Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

VỆT SÁNG

Vũ Thị Huyền Trang

VỆT SÁNG

   Di nổ máy xe, cố gắng đi thật nhanh ra khỏi cổng nhà, bỏ lại sau lưng tiếng khóc như xé vải của con. Thằng nhỏ vừa tròn sáu tháng tuổi, gầy gò xanh xao như dải khoai. Nhất là từ khi Di cai sữa con, thằng bé lười ăn dặm cũng chẳng chịu uống sữa ngoài, khóc rạc cả người. Nhưng Di không còn cách nào khác buộc phải rời con để đi làm. Khoản nợ vài trăm triệu do làm ăn thua lỗ giờ tiền lãi hàng tháng đổ lên lưng mẹ già. Chưa kể vay chỗ này chỗ kia, ngày nào cũng có người đến tận nhà đòi nợ. Hơn một năm qua đã có lúc Di ngậm đắng nuốt cay ôm con đi nhà họ hàng trốn nợ. Lúc quay về thấy mẹ tóc bạc trắng phơ mà lòng chị đau như cắt. Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi bốn đứa con nên người chưa bao giờ để làng trên xóm dưới chê bai. Ấy thế mà giờ đây Di khiến mẹ vừa khổ tâm vừa khổ tấm thân gầy.

  Xe trôi trên đường đê, Di quệt dòng nước mắt nhạt nhòa trên má, thấm ướt cả khẩu trang. Gió sông ràn rạt thổi bên tai, Di men theo vệt sáng nhỏ nhoi của thành phố mỗi lúc mỗi rõ dần phía trước. Khu công nghiệp hiện ra, sau bao năm buôn ba tìm kế sinh nhai thất bại. Kể từ nay Di sẽ gắn bó với nghề công nhân như bao nhiêu bạn bè trang lứa trên mảnh đất quê hương này. Bỏ lại nỗi tủi buồn đau đớn phía sau, Di sẽ bước đi trên một chặng đường tươi mới. Sẽ kiếm tiền trả nợ, nuôi con, chăm sóc mẹ già. Mà biết đâu có ai đó đang chờ Di ở phần đời phía trước...

  Học xong Cao đẳng Y, Di theo người đàn ông mình yêu xuống thủ đô buôn bán quần áo, giày dép ở khu chợ dành cho sinh viên. Cũng chẳng phải tự nhiên mất tiền ăn học xong không đi làm mà tính chuyện đi buôn. Thời buổi người khôn của khó, Di chẳng giỏi giang hơn người, cũng chẳng có quan hệ thân quen nên muốn xin được việc khó lắm. Bạn bè nhiều người ra trường được gia đình đầu tư mở hiệu thuốc, kể cũng ổn. Nhưng San rủ: “Nhà anh bán quần áo ở chợ Nhà Xanh cũng ngót nghét gần chục năm rồi. Giờ mình cứ bán cho bố mẹ, sau này cứng cáp thì mở sạp riêng. Dù gì cũng sẵn đường đi nước bước, có gì khó khăn bố mẹ anh đỡ đần. Chứ em tưởng mở hiệu thuốc mà đơn giản đấy à? Khó khăn đủ thứ”. Người ta bảo “thương nhau thương cả đường đi lối về” nên Di nào có nghĩ ngợi nhiều. Lúc ấy tụi Di còn trẻ, còn thương nhau lắm nên cứ nghĩ khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua. 

   Thời gian đầu nhìn sạp hàng nhà người yêu buôn bán thuận lợi Di cũng thấy ham. Nên hai đứa quyết tâm chạy vạy mở sạp hàng riêng. Vốn mở sạp hàng ở chợ sinh viên không phải nhỏ. Riêng tiền thuê mặt bằng phải trả trước đã vài trăm triệu đồng chưa kể vốn lấy hàng. Di về vay sổ đỏ của mẹ ba trăm triệu, nhờ các dì các cậu xoay xở thêm tổng cộng cũng gần nửa tỉ đồng. San cũng cắm sổ đỏ nhà mình, cũng vay mượn lung tung cố đủ tiền lấy sạp. Lượng khách khu chợ sinh viên đông lắm, nếu làm ăn thuận lợi thì chẳng mấy chốc trả hết nợ nần. Lúc ấy Di mang bầu bé đầu dù chưa cưới hỏi gì. Bụng mang dạ chửa, phơi mặt mưu sinh. Những ngày nắng, sạp hàng nóng như lò lửa, Di gầy rạc cả người.

