Vũ Thảo Ngọc
ÁNH ĐÈN LÒ (Chương 2)
Nam vẫn hay đùa, chuyến đi của Nam dài như một đời người. Nam không nghĩ mình lại gắn bó với cái vùng “rừng thiêng, nước độc” ấy đến hết cuộc đời. Ai đó nói Nam là chàng lãng tử, Nam là chàng nghệ sĩ nửa mùa, Nam chỉ cười, cuộc đời là bao nhiều điều cần phải khám phá, mình đang ở cái tuổi thanh xuân rực rỡ tại sao lại không khám phá những điều mình muốn biết. Nam cũng như bao thanh niên thuở ấy, khát vọng học hành, khát vọng bay bổng đến những chân trời xa lạ luôn đầy ắp trong hành trang mỏng manh của cậu học trò trường huyện về thủ đô bắt đầu con đường học hành rộng mở. Những cuốn sách văn học, khoa học tìm được bất cứ ở thư viện nhà trường hay ở đâu đó thì đều vác về nhà đọc nghiến ngấu. Vì thế những chân trời lạ hoắc theo những cuốn sách cứ cuốn Nam đi không dứt. Khi thì mơ làm anh hùng hảo hán xứ Tàu, lúc muốn làm ...gã thuyền trưởng Xim-bát đầy uy quyền, khi lại ngẫm ngợi về tên Gia-ve trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của ông Vích-to-huy-go ở nước Pháp xa lạ...
Mỗi trang sách trong các cuốn tiểu thuyết dày là ngồn ngộn chữ nghĩa đông tây, kim cổ ấy đã như giúp Nam lớn thêm, vạm vỡ thêm khi nhìn về cuộc đời. Chả thế mà trong xóm ai cũng gọi Nam là thằng mọt sách, thằng biết lắm chuyện, thằng thông minh hơn người... Nhưng Nam cũng nổi bật về những trò chơi mà cả xóm chả đứa nào nghĩ ra, nhưng Nam nhớ có một mùa hè cuối lớp chín năm đó, Nam đã liều rủ thằng Sung cùng xóm đạp xe đẹp về Hà Nội chơi. Trong tay không có lấy mấy hào lẻ, chương trình rủ rê cậu bạn cùng sở thích với mình là đi xem...thủ đô thế nào,chỉ cần được nhìn thấy cầu Thê Húc màu đỏ bắc qua làn nước xanh biếc của hồ Gươm là mãn nguyện lắm. Nhà nghèo, hai đứa trò nghèo chỉ vì đam mê ấy mà xuýt chết đói khi chân chạm đến bờ hồ Gươm linh thiêng. Thằng Sung đã cứu Nam đêm đó, vì u nó đã vội móc một túi vải tổ chảng nào bưởi, nào mít, nào ổi...thế là hai thằng chén no lũ quả đó, ngủ thiếp đi, sớm hôm sau lại huýt sáo vang cái câu hát mà Nam thuộc từ khi nào không biết nữa... “bâng khuâng chân trời lạ ai đó đón đưa..”.
Rồi cái hơn người của chàng trai xóm ngày đó đã đưa cậu học trò nghèo đến giảng đường đại học, rồi cậu được cử đi học ở nước ngoài, những khát vọng thuở nhỏ như được dịp bung phá hết thảy. Những năm tháng học tập ở nước ngoài đã cho Nam những gì tốt đẹp nhất. Hạnh phúc là được học hành, được thỏa mãn đam mê, khát vọng, chính vì thế mà khi trở về nước, bước chân chàng trai trẻ ấy đã không hề bị một Hà Nội hào hoa níu chân, để rồi cả đời anh đã gắn bó với mảnh đất than bụi đó...
Sau này Nam cũng không lý giải được, tại sao anh có quyền lựa chọn ở lại Hà Nội cùng người yêu mà sau đó là vợ để có một chỗ làm việc tốt hơn, thuận lợi hơn cho cả hai nhưng anh đã không một lời đề nghị tổ chức phân công ở lại. Cũng lạ, cả Thu cũng không can anh nửa lời, kệ cho anh đi về cái miền xa lơ, xa lắc mà cả hai chỉ biết tên địa danh qua môn địa lý thời đi học phổ thông. Khi về già, có điều kiện để ngồi quay lại cuốn phim chậm ngày đó vợ chồng anh đều bật cười về một thời “chỉ biết chọn việc khùng khoàng, không biết chọn việc nhẹ nhàng” nên dẫn đến việc cả hai phải xa nhau gần như cả cuộc đời...
