Pgs-Ts Vũ Nho
GÓP BÀN MỘT CHÚT VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ( AI) VÀ SÁNG TÁC THƠ VĂN
Từ lâu, dân mạng đã bàn tán về trí tuệ nhân tạo (AI). AI có thể viết nhạc, Al có thể đánh cờ, Al có thể làm bài tập, Al có thể…làm nhiều thứ.
Gần đây có các tác giả đã thử sức AI. Đó là nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, dịch giả Trần Hậu. Tôi đã chăm chú đọc các bài viết trên và xin có mấy ý như sau.
Trong khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo hay AI (tiếng Anh: artificial intelligence), đôi khi được gọi là trí thông minh nhân tạo, là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên của con người. Thông thường, thuật ngữ "trí tuệ nhân tạo" thường được sử dụng để mô tả các máy móc chủ(hoặc máy tính) có khả năng bắt chước các chức năng "nhận thức" mà con người thường phải liên kết với tâm trí, như "học tập" và "giải quyết vấn đề". ( Wikipedia https://vi.wikipedia.org/wiki/). Chúng ta phải thừa nhận AI là một thành tựu của khoa học . Khoa học kĩ thuật tạo ra các công cụ tốt, nâng cao năng suất nhiều lần so với người bình thường. AI không là ngoại lệ. Theo quan sát cá nhân, tôi thấy AI thông minh hơn một người bình thường. AI làm thơ có thể chưa thật hay, nhưng chắc chắn là hơn đứt những nhà thơ trung bình vốn rất nhiều của chúng ta. Việc viết truyện hay viết phê bình thì cũng đáng kinh ngạc. AL làm khá tốt.
- Xin bàn về một số trường hợp cụ thể
Dịch giả Trần Hậu đã đưa dẫn chứng hai bản dịch thơ của AI. Ông viết rằng vì dịch thơ phức tạp nên ông đã nhờ AI dịch. Kết quả là AI dịch không tồi. Xin phép đưa lại bản dịch của AI mà Trần Hậu có dẫn ra:
CÔ ĐƠN
Ivan Bunin
Gió và mưa, và sương mù,
Trên hoang mạc nước lạnh lùng.
Nơi đây, trước mùa xuân không có sự sống,
Trước mùa xuân, những khu vườn vắng tanh.
Tôi một mình ở nhà nghỉ.
Bóng tối sau giá vẽ, gió thổi qua cửa sổ. Hôm qua em ở bên tôi,
Nhưng em đã chán tôi rồi.
Chiều muộn ngày mưa gió,
Em bỗng trở thành vợ tôi...
Thôi thì, tạm biệt! Trước khi xuân đến,
Tôi sẽ sống một mình — không vợ...
Hôm nay, những đám mây vẫn kéo đến,
Liên tiếp, từng lớp từng lớp.
Dấu chân em dưới mưa trước hiên,
Nhòa đi, đẫm nước.
Tôi đau lòng nhìn vào bóng tối,
Chiều tà xám xịt.
Tôi muốn gọi theo em:
“Quay lại đi, tôi đã quen em rồi!”
Nhưng với phụ nữ, không có quá khứ:
Hết yêu — thành người dưng.
Thôi thì! Tôi sẽ nhóm lửa, uống rượu...
Thật tốt nếu có thể mua một chú chó.
1903
Lại nhớ đến phần mềm dịch trong Google. Tôi đã thử và thấy rằng những đề mục, những câu đơn giản thì nó dịch khá chuẩn. Nhưng những câu văn phức tạp, nhất là những câu thơ thì nó dịch không chuẩn, có khi ngô nghê. Nhưng tôi đã dùng nó để dịch một số văn bản , rồi mình Hiệu đính. Kết quả khả quan.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa thừa nhận AI có thể viết văn xuôi, viết phê bình khá tốt. Nhưng AI làm thơ chung chung, không có “hồn”.
