làm công việc thường ngày là cho ra những tấn than tươi rói, mang niềm vui về cho vợ con mỗi ngày, mà là phải tham gia cùng các lực lượng kỹ thuật khác cứu mỏ.
Chưa bao giờ tâm trạng những người thợ mỏ sống trong nỗi lo cơm áo như mấy bữa này. Chưa bao giờ người vùng mỏ phải nhận cứu trợ của người nơi khác. Vậy mà cả tuần nay, phố mỏ ngập tràn tang tóc. Những chuyến xe cứu trợ về nườm nượp. Những thùng mì tôm, quần áo ấm cho trẻ con. Lại còn đang ngấp nghé vào đận khai giảng nữa chứ. Nhìn cái dãy nhà sát chân núi bị đất đá đổ trùm bằng địa mà thót tim gan. Người chết đã đau thương, còn người sống cứ nhìn đống bùn than trùm lớp nơi ăn chốn ở của mình hôm qua mà khô héo cả người. Mỏ phải huy động nhà văn hóa, trạm y tế cho dân ở tạm, thật là cảnh sểnh nhà ra thất nghiệp không thể tả nổi. May mắn cho nhà Đáo không rơi vào tình cảnh ấy, nhưng hai đứa trong tổ thì bị nặng quá. Nhà thằng Hậu vừa ổn định xây cho vợ con cái nhà bằng công sức thợ lò lương cao dăm năm nay, ai cũng mừng cho vợ chồng nó, ai dè, chớp mắt, hai mẹ con đi đón nhau ở nhà trẻ về đến cửa thì cơn lũ trên núi ập xuống. Hai mẹ con nó trôi mất tăm trong dòng nước đùng đục than đen giữa cơn cuồng phong đó! Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. Cả tổ thợ của Đáo cùng đau với Hậu. Còn nhà thằng Chiến còi may ...còn người, vì vợ chồng con cái chưa kịp về tới nhà thì lũ đã đổ ập cả núi bùn đất vào căn hộ tập thể xinh xinh đó. Khi vợ chồng con cái về đến đầu ngõ chỉ còn biết bưng mặt khóc, vì cái ngôi nhà thân thương của mình bỗng nhiên biến mất khỏi cơn đại hồng thủy như trong phim kinh dị. Vợ chồng trắng tay còn gì. Tài sản của vợ chồng trẻ đâu to tát gì với thiên hạ, nhưng với mình thì quá to, giờ không còn nữa thì hỏi rằng ai chả đau đớn. Nhưng mọi người động viên, dù sao có mất nhà mà còn người là tốt rồi. Trong hoạn nạn cứ phải động viên nhau như thế.  Âu nhà Chiến còn may hơn thằng Hậu nhiều vì vợ chồng con cái vẫn đủ, các cụ bảo dù gì cũng còn người còn của. Hôm saucả tổ Đáo phải thay nhau để tìm kiếm vợ con Hậu rồi lo hậu sự cho mẹ con nó. Nhìn thằng Hậu cao lênh khênh như cây bông ỏng mọi ngày đã chán, hôm nay nó càng tiều tụy hơn, nhìn nó cứ nghĩ nó như sắp thành bóng ma! Mọi người động viên, lo lắng, dỗ dành nó, nhưng hình như nỗi đau đè nặng quá nên nó như bị cấm khẩu cả mấy ngày đó. Trong cuộc đời Đáo đã nhiều lần làm công việc đưa tiễn đồng đội, người thân khi bị mất, nhưng chưa có đám nào đau như đám vợ con thằng Hậu. Đó thật là một nỗi đau không thể cất thành lời. Rồi cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Lãnh đạo các cấp đã huy động tất cả mọi nhân tài, vật lực để cứu mỏ sớm nhất để đưa mỏ trở lại  làm việc. Cả một mỏ lớn với hơn năm ngàn công nhân, biết bao hệ lụy của mỗi con người, mỗi gia đình trong cái cộng đồng tưởng nhỏ ấy nhưng vô cùng to lớn xoanh quanh hòn than nhọc nhằn. Là cả đống tài sản khai thác mỏ chìm trong nước trong các đường lò, là cơm đứt bữa của thợ mỏ, là trẻ ngưng đến trường vì mỏ chưa trở lại hoạt động.
 Mỏ ngưng khai thác đồng nghĩa với việc đe dọa sự sống của hàng vạn gia đình thợ mỏ. Nhưng ơn giời cũng may mà lãnh đạo cấp trên đã chỉ đạo nhanh và mỏ được cứu chỉ sau hơn một tháng mọi việc dần trở lại. Cánh thợ lò được mỏ gửi các đơn vị bạn cũng đã được gọi về. Niềm vui lại chảy tràn trên những gương mặt thợ lò vốn dĩ quá nhiều ưu tư. Những dòng than từ sau những cánh tay vạm vỡ của cánh thợ lò lại tuôn chảy. Đáo thấy cuộc đời thật là những khúc quanh không ngờ. Nếu cứ mải miết làm, mải miết toan tính thì chả có thời gian mà nhìn nhận xung quanh.
Nhiều lúc nghỉ ngơi trong đường lò tối thui, Đáo cũng hay nghĩ vẩn vơ. Anh tự thấy bằng lòng với cuộc đời mình, mong muốn thì vô cùng, nhưng mỗi niềm vui mà mình có được thì phải bắt đầu từ mỗi ngày mình từ gom nên mới có chứ.