Chuyến xe ngày đó cứ ám ảnh kỹ sư Nam về một thanh niên nông thôn vạm vỡ về mỏ nhận công tác do người cán bộ trên công ty nhờ xe cho cậu ấy về mỏ. Nam không ngờ có ngày anh và cậu ấy lại gắn bó với nhau ở cái xứ u tì cốc đó như một sự sắp đặt của ông trời. Và họ là những cuộc đời không tẻ nhạt, là những con người đầy nhiệt huyết. Biết sống cho người khác, vì người khác cũng khó lắm, chứ đâu có dễ dàng gì. Thấm thoát ngày nào còn lơ ngơ thế, bây giờ đầu giờ đầu đã hai thứ tóc. Vẫn những lo toan thường nhật, vẫn những thị phi thói thường của lẽ đời. Lòng tốt đôi khi bị nghi ngờ. Lòng tốt đôi khi bị xem thường. Trưởng thành từ một kỹ sư địa chất, Nam thấu hiểu những khó khăn trong công cuộc khai khóang với điều kiện công nghệ chắp vá non trẻ như ở ta. Tất cả đều dùng những công nghệ vừa già và lạc hậu từ các bạn xa nửa vòng quả đất giúp. Nhưng trên hết là tinh thần sáng tạo của kỹ sư ta nên hầu như mọi vệc vẫn suôn sẻ.
Trong cuộc đời làm giám đốc lâu năm như Nam, anh không bao giờ quên cái đận ở lò Bình Minh để xảy ra vụ nổ khí mê tan làm thiệt mạng mười chín thợ mỏ! Đó là nỗi đau vô cùng to lớn trong anh, nó luôn là nỗi đau dai dẳng và như một món nợ với những người thợ lò trong anh. Rồi còn nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy đến với cánh thợ lò, như bục nước đường lò khai thác, bị mưa lũ bên ngoài nhấn chìm đường lò và rất nhiều người thợ nhiều thế hệ đã không may mắn được cống hiến trọn vẹn cho dòng than tuôn chảy. Là nỗi âu lo của vợ con công nhân mỏ khi mất việc làm, khi một đường lò nào đó bị ngưng trệ khai thác. Đó là nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí anh. Nó như một món nợ khó trả, nó như một niềm khổ đau không vơi mỗi khi anh nghĩ về nó, ấy là vùng mỏ than thân yêu phía lưng trời Đông Bắc Tổ quốc. Nơi có những con người vạm vỡ, ăn to, nói lớn, dũng cảm và bạo liệt. Nơi anh cùng cánh thợ luôn hát vang bài ca Tôi là người thợ mỏ của nhạc sỹ Hoàng Vân đầy chất bi hùng của người vùng mỏ trong các dịp vui như khi tấn than thứ năm trăm, thứ một triệu, thứ ba triệu…hoàn thành. Và bài hát ấy còn vang lên ở mỗi cuộc vui của cánh thợ mỏ trong những khu tập thể giữa giờ ngơi nghỉ, trong các đám cưới, họ hát vì họ, không phải hát vì cái gì khác nên hát say sưa với ca từ hào hùng, hát bằng chính trái tim họ vì người nhạc sĩ tài hoa đã khắc họa họ một cách trọn vẹn nhất:
Tôi là người thợ lò sinh ra trên đất mỏ
Trong những ngày cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ.
Núi Bài Thơ ơi, núi Bài Thơ sừng sững hiên ngang đứng giữa trời
Có nghe tiếng mìn nổ dậy đất, tiếng máy reo
Hay tiếng bước đoàn thợ mỏ tiến quân.