   Hai đứa tuy đã đăng ký kết hôn nhưng khất lần chuyện cưới xin cũng chỉ vì dồn tiền bạc công sức để làm ăn. Nhưng Di đâu ngờ khi sinh bé đầu, hai đứa dọn về sống chung không được bao lâu thì xích mích chuyện cơm áo gạo tiền, mẹ chồng nàng dâu. Chuyện nhỏ gom lại thành to, mâu thuẫn ngày càng khó hóa giải. San thay tính đổi nết, suốt ngày chơi game, gái gú. Cùng lúc ấy dịch bệnh diễn ra, lại thêm thời buổi mua bán onnile lên ngôi, chỉ một cái click chuột là hàng về tới tận giường. Sinh viên về quê tránh dịch, lượng khách đến chợ ít dần, tiền lời hàng ngày không đủ tiền trả lãi. Di rơi vào khó khăn, đã có lúc phải vay lặng lãi của dân anh chị. Cuối cùng không thể cầm cự nữa Di đành sang nhượng cửa hàng. Cùng khoảng thời gian ấy San công khai có người mới, gia đình nhà chồng không ai đứng về phía mẹ con Di.

   Rời bỏ thành phố, tình yêu đầu đời và bao nhiêu ước mơ tuổi trẻ Di ôm con gái nhỏ về quê. Lúc ấy Di đâu biết mình đã mang thai đứa con thứ 2. Bởi đời sống lo toan cực nhọc khiến chị không nghe thấy dấu hiệu của cơ thể người đàn bà đã thay đổi ra sao. Di không biết nên vui hay buồn. Vài người khuyên: “Bỏ cái thai đi. Đang nợ nần chồng chất, một thân một mình hai đứa con thì nuôi sao nổi”. Vài người xót xa bảo: “Khổ thân, một đứa con còn có thể đi thêm bước nữa. Chứ hai đứa con thì khó lắm...”. Mẹ già mất ăn mất ngủ suốt tuần trời, quệt nước mắt bảo Di: “Cứ đẻ đi. Trời sinh voi trời sinh cỏ. Đứa bé có tội tình gì”.

   Thật ra mẹ nói thế là để động viên Di đừng làm điều gì sai trái. Chứ một thân nuôi bốn đứa con khôn lớn hơn ai hết mẹ biết làm gì có chuyện trời sinh voi trời sinh cỏ. Ba chị gái của Di lấy chồng xa, cuộc sống đều khó khăn vất vả. Lúc con cái khỏe mạnh không sao, lúc ốm yếu thuốc thang là túng thiếu đủ đường. Di từng ngỡ đời mình sẽ khá hơn để đỡ đần mẹ và các chị. Có ai ngờ lại trở thành gánh nặng trên đôi vai gầy guộc tuổi già. Sinh xong đứa thứ hai thì vợ chồng Di chính thức ra tòa. Di chưa đi làm, không có kinh tế nên chị đành để con gái đầu về ở với bố. Những đêm nằm ôm đứa nhỏ nhớ đứa lớn, Di đứt từng khúc ruột, chỉ mong sao ngày tháng trôi qua thật nhanh. Để con sớm biết bò, biết đi, cứng cáp lớn khôn. Di sẽ kiếm việc làm trang trải nợ nần rồi sẽ đón con về chăm sóc. Hôm rứt khuôn miệng chúm chím của con ra khỏi bầu ngực của mình, Di chỉ biết quay đi lau nước mắt. Mấy chị em hàng xóm động viên: “Ai cai sữa con mà chẳng vậy. Rồi quen hết em à”. 