Có một chuyện buồn làm anh đau mãi. Ấy là dạo tay Nguyễn Phô làm quản đốc phân xưởng của anh. Hắn không chỉ là một tay láu cá có hạng mà còn tham lam tột độ. Với vóc hình cao ráo, bộ mặt cũng phương phi xởi lởi, nhưng trong sâu thẳm con người ấy là một con người đội lốt quỷ. Hắn có giọng nói nửa nam nửa nữ, véo von và đầy mỹ từ sáo rỗng. Hắn cũng là con một ông thợ lò già của mỏ, được ăn học và trưởng thành từ cái mỏ này, nhưng không hiểu sao cái  “chất thợ” trong người hắn thì chả còn tẹo nào. Điều mà cánh thợ của Đáo luôn luôn ức chế. Đã là dân mỏ, phải ăn to, nói lớn, phải trung thực và nói thẳng, nói thật. Chứ đâu có hạng người cứ ẻo lả, véo von như vai hề diễn tuồng thế. Cánh thợ lò trong phân xưởng của Phô quản lý không ai ưa hắn. Không phải không ưa vì cái tính eo éo, ẻo lả đó, mà vì cái tính cướp đoạt quyền lợi của anhem một cách tàn nhẫn. Hắn bè bè cái miệng nói với anh em tổ thợ:
-Các anh cố gắng trong lò bao nhiêu thì chúng tôi, những người làm quản lý đều trân trọng sự lao động đặc biệt của các anh bấy nhiều. Cuộc sống mà, do phân công của xã hội, mỗi người một nghề, nên chúng ta phải hợp sức lại để cùng làm việc hiệu quả. Tôi cũng như các anh đều phải nuôi vợ con và lo chu toàn cho gia đình.
Hắn cứ thao thao như thế ở mọi cuộc họp sản xuất cũng như các cuộc vui khác. Hắn biết lấy lòng cánh thợ “chuột cống” của Đáo. Vì hắn biết bọn “chuột cống” là bọn làm ra của cải vật chất hàng ngày trực tiếp nên eo ẻo nịnh họ. Nhưng hắn cứ tưởng nịnh họ vài câu với những mỹ từ vô hồn đó thì họ ngu muội và hăng say làm kiếp “chuột cống” và không biết gì cả. Nhưng đến một ngày, chính là thằng Tâm rỗ, cái thằng ở cùng phố mỏ với Đáo, nó học rất giỏi, nhưng vì hoàn cảnh bố bị chết tai nạn trong lò, mẹ thì yếu, còn một đàn em phía sau, nó bỏ học và xin vào làm lò khi vừa rời ghế trường phổ thông thị xã. So ra trong tổ thợ, thằng Tâm rỗ được coi là có học nhất, dáng người thư sinh nhưng chẳc lẳn, năng suất lao động của nó cũng không bao giờ đứng cuối của tổ thợ. Nó tính nhẩm rất nhanh. Hễ có bảng lương về là nó phân chia tỉ mỉ và đọc cho anh em rõ từng mục, mục nào thưởng, mục nào phạt, trừ  các loại bảo hiểm, ủng hộ đóng góp vân vân và vân. Đến một ngày nọ, không hiểu sao bảng lương chia đúng như thế, nhưng lương thực lĩnh của cánh thợ lại không phải như thế. Khi hỏi kế toán phân xưởng thì kế toán nói hỏi quản đốc ấy. Khi hỏi quản đốc thì hắn trơn tru nói, hắn nói mà không một biểu hiện ngượng ngùng, sượng sập với những người đang cố gắng nghe hắn giải thích. Chắc hắn nghĩ cánh thợ như Đáo đều có bộ óc đần độn chăng. Giọng hắn trơn tuột:
-Tôi nói cho các anh biết, đừng có hỏi han linh tinh, lang tang, số  lương đó là do tôi đi ngoại giao với cấp trên về sản lượng của phân xưởng mà ra. Nếu không khai khống sản lượng thì làm sao có lương cao thế. Các anh tưởng các anh cuốc giỏi à. Không có đâu nhá. Nếu thằng Phô này mà không khéo léo ngoại giao thì còn lâu phân xưởng ta mới có năng suất cao để có tiền lương như thế. Vì vậy, lương các anh vẫn lĩnh đủ, phần dư kia là tôi phải để làm quỹ dự trữ đối ngoại của phân xưởng, tôi không ăn riêng mình tôi. Vì tập thể nhé. Tôi không tư lợi cá nhân. Tôi cũng đã nói với các anh rồi, tôi làm vì anhem, đồng chí, tôi vì cái tập thể này, chứ không làm bậy bạ như các anh nghĩ đâu.
 Câu chuyện tưởng dừng ở đó, nhưng không, thằng Tâm rỗ sau này nó yêu cầu cả tổ thợ của Đáo ký vào kiện quản đốc Phô thì Đáo mới tá hỏa cái lý do phải kiện là sao. Tâm rỗ bảo:
-Anh Đáo ạ, anh là đảng viên, anh không ký cũng được, theo quy định của đảng là không được kiện tụng vượt cấp chứ gì. Em thì không có gì ngáng trở cả, nên anh cứ vô tư mà chiến nhé. Anh ký vào, quyền lợi của anhem là ở đó. Nếu hôm nay chúng ta ngu ngày mai sẽ ngu thêm, và cuối cùng lũ “chuột cống” anh em mình bọn thằng Phô cướp trắng công sức lao động là không được đâu anh ơi.