Kìa tiếng búa khoan reo như tiếng trống trận
Kìa nghe tiếng mìn nổ như tiếng súng công đồn
Ta đi khơi nguồn suối than, cho than xuôi về bến
Ta đi nhen ngọn lửa nhiệt tình cách mạng
Tổ quốc mong than, ta quên sao lời Bác gọi
Nào đồng chí chúng ta ơi, ta tiến quân vào lò.
Đêm đêm ngày ngày đi trong lò
Ta lắng tiếng nghe đây những tiếng thân yêu
Những tiếng vọng từ khắp đất nước đưa về
Dưới hầm lò mà nghe rõ làm sao.
Tiếng chim hót trên cánh đồng lúa chín
Tiếng trẻ thơ cắp sách đến trường làng
Tiếng còi tầm sớm mai rộn ràng như tiếng máy đòi ăn than ....
Niềm vui ấy có cả mồ hôi và nước mắt của bao nhiêu cán bộ và công nhân ngành mỏ. Niềm vui thắng lợi ấy phải trả giá bằng sức người và trí tuệ của con người mới có, trong đó có phần đứng mũi chịu sào nơi anh. Niềm vui đó còn đổi bằng sinh mạng của những người thợ mỏ, là sự mất mát vô đối của những con người cả đời chỉ biết cúi xuống là gương than, ngẩng lên là gương than ấy. Nơi có những cánh rừng đẹp như trong cổ tích và những bãi biển cát trắng phau, nước biển xanh biếc với ngàn ngàn đảo đá trập trùng như bức tranh thủy mặc. Đã nhiều lần đứng trên tầng mỏ than, mắt anh nhìn xa xa về phía biển, ánh hoàng hôn hay bình minh buông tràn trên những ngọn núi đá giữa biển lấp loáng mặt nước như chứa chất những kho báu về tài nguyên, mà có thể, một lúc nào đó, những đường lò than của anh sẽ xuyên ra đó, rồi ngoi lên giữa mặt biển mang những viên kíp lê óng ánh từ lòng biển lên nhỉ! Nhiều và nhiều lần, trong giấc mơ của anh là than và biển, là Thu và hai đứa con ngoan ngoãn,là những người thợ lò uống rượu không biết say…
Có lần dự Đại hội công nhân viên chức của một đơn vị, có chị công nhân nhìn có vẻ đã cứng tuổi, là đại biểu đi dự đại hội, nhìn thấy Nam đã mạnh bạo níu tay anh lại và bày tỏ nguyện vọng, chị ấy nói khẽ đến nỗi chỉ sợ ai đó nghe thấy điều mình mong mỏi:
-Anh giám đốc ơi, cả đời chúng tôi chỉ ở tầng than, hết ca thì về bèo khoai, cám bã, chồng con là hết, chả bao giờ mong ước điều gì...
Thấy chị vuốt giọt mồ hôi vã xuống nhúm tóc mai, anh sợ chị không dám nói hết bèn động viên:
-Chị cứ nói đi, nếu trong phạm vi giải quyết được thì tôi giải quyết, chị đừng nhìn ông giám đốc như ông...áo ộp ở quê ông bà ta dọa trẻ con nhé.
Nói rồi Nam cười sảng khoái, khiến khuôn mặt đang căng thẳng của chị công nhân cũng dãn ra, chị mạnh bạo tiếp:
-Tôi chả đề nghị gì, chỉ mong tổ nhặt than của chúng tôi được về thủ đô Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ một lần, tôi...tôi...cũng già...sắp về hưu mà chưa biết Lăng Bác...
-Ui chao, ước mơi giản dị của chị có gì khó đâu. Tôi cảm ơn chị đã tin cậy chia sẻ với tôi, việc này tôi sẽ nói với mấy anh lãnh đạo đơn vị chị nhé.
-Ôi, nếu thì thì còn gì bằng, em cảm ơn giám đốc nhiều lắm.
