Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

VẺ ĐẸP NGHĨA TÌNH

Nguyễn Thị Mai

VẺ ĐẸP NGHĨA TÌNH TRONG MỘT PHONG CÁCH THƠ TÀI HOA, LỊCH LÃM

  Những người yêu thơ và quan tâm đến miền đất văn nhân Nam Định đều biết đến nhà thơ Phạm Trọng Thanh. Bởi từ năm 1965, ông đã xuất hiện là cây bút rất trẻ với giải Nhất cuộc thi thơ toàn tỉnh Nam Hà năm 1965 bằng bài thơ “Gặp em”. Từ đó, tên tuổi Phạm Trọng Thanh càng được nhiều bạn đọc hâm mộ qua gần chục tập thơ với hàng trăm bài thơ đã đăng khắp các mặt báo địa phương và Trung ương.

   Gần 60 năm trôi qua, nhà thơ Phạm Trọng Thanh vẫn bền bỉ sáng tạo, thuỷ chung với Thơ và âm thầm dâng hiến tinh hoa cảm xúc cho đời. Sự bền bỉ thuỷ chung ấy có bản lĩnh một cốt cách thơ, một tâm hồn nhân văn, nhân hậu của người thơ. Đủ để đúc kết: giá trị thơ của ông là vẻ đẹp nghĩa tình trong một phong cách thơ tài hoa, lịch lãm.
Con người ta sinh ra có vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn. Vẻ đẹp tâm hồn thể hiện ở ngôn ngữ, tư duy, tình cảm, giao tiếp, ứng xử… thì thơ Phạm Trọng Thanh không ngoài những vẻ đẹp ấy. Đó là cái nghĩa cái tình xuyên suốt một đời thơ:

Con đừng khóc kẻo muối tan thành nướcp.t.thanh
Đê ngoài kia kè đá sóng hà hơi
Làng ta đấy, một nửa chìm là biển
Một nửa nhọc nhằn đời mẹ, con ơi
( Viết cho hạt muối)

Ở đâu hơn thế quê nhà
Nẻo đường ân nghĩa bắc qua nghìn đời
Trấu vàng rắc dặm vàng phơi
Hạt thơm của đất còn nuôi tình làng…
( Con đường rắc vỏ trấu vàng)

Hạt nuôi ta dáng con thuyền
Lênh đênh từ thuở truân chuyên cấy trồng
(Hoa lúa)

Mái nhà ta có câu thơ gõ cửa
Thành phố nuôi anh còn đó sách đèn…
Thành phố cho mình cả lúc hiệu còi lên
Bom với đạn chất chồng năm tháng cũ
Bạn ta đi bao người không về nữa
Ước vọng ngọt ngào những tán bàng xanh
(Nhớ về Nam Định)

   Còn rất nhiều, rất nhiều những câu thơ thấm đượm nghĩa tình như vậy. Ông ơn nghĩa mẹ cha sinh thành và ơn nghĩa quê hương nơi nuôi ông lớn lên trong khó nhọc đói nghèo. Điều trân trọng nhất là ông đã giải quyết được mối quan hệ giữa hiện thực cuộc đời ông và ân nghĩa với quê hương. Đó là: cho dù gia cảnh từng bị oan khuất khổ đau nhưng ông vẫn nhìn ra điều lớn lao, tốt đẹp hơn, bằng tấm lòng vị tha nhân hậu, vẫn “Thầm lặng yêu tha thiết cuộc đời này” (Ta làm bạn với nỗi buồn…). Cho dù đã từng “phải nhận phần đắng cay/ Ngày thương mẹ bếp nhà không ánh lửa/ Mưa bụi vườn giêng hai/ thằng bạn chăn trâu lén cho bát gạo/ ngôi miếu cổ tre rào rào trút áo/ …anh lạc loài bên lối cũ tầm xuân” (Mùa gặt quê nhà) thì ông cũng không vướng bận hận thù mà còn tin yêu gấp nhiều lần mảnh đất và con người nơi ông sống “còn có một quê hương nhân ái/ quê hương không biết dối lừa/có thể chữa lành vết thương không chảy máu” (Mùa gặt quê nhà). Đó là phẩm chất của cảm xúc: Đớn đau và kìm nén, khổ buồn và tự trọng, lặng lẽ và tin yêu. Điều may mắn là ông biết chắt lọc cảm xúc đó vào thơ sau khi ông chiêm nghiệm ra quy luật của tình người “ai chẳng mang một ít biển trong người” (Muối). Từ cảm xúc rộng lòng như biển, thơ ông đi ra với bạn bè và cuộc đời. Ấy là đồng đội và những năm tháng đời lính. Tuy những năm tháng ấy không nhiều nhưng đủ để giúp ông giàu vốn sống, có nghị lực, đặc biệt là nhận ra chân giá trị của máu xương đổ xuống mảnh đất này mà trải lòng ơn nghĩa:

Gọi thầm người chẳng còn thưa
Chớp đông biển bắc sa mưa đỉnh ngàn
Đọc hàng bia mộ nghĩa trang
Nhớ từ nấm mộ chân nhang nhớ về
( Gọi thầm)

   Ở chủ đề này thơ Phạm Trọng Thanh có cả một chương nhan đề “Dọc cánh rừng tuổi trẻ”. Ông miêu tả những con đường ra mặt trận trong bom đạn, những làng quê đói nghèo trong cát cháy cỏ khô, những vùng đất hoang vu, vùng rừng lầy lội cháy đen vì bom dội đến con tê giác dũng mãnh cũng không sống được. Và đặc biệt trong không gian chiến tranh khắc nghiệt ấy, con người hiện lên đẹp đến thánh thiện. Họ là những người “Dựng dậy rừng dương cháy…vun lên từng đống mảnh gang/ đặt xuống sợi dây khoai héo lả…(Ghi chép ở một làng binh trạm) quyết phải dựng xây sự sống. Họ là những bà mẹ trẻ sinh con và hát ru con trong lòng địa đạo, những o giao liên tất bật vui vẻ trong gian lao, những bà má chở che cho bộ đội, những cô văn công chiến trường bất chấp hiểm nguy đến tận vòm hang phục vụ người lính. Còn những người lính, giữa sự sống và cái chết, họ vẫn dám hy sinh để bảo vệ Tổ quốc này…Với cách nhìn và cách cảm của nhà thơ, con người trong chiến tranh hiện lên sáng như ngọn đèn, ấm như ngọn lửa với muôn vẻ đẹp của lời nói, hành động và tinh thần lạc quan chiến thắng.

   Nếu không phải người giàu nỗi niềm suy tư, dấn thân trong cuộc chiến, nhà thơ không có những câu thơ sâu sắc: “Đã có những tháng năm không quên ở đây/ như không có câu nói thừa/trời chao đảo trong khói bom huỷ diệt/đất chất chứa những lời bình tĩnh nhất/ Nơi câu thơ xung trận đã lên đường” (Ghi chép ở một làng bình trạm). Từ hậu phương ra chiến trường, từ đồng bằng đến trung du lên miền rừng núi, sang cả nước bạn Lào, Camphuchia, từ thôn quê đến phố phường, từ đất liền ra biển khơi Tổ quốc… nhà thơ đi khá nhiều, đi đến đâu có thơ đến đó nên trong thơ cũng khá nhiều địa danh. Điều đó không làm nên giá trị thơ. Giá trị thơ phải ở cái nhìn và cảm xúc của nhà thơ về những nơi mình đến ấy. Vậy nên tài của nhà thơ Phạm Trọng Thanh là vẽ cái đẹp bằng mắt. Ngôn từ đi theo mắt làm phương tiện để tạo ra bức tranh hiện thực cuộc sống thật sinh động, nên thơ, có khi thi vị hoá và đầy sự liên tưởng:

Mực tím ai pha vào biển biếc
Chiều đội mây cao chở ráng về
Gió khơi tí tách mùi tôm nướng
Sách vở đi vòng suốt dải đê
( Phố biển)