-Trời. Kinh khủng thế hả cậu. Tôi ngu nên không hiểu lắm. Nhưng vì quyền lợi của anh em, có bịkỷ luật đảng, mất tổ trưởng tổ lò tôi cũng ký với anhem. Chúng mình sống chết có nhau chứ. Chỉ có cánh thợ lò với nhau mới hiểu nhau, cậu quá biết tính tớ rồi còn gì.
Sau khi trao đổi kỹ lưỡng mọi việc với Đáo, Tâm rỗ thảo đơn và cả tổ lò ký vào đơn tập thể kiện quản đốc Phô đã trắng trợn ăn chặn tiền lương của công nhân phân xưởng lò số 1.
Saukhi đơn tố cáo của tổ Đáo gửi lên ban giám đốc một tuần, thì Tâm rỗ có lệnh về văn phòng mỏ đối chất với ban giám đốc. Cả tổ thợ nôn nao lo cho Tâm. Trước hôm đi, Đáo bảo Tâm:
-Em cứ trình bày rành rẽ cho ban lãnh đạo mỏ hiểu, không sợ gì cả, chúng ta có chết sẽ cùng chết, anhem tổ thợ nhất trí với tôi không?
- Nhất trí.
Cả tổ thợ vung tay và cất lên giọng nói khỏe khoắn âm vang của những người thợ lò.
Tâm nghe Đáo nói thì trả lời luôn:
-Anh đã ký vào đơn tố cáo, em còn lo gì nữa, em không đơn độc trong cuộc đấu tranh này. Anhem cứ yên tâm, tôi sẽ đại diện tổ thợ đi đến cùng sự việc, phơi bày bằng được sự ăn chặn trơ trẽn của quản đốc Phô, miễn là anh em mình cùng sát cánh bên nhau là được.
Cả tổ thợ lại hô vang nhất trí.
Buổi họp của ban lãnh đạo mỏ với quản đốc Phô và người tố cáo là anh thợ lò Nguyễn Văn Tâm. Khi giám đốc mỏ gọi Phô phát biểu trước. Hắn vẫn be be giọng:
-Báo cáo giám đốc, tôi không ăn chặn, các anh ở phân xưởng tôi hiểu lầm chỗ nọ ra chỗ kia thôi. Bảng lương mỗi tháng đều được gửi cho anh em chi tiết, cẩn thận, có kế toán phân xưởng làm rất chuyên nghiệp. Đồng chí giám đốc cứ tin tôi đi.
Đại diện của tổ thợ Đáo được mời đối chất là Tâm rỗ, nó đứng lên rành rẽ:
-Báo cáo đồng chí giám đốc, đồng chí quản đốc của chúng tôi vẫn cố tình không nhận lỗi. Còn chứng cứ thì rành rành ra đó. Nhất là cuộc họp phân xưởng gần đây nhất, đồng chí ấy nói đã nâng khống sản lượng lên để lấy tiền của mỏ…
-A, anh Tâm vu khống tôi, tôi nói thế bao giờ…
-Tôi không vu khống anh, mà có bản ghi âm lời anh nói trước cuộc họp toàn phân xưởng ngày tháng năm...
-Chết tôi rồi. Đồng chí giám đốc ơi, tôi nói là nói ví dụ thế. Rằng tôi không phải là người ăn chặn, báo khống sản lượng như chỗ này, chỗ kia…
-Thôi anh đừng vòng vo nữa - giám đốc tên Hòa, dáng thư sinh, mềm mỏng cất lên dừng lời Phô lại và hướng về phía Tâm  nói luôn - Anh Tâm ạ, chúng tôi rất cảm ơn sự trung thực của tổ thợ các anh đã giúp chúng tôi biết được những khúc mắc lâu nay của anhem thợ lò xì xầm đâu đó. Giờ thì anh cứ yên tâm về, chúng tôi sẽ sớm giải quyết việc này. Còn đồng chí quản đốc Phô, yêu cầu đồng chí về giải trình đầy đủ vụ việc, ban lãnh đạo mỏ sẽ căn cứ vào các tài liệu chứng cứ vi phạm đến đâu xử đến đó.
Đồng chí giám đốc còn trẻ, phong thái đĩnh đạc và gây cho người ta độ tin cậy ngay từ khi gặp, khiến Tâm cũng vững tâm hơn khi ngồi đối chất với Phô. Cuộc họp kết thúc với nhiều sự ủng hộ của giám đốc đối với Tâm.
Khi mọi người vừa ra khỏi phòng họp, giám đốc Hòa bảo Tâm:
-Anh Tâm ơi, chúng tôi lần nữa cảm ơn anh đã góp phần làm trong sạch đội ngũ quản lý của mỏ. Những vụ việc này mà không ngăn chặn kịp thời, dễ gây những bất ổn trong mỏ.
-Vâng, cảm ơn giám đốc đã chia sẻ.
-Anh Tâm này, nói thật, có thể anh chưa biết về tôi, nhưng tôi đã tìm hiểu và biết hoàn cảnh của anh. Tôi biết anh còn trẻ, chưa đến ba mươi, nếu anh có ham học thêm, tôi tạo điều kiện anh đi học hàm thụ đại học nhé. Có điều kiện học tập vẫn tốt hơn, anh suy nghĩ đi, rồi báo cho tôi nhé.
-Ui trời, sao anh Hòa nói thế, tôi ở đây với ông bà, cha mẹ từ mấy đời, các anh trẻ ở nơi khác đến mỏ làm việc nhưng chúng tôi biết ai hay ai dở mà. Cảm ơn anh đã chiếu cố đến tôi. Tôi sẽ cố gắng để thực hiện mong muốn của anh và cũng là của tôi để được đi học. Tôi xin cảm ơn anh trước.