Buổi dự đại hội tại đơn vị đó, Nam thật sự bị phân tâm về lời đề nghị của chị công nhân già. Khi được mời phát biểu, anh chỉ nói ngắn gọn:
-Trước hết tôi xin chúc đơn vị ta đã hoàn thành nhiệm vụ của năm cũ và bắt đầu nhiệm vụ của năm mới, an toàn, hiệu quả là lẽ đương nhiên chúng ta cùng nhau giữ cho chặt rồi. Nhưng chỉ đề nghị các anh nên bỏ một chút ít thì giờ quan tâm đến đời sống cụ thể, nguyện vọng chính đáng của công nhân ta mới là điều cốt lõi để chúng ta cùng phát triển đi lên bền vững. Các cụ ta bảo rồi, an cư mới lạc nghiệp, sau những cái đó thì chúng ta phải làm gì các anh biết không, không biết phải không ạ, đơn giản, chúng ta phải cùng nhau để có cơm ngon và áo đẹp, Bác Hồ đã dạy chúng ta rồi.
Cả hội nghị vỗ tay rần rần, vì một điều giản dị ai cũng biết mà chẳng ai biết vận dụng nó để cho cuộc sống của mỗi người ngày một tốt lên nhỉ. Một điều giản dị tưởng như giáo điều đó, ai mở miệng nói ra cũng được, nhưng thực hiện nó thì lại không dễ. Sự vỡ òa trong anh chị em ở đó, ừ nhỉ, sao phải đi tìm đâu những điều cao xa, nó gần ngay quanh ta, chỉ cần bỏ chút ít thời giờ ngẫm ngợi thì nó hiển hiện ngay những điều ta tưởng xa quá tầm tay không bao giờ với tới được.
Mỗi khoảnh khắc đời người trôi qua với Nam đều chứa đựng muôn vàn những cung bậc cảm xúc khác nhau. Ai đó nói, những gì đã qua thì cứ cho nó qua đi, nhưng với Nam thì không bao giờ anh có ý nghĩ ấy. Dù ai giúp mình một chút, ai giận mình thật nhiều thì mình vẫn phải cảm ơn vì họ đã giúp mình trưởng thành lên. Khi đã có một cương vị xã hội ổn định, có lần thằng bạn cùng học đại học đã thốt lên với Nam:
-Nam ơi, mày bị chứng ảo giác về lòng tốt rồi, người ta nói xấu về mày mà mày vẫn còn mở miệng cảm ơn họ.
Nam cười bảo bạn:
-Ôi, tao tưởng mày thông minh mày sẽ nhận ra những điều con con đố kỵ ấy chả làm nên trò trống gì đâu, hãy buông xả và hãy nhận về mình những điều tồi tệ mà bạn mình đang muốn mình phải tồi tệ đi. Yên tâm, cuộc sống luôn có những kết quả từ những vòng xoay số phận ấy, từ sự ti tiện nhỏ nhen ấy...
-Ui trời, ông nói lý luận làm tôi ù tai, tôi chỉ thấy họ nói xấu anh, muốn hạ bệ anh, thậm chí muốn...tiêu diệt anh, mà anh vẫn cả cười. Lạ. Và tôi lo cho anh. Vậy thôi, không vì điều gì ngoài tình bạn tôi và anh.
Một phút trầm xuống, Nam ôm vai bạn và bảo:
-Ừ, mình cảm ơn cậu đã quan tâm đến mình, thực sự, mình cũng cự kỳ cô đơn giữa chốn công đường. Có mấy ai hiểu và chia sẻ với mình như cậu đâu, bạn chí cốt ạ.
Cả hai ôm nhau tưởng không muốn rời nhau. Khoảnh khắc đó Nam nhớ mãi. Nhưng hình như ai đó nói, bạn tốt thường bỏ nhau đi sớm. Anh bạn còn đang dang dở một dự án của Tổng công ty thì mất vì ung thư phổi. Nam buồn mãi. Sau này anh đề nghị chị vợ bạn thân ấy đưa thằng con trai đầu ra Hà Nội anh hỗ trợ nuôi cháu học xong đại học. Cũng may thằng bé học giỏi, nó lại thi được học bổng đi học tiến sĩ ở nước ngoài. Dù một phần nhỏ nhoi giúp nó thôi, mà thực ra là trả nghĩa cho người bạn chí cốt của anh, giờ thấy nó nên người anh cũng đỡ áy náy với người bạn hiếm hoi luôn lo lắng cho anh.Anh hy vọng thằng cháu trai có đầy chí hướng như bố nó sẽ không phụ công cha mẹ sinh ra nó và một phần trách nhiệm nơi trái tim bạn bè chí cốt của anh với cha nó và với chàng trai mồ côi đầy nghị lực ấy.