Biển hào phóng muôn đời sức trẻ
Thuyền cá chòng chành kéo mặt trời lên
(Thư Nha Trang)

Bến sông Hồng hoàng hôn màu lửa cháy
Chuyến đò chở dân công lặng lẽ rẽ sao trời
(Trở lại nẻo đường xưa)

   Tài chưa đủ để thơ chiếm lĩnh tâm hồn bạn đọc. Thơ còn phải có tình. Ấy là bản chất của thơ. Mà tình thơ chính là tình người. Đọc thơ Phạm Trọng Thanh ta cảm tưởng như mỗi nơi ông qua, mỗi người ông gặp là những gì khiến ông rất xúc động, gắn bó sâu sắc với ông – một tâm hồn dễ đau và dễ cảm. Vì thế thơ Phạm Trọng Thanh thiên về biểu cảm trữ tình. Lời lẽ thủ thỉ, không ồn ào to tát mà có sức lôi cuốn. Những bài thơ tình rất tình tứ, có tán tụng mà tế nhị, ngọt ngào, có duyên. Ví như các bài: Cây cói ở trong nhà, Nhớ về Nam Định, Nhà em ở phố Cửa Trường, Chợ Cầu, Đi chợ Cầu Vồng, Cầu trời, Tán bàng cho em, Sông Vân… Ấy là phong cách thơ tài hoa lịch lãm.
Về tài hoa, trước hết thơ Phạm Trọng Thanh thể hiện ở cách cảm nhận tinh tế.:

Cây xoè lọng mời tháng Tư làm Trạng
Nắng mới đăng quang các ngả tơ trời…
Chùm tiếng sẻ chuỗi hoa xinh lấp ló
Cội cây già lá thở gió như mơ…
(Tán bàng cho em)

  Một khổ thơ 4 dòng vừa tả cảnh, tả tình sống động vừa giàu tính liên tưởng. Bởi không gian sống của nhà thơ ở miền đất văn nhân đã từng có trường thi, khoa bảng, có quan Trạng, có vinh quy bái tổ với lọng ô đón rước… của một thời đã đi vào lịch sử, văn hoá thì tất yếu nhìn cái gì cũng dễ liên tưởng đến bản sắc của miền đất mình sống. Cách phát hiện rồi ví von, nhân hoá cảnh vật trong khổ thơ trên là điển hình của sự cảm nhận tinh tế.
Sự tài hoa trong thơ Phạm Trọng Thanh còn ở cách lựa chọn chi tiết hình ảnh đưa vào thơ. Với thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung không thể bê nguyên xi cuộc sống vào tác phẩm mà phải lựa chọn. Nhưng lựa chọn phải tiêu biểu, điển hình mang tính khái quát đại diện và đặc trưng. Thơ Phạm Trọng Thanh làm được điều đó:
“Vòm phượng vĩ trong khuya thắp lửa/ Gió khơi khơi nhấp nhổm Hòn Chồng…. Xanh nghìn thuở trời xanh sà đáy vịnh/ Dáng Tháp Bà tuyệt mỹ đỡ tầng không… Đêm huyền sử núi choàng ôm ngực biển/ Gốc trầm hương vấn vít mấy vùng trời…( Thư Nha Trang). Tác giả chỉ cần chọn hoa phượng vĩ, Hòn Chồng, Tháp Bà, trầm hương mà biểu cảm. Thế là “chân dung Nha Trang” đã hiện hình với đặc trưng riêng của một miền đất đẹp.