-Không có gì đâu anh, hy vọng mọi điều tốt đẹp anh nhé.
Giám đốc trẻ nắm chặt bàn tay thô ráp của Tâm. Lòng anh như có lửa. Niềm mơ ước đi học luôn là một mơ ước lớn với anh vì anh chưa bao giờ nghĩ đến. Sau này khi Tâm đã trở thành cán bộ quản đốc một phân xưởng, mỗi khi ghé qua phân xưởng đào lò của Đáo bao giờ Tâm cũng vào uống nước chè với anh em tổ thợ. Lớp thợ già đã về hưu vãn, lớp trẻ vừa vào cậu nào cũng măng tơ, hừng hực sức sống. Thấy Tâm ghé vào, bao giờ Đáo cũng giới thiệu trân trọng và đầy đủ với anh em tổ thợ dù họ biết rồi hay chưa biết cũng không can hệ gì. Lời giới thiệu ấy ngầm chứa tình cảm cao khiết mà chỉ anhem cùng cung lưng đấu cật bên nhau những lúc khó khăn mới thấu được:
-Giới thiệu với các cậu đây là anh Tâm quản đốc phân xưởng sửa chữa, anh nguyên là công nhân của tổ ta đấy. Tổ mình rất tự hào về Tâm, cậu ấy đã vượt lên bao gian khó để học được bằng đại học, giờ nên người rồi vẫn luôn nhớ tổ mình đấy.
-Ui trời, ông anh cứ tấm tắc khen em thế, xấu hổ chết, các em bây giờ chúng nó giỏi lắm đấy, thời thanh niên của anhem mình giờ lỗi thời rồi - Tâm biện bạch
-Không, chú mày cứ nói thế - quả thực sau khi chú mày đi học, mấy thằng như thằng Cát, thằng Quang, thằng Nhật đều theo gót chú đi học đấy. Thanh niên là phải có chí, cánh các chú hơn cánh các anh, đứa nào cũng thành đạt, thế là mừng rồi.
-Thú thực với anh, em đi học động  lực chính từ cái vụ tay Phô cố tình ăn chặn đồng lương của anh em tổ thợ. Anh không biết chứ, sau khi kết thúc buổi làm việc hôm đó, chính giám đốc Hòa đã khích lệ em đi học đấy.  Gia cảnh nhà em anh biết rồi, lỡ gánh giữa đường, nhưng cũng may em vượt qua, đúng là vượt qua vì lòng kiêu hãnh đó anh ạ. Hòa nó bảo, từ nhỏ em đã biết anh học hành thế nào rồi, em biết anh không chịu lùi bước đâu, anh đi học đi, khó khăn gì em giúp. Nhưng nói thật với anh Đáo, em chỉ xin mỏ cho đi học, còn mọi việc em vẫn phải tuân thủ các công việc bình thường để có tiền mà đi học, đi thi…Ui trời, cũng gian lắm đại ca.
Đáo biết, nhờ chí thú làm ăn, học hành, Tâm đã nên người dù ở cái tuổi mà bạn bè đã đâu vào đây, công danh, sự nghiệp vợ con. Nhưng muộn còn hơn không. Với Tâm là cố gắng và nỗ lực phi thường. Từ anh thợ cuốc lò trưởng thành là một cán bộ cứng ở mỏ cũng hiếm. Được cái Tâm đã trải qua lao động  thực tiễn nên khi được ban giám đốc cân nhắc đề bạt anh đảm nhận nhiệm vụ cũng không khó khăn gì. Tổ thợ có mấy tay cũng theo chân Tâm đi học, giờ đứa nào cũng làm cán bộ. Nhiều khi Đáo nghĩ, đúng là không có học thì chả nên trò trống gì. Vì Đáo đã lớn tuổi, hơn nữa vợ con đùm đề, mà học đối với Đáo là cả vấn đề. Đáo cũng đã vượt qua được cái bằng trung cấp là tốt lắm rồi, anh bằng lòng với khả năng của mình. Nhìn cánh đàn em trưởng thành thì mừng thêm cho họ. Bây giờ cuốc mỏ cũng khác ngày xưa. Không còn phải cực nhọc như xưa mà đã được hỗ trợ kỹ thuật tiên tiến rất nhiều nên cánh thợ lò cũng đỡ đi nhiều công đoạn. Vì thế năng suất cũng cao hơn và đương nhiên sản lượng cũng cao hơn thì tiền lương cũng đảm bảo. Nhưng sự hiểm nguy thì lúc nào cũng rình rập. Bữa trước ở mỏ Khe Hai có sự cố bục nước. Tổ Đáo được huy động sang để cứu anh em tổ lò bên đó. Chỉ kinh nghiệm của cánh thợ lò mới nghe được tiếng nhau,nghe được hơi thở của nhau trong sâu thẳm lòng đất để rồi tìm cách cứu nhau. Một ngày, hai ngày, ba ngày…thời gian như trĩu nặng xuống cả bầu trời vùng mỏ. Mười người còn mắc kẹt trong lò sâu. Lòng đất thì tối thui. Những ngả đường để cứu anh em thì đều bị bùn than lấp kín. Phải thuộc lò bễ lắm mới có thể ứng cứu được cho anh em. Rồi từng người, từng người… thoi thóp được cứu ra. Vỡ òa niềm hạnh phúc vô bờ không chỉ đám các chị vợ, mà của cả mỏ. Nhưng vẫn mất tiêu ba đứa là thằng Hùng, thằng Tạo và thằng Thắng. Ba đứa đã không nhanh chân thoát khỏi túi bùn khổng lồ ập xuống nhanh như tia chớp. Một tuần sau khi khối lượng bùn than ấy được hút hết mới đưa được ba thằng lên. Lòng ai cũng quặn đau về họ. Nỗi mất mát bao trùm cả mỏ. Mỗi lần như thế này, đám thợ lò lại thêm phần lo lắng. Mỗi ca vào, các chị vợ ngóng chồng bình yên trở về chả khác gì các chị là vợ phi công ngày ngày mong chồng mình trở về sau những chuyến bay bình yên. Vợ Đáo đã có lần ví von như thế, cô ấy bảo Đáo:
-Em đọc báo thấy có nhà báo viết về thợ lò có viết thế này, vợ thợ lò chờ chồng đi làm về như vợ phi công chờ chồng sau mỗi chuyến bay.