   Cả làng Di, trừ người đã nhiều tuổi còn lại đa phần đi làm công nhân trong khu công nghiệp dưới thành phố, cách nhà gần hai mươi cây số. Khu công nghiệp nằm ở phía bắc thành phố ngã ba sông, gồm hơn ba mươi công ty lớn nhỏ đa dạng các ngành nghề: cơ khí lắp ráp, chế biến nông lâm sản, thiết bị điện, điện  tử, công nghệ  thông  tin, sản xuất hàng  tiêu dùng, công nghiệp hỗ  trợ, vật liệu xây dựng cao cấp, dược  phẩm... Công việc thì không thiếu, thỉnh thoảng lại thấy tin tuyển dụng. Nên Di nộp hồ sơ phỏng vấn là được nhận vào làm luôn trong một công ty chuyên sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử. Mấy ngày đầu đi làm, ngực căng cứng sữa nhớ con chỉ biết khóc thầm. Rồi công việc cuốn Di đi. Bạn bè đồng nghiệp ai cũng gần gũi, chia sẻ, đồng cảm với nhau nên Di thấy vơi đi bớt nhọc nhằn. Suốt hai năm với bao nhiêu biến cố thăng trầm, cuối cùng Di cũng có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. 

   Vào công ty làm việc, gặp gỡ mọi người Di mới thấy có nhiều hoàn cảnh còn khổ hơn mình. Chị Lam chồng mất vì tai nạn đã bốn năm, để lại đứa con bị bệnh Down bẩm sinh cùng bố mẹ già không nơi nương tựa. Lam nói: “Cả đời này chị không dám nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình nữa”. Di nhìn người đàn bà đằm thắm ấy mà xót xa thay. Em Hạnh, kém Di ba tuổi từng có lần nghĩ quẩn ôm hai đứa con định nhảy xuống sông Hồng tự tử.

Hạnh nói:

- Lúc đấy em bị trầm cảm sau sinh mà đâu có biết. Đẻ đứa lớn xong chưa kịp đi làm thì mang bầu đứa nhỏ. Suốt mấy năm ở nhà tiền không có, vài chục ngàn mua băng vệ sinh cũng phải ngửa tay xin chồng. Mỗi ngày đều phải nhìn sắc mặt người nhà chồng mà sống. Lúc đẻ đứa thứ hai, chồng đi bồ bịch. Em ở nhà một mình trông con chẳng có ai chia sẻ, đỡ đần. Đứa nhỏ hay đau ốm quấy khóc đêm ngày. Em thấy đời mình sao mà cơ cực quá, chỉ muốn giải thoát cho mấy mẹ con đỡ khổ. Giờ mỗi lần nghĩ lại đều thấy rùng mình. May hôm đó gặp được người tốt níu tay mình lại. Sao lúc ấy em ngu quá chị ơi.

- Chị cũng từng có lúc những ý nghĩ dại dột lóe lên. Nhưng may chị còn có mẹ để vịn vào. Thế bây giờ chồng em thế nào?

- Em không biết. Em bỏ rồi còn quan tâm kẻ phụ bạc làm gì. Hôm em định tự tử may có mấy chị công nhân đi làm về xuống túm vào lôi em lại. Sau biết hoàn cảnh mấy chị khuyên em gửi con về nhà ngoại rồi xin đi làm. Em vào đây là nhờ mấy chị ấy xin hộ đấy. Nhưng các chị ấy làm ở các bộ phận khác. 

- Thế cứ cuối tuần lại về ngoại thăm con à?

- Đâu có. Nhà ngoại cũng gần đây thôi, em đi về mất tầm ba mươi phút. Thế còn chị, xa con bé lớn chắc là buồn lắm nhỉ? Chị có hay gọi điện nói chuyện với con không?

- Chị ít gọi lắm. Lần nào gọi con bé cũng khóc, chị không cầm lòng được. Chị chờ thằng Thóc lớn hơn rồi sẽ đón đứa chị về. Chứ giờ đón về thì mẹ chị không kham nổi. Bà còn mấy sào vườn, nửa mẫu ruộng. Mà chị cũng muốn trả bớt nợ nần. Nuôi thêm một đứa con cũng chẳng dễ dàng gì. Là thêm một miệng ăn. Thêm các khoản đóng góp học hành. Bố nó cũng tuyên bố rồi, nếu đón về thì tự nuôi chứ không chu cấp. Mà chị nghe nói bố tụi nhỏ sắp đi bước nữa...