   Và “chất lịch lãm” trong thơ Phạm Trọng Thanh thì nổi nhất vẫn ở giọng điệu và từ ngữ, (lịch lãm ngôn từ). Trên đã nhận xét lời lẽ thơ ông không ồn ào to tát, chỉ nhẹ nhàng, thủ thỉ… Thế mà thấm và chạm vào suy nghĩ người đọc. “Đi dọc bờ cát ướt/ Bắt gặp cái vô cùng/ Một chút gì rợn ngợp/ Sóng muôn trùng cô đơn” (Sóng). Ấy là giọng điệu. Nó có nhịp thơ, điệu hồn thơ, vần luật thơ… Việc dùng từ ngữ trang nhã, trang trọng, có khi mơ mộng, không gây cảm giác mạnh, không làm tổn thương, không ám ảnh về cái xấu mà chỉ thấy vấn vương về cái đẹp. Thì đấy là chất lịch lãm trong thơ Phạm Trọng Thanh. Kê ra thì nhiều nhưng có thể chỉ chọn một số câu thơ tài hoa mang tất cả đặc trưng trên:

Nhớ về mái tóc hương nhu
Lá răm để mắt mùa thu hẹn rằm
(Hạt mưa con gái)

Trăng xuân kẻ một nét mày
Dường như trăng mượn lúa này làm duyên
(Hoa lúa)

Vớt lên khói sóng Tiền Đường
Trăm năm này cõi vô thường người ta
Bụi hồng bạc xoá lau xa
Tiếng Kiều đồng vọng cỏ hoa cúi đầu…
…Chiều tà buộc nắng lưng cây
Biết đâu mây trắng còn ngây lối về.
(Ngoảnh lại Giang Đình)

   Như vậy, gần 60 năm bền bỉ đam mê sáng tạo, nhà thơ Phạm Trọng Thanh đã định hình được phong cách cho thơ mình. Ấy là những nét riêng của một tư tưởng sáng trong, ân tình, ân nghĩa tràn đầy tin yêu cuộc sống với bút pháp tài hoa lịch lãm.

  Tuy nhiên thơ là người. Phạm Trọng Thanh vốn con nhà nề nếp gia phong, tính bản thiện nhân văn, nhân hậu nên cảm xúc thơ ông dù dạt dào, trào dâng thiết tha thì vẫn trong khuôn phép như sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh quê ông luôn phải chảy giữa đôi bờ đê chắn giữ. Có gì đó còn giữ gìn, có gì đó còn chưa dám nói đến cùng cảm xúc…
Nhưng một đời thơ mà định hình được khá rõ nét phong cách như Phạm Trọng Thanh quả là rất đáng quý trọng. Bởi ông vừa góp phần đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của người đọc, vừa góp phần làm cho thơ không nghèo nàn khô cứng mà phong phú như cuộc sống của chúng ta vậy.

  Để kết luận với bạn đọc về ông, xin được trích hai câu thơ sau đây là đủ:

Có người lặng lẽ tin yêu
Đầy hai con mắt đăm chiêu mùa màng
( Hoa lúa).
                                                                          N.T.M
(Nguồn: Báo Văn học - Nghệ thuật)
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Quảng cáo
congnhan12345
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 111
Trong tuần: 564
Lượt truy cập: 383955

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ GIỚI THIỆU!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH, NHÀ VĂN CẦM SƠN! RẤT NHIỀU BỨC ẢNH CỦA NGÀY HÔM ĐÓ ĐÃ CÙNG VỚI BÀI NÓI CỦA TÔI LÀM NÊN KHÔNG KHÍ TƯƠI VUI, HÀO HỨNG CỦA BUỔI RA MẮT SÁCH! CHÚC MỪNG NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG TS NHÀ THƠ LÊ TUẤN LỘC VỚI TẬP THƠ ĐỘC ĐÁO, IN ĐẸP!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÁI PHỤC BÀ MÂY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Thuộc loại "chuyện bây giờ mới kể" đây! Cám ơn tác giả! Mượn lời bà SUỐI để nói về bà MÂY: "Bái phục bà MÂY" ! Haiza!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN VÀ BAN BIÊN TẬP ĐÃ ĐĂNG BÀI VIẾT NHÂN DỊP NHÀ THƠ NGUYỄN HUY HOÀNG RA MẮT TUYỂN THƠ VÀ TRUYỆN KÍ TẠI HỘI TRƯỜNG HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM!

 
Xem toàn bộ
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0964 131 807
Email: soncam52@gmail.com
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công nhân.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông Chi hội Nhà văn Công nhân.