-Hơ hơ… Đáo đùa vợ - mẹ mày dạo này văn hoa ghê, cũng cũng biết lo toan gớm, chả việc gì đâu.
-Anh đừng chủ quan, mà không lo cho chồng, cho con thì lo cho ai. Trong hầm lò tối thui, chỉ đối mặt với than là than, nhỡ ra thì…
-Mẹ mày chỉ dại miêng… Lò bễ người ta thuộc từng ngóc ngách, cứ lo bò trắng răng.
-Thôi, xin bố, bố chỉ được cái át vợ là không ai bằng, thế mấy vụ bục nước, nổ khí mê tan, bao mạng thợ lò chết, mà cả cán bộ kỹ thuật mỏ cũng chết ai nói trước điều gì. Đấy, lò bễ của bố đấy, an toàn thì an toàn, nhưng không phải an toàn tuyệt đối đâu.
-Thì nghề nghiệp rồi..
-Thế mới nói…
Hai vợ chồng chợt yên lặng. Như thể cả hai đang lắng nghe điều gì từ xa xăm lắm. Như thế tiếng gió khe khẽ lọt vào phòng. Như thể li ti những bụi than đang đang vào nhau tạo thành màn sương u ám trước mặt hai người. Là đám tang của mấy thợ lò xấu số năm trước, năm sau. Chả năm nào ở mỏ không có thợ lò bị chết vì tai nạn. Vì thế mà giám đốc Hòa đã cho lập hẳn một nhà tưởng niệm những thợ lò hy sinh vì sự nghiệp khai thác than trong khuôn viên nhà truyền thống của mỏ. Đây là một việc làm rất nhân văn của giám đốc Hòa mà không phải giám đốc mỏ nào cũng nghĩ ra. Hàng năm vào ngày truyền thống, các gia đình thợ mỏ đều đưa con cháu đến để dâng hương cho cha, anh mình đã hy sinh ở mỏ. Các đoàn thể cũng đến dâng hương để cùng nhau tri ân với người đã khuất nén tâm nhang thành kính. Vì ai cũng hiểu, không ai muốn những điều không may đến với mình. Nhưng khi đã rơi vào cái sự không may ấy thì những đồng đội, gia đình của họ phải luôn nhớ và trân trọng họ mãi mãi. Một thoáng đám mây u ám bay qua, một thoáng suy tư. Một thoáng nhận ra, cuộc sống dù còn khó khăn, nhưng được ở bên nhau đã là hạnh phúc lắm rồi. Liên đến bên chồng, cô cầm tay Đáo và bảo:
-Là em lo cho mình và tổ thợ thôi, chứ bố cứ yên tâm với lò bễ đi, đã có lúc nào bố chán lò đâu, chỉ có chán …vợ thôi. Hê hê
-Hừ, mẹ mày cứ đùa. Thợ lò chân thật, không vòng vo nhé. Nói yêu là yêu, nói ghét là ghét.
-Ừ thế là ổn rồi. Em yên tâm. Giờ chỉ lo cho hai con ăn học cho sau này các con hơn cha mẹ chúng thôi.
-Thế nó vẫn thích làm lò như anh thì sao
-Nhất trí thôi, em chỉ sợ chúng nó không chịu được gian khổ như anh mà chọn nghề lò thôi.
-Ừ, thì là nói thế. Cứ để con nó chọn. Bây giờ khác ngày xưa, nhưng không phải đã khác hoàn toàn.
Cũng giống như nhiều cặp vợ chồng trong mỏ, khi có con đỗ đại học là một niềm vui nhưng luôn đi kèm cùng nỗi lo.  Bây giờ thằng Để vào đại học, vợ chồng Đáo lại thêm một nỗi lo nữa. Dù gì nó cũng xa gia đình, mọi thứ ở thành phố đều phải bằng tiền, không trông cậy vào đồng lương thì trông vào đâu, và vì thế, như vòng xoay cuộc đời, vẫn là nỗi lo canh cánh trong lòng khi niềm vui vô bờ của vợ chồng Đáo có con vào đại học. Ơn giời thằng Để cũng mau mắn, sức khỏe, học hành đều ổn. Nó vào đại học là cả một niềm mơ ước của vợ chồng Đáo, nhưng là niềm vui của cả xóm, vì nó “may” thoát cái đại dịch trắng kia. Ông Bính khi nghe tin cu Để vào đại học đã sang chúc mừng đầu tiên. Ông cười rổn rảng từ ngoài ngõ vào, tay khư khư ôm một gói quà nhỏ. Khi đã ngồi trước chén chè Thái bốc khói nghi ngút thì ông Bính trịnh trọng gọi cu Để lại và bảo:
-Mừng lắm, mừng lắm cháu Để ơi. Bác mừng lắm, bác coi mày như cu Binh nhà bác, nhưng nay thì…thôi, mày đỗ đại học là mày rửa mặt cho bố mẹ mày rồi nhá. Bố mẹ mày nhất xóm. Tôi vui lắm, chú Đáo ơi, thằng cu cháu Để ơi, bác chẳng có gì chỉ tặng cháu món quà nhỏ này, mong là mày rồi sẽ tốt hơn bác và bố mày. Bác nói luôn. Đây là cuốn sổ và cái bút, phần thưởng của bác mấy chục năm trước được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua của mỏ. Món quà chính ông giám đốc Nam trao tận tay, bác Nam còn động viên bác, ông Bính là thợ lò số một của mỏ ta.  Đó, thế nên bác cứ giữ món quà này, và mong thằng Binh vào đại học thì tặng cho nó và kể lại niềm vui của bố nó, nhưng mà…thôi…nhưng mà.
