Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

ÂM VANG

Đỗ Ngọc Yên
 
ÂM VANG
 
“Mỗi lúc vui buồn lại ra gặp dòng Thương
Con sông ấy vẫn đôi dòng trong đục
Laị bắt gặp tiếng ve ran sinh lực
Bè xuôi dòng, nước ắp các dòng mương
 
Ngỡ bây giờ mới cảm hết quê hương
Tiếng sóng vỗ cần cù và không gian sâu lắng
Ôi muốn khóc sau tiéng gà trưa nắng
Con gà xưa mẹ gọi lúc xuống hầm
 
Hoa mướp nở vàng, bưởi lúc lỉu ngoài sân
Bi chuối trổ như niềm vui đột ngột
Cái cần nước giương cao như mời mọc
Như bâng khuâng trước mạch nước ngọt đầy
 songthuong1
Cánh chim làm xáo động cả trời mây
Khói bếp toả loang dài trên khoảng rộng
Mây trắng xốp và bầu trời lồng lộng
Thăm thẳm xanh không thắc thỏm mắt nhìn
 
Đồi im lặng nhắc ngày qua chiến trận
Nay bạch đàn nứt vỏ bật chồi tơ
Hố bom thù cỏ phủ kín màu xanh
Trâu gặm cỏ, nghe lăn mình đùa giỡn
 
Trưa bình thường mà biết mấy âm vang
Tôi đứng lặng tâm hồn xao động quá
Sẽ đầy ắp những âm thanh mới lạ
Tiếng máy cày rộn rã đã bừng lên!”
 
TRẦN ANH TRANG
 
LỜI BÌNH CỦA ĐỖ NGỌC YÊN

Bài thơ là bức tranh miêu tả một vùng quê Việt Nam bình dị, với nhiều sự vật, sự việc và hiện tương khác nhau bằng những gam màu khá đặc trưng: Dòng mương có con bè trôi xuôi, tiếng gà gáy trưa, tiếng ve ran, bưởi đã ra quả, mướp trổ hoa vàng, khói toả loang, mây trắng xốp, cánh chim xao động, cái cần nước giương cao, trâu gặm cỏ, nghé lăn mình đùa giỡn, hố bom đã xanh màu cây trái, tiếng máy cày rộn rã… Chỉ cần chừng ấy chi tiết thôi bạn đọc cũng có thể hình dung được đấy là vùng quê nào, nhưng chắc chắn phải là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, khá màu mỡ, trù phú. Vâng! Đấy chính là miền quê Kinh Bắc, nơi có dòng sông Thương và sông Cầu uốn lượn quanh năm đắp bồi phù sa cho cây trái đơm hoa, nảy lộc, cho con người đắm mình vào Quan họ mỗi canh.
Một bài thơ hay không phải là nói về cái gì, ở đâu, mà nhà thơ phải tìm ra được một cách nói riêng đặc trưng cho ngôn ngữ, tập quán, cách cảm cách nghĩ của con người và mảnh đất nơi đó. Tìm được một cách nói dung dị, đơn giản và có duyên khi viết về con người và vùng quê Kinh Bắc như Trần Anh Trang cũng đã là một cố gắng đáng ghi nhận.
Cái được của “Âm vang” là ở sự tinh nhạy trong quan sát và miêu tả các chi tiết. Dường như tác giả không quan tâm đến những suy tưởng hay triét lý, mà chỉ quan tâm đến việc miêu tả các chi tiết. Đối với thơ, một chi tiết đắt còn có giá trị hơn gấp nhièu lần một triết lý tồi. Ngược lại một chi tiết thừa có khi làm hỏng cả một bài thơ. Rất may trong Âm vang có khá nhiều chi tiết, nhưng không có chi tiết nào đến nỗi thừa. Tuy nhiên những chi tiết như: bưởi lúc lỉu ngài sân, thắc tỏm mắt nhìn, nghé lăn mình đùa giỡn đã được tác giả sử dụng khá đắt trong “Âm vang” của mình.
Thực tình tôi rất thích ba chi tiết này. Trần Anh Trang đã chọn được các cụm từ dùng để miêu tả sự vật, hành động khá đặc trưng và gợi nên sắc thái tu từ cho hình tượng thơ. Chẳng hạn như quả bưởi trên cành ở ngoài sân khi gió lay hoặc người va quệt nó có thể đung đưa, lúc lắc, chao đảo… nhưng sử dụng một động tính từ láy lúc lỉu tạo nên cho người đọc cảm giác đậm đặc về số lượng và tĩnh về động thái hơn. Từ lúc ở đây hàm nghĩa là nhiều về số lương như ta thấy trong cụm từ lúc nhúc. Còn từ lỉu vừa đóng vai trò từ láy làm giảm nhẹ mức độ biểu đạt về số lượng của từ chủ, tức là không đến nỗi quá nhiều, mà cùng lắm cũng chỉ là rất nhiều mà thôi. Thế nhưng giá trị ngữ nghĩa thứ hai của từ lỉu còn biểu hiện trạng thái tĩnh của sự vật mà ta thường thấy trong các cụm từ như: lủng lỉu, lủng lẳng là trạng thái sự vật bị treo lơ lửng nhưng không bị lay động mà ở thể tĩnh, biểu hiện không khí yên bình của những miền quê nông thôn Việt Nam truyền thống, chưa hề bị sự nhộn nhạo, lăng xăng của thời kinh tế thị trường phá vỡ. Nếu với ý định đó thì quả thật trong trường hợp này không thể thay cụm từ lúc lỉu bằng các cụm từ khác như vừa kể trên. Và nếu thay thì chắc chắn không thể nào đem lại cho chi tiết, hình tượng thơ những giá trị thẩm mỹ tương ứng. 
Nghé lăn mình đùa giỡn cũng là một chi tiết khá đắt của Trần Anh Trang trong “Âm vang”. Ai cũng biết rằng các con bé kể cả người và vật đều thích đùa giỡn. Nhưng giỡn đến lăn mình thì thật tuyệt vời. Vô tư là thế và cũng đủ đầy là thế! Sự ngây ngô và vô tư là thuộc tính chung của tuổi nhỏ. Nhưng còn sự đủ đầy thì dường như lại không được chia đều cho tất cả. Trâu mẹ thì lo gặm cỏ để lấy sữa nuôi con. Nếu không no sữa mẹ thì nghé con lấy đâu hơi sức mà đùa giỡn cơ chứ! Nhưng mặc kệ. No sữa rồi chú cứ thả sức lăn mình mà đùa giỡn, có thể là không với ai cả, mà chỉ với chính mình thôi. Đọc đến chi tiết này tôi cảm thấy bất ngờ trước sự nhạy cảm trong quan sát và chọn lựa ngôn ngữ để miêu tả chú nghé con của Trần Anh Trang. Và tất cả các chi tiết ấy đã tạo nên một Âm vang khá đằm, đặc trưng cho vùng Kinh Bắc quê anh rất khó trộn lẫn, nhưng lại không đến nỗi quá xa lạ với những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở một làng quê Việt Nam. Đó cũng chính là thành công của “Âm vang” và của Trần Anh Trang.
                                                                   Đ.N.Y     
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 20
Trong ngày: 167
Trong tuần: 1184
Lượt truy cập: 436336
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.