  Vài câu chuyện đời thường khiến chị em đồng nghiệp thêm gần gũi nhau hơn. Những tiếng cười khiến tụi Di thấy cuộc đời bớt khổ. Thấy những giờ tăng ca cũng bớt nhọc nhằn. Dạo này Di hay về muộn do phải ở lại tập luyện để chuẩn bị cho giải bóng đá công nhân lao động tỉnh năm 2022, nhân chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Giờ tập luyện được tính vào giờ tăng ca. Mỗi lần ra sân Di thấy mình như biến thành người khác. Hừng hực sức trẻ như cô sinh viên tuổi hai mươi dưới mái trường cao đẳng. Di tạm quên hết muộn phiền, lo toan, chỉ có tình yêu dành cho sân cỏ và những người đồng nghiệp của mình. Cùng tập luyện, vui đùa, động viên nhau cố gắng. Sau buổi tập, trở về nhà, từng chùm cười cứ theo Di mãi. Đường đê hun hút gió, Di lại men theo vệt sáng lấp lánh trong ánh mắt con thơ đang đợi mình về. Mẹ già ngồi ở đầu hiên nhìn mẹ con Di ôm ấp, hôn hít nhau sau một ngày xa cách. Bà cười hiền hậu, khẽ giục con đi tắm nhanh còn vào ăn cơm. Di nhìn trời sợ đêm có mưa, nên nhấc mấy tải lúa được buộc sẵn vào trong bếp. Xong việc Di bảo mẹ:

- Mấy hôm nữa con định bán hàng online thêm mẹ ạ.

- Đi làm suốt thời gian đâu mà bán hàng hả con?

- Bán online thì cứ tranh thủ thời gian thôi mẹ ạ. Tranh thủ đăng bán hàng, nếu có đơn mình dồn lại đi làm về con đi ship. Mà con bán hàng gia dụng, làm thêm ít kim chi, măng ớt, cà muối bán cho chị em trong công ty. Đi làm thì tiện mang hàng đi ship luôn mẹ ạ. Là mấy chị em xui con bán đấy. Họ còn cho con cả địa chỉ kho hàng. Kinh doanh online giờ cũng không cần vốn nhiều, cứ đăng bài lên gom đơn mới gọi cho kho hàng mang đến. Mọi người bảo những vật dụng cần thiết đằng nào cũng phải mua, vậy thì mua ủng hộ nhau tiện lợi cả đôi đường. Công nhân khu công nghiệp đông lắm, ngày kiếm vài đơn thêm tiền sữa bỉm cho tụi nhỏ. Con tính hết hè sẽ đón bé Bống về. Bố nó sắp lấy vợ, sống cảnh con chung con riêng phức tạp lắm. Con cũng không muốn hai chị em nó mỗi người một nơi mẹ ạ. Con chỉ thương mẹ sẽ vất vả hơn.

- Cứ đón con bé về đây. Vất vả rồi cũng qua. Nuôi mãi rồi cũng lớn. 

   Gió sông thổi mớ tóc trắng của mẹ bay xao động lòng Di. Chị nhấc bổng đứa con trai nhỏ lên hôn hít khắp người thằng bé. Tựa người vào cột nhà, ngó thứ ánh sáng nhập nhoạng của buổi chiều tàn sắp chìm vào bóng tối, lòng Di tự nhiên thấy thanh thản lạ lùng. Nó giống như sự bình yên của bầu trời sau một cơn giông bão...

                                                                              V.T.H.T

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Trong ngày: 94
Trong tuần: 736
Lượt truy cập: 378099

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 

Cầm Sơn - 0913269931

Cũng cần cảm thông với ông Troussier. Nếu nói về thành tích trong quá khứ, ông Park Hang Seo không thể sánh với ông Troussier được. -Trong sự nghiệp huấn luyện đồ sộ của mình, giai đoạn thành công nhấ...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN! ÔNG HLV NGƯỜI PHÁP CHƯA BAO GIỜ THÀNH CÔNG "VANG DỘI"! CÓ ĐIỀU NÀY ĐÚNG: CHẢ NÊN TRÁCH ÔNG TA NHIỀU! TRÁCH LÀ VFF QUÁ TIN ÔNG TA, KẺ CAO NGẠO, BẤT TÀI! VẬY THÔI!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.