Ông Bính sụt sịt, giọt nước mắt già nua ứa ra. Nhìn ông đến tội. Đáo phải đỡ lời:
-Thôi mà bác, thằng Để em cho bác luôn đó, cứ coi cháu như con cái trong nhà là được, bác quý cháu thì cháu quên bác sao được, mai kia con thành tài, bác Bính là con phải trả nghĩa đầu tiên đó con ơi.
Cu Để chỉ biết cười, vợ Đáo và mấy chị, mấy cô sang làm cỗ mừng cho nó vào đại học chỉ biết cười. Rồi những tiếng cười ấy cũng lan sang ông Bính. Một lát hết xúc động thì ông bảo Đáo:
-Con đi học xa là tốn kém lắm đấy, nếu khó khăn gì chú cứ nói tôi một tiếng, không giàu nghèo gì, nhưng tôi cũng có thể đỡ đần khi chú khó khăn nhé,  con cánh thợ lò ta vào đại học thì quý lắm,mừng lắm.
-Vâng, cứ xin cảm ơn bác trước. Bây giờ lương thợ lò không còn như trước, cũng không đến nỗi lo lắng quá khi nuôi con vào đại học đâu bác Bính ạ. Bác cứ để tiền đó dưỡng già. Bác khỏe chúng em vui nhá.
   Bữa cơm tiễn con vào đại học nhà Đáo thật như tên của nhà Đáo, đúng là vui đáo để. Không niềm vui nào hơn cái niềm vui ngọt ngào, cái thành quả đặc biệt của vợ chồng Đáo bao năm qua gắn bó với đất mỏ. Với gia đình thành thị có điều kiện học hành thì khác, chứ với gia đình công nhân như nhà Đáo, Liên thì đó là một sự kiện đặc biệt, đại hồng phúc của cả nhà. Đêm đó, gần như cả hai vợ chồng Đáo thức trắng vì mừng. Chả ai nghĩ con mình lại có thể bước chân vào cổng trường đại học, thời cha mẹ nó chỉ mau mải lo học được chữ, cộng được mấy số tính tiền công là tốt lắm rồi. Giờ chân trời của con thật cao vời vợi, hai vợ chồng thẫn thờ, Liên đã thốt lên:
-Thằng Để giỏi quá, nó xa hẳn vòng tay cha mẹ rồi. Nó học xong đại học, nó có thèm về mỏ không hả bố Đáo?
-Hừm, mẹ mày cứ lo xa, nó về chứ, nhà mình cả nhà là thợ mỏ mà..
-Ừ, thì vẫn biết thế.
   Tiệc tan mọi người ra về đều mừng cho vợ chồng nhà Đáo. Như thế là con nó cho cha mẹ ngẩng mặt lên với đời bằng chữ nghĩa rồi.
    Một hôm, không biết ai đó nói mà bác Nam giám đốc cũ một hôm đi công tác đã ghé qua nhà Đáo và gửi quà cho thằng Để. Chuyện trò một hồi thì bác Nam bảo:
-Anh biết tin thằng cháu vào đại học, bác mừng cho nó, vì nó có chí tiến thủ thế là tốt. Nếu cần bác giúp đỡ gì thì bác sẽ giúp.
-Dạ không ạ. Đáo ngắt lời bác Nam luôn, nhưng bác Nam vẫn nói tiếp.
-Chú không ngại, thợ lò đâu giàu tiền bạc, tao làm quan chức, đương nhiên phải…có tiền hơn chú, cháu  học ở Hà Nội, có khó khăn gì cứ đến bác.
-Ấy chết, thế thì phiền lắm, nhà em cũng không đến nỗi nào đâu. Em lo cho cháu được, bốn năm đại học, cứ coi như lương của em đủ nuôi cháu, lương mẹ nó nuôi em và thằng Vui là ổn. Nếu bác có nhã ý thì em có thể đề nghị….
-Đề nghị gì, chú mày nói luôn đi, thợ lò đâu có kiểu ấp úng vậy?
-Dạ, số là…nhưng mà…
-Trời, kỳ lạ, chú nói đi, tao có chút thời gian ghé qua thôi, đừng mất thời gian không đâu vô ích.
-Chả là, thằng Chúng ở tổ thợ... cái thằng mà anh đã biết…
-Rồi, nó mất vợ con ở bữa đắm tàu về Tết, sau lấy cô Lý ở nhà đèn cũng mất chồng trong đận đó.