Lại nhớ đến những năm tháng không xa, cũng đã đôi lần khi vất vả với hai đứa con quá, nhất là khi con ốm, con đau, mẹ vẫn phải đi làm, bố thì ở xa, Thu đã ngập ngừng khuyên anh nên về Hà Nội, kiểu gì ba cô chả lo cho anh một công việc nào đó phù hợp, nhưng anh đã từ chối. Nhiều khi mệt mỏi quá, anh buột miệng than thở, chị lại nhắc, anh có hối cũng muộn rồi. Nhưng lần này rồi lần khác, chẳng lần nào giống lần nào. Nhất là cái vụ nổ khí kia, mười chín mạng người nằm xuống! Xót xa đau đớn…Anh cũng chịu cái khắc nghiệt của số phận, của chủ quan, của ý chí….đã để xảy ra một vụ chết người nghiêm trọng đến thế. Ngần ấy người là ngần ấy gia đình, bố mẹ, vợ con, là xã hội, là muôn vàn thứ treo lên đầu họ…Anh có lỗi. Anh có lỗi trước những con người quả cảm ngày ngày vào lò để cho dòng than tuôn chảy, cho con có áo đẹp, cho vợ tươi cái làn đi chợ, là cơm áo gạo tiền của cả một xã hội thu nhỏ nơi này.
Và mỗi con phố hình thành nên từ thợ mỏ, tên phường, tên phố hình thành từ đội ngũ thợ mỏ nhiều năm qua tạo nên. Mỗi góc phố, mỗi con đường đều mang dấu ấn của những người thợ mỏ. Thu đã không thể dụ anh về Hà Nội được với lý do anh đã mắc nợ nơi này. Mắc nợ từ tiền kiếp. Thu đành chịu và mỗi năm nếu có dịp chị lại đưa con về thăm anh ở mỏ. Có năm còn bỏ cảăn Tết ở Hà Nội mà về mỏ ăn Tết với Nam. Và, mỗi khi định “nịnh” Thu là Nam lý giải:
- Nếu không đi sao biết nơi khác lạ hơn nơi mình đang ở. Nếu không đi sao biết nơi mình đang ở khác nơi đất lạ…
Anh nói sao chị cũng chịu thua. Chị quá hiểu dân địa chất, chàng nào cũng lãng mạn như những nhà thơ. Nam đã âm thầm làm nhiều câu thơ tức thì khi trên đường đi thăm dò cùng đồng đội. Những câu thơ mang dáng vóc còn thô sơ nhưng đặc tả được cái tinh thần của một anh chàng địa chất dí dỏm và lãng mạn khi đang đối diện với những vùng đất mà chỉ dân địa chất lần đầu tiên đặt chân đến.Chẳng hạn như: “Yêu anh địa chất đi em/tình anh không thiếu mà thừa kim cương.” Cái sự lạc quan ấy lây lan sang cả những người bạn đồng nghiệp, họ cùng cười vang và tôn anh là “thi sĩ”! Rồi anh còn lãng mạn hơn khi cả đội đã hoàn thành nhiệm vụ nằm giữa cánh rừng già hun hút gió mà tự ca lên những câu thơ từ gan ruột mình : “ Yêu anh địa chất đi em/tài nguyên khoáng sản anh trao hết này/này rừng, này suối, này sông/này trăng sao nữa...anh dâng em trọn đời/yêu anh địa chất đi em/trái tim địa chất kim cương/đôi chân địa chất như lim rừng già/đôi tay địa chất nuột nà/mắt thì thăm thẳm như là rừng sâu/yêu anh em sẽ ...yêu lâu/vì anh địa chất là...xâu cục vàng...” anh luôn làm cho đồng đội vui vì những điều tếu táo ấy. Sau này rời xa công việc đó, nhưng mỗi khi nhớ về nó, lòng Nam luôn thèm được trở lại những cánh rừng, con suối mà anh và đồng đội đã từng qua. Như ông thủ trưởng đầu tiên của anh vẫn nói, bất cứ tài nguyên khoáng sản nào, không có cánh địa chất thì chẳng ai có thể tìm ra được được những miền của nả vô giá đó của đất nước, vì thế, ngành địa chất phải luôn được coi trọng...
