Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN BÙI VỢI

Nguyễn Nhuận Hồng Phương

MỘT CHIỀU VỚI NHÀ GIÁO, NHÀ THƠ NGUYỄN BÙI VỢI

     

     Tôi nhớ thời gian ấy là một chiều chủ nhật vào trung tuần tháng 7 năm 2000, tôi xuống thăm gia đình Nhà giáo - Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi.

      Cũng nên lan man một chút nguyên do về cuộc thăm viếng này: Chẳng hiểu vì sao bước vào tuổi đã ngoài ngũ tuần rồi mà mấy anh bạn của tôi nảy nòi ra thơ phú. Thế là mấy người sáng sáng túm tụm nhau cafe, trà lá, thuốc thang để nói về thơ… Rồi anh nào anh nấy thi nhau viết, sáng kiến lập nhóm “Thơ tình tuổi năm mươi”, cũng soạn thảo, in ấn, kẻ khung, đóng tập rồi chia cho nhau, gật gật, gù gù xướng, hoạ đọc cho nhau nghe đủ các kiểu...

      Thích thì cứ “nhích” thế thôi. Nhưng rồi một lần Nhà thơ Nguyễn Công Dương xuống chơi. Lúc ấy ông là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Vĩnh Phúc và đã nổi tiếng vì có thơ in trong sách giáo khoa. Nhà thơ nghe tiếng nhóm “Thơ tình tuổi năm mươi” nên xuống lân la tìm nhân tố phát triển. Ông cho cả nhóm mượn cuốn “Tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi”. Nhìn lời đề tặng, tôi hỏi: Nhà thơ cùng dạy học với ông Vợi à? - Không – Nhà thơ đáp- Ngày trước anh Vợi là giáo viên dạy học ở Phúc Yên, nhận ông cụ thân sinh ra mình làm bố nuôi. Anh Vợi thấy mình có khiếu thơ văn, khuyến khích. Đấy!, Bài thơ “Luỹ tre” của mình được “đứng” ở sách Giáo khoa cũng nhờ anh ấy chỉ bảo, góp ý từ thuở ban đầu … Thấy vậy, trước khi ông về tôi hỏi xin số điện thoại Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Nhà thơ Nguyễn Công Dương rất nhiệt tình cho, và còn vẽ đường và ghi tên phố, số nhà cẩn thận cho tôi.
    Sáng hôm sau, sau khi bàn với anh trai tôi là Nguyễn Ngọc Dư (Anh trai tôi còn có bút danh là Zư Bảo Toàn). Tôi gọi điện cho Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi và tự nhận là học trò muốn xuống thăm thầy. Nhà thơ tỏ ra vui, dặn: Chủ nhật này xuống chơi, nếu có thơ thì mang xuống mình xem.

      Nhà của gia đình Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi nằm trong Ngõ 32, Đường Tô Ngọc Vân, Quận Tây Hồ. Dọc hai bên đường vào nhà nào nhà nấy to, cao ngất ngưởng. Ngôi nhà của Nhà thơ nhỏ, thấp hơn. Vào đến cồng, tôi ngó qua khe hở của lan can quan sát: Phía trước cửa ra, vào khoảng sân rộng, lát gạch đỏ, xung quanh là khuôn viên có những cây lâu năm mọc tự nhiên; lẫn trong thế giới tự nhiên ấy là những chậu cây cảnh và các loài hoa bình dị như hoa giấy, hoa hồng, hoa ngâu, hao mộc, hoa cúc… Gây cho tôi ấn tượng ban đầu: đây là một vị chủ nhà không cầu kỳ, góc cạnh chơi cây thế, hoa lạ như một số các vị cao niên thời nay.n.b.voi

     Tôi bấm chuông. Ra mở cửa là Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Ông mặc ao may ô, quần thụng ngắn ống. Tôi khoanh tay, cúi đầu, kính cẩn đúng như một cậu học trò thuở trước:

       - Em chào Thầy. Thầy vừa nghỉ trưa dậy ạ?

      - Anh ở thị xã Phúc Yên xuống phải không? - Ông không đáp mà hỏi lại.

       - Dạ - Tôi nói - Thưa Thầy, hôm kia em có điện cho Thầy…

       - Vào đi - Ông đáp, và chờ tôi dắt xe máy vào sân, ông khép cổng, chốt  khóa lại.

      Tôi nhường ông đi trước rồi theo chân ông vào nhà, vừa lúc đó bà Từ - vợ ông từ trong phòng đi ra. Tôi nhanh nhảu:

      - Em chào Cô.

    - Vâng, chào anh - Bà chào lại rồi mời - Anh vào ngồi chơi, uống nước với nhà tôi. Tôi xin phép - Nói xong bà pha nước rồi vào phòng cho hai thầy trò nói chuyện.

