Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ÂM VANG LÒ GIẾNG MÔNG DƯƠNG

Vũ Thảo Ngọc

ÂM VANG LÒ GIẾNG MÔNG DƯƠNG

Theo nguồn các nguồn tư liệu cho biết, từ năm 1917, lò giếng đứng Mông Dương hoàn thành. Giếng đứng Mông Dương được đào với đường kính hơn 6m, ngoài giếng đứng còn có 1 giếng nghiêng và các đường lò khác đều ở mức -97,5m. Mỏ Mông Dương là mỏ khai thác Giếng đứng sâu nhất Việt Nam ….

 screenshot_383

              Ở vùng than Cẩm Phả có các mỏ than lớn mà nếu ai đã từng đến, từng đi qua, từng gắn bó thì đều có một cảm xúc riêng biệt về mảnh đất và con người nơi đây. Các mỏ than lớn đã hiện diện từ thời thuộc Pháp, những mỏ than Đèo Nai, Thống Nhất, bến Cửa Ông và lò Mông Dương…các phiên hiệu gội mỏ và công ty là sau này theo cơ cấu quản lý mới của ngành Than…

            Không chỉ là một thị xã vùng than bộn bề than, mà còn bộn bề người vì quá đông các mỏ than đứng chân suốt chiều dài Thị xã Cẩm Phả - tên gọi ngày trước hay bây giờ là thành phố thì những ai đã quen với nơi này chỉ gọi hai từ giản dị Cẩm Phả than! 

          Do đặc thù công việc làm báo nên tôi có cơ hội đi khắp vùng than Cẩm Phả, với Mông Dương cũng thế, tôi đã trở đi trở lại nhiều lần, cái âm thanh hai tiếng Mông Dương ấy cứ thôi thúc để tôi gọi tên là Âm vang Mông Dương, vì như thể cái tiếng vang ấy luôn bị nén sâu ở một vùng đất vừa có núi, có biển lại có sông, một vùng đất vo tròn như nắm tay và mở rộng như cái nón khổng lồ.  Nhìn theo bản đồ địa lý, cánh cung Đông Triều kéo đến đây, chợt ngưng lại và tạo nên một thung lũng như cái núm đồng tiền  trên má cô gái đang xuân. Dòng sông Mông Dương hiện ra, nó được kiến tạo từ những dòng suối phía  trên dãy cánh cung Đông Triều từ phía lưng núi đổ xuống rồi thong thả đổ ra cửa biển hòa vào vùng thương cảng cổ Vân Đồn. Vì thế, tôi cứ mang mang trong tâm trí mỗi bận về Mông Dương, có một dòng sông than mang âm hưởng của than và của biển, của sông và núi, âm vang tiếng than ở lò giếng Mông Dương!

         Mông Dương-  Mông Dương, hai tiếng ấy cứ bảng lảng những âm thanh của than khi nó được  hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20 đầy biến động. Cuộc đình công lừng lẫy tháng 11 năm 1936 ở vùng mỏ Cẩm Phả thì thợ mỏ Mông Dương đã kéo quân ra đến Cửa Ông để nhập vào đội ngũ đình công - cuộc đấu tranh của thợ mỏ với chủ mỏ đòi tăng lương, giảm giờ làm đã đi đến thắng lợi với khẩu hiệu “Kỷ luật - đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”. Và vì thế, Mông Dương trong hành trình hòn than đã có từ rất sớm, hai tiếng Mông Dương như âm vang từ dòng sông Mông Dương, từ cửa biển Mông Dương luôn tạo cảm xúc đặc biệt mỗi khi có dịp về với Mông Dương mỏ.  Và một điều đặc biệt là trogn ngành khai thác than chỉ duy nhất Mông Dương có công nghệ khai thác giếng đứng. Là lò Giếng đứng sâu nhất Việt từ khi còn thuộc Pháp.  Theo các nguồn tư liệu cho biết,  từ năm 1917, lò giếng đứng Mông Dương hoàn thành, Giếng đứng Mông Dương được đào với đường kính hơn 6m, ngoài giếng đứng còn có 1 giếng nghiêng và các đường lò khác đều ở mức -97,5m.  Từ điều đặc biệt đó Mông Dương đã có một Di tích cấp tỉnh được công nhận, đó  là Giếng đứng Mông Dương. Tháng 12/2007 UBND tỉnh Quảng Ninh trao quyết định và gắn biển Di tích cấp tỉnh, thành phố là  "Di tích lịch sử văn hóa lò giếng đứng Mông Dương"; ngày 11/12/2007 Công ty vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm. 