- Vâng ạ, ui trời, bác nhớ quá, mà thằng bé nhà nó cũng đỗ đại học mà mẹ nó không có tiền lo nổi cho đi học, mẹ nó đang nói sẽ xin các bác cho nó vào làm lò…nhưng em thì em nghĩ…
-Thế hả. Trường hợp này thì chú để anh. Chú cứ nói cô vợ chú Chúng là cứ cho con nhập học bình thường. Việc học phí, sinh hoạt bốn năm học anh lo. Thế nó đỗ ngành gì chú?
-Dạ, cùng ngành khai thác mỏ của Trường Đại học Mỏ Hà Nội anh ạ.
-Tốt rồi, chú mày thêm trách nhiệm nữa, đây, một chút thôi (anh Nam móc ví và rút tệp tiền đưa cho Đáo) chú cầm ít tiền này lo thủ tục nhập học cho các con. Với anh, con thợ lò đi học đại học là anh vui lắm, vì đó là miền máu thịt của anh, chú đừng ngại. Cứ nói với cô Lý vợ chú Chúng đừng phân vân gì cả, động viên con nhập học. Thôi, anh đi đây. Có gì thì alo cho anh chú Đáo nhé. Thằng Chúng mất rồi, anh em mình phải lo cho vợ con nó, lẽ đương nhiên mà  Đáo ơi.
-Ôi trời, ơn này chúng em bao giờ trả được bác, Chúng ơi, Lý ơi...
-Ô, lạ chưa kìa sao vợ chồng chú cứ sụt sịt thế, vui lên cho các con nó mừng, thôi, cứ thế nhé, gặp cô Lý nói anh gửi lời thăm mẹ con cô ấy, anh đi đây.
     Cả nhà Đáo ngẩn ngơ. Cái bóng cao lớn của bác Nam đã ra khỏi con ngõ hẹp, nhưng cứ như một giấc mơ trong chuyện cổ tích. Cái việc rất khó nói về nhà chú Chúng tự dưng sao Đáo lại có thể nói ra một cách nhẹ nhàng thế. Đúng là thằng Chúng thiêng thật. Đáo vội cầm máy điện thoại gọi vợ Chúng sang. Lý vợ Chúng sau bao năm hai người tái hợp sau cái Tết định mệnh đắm tàu người mất chồng, kẻ mất vợ con đã dựa vào nhau để tiếp tục sống, muộn mằn mãi thì Lý cũng sinh cho Chúng được thằng cu Thành rất khôi ngô rạng rỡ. Lý cũng mong ước, kỳ vọng vào con lắm, ai ngờ, đầu năm Chúng bỏ mẹ con cô lại trong một tai nạn nghề lò. Nhìn dáng  người đanh quánh, cùng làm nhà sàng với Liên vợ Đáo, lòng Đáo cũng thấy xót xa, hóa ra cô ấy khổ quá. Nhìn cô ấy bước thấp bước cao ai cũng bảo, đúng là đàn bà cao số. Đến hai lần chồng vẫn không qua nổi kiếp người. May mà giời còn cho thằng Thành khôn ngoan, học giỏi.
Ngoài ngõ, Lý hớt hải, giọng như hụt hơi gọi toáng lên từ đầu ngõ:
- Chị Liên ơi, anh Đáo ơi, em đây...có chuyện gì mà gấp thế ạ,
-Này thím, tin vui thôi, có gì mà mặt không cắt giọt máu.
-Chết, em làm gì có tin vui nữa anh, giờ chỉ có lo sốt vó thôi.
-Thím nhầm, thằng Chúng hơi bị linh thiêng lắm đấy. Thím chả thậm thụt chuyện đó với nhà tôi là gì…
-Huuuu, sao anh nói thế, em nói với chị…vì anh Chúng nhà em hay...về mà, thật đấy. Em nói sai em chết. Đêm nào anh ấy cũng về bảo thương mẹ con em. Huhuhu
-Thím chỉ mê tín dị đoan.
-Thế…thế anh gọi cho em có việc gì mà giữa ngày gọi thốc tháo, thế…thế liệu thằng cu Thành nhà em xin vào làm lò được không anh.
-Không rồi.
-Chết em rồi, giờ làm sao, hay…
-Hay dở gì, cô phải cho nó đi đại học, hôm qua nó sang nó bảo thằng Để, nếu nó không được đi học, nó đi làm lò theo ý mẹ cũng được, nhưng mà cũng…buồn, giá mà được đi học.
-Nhưng mà nó đồng ý đi làm với em rồi mà anh. Nếu nó đi học đại học em làm sao nuôi nổi, huuuu con ơi, mẹ có lỗi với con, nhưng mà mẹ không thể khác. Huuuu anh Chúng ơi, giá anh còn sống….
-Ui, thôi, xin thím, không đến nỗi thế đâu, về nói với con chuẩn bị nhập trường đại học cùng bạn Để, bác Đáo sẽ đưa con đi. Tiền đi học đã có người lo rồi.
-Gì hả anh. Cái gì cơ. Em nghe có nhầm không?
-Không nhầm. Chắc như than kẹp xít.
-Vậy ai cho cháu đi học anh ơi, ui, huuuu anh Chúng ơi, anh khôn thiêng…
-Trời ơi, thím khóc lóc gì cứ loạn lên thế. Bảo thế nào thì làm thế. Xong rồi nhé.
-Nhưng cho em biết ai giúp mẹ con em.
-Thế theo cô thì có ông tiên hay ông bụt nào giúp cu Thanh đây?
-Em chịu. Em đang như mụ mị đi đây, mà vợ chồng em, gia đình em...ui trời làm gì có ai có thể giúp cháu được cơ chứ...Huuuu
-Bác Nam giám đốc cũ chứ ai.