       Nhà thơ rót nước mời tôi kèm theo câu hỏi:

       - Uống nước đi. Anh tên chi?

       - Dạ - Tôi xoa tay, đáp - Em tên Phương.

     - Nhà Phương ở Phúc Yên có gần trường Trần Phú ngày xưa không? - Ông hỏi tiếp.

      - Dạ - Tôi trả lời- Nhà em ở gần Chùa Thông, nơi có nghĩa địa Tây. Thầy còn nhớ không ạ?

     - Có! Nhớ chứ! - Ông đáp rồi nói như thoáng nghĩ về những kỷ niệm đã xa - Thế mà thấm thoắt đã bao nhiêu năm rồi… Đúng là thời gian… - Ông dừng lời vẻ mặt trầm ngâm.

     Tôi nhấc cốc nước lên tay:

     - Thưa Thầy, em nhớ hồi còn bé, mỗi lần thị xã Phúc Yên tổ chức đá bóng, khi ra sân Thầy giữ chân trung vệ … - Nhà thơ nghe tôi gợi chuyên cũ đăm đăm nhìn tôi không nói gì. Tôi rụt rè trình bày lý do - Thưa Thầy, em và mấy người bạn rất thích làm thơ. Theo ý Thầy, hôm nay em mang xuống một số bài mong Thầy đọc, góp ý, dạy bảo thêm cho chúng em ạ - Vừa nói tôi vừa lấy những bài thơ trong túi xách ra đưa cho ông.

     Nhà thơ cầm, lật mấy trang xem rồi nói:

    - Viết ít thôi, nhưng nghĩ phải nhiều, nghiền ngẫm nhiều trước khi viết. Nghĩ chín thì khi viết rất nhanh - Đang nói bỗng ông đứng dậy đi vào phòng cầm ra một cuốn sách, hỏi - Anh đọc thơ của Trần Nhuận Minh chưa? 

       - Dạ… - Tôi ấp úng - Em cũng đọc đôi bài rồi ạ. (Tôi đáp liều). 

   Không để ý tới sự lúng túng của tôi, ông nói:

       - Thơ viết như chơi. Câu, chữ không cầu kỳ mà thật nặng làm sao. Nặng là nặng cái ý tứ - Ông nhấn mạnh, rành rọt - Phải có vấn đề! Thơ dứt khoát phải có vấn đề! - Ông mở sách ra - Mình đọc cho Phương nghe bài này - Rồi ông trích đọc một đoạn trong bài thơ “Bạn chơi từ thuở Quàng Khăn Đỏ” của Nhà thơ Trần Nhuận Minh: … “Nửa đêm gõ cửa tìm nhau/ Đèn che nửa bóng chung câu chuyện đời/ Bác rằng cơm đã ăn rồi/ Có chai rượu thuốc ta ngồi uống chung/ Bạn chơi từ thuở

khăn hồng/ Đứa nhờ có vợ có chồng mà lên/ Đứa đi đánh giặc liên miên/ Về quê vẫn chú lính quèn vậy thôi/ Đứa thì đêm lạy van người/ Ngày ngày vênh váo coi trời bằng vung/ Đứa làm đạo diễn văn công/ Nỗi đau đời giấu vào trong tiếng cười/ Đứa đi buôn ngược bán xuôi/ Vào Nam ra Bắc ăn chơi một mình/ Đứa thì làm giám đốc ngành/ Đi đâu cũng có nhân tình đi theo/ Đứa thì áo túm quần đeo/ Tinh mơ vác gạo xế chiều bơm xe”…

       Giọng ông trầm ấm. Tôi như bị mê hoặc trong những câu thơ bình dị, đời thường mà tài hoa được thốt ra từ chất giọng mang âm sắc miền Trung. Thỉnh thoảng ông ngừng đọc để bình từng câu, từng ý cho tôi nghe… Bỗng tiếng chuông điện thoại reo. Ông đứng dậy ra bàn nhấc ống nghe lên: A lô… tôi Bùi Vợi đây… À… à… Thuỷ đấy à. Ừ… ừ… ừ… Nhanh cũng phải mất ba ngày… Ừ… Còn Vĩnh Phúc một ngày… Ừ … ừ… tuỳ các cậu… Khi nào xong thì thông báo cho mình. Ừ… Sao? Các cậu định đưa bài “Bên máy nước“ vào à? Cái ấy thì nặng đấy ! Sâu sắc đấy! À... này, còn phần bạn bè nói về mình nữa… Ừ… ừ… ừ… Thôi, chào nhé! - Đặt ống nghe xuống, ông quay lại nói với tôi - Bên Đài Truyền hình Hà Nội chuẩn bị làm chân dung cho mình.