Vị trí mỏ than Mông Dương tên gọi trước đây đã qua nhiều phiên hiệu tách ra, nhập vào, từ Xí nghiệp xây lắp Mông Dương đến Công ty Cổ phần Than Mông Dương hiện nay là những chặng đường nhiều gian nan, thử thách, rất vinh quang với nhiều thành tích, nhưng cũng có những chặng đi gập ghềnh vì nhiều lý do khác nhau…Đến thời điểm tháng tư mùa xuân năm 2022 này, Công ty tổ chức kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển thì chỉ là một chặng đường quan trọng trong hành trình có bề dầy của một mỏ than rất đặc biệt này.

Theo dòng tư liệu lịch sử, người Pháp đã đến Mông Dương để tìm tiếp vỉa than mà họ đã đến khai thác từ năm 1888 theo trục vỉa than  của cánh cung Đông Triều ở vùng Đông Bắc này. Ở thời điểm đó chưa đến 100 mét đã là sâu nhất nhất Việt Nam, còn bây giờ với điều kiện kỹ thuật hiện đại thì lò giếng Mông Dương đã vượt qua mức âm 200 mét so với mực nước biển. Còn nhiều mỏ hầm lò khác của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đã đưa công nghệ đào lò tiên tiến để đi sâu hơn vào lòng đất khai thác than xa hơn nhiều mà mức khai thác của người Pháp ban đầu chưa đến 100 mét kia.

  Tôi luôn ám ảnh về hình sông, thế núi Mông Dương, bởi  lẽ, cái thị trấn nằm lọt thỏm trong thung lũng kia như là một bờ mi khép lại của đôi mắt người từng trải đang thỏa mãn ngắm biển khơi, ngắm dòng than của mình ngày ngày đi ra biển. Có khi lại nhìn ra thị trấn mỏ Mông Dương như một chiếc nón khổng lồ chứa đựng tất thẩy những gì đất trời gửi lại cho con người nơi đây cuộn khoanh lại trong lòng đất,. Có khi lại nghĩ cái thị trấn mỏ than đặc biệt này chỉ như một nắm tay tròn vo tựa như một tảng than kiple được kết tụ cả triệu năm… Ấy là than, ấy là mỏ, ấy là những khúc thức đầy vơi của biết bao thế hệ người thợ mỏ đã đến và đi qua và ở lại với Mông Dương. Là một Mông Dương nằm gọn trong một thung lũng lọt thỏm giữa vùng rừng núi, là khúc cuối của dãy cánh cung Đông Bắc, nếu theo địa giới hành chính thì là vị trí ở địa phận cuối cùng của thành phố Cẩm Phả giáp với huyện Ba Chẽ,  tỉnh Quảng Ninh. Cái thung lũng Mông Dương là một kho báu trời ban cho vùng đất này nên khu vực mặt bằng sớm trở thành một khu thị tứ sầm uất từ lâu rồi, và có tên gọi là thị trấn Mông Dương, giờ là phường Mông Dương thì vẫn là một Mông Dương mỏ có nhiều điều muốn khám phá. Thị trấn ấy có than, có biển, vì dòng sông Mông Dương ngay chân mỏ đổ ra cửa biển là hòa vào với biển trời Đông Bắc vùng biển Cái Rồng cổ kính. Dòng sông ngay trước mỏ, chợ ngay trước mỏ trường học, bệnh xá đều từ mỏ mà nên. Thị trấn Mông Dương chỉ là người làm mỏ Mông Dương nhiều thế hệ thợ mỏ từ các miền quê đã có mặt ở đây, họ đến và ở lại, lập nghiệp và an cư ở đây, gắn bó với hòn than Mông Dương ngót nghét trên dưới nửa thế kỷ. Và có thể nói Mông Dương  mỏ hay Mông Dương phường đều hòa là một. Dấu ấn văn hóa thợ mỏ đã tạo nên điều kỳ diệu này, cuộc sống đã đồng hiện trong những khuôn cửa sổ vương bụi than, là cây cầu bắc qua sông nối hai khu nhà tập thể công nhân. Là muôn vàn nhịp điệu than đã hiện diện trong đời sống của người Mông Dương, như một nét bút của họa sĩ cứ nhấn nhá thêm âm hưởng Mông Dương. Là từ những dãy nhà tập thể mỏ lâu đời nối tiếp chụm lại với nhau, từ những ngôi nhà bên sườn đồi đủ vườn cây trái của thợ mỏ dựng nên, bình yên và thân thương của làng mỏ, phố mỏ mang tên Mông Dương…