Vì thế, Thu càng hiểu, mỗi khi nói về địa tầng, về vùng đất có khóang chất nào đó, cánh địa chất thường say sưa bàn tán và quên luôn cả người yêu! Có lần Thu đã bị thế, tẽn tò và xấu hổ. Nhưng rồi thì quen, mà phải quen mới đúng. Yêu nhau đâu phải lúc nào cũng là nhung lụa, là hoa hồng. Với Thu và Nam, tình yêu và hạnh phúc là liên tiếp những chuỗi hành động sống cụ thể, rành rẽ, phân minh, là sự tin cậy tuyệt đối. Vừa lý trí, vừa ẩm ương mà vẫn cười suốt. Nam được mệnh danh là “cây hài” của lớp đại học, lúc nào cũng thích kiểu nói ngược. Bọn con gái trong lớp bảo: ông Nam nói đây chết cây Hà Nội. Cái dí dỏm, thâm thúy, cùng với sự thông minh trong cách kể chuyện của Nam khiến bạn bè nghe luôn thích thú. Nam nhận quyết định ra Quảng Ninh công tác với bao nỗi niềm. Biết Thu buồn nhưng không dám nói ra. Trước ngày đi nhận công tác ở Quảng Ninh, Nam đã trịnh trọng nói với Thu:
- Em ạ, anh biết em buồn vì phải xa nhau, nhưng em cứ để anh ra công tác ngoài đó, anh thề sẽ phấn đấu cả cuộc đời này vì tình yêu của em.
Thu chỉ biết ngớ người, vì thường ngày Nam rất tếu táo, nhưng khi nói về việc này, Nam bỗng trở thành…người đàn ông chững chạc! Mãi sau này, mỗi khi có dịp “ôn nghèo kể khổ” Thu thường phá lên cười vì không hiểu vì lý do gì mà mỗi câu nói tỏ vẻ đàn ông ấy của Nam mà làm Thu xiêu lòng không năn nỉ anh ở lại Hà Nội nữa. Rồi, cái câu nói tỏ vẻ nghiêm chỉnh ấy của Nam như cục nam châm hút Thu cả cuộc đời cứ cắm cúi vì sự nghiệp của anh. Ai đó nói, nếu không có tình yêu thực sự mọi thứ ở đời đều vô nghĩa, với Thu thật đúng. Và có lẽ, chỉ có tình yêu đã níu giữ họ bên nhau, dù cuộc sống ngày đó thiếu thốn vô cùng. Cũng may Thu nhờ vả được bên ông bà ngoại. Chứ Nam đi miết, đâu có thời gian dành cho vợ con. Chính Thu cũng ngạc nhiên, không hiểu sao mình lại vượt qua được quãng đời dài lơ, dài lắc đó để sống, để nuôi con và làm lụng, thật không dễ lý giải, giờ kể chuyện lại, mấy đứa con vẫn bảo, mẹ chỉ kể chuyện cổ tích, nếu chúng con ngày đó cũng như ba mẹ, chúng con vẫn…vượt qua!
Mới đấy mà vợ chồng Thu Nam đã trải qua những cung bậc tình yêu gần nửa thế kỷ. Chuyện như cổ tích, hay cổ tích ở chính cuộc sống làm nên, không lý giải được. Nhiều lúc Nam cũng không thể ngờ mình từng có những phút ngã lòng, những phút quyết liệt trong công việc và cuộc sống. Nhưng rồi rất nhanh, nó đã trôi qua, nỗi buồn bị chìm lấp dưới niềm vui cứ bung nở như hoa đúng mùa dành cho anh, dành cho một chàng trai địa chất lãng mạn và phóng túng. Để anh nuôi dưỡng cái cảm xúc “bâng khuâng chân trời lạ” một cách trọn vẹn không chỉ cho anh mà cho biết bao đồng đội của anh những tháng năm bên nhau đi tìm khoáng vật cho Tổ quốc.
V.T.N
Người gửi / điện thoại