     - Dạ…- Tôi hỏi - Thế thì Thầy và Cô phải về Thanh Chương chứ ạ?

     - Về chứ! - Ông đáp - Phải mất ba ngày, còn lên Vĩnh Phúc một ngày… 
   -Thưa Thầy - Tôi hướng ông trở lại với mạch thơ vừa bị ngắt - Hôm trước em đọc “Tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi” mà Nhà thơ Nguyễn Công Dương cho chúng em mượn. Trong đó có bài “Thưa cùng Bà Mẹ ăn xin”, đọc xong em và bạn bè cùng nhóm ai cũng xúc động rướm nước mắt, thần người ra.

      Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi nhìn tôi, đôi mắt ánh lên cái nhìn cảm thông:

    - Bài thơ này mình viết trong thời gian gia đình mình còn ở khu tập thể. Bữa ấy, trời rét lắm, mình mặc ba cái áo, cả áo len, áo bông mà vẫn thấy lạnh kinh người. Đang ngồi viết thì bà cụ vào. Vừa nhìn mình đã thấy gai người lên rồi. Trên người bà cụ mỗi tấm áo mỏng, bạc, sờn, rách. Một tay bà cụ chống gậy, tay kia cầm bát, miệng thì nói : Con cắn rơm, cắn cỏ, con lạy các ông, các bà … Nghe mình không chịu nổi nữa chạy đến đỡ cụ, thảng thốt: Mẹ ơi, mẹ như Mẹ của con , xin mẹ đừng xưng hô như thế. Con xin mẹ ngồi lên đây, uống tạm cốc nước cho ấm rồi con sẽ lấy cơm mời mẹ ăn. Nói rồi mình dìu cụ ngồi lên ghế, rót nước. Cụ đỡ chén nước người vẫn run lẩy bẩy. Mình xuống bếp rang cơm rồi bưng lên cho cụ. Nhìn bà cụ ăn mà mình không cầm nổi nước mắt… Nhưng phải một thời gian sau mình mới viết được bài thơ này - Ông nói tiếp sau một lát im lặng - Sau khi bài thơ được đăng Nhà thơ Hoàng Cầm điện cho mình, nói rất cảm động khi đọc bài thơ này - Rồi ông đọc - … “Xin mẹ cứ bước vào/ với bàn chân như thế/ Mời mẹ ngồi. Xin mẹ chớ xưng “con”/ Mẹ là mẹ của bao đời nắng gió/ Của áo nâu, gió bấc, đất bùn/ Xin đừng kể. Lòng con nghẹ đắng/ Nét phúc hậu này của mẹ con đây/ Nét nhăn nheo của đồng sâu ruộng cạn/ Đôi bàn tay mưa nắng teo gầy/ Con mời mẹ uống cốc nước lọc/ Rồi dọn cơm dưa, muối mẹ ăn/ Mẹ đừng kể những nguồn cơn nước mắt/ Một đời con cũng đã thấm phong trần/ Mẹ ngồi ăn mà con thì được ngắm/ cái dáng hình thân thuộc mẹ con xưa/ Ôi ân nghĩa một đời sâu nặng/ mấy biển mấy sông… mấy cho vừa!/ Non tháng nữa đồng lại vào vụ gặt/ Lúa bời bời thiên hạ lại làm thơ/ Con cầm hộ bị cói nghèo giây lát/ Con tiễn mẹ đi, xin mẹ gắng chờ”

     Tôi cũng đã đọc bài thơ ấy vài bận, nhưng nghe ông đọc, tôi cảm giác bài thơ sâu sắc hơn. Những ý tứ của nhà thơ gửi gắm vào đó cứ sáng dần… sáng dần… Bỗng ông ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng cất lên dõng dạc, khúc chiết:

     - Cái này... Cái này là vấn đề của một bài thơ - Rồi ông đọc lại bốn câu cuối - Non tháng nữa đồng lại vào vụ gặt/ Lúa bời bời thiên hạ lại làm thơ/ Con cầm hộ bị cói nghèo giây lát/ Con tiễn mẹ đi, xin mẹ gắng chờ…

    Tôi rùng mình, sởn gai ốc, lạnh sống lưng, nhưng chợt hiểu ra: Đôi khi cả một bài thơ chỉ cần một vài câu thôi đã là một vấn đề người làm thơ cần vươn đến... Và, không ngờ, từ cái buổi chiều như định mệnh ấy. Nhà giáo – Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã trao cho tôi “Nén Tâm Nhang” để tôi tìm đến thắp ở “Ngồi Đền Văn Chương” của Dân tộc Việt Nam.                                 

                                                                  N.N.H.P

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 2
Trong ngày: 113
Trong tuần: 452
Lượt truy cập: 381362

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.