Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

VĨ THANH...

Đỗ Trung Lai

“VĨ THANH” CỦA MỘT BÀI THƠ

CHỊ TÔI
(Kính tặng chị Lưu Hồng Xa (từ khi chị tôi còn, giờ chị tôi đã mất) - vợ goá của liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn - anh trai thứ hai của tôi)

Anh tôi đi mãi không về
Không ai giải được lời thề chị tôi
Chị tôi giờ hết duyên rồi
Bao năm chỉ thấy gió giời trên cao
Bao năm chỉ những ra vào
Bao năm sáo chả lần nào sang sông
Đợi anh đâu thấy vân mồng
Thôi còn biết gửi tơ lòng vào ai
Khi giăng lặn lúc sương mai
Một mình một ngõ lấy ai chuyện trò
Vàng xanh như cỏ đầu bờ
Cỏ còn đợi nước, chị chờ gì đâu?
Sông sâu mà giếng cũng sâu
Cau già đã đốn, giàn giầu đã khô
Rèm thưa trúc sót đung đưa
Trúc rơi từng đốt, người chưa gặp người
Chị tôi giờ hết duyên rồi
Gốc hồng cũng chẳng được ngồi hái hoa
Năm đi qua, tháng đi qua
Chị trôi trong ấy như là trong mơ
Đời người thế cũng xong ư?
Đầu xanh mà đã ba thu một ngày.
Nói chi đến chuyện hao gầy
Chị tôi đã chết từ ngày anh đi!

4
Thưa các bạn!

   Sau khi đọc bài thơ này của tôi, nhiều bạn đã khen bài thơ! Tôi xin cảm tạ!
Nhưng thực ra, chưa một bài thơ nào “hay”, “lớn” hoặc “cao” hơn cuộc sống. Chỉ là, cuộc sống không tự nói ra được nên phải “nhờ” các nhà thơ nói giúp một phần thôi!
Để tôi kể nốt chuyện quanh bài thơ của tôi cho các bạn nghe!
*
   Trước khi anh tôi nhập ngũ và đi chiến trường (1965), anh chị tôi đã có một cháu gái. Cháu tên là Hồng Vân - “Mây Hồng”. “Mây Hồng” được sinh ra ở trạm xá xã nhà (Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay là Hà Nội). Không biết do giời hay do y học thời ấy kém, mà cháu tím bầm và bất tỉnh, khi cô Sa-phăm (Bà đỡ) đang tắm sơ sinh! Đem gấp qua sông Đáy, sang Bệnh viện Vân Đình (Lá cờ đầu của ngành y tế miền Bắc lúc đó), cháu được làm sống lại. Nhưng hỡi ôi! Từ đó, cháu chỉ còn biết cười. Cháu không biết nói, không biết ngồi, không biết đi suốt 21 năm cháu sống ở trên đời! Năm 1982 cháu mất!
   21 năm ấy, “Mây Hồng” chưa một ngày được làm người bình thường! 21 năm ấy, chị tôi chưa được một ngày làm người mẹ bình thường! 21 năm ấy, nước mắt chị tôi đong bằng gì đây? Là út, tôi học đại học rồi cũng nhập ngũ nốt (1972). Trước đó, bốn anh tôi đều đã nhập ngũ, anh cả tôi đi từ thời chống Pháp.
   Cha mẹ tôi ngày một già yếu. Chị tôi xin phép ra ở riêng cùng cháu “Mây Hồng”. Mọi người giúp chị cất một căn nhà nhỏ, cách căn nhà cũ của chúng tôi chỉ vài ba mảnh vườn - chị vẫn dễ về thăm cha mẹ tôi và ngược lại, cha mẹ tôi cũng dễ qua thăm chị và cháu.
  Một lần tôi về phép, nghe làng xóm mách rằng, có một người làng, đã có vợ con, gần đây hay đến nhà chị tôi “nhiều hơn bình thường”. Lại còn mách rõ, tối nay, ông ta sẽ tới nhà chị tôi!
Chập tối hôm ấy, mặc bộ quân phục Tô Châu, đeo gọn chiếc xanh-tuya-rông lính với con dao găm Hung-ga-ry bên người, tôi lặng lẽ ẩn trong vườn dong giềng sau nhà chị tôi. Giận dữ, đau đớn ngập người! May mà tối hôm ấy, ông ta không tới!
   Hết phép, tôi lạy cha mẹ, trở về đơn vị. Cha tôi đi cùng tôi ra cổng. Người cầm tay tôi và khẽ khàng :
- Từ nay, đừng làm thế! Có giời, có Phật, có người, con ạ!
Hóa ra cha tôi biết hết! Tôi chỉ còn biết “Vâng!” trong nước mắt và chạy đi.
*
   Rồi một ngày, chị tôi đưa con trai mình lên nhà chúng tôi. Cha tôi ngồi trên sập, trước ban thờ. Mẹ tôi ngồi trên chiếc ghế tựa bên sập. Chị tôi quỳ xuống và thưa trong nước mắt :
- Ông bà ơi! Con thì coi như bỏ đi rồi. Con chỉ xin ông bà cho cháu mang họ Đỗ Trung!
Cả nhà đứng lặng ngắt. Rồi cha tôi cất lời :
- Đứng lên con! Còn ai khổ hơn con nữa! Ừ, cháu nó mang họ ta!
   Từ đó, hai nhà lại là một. Cháu Đỗ Trung Quyết của chị tôi lớn lên, hiếu thảo, mạnh mẽ, hiểu lẽ phải. Cháu cùng mẹ luôn hương khói trên ban thờ liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn mà cháu coi như cha đẻ. Cháu chăm sóc chị tôi hết sức chu đáo, cho đến khi chị tôi mất. Cháu cũng luôn hương khói và chăm sóc phần mộ cho chị “Mây Hồng” của cháu. Anh chị em tôi cũng đến UBND xã, làm văn bản, đề nghị xã chứng nhận, cháu Đỗ Trung Quyết là con trai của liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn, chính danh. Giờ vẫn thế và mãi mãi là thế.
*
Thưa các bạn !
   Đó là “Vĩ thanh” của bài thơ “Chị tôi” ở trên. Cho nên, tôi mới nói rằng, chả có bài thơ nào “hay”, “cao”, “lớn” hơn cuộc sống. Và, bài học mà tôi học được từ cha mẹ tôi, từ cuộc sống, chắc chắn không phải là “độc nhất vô nhị”, nhưng cũng khó tìm thấy trong các bài học thời bình.
    Cảm ơn các bạn đã bỏ thì giờ nghe câu chuyện của tôi!
                                                                                             Đ.T.L


Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 52
Trong tuần: 601
Lượt truy cập: 380631

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.