-Trời ạ. Bác Nam ư, bác ấy sao biết đến mẹ con em, hàng vạn thợ lò trong vùng mỏ…
- Thế mới tài chứ lị.
-Ui. Em, em biết nói thế nào đây anh Đáo ơi, em cảm ơn bác ấy hết đời này cũng không đủ rồi. Ôi, phúc đức nhà em, phúc đức cho cu Thành quá. Em vui quá bác ơi.Ới anh Chúng khôn thiêng ơi về mà chứng kiến con anh vào đại học này, ối giời ơi, có ai sướng như tôi không, anh Đáo, chị Liên ơi, em vui vui quá....
    Nhìn cô Lý mà lòng Đáo thật xúc động. Cả đời anh chưa bao giờ anh nghĩ được một việc vì cho ra tấm ra món, có lẽ đây là việc làm thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời của Đáo. Bởi cả cuộc đời anh chỉ mải mê với lò bễ, có bao giờ mà làm được cái việc gì cho gia đình, cho vợ con đâu cơ chứ. Lòng Đáo vui và phấn chấn lắm. Tự dưng anh thấy mình như già đi chút ít. Bàn anh tay vô tình đưa lên mái tóc, vài sợi tóc lọt kẽ tay, màu đã trắng như sương...
   Từ bữa thằng Để vào đại học, những dự liệu lo toan của vợ chồng Đáo cũng chỉ là một chốc lát thoáng qua trong cái lo lắng cho đứa con bé bỏng mà thôi. Rồi gần hai mươi năm sau, khi cả hai vợ chồng Đáo đã về nghỉ hưu,thằng Để đã có một gia đình nhỏ ấm cúng. Nó đã không  trở thành... thằng thợ lò như bố nó mà nó là một giáo sư đại học trẻ, nó đã học xong tiến sĩ. Bữa nó bảo vệ luận án, vợ chồng Đáo đã lên Hà Nội từ hôm trước. Cả hai mừng, mừng tủi tủi. Giấc mơ, nỗi lo toan của cha mẹ chả lúc nào nguôi ngoai, nhưng hạnh phúc con cái đem lại to lớn đến nỗi bố mẹ cũng không hình dung được món quà vô giá ấy đến từ đâu. Liên cứ loay hoay đi ra đi vào, sau cùng cũng bật lên hỏi con trai:
-Để ơi, mẹ cứ lo lo là, thế ngày mai con bảo vệ luận văn thì  bố mẹ phải làm gì, phải...phải gì gì đó, chứ đến chỗ đó sang trọng thế, mẹ cứ ngợp, nghĩ đến đã ngợp rồi.
Để cười hiền bảo mẹ:
-Mẹ ơi, bố mẹ cứ đến dự xem con  trai của bố mẹ nói về cái gì, có giống như nơi ngày xưa bố vẫn làm việc không mẹ nhé.
-Ô, thế thì có nghĩa là...
-Vâng, là bình thường mà mẹ, có gia đình, bố mẹ cổ vũ con càng bảo vệ tốt ạ. Mẹ không phải lo lắng gì đâu, bố mẹ cứ yên tâm nhé.
      Đêm yên tĩnh như đếm từng nhịp đập của vợ chồng Liên, khoảnh khắc mà trong cuộc đời họ lần đầu tiên thấp thỏm vui lo như thế. Bao kỷ niệm ùa về. Lúc thằng Để còn chốc đầu, lúc thằng Để chảy máu cam, lúc thằng Để bị bạn cùng lớp bắt nạt chạy về khóc ấm ức mách bố... Chao ôi, biết bao nhiều là sự kiện của đứa con đầu lòng cứ lần lượt hiện ra  như cuốn phim mới quay ngày hôm qua. Đáo thấy vợ sụt sịt thì vỗ về:
-Mẹ mày cứ cả nghĩ, con nó phải hơn chúng mình chứ.
-Ai chả biết, nhưng mà...nhưng mà nó lớn quá, nó to quá, hơn cả những suy nghĩ của em và của anh, nhà mình có con nó trưởng thành thế này thì...
-Thì mình vui chứ sao, học hành chữ nghĩa với nó là niềm đam mê, là chìa khóa đi vào cuộc sống, vợ chồng mình ở cái thời quá vãng nói mãi làm gì, thôi ngủ đi mai còn đi dự buổi bảo vệ tiến sĩ của con cho tỉnh táo chứ. Buổi lễ đặc biệt đó em ạ.
-Vâng, mừng cho con cả, không biết sau này thằng Vui có theo anh nó được không.
-Ui trời, mẹ mày nghĩ ngợi lan man quá, thằng em nó sẽ theo thằng anh, nó không theo cánh già mình đâu, toàn than đen với lò sâu.
-Hì hì hì... Liên đập nhẹ vai chồng, cô hiểu chồng cô, hiểu quãng đời than đen và lò sâu ấy nó như thế nào.
Đêm buông sậm ngoài khung cửa sổ. Thành phố sáng rực chìm trong đêm sâu. Hai vợ chồng Liên và Đáo chìm trong giấc ngủ nhẹ nhàng với giấc mơ bay bổng. Đáo vẫn mường tượng ra ánh đèn lò đang dẫn dụ anh vào khắp các ngõ ngách của lò chợ, lò cái, họng sáo, cũi lợn, đến tời, đến song loan... Tất cả đã làm nên cuộc đời anh với biết bao là thương mến.
 
 (còn nữa)

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 32
Trong ngày: 164
Trong tuần: 899
Lượt truy cập: 435486
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.