Do công việc, tôi có dịp trở đi trở lại nhiều lần về Mông Dương, và giống như các mỏ than khác ở Quảng Ninh, tên các mỏ than trở thành là tên địa danh hành chính của địa phương. Đó là một điều rất thú vị, và từ cái tên phố thợ, xóm thợ này, tạo nên các địa danh dân cư, địa danh văn hóa ở địa phương, là nét văn hóa vùng miền, địa phương rất riêng. Ở mỏ than Mông Dương có rất sớm các công trình phúc lợi của công nhân mỏ như Nhà văn hóa của mỏ, trường học ở mỏ, sân thể thao của mỏ. Các công trình đó đều thuộc quản lý của Mỏ than Mông Dương, các nhà mẫu giáo, trường học cho con em công nhân mỏ ban đầu đều khởi nguồn từ mỏ Mông Dương. Dù sau này thuộc biên chế quản lý ngành dọc thế nào đi nữa thì Mỏ Than Mông Dương đã tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá. Với Mông Dương ở vùng than Cẩm Phả  là đơn vị ở cuối con đường than đi  ra cảng Cửa Ông. Mông Dương vì thế cứ vời vợi ở thung lũng than ấy. Mông Dương đã tạo cảm hứng cho anh em văn nghệ sĩ chúng tôi đến và để lại những tác phẩm văn học, thi ca, nhạc họa, những bài ca về Mông Dương hôm qua và hôm nay.

Và hôm nay Mông Dương một  bài ca mới về than.screenshot_385

Là đơn vị có điều kiện khai thác đặc biệt, với hơn 3 ngàn cán bộ công nhân và người lao động với thời kỳ bây giờ, có thể gọi là đơn vị có quân số đông trong các tập đơn vị của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Với con người, với địa hình khai thác đặc thù của Mông Dương, việc quản lý vận hành một đơn vị như thế hẳn là không hề nhẹ nhàng chút nào đối với dội ngũ lãnh đạo công ty hôm nay  mà tôi gặp, họ trẻ lắm, một đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tri thức, nhìn họ thật sung sức tuổi trẻ, và trước họ, tôi đã thấy mình… rất già! Và người đứng mũi chịu sào là giám đốc Nguyễn Quế Thanh, tôi biết anh Nguyễn Quế Thanh từ khi anh làm giám đốc công ty Than Hồng Thái và  đã được điều động về  làm giám đốc Mông Dương mấy năm nay rồi. Hôm trước tình cờ gặp anh trong một hội nghị của đơn vị, anh vẫn giữ phong độ  điềm đạm và thân tình, ít ai nghĩ nhìn anh như một ông giáo hiền lành thế kia mà đang phải gánh trên vai một trọng trách lớn ở một mỏ than như Mông Dương.  Với vai trò giám đốc thì công việc ở đâu cũng nặng khi đảm nhận vị trí  đứng đầu của một đơn vị sản xuất kinh doanh thế này, dù biết cũng là công việc khai thác hầm lò nhưng đặc thù mỗi đơn vị một khác,  hẳn nhiên là Thanh phải cố gắng nhiều vì Mông Dương chắc chắn khác khi anh còn  ở công ty  than Hồng Thái nhiều lắm… Công việc làm than ở đâu cũng vậy, áp lực ở mọi chiều công việc, nhưng rồi ở vai trò nào thì mỗi người đều phải nỗ lực, phải vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ. Hai năm nay thì dịch bệnh Covid  liên miên làm ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, càng đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi thành viên trong ban lãnh đạo của Công ty. Nhưng Mông Dương vẫn giữ được nhịp điệu bền vững trong sản xuất và kinh doanh, đó là hiển thị các thành tích mà Mông Dương đạt được thời gian gần đây đủ thấy, Mông Dương đang rất sung sức, đang rất vạm vỡ theo dòng chảy của dòng than ra bến, ra mọi miền Tổ quốc. Mặc dù hơn hai năm qua bị ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19,  Công ty vẫn  tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu kép là “vừa phòng, chống dịch bệnh - vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh”. Bảo đảm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công nhân và người lao động tốt nhất. Mỗi chặng đường Mông Dương đều có những dư ba âm hưởng dòng than theo những chuyến tàu xuôi ra từ cửa biển Mông Dương. Ở đó là sức người, là trí tuệ tập thể của các thế hệ thợ mỏ hôm qua và hôm nay đã và đang tạo ra những mùa than Mông Dương đầm ấm.