“Mới đây, nhà thơ thử lệnh trí tuệ nhân tạo viết điếu văn cho ông, độ dài 800 chữ. Ông ngỡ ngàng khi sau hai giây, chỉ với vài dữ kiện, AI đã tạo một bài viết "xúc động, ám ảnh, lâm ly, nhắc đến đầy đủ các tác phẩm, trong đó có những sáng tác từ thời nào mà tôi còn không nhớ rõ'', theo nhận xét của Trần Đăng Khoa.
Nhà thơ cho hay: ''AI viết văn hay, tả cảnh chi tiết, sinh động". Một nhà văn từng nhờ ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách thiếu nhi sắp ra mắt. Tuy nhiên sau khi đọc bản thảo và thấy không ấn tượng, ông bèn nhờ AI thực hiện công việc này. Cũng chỉ trong thời gian ngắn, trí tuệ nhân tạo đã cho ông một bài đạt chất lượng tốt. Nhà thơ đưa sản phẩm của công nghệ cho nhà văn đó xem, khuyên ông không nên in sách bởi ''viết thua cả robot''.
Tuy nhiên, theo nhà thơ, AI không thể sáng tác thi ca. Ông nhận định: "Thơ là những rung động của tâm hồn, cảm xúc chỉ con người mới hiểu, mới truyền tải được'', còn AI là các tính toán và phân tích dữ liệu, không thể chạm đến tâm tư sâu thẳm của con người. Vì vậy, ông cho rằng hiện chỉ có nhà văn phải cạnh tranh gay gắt với trí tuệ nhân tạo”. (https://vnexpress.net/nha-tho-tran-dang-khoa-ai-viet-van-rat-hay-4808517.html).
Nhưng quả tình AI có thể làm thơ. Theo tôi, thơ nó làm không đến nỗi dở hơi hay ngô nghê. Thơ AI làm có thể không xuất sắc, không độc đáo, không hay bằng các nhà thơ tài năng (số này ít thôi), nhưng vẫn là khá hơn so với những nhà thơ trung bình. Tôi e rằng những bài thơ AI làm hộ cho người, họ đem gửi một số tòa soạn, chắc chắn sẽ được dùng. Vì thơ của chúng ta nhiều, nhưng các bài xuất sắc thì đâu có nhiều!
Khả năng văn xuôi của AI đã được một số người khẳng định. Có thể nhiều người nghi ngờ khả năng viết phê bình của AI. Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền viết: “AI làm thơ, viết nhạc cũng … thường thôi, so với người tài giỏi. Nhưng xem ra nó giỏi hơn hẳn những người trung bình và trung bình yếu trở xuống (như mình chẳng hạn).
Nó viết bình luận văn thơ khá. Nhiều bài nói và viết giới thiệu văn thơ của ta có vẻ còn đuối lắm so với cu AI. “ ( FB Hoàng Xuân Tuyền).
Nhưng qủa thực AI phê bình thơ như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã công bố thì không thể coi thường. Bình bài thơ Người về của Hoàng Hưng, nó chỉ mất 20 giây mà đâu ra đấy. Đến nỗi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến phải thốt lên : “Tưởng không hay mà lại hay không tưởng tượng nối”! ( FB Nguyễn Việt Chiến). Tôi còn băn khoăn với khả năng phê bình văn xuôi của AI. Chưa thấy nó phê bình truyện ngắn. Càng chưa thấy nó phê bình một tập truyện ngắn, hay một tiểu thuyết. Và cũng chưa có ai lệnh cho nó phê bình một tập thơ. Vì thế mà những nhà văn chuyên về phê bình văn học có thể an tâm. AI không thể thay làm hết mọi việc và tranh hết thị phần.
- Nghe nói AI có thể soạn nhạc, soạn ca khúc. . Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền viết : “ CÁC CỤ Ạ, thơ tôi, NHẠC TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐÂY! Nó làm xong mọi việc trong … đúng là …một nốt nhạc!” ( FB Hoàng Xuân Tuyền). Nhưng chưa thấy ai công bố AI vẽ ra sao. Cái món hội họa chắc là khó nhằn gấp nhiều lần văn thơ hay nhạc với AI !
- Đôi điều tạm kết luận
- Al là một thành tựu khoa học, nó là một công cụ tốt. Al có thể giúp cho chúng ta sáng tạo, cả trong lĩnh vực văn chương.
- AI đã có những thành công nhất định, không thể phủ nhận, như chúng ta đã biết qua các ví dụ bên trên.
- Các nhà khoa học đã lo ngại về AI và cảnh báo :
- Sau khi nhà vật lý học Stephen Hawkingvà tỷ phú Elon Musk cảnh báo về mối đe dọa tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo, nhiều người vẫn cho rằng họ đã quá lo xa trong khi AI đang giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của chúng ta. Stephen Hawking khẳng định "Trí tuệ nhân tạo có thể là dấu chấm hết cho nhân loại khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất"
- Tác động đầu tiên của trí tuệ nhân tạo mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chính là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Nếu AI phát triển hoàn thiện, nó có khả năng thay thế con người trong các công việc trí tuệ như chăm sóc sức khỏe, phục vụ, sản xuất theo dây chuyền tự động, công việc văn phòng....[31]Hoặc cũng có thể vấn đề thất nghiệp sẽ được AI giải quyết một cách mà chúng ta không thể hình dung được.
- Theo Bill Joy, người đồng sáng lập và Giám đốc khoa học của Sun Microsystems: "Có một vấn đề rất lớn đối với xã hội loài người khi AI trở nên phổ biến, đó là chúng ta sẽ bị lệ thuộc. Khi AI trở nên hoàn thiện và thông minh hơn, chúng ta sẽ cho phép mình nghe theo những quyết định của máy móc, vì đơn giản là các cỗ máy luôn đưa ra quyết định chính xác hơn con người."[31]
- Theo Andrew Maynard, nhà vật lý và là người giám đốc Trung tâm nghiên cứu rủi ro khoa học tại đại học Michigan: "Khi AI kết hợp với công nghệ nanocó thể là bước tiến đột phá của khoa học, nhưng cũng có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với con người. Trong khi Bộ quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu dự án Autonomous Tactical Robot (EATR), trong đó các robot sẽ sử dụng công nghệ nano để hấp thụ năng lượng bằng những chất hữu cơ có thể là cơ thể con người. Đó thực sự là mối đe dọa lớn nhất, khi các robot nano tự tạo ra năng lượng bằng cách ăn các chất hữu cơ từ cây cối và động vật, có thể là cả con người. Nghe có vẻ giống như trong các bộ phim viễn tưởng, nhưng đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu cẩn thận ngay từ bây giờ."
- Mới đây, ông Masayoshi Son, CEO SoftBank, khẳng định ASI (Artificial Super Intelligence -Siêu trí tuệ nhân tạo) là "bước đi lớn tiếp theo" của nhân loại, và được kỳ vọng sẽ thông minh hơn não người gấp 10.000 lần. Vị CEO này cũng nhận định, ASI do SoftBank phát triển, sẽ ra đời vào năm 2035. (https://dantri.com.vn/suc-manh-so/cuoc-dua-ai-toan-cau-sieu-tri-tue-nhan-tao-sap-xuat-hien-20241104151027514.htm).
- Phải thừa nhận là AI làm rất nhanh. Thời gian “hai giây”, “hai mươi giây” hoặc “một nốt nhạc” cho thấy ưu thế ghê gớm của AI so với con người, dù đó là nhà phê bình, nhà thơ hay nhà văn tài ba chăng nữa!
- Tuy vậy, con người mới là yếu tố quyết định. Những nhà thơ , những nhà văn, nhà phê bình, nhà dịch thuật ưu tú không sợ sự cạnh tranh của AI hoặc ASI. Nhưng nếu họ sử dụng AI một cách hợp lí, sáng tạo, ( nói cách khác họ nhờ AI trợ giúp) chắc chắn công chúng sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm đỉnh cao, thú vị!
Hà Nội, 3/11/2024
V.N