   Xin điểm một vài con số từ báo cáo của Công ty, chỉ tính riêng từ khi đi vào cổ phần hóa doanh nghiệp từ năm 2008 đến năm 2021 sản lượng sản xuất và tiêu thụ than đạt hơn 19 triệu tấn và đào được hơn 220km đường lò, tăng 3,1 lần so với 26 năm trước đó. Đó là sức mạnh của đoàn kết, đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ và hội nhập, đổi mới về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của Ban Giám đốc, chung sức đồng lòng của các tổ chức chính trị, xã hội đoàn thể tại công ty cũng như được sự quan tâm đồng hành sâu sát từ các cơ quan cấp trên là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Đảng ủy than Quảng Ninh. Là sự chung tay giúp sức, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan đơn trong và ngoài ngành, là sự quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh và thành phố Cẩm Phả. Và trong đó có sự gắn bó máu thịt với nhân dân và chính quyền phường Mông Dương, nơi đơn vị đứng chân.

   Nhìn vào kết quả mới nhất mà Mông Dương đạt được ở năm 2021 thật mừng cho Mông Dương trong những ngày hướng về Kỷ niệm ngày truyền thống 40 năm ngày Công ty Cổ phần than Mông Dương vào tháng 4/2022.  Đó là doanh thu ước đạt 128,6 ngàn tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch năm, bằng 94,2% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu than đạt 72,5 ngàn tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch năm, bằng 104,4% so với cùng kỳ;  Lợi nhuận toàn Tập đoàn dự kiến đạt 3,5 ngàn tỷ đồng đạt 116 % so với kế năm và bằng 113 % so với cùng kỳ 2020; Tiền lương bình quân đối với sản xuất than 13,79 triệu đồng/người/tháng, bằng 100 % kế hoạch tương đương so với thực hiện năm 2020…

    Ghi nhận những đóng góp của cán bộ, công nhân lao động Công ty, Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và các nhân cán bộ công nhân và người lao động Công ty Cổ phần than Mông Dương. Đó là các Bằng khen, Bằng lao động sáng tạo, Chiến sỹ thi đua;  Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1992, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2009; Năm 2010, Công đoàn Công ty được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng thi đua danh hiệu cao quý khác.

     Đến hôm nay Mông Dương vẫn là lò giếng  duy nhất ở ngành Than Việt Nam, Mông Dương sẽ còn găm mãi vào vùng đất giàu tài nguyên này với những thế hệ thợ mỏ Mông Dương đã trưởng thành và trở thành các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước trong hành trình trên dưới nửa thế kỷ qua. Như đồng chí Phạm Thế Duyệt, vị giám đốc tiền bối Xí nghiệp xây lắp Mông Dương (tiền thân của Công ty Than Mông Dương hiện nay) đã trở thành Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông  là một người thợ mỏ đặc biệt. Là đồng chí Đoàn Văn Kiển, vị giám đốc kế nhiệm đồng chí Phạm Thế Duyệt đã trở thành Tổng giám đốc, Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, cũng là một người thợ mỏ đặc biệt của Mông Dương, một con người đã làm nên những kỳ tích xây dựng và phát triển ngành than trở thành một ngành kinh tế lớn, có vị thế trong và ngoài nước với nhiệm vụ khai thác và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Và còn nhiều các đồng chí nguyên cán bộ của Mông Dương các thời kỳ đã trở thành cán bộ cấp cao ở các lĩnh vực chính trị kinh tế khác.

   Và âm hưởng Mông Dương sẽ như khúc ca vang mãi, còn lại mãi với đất và người Mông Dương, của vùng mỏ Cẩm Phả anh  hùng. Âm hưởng Mông Dương đang dâng trào ngân vang khúc ca chặng đường của 40 năm xây dựng và phát triển, khúc ca của chàng trai, cô gái tuổi bốn mươi đẹp như những mùa hoa lau ở thị trấn cửa biẻn này. Bài ca về Mông Dương , ngân mãi, ngân xa, và vang vọng ngày sau…/.

                                                                                                        Hạ Long tháng 3/2022

                                                                                                                  V.T.N

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 40
Trong ngày: 107
Trong tuần: 1140
Lượt truy cập: 436654
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.